SỐ 61 - THÁNG 1 NĂM 2014

Hương Tết

Hà Bạch Trúc

Bé Thi mới 10 tuổi mà đã biết trằn trọc khó ngủ. Mỗi lần thức giấc, cô bé nằm yên nhìn lên nóc mùng và nghểnh tai nghe ngóng động tịnh dưới nhà, tự hỏi không biết còn bao lâu nữa trời mới sáng. Cho đến lúc mùi cà phê thơm ngào ngạt lan tràn vào giấc mơ khiến cô bé giật mình tỉnh giấc.

Thường ngày mẹ phải gọi nhiều lần, có khi còn phải áp bàn tay mát lạnh lên trán xoa nhè nhẹ một lúc, cô bé mới dậy nổi. Thế mà hôm nay cô bé tự động ra khỏi giường và chân sáo nhẹ tênh chạy xuống nhà tìm mẹ. Mẹ đang ngồi uống cà phê với ba ở phòng khách.
Thi xà vào lòng mẹ nũng nịu:

- “Mẹ ơi, mấy giờ mình đi chợ hả mẹ?”

Mẹ cười dịu dàng và âu yếm lùa bàn tay vào mái tóc bé, rồi nhẹ nhàng bảo:

- “Khi nào con xong thì mình đi”.

Ôi, sao Thi thương quá hai bàn tay của mẹ. Hai bàn tay êm ái tuyệt vời của mẹ, lúc thì xoa lưng dỗ giấc ngủ cho bé, lúc thì xoa trán đánh thức bé dậy, lúc thì bím tóc để bé đi học mỗi sáng, rồi còn làm bao nhiêu món ngon cho bé ăn nữa.

- “Con sắp xong rồi mẹ ơi, mình đi đi”.

Vừa nói Thi vừa chạy ào vô nhà tắm, đánh răng rửa mặt thay đồ, chớp nhoáng đã xong, rồi  tung tăng theo mẹ đi chợ.

Mỗi năm hai lần Thi được sắm quần áo mới, hai lần được theo mẹ ra chợ Sài Gòn để chọn chiếc áo đầm đẹp nhất. Một là vào dịp tựu trường, hai là vào dịp Tết. Ðó là hai ngày trọng đại nhất trong năm của gia đình Thi. Cô bé phải chờ cả năm ngày ấy mới trở lại, nói sao không nôn nóng. Sau khi xong mua áo mới cho Thi, mẹ còn mua thêm vải để may đồ bộ mặc ở nhà cho bé nữa. Rồi mẹ phải mua thêm nhiều thứ khác vì chỉ còn vài tuần nữa thôi là đến Tết.

Ðược áo mới rồi, Thi háo hức trông mau tới ngày mẹ làm hai món ăn mà cô bé thích nhất. Ðó là món củ kiệu và món bì cuốn, hai món ăn truyền thống của gia đình mà mẹ chỉ làm trong dịp Tết. Và hai món này cô bé cũng phải chờ cả năm mới được thưởng thức.

Khoảng một tuần trước Tết, mẹ mua những bó kiệu tươi dài độ hai gang tay về phơi khô vài nắng, tức vài ngày. Sau mỗi nắng, mẹ lại cắt bỏ một khúc ở phần trên, rồi hôm sau lại đem ra phơi nữa. Sau chừng ba nắng thì đã cắt đủ, chỉ chừa lại cái củ kiệu ngắn độ một lóng ngón tay. Khi đó mẹ cắt rễ, rồi sắp củ kiệu vô keo thủy tinh và chế nước dấm đường nấu để nguội vô ngâm cho chua. Mẹ làm kiệu rất khéo, vừa trắng vừa dòn, mà lại không hăng, chua chua ngọt ngọt rất vừa ăn và đúng ngày mùng một Tết là có thể ăn được. Tôm khô củ kiệu là món khoái khẩu của Thi, và dĩ nhiên của ba nữa.

Món truyền thống thứ hai của gia đình Thi là món bì cuốn. Không hiểu sao mẹ chỉ làm món này vào dịp Tết. Có lẽ vì đây là một món công phu, lỉnh kỉnh và mất nhiều thì giờ nhất. Ðầu tiên phải luộc da heo cho mềm - hồi đó làm gì có da heo cắt sẵn phơi khô như bây giờ ở đây – sau đó lạng thật mỏng, rồi thái sợi thật nhuyễn. Còn thịt heo cắt miếng to đem ram cho chín và thơm, rồi thái thành sợi nhỏ như da heo. Trộn chung tất cả với nhau, cùng với tỏi phi vàng bầm nhỏ. Rồi rang gạo cho đến khi vàng, giã thật mịn thành thính. Thịt trộn với thính, nêm nếm cho vừa, là xong món bì. Dùng bánh tráng sống để cuốn bì với sà lách, rau húng cây và ngò rí thành món bì cuốn tuyệt hảo. Quan trọng là làm nước mắm - tỏi, ớt, chanh đường, củ kiệu thái thật nhỏ -  sao cho thật ngon để chấm bì cuốn. Cả năm Thi chỉ chờ đến Tết để được ăn món này.

Chỉ một món ăn mà bao nhiêu sự chuẩn bị, bao nhiêu công sức, cái gì cũng thái thật nhỏ, giã thật mịn, cuốn thật khéo. Mùi thơm cùng các vị mặn, ngọt, béo, bùi được khéo léo cuốn trong bánh tráng trắng dẻo có lót sà lách và rau thơm xanh tươi mơm mỡn. Cắt cuốn bì ra, bên trong là một bức tranh tươi mát với màu sắc rất hài hòa: thịt và bì màu vàng phơn phớt, rau tươi xanh màu ngọc thạch và bánh tráng sống trắng nõn nà. Chén nước mắm chua chua ngọt ngọt, màu ớt đỏ thắm hấp dẫn làm sao. Càng nhai càng thấy thắm cái vị ngọt bùi của thịt và bì hơi dai dai, cái dẽo của báng tráng, và càng tăng mùi thơm của thính, của rau tươi và của chanh ớt củ kiệu trong nưóc mắm. Thị  giác và vị giác bổ túc cho nhau hết sức hài hòa đến mức tuyệt hảo. Một món thôi mà gói ghém một cách tài tình bao nhiêu cảm xúc giác quan. Chỉ một món thôi nhưng là tất cả hương vị ngày Tết của Thi.

Một mình mẹ cặm cụi trong bếp hàng giờ, một mình mẹ làm tất cả mọi công việc để hoàn thành món ăn đặc biệt này. Và mẹ làm thật nhiều để mọi người tha hồ thưởng thức trong ba ngày Tết. Không biết ngày đó đã có bịnh RSI (đau tay, cổ, vai và lưng vì làm hoài một động tác) hay chưa? Nếu có, chắc hẳn mẹ đã bị bịnh đó sau khi ăn Tết.

Rồi ngày mùng một Tết đến, bé Thi diện áo mới, nhận tiền lì xì và theo ba mẹ đi chùa lễ Phật. Cô bé cảm thấy như vạn vật đều đổi mới. Cây mai trước sân khoác chiếc áo mới màu vàng hực hở. Căn nhà nhỏ như sáng hẳn lên và rộng hẳn ra nhờ quét lớp vôi mới màu thiên thanh. Bàn ghế, tủ giường bằng gỗ màu nâu đỏ trông cũng mới hơn vì nổi bật trên nền tường màu xanh da trời. Bé Thi cảm thấy như một năm mới tinh nguyên đầy hy vọng đang chờ đón mình.

Dù thời gian và không gian thay đổi nhưng sự tuần hoàn của trời đất muôn đời vẫn tiếp diễn, và ngày tháng vẫn trôi qua, không dừng lại để chờ ai bao giờ. Cô bé Thi ngày nào nay đã lưu lạc đến miền Ðất Thấp.

Chỉ còn hai tuần nữa lại đến Tết nguyên đán. Mùa đông năm nay không quá khắc nghiệt như những năm trước. Ðôi lúc có cả nắng vàng sưởi ấm những cành đào đang bắt đầu đơm nụ. Mưa phùn lất phất và gió heo mây gợi nhớ buổi sáng sớm ở Việt Nam, khi trời còn se se lạnh. Thi đã bắt đầu hoạch định trong đầu những công việc phải tuần tự làm để chuẩn bị đón xuân với chồng con nơi đất khách. Thói quen sắm sửa áo mới cho ngày mùng một Tết, Thi vẫn còn giữ. Duy có điều, bây giờ không đi chợ Sài Gòn nữa mà mua qua internet. Và một điều đáng tiếc là ở đây nàng không may được áo dài mới.

Thi nhớ có một lần, ngày đầu tiên vào sở làm sau Tết nguyên đán, nàng mặc chiếc áo dài Việt Nam đi một vòng bắt tay chúc Tết đồng nghiệp Hòa Lan. Ai cũng ngạc nhiên, hớn hở và trầm trồ chiếc áo dài tha thướt. Thi giải thích phong tục của người Việt, ngày mùng một Tết mặc áo mới và đẹp nhất để đi chúc Tết. Và áo này đẹp nhất vì đây là quốc phục của nàng. Ông xếp lớn hãnh diện và cảm động lắm. Ông tỏ ý quý trọng và cám ơn mỹ ý của cô nhân viên Việt Nam, mong cô sẽ mặc quốc phục trong những ngày lễ quan trọng. 

Cũng như mẹ ngày xưa, Thi sẽ làm món bì cuốn vì đây là món ăn các con nàng thích nhất trong dịp Tết. Có một lần, Thi làm món này vào một ngày không phải Tết, thì đứa con trai tám tuổi hỏi nàng:
- “Bữa nay đâu phải Tết, sao mình ăn món này hả mẹ?”
Thi ngạc nhiên và cũng mừng rỡ vì thấy con mình đã bắt đầu có những liên tưởng cụ thể, những kỷ niệm đầu tiên về ngày Tết truyền thống Việt Nam. Từ đó, mỗi năm Thi chỉ làm món bì cuốn một lần, vào dịp Tết nguyên đán mà thôi.

Có một lần Thi mời vài người bạn Hòa Lan đến nhà ăn bữa cơm Tết. Họ được thưởng thức món bì cuốn và được giải thích tất cả ý nghĩa của món này. Không những họ thấy món bì cuốn quá tuyệt mà họ còn rất thích không khí Tết của người Việt nữa. Từ đó mỗi năm, các bạn Hòa Lan đều mong chờ đến ngày Tết Việt Nam và thầm hy vọng sẽ được mời lần nữa.

Các bạn đồng nghiệp Hòa Lan của nàng  cũng vậy. Sau khi ăn Tết tây xong, họ bắt đầu chú ý theo dõi những chuẩn bị cho ngày Tết ta của nàng. Cứ vài ngày họ lại hỏi:

- “Năm nay Tết Việt Nam nhằm ngày nào?”
- “Thi đi chợ mua hết đồ chưa?”
- “Năm nay Thi làm những món gì?”
- “Thi chuẩn bị tới đâu rồi?”
- “Năm nay Thi nghĩ mấy ngày?”

Có đứa còn dễ thương, nói hôm nào Thi cần cứ việc nghĩ ở nhà, việc gì gấp cứ giao lại họ sẽ làm thay. Mấy ngày trước và sau Tết, sẽ không có buổi họp nào được dự trù, vi “nhỏ Thi nghĩ, ăn Tết Việt Nam”. Có lần nàng nói đùa, năm nay không nghỉ ngày Tết Việt Nam, cả đám chưng hững, nhốn nháo hỏi tại sao, và phản đối quá chừng.
Ðôi khi internet cũng có ích lắm. Nàng cho các bạn đồng nghiệp coi những hình ảnh món ăn nàng làm vào dịp Tết, nhất là món bì cuốn truyền thống của gia đình. Người nào cũng chảy nước miếng và ước ao phải chi được Thi mời ăn một lần cho biết.

Mùa Giáng Sinh và Tết dương lịch đến với mọi người, kể cả người Việt ở Hòa Lan, trong không khí tưng bừng nhộn nhịp của cả nước. Còn Tết nguyên đán chỉ được người Việt ở đây âm thầm chuẩn bị và đón chào theo cách riêng của mình. Nhưng lạ lắm, Thi không hề thấy buồn, mà còn thích cả hai ngày Tết, Tết tây lẫn Tết ta. Nàng nghĩ, khi mọi người chung quanh mình vui thì mình cũng được vui theo, còn khi mình vui thì mình sẽ làm cho người chung quanh vui theo mình vậy.

Những kỷ niệm của ngày Tết năm xưa không bao giờ mất. Sẽ mãi còn đó để làm nền tảng, để tăng thêm ý nghĩa và để cho ngày Tết của gia đình Thi được trọn vẹn.

Chỉ hơi thấy vắng trong hồn
Ít nhiều hương phấn khi còn ngây thơ
Chân đi,đếm tiếng chuông chùa
Tôi ngờ năm tháng ngày xưa trở về
(Hồ Dzếnh)

Tết Giáp Ngọ 2014

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2014