SỐ 63 - THÁNG 7 NĂM 2014

 

CĂN NHÀ SAU CỬA BIỂN

(tiếp theo)

17

Về lại Toshima sau chuyến đi nhớ đời viếng thăm Phú Sĩ Sơn, Nữ vẫn lâng lâng mỗi khi nghĩ tới cảnh bình minh hùng vĩ của ngọn thánh sơn nhìn từ hồ Yamanaka. Dì Nguyệt khen Nữ lần đầu đi thăm Fujisan đã có cơ duyên ngắm nhìn được nguyên vẹn dáng núi hằn lên bầu trời xanh biếc hừng chớm ánh dương. Bà đứng nhìn hình ảnh phản chiếu của núi lồng lộng chúi vào lòng tịnh thủy im bặt linh thiêng rồi mơ màng kể chuyện xưa.

- Lần đầu được bà ngoại dẫn đi Fujisan lúc dì chưa được tám tuổi. Chờ suốt sáng mà trời thì càng lúc càng sa mây mù che biệt cả đỉnh núi. Bà cháu đành tiếc rẻ trở về, còn dì cứ tấm tức khóc cho tới khi ngoại phải gọi người bán dạo lại mua cho cháu cả gói kẹo ngào đường konpeito.

Nữ xấu hổ nghĩ tới đĩa kẹo trên bàn khách đầy những viên kẹo nhỏ nhiều cạnh đủ màu mời mọc khiến nàng ghiền tay bốc lủm lúc nào không hay. Hiroshi nhìn Nữ cười.

- Không sai! Konpeito bảo đảm ăn vào là ghiền. Mẹ đã ghiền konpeito sau chuyến đi thăm Fujisan từ hơn sáu mươi trước. Thật ra kẹo konpeito còn có ý nghĩa là cảm ơn người đã đến thăm. Mẹ vẫn châm đầy đĩa kẹo mỗi sáng cho nên em bốc hoài mà vẫn không vơi. Có lẽ mẹ muốn em ở lại không về.

Dì Nguyệt cầm tay Nữ, gật đầu tán đồng câu nói của con trai.

- Kite kurete arigatou gozaimasu…Cảm ơn cháu đã đến với Hiroshi và dì.

Nữ xúc động lắng nghe dì Nguyệt lục tìm ngâm nga từ trí nhớ lời ca dao chân tình bằng giọng Huế nghe thương tới rụng rời.

Tới đây thì ở lại đây.
Bao chừ bén rễ xanh cây mới về.

Những ngày Hiroshi bận việc ở công ty, dì Nguyệt đưa Nữ đi thăm nhiều danh lam thắng cảnh quanh Tokyo. Suốt tuần lễ vào dịp hoa anh đào nở rộ là thời gian tuyệt vời nhất. Họ thăm đền Heian Shrine. Anh đào trắng hồng dưới nền trời xuân xanh huyền ảo hiện ra sau chiếc cổng torii của ngôi đền Thần đạo khiến lòng khách viếng cũng mềm theo tiếng chuông vọng ngân nga. Họ đi dưới mưa hoa, chân chậm bước qua hằng hà cánh hoa tàn rụng trải gấm hồng lên khắp lối đi quanh co trong công viên Ueno hay vườn Ngự Uyển. Thuyền con thấp thoáng đánh hoa lung linh soi mình xuống giòng kênh Chidorigafuchi uốn dọc hoàng cung. Họ ngồi lại bên bờ nước, lòng vun nỗi cảm xúc hài hòa với trời đất thiên nhiên và hoa rơi quyện nhịp luân sinh. Từng cánh hoa sống kiếp mong manh, phô hết tinh ròng xuân sắc trong thời gian rất ngắn rồi nhẹ nhàng rơi chẳng luyến tiếc chi đời như người võ sĩ đạo samurai xem cái chết nhẹ tựa mây bay. Nữ thoáng bâng khuâng.

- Hiroshi hẹn sẽ đưa cháu đi chèo thuyền ở đây vào cuối tuần. Có lẽ lúc đó hoa sẽ tàn rụng hết rồi.

Dì Mitzuki mân mê cánh hoa đào vừa rơi lên tóc Nữ. Có những cánh hoa thắm mãi trong lòng, thời gian chẳng thể phôi pha. Những người chẳng nề hà cái chết trong nghĩa khí can trường bởi họ đã sống hết lòng cho đất nước, cho tự do đời mình và người thân. Mẹ đơn thân nuôi con khôn lớn giữa tiếng đời nặng nhẹ. Dì Ando, người vợ cuối đời của hoàng thân Cường Để, hi sinh suốt đời cho chồng và nghĩa phu thê. Nàng công chúa Shiori Quỳnh Thi liều mạng mình cho tự do và tương lai con cái. Ông hoàng lưu vong tâm nguyện chia xác mình, chôn chung phần mộ với lưu học sinh Trần Đông Phong chẳng vì lẽ vua tôi mà là tình đồng chí, nghĩa đồng bào.

Nữ nghĩ tới ngôi thạch mộ cũ ở Cẩm Châu, lăng mộ của chàng trai Nhật đã sống hết cho tình mình hơn bốn trăm năm trước. Nét hoa đào trên đá chợt nở tươi, lung linh bay qua năm tháng nhập vào ngàn mưa hoa đang phơi phới trên giòng nước.

Linh hồn người xưa bàng hoàng về theo câu chuyện đời vừa được dì Nguyệt kể ra. Phần đời bé dại của Nữ cũng sẹ bước trở về. Khu phố cổ thầm lặng dòng sông trôi chợt sáng lên phần sâu thẳm khác Nữ chưa hề liên tưởng tới. Mường tượng ký ức không dừng lại với hình ảnh bé Nữ chưa qua năm sáu tuổi, tóc búp bê lúp xúp bước theo cha. Đồ sộ sau lưng bóng nắng dọi xiêng xiêng lên dãy phố rêu phong là cả một xã hội kỷ cương, nền nếp của thời Đệ nhất Cọng hòa nơi con người khiêm cung, chân thành đối xử nhau.

Nữ ái ngại nhìn dì Mitzuki, nghĩ tới nỗi thất vọng của bà lúc tìm về quê ngoại sau gần cả đời người ngóng vọng. Hãy để những samurai uy linh của dì ở lại nơi quê nhà thân yêu trong tâm tưởng.

Bà Mitzuki chỉ chợp mắt được một lúc vì quá mệt sau chuyến đi xa rồi không ngủ lại được. Tiếng chim đàn quang quác bay về biển khiến bà tỉnh giấc, nằm trở trăn tiếc nuối giấc mơ dài suốt đời người vừa chóng vánh tàn lụi.

Vùng đất miền trung du Việt Nam bà chưa hề đặt chân tới nhưng vẫn ân cần quen thuộc trong mỗi giấc mơ đã làm bà thất vọng. Từ tháng ngày mới lớn, chuyện kể về ông ngoại Trần Đông Phong và cái chết đầy khí phách như một võ sĩ đạo đã là niềm tự hào giúp bà mơ màng về một quê hương thần thoại trong đó con người thuần lương, nghĩa khái sống chết hết lòng với nhau.

Bà đã sống qua thời thiếu nữ vào những năm dài tang tóc điêu linh của Thế chiến Thứ hai, sau đó là dân của một nước Nhật thất trận, rồi làm vợ một cựu phi công Kamikaze thất chí, sống trong mặc cảm của một phế binh đã không được chết theo phi cơ đâm vào tàu địch. Lòng hào hiệp của người Mỹ đã giúp đất nước bà vượt qua khốn khó, gìn giữ được độc lập và trở thành một quốc gia tự do, dân chủ để chỉ phần tư thế kỷ sau sánh vai cùng các cường quốc hàng đầu trên thế giới.

Tham vọng bành trướng của Chủ nghĩa Cọng sản và sự tranh giành Quốc Cọng lại gây cảnh chiến tranh điêu tàn¸ đất nước phân ly cho Triều Tiên,Việt Nam. Cọng sản miền Bắc Việt Nam chủ trương bạo lực, dấy động cuộc chiến tranh “chống Mỹ cứu nước” để thống nhất đất nước. Hằng triệu thanh niên đã bị quăng vào lò lửa của cuộc chiến tranh không cần thiết. Ảo tưởng thiên đường xã hội chủ nghĩa và chuỗi dài những sai lầm lãnh đạo lại đưa đất nước sau chiến tranh ngày càng chậm lụt trong nghèo đói. Suốt thời gian đó Nam Triều Tiên dưới sự bảo vệ của Mỹ đã mau chóng lột xác trở thành một quốc gia vững mạnh, cạnh tranh ngang sức với Nhật và các cường quốc khác trên nhiều lãnh vực công nghệ tiên tiến, cùng lúc vẫn giữ được tính độc lập tự chủ của đất nước.

Gần cả đời người bà Mitzuki vẫn mãi cưu mang giấc mơ đi tìm quê ngoại trên đất nước Việt Nam, từ những năm góc Đông Dương này còn chìm trong máu lửa. Rồi nhiều năm sau đó, nghi ngại về chế độ Cọng sản độc tài và cái chết của người bạn thân Shiori Quỳnh Thi cùng hàng triệu người Việt Nam trên đường vượt biển tìm tự do đã khiến bà chùn chân.

Bà Mitzuki thở dài nghĩ lại chuyến đi. Bà tự trách mình, nhớ lại những điều cô con dâu đã nói thời gian thăm bà ở Tokyo. Bà không ngờ thực tế về văn hóa và con người trong “quê hương thần thoại” của mình còn tệ hơn những điều Nữ muốn chuẩn bị cho bà.

Suốt mấy ngày ở Thanh Chương, quê hương của cụ Trần Đông Phong, nhiều người tự nhận là bà con thân thích với ông Đồ Mường đã nườm nượp gọi là đến thăm cháu ngoại người Nhật của cụ Phong nhưng thật ra là để than thở, đặt điều nhờ Nữ thông dịch xin tiền. Không ai ngờ “bà già người Nhật lắm tiền không xin cũng uổng” nghe hiểu từng tiếng từng lời gian trá, nghe mà không tin vào tai mình. Tệ nhất là một phụ nữ trẻ đến ngã giá đòi một số tiền khá lớn để cô ta dẫn đi tìm người đang sở hữu vài sáng tác thi phẩm của cụ Trần Đông Phong.

Chuyến đi khá vất vả đến một thôn hẻo lánh ở Đồng Văn. Trong gian nhà tranh nhỏ mà tươm tất, họ chăm chú nhìn chiếc bàn thờ đơn sơ với độc một chữ Tâm màu điều trên khuôn giấy bồi cũ vàng lúc người chủ nhà chừng tuổi bà Mitzuki bước ra. Lời chào hỏi giữa cô gái dẫn đường và cụ già khiến Nữ và bà mẹ chồng ngạc nhiên đưa mắt nhìn nhau. Cô gái đưa tay lên môi ra dấu chuyện tiền nong rồi bước nhanh xuống bếp pha trà theo lời sai bảo của ông ngoại. Cụ già nhìn theo cháu, lắc đầu.

- Mày mà làm cô giáo thì dạy dỗ ai đây. Mẹ ốm cả tháng không bén mảng về thăm.

Câu chuyện nổ dòn sau lúc Nữ giới thiệu mẹ chồng Mitzuki với cụ chủ nhà. Cô gái kinh ngạc lấp ló ở cửa bếp lắng nghe bà già người Nhật nói tiếng Việt lưu loát với ông ngoại, có lẽ cô ta đang bấn lên vì chuyện đòi tiền trắng trợn hôm trước. Cụ già ngạc nhiên không kém, ông vui hớn hở biết ra người đàn bà ngoại quốc trước mắt là cháu ngoại của cụ Trần Đông Phong. Hai người anh em họ cuối cùng đã gặp nhau trong một hoàn cảnh không ngờ.

Cụ già là cháu nội của người em chú bác với cụ Trần Đông Phong. Trong thời kỳ cải cách ruộng đất, gia đình ông bị đấu tố là địa chủ phản động mất hết ruộng đất gia sản và bị đày đi lao động nặng ở vùng sâu trong núi. Ông sống nghèo chẳng thẹn với lòng, nhưng đành buồn lòng nhìn con cháu lớn lên, vẩn đục trong một xã hội đong đếm, xảo trá lọc lừa.

Ông hom hem lấy xuống từ bàn thờ tập giấy mỏng trao cho bà Mitzuki.

- Chị nhận cho. Như vậy các tác phẩm thi ca của cụ Đồ Mường từ nay đã có chị chính thức giữ gìn.

Bà Mitzuki nghĩ tới nét mặt khắc khổ của nguời đàn ông Việt Nam đã sống qua bao cảnh dâu biển đổi dời mà lòng vẫn giữ trọn một chữ Tâm tinh khiết. Tiết tháo đó so với cái chết như một võ sĩ đạo của ông ngoại có lẽ cũng can trường như nhau. Bà vui vui nghĩ tới Hiroshi đang bận rộn ở Đồng Văn sửa lại ngôi nhà của người em họ bà chưa hề gặp mặt cho tới vài hôm trước đây.

Có tiếng gõ cửa nhè nhẹ, Nữ ló đầu vào với ly nước trên tay.

- Mẹ chưa ngủ sao?

Nhìn mấy trang giấy cũ trên tay mẹ chồng, Nữ cười.

- Con tưởng mẹ đã thuộc lòng bài thơ rồi ?
- Thuộc nhưng mà chưa hiểu hết. Chắc mẹ phải nhờ cậu Chấn của con giải thích thêm, nhất là bài phú dài mấy trang rất khó hiểu.

Bà cúi nhìn trang thơ. Bài thơ hay mà đầy cảm khái bà muốn đọc hoài.

"Anh đào có đẹp với ai
Anh đào đâu đẹp với người ly hương"
Đã buồn xuân tới lại buồn hơn
Đất khách phiêu lưu mấy tủi hờn
Phú Sĩ không trùm mây Tản Lĩnh
Anh đào chẳng hóa liễu Hồng Sơn
Nam Dương sóng khổ còn bao đợt
Đông Hải mưa sầu vãn mấy cơn
Nhị thủy ngày nào ca tự chủ ?
Toàn dân Hồng Lạc đón xuân sang
                   (Cảm tác đầu Xuân của chí sĩ Trần Đông Phong)

Bà Mitzuki muốn nhìn biển đêm. Người đàn bà khoác áo gió ra đứng dưới mái hiên ngôi nhà khách nằm tách biệt hẳn khu khách sạn nghĩ mát còn chong đèn thức khuya. Cây ngô đồng trước sân nhà đứng im lìm dưới trăng, hoa đỏ chìm sủng vào từng chùm bóng tối khe khẽ lay động. Lối đi lát gạch băng dài qua khu nghĩ mát nằm trườn mình lên bầu trời đầy sao. Qua khỏi khu nhà cao đêm chợt nở ra rồi chúi vào biển đen vô tận mơ hồ.

Họ đứng bên nhau trên đỉnh cát hiu hiu gió. Bà Mitzuki nắm tay Nữ, nhắm mắt lắng nghe, lòng tan vào giọng kể trầm trầm thổn thức một thời thiếu nữ long đong trên vùng cửa biển điêu tàn. Những ngọn đèn như sao giăng vụt tắt. Khu nghĩ mát sang trọng ngang dọc cửa nhà chợt chìm lịm vào bóng đêm quá vãng, hiu hắt mơ hồ xóm nhà mái tranh úp lè tè trên triền cát xám đẫm mưa và từng cảnh đời lặng lẽ âu sầu. Cũng có một vùng cửa biển hoang tàn như thế trên đất Phù Tang vào những năm thế chiến thứ hai. Thời còn con gái của bà là tháng ngày dắt díu tản cư, những giữa đêm hớt hải xốn lòng tiếng còi báo động kéo rền, chìm nghẹt trong gió biển. Cánh cổng torii xiêu đổ vào giấc mơ thiếu nữ, thấp thoáng người bạn trai cùng trường súng cao hơn đầu theo đồng đội nhấp nhô như sóng xa dần. Số phận anh, số phần em chìm theo điệu hát ru “Itsuki no Komoriuta” buồn thảm.

Khi tôi chết chắc chẳng còn ai khóc.
Cô đơn sao tiếng rền rỉ ve sầu.
Nếu mộ phần không có ai đến viếng.
Nắm đất bên đường sẽ ấm lòng hơn
Bởi ai đó chẳng vô tình bước vội
Hoa dại dừng chân quyến luyến chút lòng
Có sao đâu dù chỉ nụ sơn trà
Không cần tưới bởi vì mưa sẽ đến (PTY phỏng dịch)

Mối tình đầu nở trên từng nỗi nhớ về nhau từ hai bờ biển Đông chia cách xa xôi. Mùa Xuân năm bốn lăm qua nhanh như hoa đào tàn rơi trên mái chùa tera ở Toshima phong kín rêu xanh. Những trang thư hò hẹn từ chiến trường Đông Dương sục sôi máu lửa càng chất cao thêm lo lắng, nhớ nhung cho cô gái quê nhà. Người lính trẻ chưa qua tuổi hai mươi sớm ‘ngọa sa trường’ lúc đơn vị anh tiến chiếm tòa Khâm sứ ở kinh đô Huế đêm Nhật đảo chánh Pháp trên toàn Đông Dương. Lá thư tình cuối cùng anh viết cho người yêu không về kịp theo thi thể người lính tử thương nằm trong quan tài reikyuu câm nín ngàn đời. Tiếng tàu điện leng keng chạy qua Toshima Phong Đảo buổi chiều anh về huyệt mộ ở lại trong lòng cô gái lâu lắm, âm thanh buồn làm trở trăn biết bao lần những giấc chiêm bao buồn bã.

Thương cháu, bà ngoại hay dẫn Mitzuki đến thăm dì Ando để cháu có dịp thăm hỏi ông hoàng lưu vong về Việt Nam, vùng đất xa lạ nơi người yêu đã ngã xuống. Vị hoàng đế không ngai bình thản, nhỏ thó ngồi nhìn dì Ando cắm cúi pha trà xanh gyokuro cho chồng. Lần đầu tiên Mitzuki được biết về vùng đất nước xa xôi đã dính liền với thân phận mình qua giọng nói bằng tiếng Nhật nhỏ nhẹ của ngài.

Hoàng thân Cường Để cả tin vào chính sách Đại Đông Á của Nhật Bản, hi vọng họ có thể giúp giải phóng đất nước khỏi sự đô hộ của thực dân Pháp. Căn nhà nhỏ cuối phố Ogikubo nơi dì Ando và điện hạ của bà nương náu thưa dần đám chính khách ở bộ Ngoại giao muốn đưa hoàng thân Cường Để về nước dựng lên một nước Việt Nam độc lập, quân chủ lập hiến. Các ông tướng quân phiệt Nhật chỉ muốn tranh giành ảnh hưởng với thực dân Pháp ở Đông Dương và cầm chân Mỹ đang trên đà thắng trận ở Thái Bình Dương nên chẳng còn ai nhắc tới vị hoàng tử từng là minh chủ Việt Nam Quang Phục Hội từ những năm đầu thế kỷ hai mươi cam sống đời lưu vong để đấu tranh cho độc lập nước nhà.

Trăng lên cao. Trăng xa hút mơ hồ vào đêm tận, ánh vàng trải lung linh trên mặt biển lan miết vào cuối trời bàng bạc những đốm sáng từ hòn đảo nhỏ ngoài khơi. Giữa vùng sáng huyền ảo cơ chừng hiện ra hoàng thành cổ kính có minh quân, hiền hậu, xa giá tung hô. Bà Mitzuki chưa kịp vui với cảm giác diệu kỳ thấy mình thanh xuân tung tăng trong vườn thượng uyển với dì Ando và công chúa Shiori Quỳnh Thi thì vùng ánh sáng chiêm bao chợt tắt lịm. Bà hụt hẫng nhớ lại cảm giác bồi hồi xúc động rồi sau đó là thất vọng lúc ghé thăm hoàng cung triều Nguyễn trên đường theo con dâu ra Vinh tìm quê ngoại.

Họ tới Huế lúc trời vừa bắt nắng. Nữ dừng xe mời mẹ chồng vào một quán ăn gần cầu Tràng Tiền bên bờ hữu ngạn sông Hương. Dòng sông loang nắng, soi mấy nhịp cầu cong nối víu lửng lơ trong nước lặng lờ. Nữ chỉ tay về phía khu khách sạn lớn bên kia đường.

- Tòa nhà này trước năm bảy lăm là trường đại học. Chị Nhi của con tốt nghiệp ở đây. Trước đó nữa vào thời thực dân Pháp, khu Morin là nơi giải trí sinh hoạt dành riêng cho người Pháp. Tòa Khâm Sứ con nghe nói cũng ở gần khu vực này.

Mắt bà Mitzuki chợt nhòa rưng vướng bụi thời gian. Dòng người xe tấp nập trên đường lùi xa, chìm khuất. Con đường vắt qua năm tháng, dài theo dòng kỷ niệm đời người hơn nửa trăm năm. Trang thư của người bạn trai đầu đời như còn run ấm trên tay. Thư anh viết về con đường nắng trưa rền rỉ tiếng ve kumazemi than sầu trong những tàng cây hoa đỏ rực dọc bờ sông. Bà xúc động mường tượng anh cơ hồ đang bước qua đây, gần gũi thiết tha. Thời gian chẳng là chi, chẳng còn chi, tất cả đã dồn lại thành chút lệ nhòa đọng trên mi nhăn đọng dấu phôi pha.

Xe qua cầu Tràng Tiền. Kỳ đài sạm màu thời gian, màu khói súng đầu xuân tang tóc năm nào chưa tan. Nóc kỳ đài phần phật tiếng cờ bay nhuộm đỏ một khoảng trời xanh như muốn phủ chụp xuống Ngọ môn hoàng thành đăm chiêu nhìn mây nước Vân Lâu.

Nữ lái xe loanh quanh trong thành nội. Bà Mitzuki ngạc nhiên nhìn những con phố hẹp hơn vì nhà cửa dựng xây chồm lấn thiếu qui hoạch. Quán xá bán mua thì tất bật, bề bộn trên lề đường góc phố chẳng chút nền nếp. Bà thầm nghĩ may mà đi với Nữ chứ không thì khó biết đây là thành nội của kinh đô Huế ngày xưa. Bà thở dài nghĩ tới vị hoàng đế không ngai Cường Để, tới nàng công nương vắn số Quỳnh Thi.

Nữ dìu mẹ chồng bước qua cổng vào Đại Nội. Tiếng ồn ào tấp nập rớt lại bên ngoài. Hàng sứ đơm bông soi bóng khẳng khiu xuống con đường lót gạch mòn trũng qua bao năm tháng thăng trầm. Bà Mitzuki tiếc rẽ nhìn nét kiến trúc đơn giản mà tinh tế của cung đình triều Nguyễn đã bị lớp sơn son thếp vàng rẻ tiền và cung cách trùng tu bôi bác, tầm phào đã làm giảm đi nhiều giá trị nguyên thủy của nó. Nữ lắc đầu nhìn mẹ chồng.

- Tiền viện trợ từ Liên Hiệp Quốc và các nước Tây Phương, Nhật Bản rơi nhiều vô túi cán bộ, tham quan nên việc trùng tu chẳng tới đâu.

Bà Mitzuki gật đầu đồng tình.

- Mẹ thích Phố cổ Hội An hơn. Nhà cửa, cầu đường vẫn còn giữ được nét kiến trúc nguyên thủy. Đi giữa phố Hội An mà cứ tưởng đang bước về nhà ở phố cổ Toshima. Nhất là ngôi nhà của con. Mẹ nhìn mà lòng biết ơn nỗi niềm tâm huyết của người sống ở đó. Càng xúc động hơn khi biết người chủ nhà là một cô gái can trường, sống tử tế hết lòng suốt gần ba mươi năm qua để giữ gìn vun xới căn nhà của mẹ cha để lại.

Nữ lặng yên xúc động. Cơn chớp biển phù du sáng rền phía chân trời rồi tắt ngấm làm trăng trên biển khuya thêm nhòa nhạt lung linh. Trời đang độ hè. Chẳng bao lâu nữa lại tới mưa nguồn, rồi năm tận. Nữ chợt có cảm giác cát dưới chân trở mình, thầm lặng tiếng thở dài. Tiếng nấc nghẹn của mẹ chìm trong gió ruồng qua hàng phi lao buổi sáng cuối cùng chờ cha từ biển về, miên viễn nghìn thu. Tiếng bầy cò mất ngủ hoảng hốt vỗ cánh bay trắng bờ sông Đế Võng lúc bé Nữ theo anh Niên lóc cóc đạp xe qua cầu Phước Trạch tới trường lúc sương sớm chưa tan. Tiếng nước sông Hoài lau lách trở mình theo nhịp triều dâng. Tiếng then cổng cài, thấp thoáng lưng áo vét của cha sau giấc ngủ trưa trở vào Tòa Tỉnh làm việc. Tiếng gàu lanh canh thành giếng đêm trăng. Tiếng thời gian. Tiếng quê hương uất hờn giọng buồn lịch sử. Nữ muốn níu lại trở về, bé bỏng bình yên.

- Nếu mẹ Mitzuki có đũa thần thay đổi được lịch sử thì mẹ muốn quê ngoại của mình ra sao?

Bà Mitzuki vổ về lên cánh tay Nữ đang víu chặc vai bà tự lúc nào. Bà đăm chiêu nhìn trời đêm.

- Con đúng là đọc được ý nghĩ của người khác. Mẹ vừa mới chiêm bao về người bạn công nương của mình và hoàng thân Cường Để, nhân ảnh họ chập chờn trong cơn chớp biển khiến mẹ lạnh người. Mấy hôm trước ghé thăm Huế, đứng trên sân chầu Đại Nội giữa ngọ, mẹ đã thầm ước ao về điều con vừa hỏi. Một nước Việt Nam quân chủ lập hiến, kỷ cương tiến bộ, dân giàu nước mạnh thì có gì sánh bằng phải không con? Nhưng mà bánh xe lịch sử đã lăn qua, đã nghiến hằn lên số phận dân tộc, con người. Chiến thắng của một tà thuyết đã giết chết hàng triệu sinh linh hai miền Nam Bắc và xô đẩy đất nước vào hố thẳm của tàn lụi, vong bản.

Bà Mitzuki cài khuy tấm áo gió, cười xuýt xoa.

- Gió đêm mùa hè mà cũng lạnh ghê… Phải rồi, ở Huế có lẽ vì không vui với cảnh nhà cửa, đường sá xô bồ tất bật giữa lòng một kinh đô cũ nên mẹ đã thả lòng một phút viễn vông. Mẹ chấp nhận sống vui với phận mình, nhất là giây phút này đây, có được gần hết những ước ao của mình. Còn con thì răng?

Nữ dìu mẹ chồng quay bước theo lối đi lát gạch thoai thoải đèn soi.

- Lịch sử đất nước này thì máu me, con không muốn rấy vào đâu. Con chỉ ước mong được mãi là ‘bé Nữ chân voi’ sống hạnh phúc bên mẹ cha, anh chị, gia đình trong căn nhà xưa đầm ấm, được ăn bánh xèo mẹ đổ trên gác lửng vào những ngày mưa lũ. Nhưng không muốn rấy vào cũng không được, bởi đó cũng chính là ước mong đổi thay một phần lớn của lịch sử nên con luôn tâm nguyện sống hết sức mình để gìn giữ những gì còn lại nơi căn nhà xưa và hạnh phúc mình đang có.  

Gìn vàng giữ ngọc cho hay.
Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời (Thi hào Nguyễn Du)…Bà Mizuki ngâm câu thơ cổ, đắc ý nhìn Nữ.

- Thời còn ở Đại học Waseda, mẹ vẫn thích lớp dạy về thi ca Việt Nam, nhất là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Trên hẳn ý nghĩa thường tình giữa đôi tình nhân bịn rịn, nhắn nhủ trước lúc chia phôi, câu thơ có lẽ rất hợp với tình cảm của con. Suốt thời gian dài gần gấp đôi quãng đời chìm nổi của Thúy Kiều¸ con đã lấy cái tâm ra mà sống hết lòng với đời. Tâm đó đúng là cái tâm cụ Nguyễn Du đã tâm đắc “chữ tâm kia mới bằng ba chủ tài”.

Gìn vàng giữ ngọc cho hay… Nữ khẽ đọc lại câu thơ, trầm ngâm hồi lâu rồi hỏi mẹ chồng.

- Mẹ vừa nói là có được gần hết những ước ao của mình? Gần hết, phải chăng là mẹ vẫn còn ước ao?

Bà cười lớn gật đầu.

- Ở cái tuổi gần đất xa trời của mẹ mà ‘có được gần hết những ước ao’ cũng là phước phần lắm rồi . Đúng là mẹ còn ước ao được ẵm cháu nội trước khi đời mình rụng xuống như cánh anh đào.
- Vậy thì bà nội chuẩn bị tập thể dục để có sức mà ẵm. Mong ước của con là có hai cháu trai cho bà nội tha hồ bồng ẵm. Chỉ sợ là con đã có lớn tuổi, chưa biết thế nào đây?
- Con đừng lo. Kỹ thuật y khoa tiến bộ ngày nay sẽ giúp con qua hết những khó khăn.

Họ về tới nhà. Nữ dìu mẹ chồng ngồi bên nàng dưới bóng cây ngô đồng. Khuya vàng lặng như màu trăng trải hiên nhà. Nền đất cao anh Niên bận rộn suốt một mùa hè hơn hai mươi năm trước vẫn bề thế qua lớp gạch cổ cậu Chấn mua tải về từ vùng tháp Chiêm Trà Kiệu. Nữ bàng hoàng nhớ ra tháng năm nàng sống gắn bó vui buồn với nơi này còn dài hơn quãng đời thơ ấu trong căn nhà xưa ở Phố. Nàng có hai căn nhà để ‘gìn vàng giữ ngọc’ và gầy dựng ước mơ.

Nữ quay nhìn về Phố. Quầng sáng hừng lên một góc trời.                                       

Phan Thái Yên

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2014