SỐ 65 - THÁNG 2 NĂM 2015

CĂN NHÀ SAU CỬA BIỂN

(tiếp theo)

Chương  18

Chuyến bay từ Seoul về trễ hơn lịch trình.  Nơi nhận hành lý ở phi cảng Đà Nẵng càng nóng bức ngột ngạt hơn vì hành khách của vài chuyến bay bị dồn lại đang nôn nóng chờ đợi.  Họ  đa số là Việt Kiều về thăm gia đình hay thương nhân từ Nam Hàn tham việc tiếc công đi tìm nguồn lao động rẻ.  Đám người tha hương hăm hở, ồn ào đẩy từng xe cồng kềnh hành lý về phía cửa kiểm soát.  Hai thanh niên với túi hành lý trên vai đứng kiên nhẫn ở góc phòng đợi cùng hai cô bạn gái.  Hàng cây bên ngoài phi cảng lá to xanh bóng như những chiếc quạt sắp thành tầng đều đặn. Màu lá xanh làm dịu đi phần nào ánh nắng gay gắt buổi trưa hè Đông Nam Á.  Thân nhân bên ngoài đứng ngồi hổn độn, ngóng nhìn chờ đợi. Bóng họ dưới hàng hiên tối sẫm lại vì nền nắng trưa chói chang. 

Cô gái Tây phương mắt xanh, tóc vàng óng níu vai người bạn trai Việt khích động chỉ tay về phía hai đứa bé khoảng bảy tám tuổi đứng cách bốn người không xa.  Cô cười nhìn con bé nguýt dài quay lưng trong lúc cậu bé đứng nhịp chân, hai tay thọc sâu trong túi quần jean.  Cô bé trong chiếc áo dài màu vàng hoàng hậu, cổ đeo kiềng, đầu đội chiếc nón cối kiểu Đông Dương trông kiêu sa kiểu cách.  Cậu ta thì ngổ ngáo trong chiếc nón Texas rộng vành, chân đi boot cao cổ bằng da cá sấu.  Cô gái ăn mặc thời trang cầu kỳ thôi ôm eo bá cổ người thanh niên thứ hai. Câu nói tiếng Mỹ của cô còn rặc âm giọng Việt nam miền ngoài.

- Để em đùa với hai đứa bé một tị!

Cô gái  bước đến gần vẫy tay chào hai đứa bé.  Câu hỏi thăm bằng tiếng Việt chỉ được trả lời bằng hai đôi mắt mở to im lặng.  Đứa bé  gái liến thoắng líu lo khi cô gái tóc vàng hỏi chuyện bằng tiếng Pháp trong lúc đôi boot Texas chỉ im lìm xê dịch tới lui trên nền xi măng.  Cậu bé chờ đợi được hỏi bằng ngôn ngữ quen thuộc mà cậu đã học nói từ lúc mới sinh để đắc chí nhìn con bé khó ưa, đôi mắt nâu ấm ức sau vành nón cối. Hai cặp nam nữ  hào hứng với cuộc trò chuyện quên hẳn đám đông ồn ào chung quanh. Họ vui vẻ nhìn hai đứa bé bắt đầu cuộc đối thoại qua sự phiên dịch của mình.  Những câu nói chê bai nhau về cái nón đang đội trên đầu khiến cả bốn người  không cầm được tiếng cười. 

Hai chàng thanh niên nhận hành lý rồi đưa bạn gái nhập vào đoàn hành khách đi về phía cửa kiểm soát.  Họ e dè  bước qua hàng rào người ồn ào đến sỗ sàng đang chồm kiếm thân nhân hoặc đón mời khách doanh thương của hãng xưởng trong khu vực.  Những tấm bảng cầm tay đủ cỡ viết bằng tiếng Anh, tiếng Tàu, tiếng Đại Hàn la liệt tên người chen lẫn tên công ty nhảy múa rối mắt. 

Đứng rời khỏi đám đông, Nữ và bé Eidan ngồi trên vai bố Hiroshi đang kiên nhẫn chờ người thân.  Nữ  thoáng nhìn thấy Huy và Đăng từ lúc các cháu còn chờ an ninh phi trường soát xét hành lý. Nữ đã gặp Jeanette hai năm trước dịp vợ chồng đi du lịch thăm bà con ở Mỹ, còn Hường Vi bạn của cháu Huy thì Nữ chỉ mới nghe chị Nương nói chuyện qua điện thoại gần đây thôi. Gia đình Hường Vi ở Hà Nội, đi du học Mỹ từ hai năm nay.  Chị Nương không vui chuyện con trai.  Cả đời Huy chưa lúc nào để ý, nhắc nhở tới nguồn gốc mình thế mà mới vài tháng nay từ lúc quen cô bạn gái thì mỗi lần điện thoại thăm mẹ đều nài nỉ về thăm Việt Nam vào dịp hè. Chị Nương than phiền, nghe nói ‘con nhỏ’ là con gái của một gia đình đại cán, đại cuốc nào đó ngoài Bắc.
Dì cháu, gia đình gặp nhau, tay bắt mặt mừng.  Đăng xoa đầu bé Eidan.

- Jeanette với cháu gặp dì và chú Hiroshi ở Boston hai năm trước bé còn nằm trong bụng mẹ thế mà giờ đây đã leo lên vai bố ngồi.

Bố Hiroshi ẵm con trao cho Jeanette.

- Eidan là tên do bà nội đặt. Tên Việt của cháu là Khang. Hiroshi cười… Mẹ ‘ăn cắp’ nickname của bố mà đặt cho con. Chúng tôi có lúc muốn gọi cháu là Tiểu Khang nhưng nghe Tàu quá, mẹ Nữ không thích.

Huy giới thiệu bạn gái. Hường Vi nhanh nhảu chào mọi người.

- Cháu chào cô ạ! Cháu nghe anh Huy nói về cô mãi bây giờ mới được gặp.

Lúc ra xe Hường Vi mãi xuýt xoa khen xe đẹp dù Hiroshi đã cải chính chỉ là của công ty giao cho vì trách vụ.

Dọc theo con đường từ phi trường vào thành phố thẳng tắp hàng cây bàng xanh um lá.  Trên đường tấp nập người đi, xe đạp, xe gắn máy, xe hơi xao xác ngược xuôi.  Hình ảnh chưa quen mà sao trong lòng Đăng ngập tràn bao nỗi bồi hồi xao xuyến.  Đi vào lòng quê hương chưa một lần gặp mặt mà chàng ngỡ như đang từ một mộng mị nào đó trở về.  Phải chăng giọt nước mắt nhớ nhà của Mẹ và hình ảnh quê hương lãng mạng trau chuốt trang trải trong nhiều truyện viết của Cha đã là vốn liếng tinh thần giúp chàng có được cảm giác quay về.  Xe chạy qua khu phố đông rồi ngợp gió qua cầu bỏ lại sau lưng hàng phượng đỏ rực ven sông.  Ngoái nhìn những cành phượng đầy hoa thắm nghiêng mình la đà soi bóng trên dòng nước, Đăng nôn nao nghĩ đến xấp hình cũ Mẹ vẫn ấp ủ giữ gìn.  Những gốc phượng già theo năm tháng còn đơm bông cho thắm từng mùa hạ đỏ.  Dòng nước chở chuyên xác hoa tàn úa vẫn lặng lờ trôi như một ước nguyền.  Mẹ cha trong cuộc đá vàng đã cùng nhau ôm ấp giấc mơ đời, dắt díu nhau qua từng nỗi truân chuyên nơi cuối trời xa quay quắt thời gian.  Gió sông rười rượi quyến luyến phút giây sơ ngộ vùng đất chưa quen mà tràn đầy vết tích kỷ niệm của cha mẹ, gia đình. Đăng náo nức hít thở, ngắm nhìn từng dấu vết điển tích trên mỗi bước chân tìm về.  

Quãng đường Đà Nẵng đi Hội An chạy dọc theo biển miên man sóng nước ôm bờ cát trắng. Jeanette ngây nhìn khoang trời mây  trắng tưởng chừng đang la đà bay về vùng biển quê hương Santa Barbara thuở nguyên  khai đơn sơ cát, nắng, gió, sóng và bóng dừa hoang dại. Eidan được mẹ ẵm ngồi trên băng trước thỉnh thoảng lại ngoái nhìn mỉm cười với Jeanette có lẻ vì mái tóc vàng lạ mắt.  Nàng đùa với  bàn tay bụ bẫm của bé Eidan víu trên vai mẹ.  Jeanette nghe Đăng kể khá nhiều về những thành công kinh doanh của người đàn bà ngồi trước mặt mình nhưng kỷ niệm hai năm trước ở Boston đã khiến nàng muốn tìm hiểu thêm về bà để rồi càng kính trọng hơn.

Không lâu sau ngày Jeanette và Đăng chính thức hẹn hò nhau,  thời gian hai người sắp bảo vệ luận án tiến sĩ, người dì của Đăng từ Việt Nam sang thăm gia đình ghé thăm cháu ở Boston. Phong thái tự tin, khả ái cùng giọng nói tiếng Mỹ rất hay và lưu loát của bà khiến Jeanette để ý. Cùng thời gian đó, thủ tướng của chính quyền Cọng sản Việt nam ghé thăm Đại học Yale. Không hẹn mà Đăng và Jeanette với dì Nữ bị kẹt ngay giữa cuộc biểu tình đòi hỏi nhân quyền cho Việt nam trước cổng trường Đại học với rừng cờ vàng của miền Nam trước 75.  Vài sinh viên vì đạp ngã rào cản qui định vùng biểu tình để tiến vào trong khuôn viên trường bị cảnh sát bắt giữ. Trong lúc giằng co họ bối rối thả hai lá cờ vàng nhỏ nằm chỏng chơ trên mặt đất.  Dì Nữ xuống đường, bước băng qua rào cản. Bà cúi nhặt hai tấm cờ vàng, trịnh trọng quàng một tấm lên vai người sinh viên Việt nam bị còng tay, ôm anh nói lời khuyến khích rồi hướng về đám đông giương cao ngọn cờ còn lại tung bay trong gió.  Hình ảnh người thai phụ Việt nam tinh anh cả quyết đứng dưới cờ bay ở hoài trong trí nhớ Jeanette.  Trên đường về hôm đó, hình như ai nấy đều cố nén xúc động của mình cho tới khi Đăng lên tiếng.

- Cháu tự hào về dì quá! Dì đã nói chi với anh chàng sinh viên bị cảnh sát bắt giữ?
- Sống hết mình. Chấp hết. Đừng sợ hãi dù trong bất cứ cảnh huống nào. Hãy giữ niềm tin gần cận trái tim mình.

Nữ thì thầm câu trả lời như đã nói với chính mình gần suốt cuộc đời.  Hơn ba mươi năm Nữ mới nhìn thấy lại màu cờ khiến nàng quá xúc động muốn sờ nắm lấy nó như sờ nắm phần đời qua với tất cả kỷ niệm, ký ức, khóc cười.  Xúc động hơn là lúc người cảnh sát Mỹ giúp Nữ an toàn bước qua lớp rào cản đổ nằm ngổn ngang trên đường.  Sự khác nhau giữa pháp quyền và bạo quyền vừa thể hiện một cách rõ ràng. Nhân quyền chỉ hiện thực, thăng hoa với một nền pháp quyền thực sự của dân, do dân, và vì dân.
Lắng nghe lời dì Nữ trải trang đã giúp hai người  thấu hiểu ra nhiều điều.  Jeanette rủ Đăng cùng ghi danh học lớp tiếng Việt. Nàng bỏ thì giờ xem xét lại những thiếu sót trong bản thảo luận án về Á Châu học của mình.  Đăng cũng có cái nhìn mới, tự hào về gốc tích gia đình và cộng đồng người Việt tị nạn lưu sinh trên đất Mỹ.
Xe về tới Cửa Đại. Dì Nữ chỉ về phía cuối dãy khách sạn sang trọng.

- Căn cứ Hải Quân của cha cháu Đăng trước bảy lăm ở cuối cửa biển, giờ đây đã xây khách sạn.  Khu nghỉ mát của chú Hiroshi quản lý cùng với nhà và nghĩa trang gia đình nằm riêng phía bên kia cửa biển.  Ngày mai mình sẽ đi ca-nô ra đó.

Về đến nhà, mọi người đứng ngẩn nhìn ngôi nhà cổ, thấp thoáng khoảng sân gạch lấm tấm nắng. 

- Anh Huy thích nhá! Nhà nầy nếu mà ở khu phố cổ Hà Nội thì bán đến cả ngàn tỉ đồng cơ đấy!

Đăng như bị hớp hồn, không nghe cả tiếng reo “hồ hởi” sắc nhọn của Hường Vi.

Đây rồi! Nếp nhà xưa vẫn làm mắt mẹ long lanh mỗi khi nhắc tới. Mái cổng chào khép hờ và sắc thắm của những chùm hoa đỏ có dáng hình của trái tim cho dù rạn vỡ vẫn như một ước hẹn trở về. 

Đăng xúc động nhìn quanh gian phòng khách nghi ngút khói hương.  Giữa nhà là bộ ghế trường kỷ và tủ chè làm bằng gỗ sơn chi màu nâu đen lên nước bóng ngời.  Trướng liễn hằng trăm năm cũ phóng thảo bằng nét bút điêu luyện từ một triều vua Nguyễn được treo dọc theo những thân cột tròn mun dấu thời gian.  Công đức của tiền nhân mà tên tuổi còn ghi tạc trên mấy tấm bài vị đỏ lung linh ánh nến đã được tán dương bằng những câu thơ chỉnh tuyệt.  Địa linh nhân kiệt.  Vùng đất của Ngũ Phụng Tề Phi.  Đăng ngước nhìn tấm hoành phi sơn son thếp vàng treo bề thế trên trần thượng giữa gian nhà.  Tiên trưởng của dòng họ là một trong những con phụng hơn trăm năm trước đã sải cánh trên vùng đất oai linh có núi có sông xứ Quảng. 

Giữa phòng bên treo tấm hình rọi lớn chụp bà ngoại với hai con gái Nữ Nhi. Có lẽ hình được chụp chỉ vài tháng trước tháng Tư bảy lăm. Dì Nữ trong hình còn là một thiếu nữ chưa qua tuổi trăng tròn. Nhìn ba người thân tươi cười bên nhau, lòng Đăng dâng lên nỗi xúc động diệu kỳ.  Ba mẹ con. Ba đôi mắt đẹp.  Bao nỗi truân chuyên trải dài giữa mấy chặng tuổi đời cách biệt.  Đôi mắt người đàn bà Việt Nam.  Mắt Mẹ tha hương rưng rưng nỗi nhớ nhà.  Đôi mắt thuyền xưa lung linh bến nước buổi chiều qua sông bối rối lụa là.  Ánh mắt ngọc lan trong vườn khuya thơm bóng trăng vàng.  Đăng nghĩ tới ánh mắt chất chứa sắc màu kỷ niệm trong truyện viết của Bố.  Đôi mắt có ánh nhìn cong như cánh lá.  Những đôi mắt sâu lắng âm thầm, sống can đảm với phận đời mình.  Chàng muốn được lắng nghe, tìm biết nỗi vui hay niềm cay đắng tiềm tàng sau ánh mắt đẹp mà bình thản tuyệt vời.

Jeanette thôi làm động tác hít thở, nàng quay nhìn Huy và dì Nữ với nụ cười xinh nở trên môi.

- Em ra đây ngắm nhìn mây nước mà nãy giờ anh và dì Nữ tìm muốn chết. Chút xíu nữa là anh phải gọi cảnh sát báo cáo mất tích rồi đó.

Cô gái tỏa tràn sức sống trong trang phục thể thao bó sát thân thể, trán đượm mồ hôi, má hồng lên sau những phút chạy bộ từ nhà xuống tới bờ sông.

- Không mất tích nhưng rất đói bụng. Em thức giấc từ sớm lúc anh còn ngáy như sấm phòng bên. Em định bụng chạy ba dặm như thường lệ mỗi ngày. Chạy loanh quanh, lạc đường. Không biết sao sau lúc chạy qua chiếc cầu có mái, rồi chạy tiếp một hồi thì ra tới đây. Bờ sông, sóng nước, ghe tàu, mặt trời lên… Quê anh đẹp quá!

Jeanette khoác lên người chiếc áo gió Đăng vừa trao, mắt còn nhìn vầng dương vừa nhú lên khỏi đám ruộng bắp bên kia sông.

- Rứa thì để dì đưa hai cháu ăn thử mì Quảng, cao lầu Hội An xem có ngon hơn ở Little Saigon không?

Jeanette hồn nhiên đi bên dì Nữ vấn tóc cao quý phái trong chiếc áo dài lụa màu mỡ gà. Hai người đẹp rạng rỡ như  nắng mai đang nhảy múa trên cây cành.  Đường phố trở nên tấp nập với khách du lịch tò mò nhìn ngắm đi lại. Cây thiên tuế lâu đời, có lẽ đã trăm năm, dày kín những bè lá mọc tua tủa như bàn tay xòe khổng lồ.  Tàng cây chiếm khoảng trời rộng che mát ngôi nhà cổ bề thế được dùng làm quán ăn và tiệm bán hàng lưu niệm cho du khách.  Trong nhà, khách ăn địa phương chen lẫn với du khách ngoại quốc múc chang xì xụp,  người mua kẻ bán chật ních. 
Ăn sáng xong, dì Nữ từ giã hai cháu để vào tiệm làm việc.

- Hai cháu đi dạo qua phố chợ cho biết.  Phố Cổ Hội An chỉ mấy con đường, khỏi lo bị đi lạc. Dì Nữ cười…Khi nào chán thì hỏi đường về “Trung tâm Anh Văn Thục Nữ”, dạy vài giờ tiếng Anh kiếm tiền ăn mì Quảng. Dì sẽ gọi Huy và cô bạn gái ra tiệm, rồi mình cùng ra Cửa Đại ăn trưa, sau đó thì ra nhà ngoài cửa biển.

Hai người thơ thẩn bước trở ra tới  bờ sông lúc nào không hay.  Dãy phố xưa âm ỉ thời gian trên từng lớp vách mái rêu phong. Cồn cát màu mỡ giữa sông xanh tươi từng đám ruộng bắp khoe mình trong nắng sớm.  Bao thế hệ con người đã cần mẫn cơ cực hàng năm, hàng ngàn năm trên vùng đất nhỏ nhoi.  Từng mùa lũ, mưa trên nguồn giận dữ trôi phăng về vùng đất cách biển không xa.  Lũ về biển để lại đổ nát cho người và lớp phù sa mới nuôi lớn mầm hi vọng sống còn.  Vùng đất nhỏ nơi giao lưu giữa nước nguồn và nước biển Đông đã chứng kiến sức sống của con người và mối hận mất nước của cả dân tộc Hời.  Những ngôi tháp Chàm đổ nát ở Trà-Kiệu, Mỹ-Sơn, chỉ còn là di tích của nền văn hóa Sa Huỳnh một thời vang bóng.  Con người của nền văn hóa Đông Sơn thuộc lưu vực sông Hồng, với sức sống mãnh liệt đã giành được độc lập từ phương Bắc và gầy dựng cho mình một xã tắc riêng. Giấc mộng mở mang bờ cõi không dừng ở đất Thuận Hóa cho dù thân-quế-huyền-trân phải chịu cảnh máng mường.

Xứ Đàng Trong, tên gọi vùng đất mới sao nghe quá xa xôi.  Âm thanh lửng lơ buồn như tiếng cuốc kêu thương cho thân gái dặm trường và nỗi sầu cố quốc.  Đàng Trong. Đàng Ngoài.  Phải chăng vì chuyện phân tranh giữa hai ông Chúa, vì Phố Hiến Đàng Ngoài tấp nập tàu thuyền thương khách phương xa nên ông Chúa Đàng Trong đã mở rộng cửa biển cho phép kẻ Tây Dương vào dựng phố mới Faifo? 

Dù sao thì đất mới đã chiều đãi người xa trọng hậu.  Đám người Tàu, người Nhật, bị bạc đãi ở bản quốc hay phải tha phương cầu thực đã chọn Hội An làm quê hương mới.  Khoảng sông rộng Thu Bồn không xa biển lớn đón mời thương khách từ trời Tây đến đã biến Hội An thành thương cảng lớn nhất của Xứ Đàng Trong vào thế kỷ thứ mười sáu.  Món quà văn hóa lưu truyền giữa những nhóm người khác nhau qua hàng thế kỷ đã xây dựng Phố Hội An với những nét kiến trúc Đông Tây đặc thù mà hài hòa.  Khu phố cổ êm đềm, tinh tế như con người đang sống quây quần trong đó.  

Nhìn những chiếc thuyền đánh cá từ biển về, Đăng nghĩ đến cuộc sống hải hồ của cha thời trai trẻ.  Phải chăng bóng đoàn tàu hùng dũng trên dòng sông êm ả đã khiến lòng cô gái ven bờ cuộn sóng?  Phải chăng dáng con tàu từ biển về đã làm rộn ràng hồn người trong phố?  Chàng nghĩ đến ánh mắt xa vời của cha khi ông quẩn quanh trong khu vườn nhỏ sau nhà  rồi chợt hiểu ra.

Đăng chăm chú đọc lại bài viết trên máy vi tính.  Hài lòng với công việc của mình, chàng đứng dậy làm vài động tác thể dục cho giãn gân cốt.  Trời đã vào khuya.  Bên ngoài cửa sổ, ánh sáng vàng huyền hoặc như  lụa trải mịn màng lên vườn đêm.  Đăng mở cửa bước ra sân. Chàng chưa hề thấy vầng trăng nào sáng như trăng đêm nay.  Ánh vàng lóng lánh ướt trên vòm bóng lá say ngủ im lìm.  Chàng chậm bước lắng nghe tiếng đêm quanh mình.  Từ cánh hiên nhà tiếng nhạc nhẹ nhàng nương theo gió dặt dìu.  Giọng hát liêu trai lãng đãng mơ hồ quyện lướt trong đằm thắm hương đêm. 

Dưới trăng sáng đầu thềm, dì Nữ ngồi yên lặng nghe nhạc từ chiếc máy nhỏ cầm tay. Dì ngồi nhìn trăng.  Chiếc ghế xích đu khẽ lay động làm ánh trăng hồ như long lanh trong đôi mắt mở lớn.

- Có lẽ dì vẫn thường thức khuya?
- Dì thường  ít ngũ vào những đêm trăng sáng.

Dì Nữ  nhích người chừa chổ trên chiếc ghế xích đu rộng.

- Đăng ngồi xuống đây đi.  Lâu lắm rồi dì  không có dịp chuyện trò với cháu.
- Bài hát dì đang nghe hay quá.  Hầu như người lớn cùng thời ba mẹ cháu ai cũng thích nghe nhạc Trịnh Công Sơn. 
- Ba mẹ cháu lớn lên, góp máu và nước mắt trong chiến tranh.  Dì nhỏ tuổi hơn, khi vừa lớn thì chiến tranh chấm dứt, nhưng phải sống hứng chịu trực tiếp cái mệnh hệ “giải phóng”  ì ạch đè lên phía thua trận của xã hội.  Trong chiến tranh, tình ca TCS hát lên được tình tự chia xa đổ vỡ của quê hương và những thất thoát ngóng trông của tình yêu bằng tất cả sự trau chuốt có thể có được của ngôn từ nên dễ lắng sâu vào hồn người.
- Và sau đó đã trở thành máu thịt của mình...

Dì Nữ gật đầu mỉm cười.

- Cháu ngộ rồi đó.  Dì cũng định nói vậy.
- Cháu chưa hiểu lắm đâu, chỉ nhớ lời mẹ  mà nói ra.

Giọng dì Nữ  vắng xa như tiếng tự trầm. 

- Khi hình ảnh âm vọng trong nhạc là kỷ niệm của chính mình thì sự cảm thông sẽ tới, đậm đà.

Đã hơn hai mươi năm mà tiếng gió thổi buồn qua hàng phi lao vẫn lãng đãng trên từng dòng nhạc mỗi khi nghe.  Mỗi bài hát như  khung cửa khép của căn nhà kỷ niệm, chắt chiu cất giữ từng nỗi nhớ. Nghe lại bài hát cũ như nghe bước chân mình trở về mái nhà xưa, mở rộng cửa, thu xếp hong phơi mớ tàn y còn vướng vất hơi hám yêu thưong ngày cũ.  Người để lại cho tôi tiếng nhạc vàng rồi bỏ đó mà đi. Tôi ở lại, sống một mình, thương nhớ  một mình.  Đi về một mình trên từng chuyến đò dọc ra cửa biển mỗi ngày.  Ngày nhận thư từ phương xa, tôi mừng quýnh đọc giòng chữ thương quen.  Tôi đã không ngần ngại một chuyến đi.  Sống hết, cho hết, rồi bằng lòng với số phận mình.

Tình yêu với Hiroshi tới muộn màng nhưng chẳng có tai ương. Cuộc sống mới đã tròn vẹn ước mơ làm mẹ của mình. 

Bãi biển Cửa Đại tràn ngập tiếng con cười đùa với sóng.  Đêm trăng sáng, ngồi bên lòng bình yên tôi lắng nghe từng bài hát cũ.  Tôi ấm êm trong lòng Phố Cổ, trong ngôi nhà  mà những đứa con trai đã bỏ đi xa.

Người thanh niên ngồi lặng nhìn mắt dì lóng lánh lệ vui. Họ ngồi lắng nghe từng câu hát lãng đãng sương khói trần gian. Ôm lòng đêm nhìn vầng trăng mới về...


Tiếng Eidan khóc trở giấc vọng ra. Dì Nữ đứng dậy vừa lúc Jeanette ẵm cháu còn nhè  ngủ trên vai bước ra hiên nhà. 

- Eidan hư lắm! Thức dậy không thấy bố mẹ là khóc đòi ngay. Nín đi, mẹ bồng. Bố Khang đi làm sắp về biết con trai khóc nhè bố không thương đâu.

Dì Nữ ẵm con bước vào nhà trong.

- Huy với bạn gái giờ ni chắc đang ‘enjoy’ khách sạn năm sao. Sáng mai cháu nhớ gọi nhắc Huy sửa soạn để kịp ra cù lao Chàm thăm quê.

Đôi tình nhân ngồi bên nhau trong tiếng nhạc trầm buồn huyền quyện vào đêm. Jeanette thoáng nhìn Đăng đang thả hồn theo tiếng nhạc rồi thả mắt về phía đầm sông ngút ngàn trăng nước giao hòa.  Triền dốc chúi dài xuống bờ nước nghiêng nghiêng bóng trăng lay lắt vô vàn khiến nàng tưởng chừng như đang chênh vênh trên đầu ngọn sóng. Kỷ niệm những lần theo mẹ đi tắm biển đêm ở quê nhà Santa Barbara thời thơ ấu chợt trở về khiến mắt nàng cay. Jeanette đưa tay lên má lau giọt nước mắt vừa rơi. Đăng ôm quàng người yêu tựa vào vai mình.

- Nhớ nhà rồi sao, cô bé!?

Jeanette ngước nhìn Đăng.

- Nhạc nghe buồn quá, làm em bất chợt nhớ mẹ, rồi nhớ tới bài hát lúc sinh thời bà vẫn thường nghe mỗi ngày.

Biển ngày xưa, đêm trăng sáng. Thuở mẹ theo chồng phiêu dạt từ  New Orleans tới sinh sống nơi vùng biển xanh cát trắng này. Giữa sóng vỗ rạt rào bà ngồi nghe tới nghe lui hằng giờ bài The House of the Rising Sun. Tiếng đàn thùng rớt rã rời lên âm giai organ trầm buồn, đặc quánh giọng ca thở than về những cảnh đời tuổi trẻ nát tan… There is a house in New Orleans. They call the Rising Sun. And it's been the ruin of many a poor boy. And God, I know I'm one. My mother was a tailor. She sewed my new bluejeans. My father was a gamblin' man. Down in New Orleans… Oh mother tell your children. Not to do what I have done . Spend your lives in sin and misery. In the House of the Rising Sun… Well, I got one foot on the platform. The other foot on the train. I'm goin' back to New Orleans. To wear that ball and chain… Có một ngôi nhà như thế ở New Orleans, người ta gọi là Rising Sun. Chốn điêu tàn của đám trẻ khốn cùng. Và Chúa ơi, tôi biết mình cũng là một đứa trong bầy. Mẹ là thợ may, bà từng may cho tôi những chiếc bluejeans mới. Còn cha là một gã bạc bài, vùi chôn đời mình ở New Orleans. Mẹ ơi, hãy bảo các con của mẹ đừng bao giờ làm điều con đã giẫm qua. Sống đời tội lỗi, khốn khó trong ngôi nhà Mặt Trời Mọc, the House of the Rising Sun... Thôi thì một chân bước xuống thềm ga, chân kia còn trên toa tàu, tôi quay về lại New Orleans, về tra chân mình vào mớ xích xiềng...

Đăng ngồi xúc động lắng nghe chuyện thời thơ ấu của người yêu.

- Còn anh, lời ca những bài bài hát anh vừa nghe chắc là hay và cảm động lắm?

Đăng gật đầu. Anh cũng nhớ tới mẹ vẫn thường nghe những bài hát của TCS lúc bà im lặng làm việc, mắt nhìn ra khu vườn hoa lá xanh tươi, góc Đông Phương của cha mẹ trên vùng đất kiều cư tận vùng Bắc Mỹ. Đăng bâng khuâng nghĩ tới biết bao nhiêu gia đình trong biết bao nhiêu quốc gia trên thế giới đã cùng hát cùng nghe những bài ca cùng một thời tuổi trẻ.

Lời ca như mây kéo về tràn đầy khung trời kỷ niệm… Trời buông gió và mây về ngang bên lưng đèo. Mùa xanh lá, loài sâu ngủ quên trong tóc chiều. Cuộc đời đó lửa đem tiếng ca lên như than phiền. Bàng hoàng lạc gió mấy miền , trùng trùng ngoài khơi nước lên sóng mềm.

Người nghe hầu như ai cũng tìm thấy bóng dáng mình trong cõi nhạc nhị nguyên bơ phờ quằn quại, nhật nguyệt lửng lơ của họ Trịnh. Những mảnh đời sum họp chia phôi, tìm kiếm lạc nhau, tìm quên trong nỗi nhớ trên từng nẻo phố gần xa mai một biển dâu… Người tìm đến với bước chân âm thầm mùa hạ. Từng cơn mưa trút lá và dòng sông cuốn đi. Tay hư vô đốt nến chiều chơi vơi lên cao. Rồi dòng sông cũng mang theo tên người vào huyền thoại. Tay hư vô che dấu chiều qua truông mây sâu. Rồi tình yêu cũng qua mau chia người một bãi sầu…

Jeanette trìu mến nhìn người yêu. Đôi mắt anh trở nên xa xăm lúc hát. Tiếng hát thiệt thà nghe bình thường mà thích đến lạ lùng. Nghe như tiếng lời kể lể, trần tình của người bỏ đi xa từ lâu đang trên lối tìm về cội rễ, lạc lõng âm thầm.

- Đăng hát rõ lời đã giúp em nghe thêm được phần nào lời ca. Còn hiểu rõ thì không, tuy có cảm nhận được nỗi buồn phiền thật sâu lắng của bài hát.

Đăng cười nhìn người yêu.

- Trong lớp tiếng Việt em học giỏi hơn anh mà ? Anh vẫn nghĩ là em đã ‘ngộ’ được hết ý lời trong những bài hát này. Anh nghe mãi từ khi còn bé nên thuộc lời lúc nào không hay, nhưng hiểu hết ý tứ thì chắc …còn khuya.  Đăng cười lớn hơn lúc nhìn nét nhíu mày của Jeanette… Còn khuya nghĩa là còn lâu lắm, hay gần như không bao giờ.

Jeanette gật đầu, hiểu ra.

- Vậy là đồng nghĩa với Tết Congo, phải không anh?

Tiếng cười khúc khích của đôi tình nhân hạnh phúc chừng như chạm thấu tới vòm lá ngô đồng khẻ lay động trở mình.
Đêm hạ vàng ánh trăng. Trời đất giao hòa, hồn người tưởng muốn tan loãng vào trăng nước không một phân lìa. Cô gái chợt cảm thấy thật gần gũi với với vùng đất này. Nàng bất giác ôm chặt lấy người yêu, cuộn người vào nỗi hạnh phúc mới mẻ đang trào tới, ấm áp dịu dàng.  Trước chuyến đi, lần về thăm gia đình ở Santa Barbara, bên mộ mẹ nàng đã giãi bày với người những điều nàng chưa dám nói với cha về tình yêu của nàng với một thanh niên Việt Nam. Cuộc chiến tranh ở Việt Nam chấm dứt từ năm bảy lăm nếu xét theo lẽ thắng bại thường tình như xã hội Việt Nam hiện nay đang rõ nét kẻ thắng người bại, kẻ được người thua. Nhưng trong gia đình nàng ở Mỹ vẫn còn âm ỉ xung đột cả hai phía mẹ cha.  Mỗi lần nhìn thấy  ngón tay trỏ bị chặt đứt của người cậu lớn hay ống tay áo phất phơ của người em trai kế mẹ, nàng biết lằn phân ranh vẫn còn đó.  Hai anh em vẫn chưa làm hòa với nhau sau mấy mươi năm chiến tranh bên kia Thái Bình Dương đã tàn cuộc. Người anh phản chiến, tự hủy hoại thân thể chặt đứt ngón tay lảy cò súng, trốn qua sống bên Canada gần suốt tuổi thanh niên để khỏi đi lính qua Việt Nam bắn giết đàn bà, trẻ thơ vô tội như ông vẫn tin tưởng.  Cậu Út hăng hái đi lính, tình nguyện ở lại thêm mấy lần thay quân. Ngày trở về, một cánh tay bỏ lại chiến trường đâu đó trong một cánh rừng Đông Dương xa xôi và chạm mặt đớn đau với sự ruồng bỏ khinh khi của xã hội, anh em trong gia đình ở Mỹ. 

Gia đình bên cha cũng chẳng kém phần sóng gió. Là một sinh viên giỏi ở Đại học Berkley, cha khôn ngoan tham gia phong trào phản chiến, chầy cối tìm cách hoãn ngày trưng binh để tiếp tục việc học. Người em trai duy nhất của cha thì chấp nhận đi quân dịch qua Việt Nam rồi bị mất tích chỉ sau vài tháng ngoài chiến trường. Cha thế là được chính thức hoãn dịch với lý do là con trai một trong gia đình.  Hài cốt người em mãi đến giữa thập niên tám mươi, thời tổng thống Reagan, mới được khai quật tìm thấy và  thử nghiệm mang về từ khu vực vùng núi cẩm thạch gần Đà Nẵng. Bà nội thương con trai út chết hẩm hiu vắn số nên thường quay qua hờn trách cuộc đời suôn sẻ, thành công của con trai lớn. Cha cũng mặc cảm không kém về thời gian tham gia phản chiến của mình, nhưng cái nhìn không thiện cảm về con người và đất nước Việt Nam của ông thì vẫn thế.

Đăng bàng hoàng nghe chuyện nhà của người yêu. Anh hỏi thăm Jeanette thêm về cái chết của người chú. Di thể ông được được phát hiện trong một hang núi gần bản doanh của sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến Mỹ ngày trước. Có thể ông bị quân đội cọng sản miền Bắc bắt được lúc họ tấn công quân Mỹ vào dịp Tết Mậu Thân, rồi bị giam cầm trong hang núi tới chết.

- Ngày mai mình nói chuyện này với dì Nữ, thế nào dì cũng có ý kiến hay. Anh đoán chừng hai hôm trước lúc mình đi từ Đà Nẵng về Hội An biết đâu có đi ngang qua đó mà không hay.
- Em mong sao có tin lành mang về cho DeeDee. Grandma vẫn đau buồn sau gần bốn mươi năm. Trong phòng DeeDee chỉ độc nhất một tấm hình của chú trong quân phục với hàng chữ “Love from China Beach”. Grandma mà thấy hình em chụp nơi chú nằm xuống chắc là vui lắm… Như một dấu chấm hết. Một chung cuộc âu sầu bà đành phải chấp nhận.
- Anh tin chắc là dì Nữ sẽ giúp em làm được việc này.

Jeanette gật  đầu cả quyết.

- Em cũng tin thế. I can feel it!
- Vậy còn thằng bồ Việt Nam trời đánh của em thì sao? Liệu cha có chấp nhận không?

Nàng cười lớn khi nghe Đăng bỡn cợt, rồi nghiêm trang nhìn người yêu.

- Not  for him to decide!  Dì Nữ bây giờ là idol của em với triết lý sống tuyệt vời. Chấp hết và sống thương đời.

(còn tiếp)

Phan Thái Yên

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2015