SỐ 61 - THÁNG 1 NĂM 2014

Cuồng phong Haiyan
Thế giới sẽ ra sao khi trái đất ngày càng nóng?

Ngô Thụy Chương


..

Phi Luật Tân vừa qua một cơn bão khủng khiếp. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, cơn bão Haiyan này đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người và gây cảnh màn trời chiếu đất cho hàng triệu người.

Phi Luật Tân là một trong những quốc gia đang bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi thiên tai như động đất, lũ lụt và bão tố. Trung bình hàng năm Phi Luật Tân bị hơn hai mươi trận bão. Lý do vì Phi Luật Tân nằm trên trục đường di chuyển của các cơn bão bắt đầu từ những hải đảo nơi Thái Bình Dương và tiến về khu vực Á Châu. Vùng biển miền trung của Việt Nam cũng thường bị bão vì cũng nằm trên tuyến đường di chuyển của các cơn bão.

..

Bão được hình thành trong các vùng nước ấm và nhiệt độ nước biển trên 27 độ. Trong vùng biển Thái Bình Dương và nhất là vùng Viễn Ðông vào mùa hè nhiệt độ thường trên 30 độ. Nước ấm cung cấp thêm sức mạnh từ phía dưới tạo thành những cơn bão.

Bão Haiyan là một trong những cơn bão nguy hiểm nhất trong mười năm vừa qua. Tốc độ gió trên 300 km một giờ. Với tốc độ gió mạnh như vậy dễ dàng tạo những cơn sóng cao từ 5 đến 15 mét.

Trái đất sẽ ra sao trong những năm tới đây?

Trong hơn mười năm qua, những thiên tai như sóng thần, cháy rừng, bão tố, lũ lụt liên tục xẩy ra với một nhịp độ thật nhanh. Các tổ chức trên thế giới về môi sinh đã nhiều lần báo động về thảm họa thiên tai sẽ không lường được nếu các quốc gia trên thế giới không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.

Một báo cáo được công bố cuối năm 2012 của Munich Re, một trong số công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới cho thấy “những thảm họa nặng nề thế giới đang gặp phải đó là lũ lụt và bão tố. Ðây là những thiệt hại do thời tiết gây ra lớn nhất trong hơn 30 năm qua. Số lượng thảm họa này tăng 5 lần tại khu vực Bắc Mỹ, tăng 4 lần tại châu Á; 2,5 lần tại châu Phi; 2 lần tại châu Âu và 1,5 lần tại Nam Mỹ. Nhiệt độ nước biển ngày càng tăng tạo những trận bão và cuồng phong cao độ hơn.”

Thập niên vừa qua thế giới đã chứng kiến những trận thiên tai khủng khiếp điển hình như sau:

- Cơn địa chấn và sóng thần (Tsunami) tháng 12-2004 tại Ấn Ðộ Dương đã tàn phá nặng nề 14 quốc gia dọc vùng biển này; trong đó các quốc gia Nam Dương, Sri Lanka, Ấn Ðộ và Thái Lan có số tử vong cao nhất. Những trận động đất liên tục cùng lớp sóng thần cao hơn 10 mét trong chớp mắt đã cướp đi trên 225.000 người, số người mất tích lên đến 45.000 và khoảng 1.600.000 người mất gia sản, nhà cửa. Cho đến nay, thiên tai này là một trong những thảm họa gây nhiều tử vong nhất trong lịch sử thế giới.

..
- Trận bão Katrina tháng 8-2005 là một trận hồng thủy lớn nhất nước Mỹ từ trước tới nay. Bão Katrina đã phá tan con đập ngăn nước biển và tàn phá 80% thành phố New Orleans, tiểu bang Louisiana. Gần 2.000 người chết và hơn 300.000 căn nhà bị tàn phá.

- Ðộng đất và sóng thẩn tháng 3-2011 tại Nhật Bản, các đợt sóng cao 15 mét và có một vài nơi cao trên 20 mét đã gây thiệt hại với tổng số chết và mất tích trên 24.000 người, gần 90.000 căn nhà bị hư hại. Thành phố Otsuchi có dân số 16.000 người thì đã có đến 8.000 người bị thiệt mạng vì trận sóng thần này.

 

..
- Bão Sandy tháng 10-2012 tàn phá vùng miền biển đông Hoa kỳ và các quốc gia lân cận như Jamaica, Cuba, Haiti. Trận bão này ảnh hưởng đến hầu hết các tiểu bang miền đông nước Mỹ với gần 150 người bị thiệt mạng, thành phố New York ngập sâu trong nước và 50 triệu dân Mỹ đã bị ảnh hưởng bởi cơn bão Sandy này.

- Bão Haiyan tại Phi Luật Tân tháng 11-2013 với số người thiệt hại trên 5.000 người. Tin tức đầu tiên cho thấy Haiyan đã để lại những tổn thất khủng khiếp chưa từng xảy ra từ trước tới nay. Sự tàn phá không thể hình dung nổi và vô cùng tàn khốc, ảnh hưởng tới 2/3 dân Phi Luật Tân, khiến khoảng một triệu người mất tài sản và nhà cửa.

Thế giới đang đứng trước một thử thách lớn, nhiệt độ trái đất ngày càng tăng. Các quốc gia trên thế giới đã ấn định mục tiêu giới hạn tình trạng khí hậu nóng lên ở mức 2°C so với kỷ nguyên trước. Nếu không có kế họach giảm bớt tiêu thụ năng lượng thì nhiệt độ có thể tăng gần 5°C từ nay cho đến cuối thế kỷ. Mực độ nước biển mỗi năm tăng 3 mm hay 30 cm cho một thế kỷ. Tuy nhiên sự gia tăng này có thể sẽ nhanh hơn nữa và các thiên tai sẽ không lường được.

Trong bài “Als het water stijgt” của Tim Folger đăng trên tạp chí National Geographic tại Hòa Lan số tháng 9 năm 2013, tác giả đã viết: “Gần hai ngàn năm qua, mực nước biển hầu như không thay đổi. Nhưng đến cuối thế kỷ thứ 19, khi trái đất bắt đầu nóng hơn thì mực nước biển bắt đầu gia tăng và với tốc độ gia tăng như hiện tại, đến năm 2100 mực nước biển sẽ tăng hơn 1 mét”.

Radley Horton, chuyên gia nghiên cứu của Earth Institute thuộc trường đại học Columbia tại New York cho biết: ”Trong những năm vừa qua, các tảng băng tại Greenland và West-Antarctica càng ngày càng bị tan ra nước một cách nhanh chóng. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục xẩy ra thì mực nước biển vào cuối thế kỷ 21 này sẽ tăng đến 1,85 mét”. Người ta tính rằng nếu như toàn thể các tảng băng vùng Greenland này bị tan hết thì mực nước biển sẽ tăng đến 7,5 mét.

Hòa Lan bị ảnh hưởng gì khi mực nước biển gia tăng?

Theo Viện Khí Tượng Hoàng Gia Hòa Lan (KNMI), mực nước biển tại Hòa Lan sẽ tăng tối đa 85 cm vào cuối thế kỷ này. KNMI cũng không loại trừ giả thuyết có thể tăng nhanh đến 1,5 mét thay vì 85 cm như dự tính.
Người Hòa Lan có lẽ không thể quên được đêm kinh hoàng của ngày 31 tháng giêng năm 1953 khi một cơn bão lớn từ vùng biển Noordzee thổi vào đất liền. Bà Ria Geluk, người thành lập viện bảo tàng “Watersnoodmuseum” tại Ouwerkerk đã kể lại kỷ niệm hãi hùng vào ngày 31-1-1953 như sau: “Lúc ấy tôi mới có sáu tuổi và cũng sống ở Zeeuwse eiland Schouwen – Duiveland như hiện nay. Giữa đêm đó bỗng nhiên một người hàng xóm đến gõ cửa và báo cho gia đình tôi là bờ đê đang bị nứt bể. Chỉ vài tiếng đồng hồ sau, tất cả gia đình tôi cùng một vài người bạn láng giềng đã phải bò lên trên mái nhà để tránh lụt. Căn nhà đối diện chúng tôi do ông bà tôi ở. Ông bà tôi lúc đó không thể ra khỏi căn nhà này, cho đến khi toàn bộ làng tôi bỗng nhiên ngập nước, ông bà tôi bị chết khi căn nhà bị trôi sập. Chúng tôi may mắn sống sót vì căn nhà của chúng tôi không bị thiệt hại.” Trận thiên tai nghiệt ngã này đã lôi theo 1.836 sinh mạng.

Sau biến cố đau thương này, chính phủ Hòa Lan đã bắt đầu tiến hành dự án “Deltawerken”, một hệ thống đê điều được thực hiện để bảo vệ hàng triệu người đang sinh sống dọc theo bờ biển. Dự án này đã trải dài trong hơn 40 năm với một ngân sách khổng lồ 5 tỷ Euro. Ðây là một loạt các dự án xây dựng ở phía tây nam của Hòa Lan để bảo vệ một khu vực rộng lớn của vùng Zeeland, zuidelijk Zuid-Holland và Noord-Brabant.

Ngày nay, vì mực nước biển dâng cao ngày càng nhanh, Hòa Lan cũng bắt đầu có những kế hoạch để đối đầu với những thiên tai mới. Với một quốc gia mà phần lớn đất đai nằm dưới mực nước biển thì những kế hoạch được gọi là “an toàn quốc gia” luôn luôn được lưu tâm tới.

Thế giới nghĩ gì về thiên tai?

Trước những thay đổi về khí hậu và tình trạng ô nhiễm môi trường sống, một thoả ước được ký kết vào tháng 12 năm 1997 tại Tokyo, Nhật Bản. Cho đến này đã có hơn 180 quốc gia ký vào thảo ước này. Mục đích của thỏa ước nhằm cân bằng lại lượng khí thải trong môi trường ở mức độ có thể ngăn chặn những ảnh hưởng nguy hiểm cho sự tồn tại và phát triển của con người và xã hội. Mặc dù rất nhiều quốc gia đã ký vào thỏa ước, nhưng kết quả không khả quan, các quốc gia có số lượng khí thải to lớn như Trung Quốc, Mỹ, Ấn Ðộ mặc dù có ký kết nhưng vẫn không đáp ứng đúng yêu cầu đặt ra trong thỏa ước.

Tuy nhiên trước những thiên tai lụt lội xẩy ra trước mắt, rất nhiều thành phố trên thế gìới đã có những biện pháp riêng để bảo vệ cư dân của mình. Thời gian qua, nhiều phái đoàn các thành phố lớn trên thế giới như New York, New Orleans và ngay cả Việt Nam đã đến Hòa Lan để tìm hiểu và học hỏi những kinh nghiệm đê điều tại quốc gia nhỏ bé này.  Arcadis, một công ty cố vấn và xây dựng của Hòa Lan, đã có nhiều công trình xây dựng trên thế giới. Arcadis đã lập một kế hoạch chống lũ lụt tại vùng đầu con sông Hudson, kế hoạch này nhằm bảo vệ thành phố New York chống lại sự dâng cao của mực nước nơi đây. Trước đó công ty Arcadis đã tham gia trong việc xây dựng con đê dài 2,3 km tại New Orleans; chính nhờ con đê này mà vùng Lower Ninth Ward, New Orleans đã không hề bị thiệt hại khi cơn sóng thần cao hơn 4 mét của cơn bão Issac tháng 8-2012 đổ xuống vùng này.

..Nhằm mục đích thức tỉnh thế giới về hiểm hoạ thiên tai đang càng ngày càng khốc liệt, trong buổi họp về sự biến đổi khí hậu lần thứ 19 của Liên Hiệp Quốc tháng 11-2013 vừa qua, ông Yeb Sano, trưởng phái đoàn Phi Luật Tân đã có đoạn phát biểu như sau:

“… Hình ảnh sau cơn bão Haiyan cũng dần dần trở nên rõ ràng hơn. Sức tàn phá thật khủng khiếp. Và như thể điều đó còn chưa đủ, một cơn bão mới đang hình thành trong vùng nước ấm ở bờ tây Thái Bình Dương. Tôi rùng mình khi nghĩ tới một cơn bão khác sẽ tấn công chính những nơi mà người dân thậm chí còn chưa thể gượng đứng dậy nổi.

Với ai vẫn còn phủ nhận thực tế rằng đó là do biến đổi khí hậu, tôi xin mời người ấy đến các đảo ở Thái Bình Dương, ở Ấn Độ Dương và nhìn mực nước biển đang dâng lên, đến những vùng đồi núi ở Himalayas và Andes để nhìn người dân nơi đây đang đương đầu với lũ lụt do băng tan, đến vùng Bắc Cực nơi các đỉnh băng đang bị thu hẹp nhanh chóng, đến các vùng đồng bằng rộng lớn, vùng sông Hằng, Amazon, sông Nile, nơi sinh kế và sinh mạng con người đang bị nhận chìm, tới đồi núi vùng Trung Mỹ nơi đang phải đối mặt với những cơn bão hung dữ, tới những đồng cỏ châu Phi nơi sự biến đổi khí hậu cũng đang trở thành vấn đề sống còn khi thực phẩm và nước trở nên khan hiếm. Cũng xin đừng quên những trận bão lớn ở Vịnh Mexico và duyên hải miền đông Bắc Mỹ.
Và nếu như thế vẫn chưa đủ, mời bạn nên đến thăm Phi Luật Tân ngay lúc này."

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2014