Dê trong văn hóa tín ngưỡng ở một số nước
Dê nhai lại như trâu, bò, cừu; chân có móng; lông mịn có màu đen, xám, trắng, nâu... Giống đực có sừng; cong ngược về phía sau, hay thẳng đứng, hay uốn cong hình trôn ốc... Đực cái đều có râu. Dê hoang sống thành bầy/ đàn ở đồi núi... Trời cho Dê có khả năng sinh sản rất nhanh, vượt xa trâu, bò... Khoảng từ 6 đến 8 tháng tuổi là động dục. Mang thai khoảng 140 ngày. Dê cái biểu tượng sức sinh sản mạnh. Dê đực tượng trưng sức mạnh tính dục. Một con dê đực có thể giao phối với cả đàn dê cái.
Dê xuất hiện rất sớm trong văn hóa tín ngưỡng ở một số nước.
Chăn dê tại Miến Điện. Ảnh Peter DeMarco.
1. Việt Nam:
-Dê là một trong lục súc gồm dê, gà, chó, ngựa, trâu, lợn, và là một trong tam sinh: ba thứ lễ vật đặc biệt để cúng thần gồm dê, lợn, bò. Tại các đình làng trên khắp nước VN, vào các dịp xuân kỳ, thu tế, dê, lợn, bò được làm thịt nguyên con còn sống để cúng Thần.
-Âm lịch kết hợp thiên can, địa chi để tính thời gian và chu kỳ phát triển; dê là 1 trong 12 con giáp được dùng để tính năm Mùi, ngày Mùi, tháng Mùi, giờ Mùi. Kể cả trong tử vi, trong quan hôn tang tế…
-Sách "Lĩnh Nam Chích Quái" ở chương đầu nói về họ Hồng Bàng có cho biết từ thời xa xưa, người Việt trong hôn nhân đã biết “giết trâu, dê làm đồ lễ”.
Hình mặt trống đồng
-Trong “Hịch Tướng Sĩ” của Trần Hưng Đạo có câu:
Đem thân dê, chó, mà ngạo mạn tể tướng.
- Truyện nôm “Tô Công phụng sứ”, khuyết danh, gồm có 24 bài Đường luật (tương truyền có từ thời Mạc, thế kỷ 16), Lê Quang Bí đi sứ sang Tàu bị Vua nhà Minh giữ lại 18 năm ở Nam Ninh, trong truyện có câu:
Hơi dê hãy ngấu manh tơi lá
(tả cảnh người chăn dê sống chung với dê, quần áo đượm mùi dê).
-Thời Nhà Nguyễn, dê được sử dụng trong việc tế lễ:
Dê vốn thật thuộc loài tế lễ...
Để hòng khi tế thánh tế thần...
Hễ có việc lấy dê làm trước
Dê dâng vào người mới lạy sau.
Theo Ðại Nam Thực Lục Chính Biên, dưới triều đại vua Minh Mạng, năm 1836, nhà vua sai mua 220 dê đực, 100 dê cái, chọn 20 con dê đực làm lễ vật tế lễ tại Đàn Nam Giao, thịt dê thì đặt tại Đàn Thượng.
Tam quan Trai cung thuộc khuôn viên đàn Nam Giao triều Nguyễn hiện nay.
- Trong văn hóa VN và nhiều nước ở phương Đông, Dê được xem là biểu tượng của tính ôn hòa, thuần hậu, dùng làm vật tế thần.
-Truyện Nôm “Lục Súc Tranh Công” có câu:
Dê vốn thật thuộc loài tế lễ
Để hòng khi tế thánh tế thần,
-Dái dê, huyết dê, lẫu dê, thịt dê ăn bổ dương rất được người VN hâm mộ.
Tranh dê tại làng Đông Hồ.
2. Trung Hoa
-Điển tích Tô Vũ chăn dê là tôi trung nhà Hán khi đi sứ đất Hung Nô, bị Thuyền Vu không cho về, truyền lệnh đày lên phương bắc tuyết phủ quanh năm chăn một đàn dê đực, với sắc chỉ của chúa Hung Nô: Bao giờ trong đàn dê, dê đực đẻ con, sứ thần Tô Vũ được trở về đất Hán. Sau này nhà Hán hòa hoãn với Hung Nô, Tô Vũ được tha về trở thành một tấm gương về tinh thần trung quân ái quốc.
Tranh vẽ Tô Vũ chăn dê
-Điển tích năm bộ da dê: Thừa tướng Bá Lý Hề nước Ngu - bị Tấn cướp, Bá Lý Hề lưu lạc sang nước Sở làm kẻ chăn dê. Vua Tần Mục Công biết Bá Lý Hề là người tài giỏi, sai mang năm bộ da dê chuộc về làm Tướng quốc khi đã 70 tuổi. Sau, Bá Lý Hề giúp Mục Công dựng nghiệp lớn.
Đĩa vẽ tích Bách Lý Hề chăn Trâu đọc sách thế kỷ 18
Xuất sứ: Trung Hoa
Sưu tập: Nguyễn Minh Vỹ Nha Trang
-Trang Tử kể chuyện người bán thịt dê nước Sở có công phò vua, nhưng từ chối công khanh.
-Sách Liệt Tử cùng thời, kể chuyện một con dê mất, nhiều người đi tìm, nhưng không kiếm ra.
3. Ai Cập: Dê là một trong những thần vật được người Ai Cập sùng bái. Người Ai Cập và nhiều dân tộc khác dùng dê làm vật tế thần thay thế cho người. Thời cổ La Mã, các thầy tế lễ dâng lên thần linh 1 con dê, 1 con chó để cầu mưa thuận gió hòa và mọi người được sạch tội.
4. Do Thái:
-Chiên, dê sống gần gũi với người Do Thái. Chúa Giê-su chào đời trong máng cỏ, nơi có nhiều dê, chiên, lừa... Hình ảnh con chiên, con dê hy sinh nhận làm của đền tội cho dân Do Thái, liên tưởng đến hình ảnh Chúa Giê-su hi sinh gánh mọi tội lỗi của nhân loại như lời Tiên tri Isaia viết:
"Người đã gánh mọi tội ác, mọi yếu đuối trên mình".
-Kinh Cựu Ứớc và Tân Ứớc có đề cập đến 2 con dê hiến tế. Con thứ nhất bị giết để tạ tội với Chúa, con dê thứ hai gánh mọi tội lỗi của người Do Thái rồi bị đuổi vào sa mạc.
-Trong kinh Cựu Ước: Chúa truyền cho ông Ap-ra-ham tìm vật đính ước gồm 1 con bò cái 3 tuổi, 1 con dê cái 3 tuổi, 1 con cừu đực 3 tuổi, 1 chim gáy, và1 bồ câu non làm vật tế lễ để thiết lập giao ước. Ông Áp-ra-ham làm theo; đặt lễ vật lên bàn thờ. Con dê bị giết, máu được rảy lên các góc bàn thờ, số máu còn lại đổ xuống chân bàn thờ.
Trong ngày lễ Sa-ba-át, người Do thái dâng 2 con dê đực trước bàn thờ Chúa. Vị tư tế sát tế "con dê cho Chúa" làm lễ tạ tội cho toàn dân; máu của nó được rảy trên một cái nấp xá tội, xác của nó được đem ra ngoài trại xa mà đốt đi. Sau đó người ta dẫn con dê còn lại tới, vị tư tế đặt hai tay lên đầu nó, rồi xưng thú trên nó tất cả mọi lỗi lầm của toàn dân rồi thả nó vào sa mạc.
-Lễ cầu an trong dân thì cần 5 con dê đực. Lễ tạ tội cho vương quốc thì cần 7 con dê đực. Lễ khánh thành đền thờ Chúa thì cần 12 con dê đực. Khi dân Do Thái trở về đất nước sau thời gian bị lưu đày đã dùng 12 con dê đực để làm lễ tạ tội.
-Cựu Ước cho rằng, Chúa đồng ý tha thứ lỗi lầm cho người có tội nếu họ mang tế vật, đặc biệt là con dê, đến trước bàn thờ Chúa để các vị tư tế sát tế nó. Máu chiên, bò, dê đã trở thành biểu tượng và dấu ấn giữa Chúa và con người.
5. Hy Lạp - La Mã:
-Dê là một trong 12 biểu tượng của Cung Hoàng Đạo.
-Tiếng Hy Lạp “tragôidia” bắt nguồn từ “tragos”, nghĩa là con dê đực.
-Dê cái là nghĩa mẫu của thần Zeus.
Trong thần thoại Hy Lạp: Zeus hay Dias (hay Dớt) là Chúa tể trị vì các thần, là thần của bầu trời, của sấm sét, tương đương với thần Jupiter trong thần thoại La Mã.
Tác phẩm “Nữ thần săn bắn Diana”, do Guillaume Seignac vẽ 1899, cầm cung và đeo vương miện mặt trăng.
Theo thần thoại Hy Lạp thì Diana là con gái của Jupiter và là em ruột của Apollo - thần mặt trời. Nữ thần Diana còn gọi là nữ thần Artemis, tức nữ thần mặt trăng, săn bắn. Đền thờ Diana dài 115 m, có 127 cột đá, ở thành phố Ephesus thuộc Thổ Nhĩ Kỳ.
Thời thơ ấu Thần Zeus được một con dê tên là Amalthea nuôi dưỡng, và được thần nữ Melissa nuôi bằng sữa dê. Thần Zeus ở trên núi Olympus; là biểu tượng của sấm sét, chim đại bàng, bò và sồi, là cha của thần Apollo. Ở Athens hiện còn đền thờ thần Zeus, gần sân vận động Olympic. Đền thờ thần Zeus xưa kia có 104 chiếc cột đá khổng lồ, nhưng nay chỉ còn sót lại vài hàng.
Thần Hades là chúa tể địa ngục (áo đen) đã bắt cóc Thần nữ Persephone khi đang hái hoa - là con gái của là thần Zeus, Persephone là thần của mùa màng và thực vật
-Thần Pan trong thần thoại Hy Lạp: Pan có nghĩa là "gặm cỏ” là con của thần Hermes và nữ thần rừng Nymph. Pan là vị thần của sự hoang dã, của người chăn cừu, của đàn gia súc, của tự nhiên, của những ngọn núi hoang vu, của việc săn bắn và của âm nhạc đồng quê, có tài thổi sáo, luôn gắn liền với các thần nữ. Thần có một nửa thân dưới là dê, có cặp sừng dê, gần giống với thần đồng áng hay nhân dương. Quê hương ở miền đồng quê Arcadia nên Pan cũng được xem là vị thần của những cánh đồng, những khu rừng nhỏ hay những thung lũng rậm rạp, gắn liền với khả năng sinh sôi và mùa xuân. Người Hy Lạp cổ đại xem thần như 1 vị thần của phê bình kịch nghệ.
Thần Pan tương đương với thần Faunus trong thần thoại La Mã.
Vào thế kỷ 18, 19, thần Pan trở thành một biểu tượng đặc biệt của phong trào lãng mạn ở Tây Âu.
Thần Pan xuất hiện lần đầu trong văn học là trong tác phẩm Pythian Ode iii. 78 của Pindar, gắn liền với một nữ thần sinh sản là Rhea hay Cybele.
Tác phẩm “Tiếng sáo kỳ diệu của Pan, do John Reinhard Weguelin vẽ bằng màu nước năm 1905.
- Trong thần thoại La Mã cổ đại, Jupiter hoặc Jove là vua của các vị thần, vị thần của bầu trời và sấm sét, tương đương với Thần Zeus (Dớt) trong thần thoại Hy Lạp cổ đại. Khi tế thần Zeus hay Jupiter, người ta dâng dê thui, bò thui.
Nữ thần Hera và chồng là thần Zeus: Hera là nữ thần của hôn nhân, thần bảo trợ cho cuộc sống gia đình, cho sự thánh thiện và bền vững. Hera là vợ của thần Zeus và cũng như chồng, là Nữ hoàng trên đỉnh Olympus.
- Theo thần thoại Hi Lạp, Thần Hécmét là con của thần Dớt, là người đưa tin của các thần, bảo trợ người chăn nuôi súc vật, khách lữ hành, là thần của thương mại và lợi nhuận; sứ mệnh chủ yếu là đưa ý chỉ của các thần từ đỉnh Olympia đến người đời. Tế thần Hecmet có mật ong, bánh ngọt, heo và dê con.
- Trong thần thoại Hy lạp quái vật dê Yale có thân hình như một con dê với cặp sừng lớn có kích thước bằng 1 con hà mã, đuôi giống voi, bộ hàm giống loài lợn có bộ lông màu vàng hoặc nâu. Tên của chúng bắt nguồn từ một từ có nghĩa là “có thể quay lại” trong tiếng Hy Lạp, ý muốn nói sừng của loài Yale có khả năng quay đổi hướng để tấn công con mồi ở bất cứ phương hướng nào.
-Vào thời cổ Người La Mã đã cử hành Lễ Lupercalia vào ngày 14 tháng 2 để tưởng nhớ thần Juno - nữ hoàng của các vị thần và nữ thần La Mã. Juno cũng là nữ thần của phụ nữ và hôn nhân.
Nữ thần La Mã Juno.
Trong lễ hội Lupercalia các thầy tế dâng lên thần linh một con dê và một con chó để cầu mưa thuận gió hòa và mọi người được sạch tội. Da dê sau đó được chia ra từng mảnh nhỏ để các chàng trai mang trong mình như lá bùa giúp mùa màng tươi tốt. Phụ nữ La Mã tìm đủ cách để chạm tay vào miếng da dê vì họ tin làm như vậy sẽ sinh nở dễ, nhờ vậy mà có nhiều cặp thành vợ chồng sau lễ hội. Valentine's Day (Ngày Tình Yêu) có nguồn gốc từ lễ hội Lupercalia này.
- Dê biển, hay Capricorn, hay Seagoat là hình ảnh của nam thần xứ Babylon, đầy quyền năng tên là Ea, có nửa dưới là cá, đầu mình là dê. Ban đêm, thần sống trong đại dương nhưng ban ngày ngoi lên để canh giữ đất liền.
-Thần thoại Bắc Âu: Thor là thần sấm sét, giông bão và sức mạnh, dũng mãnh nhất trong các thần, là con trai lớn nhất của thần Odin và Jord nữ thần của đất. Trong khi Odin là thần của giới quân sự, Freya nữ thần của phụ nữ quý tộc, thì Thor là thần của nông dân. Thần Thor cưỡi trên một cỗ xe được kéo bởi hai con dê đực. Bảo bối là cây búa khi phóng ra sẽ tạo sấm sét. Thần Thor có vợ là nữ thần Sif xinh đẹp chỉ đứng sau Freya.
“Sif” by John Charles Dollman (1909), có mái tóc dài.
Con của họ: con trai là Modi và con gái là Thrudr (sức mạnh), con riêng của Thor là Magni, con riêng của Sif là Ull, thần săn bắn. Những chuyện kể về thần Thor chủ yếu là việc tiêu diệt bọn khổng lồ, nhưng cũng có yêu một cô khổng lồ tên là Jarnsaxa có một đứa con trai tên là Magni khi mới sanh 3 ngày đã mạnh hơn cha mình.
Một câu chuyện khác nổi tiếng của thần Thor được ghi lại trong bài thơ cổ "Bài ca của Thrymr". Một hôm thần Thor thức giấc thấy cây búa thần mất. Ông cùng Loki đến mượn chiếc áo choàng lông ó của nữ thần Freya. Loki biến chiếc áo thành con ó đi tìm chiếc búa. Khi gặp Thrymr, vua của người khổng lồ tuyết - hắn cho biết chính hắn đã chôm búa sét của Thor. Thrymr nói rằng hắn có đủ mọi thứ châu báu trên đời, chỉ muốn một điều duy nhất là cưới nữ thần xinh đẹp Freya làm vợ, nếu được, hắn sẽ trả lại cây búa. Thor trở về mượn chiếc vòng cổ của Freya, cải trang thành Freya đến gặp, Thrymr rất mừng tổ chức tiệc cưới thật to. Cuối cùng Thrymr đưa cho "Freya" chiếc búa, thần Thor lột bỏ lớp cải trang, dùng chiếc búa để giết tên vua khổng lồ Thrymr gian ác.
Nữ thần Aphrodite tại Bảo tàng Khảo cổ Quốc gia Athens.
Trong thần thoại Hy Lạp, nữ thần Aphrodite là thần của tình yêu, sắc đẹp và sự sinh nở; cũng là thần hộ mệnh của thủy thủ. Tương đương của thần này là Venus trong thần thoại La Mã.
Tượng thần Vệ Nữ thành Milo là một bức tượng Hy Lạp cổ đại và là một tác phẩm điêu khắc Hy Lạp cổ đại khắc hoạ Aphrodite (người La Mã gọi là Venus).
Nữ thần Freyja trong một bức tranh của họa sĩ Penrose.
Bà là nữ thần của tình yêu, sắc đẹp, sự sinh sôi nảy nở của muôn loài, phép thuật và chiến trận.. Tóc vàng, mắt xanh và xinh đẹp, Freyja được mô tả là nữ thần đẹp nhất trong số các nữ thần. Người ta cầu nguyện bà để đạt được hạnh phúc trong tình yêu. để đạt được sự trợ giúp trong sinh sản, và ngày mùa tốt đẹp.
Vừa đặt chân vào thế giớI thần thoại, chúng ta thấy người Tây phương có óc tưởng tượng vô cùng phong phú, thần kỳ .
Vinh Hồ
25/1/15
*Sưu tầm trên NET |