SỐ 62 - THÁNG 4 NĂM 2014

 

Cuối cùng cho một mùa xuân

Như con ngựa thồ già cam phận, chiếc xe đò cũ kỹ chạy bằng than mệt nhoài lăn từng vòng bánh cuối cùng qua dốc cầu Xa Lộ.  Gió từ sông Sài Gòn thổi lên mát rượi.  Giòng sông quen thuộc đánh thức tôi dậy trong nỗi hân hoan choáng ngợp.  Tôi đang thực sự trở về sau mấy năm dài chém tre đẵn gỗ, lao động cải tạo trên ngàn. 

Đường vào bến xe Miền Đông loang lỗ những vũng nước mưa đọng nhầy nhụa sình rác.  Đám hành khách tranh nhau xuống xe để kịp nhận quang gánh hàng hóa bị quăng từ nóc xe xuống không nương tay.   Người lơ xe, mặt mũi đen bóng vì khói than, hả miệng cười trừ khi bị khách đi xe cự nự mắng nhiếc.  Ngoại trừ tôi và một người nữa là tù cải tạo được ra trại, hầu hết hành khách trên xe là đàn bà.  Họ là những người đi buôn lén, đi thăm thân nhân ở các trại cải tạo về hoặc từ những khu kinh tế mới trốn về Sài Gòn thăm nhà.  Người bạn cựu tù bắt tay chào từ giã rồi xách ba lô rảo bước về phía ngã tư Hàng Xanh.  

Tôi nhìn quanh khu bến xe, ngờ vực đôi mắt mình.  Xa Cảng Miền Đông sầm uất với hàng trăm chuyến xe đò đến đi nhộn nhịp ngày nào giờ đây cũng xơ xác như bầy xe cũ kỹ đang nằm bến chờ khách.  Người qua lại tất tả trong bến xe.  Họ mua bán vội vàng, tiếng cãi vã chen lẫn trong lời chào bán rao trả ồn ào.  Người chạy xe thồ trờ tới hỏi tôi muốn về đâu.  Phân vân vì trong túi chẳng có bao nhiêu tiền, tôi lên tiếng từ chối.  

- Ông thầy đưa cho em bao nhiêu cũng được. 

Cách xưng hô quen thuộc của những ngày lính cũ khiến tôi không khỏi tò mò nhìn anh ta.

Người chạy xe thồ vuốt ngược mái tóc ướt nhẹp mồ hôi.

- Trước bảy lăm em ở Sư Đoàn 18, Long Khánh.  Thỉnh thoảng em gặp Sĩ quan cải tạo mới được thả như ông thầy.  Cùng là Ngụy cả!  
- Năm bảy sáu tôi ở Long Khánh một thời gian, sau đó thì bị chuyển lên Phước Long cho tới giờ.
- Vậy là ông thầy may mắn không bị thương tật vì vụ kho đạn nổ năm đó.  Trời đất, vừa chết vừa bị thương cả trăm người. 

Tôi đùa.

- Mạng tôi cao lắm, tướng cũng tốt nữa.  Chỉ có cái số là bị ở tù. 

Người lính Ngụy cười buồn, khuôn mặt rám nắng khắc khổ chuyện áo cơm.

- Ông Đại Đội Trưởng của em chết trong vụ nổ đó.  Chết bỏ lại bà vợ trẻ với đứa con dại.  Thời buổi gì đâu, tưởng hòa bình thì sướng ai ngờ còn cực gấp trăm gấp ngàn lần hồi còn chiến tranh. 

Tôi vỗ vai anh ta.

- Thôi để chuyện thời thế, thế thời cho người khác lo.  Nhà tôi ở Hòa Hưng nhưng giờ này hai đứa em chắc đi học chưa về, anh làm ơn cho tôi về trung tâm Sài Gòn đi.

Mãi nghe anh lính Ngụy chạy xe ôm kể chuyện áo cơm xe chạy qua khỏi Bưu Điện, nhà thờ Đức Bà lúc nào không hay.  Anh ta dừng xe ở bùng binh trước Tòa Đô Chính cũ.  Dúi lại tay tôi một phần tiền xe, người lính nói chỉ lấy tiền xăng thôi rồi rồ máy chạy về phía chợ Bến Thành. 

Đường Lê Lợi muôn màu mấy năm trước chỉ còn lại hai màu đỏ vàng chói chang và dòng người xuôi ngược lam lũ đạp xe.  Màu áo quần lao động lẫn vào nền trời đang chuyển mưa làm dòng người nhỏ nhoi xa vắng như nỗi cô đơn bất động của một bức tranh tĩnh vật.   Công viên nhỏ trước Quốc Hội cũ, nay là Nhà Hát Thành Phố, thiếu bức tượng lính làm mấy băng ghế đá cũng buồn bã nhớ người.  Tôi bước dọc theo vỉa hè đông đúc người buôn gánh bán bưng.  Những người bán chợ trời mắt lấm lét canh nhìn tên công an áo vàng đang bận rộn hò hét xua đuổi đám người sắp hàng trước một cửa hàng mậu dịch quốc doanh.  Quán cà phê cũ ở góc phố  vẫn còn nhưng tên quán đã mất, cũng như khu chợ sách phía bên kia đường.  Từ trong quán nhìn sang, dáng gầy còm của người thợ đang ngồi lúi húi vá ruột xe hằn lên bức tường loang lỗ vôi vàng xiêu vẹo mấy khẩu hiệu đề cao lao động.  

Sau bảy lăm cha mẹ tôi dọn về Kontum để tránh đi kinh tế mới.  Nhà Sài Gòn chỉ còn hai đứa em sinh viên ở để giữ hộ khẩu.  Khu vườn rẫy cà phê cây ăn trái, thú tiêu khiển của cha tôi những năm trước, bây giờ là nguồn sống cho cả nhà.  Thy và bé Đông Xưa gần đây cũng đã rời Đà Nẵng về sống với Nội trên thị trấn cao nguyên heo hút này.  Đó cũng là địa chỉ nơi đến đã ghi rõ trong giấy ra trại.  Tôi có được bảy ngày để về trình diện chính quyền địa phương, tiếp tục lao động dưới sự quản chế của công an trong vòng hai năm tới.  Ra khỏi nhà tù nhỏ chỉ để rồi phải bước vào một nhà tù khác lớn hơn, thế thôi.  Dù sao lần này tôi sẽ được gần gũi với người thân.  Vợ hiền, con thơ tôi đã đếm từng ngày mơ từng đêm để được về lại bên nhau.  Không, tôi không cần đến bảy ngày, tôi chỉ cần buổi chiều nay thôi.  Tôi chỉ còn có chiều nay thôi để ngồi lại một nơi quen thuộc trong lòng thành phố cũ.  Ngồi làm thân lại với mình, rứt bỏ đi tháng năm lạ mặt nghiệt ngã vừa qua.  Ngày mai khi tôi trở về, hạnh phúc đoàn viên sẽ là điều duy nhất để nói cho nhau.  Ngày mai tôi trở về ăm ắp trong hồn kỷ niệm những ngày xuân vui trước  bảy lăm.  Ngày hai đứa thỏa thuê tắm mát trên đầu ngọn suối trăm năm và Thy thẹn thùa ấp úng chuyện cưu mang. Ngày mai tôi trở về mừng vui đón bồng bé Đông Xưa đã lớn khôn biết hát, biết cười. 

Sau ngày bị thương ở Đồng Tháp Mười và mấy lần hai mươi chín ngày tái khám, tôi xin chuyển về Giang Đoàn Tuần Thám ở Cửa Đại, Hội An để được gần Thy.  Thời gian qua thật mau.  Hai đứa  mới làm đám cưới vào dịp Giáng Sinh bây giờ đã ra Tết.  Trừ những ngày dẫn tàu đi tuần, tôi hầu như ngày nào cũng về nhà.  Những ngày đầu năm bảy lăm ở Đà Nẵng trời vẫn còn se lạnh, nhất là vào buổi sáng.  Tôi thường lười biếng quấn chăn nằm lơ mơ nghe tiếng Thy lục đục ở nhà dưới pha cà phê, sửa soạn đi dạy.  Bước xuống gác, thấy Thy vẫn đang trang điểm, tôi đùa. 

- Đi dạy học chớ phải đi chơi với bồ đâu mà diện kỹ quá vậy? 

Thy háy tôi. 

- Phải sửa soạn cho kỹ chớ không người ta biết hồi hôm thức khuya sao.  

Tôi trây trúa.

- Điệu này anh phải về nhà hằng ngày để thêm tay thêm chân cho kịp mới được. 

Bến xe Chợ Cồn lúc nào cũng tấp nập.  Thy lên xe lam.  Tôi theo xe đò về Hội An cho kịp chuyến tàu chợ sáng của Duyên Đoàn để về căn cứ. 
Có lần Thy nói.

- Ngồi trên xe lam vừa thấy người ta quay lưng đi là đã nhớ dễ sợ. 

Ước gì cứ mãi là những ngày tháng Giêng ngọt ngào năm đó.

Hiệp định Paris ký kết đã vừa hai năm nhưng chiến trường khắp cùng đất nước vẫn ngày càng sôi bỏng.  Thời gian đủ cho những đơn vị chiến đấu cuối cùng của Mỹ an toàn rút ra khỏi Việt Nam. Người lính miền Nam vẫn can trường chiến đấu trong cô đơn và thiếu thốn.  Hàng ngày làm tròn nhiệm vụ mình, tôi vẫn lạc quan với suy nghĩ đơn giãn rằng thời gian khó khăn này cũng sẽ qua như Mậu Thân, mùa hè bảy hai, An Lộc... Tôi vẫn mỗi chuyến hai ngày dẫn tàu đi tuần vùng sông Thu Bồn, Đế Võng, Ô Lâu và thấp thỏm chờ tới phiên nghỉ bến để bay về Đà Nẵng với Thy.  

Tin tức chiến trường từ Ban Mê Thuột, Quảng Trị, Thừa Thiên ngày càng tệ.  Gặp Thu, bạn cùng lớp thời Phan châu Trinh làm Phó Quận Hành Chánh ở Quế Sơn, về họp ở Hội An.  Ngồi chuyện trò ở quán Phương, Thu lắc đầu thấp giọng khi tôi hỏi về tình hình chiến sự trên vùng quận lỵ miền núi đó. 

- Đừng nói với ai hết, tao về họp lần này để bàn tính kế họach di tản xuống dưới này. Tao gặp thằng Nghĩa Võ Bị, tiểu đoàn của nó bỏ tiền đồn rút về gần Quế Sơn.   Mầy biết nó, đụng cảnh này hắn cứ như con thú bị thương. 

Tin tức gia đình từ Kontum nhắn xuống giúp tôi yên tâm được một phần.  Rút kinh nghiệm lần di tản mùa hè năm bảy hai theo tỉnh lộ 7 nguy hiểm cực khổ, Ba Me tôi đã sửa soạn chuyển gia đình vào Sài Gòn bằng đường hàng không.  Nhà gia đình bên vợ ở Đà Nẵng thì tấp nập bà con từ Huế vào.  Người Huế đã quá quen với Mậu Thân, Đại Lộ Kinh Hoàng, nên ai có bà con ở phía trong đèo Hải Vân cũng tìm cách xuôi Nam. Từng chuyến xe đò Phi Long, Tiến Lực, An Lợi chật ních những khuôn mặt hốt hoảng càng tạo thêm khẩn trương cho tình hình chiến sự đang chẳng mấy khích lệ.  Người dân Đà Nẵng nhìn về dáng núi vời vợi phía đèo Hải Vân cầu mong sự bảo vệ cuối cùng.

An ninh trong vùng trách nhiệm của Giang Đoàn cũng không khả quan gì hơn so với tình hình chung.  Sĩ quan chúng tôi lo lắng nhận lệnh gia tăng tuần tiểu, bảo vệ tuyến đường sông từ Hội An ra Cửa Đại.  Duyên Đoàn bạn cũng tăng cường ghe tuần từ vùng cửa biển ra đến Cù Lao Chàm.  Cái chết của Chánh và người lính dưới tàu khiến tôi nhớ lại những ngày đen tối ở Đồng Tháp Mười.  Sĩ Quan Giang Đoàn, đa số ở miền Trung, chưa quen với cảnh tàu chìm chết chóc nên ai cũng có vẽ nao núng. 

Nơi tiếp giáp sông Thu Bồn và Đế Võng trước khi đổ ra Cửa Đại là một đầm sông rộng ngăn cách căn cứ Giang Đoàn với những độn cát dài nằm dọc theo bờ biển.  Làng Xuyên Phước, Xuyên Thọ ở bên đó với những xóm chài rải rác ẩn mình dưới bóng dừa.  Xa hơn nữa về phía Nam là vùng Chợ Được, Hà Lam, Thăng Bình.  Du kích từ những làng này thường tìm cách qua sông, về hoạt động ở khu làng cuối sông Đế Võng và từ đó theo đường bộ về quấy phá thị xã Hội An.   Xóm chài rợp bóng dừa xanh che mát cho bầy con gái bận bịu vá lưới câu giăng đầy trên bãi.  Thuyền đánh cá đậu san sát trên bến những sớm mai từ biển về cho kịp phiên chợ. Từ ngoài sông nhìn vào, xóm chài Thuận Tình đẹp như  bức tranh vẽ.  Nhưng khi đêm về, trong bóng tối của rừng dừa lả ngọn, xóm chài trở thành nơi bất trắc rình rập đầy đe dọa.   Nhận được tin từ phòng hành quân cho hay tàu Chánh bị mìn, tôi bỏ điểm kích chạy về thì đã quá muộn.  Một trong ba giang đĩnh Chánh cho thả neo trong vùng sông không xa xóm chài đã bị đặc công thủy đánh chìm. 

Xác Chánh quàng tại bệnh viện Hội An chờ đem về quê ở tận Tây Ninh.  Người lính bị thương nặng thì được chuyển ra Quân Y Viện Duy Tân.  Sĩ quan chúng tôi thay nhau gác quan tài theo quân cách.  Trong đêm tàn, ánh nến trắng lay lắt soi dáng cô gái Quảng Nam đứng cúi đầu thổn thức bên chiếc quan tài phủ quốc kỳ.  Nhìn giọt nước mắt lặng lẽ lăn dài trên gò má xuân thì, tôi bàng hoàng cắn môi để khỏi nghe chính mình bật ra tiếng khóc.  Đưa xác Chánh ra phi trường Đà Nẵng xong, tôi đại diện đơn vị để lo mai táng người lính từ trần vì vết thương quá nặng.  Chiếc GMC của Bộ Tư Lệnh Vùng I Duyên Hải chở quan tài và thân nhân người lính tử trận lặng lẽ chạy về phía Đò Xu.  Mưa lất phất bay làm khu nghĩa trang nhỏ thêm buồn.  Tiếng kèn truy điệu khản đặc tắt lịm.  Tiếng súng chiêu hồn của tiểu đội dàn chào danh dự nổ rời rạc.  Cây mai già sót mấy nụ bông vàng nở muộn đứng lẻ loi cuối nghĩa trang. Cánh hoa rưng rưng buồn như bà mẹ đang ôm mặt khóc.

Tình hình mặt trận Huế đến lúc kiệt quệ.  Những trái mìn chống chiến xa dày đặc trên cầu Tràng Tiền như một thú nhận chua xót.  Ninh đưa người vợ chưa cưới ở Huế vào ở tạm trong nhà.  Thy vẫn đến trường nhưng chẳng còn lòng dạ nào để dạy học trò.  Hai đứa thu dọn đồ đạc trong nhà, sắp xếp hành trang sẵn sàng cho điều cả hai đều sợ không dám nghĩ đến.  Di tản. 

Tuần lễ cuối tháng ba, vì nhiệm vụ tuần tiểu, tôi và Ninh đang chần chừ chưa kịp đưa gia đình vào căn cứ thì lộ trình Đà Nẵng, Hội An bị cắt.  Đường biển là hi vọng cuối cùng nên tôi đành cố gắng trấn tỉnh làm việc, chờ lệnh di tản.  
Sự sụp đổ đến quá nhanh không ai ngờ.  Một số lính từ các tiền đồn chạy về Hội An bắt đầu đi quấy nhiễu tiệm quán trong thị xã và dự tính chiếm bến tàu để tìm phương tiện ra Cửa Đại.  Thành phần bất hảo thừa thời cơ cướp bóc, hôi của, làm tình hình càng rối loạn thêm.  Lệnh thiết quân luật được ban hành.  Ghe Duyên Đoàn vào Hội An hộ tống ông Đại Tá Tiểu Khu Trưởng và bộ chỉ huy ra Cửa Đại.  Một số gia đình có liên hệ với sĩ quan và lính của hai đơn vị Hải Quân cũng được đưa ra tạm trú trong căn cứ.  Tôi càng lo lắng hơn vì không liên lạc được với gia đình.  Chỉ huy trưởng Giang Đoàn trấn an tôi. 

- Anh cứ yên tâm.  Gia đình tôi đang ở khu gia binh Sơn Trà.  Khi Giang Đoàn di tản ra cù lao Chàm,  tôi sẽ để anh dẫn tàu về bãi biển Nam Thọ, đến khu gia binh tìm gia đình tôi, sau đó lấy xe đơn vị về Đà Nẵng chở vợ qua.

Đoàn giang đĩnh theo đội hình hàng dọc chạy ra cửa biển, bỏ lại sau lưng căn cứ đang bốc cháy.   Cầu tàu nằm buồn bã trong nắng chiều.  Hàng dương trong doanh trại cúi đầu im lìm lời ly biệt.   

Có lẽ Cù lao Chàm chưa bao giờ chứng kiến cảnh người đến đông đúc như mấy ngày cuối tháng Ba năm bảy lăm.  Hàng ngàn người từ Hội An, Đà Nẵng theo tàu Hải Quân, tàu đánh cá, ra đây để tìm cách lên tàu lớn thoát thân.   Người thành phố không quen vơi cảnh màn trời chiếu đất, hốt hoảng mưu sinh.  Đêm trên hòn đảo nhỏ, hiu hắt ánh đèn dầu từ những hàng quán tạm bợ, sao như dài vô tận.  Không kịp chờ sáng, tôi cùng Ninh lựa hai giang đĩnh và máy truyền tin tốt để phóng về Đà Nẵng.  Ông Chỉ huy Trưởng giao chìa khóa chiếc xe jeep, dặn dò:

- Hai anh về khu gia binh, tìm gặp gia đình tôi thì chở ra bãi, liên lạc tàu vào đón.  Một ghe Duyên Đoàn sẽ đi theo hai anh.  Nhớ liên lạc máy thường xuyên.  Cẩn thận khi về đến Đà Nẵng. 

Ngày cuối tháng Ba.  Chúng tôi về đến bãi biển Nam Thọ lúc trời vừa hừng sáng.  Một chiến hạm đang lảng vảng phía ngoài, cách bãi không quá hai hải lý.  Thiếu tá Hạm trưởng mừng rỡ nhận ra giọng nói tôi qua máy truyền tin.  Không lâu trước đây, hai anh em dân Phan châu Trinh Đà Nẵng đã có lần cùng ngất ngưởng say trên vùng cuối biển Hà Tiên.  Anh Nguyễn hoàng Be đã lúy túy phạt rượu thằng em vì tội “dám” là bạn học cùng lớp với “phu nhân của niên trưởng”.  Anh nhờ tôi khi về Đà Nẵng ghé nhà ở gần cà phê Thạch Thảo tìm Hạnh và gia đình.  Giọng Cao bồi Be oang oang trong máy truyền tin.

- Moa sẽ trực ở tần số Giang Đoàn, toa nhớ giúp và gọi cho biết tình hình càng sớm càng tốt.

Khu gia binh Giang Đoàn vắng lặng không một bóng người.   Chúng tôi mừng rỡ khi thấy chiếc xe jeep ăng ten cần câu nằm ngoan ngoãn trước sân.  Ninh lái xe vào Bộ Tư Lệnh Vùng I Duyên Hải.  Vài người lính, có lẽ quyết định ở lại, cho biết Bộ Tư Lệnh đã di tản đêm qua.  Căn Cứ Yểm Trợ cũng vắng lặng không kém.  Ông thượng sĩ nhìn cầu tàu trống trải, phân trần:

- Bà con ở khu gia binh ai muốn đi thì đã lên tàu tối qua.  Tình hình này đi đâu cũng vậy thôi.  Gia đình tôi đông đảo, ở lại đùm bọc nhau, tới đâu thì tới. 

Tôi bắt tay ông thượng sĩ già chúc may mắn.  Đôi mắt người lính u uẩn nhìn về phía Bộ Tư Lệnh bên kia bờ vịnh.  Ngôi nhà trắng chênh vênh trên ghềnh đá cô đơn như sự lựa chọn cuối cùng.  Hơn nửa đời người tận tụy cho đất nước cho binh nghiệp, sự lựa chọn sao chỉ là cay chát trong mắt trên môi. 

Tôi gọi ra tàu bảo người thuyền trưởng liên lạc với Giang Đoàn báo cáo về việc gia đình của ông Chỉ Huy Trưởng đã lên tàu lớn an toàn.  Tôi nhắc nhở ba chiếc tàu canh gác cẩn thận và không được vào sát bãi.

Con đường mấy cây số từ Sơn Trà về đến cầu Trịnh minh Thế đông nghẹt dân di tản từ Đà Nẵng chạy qua.  Đoàn công voa hỗn độn dân lính, xe gắn máy, xe nhỏ, xe lớn, xe GMC nhà binh, xe bọc sắt, thiết giáp M113, nhích từng vòng bánh.  Những khuôn mặt bơ phờ hốt hoảng thiếu ngủ đã nói lên sự sụp đổ nhanh chóng của chiến cuộc.  Tôi buồn bã nghĩ tới bốn chữ Di Tản Chiến Lược.  Chiếc xe jeep chạy ngược chiều đoàn công voa nên Ninh luồn lách chạy khá nhanh.  Ninh đạp ga:

- Đ. mạ, tình hình này mà ba bốn giờ chiều chưa về lại bãi Nam Thọ được là chết cả đám.

Thành phố Đà Nẵng, giữa buổi sáng mùa xuân se lạnh, bị nung chín trong kinh hoàng tột độ.  Từng đoàn người xe cộ gồng gánh tất tả chạy về phía bờ sông để tìm đường ra biển.  Họ không biết đoàn tàu lớn đã bỏ ra khơi đêm qua.  Dưới sông hàng trăm, ngàn người chen chúc vô vọng trên những chiếc xà lan cũ kỹ không có tàu kéo.  Phố xá đóng cửa hoang tàn.  Đám người bất lương lợi dụng tình hình, cướp phá hôi của.  Họ hối hả trên vai, sau xe gắn máy, xe ba gác những bao gạo, thực phẩm, áo quần, vải vóc, máy hát, truyền hình.
Thy mừng quýnh khi thấy tôi bước vào nhà.

- Em đang lo đường Hội An bị cắt anh không về được.

Tôi vắn tắt giải thích tình hình rồi dục Thy chất hành lý lên xe.  Ninh thì dỗ dành Hân vẫn ngồi còn ngồi khóc đòi về lại Huế.  Ngôi nhà hai vợ chồng thuê ở chỉ cách nhà gia đình Thy con hẻm ngắn.  Lúc hai đứa đến chào từ giã, cả nhà đang đứng trước hiên tần ngần lo lắng. Thy rưng rưng nước mắt chào Ba Mạ và bầy em.  Cô nào mắt cũng nhoà lệ.  Tôi cố gắng trấn an mọi người.

- Tụi con đi vài tháng, thế nào rồi cũng về lại. 

Mạ ráng giữ cho nước mắt khỏi trào, nhắn nhủ con gái. 

- Cái thai còn non, con phải đi đứng giữ gìn cho cẩn thận. 

Thy òa khóc lúc tôi dìu nàng lên xe.  Ra khỏi hẻm, Ninh nhấn ga phóng nhanh về phía Cầu Vồng.  Con lộ đất đỏ từ đường Lê đình Dương vào quán cà phê Thạch Thảo vắng tanh. Giàn bông giấy đỏ rực đong đưa bóng nắng trưa.  Cửa quán đóng.  Trong vườn, bàn ghế ngổn ngang.  Tôi đi vào khu vườn ngôi nhà cạnh quán.  Cửa đóng then cài, không ai trả lời tiếng tôi gọi cửa. Có lẽ gia đình Hạnh đã di tản.  

Tôi ra xe, mở máy liên lạc về tàu. Có tiếng trả lời nhưng vì quá xa nên giọng nói chìm lẫn trong tiếng rè rè của máy truyền tin.  Tôi hỏi người nghe máy nếu nghe tôi rõ thì bấm máy ba lần thay vì trả lời.  Nhận được tín hiệu, tôi yên tâm báo cáo về Giang đoàn chúng tôi đang trên đường về lại bãi biển Nam Thọ và báo cho anh Be biết  gia đình Hạnh đã di tản. 

Xe chạy đến ngã ba Đò Xu, Ninh tò mò quẹo phải về phía Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I.  Mấy tiếng Di Tản Chiến Lược một lần nữa gây cho tôi nỗi buồn ngao ngán.  Vọng gác vắng lính canh.  Quốc kỳ, quân kỳ thiếu gió buông xuôi rũ dọc theo cột cờ.  Xe của Ông Tướng bóng lộn với bảng số ba sao nằm chắn ngay lối ra cổng Quân Đoàn.  Ninh bỡn cợt hỏi có ai muốn đổi xe không?  Câu nói đùa rớt vào im lặng. 

Xe vừa qua khỏi cầu Trịnh minh Thế thì phải chạy chậm hẳn lại.  Chúng tôi phải nhập vào đuôi của đoàn công voa dài vô tận nhìn thấy sáng nay.  Thỉnh thoảng có người mất hết kiên nhẫn, tấp vào lề đường, bỏ xe đi bộ cho nhanh.  Từ ngã ba Non Nước đến ngã ba An Hải xe chạy mất gần hai giờ.  Nhìn đồng hồ xăng chỉ còn một nửa và đã gần hai giờ chiều, tôi bảo Ninh quẹo xe đi về phía bãi biển Mỹ Khê.

- Từ đây tới bãi Mỹ Khê chỉ hơn một cây số.  Ra tới đó rồi chỉ việc chạy dọc theo bãi biển là tới Nam Thọ. 

Ninh đồng ý.  Đoạn đường này ít xe hơn nhưng rất nhiều thiết giáp M113.  Lúc chạy ngang kho gạo An Hải, đạn pháo kích vừa rớt vào khu vực đó chỉ vài phút trước.  Xác người chết nằm dọc theo vệ đường.  Người bị thương sống sót thì máu me đầy mặt, vật vã kêu khóc.  Chẳng ai cứu được ai. 

Ra tới bãi biển, Ninh dừng lại tắt máy xe.  Nhìn khuôn mặt lo âu của Thy, tôi cầm tay nàng chỉ về phía núi Sơn Trà, trấn an.

- Tàu của Giang Đoàn đang chờ phía đó.  Cách đây chỉ vài cây số thôi.  Em yên tâm, chỉ khoảng một giờ nữa thôi là mình sẽ lên tàu. 

Ngoài khơi, cách bờ chừng hai hải lý, một Dương Vận Hạm và một Hải Vận Hạm đang thả neo.  Đoàn thiết vận xa M113 nối đuôi nhau chạy càn xuống biển lội về phía tàu Hải Quân.  Lính lố nhố trên xe quăng nón sắt, súng đạn, và tất cả những gì gở quăng được cho nhẹ.  Loại thiết vận xa lội nước này được thiết kế chỉ để lội qua những sông rạch nhỏ.  Nhưng ở giây phút cùng quẫn này có ai còn thì giờ để e ngại lo toan.  Mục tiêu là bóng tàu ngoài kia.  Tôi nghĩ đến hàng ngàn người chen chúc trên những xà lan ở sông Hàn sáng nay.  Ai cũng nuôi chút hy vọng là tàu kéo sẽ đến đưa họ ra biển, lên tàu lớn, chạy trốn khỏi tai ương đang đến.  Tôi nghĩ đến chuyến hải hành sắp đến của đoàn giang đĩnh chỉ quen chạy sông rạch.  Thôi đừng!  Giờ phút này nghĩ ngợi là điều không cần thiết.  Hãy nhìn những chiếc thiết vận xa đang lặn hụp ngoài kia và đừng nghĩ ngợi gì.

Tôi mở máy liên lạc ra giang đĩnh.  Tiếng người thuyền trưởng mừng rỡ.

- Trời đất, hồi trưa tới giờ ông thầy ở đâu?  

Tôi vắn tắt kể chuyện kẹt xe rồi nhắc nhở anh ta.

- Dứt khoát không được chạy vào gần bãi.   Khoảng nửa giờ nữa khi đến bãi tôi sẽ liên lạc rồi tùy tình hình lúc đó mà tính.   Nhớ dùng ống dòm để nhận diện ra chiếc xe jeep.  Tôi sẽ cột lên ăng ten cái khăn màu vàng. 

Tôi hỏi Thy tìm cho tôi tấm khăn vàng.  Đang lúi húi cột khăn lên ăng ten, tôi nghe Thy reo lên mừng rỡ. 

- May quá, đây rồi!  Hồi sáng tới chừ ráng nhớ hoài mà không biết để mô. Cả trăm ngàn chớ bộ ít mô.  

Lục tìm chiếc khăn, Thy tình cờ kiếm ra được con heo đất của nàng.  Nhìn nụ cười đầu tiên trong ngày của Thy, tôi cảm thấy lòng nhẹ đi được một phần. 

Ninh lái xe dọc theo bờ biển về phía Nam Thọ, luồn lách qua những ghe xuồng đánh cá nằm phơi mình trên cát. Trên bãi một đám đông, dân lính lẫn lộn, đang dõi mắt ra biển nhìn ngóng đợi chờ. 

Dáng chiếc Yabota quen thuộc của Duyên Đoàn hiện rõ dần trong tầm mắt.  Hai chiếc giang đĩnh nhỏ nhoi đang thả trôi, nhấp nhô trên sóng.  Người thuyền trưởng chiếc ghe Duyên Đoàn gọi cho biết đã thấy chiếc xe jeep, giọng lo lắng:

- Ông thầy tính sao đây?  Đám đông trên bãi hiện giờ khoảng ba bốn trăm người.  Ghe vào gần là họ nhào ra liền. 

Tôi hội ý với Ninh, trả lời.

- Xe hiện giờ cách đám đông khoảng nửa cây số.  Hi vọng họ chưa để ý.  Anh gọi hai con cá giấy hộ tống hai bên, chạy thẳng vào. 

Ninh chỉ tay về phía cái ghe thúng đang nằm úp mặt trên cát.

- Chiếc Yabota không thể vào quá gần bờ.  Phải dùng thúng để chuyển người mới được.

Tôi và Ninh lăn cái ghe về sát bờ nước, chuyển đồ đạc từ trên xe xuống.  Hai người đàn bà lo lắng đứng nhìn cái thúng.  Tôi cầm tay Thy trấn an:

- Không sao đâu.  Tàu vào rất gần, chỉ chèo khoảng một trăm mét là tới.

Sự lo lắng đã trở thành sự thật.  Đám đông từ lâu vẫn theo dõi sự di chuyển của ba chiếc tàu, đang đua nhau chạy về phía chúng tôi.  Lúc chiếc Yabota đến gần thì đám đông đã lao nhao chực sẵn ở bờ nước.  Tôi gọi ra đoàn tàu bảo lùi nhanh ra thật xa. 

Vào ngồi lại trong xe, nhìn những người lính lẫn lộn trong đoàn người di tản, tôi hỏi Ninh.

- Hồi ở Newport, mầy có bị EI bơi không? 
- Không.  Sông Hương tao bơi qua bơi về dư sức, cần gì phải EI.  Mà chi vậy. 
- Vậy là tốt.  Tuần đầu ở lớp bơi, tao nhảy xuống ngon lành.  Chờ hoài không thấy nổi lên, huấn luyện viên phải thả sào xuống kéo lên. 

Ninh nóng nảy.

- Có kế hoạch gì, nói lẹ đi.
- Trong lúc tao ra thương thuyết với mấy ông rằn ri, mầy gọi máy cho tàu quay trở vào. Bảo anh em vào tư thế tác chiến, sẵn sàng bắn chỉ thiên để cầm chân đám đông lại.  Ba bốn trăm người nhào xuống một lần là tàu chìm ngay.   Kế họach là cho tàu vào sát, tao chống thúng đưa hai bà ra tàu, mầy thì vẫn ngồi làm mặt tỉnh trong xe.  Khi súng bắt đầu nổ, mầy phóng nhanh xuống nước bơi ra ngay.  Kế hoạch nghe được không?

Ninh nhìn đồng hồ, gật đầu.

- Đâu có cách gì khác hơn.  Gần năm giờ chiều rồi.  Phải tính nhanh mới được.  Chần chờ, bị bắt làm con tin là coi như tiêu tùng. 

Tôi xuống xe đến lân la nói chuyện với nhóm lính.  Tôi thuyết phục được họ giữ trật tự trên bãi để đoàn tàu vào bờ.  Thy và Hân sợ hãi ngồi nép bên mấy xách áo quần, hai tay giữ chặt thành ghe.  Cái thúng chòng chành trên mặt nước.  Tôi nhảy vào ghe, trấn an hai người đàn bà rồi loay hoay chèo.  Cái thúng sau một lúc quay tròn bắt đầu lấy được thăng bằng đi đúng hướng.  Chiếc Yabota từ từ tiến về phía bờ.  Tôi quăng bớt mấy xách tay cồng kềnh rồi tiếp tục khua tay chèo bằng tất cả sức lực của mình.   Ngoái nhìn lại, một phần bãi biển như chìm thấp và lùi thật xa trong màu trời chiều đang ngả xám .  Ninh vẫn ngồi trong xe.  Đám người di tản đứng dạt thành một hàng ngang, chăm chú quan sát chờ đợi.  Cách tàu chừng vài mét tôi la lớn cho tàu bắt đầu nổ súng.  Giúp Thy và Hân trèo lên tàu trong lúc tiếng súng M60 từ hai chiếc giang đỉnh nổ ran.   Đám đông đa số là dân thường sợ hãi nằm úp mặt co quắp trên cát trong lúc luồng đạn đang xé gió trên cao.  Nhóm lính thì giận dữ đứng chỉ tay về phía Ninh đang lội nhanh về tàu. 

Chúng tôi ngồi trên bong tàu buồn bã, mệt nhoài.  Đoàn người di tản trên bãi biển Nam Thọ xa dần, bóng người chìm trong bóng chiều.  Ninh nói như phân bua.

- Phải chi có vài chiếc Yabo Cây nữa để bốc hết người trên bãi thì hay biết mấy.

Giọng Hân nhão nước mắt, đong đầy lo âu cho ngày tháng trước mặt.

- Họ đi không được, tối ni họ về lại nhà.  Mình đi được, không biết ngày mai về mô.

  Chiếc Dương Vận Hạm buổi sáng ở bãi biển Mỹ Khê đã nhổ neo.  Người Đà Nẵng chậm chân vẫn vô vọng đứng chờ trên bãi.  Từ xa, đoàn người là những vệt xám dọc theo bờ cát vương vãi nắng chiều.  Hàng dương ủ rủ cúi đầu chắn hướng nhìn về phía Đà Nẵng.   Thành phố tôi đã sống những ngày tuổi thơ êm đềm.  Nơi tôi lớn lên, bỏ đi và đã nhớ quay về.   Mùa xuân đầu tiên của đời sống lứa đôi đầy ắp hạnh phúc được vun xới bằng những kỷ niệm chung trong thành phố quê hương đẹp vô ngần.  Giờ đây bên kia hàng dương, bên kia bến đò Hà Thân là gia đình, người thân, là ngóng trông chờ đợi.  Chúng tôi bỏ đi xa để được có nhau mà lòng sao buồn như gió trời. 

Người lính mang ra cho Thy tấm mền và ly trà nóng.

- May quá, ông thầy ra tàu kịp.  Tin trên đài cho biết Cộng Sản đã tiến quân vào Đà Nẵng lúc mình còn loay hoay ở bãi biển Nam Thọ. 

Ngày cuối cùng của tháng Ba dập vùi trong giấc ngủ mệt nhọc.  Đoàn tàu đi về phương Nam, mênh mông bến bờ, phân vân lòng người.  Sự sụp đổ của quân đội VNCH nhanh hơn nước mắt trào. Từng tỉnh lỵ miền Trung lần lượt rơi vào tay Cọng Sản như những con bài domino buồn bã qụy vào nhau.  Tàu chạy qua Cù lao Ré, định vào mua thêm lương thực đã thấy cờ giải phóng treo đầy.  Lính bực bội bắn về chiếc xuồng đang bắt loa phóng thanh kêu gọi Hải Quân Ngụy đầu hàng.  Xác những giang đĩnh không người, trôi bập bềnh trên sóng, tội nghiệp như thi thể người lính tử thương.  Thủy thủ đoàn phải bỏ qua chiến hạm lớn vì tàu hết nhiên liệu.  Lúc ngang qua hòn Yến, giang đoàn chỉ còn vỏn vẹn vài chiếc.  Cửa biển Quy Nhơn nhộn nhịp chiến hạm lớn nhỏ như một thành phố nổi.  Đài chỉ huy của chiến hạm lớn nhất Hải Quân Việt Nam buổi trưa hôm đó đầy sao lấp lánh.  Đô đốc họ Hoàng, vị Tư Lệnh Chiến Trường mấy tuần lễ cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam, là ngôi sao sáng nhất.  Đô Đốc Tư Lệnh và ba bốn ông Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn đang bàn thảo chỉ chỏ trên tấm bản đồ lớn trải rộng trên bàn hải hành.  Những đơn vị cuối cùng của Sư Đoàn 22 đang chiến đấu trong tuyệt vọng để mở đường máu thoát ra biển.  Trọng pháo từ các chiến hạm bắn về phía Ghềnh Ráng yểm trợ cho đoàn LCM dàn hàng ngang bốc lính di tản.  Một đoàn PCF tuần tiễu phía trong vịnh để bảo vệ Tiền Doanh Yểm Trợ Qui Nhơn. 

Tôi nhìn những cụm khói pháo kích bốc cao, lo lắng cho người thân quen bên trong thành phố.  Hai ngày trước là Đà Nẵng, bây giờ thì Qui Nhơn.  Sự chiến thắng của tà thuyết Cọng Sản đã như vết dầu loang nhanh, không thể ngăn được. 

Sáng sớm hôm sau, ghe Duyên Đoàn vào đến Cam Ranh cũng chỉ để kịp chứng kiến thêm một lần nữa cảnh di tản buồn bã của Căn Cứ Hải Quân ở đây.  Như một nhân chứng bất đắc dĩ, phải chứng kiến hoài cảnh hấp hối của những căn cứ, thành phố mất vào tay địch đã làm tâm trí tôi kiệt quệ.  Đói mệt, chán nản, tôi dẫn Thy tách khỏi đám đông đang nhốn nháo chạy về phía bến tàu lớn, đi tìm thức ăn.  Chúng tôi may mắn tìm thấy một câu lạc bộ bỏ trống.  Nước mát và mấy lon trái cây Quân Tiếp Vụ đã giúp hai đứa tỉnh táo.  Trên đường xuống bến tàu, xách áo quần nặng hơn vì mấy chai nước ngọt, trái cây hộp tôi lấy ở câu lạc bộ.  Thy cười chọc tôi. 

- Xấu hổ, đồ đi chôm chĩa. 

Đám đông đứng đầy ở cầu tàu, chen chúc trên hạm kiều để lên chiếc Dương Vận Hạm cập dọc theo bến.  Đang lo lắng vì người đứng chờ trên cầu tàu quá đông, tôi nghe có tiếng gọi mừng rỡ từ  trên tàu.  Tài và Lập, hai người thuyền trưởng thời gian ở Đồng Tháp Mười với tôi, rối rít thả dây xuống kéo hành lý lên.  Diệp, lúc đó là Hạm Phó, đứng ở đầu hạm kiều thấy tôi cũng mừng rỡ bảo lính gác để chúng tôi lên tàu trước. 

Thỉnh thoảng bắt chuyện với Sĩ Quan trên tàu, tin tức chiến sự di tản của Bộ Binh đã không còn làm tôi ngạc nhiên nhưng đau như từng vết chém xé lòng.  Đứng nhìn vệt bãi bờ xa dọc theo vùng biển Phan Thiết Phan Rang, tôi liên tưởng đến cảnh hoang tàn của những khu phố chợ sầm uất dọc theo Quốc Lộ Một.  Đoàn người di tản vẫn hốt hoảng bỏ nhà cửa thành phố ra đi, ngu ngơ vô vọng.  Bóng tối sụp đổ của một cơ đồ quá lớn để người chạy loạn có thể chạy thoát ra khỏi vùng âm u của nó.  Cho dù chỉ trong một chốc lát để bắt lại hơi thở mình và kịp khóc chia ly. 
Chiếc LST cập bến Vũng Tàu ngày Long Khánh trở thành vùng địa đầu giới tuyến của miền Nam. Lính Sư Đoàn 18 trở thành người đứng đầu cơn gió chướng.  Ổ bánh mì trơn ăn ở bến xe Bà Rịa thơm ngon như yến tiệc.  Gia đình tôi đã vào Sài Gòn bình an.  Nhà càng thêm đông đúc với gia đình ông chú từ Đà Lạt xuống.  Trong cảnh đoàn tụ của gia đình chồng, Thy thường khóc lặng lẽ nhớ nhà giờ đây như đã muôn trùng.  Thy và hai cô em chồng đến ghi danh tị nạn ở Bộ Văn Hóa Giáo Dục.  Ba chị em Giáo Chức Di Tản đứng rưng rưng nước mắt chờ lãnh mỗi người ba chục ký gạo. 

Tôi có lệnh phải trình diện đơn vị ở Căn Cứ Cát Lỡ, Vũng Tàu.  Giang đoàn không có giang đĩnh và cuộc sống ở đậu thiếu thốn đã khiến quan lẫn lính ai cũng chán nản.  Chúng tôi thay phiên nhau về Sài Gòn rất thường xuyên. 

Trời cuối tháng Tư ở Sài Gòn buổi sáng có những cơn mưa nhẹ rất lạ.  Người Sài Gòn quen với những cơn mưa lớn thật ngắn đến rồi đi vào buổi chiều.  Tin đồn vào những ngày này là một biên giới mới đâu đó ở Vùng Bốn.  Sông Tiền Giang, sông Hậu Giang? Mỹ Tho?  Cần Thơ?  Tin đồn như hơi thở tàn của một thân xác đang hấp hối.  Một vài khuôn mặt cũ đang thành lập chính phủ mới để điều đình với Cọng Sản. 

Tuần lễ cuối tháng Tư.  Một buổi chiều tôi theo xe đò về Vũng Tàu.  Vừa vào đến đơn vị thì hay tin đường Bà Rịa, Long Thành đã bị cắt.  Tôi nghĩ đến hoàn cảnh của mình đúng một tháng trước đây ở Hội An Đà Nẵng, lòng lo lắng đến cùng cực.   Những rầm rập hỗn độn lúc căn cứ chuẩn bị di tản nghe và nhìn rất quen thuộc nhưng ai cũng buồn bã đăm chiêu hơn nhiều.  Cuộc hải trình cuối cùng chỉ còn một ngả để đi.  Ra biển.  Ra đi và không biết sẽ đến đâu.
Đêm trước ngày cuối cùng của tháng Tư.  Tôi ở trên chiếc PCF của Võ quốc Dân.  Trên tàu còn có vài Sĩ Quan khác ở Hải Đội I Duyên Phòng.  Tiếng Châu từ chiếc Coast Guard gọi lúc càng khẩn thiết.  Châu chạy chậm lại để chờ chúng tôi qua tàu cùng đi.  Chiếc PCF quá mỏng manh cho chuyến hải hành này.  Dân và tôi đã quyết định đem tàu về Sài Gòn chở gia đình nên sau khi cập tàu để người đi nhảy qua, Dân lái chiếc khinh tốc đĩnh quay vào.  Sóng cửa biển vật vã gào thét cơn khóc ngất chia lìa.  Bóng Châu trong phòng lái lờ mờ vẫy chào.  Chiến tranh dài dăng dẵng hơn hai mươi năm nhưng cuộc chia tay của những người lính thất trận giữa canh khuya thì vội vã, âm thầm.  Ngọn hải đăng Vũng Tàu chớp tắt những vệt sáng cuối cùng soi đường cho đoàn tàu lầm lủi đi xa.  Trong bầu trời khuya từng đoàn trực thăng của Hải Quân Mỹ hấp tấp bay đưa người ra biển.  Đèn hiệu trên trực thăng nhấp nháy những vệt dài nhảy nhót rối lòng. 

Có lẽ chiếc PCF của Dân là chiếc tàu Hải Quân độc nhất chạy ngược về Sài Gòn buổi sáng cuối cùng tháng Tư.  Đoàn tàu từ  Sài Gòn ra lẫn lộn tàu Việt Nam Thương Tín, Hải Vận Hạm, Dương Vận Hạm đông nghẹt người di tản chen chúc trên bong.  Chúng tôi cố gắng  không để ý đến những vẫy tay ra dấu quay ra biển, tăng tốc độ phóng nhanh về phía Nhà Bè.  Vài người lính của Dân, tuy quyết định ở lại, đã đồng ý giúp sĩ quan chỉ huy của họ lần cuối.  Khi tàu về đến Khánh Hội họ sẽ bảo vệ tàu, chờ chúng tôi đem người nhà xuống rồi thầy trò sẽ chia tay.  Sông Sài Gòn hôm đó sao quá dài.  Tàu chạy mãi mới thấy bóng Căn Cứ Hải Quân Nhà Bè.  Lời tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh của ông Tướng mới lên làm Tổng Thống càng làm Dân phóng tàu nhanh thêm.  Khi về gần đến bến Khánh Hội, chưa kịp mừng , chúng tôi chợt nghe tiếng súng liên thanh từ bờ sông bắn xối xả về phía tàu.  Một người lính bị thương nhẹ ở cánh tay.  Qua ống dòm tôi thấy từng ụ súng phòng không chĩa nòng lên trời.  Lính chính quy CSBV trong vị thế tác chiến dàn dọc theo bờ sông.  Vài chiếc T54, nòng súng kềnh càng, nằm ẩn mình dưới bóng cây.  Lính ngồi trên pháo tháp dùng ống dòm theo dõi từng động tác của chúng tôi.  Tiến thối lưỡng nan.  Tôi nhìn Dân lắc đầu.  Lần đầu tiên tôi nghe Dân chưởi thề.  Tiếng chưởi bằng giọng Quảng của hắn nghe cũng hiền.  Tôi leo lên nóc tàu treo miếng vải trắng lên cột ăng ten.

Dân cập tàu vào bờ.  Lính đưa tay chào sĩ quan chỉ huy của họ một lần cuối rồi chia tay nhau vội vã.  Dân bắt tay tôi.

- Gia đình tao di tản vào ở tạm nhà bà con ở gần khu Chợ Vườn Chuối, tao về đó rồi tính sau. 

Nhìn con tàu và dòng sông chảy ngậm ngùi, lòng tôi già nua một nỗi chán chường.  Tôi thua trận. Tôi đầu hàng.  Tôi chỉ là tên lính thất trận trong cuộc chiến tranh này.

Buổi sáng cuối mùa xuân năm bảy lăm, âm u cơn mưa nhẹ như sương là dấu vết thời gian buồn bã của sự chung cuộc.  Một chấm dứt não lòng.  Nhiều đêm trong trại cải tạo, nằm bất động mệt mỏi, mắt mở trừng cơn mất ngủ vì những xê dịch trong tâm tưởng tôi vẫn thường nghĩ về buổi-sáng-cuối-cùng đó.  Ngoại trừ hình ảnh có màu sắc của đại đội Cảnh Sát Dã Chiến quân phục tác chiến, súng trong tay, đội hình chỉnh tề, dõng dạc bước trên Cầu Chữ Y, tất cả chỉ còn là màu đen trắng.  Chậm chạp và câm nín.  Xác chết ngang chợ Hòa Hưng, trên đường về nhà.  Đoàn quân rừng rú đi vào thành phố từ phía Ngã Tư Bảy Hiền.  Người Sài Gòn đứng hai bên đường đón chào quân đội nhân dân.  Những cánh tay vẫy chào, nghi nan.  Đứa con gái quê đi ở, băng trật tự trên áo, tay cầm súng, bận bịu không mục đích trong con hẻm đi vào nhà.  Tên hốt rác dạo lên làm chủ tịch phường.  Trụ sở cách mạng phường bên cạnh nghĩa địa.  Chưa quen với cái ghế gỗ, hắn ngồi loay hoay trước tấm cờ sao may vụng, ký giấy thông hành.   Đoàn xe motolova bít bùng chở người đi cải tạo chạy ra khỏi thành phố lúc nửa đêm về sáng.  Xe chạy ngang nhà.  Qua vết rách nhỏ của tấm vải bạt, con hẻm khuya sâu hun hút.  Tất cả như một khúc phim cũ vô ích.  Thôi hãy quăng bỏ những tháng ngày nhục nhằn đó như quên đi một điều không cần thiết trong đời…

Trận mưa lớn như trút nước làm khung cảnh quanh chỗ tôi ngồi thay đổi thật nhanh.  Trời đang giữa mùa hè.  Người Sài Gòn thì quá quen thuộc với những chuyến mưa chiều vội đến rồi đi.  Người thợ sửa xe đạp bên kia đường ngồi co ro dưới tấm nhựa căng vội, hút thuốc chờ mưa tạnh.  Đám buôn thúng bán bưng ngồi lan tận bậc thềm bên trong quán cà phê, bàn cãi chuyện đổi tiền.  Dọc lề đường, những người đạp xích lô ngồi ngủ gà ngủ vịt bên trong tấm bạt phủ kín xe.  

Chờ trời ngớt mưa, tôi bỏ quán đi nép theo vỉa hè về bến xe lam Ngã Bảy.  Đường từ chợ Hòa Hưng về nhà vắng vẻ hàng quán.  Cửa hàng nhà nước trống trải mấy chai thuốc gội đầu, xà phòng quốc doanh.  Đầu hẻm vào nhà là một quán xép bán cà phê, bàn ghế thấp nhỏ dọn sát ra lề đường.

Hai đứa em hốc hác vì chuyện học hành, sinh kế.  Ba anh em ngồi ăn cơm dưới ánh sáng lù mù của ngọn đèn dầu.  Ngọc vặn cao tim đèn.

- Anh Hai về mà nhằm đêm cúp điện, tối tăm quá.  Mỗi tuần ba đêm.

Tôi cười.

- Cũng đỡ hơn Phước Long nhiều.  Trên đó điện cúp mỗi tuần bảy đêm.

Ẩn, đứa em trai lớn, mời tôi.

- Cơm xong, tụi em đạp xe chở anh xuống Sài Gòn chơi. 
- Thôi ra đầu hẻm uống cà phê được rồi.  Biết hai đứa đi học chưa về, anh ngồi suốt buổi chiều ở quán Mai Hương cũ.  Trời mưa lớn quá. 

Hai đứa em dẫn tôi tới trạm công an khu vực trình giấy tờ.  Tên công an người miền Bắc loắt choắt, lên giọng hạch hỏi về nơi đến trong giấy ra trại.  Hắn ngoằn ngoèo mấy nét chữ ký rồi đóng con dấu đỏ loét lên đó. 

- Anh Hai về, chơi sang một bữa! 

Mùi cà phê và điếu thuốc Thái Lan cùng với cảm giác ấm áp gia đình len lỏi vào hồn nỗi vui hiếm hoi.  Hai đứa em kể chuyện nhà.  Giọng Ngọc già trước tuổi.

- Muốn sống còn trong xã hội này, vấn đề chính là mình phải sẵn sàng với chuyện bất ngờ, chuyện đau lòng.

Buổi tối trong khu lao động văng vẳng tiếng trẻ nô đùa từ nhà hàng xóm.  Tiếng chuông từ hẻm chùa Định Thành ngân nga dỗ dành.  Đã xa rồi tiếng kẻng báo giờ ngủ chát chúa phiền phức.  Tôi nghĩ tới Thy và bé Đông Xưa.  Tôi ngủ ngon lành với giấc mơ đoàn viên đang tới. 

Tiếng hàng quán ồn ào trước nhà đánh thức tôi dậy.  Nằm yên lắng nghe từng tiếng cười, tiếng cãi nhau, tiếng rao mời như lắng nghe nỗi hạnh phúc hồi sinh.  Sự sống như nước mạch tươm chảy quanh mình và tôi hứng lấy thỏa thuê. 

Hai đứa em đã thức dậy đến trường từ sớm.  Trong nhà đồ đạc đơn giản tươm tất thế mà tôi vẫn tìm chuyện dọn dẹp luôn tay suốt buổi sáng.   Cảm giác đang-ở-nhà đã khiến tôi vui, ngồi đứng không yên.  Trong hộc bàn, tấm hình bé Đông Xưa lẫn với xấp thư nhà.  Có lẽ hình được chụp vài tháng sau ngày Thy bồng con lên thăm tôi lần đầu tiên ở Long Khánh.  Mái tóc Thy, ngang vai ngày mới cưới, dài trễ tràng xuống quá lưng như nỗi đợi chờ.  Bầy gà nở vừa kịp ngày con gái lên thăm.   Bé Đông Xưa mãi vui với mấy chú gà con để cho ông Bố lạ mặt bồng suốt thời gian một giờ thăm nuôi.  

Đang đọc bức thư cũ Thy viết từ Đà Nẵng thăm hai chú em chồng, tôi bỗng hoa mắt không tin sự thật trên trang thư.  Đọc đi đọc lại đoạn thư Thy kể ngày giổ đầu và đi thăm mộ bé Xưa mà nghe như mặt đất đang sụp đổ dưới chân mình.   Có thể nào như thế được!?  Lần lên thăm tôi ở Phước Long, Thy nói vì đường quá xa không thể bồng con theo được.  Suốt thời gian  thăm nuôi, Thy vẫn vui vẻ kể chuyện bé Xưa.  Trong nước mắt, tôi đọc hết xấp thư để phải chấp nhận cái chết của con là điều có thực.  Rất thực như lòng thương con, thương chồng mãnh liệt của Mẹ.  Đông Xưa bệnh nặng.  Thy bồng con vào bệnh viện.  Vì lý lịch cải tạo của Bố, Mẹ đành phải bồng con về.   Giấu không cho chồng trong tù biết vì sợ chồng làm chuyện thiếu suy nghĩ, Mẹ đã hy sinh ôm lấy chuyện đau khổ một mình.  Thương con cho Mẹ và nhớ con giùm cho Bố.  Mẹ mảnh mai đã cưu mang gấp đôi nỗi đau mất con để Bố trong những đêm tù còn được những cơn mơ.  Nhớ về mùa Xuân xưa đầu cuộc trăm năm và mơ tới vùng đất hồi sinh dậy tiếng trẻ thơ.  Bố biết bé Đông Xưa đã không hề rời xa Mẹ.   Bố biết bé Đông Xưa sẽ còn mãi trong Bố như hình ảnh của mùa Xuân cuối cùng.

Mùa Xuân cuối cùng.  Một quê hương trong tâm tưởng có tiếng võng ru ngậm ngùi...

Con sao sáo nhỏ,
Thường đậu cành mơ.
Hót lại bài thơ
Những ngày đông xưa.

Sáng xuân nằm chờ,
Con sao sáo nhỏ
Về hót bài thơ
Mông mênh bến bờ.

Tìm ra tựa gốc cây mơ
Mới hay nỗi chết bơ phờ bủa vây.
Ôi! Con sao sáo nằm đây,
Mảnh hình hài nhỏ, gió mưa đong đầy.
Cơn đau thương - như heo may
Về đan kín nắng đầu ngày mùa Xuân

Bỏ cõi trầm luân,
Sáo có bâng khuâng?

Sáng ngày mở mắt gian truân.
Chẳng còn nghe sáo vớt xuân cho đời.
Nỗi buồn kín hai bàn tay,
Không sao che kín mặt ngày đau thương.

Phan Thái Yên

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2014