SỐ 65 - THÁNG 2 NĂM 2015

Ngàn ánh dương rực rỡ

Khaled Hosseini
Trúc Hà dịch

Lời tựa:
A Thousand Splendid Suns (2007) của Khaled Hosseini, nhà văn Mỹ gốc A Phú Hãn, do Trúc Hà chuyển dịch.

Ðây là tiểu thuyết thứ nhì của ông, được đón nhận nồng nhiệt không kém truyện đầu tay The Kite Runner (Người đua diều). Ngay tuần lễ đầu ra mắt, sách đã bán hơn một triệu cuốn, được báo New York Times bình chọn sách bán chạy nhất (number one bestseller) và được hãng phim Columbia Pictures mua bản quyền với dự định sẽ thực hiện phim vào năm 2015.

Câu chuyện thương tâm của hai người đàn bà A Phú Hãn lồng trong bối cảnh xã hội Hồi giáo và lịch sử nhiều biến động của đất nước này suốt 40 năm.

 

Phần Một
Chương 1

Lần đầu tiên Mariam nghe nói đến chữ harami là năm cô bé lên năm.

Hôm đó là ngày thứ năm. Chắc hẳn thế, bởi vì Mariam nhớ hôm đó nó cũng bồn chồn lo lắng y như những ngày thứ năm hàng tuần, ngày mà ông Jalil đến thăm nó ở căn chòivách đất. Hôm đó để giết thì giờ, trong khi chờ đợi nhìn thấy ông băng qua đám cỏ cao tới đầu gối ở bià rừng, Mariam đã bắt ghế leo lên lấy bộ tách trà bằng sứ Trung hoa của má nó xuống ngắm chơi. Bộ tách trà này là di tích duy nhất còn sót lại của bà ngoại. Bà ngoại mất lúc má nó, bà Nana, chỉ mới hai tuổi. Bà Nana trân quý từng món đồ sứ men xanh trắng, đường cong duyên dáng của cái vòi bình trà, mấy con chim sẽ và mấy cái bông cúc vẽ bằng tay, cũng như con rồng trừ ác trên hũ đường.

Chẳng may cái hũ đường trượt từ tay nó rơi xuống sàn gỗ bể tan tành.

Khi bà Nana nhìn thấy cái hũ bể, mặt bà bừng đỏ lên, vành môi trên run rẩy, và hai con mắt của bà, cả con mắt lười lẫn con mắt tốt, trừng trừng nhìn Mariam. Thấy Nana giận quá, Mariam sợ âm hồn sẽ lại nhập vào bà. Nhưng âm hồn lần này không đến. Thay vào đó, bà Nana chụp hai cổ tay của Mariam, kéo nó lại sát gần và rít lên qua hai hàm răng nghiến chặt, “Mày là một con bé harami vụng về. Ðây là sự đền bù cho tất cả những gì ta đã phải chịu đựng. Một con bé harami vô thừa tự, vụng về”.

Lúc đó Mariam chưa hiểu gì. Nó chưa hiểu chữ harami có nghĩa là “đứa con hoang”. Nó cũng còn quá nhỏ để cảm thấy sự bất công và để hiểu rằng kẻ có lỗi phải là những kẻ tạo ra harami, chứ còn harami chỉ có tội là đã được sinh ra, thế thôi. Tuy nhiên Mariam cũng đoán được, qua cách nói của bà Nana, là harami là cái gì xấu xa và đáng khinh lắm, giống như một thứ côn trùng, những con gián mà bà Nana luôn nguyền rủa và quét ra khỏi căn chòi vậy.

Về sau, khi đã lớn, Mariam mới hiểu ra. Cái cách bà Nana thốt ra chữ đó - không phải nói một cách bình thường mà như nhổ vào mặt nó - khiến cho Mariam cảm thấy hết sự nhức nhối và độc ác của cái từ kia. Lúc đó nó mới hiểu bà Nana muốn nói gì, rằng harami là một thứ thừa thãi, rằng nó là một đứa con vô thừa nhận, một người bất hợp pháp không bao giờ được quyền đòi hỏi những thứ mà người khác được hưởng như tình thương, gia đình và một mái nhà, cũng như không bao giờ được mọi người chấp nhận.

Ông Jalil thì không bao giờ kêu Mariam như thế. Jalil nói nó là bông hoa nhỏ của ông. Ông hay đặt nó ngồi trên đùi và kể chuyện cho nó nghe. Như cái lần ông kể về Herat, thành phố nơi nó sinh ra vào năm 1959, cái nôi của nền văn hóa Ba Tư ngày trước, của các văn sĩ, họa sĩ và giáo sĩ.

“Không thể nào duỗi chân ra mà không chạm vào mông của một nhà thơ”, ông cười to khi nói điều này.

Jalil kể chuyện hoàng hậu Gauhar Shad, người đã xây tháp giáo đường Hồi nổi tiếng để vinh danh thành phố Herat vào thế kỷ 15. Ông tả cho nó nghe những cánh đồng lúa mì xanh rì của Herat, những vườn cây ăn trái, cành nho trĩu nặng những chùm trái căng tròn, và những tiệm tạp hóa mái cong cong ở khắp nơi.

Một hôm Jalil kể: “Có một cây hồ trăn (pistachio tree), và dưới gốc cây đó, Mariam à, chôn Jami nhà thơ đại tài”. Ông ghé đầu sát vô và thì thầm: “Jami sống cách đây đã hơn 500 năm. Thật đó. Ta có dẫn con tới đó, tới cái cây đó một lần. Lúc đó con còn nhỏ lắm. Con không nhớ đâu”.

Ðúng vậy. Mariam không còn nhớ gì hết. Mà dù nó có sống mười lăm năm đầu của cuộc đời nó thật gần thành phố Herat, nó cũng không thể nhìn thấy cái cây trong chuyện. Nó cũng không thể đến gần mấy cái tháp nổi tiếng kia, cũng như nó sẽ không bao giờ được hái trái cây trong vườn cây ăn trái của Herat hay dạo trên cánh đồng lúa mì. Tuy vậy, cứ mỗi lần ông Jalil kể những chuyện đó, Mariam lại say sưa lắng nghe. Nó lại thầm phục Jalil về kiến thức rộng bao trùm thế giới của ông. Nó lại run lên vì hãnh diện có người cha kiến thức uyên bác dường ấy.

“Sao mà láo khoét thế!” bà Nana nói sau khi Jalil ra về. “Ðàn ông giàu tiền mà cũng giàu láo khoét. Ông ta có bao giờ dẫn mày đi tới cái cây nào đâu. Ðừng để ông ta mê hoặc mày. Ông ta đã phản bội mẹ con mình, người cha yêu quý của mày đó. Ông ta đã ruồng rãy mẹ con mình, đã đuổi mẹ con mình ra khỏi căn nhà đẹp đẽ của ông ta, như thể mình chẳng là gì của ông ta hết. Ông ta đã vui vẻ làm điều đó”.

Mariam lắng nghe một cách nhẫn nại và tùng phục. Chưa bao giờ nó dám nói cho bà Nana biết là nó rất ghét cái cách bà nói về ông Jalil. Sự thật, Mariam không hề cảm thấy mình là một đứa con hoang mỗi khi nó ở bên Jalil. Hai tiếng đồng hồ mỗi tuần, vào ngày thứ năm khi Jalil đến thăm mang theo những món quà và nụ cười quyến rũ, Mariam thấy mình xứng đáng được hưởng tất cả những gì đẹp đẽ và bao dung trong cuộc sống. Và vì vậy, nó thương ông Jalil lắm.

Ngay cả khi nó phải chia sẻ ông với người khác.

Jalil có ba người vợ và chín đứa con, chín đứa con được thừa nhận chính thức. Những người này đều hoàn toàn xa lạ đối với Mariam. Ông là một trong những người giàu nhất Herat. Ông sở hữu một cái rạp chiếu bóng mà Mariam chưa nhìn thấy bao giờ. Nghe nó nài nĩ, Jalil đã tả cho nó biết mặt tiền của rạp làm bằng gạch màu xanh nâu, có ghế ngồi riêng biệt  cho hạng ban công, và mái rạp thì đan bằng gỗ. Ðẩy hai cánh cửa, người ta sẽ bước vô một hành lang lát gạch, hai bên treo những tấm bích chương phim Ấn Ðộ lọng kính. Vào ngày thứ ba hàng tuần, Jalil kể, trẻ em được phát cà rem miễn phí.

Bà Nana kín đáo cười mỉm khi nghe ông nói điều này. Bà chờ cho ông ta đi về rồi mới nói, “Con của người xa lạ thì cho cà rem, còn mày Mariam, ông ta cho mày cái gì? Toàn cà rem vẽ”.

Ngoài rạp chiếu bóng, Jalil còn sở hữu đất đai ở Karokh và ở Farah, ba tiệm bán thảm, một tiệm quần áo, và một chiếc xe Huê kỳ màu đen hiệu Buick Roadmaster 1956. Ông còn là một trong những người giao thiệp rộng nhất ở Herat, là bạn của ngài thị trưởng và quan thống đốc tỉnh. Ông có một người đầu bếp, một người tài xế, và ba người giúp việc trong nhà.

Bà Nana là một trong số ba người giúp việc đó. Cho đến khi cái bụng của bà phình to ra.

Khi việc này đổ bể, cả gia đình của Jalil bàng hoàng sửng sốt đến nổi không khí ở Herat như bị tắc nghẽn. Mấy gia đình bên vợ của ông thề sẽ có đổ máu. Mấy bà vợ đòi ông phải đuổi Nana đi. Chính cha của Nana, một người thợ đẽo đá thấp hèn ở làng Gul Dam bên cạnh, cũng từ bà. Bị mất mặt quá, cha bà phải tom góp đồ đạc và đón xe đò đi qua xứ Iran, từ đó không ai còn gặp hay còn nghe nói đến tên ông nữa.

Một bữa sáng sớm trong khi cho gà ăn,  bà Nana nói: “Có đôi khi má ước phải chi cha của má, ông ấy gan lên một chút, dám mài con dao để làm cái điều danh dự đó. Có phải đỡ cho má không”. Bà rảy thêm một nắm thóc vô chuồng gà, ngừng tay một lát rồi nhìn Mariam: “Mà cũng đỡ cho mày nữa. Mày khỏi phải đau khổ khi biết mày là ai. Nhưng cha của má là một người nhát gan. Ông ta không có cái dil, cái gan, để làm chuyện đó.

Jalil cũng không có cái dil, bà Nana nói, để làm cái chuyện danh dự đó, để đương đầu với gia đình của ông ta, với mấy bà vợ và mấy gia đình bên vợ của ông, và để nhận lãnh trách nhiệm việc làm của mình.

Thay vào đó, một cuộc thương lượng nhằm giữ thể diện đã được ngã ngũ một cách kín đáo và nhanh chóng. Và ngày hôm sau, ông ta buộc Nana phải thu xếp chút đồ đạc riêng tư ít ỏi của bà dưới khu người giúp việc chỗ bà ở và đuổi bà ra khỏi nhà.

“Mày có biết ông ta đã nói thế nào với mấy bà vợ để tự bào chữa không? Rằng má đã cưỡng hiếp ông ta đó. Rằng lỗi hoàn toàn ở má. Thấy chưa? Làm thân đàn bà ở đời này là như thế đó.”

Bà Nana đặt cái chén thóc cho gà ăn xuống. Bằng một ngón tay, bà nâng cằm Mariam lên:

“Nhìn má nè, Mariam.”

Miễn cường, Mariam nhìn bà. Bà Nana nói: “Kể từ bây giờ, con hãy nhớ điều này và nhớ cho kỹ: như kim địa bàn luôn luôn chỉ về hướng Bắc, ngón tay của người đàn ông bao giờ cũng tìm một người đàn bà để đổ tội. Bao giờ cũng thế. Mariam, con hãy nhớ điều đó.”

 Chương 2

“Jalil và mấy bà vợ của y coi má như là một cái gai hay một thứ cỏ dại, và cả mày nữa. Mà lúc đó mày đã sanh ra đâu. Một thứ cỏ hoang người ta nhổ quăng đi." Nana nói.

Tuy không nói ra nhưng Mariam không đồng ý với má nó. Ông Jalil không hề đối xử với nó như một thứ cỏ dại. Chưa bao giờ. Nhưng Mariam lặng yên không phản đối.

"Nhưng khác với cỏ dại, má thì nguời ta phải trồng lại, phải cung cấp thức ăn và nước uống để cho má sống lại. Là vì mày đó. Đó là thỏa thuận giữa Jalil với gia đình của y. "

Bà Nana cho biết bà đã từ chối sống ở Herat.

"Sống ở đó để làm gì? Để thấy y tối ngày lái xe chở mấy người vợ trẻ đi khắp phố à? "

Bà nói bà cũng không sống trong ngôi nhà trống rỗng của cha bà ở làng Gul Daman, trên ngọn đồi cao cách Herat hai cây số về phía bắc. Bà nói bà chỉ muốn sống một nơi cách biệt thật xa để mấy người hàng xóm khỏi nhìn chăm chăm vào bụng của bà, khỏi chỉ trỏ bà rồi cười với nhau, hoặc tệ hơn nữa, khỏi giả vờ tử tế với bà.

"Và tin má đi, cha mày cũng nhẹ nhõm khi không nhìn thấy má nữa. Tiện cho y quá mà."

Chính Muhsin, con trai trưởng của ông Jalil với bà vợ cả, đã đề nghị cái miếng đất trống nhỏ trong rừng ở ngoại ô làng Gul Daman này. Muốn đến đó phải leo dốc bằng con đường đất buị bặm tẻ ra từ con lộ chính giữa Herat và Gul Daman. Hai bên đường cỏ cao tới đầu gối, lấm tấm hoa trắng hoa vàng. Con đường mòn ngoằn ngoèo dẫn lên đỉnh đồi, chỗ có mấy cây bạch dương và mấy cây gòn cao với những bụi cây hoang mọc từng cụm. Từ trên đó, về phía trái người ta có thể nhìn thấy cánh quạt rỉ sét của cối xay gió dưới làng Gul Daman, còn bên phải là toàn cảnh của Herat. Con đường mòn kết thúc ở đây khi gặp con suối rộng nhiều cá hồi chảy xuống từ trên dãy núi Safid-koh bao quanh làng Gul Daman. Hai trăm mét thượng nguồn, về phía những ngọn núi, có một khu rừng liễu. Ở chính giữa rừng, trong bóng mát của hàng liễu rủ, là một miếng đất trống.

Jalil có đến đó xem qua và khi ông về nhà, Nana nói, ông giống như một tên cai ngục khoe khoang về cái nhà tù sạch bóng của mình.

"Và như thế đó, cha của mày đã dựng cho má con mình cái ổ chuột này."

Có một lần bà Nana đã sắp lên xe hoa, năm đó bà mới mười lăm tuổi. Người cầu hôn là một thanh niên ở Shindand, làm nghề buôn chim. Mariam biết chuyện này là do bà Nana kể, và mặc dù bà đã bỏ qua nhiều chi tiết nhưng bằng vào ánh mắt đầy tiếc nuối của bà khi kể, Mariam biết chắc là má nó lúc đó rất sung sướng. Có lẽ khoảng thời gian trước ngày cưới này là lần duy nhất trong cuộc đời Nana đã thực sự hạnh phúc.

Mariam ngồi trên đùi Nana nghe bà kể chuyện mà tưởng tượng má nó đang mặc thử chiếc áo cưới. Nó tưởng tượng hình ảnh Nana trên lưng ngựa, mặc chiếc áo màu xanh lá cây, che mặt cười e ấp, lòng bàn tay vẽ vời bằng sơn henna màu đỏ, mái tóc lóng lánh kim tuyến bạc và tóc bím thắt với nhau bằng chất nhựa cây. Nó thấy cả hình ảnh các nhạc sĩ thổi sáo và chơi trống, và cả những đứa trẻ gọi đuổi nhau ngoài đường.

Nhưng rồi một tuần trước ngày đám cưới, âm hồnđã nhập vào người của Nana. Không cần mô tả Mariam cũng biết, vì nó đã chứng kiến ​​vụ này nhiều lần rồi: cả người bà Nana đột nhiên gục ngã, cơ thể trở nên cứng ngắc, mắt trợn trừng, tay chân co giật như thể có cái gì đó điều khiển bên trong, miệng xùi bọt trắng đôi khi lẫn cả máu đỏ. Sau đó bà trở nên lờ đờ như người buồn ngủ hay mất phương hướng, rồi bà lầm bầm nói những chuyện chẳng có đầu đuôi.

Khi chuyện này đồn đến Shindand, tới tai gia đình của anh chàng buôn chim, thì họ từ hôn.

"Họ đã hoảng sợ ", bà Nana chỉ biết nói vậy.

Chiếc áo cưới được cất đi. Và kể từ đó, không còn ai đến cầu hôn Nana nữa.

Tại khoảng đất trống trong rừng, Jalil và hai người con trai của ông, Farhad và Muhsin, dựng lên căn chòi vách đất này, nơi Mariam sẽ sống mười lăm năm đầu tiên của cuộc đời nó. Trong chòi có hai cái giường nhỏ, một cái bàn gỗ, hai cái ghế, một cửa sổ, và mấy cái kệ đóng vô tường trên đó bà Nana trưng mấy cái chậu bằng đất sét và bộ ấm tách trà Tàu quý báu của bà. Ông Jalil mang đến một cái lò gang mới dành cho mùa đông và chất củi đầy phía sau nhà. Ông đặt thêm một cái lò bằng đất ở bên ngoài để làm bánh mì và một cái chuồng gà có hàng rào chung quanh. Ông mang đến mấy con cừu và làm cái máng đựng thức ăn cho chúng. Ông sai Farhad và Muhsin đào một cái lỗ sâu phía sau mấy cây liễu, cách nhà khoảng ba mươi thước, để làm cầu xí.

Jalil có thể thuê người làm nhà, Nana nói, nhưng ông đã không làm vậy.

"Y muốn tự sám hối đó mà.”

Theo lời kể của Nana thì vào ngày bà hạ sinh Mariam, không có một ai đến giúp bà. Bà kể, hôm đó là một ngày ẩm ướt và u ám vào mùa xuân năm 1959, năm thứ hai mươi sáu của bốn mươi năm trị vì bình lặng của vua Zahir Shah. Bà nói ông Jalil không hề nghĩ đến chuyện gọi bác sĩ, hay thậm chí gọi bà mụ đỡ đẻ, mặc dù ông thừa biết là âm hồn có thể nhập vào cơ thể của bà và có thể khiến bà lên cơn ngay trong lúc lâm sàng. Bà nằm một mình dưới đất, để con dao bên cạnh, người ướt đẫm mồ hôi.

"Tới lúc đau quá chịu không nổi, má phải cắn răng vô một cái gối và hét đến khàn cả tiếng, mà vẫn không có ai đến để lau mặt cho má hoặc cho má uống chút nước. Trong khi mày, Mariam, mày cứ từ từ. Gần hai ngày trời mày khiến cho má phải nằm trên cái nền nhà lạnh và cứng đó. Má không ăn không ngủ, chỉ làm có mỗi một việc, đó là rặn và cầu xin mày hãy ra đi."
"Con xin lỗi má."
"Chính tay má cắt sợi dây nối liền má con mình. Đó là lý do tại sao má để con dao bên cạnh"
"Con xin lỗi."

Kể tới đây, bà Nana luôn luôn nở một nụ cười mệt mỏi, hay cũng có thể đó là một nụ cười trả đũa hay một nụ cười miễn cưỡng tha thứ, Mariam cũng không biết. Mà Mariam cũng còn quá nhỏ để biết thật là bất công nếu mình phải chịu lỗi về cách mình được sinh ra đời.

Ðến lúc nó hiểu được điều đó, lúc đó nó khoảng mười tuổi, thì Mariam không còn tin câu chuyện nó sinh ra đời này nữa. Lúc đó nó tin lời kể của ông Jalil hơn, là mặc dù ông phải đi xa nhưng ông đã sắp xếp cho bà Nana được đưa vô bệnh viện ở Herat để bác sĩ chăm sóc. Bà được nằm trên giường sạch sẽ trong một căn phòng sáng sửa. Jalil lắc đầu buồn bã khi Mariam kể ông nghe về con dao.

Mariam cũng dần dần nghi ngờ rằng nó đã làm cho má nó đau đớn suốt hai ngày trời.

"Họ nói với cha, chưa đầy một giờ là mọi việc đã xong xuôi", ông Jalil nói.
"Con là một đứa con ngoan mà, Mariam. Ngay cả trong lúc con sanh ra, con đã là một đứa con gái ngoan."
"Y không hề có mặt lúc đó! " Nana giận dữ hét. "Y đang ở Takht -e-Safar, để cưỡi ngựa vui chơi với đám bạn quý của y."

Khi họ báo tin ông vừa có thêm một đứa con gái, Nana nói ông Jalil đã nhún vai, rồi tiếp tục chải bờm con ngựa của ông ta, rồi ông ở lại trong Takht-e-Safar thêm hai tuần nữa.

"Sự thật là y không hề bế mày, cho tới khi mày một tháng. Mà y cũng chỉ nhìn thoáng một cái rồi phê bình về khuôn mặt hơi dài của mày, rồi y trả mày lại cho má ngay lập tức."

Dần dần Mariam cũng không tin phần này của câu chuyện. Có, ông Jalil thừa nhận là lúc đó ông đang đi cưỡi ngựa trong Takht -e- Safar, nhưng, khi họ báo tin cho ông, ông không hề nhún vai. Ông đã nhảy liền lên lưng ngựa và phóng ngay về Herat. Ông đã bế nó trên tay, vuốt ve lông mày của nó, và ngâm nga một bài hát ru con nữa. Mariam không thể tưởng tượng là ông Jalil đã nói khuôn mặt nó dài, mặc dù mặt của nó dài thật.

Bà Nana nói bà đã chọn tên Mariam bởi vì đó là tên của mẹ bà. Còn ông Jalil nói ông chọn tên này vì Mariam, tức hoa huệ, là một bông hoa đáng yêu.

" Là hoa cha thích nhất hả?" Mariam hỏi.
"Ừm, một trong số đó", ông nói và mỉm cười.

(còn tiếp)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2015