SỐ 65 - THÁNG 2 NĂM 2015

Cẩm Tú Cầu

 Quý Thể

Một buổi chiều mùa đông không mưa, trời đất ướt sũng lạnh lẽo, cảnh vật chìm trong màu xám tro. Tôi đứng ở phi trường Nha Trang nhìn những chiếc phi cơ quân sự cất cánh thổi về phía sau làn hơi mờ mờ như sương, cuồn cuộn rất mạnh làm cho hàng dương liễu ở xa rung rinh và nhoà đi. Mặt trời ở đâu đó về phía Tây, hay núp sau tầng mây xốp và dày đùn lên lớp lớp ngợp chân trời. Tôi ngỏ ý lo sợ chuyến bay bị huỷ bỏ. Có hành khách nói : "Máy bay vẫn lên xuống đó không thấy sao?" Lại có người thay tôi cãi lại : "Ðó là máy bay quân sự, giông tố người ta cũng phải lên đường làm nhiệm vụ." Hành khách lớn tuổi nói :"Số phận cả, hoặc người ta huỷ chuyến bay, hoặc cứ bay để gặp nạn, ai mà biết? " Có người nào đó đứng gần quày vé nói :"Ðã gọi là số phận thì chẳng lẽ mấy chục người cùng chuyến bay đều giống nhau cả sao" Ông già khi nãy nói :?Trường hợp nhiều người cùng hưởng phúc hay cùng lâm nạn, người ta gọi là cọng nghiệp?? Về sau tôi nghĩ chẳng phải thế, cùng chuyến bay nhưng mỗi người một số phận. Ðây chỉ là chuyến bay ngắn ngủi nhưng lại mở ra câu chuyện rất dài, nhiều năm sau vẫn còn làm tôi băn khoăn.

Lên máy bay tôi chọn ngồi gần cửa sổ. Lúc sau có cô gái đến ngồi cạnh. Mỗi khi lên phi cơ tôi ngửi thấy mùi là lạ, khó chịu của những chiếc ô tô sang trọng nhất là không khí lạnh lẽo làm cho cái gì cũng có vẻ ẩm ướt. Lần này cô gái đi vào quyến theo làn hương ấm áp, ngọt ngào thực dễ chịu. Cô có khuôn mặt trái soan rất điển hình, da trắng, trán cao, mang kính đen, loại kính mặt rất to đen như than, gọng kính cũng đen, chứa đựng đầy sự bí mật. Xưa nay tôi chẳng thích phụ nữ mang kính râm, nhất là những nơi không mấy chói chang như trong nhà hay trên xe cộ. Song khi nhìn cô gái này, quan niệm đó biến đi đâu mất. Ðôi kính cô mang không có mục đích tôn vẻ đẹp, hình như để che lấp bớt, nó chỉ hứa hẹn một điều bí mật về cặp mắt, chắc là rất đẹp để thôi thúc sự tọc mạch của những người khác phái. Cô ngồi xuống, không quan tâm gì cả, mở sách ra đọc. Khi đọc sách, cô không chịu cất kính đi. Tôi không hiểu qua cặp kính đen như than đó cô có thấy gì không ? Cô gái đọc sách theo cách không bình thường. Tay cô cầm bút đỏ, chốc chốc gạch dưới hàng. Có khi cô vạch đường dọc lề để đánh dấu cả đoạn dài. Cô ghi chép, dòng chữ nhỏ xiên xiên, hướng lên phía trên, đúng là cách viết con gái, rất dễ thương. Tôi căng mắt ra nhìn trộm vẫn không đọc ra chữ nào. Cách đọc, cách viết cũng giống như sinh viên tham khảo sách vở hoặc học bài. Song cô gái không có vẻ còn ở tuổi sinh viên, trông cô già giặn hơn, ít nhất cô cũng xắp xỉ ba mươi. Tôi đoán kiểu đọc sách này là của người làm việc gì liên quan tới văn chương, không phải người đọc tiểu thuyết bình thường.

Cô ta chăm chú đọc và ghi chép, không để ý gì đến người ngồi cạnh, có thể tại cái dáng dấp thư sinh hai mươi tuổi của tôi chỉ đáng em, không làm cô chú ý. Thấy thế tôi cũng phớt lờ, nhìn qua cửa sổ xem cảnh rừng thấp thoáng sau tầng mây dày lướt đi phía dưới thân phi cơ. Khi màu ngói đỏ của phi trường Liên Khương Ðà Lạt hiện ra thấp thoáng trong màu xanh của đồi cỏ rừng thông, tôi chuẩn bị bước ra thì một bàn tay mềm mại ấm áp đặt lên tay tôi. Tôi giật mình nhìn xuống, không phải tình cờ, một bàn tay đầy đặn rất trắng, rất mềm, với mấy móng tay sơn màu mận chín lấm tấm nhũ bạc, không phải để yên mà bóp nhẹ bàn tay tôi. Cô gái mở kính ra, xoay hẳn về phía tôi mỉm cười. Một nụ cười thân thiện cùng ánh mắt tinh nghịch, và trong khi tôi còn sửng sốt chưa biết phải làm gì thì cô nắm vai tôi đẩy nhẹ vào lưng ghế. Rất chậm chạp, cô ta trườn tới và hình như cô ta chẳng muốn tôi nói năng gì cả nên đưa ra một ngón tay trỏ đặt dọc trước môi tôi. Cô gái hôn trán, hôn trìu mến như kiểu người mẹ rồi lần xuống đặt làn môi đẹp đầy hương son phấn lên môi tôi.

Tôi sững sờ mở cặp mắt thao láo ra nhìn, nhưng sau đó như một phản xạ không kiềm chế được, tôi nhắm nghiền mắt lại, hôn trả. Hàng mi cong cứng bôi sáp khẻ chạm vào da mặt tôi nhiều lần. Tôi biết trong khi hôn cô gái mở to mắt ra quan sát, giống như muốn khám phá điều gì, hay là đóng vai cô giáo tập tành cho học trò cái hôn đầu đời. Hôn xong nàng đẩy tôi ra hơi xa tò mò nhìn, hình như là để phân tích những rung động trên khuôn mặt thằng con trai mới lớn. Nàng cười, lại một nụ cười bí hiểm pha chút tinh nghịch dễ thương.

Tôi chưa kịp định thần thì máy bay rùng mình chạm đất. Nó chạy một đoạn dài, chậm dần, tách phi đạo vào đường ngang, trườn từ từ vào sân ga. Cô gái gấp sách lại, mang kính, vẻ bí hiểm câm lặng, giống như chưa hề xảy ra chuyện gì. Sau đó cô ta có nhìn tôi lần nào hay không, tôi chẳng rõ. Tôi bước xuống máy bay, chân chạm đất rồi vẫn thấy như còn bồng bềnh trên mây.

Chiều Ðà Lạt đầy sương. Lác đác vài người đi đón. Trong số này tôi thấy mấy tu sĩ người Việt, người Pháp, áo choàng đen, mặt mày đỏ au vì rét. Tôi đi vào nhà ga. Tôi đưa mắt tìm cô gái. Tôi thoáng thấy cô bước lên xe của một người đàn ông trung niên. Trông họ có vẻ như vợ chồng. Người đàn ông trao cho cô gái bó hoa cẩm tú cầu ( Hortensia )màu trắng, có lẫn những cánh tím. Xe từ từ lăn bánh chạy qua trước mặt tôi, cửa xe hạ xuống, một cánh tay đưa ra, bàn tay cầm hoa, mấy bông hoa cẩm tú cầu rung động. Không hiểu có phải đây là cái vẫy tay tiễn biệt hay không?

Nhiều năm sau tôi vẫn không quên được chuyện lạ xảy ra trên chuyến bay ngắn ngủi đầy giông tố sự lạ này. Tôi không dám kể với người khác vì chuyện khó tin quá. Tôi cũng không lý giải nổi. Kỷ niệm như vết cắt, đã thành sẹo, thời gian xoá mờ, câu chuyện không làm tôi bận tâm nữa. Thời kỳ đó tôi trải qua nhiều biến chuyển trọng đại trong cuộc đời người thanh niên. Tốt nghiệp đại học, đi làm và yêu. Nhiều lần tôi trở lại phi trường Liên Khương, lòng chỉ hơi gợn lên hình ảnh bàn tay cầm hoa cẩm tú cầu, thế thôi. Nhưng rồi một lần nữa, sự tình cờ vượt lên quá tên gọi của nó, giống như có sự xếp đặt của đấng thiêng liêng, trong một màn kịch nhiều cảnh, nhiều màn mở ra cho tôi thấy được uẩn khúc năm xưa về ?cô gái cẩm tú cầủ.

Người yêu của tôi thời đó là Hoàng Yến, một cô gái lãng mạn, suốt ngày đẫm mình trong tiểu thuyết ái tình. Thế nhưng với cuộc sống nàng lại là người chuộng thực tế. Nhiều lần nàng dò hỏi về dĩ vãng của tôi. Theo cách nịnh bợ thường tình, tôi nói :

- Từ ngày yêu em anh không có dĩ vãng.
- Ðừng có nói điêu, anh hàng tá!

Tôi biện bạch :

- Nhỏ đi học, lớn đi học, học cả đời, thời gian đâu mà bồ bịch, lăng nhăng yêu với đương?

Hoàng Yến nói :

- Yêu là chấp nhận cái xấu lẫn cái tốt của người mình yêu. Chấp nhận cả dĩ vãng tương lai, không có gì phải giấu giếm nhau.

Bị ép quá, cuối cùng tôi phải đem chuyện người đẹp? Cẩm tú cầu ra nói. Tôi kể một cách vắn tắt, kể xong tôi thấy Hoàng Yến ôm bụng cười. Tôi ngạc nhiên hỏi :? Câu chuyện có gì buồn cười đâu ?? Cười một lúc, sau khi đã lấy lại hơi sức, Hoàng Yến nói :

- Thật đúng là một kẻ đầu óc thô thiển nghèo nàn khô khan. Tệ đến nổi không tưởng tượng được một câu chuyện tình lâm li thống thiết kể cho người khác nghe.

Tôi gân cổ lên cãi :

- Em tưởng chuyện bịa sao ?
- Chuyện thực chớ, nhưng đó là chuyện của người khác. Chuyện này ai mà chẳng biết. Mới nói vài câu mà người ta đã biết xuất xứ của nó rồi.

Tôi kinh ngạc:

- Em nói chuyện này ai cũng biết sao ? Lạ thật, chỉ có anh với ?Cẩm tú Cầủ là người duy nhất trên cái thế gian này biết.

Tôi chưa kịp nói hết Hoàng Yến dã cướp lờ. Nàng nói như người đọc tiểu thuyết:

- Từ thành phố Nha Trang đi Ðà Lạt, khi máy bay gần đến phi trường Liên Khương thì nàng hôn. Xuống máy bay chàng tần ngần nhìn theo. Nàng leo lên ô tô với người chồng già nua, xe lăn bánh, một cánh tay cầm bó hoa cẩm tú cầu đưa ra vẫy? Ôi cảnh tượng đẹp và cảm động biết bao!?

Tôi thực sự không hiểu tại sao Hoàng Yến lại biết chuyện này. Tôi toan hỏi, nàng nói :

- Lần sau có nói phét phải lựa người, lựa chuyện mà nói phét. Ai lại bê nguyên xi truyện ngắn "Biệt thự" của nhà văn nữ nổi tiếng Dương Liễu Tân ra kể rồi lại vơ vào mình. Không biết mắc cỡ. Chuyện này rất nổi tiếng, ai lại không biết. Ngồi yên đó em lấy ra cho xem.

Rồi Hoàng Yến lấy quyển "Biệt thự" ra. Tôi đọc thấy một đoạn như thế này.

"Chồng tôi đọc bản thảo mới hoàn thành. Tôi thường chọn anh ấy làm độc giả tiêu biểu, đại diện cho số đông người đọc văn tôi. Tôi lấy anh làm thuốc thử. Anh ấy đọc ba lần, đắn đo lắm mới dám góp ý. Anh ta nói :
- Ðây là câu chuyện lạ. Một người phụ nữ ba mươi tám tuổi, có chồng con, có một gia đình hạnh phúc, một người đàn bà đoan chính, thế rồi một giây phút nào đó trong đời bỗng nảy ra ý tưởng tinh nghịch. Thử hôn một người không phải là chồng, để xem ra sao! Em viết hay lắm, mọi chuyện đều có vẻ hợp lý cho cái nội dung bất thường và bất hợp lý này. Cho dù trong đời có người nghịch ngợm như thế nào đi nữa thì sự việc có xảy ra đúng thế không ? Có cái gì đê kiểm nghiệm tình cảm, tâm trạng của nhân vật nữ sau cái hôn kỳ dị đó không ?
Nghe anh ấy nói thế, tôi cãi :
- Nhà văn là người có khả năng chỉ bằng tưởng tượng vẽ nên thế gian ảo giống hệt thế gian thật.
Chồng tôi không chịu, anh ấy nói :
- Cuộc đời thực sống động phong phú muôn phần. Nó chứa đựng mọi thứ kể cả sự vô lý. Nghệ sĩ cũng như nhà khoa học, có thể làm những cuộc thí nghiệm?
Tôi cười, giọng nửa đùa nửa thực :
- Anh bảo em làm thí nghiệm? Hôn một người nào đó để có kinh nghiệm, có cảm giác, cái mà người bây giờ thường gọi là vốn sống để viết?
Chồng tôi đã lỡ nói ra, không dừng lại được, nói :
- Ðược miễn là điều đó phục vụ văn học?
Tôi nhận lại bản thảo gạch bỏ cái đoạn viết về nụ hôn giữa người đàn bà với cậu con trai. Tôi để trống phần ấy, chờ cho có ?vốn sống? rồi viết. Sau chuyến bay từ NhaTrang lên Ðà Lạt trong một chiều đầy sương, tôi trở về viết?? Ôi thằng bé thực dễ thương, áo quần sạch sẽ, da thịt trắng trẻo hồng hào như con gái. Tôi đoán hắn chỉ chớm bước vào tuổi hai mươi, lứa tuổi đã mới ở vào thời kỳ phát dục. Tuổi tập tành làm người đàn ông. Thằng con trai ở vào tuổi này trông tươi rói và ngon như trái cây vừa chín. Tôi chú ý tới hắn khi còn đứng ở phi trường Nha Trang. ?Cu cậủ đã tới thời kỳ mơ mộng. Buổi chiều mùa đông đã làm cho hắn buồn buồn. Hắn tựa cửa nhìn mây chiều, cặp mắt buồn hiu. Khi lên máy bay tôi chủ động ngồi gần hắn. Tôi mang kính đen, đọc sách, làm bộ chẳng chú ý tới hắn. Dãy ghế này chỉ có hai chỗ ngồi, lưng ghế sau và lưng ghế trước rất cao. Người chung quanh khó mà nhìn thấy hai chúng tôi, thực đúng là nơi lý tưởng cho cuộc ?thí nghiệm?. Lúc đầu hắn có chú ý đến tôi. Hắn lén nhìn tôi đọc sách ghi viết những gì. Sau đó hắn cũng làm bộ không chú ý đến tôi, đưa mắt nhìn ra cửa sổ. Chắc hắn nhìn những đám mây lướt qua. Có lẽ bên ngoài trời rét lắm, bên dưới những khu rừng hiện ra rồi mất đi dưới những đám mây. Không hiểu có gì vui trong lòng mà cu cậu chúm miệng huýt nhỏ đoạn nhạc ngoại quốc thịnh hành, đó là bản nhạc Bernadine. Nhìn cặp môi hồng của thằng con trai tôi tự nhủ: Chắc hắn chưa hôn ai ? Cặp môi non ấy chưa dạn dày da thịt đàn bà. Trong khi tôi bốc lên ngọn lửa hiếu kỳ. Tại sao lại không tặng cho hắn một kinh nghiệm, một bài học vỡ lòng. Tại sao mình không phải là người đầu tiên để lại trong tâm hồn non ttrẻ ấy dấu ấn màu hồng, êm nhẹ nhưng khó phai? Và nhất là tại sao tôi phải trung thành với cái mặt sần sùi , cái cổ ngắn da nhăn nheo, đỏ như cổ gà chọi, vai thô, bụng to, lưng gù của một người mà pháp luật, xã hội, đạo đức buộc tôi phải trung thành. Chuyến bay ngắn ngủi quá, chưa gì mà người ta đã thông báo hành khách buộc dây an toàn. Thời gian không còn để cho tôi tính toán, phải hành động. Tôi cố làm sao để cho hắn đừng kinh ngạc, đừng sợ. Da thịt đàn bà và sự dịu dàng là thứ thuốc tê hiệu quả nhất. Hắn có hơi ngạc nhiên rồi ngoan ngoãn, bất động, sau đó hắn cộng tác. Hắn chấp nhận cuộc chơi. Tôi xoay nửa người nhìn thẳng vào khuôn mặt dễ thương của hắn.Tôi nở một nụ cười thân thiện. Tôi nghiêng đầu, môi kề môi, hắn hôn trả, nụ hôn vụng dại, đầu đời."

Ngồi với Hoàng Yến trong căn nhà hầm hập nắng hạ tôi rùng mình cảm thấy tất cả rét mướt buổi chiều mùa đông Ðà Lạt. Hình ảnh người đàn ông lái xe đón vợ. Ông ta mở cửa, người đàn bà leo lên. Chiếc xe Peugeot 404 sơn màu trắng lăn bánh chầm chậm qua trước tôi. Tôi nhìn vào, kính xe loang loáng không thấy người ngồi trong. Xe vượt qua vài bước, cửa kính hạ xuống, một cánh tay đưa ra, bó hoa cẩm tú cầu rung động, hình như đây là dấu hiệu tiễn biệt.
Tới đây tôi mới hiểu việc làm của người đàn bà năm xưa. Tôi vui vì đã giúp được người ấy. Xưa nay tôi là người xem thường công việc văn chương. Tôi tưởng cứ ngồi trước xấp giấy đốt thuốc lên thả hồn theo làn khói rồi phóng bút . Bây giờ tôi mới biết có cái viết thành văn thực là khó.

Quý Thể

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2015