SỐ 62 - THÁNG 4 NĂM 2014

 

Đường Chiêm bái (3)

(tiếp theo Quê Mẹ số 147)

Em đi để lại con đường
Ta đem bóng đổ đo lường hình xưa
Thi Vũ

Ở Dharamsala, bất cứ gì cũng chậm. Bất cứ gì cũng khoan thai. Bất cứ chi cũng trầm ngâm như cây cỏ rừng tùng. Duy xe chạy như lằn chớp quanh co đèo. Tôi đọc trên tờ báo Anh ngữ địa phương mấy dòng tin nhỏ : nơi khoảng đèo Z xe rơi hố, tất cả tử thương, trong số có 4 người Âu. Chợt nghĩ đến lượt mình, họ sẽ đăng ra sao. Ai bên Tây phương xa, ai chẳng còn ai trên quê hương mà đọc thứ báo này ?  Có đọc cũng không nhận ra kẻ vô danh tiểu tốt vừa bỏ thân nơi vực thẳm.

Bỗng nhớ chuyến bay từ Nam Ninh đi Bắc Kinh năm 1988. Thời ấy tôi được mời đi thăm Trung quốc hai tuần lễ và toạ đàm ở Viện Khoa học Xã hội và Viện Nghiên cứu Đông dương ở Quảng Tây. Chuyện đã có thiên phóng ký riêng. Nay còn nhớ ấn tượng ở phi trường Nam Ninh và đường bay lên Bắc Kinh. Người Hoa có lối đãi khách hậu hĩ. Tôi đi đâu có công xa đưa rước, tài xế găng trắng và hướng dẫn viên giải thích. Mọi bữa cơm thịnh soạn ê hề bảy tám món. Nhưng không cơm. Mấy ngày đầu tôi chần chờ, chẳng dám ăn nể. Cuối buổi phạn lâu mới đưa ra chén cơm bé xíu. Hỏi nhỏ ông cán viên văn hoá, ông bảo ồ ở đây là thế đấy, cơm xem như món ăn cuối. Nghĩ mình suốt đời ăn những chén cơm vun lót dạ, thức ăn là món đưa duyên. Từ lâu thấm nhuần nền văn chương, nghệ thuật Trung quốc, nhưng chẳng biết gì về văn hoá ăn ở nước khổng lồ này. Thế nhưng hôm ra phi trường Nam Ninh, được dọn cơm vì chuyến bay cất cánh sau bữa trưa. Hành khách quanh nhau trên những chiếc bàn tròn. Lần đầu tiên tôi mới thấy cơm trong tô lớn dọn cùng lượt với thức ăn. Khách và đũa rất nhanh, chén này sang chén khác ngồm ngoàm chẳng khác chi bên mình. Hoá ra có hai lối ăn dân giả với khách sang, ăn thường nhật với ăn đãi đằng.

Máy bay cất cánh. Phi cơ loại nội địa sơ cổ, gầm rung từng đợt. Nhìn xuống vạn trùng rừng um tùm, thoạt nghĩ có thể rơi bất tử lắm. Rồi sẽ ra sao ? Một thập loại chúng sinh chết bụi chết bờ ? Chiêm nghiệm tục thờ cúng ông bà, có mấy điều phải đặt lại. Đặt lại cũng là phát huy. Thời nông nghiệp gia đình bám vào đất tổ canh tác. Nơi chôn nhau cắt rún cố định, đời đời chẳng đổi dời. Mỗi dịp tết hay kỵ giỗ, ông bà khuất bóng biết nơi chốn tìm về quây quần cùng con cái. Nhưng nay ? Nông nghiệp bước qua công nghệ. Nông dân dần dà trở thành công nhân tập trung về thị trấn và các khu kỹ nghệ. Thêm nạn độc tài xua hàng triệu người thất tán khắp năm châu. Trong hay ngoài nước, nhà ở thay như cơm bữa. Ông bà biết về đâu tìm lại linh vị, chân dung và bát nhang truyền kiếp ? Ngoại trừ hồn thiêng có thần thông thấy nghe xuyên phố xá, lục địa. Hoặc người cúng có khả năng giao cảm chỉ đường đi nước bước gọi hồn.

Ngay địa cư tôi ngụ ở Pháp hai mươi năm qua không ngừng thay đổi. Kẻ đi lâu năm trở về ngỡ như mình lạc bước. Ông bà chúng ta sẽ bở ngở xiết bao ? Làm sao giải quyết sự tình này?

Phải chăng từ gốc, tục thờ cúng ông bà nằm trong lá linh phù của chữ NhỚ. Người sống còn nhớ, người chết sẽ sống mãi. Mộ bia còn đâu đó nhưng xác thân đã hoà nhập vào cát bụi. Bàn thờ dựng lập đâu đó, nhưng linh thức đã hoà tan vào ánh sáng nơi vũ trụ không cùng. Nhớ sẽ như dòng điện gọi năng thức trở về. Nhớ như chiếc cầu nối hào quang mình vào vùng sáng bao la kia ; nối cảm thông mình với sinh linh khác đang cất giữ mối quan hoài. Dứt nhớ, tình sẽ quên. Cô đơn mọc ra như sa mạc gặm hết mầm xanh. Nỗi cô đơn tiệt nòi, khác với cảnh đơn chiếc từ một nhớ đến hai, mà trong cách biệt giú mầm tái ngộ.

Nhớ là mối tương liên giữa người với người làm nên thế giới ; giữa người với hồn linh đi trước làm nên vũ trụ luân sinh. Nhớ là địa chỉ nơi hẹn hò cho người sống, chỗ gặp lại khi kẻ qua đời tái sinh. Những tình thân không nhớ, liền cụng đầu với hư vô. Nhớ là nguồn gốc của nghệ thuật và tôn giáo. Nhớ sáng tạo thiên đường hay địa ngục tuỳ theo hình ảnh nó phản chiếu. Nhớ là động thức duy nhất trên thế gian vượt khỏi ngôn ngữ, dù vẫn đẻ ra muôn loại hình ngôn ngữ. Nhớ vô ngã hoá những biên thuỳ tù ngục. Lóng ý gọi thức cõi trầm luân. Tất cả mọi ngành nghệ thuật cao cả đều vượt ngôn ngữ, như nhạc, như tranh, như tượng. Tác phẩm giao hoà với người xem qua ý. Không dùng lời. Ngoại trừ thi ca mới sử dụng ngôn ngữ. Nhưng ngôn ngữ thơ cốt đạt cái vô ngôn.

Nhớ làm bật ra tiếng nói của tâm linh. Nhớ làm đi động sự sống, như bộ nhớ di truyền, bộ nhớ vi tính, duy phải tồn lưu bảo quản. Càng nhớ càng tăng năng xuất sống, càng đẩy xa tàn phai huỷ diệt, càng tương kết với sự hiểu biết vũ trụ tâm linh.

"Đê đầu tư cố hương", ngẩng đầu nhớ cố hương. "Bạch vân tư thân", trông mây trắng mà nhớ mẹ cha. Kẻ biết ngẩng đầu nhớ cố hương, quê hương không bao giờ mất ; kẻ nhìn mây trắng nhớ mẹ cha, mẹ cha sẽ sống đời. Tiếng Tàu gọi nhớ. Tư chính là tư tưởng, tư duy. Người xưa xem não và tim là cơ quan tư duy, nên viết (nhớ) bằng hai loại chữ tượng hình, trên là chữ điền (ruộng) dưới chữ tâm (tim). Duy phải hiểu chữ điền này không phải là đất ruộng, vì vốn nó là chữ tín   , nghĩa là thóp (khe hở ở sọ của trẻ sơ sinh chưa khép lại) tượng trưng cho đại não. Não là trí tuệ, tim là lòng dạ yêu thương. Có trí mà thiếu lòng, sinh ra lãnh đạm, vị kỷ. Có lòng mà thiếu trí, thì chỉ xum lo những chuyện tào lao, ba phải. Kết hợp vừa trí tuệ vừa lòng dạ, vừa đại não với trái tim, thì mới Nhớ được, mới suy tư, mới tư tưởng, mới giả từ bầy sói, đứng trên hai chân làm con người của tim óc. Sách xưa từng dặn : học mà không tư (suy ngẫm) thì bậy bạ,vu vơ ; tư mà không học thì sơ xuất, nguy hiểm (Học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học tắc đãi).

Điều tôi nhớ nhất ở Dharamsala là các tay lái taxi. Những chiếc xe con nội địa trống trơn, đơn giản. Hầu như ngoài chiếc thùng sắc, chỉ có bánh lái và cần sang số. Trời vực với đủ loại nút bấm, đèn nháy tối tân, sang trọng, trang bị trong các loại xe ở Nhật hay Âu Mỹ. Nhưng sức chạy thì không đâu bằng. Như con thần mã bất tử. Đường sá hẹp, lỗ chỗ đá nhọn, dốc đèo nghi ngút. Thế mà người lái nào như người lái ấy, lao phóng tựa lằn tên trong gió sợ không đến kịp hồng tâm. Ngồi ở mặt tiền, tôi nắm chặt chiếc quai nơi trần xe, treo thần hồn vào đấy. Trước mặt rừng núi chập chùng, đàn ó bay lượn, ngó bên mặt là vực thẳm. Những lúc hai xe trên đường ngược giao nhau, tốc độ không hãm mà chỉ lách nhanh vào chân núi hay phía vực. Đo bằng mắt, bánh xe cách vực mươi đến mười lăm phân thôi ! Mỗi lần là một bận thót tim, mỗi bận là một lần nghĩ mình qua đời. Biết bao lần tôi thực sự nghĩ phen này mình bỏ xác nơi đây. Tiền kiếp nào tôi từng làm Lạt ma, nay về đây tái sinh ? Dâng hiến xác thân cho bầy ó liệng trên núi cao?

Sợ hãi thì ít ghê mình thì nhiều. Vực thẳm là nơi chẳng ai muốn lao xuống. Biết bao thiên niên kỷ thân xác chúng ta bị lực hút trái đất cầm chân. Cấm rong chơi vào vũ trụ. Hình ảnh vực chỉ gợi thêm sức hút vô tận về tử huyệt không đáy. Khác với trời cao những khi lên chỏm núi hoặc ngồi trong máy bay.

Đường sá ở Tây phương rộng, êm, người lái xe hiền lành. Người Tây Tạng hiền hơn nữa, song cách lái xe bạc mạng. Thế mà ít tai nạn. Hồi xưa tôi hay bốc đồng lấy xe từ Đà Lạt về Saigon trong một ngày hay một đêm để mua sách hoặc xem các cuốn phim lạ mới xuất trình, loại Lã Sinh Môn, Charlie Chaplin... Đi về cho kịp dạy học hôm sau. Không thể chờ xe buýt Bình Xuyên mỗi ngày một chuyến vào lúc 5 giờ sáng, tôi thêm tiền nhảy vào các chiếc Peugeot lấy khách đi ngay. Mấy bác tài xế loại này chạy quá cỡ. Đổ dốc vun vút xuống các truông đèo nguy hiểm như cái chớp loé của ý tưởng, chứ không là thể thái của kẻ đưa khách tới chốn an toàn. Riết rồi quen, nghĩ như lái xe là như thế. Nay gặp người Tây Tạng lái xe siêu phàm hơn một bực. Phải chăng tạng người Á châu chậm rãi nhưng lại không biết cách khoan thai bộ máy tốc độ ? Hay họ xả láng nỗi ấm ức bấy nay ? Như người Ả Rập quen sa mạc và ngày tháng mênh mông, nên mất tầm đo đạc tránh xe, dù chỉ băng qua con đường tám thước nơi thị trấn phương Tây ?

Tôi nhận lời mời đến Dharamsala tham dự cuộc họp nhân quyền 13 nước Á châu do văn phòng Đức Dalai Lama tổ chức. Lòng chỉ mong tìm hiểu thêm giống nòi tôi chiêm ngưỡng như chính quê hương tiền kiếp của mình. Chứ phát biểu, tham luận không là trọng tâm chính. Dù tham dự thành khẩn và làm việc chẳng kém ai. Người Á châu chúng tôi hiểu nhau quá. Đâu phải nói, mà làm. Đâu phải gặp, mà là kết tâm mưu sự.

Người Tây Tạng ít nói với nhau về dân chủ, song sinh hoạt quốc gia thể hiện tinh thần dân chủ, hoà đồng. Quốc hội Tây Tạng đặt tại thủ đô tị nạn Dharamsala. 46 nghị viên đại biểu cho dân tất cả mọi vùng miền trong và ngoài ngước. Dù ở Âu châu, Mỹ châu, Úc châu..., nơi nào có cộng đồng Tây Tạng, họ bầu lên một hai dân biểu để lo đại sự quốc gia. Là nước Phật giáo, người thủ lãnh lại là vị Phật sống Dalai Lama, nên cuộc đấu tranh giải phóng Tây Tạng giành độc lập chọn phương pháp bất bạo động. Nhiều người xốp phổi thấy gần bốn mươi năm rồi mà Tây Tạng vẫn bị Trung quốc chiếm đóng. Nhất là giới thanh niên, trí thức. Giới này mang bầu lửa nóng, coi trời bằng vung, lại vừa tiếp cận với đủ loại tư tưởng phương Tây. Một số trong họ khám phá ý thức hệ cộng sản như bửu bối đấu tranh : Phải dùng bạo lực cách mạng cướp chính quyền. Không thể dùng đạo lý, không thể hành xử bất bạo động nữa. Họ âm thầm tổ chức Đảng và kêu gọi cầm súng đứng lên. Đức Dalai Lama và Quốc hội Tây Tạng đem việc ra bàn ; lấy quyết định cho phép lập đảng cộng sản, không ngăn cấm. Đảng cộng sản của giới thanh niên, trí thức này hoạt động mấy năm thì tan rã. Vì không cuốn hút và tập họp được quần chúng. Máu thịt tư duy người Tây Tạng là Phật giáo. Quần chúng mang trong người họ sinh thức Bát Nhã, ý thức hệ Tây tà là chủ nghĩa Mác Lê kia trở thành trò đùa con nít trên phạm vi tư tưởng, làm sao chinh phục họ được. Bát bất của Bát Nhã phá tan tận gốc mọi vọng niệm, thì cái ý thức vọng động, thứ triết học đóng khung của chủ nghĩa cộng sản không thể nào đứng vững. Bằng diễm lực của thực tại và trí tuệ siêu việt, gần ba ngàn năm trước đức Phật đã đánh đổ tan tành sáu trường phái : Hư vô chủ nghĩa, phủ định bản chất xã hội của con người ; Duy vật chủ nghĩa ; Hoài nghi chủ nghĩa ; Định mệnh chủ nghĩa ; Khổ hạnh chủ nghĩa ; Bất tử chủ nghĩa. Sáu học phái biểu trưng nền triết học phủ định, phi xã hội và không có con người. Người Phật tử Tây Tạng ngày nay thừa kế sinh thức ấy, nên đảng cộng sản Tây Tạng không sao phát triển.
Khi tôi đến Dharamsala, thì Quốc hội cũng vừa giải quyết xong sự bất đồng chính kiến đấu tranh. Mấy năm trước có khuynh hướng dùng bạo lực quân sự để giải phóng Tây Tạng, và phê bình đường lối đấu tranh chính trị của Đức Dalai Lama. Quốc hội bỏ ra hai năm trưng cầu dân ý để chọn lựa thể thức phù hợp với lòng dân. Kết quả là nhân dân ủng hộ lập trường Đức Dalai Lama, không chấp nhận bạo động, cuồng sát.

Hôm chính phủ Tây Tạng tiếp tân, ngồi cùng bàn, ông Tashi Wang Di, bộ trưởng nội vụ mà tôi có dịp giao thiệp từ thời ông làm ngoại trưởng, nói với tôi rằng : Anh nghĩ đánh cái gì ? Phải thực tế chứ, 6 triệu dân Tây Tạng làm sao cầm súng chống lại Trung quốc khổng lồ ? Tình hình địa chính ngày nay với tương quan chồng chéo quốc tế, phải khéo hoạt động thế nào tạo áp lực thế giới giành lại chủ quyền. Không thể tự ái dân tộc la gào cho thoả chí mà thôi. Chúng tôi tranh đấu cho ai đây ?  -- Cho dân, nên phải nghĩ đến dân, không nằm ngủ mơ trong diễn văn, luận thuyết được. Cái gì cũng phải từ thực tế mà đi ra.

Tôi đến thăm trung tâm tị nạn đón tiếp các thanh niên thanh nữ vượt biên. Ở trong các dãy nhà tôn san sát, nghèo nàn nhưng sạch sẽ, ngăn nắp. Hằng ngày họ học tập để lao vào tranh đấu. Nói chuyện với tôi họ mới nghe hai tiếng Việt Nam lần đầu nhưng không biết ở đâu ; tôi phải vẽ bản đồ Á châu chỉ cho họ. Hỏi thích ở đây hay trong nước. Họ đáp ở đây nhớ nhà nhưng có tự do và được học hành.

Tôi đi thăm các trường học, thăm làng thiếu nhi có 2500 em mồ côi. Các em học hai song ngữ Tây Tạng và Anh văn. Trường ốc xây khang trang, đi đâu cũng thấy những biển đề : «Ốc xá này do chính phủ Đan Mạch tài trợ», «Ốc xá này do chính phủ Nhật bản xây dựng», «Ốc xá này do tổ chức X ở Hoa Kỳ tài trợ», v.v... Toàn thế giới ủng hộ các công trình. Khéo quá ! Họ huy động cả thế giới cho việc sống còn nền giáo dục và văn minh Tây Tạng. Ra đến chùa chiền, tu viện cũng thế, tất cả đều được liên đới hoá, nghĩa là quốc tế hoá. Đôi bên cùng cho cùng nhận ; bên tài thí, bên pháp thí ; bên giúp tiền, bên nhận món quà tâm linh. Trung tâm bảo lưu văn hoá, nghệ thuật Norbulingka nguy nga đồ sộ, do Nhật bản xây dựng. Nghĩ lại cộng đồng hải ngoại của ta đều do sự bươn chải cá nhân, nên mức phát huy cũng quanh quẩn trong chiếc lồng vị ngã. Bản thân của Phật giáo Việt Nam nói riêng vẫn chưa chịu bước qua lằn ranh quốc tế. Một vài trường hợp lẻ loi gọi là thành công chăng nữa, mới là bước đầu thiết lập vị trí «tân giáo chủ», hơn là phát huy đạo Phật Việt Nam. So sánh với các giáo chủ đạo Sikh, đạo Ấn... truyền sang Mỹ lôi cuốn hàng trăm nghìn tín đồ, so sánh với những giáo phái thờ đá, thờ búp bê... có hàng trăm nghìn đệ tử, hoặc những ca sĩ nổi danh thu hút bốn năm trăm nghìn giới trẻ đến nghe, thì «thành công» của ít nhiều Tăng sĩ Việt theo kiểu «hiện-đại-hóa Phật giáo uyên nguyên»(!), nói như Bùi Giáng, chỉ là hư danh. Ngoại trừ âm hưởng thực sự của Phật giáo Việt Nam bùng lên từ Ngọn Đuốc ngài Quảng Đức năm 63, từ cuộc biểu tình 40.000 Phật tử ở Huế ngày 24.5.1993.

(còn tiếp)
THI VŨ

(nguồn: Tạp chí Quê Mẹ số 149-150, Paris, 1999)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2014