SỐ 65 - THÁNG 2 NĂM 2015

Những Đóa Hoa Trên Cây Mùa Xuân

Qua xong kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt, đám học sinh chúng tôi thở phào. Chỉ còn hơn một tháng nữa là Tết, thời gian còn lại thầy cô bận chấm các bài thi nên chúng tôi được nhàn nhã đôi chút vì ít bài học hơn thường ngày; nhưng bù lại đây lại là khoảng thời gian bận rộn của hai khối báo chí và văn nghệ hằng năm, ban báo chí các lớp ngoài việc làm bích báo và góp bài cho đặc san xuân của trường còn phụ trách thêm phần đi bán báo. Ban văn nghệ bên cạnh việc tập tành các bài hát và múa may, diễn kịch ở hội trường tôi còn nghe nói sẽ có một số tháp tùng khối xã hội mang quà cây mùa xuân đến ủy lạo thương bệnh binh ở các quân y viện.

Đầu giờ học loa phóng thanh trên phòng Tổng giám thị gọi mấy lần mời các trưởng ban văn nghệ, báo chí và xã hội các lớp lên phòng họp. Tôi ở trong khối khánh tiết nên nhướng mắt nói với nhỏ Kim Ánh ngồi cạnh bên :

- Mi thấy chưa hồi đầu năm ta kêu mi vô khánh tiết với ta mà không chịu, bi giờ ta khỏe re không bị kêu réo phải bỏ giờ học đi họp.
- Thôi người ơi, con gái con đứa gì mà lười như “ hủi “ toàn chọn những ban ngồi không, chẳng bù với bên báo chí và văn nghệ tụi nó chạy có “ cờ “ vì bận rộn.
- Ê, làm gì xỉ vả dữ dội vậy nhỏ, nếu ai có chuyện nhờ đến vẽ vời sơn phết ta cũng sẵn sàng góp một tay chứ bộ.
- Nói thì phải giữ lời nhé, ta đi họp xong về sẽ có chuyện cho mi yên tâm đi.

Tôi không biết có chuyện gì mà nhỏ Ánh hăm he tôi có vẻ chắc chắn quá ! Tan buổi họp nhỏ trưởng ban xã hội về gom các thành viên của mình lại phổ biến :

- Cô Hạnh dạy môn nữ công gia chánh của trường yêu cầu các bạn trong hai ban xã hội và khánh tiết của các lớp 10, 11 và 12 toàn trường mỗi người chuẩn bị một phần quà gửi đến cây mùa xuân chiến sĩ.

Nhiều đứa lau nhau hỏi :

- Gửi quà nhưng biết gửi cái gì ??
- Mình mua gì để làm quà đây ?
- Học sinh đâu có nhiều tiền !

Nhỏ trưởng ban trấn an liền :

- Yên tâm đi, món quà sẽ tự tay mình làm không có tốn kém gì hết mà lại rất có ý nghĩa.

Sốt ruột tôi cắt ngang :

- Mi đúng là bà cụ non, nói gì thì vào ngay vấn đề chính cho rồi còn vòng vo, dông dài văn tự.

Nhỏ Ánh nguýt tôi một cái trước khi trịnh trọng nói :

- Các bạn mỗi người sẽ làm một chiếc khăn tay trên góc có thêu hai chữ viết tắt tên của trường và kèm thêm một lá thư hoặc thiệp chúc Tết gửi cho các anh chiến sĩ. Có đứa hỏi :
- Nếu thêu khăn và viết thư, làm thiệp xong rồi thì mang đi đâu để gửi ?
- Mình sẽ gom lại mang lên nộp cho cô Hạnh để trường kiểm duyệt quà trước khi được gửi đến nơi nhận, thời gian hoàn tất là một tuần nhé.

Tôi bấm ngón tay tính toán :

- Nếu kể luôn ngày hôm nay thì thứ hai tuần tới tất cả phải làm cho xong. Có đủ thời gian không ?
- “ Tri túc tiện túc hà thời túc “ Mình nghĩ ai cũng nhớ câu này.
- Ai da ! còn xổ “ nho “ nữa chứ, đúng là bà cụ thật rồi.

Tôi chế nhạo nó trong khi có đứa khác thắc mắc :

- Nhưng mà tui hong biết viết thư chỉ thêu khăn thôi ?
- Còn tui thì ghét nhứt chuyện may vá thêu thùa tui ra chợ mua khăn để gửi được không.

Đứa khác so vai le lưỡi hỏi, Ánh quay qua trả lời ngay :

- Món quà phải tự tay mình làm mới có ý nghĩa, nếu không sẽ bị zero môn nhiệm ý trong điểm thi lục cá nguyệt.
- Môn nhiệm ý của mình là thể thao mà, vậy là tính vô điểm thể thao hả.

Ánh nói riêng với tôi :
- Bổn phận của mi là mỗi ngày phải đôn đốc góp ý để vẽ các tấm thiệp và thêu các chiếc khăn làm sao cho thật đẹp.

- Trời ! vậy là ngày nào mình cũng phải nhắc nhở tất cả phải nhớ đem theo khăn để mình kiểm soát xem hoàn thành đến đâu !

Tôi chợt nhớ lại, năm Đệ Tứ là năm cuối cùng được học nữ công gia chánh, bài thi đệ nhất lục cá nguyệt năm này cô giáo đã ra đề tài làm một chiếc khăn tay trên góc cũng thêu hai chữ GL là mẫu tự viết tắt của tên trường. Vì là bài thi nên chúng tôi đứa nào cũng nắn nót, tỉ mỉ thêu cho thật khéo để được điểm cao nhất. Sau khi phát bài cho xem kết quả cô giáo gom hết lại và nói đây là món quà xuân sẽ được gửi kèm cùng các lá thư chuyển đến tặng cho các anh chiến sĩ ở tiền đồn.

Không biết nguyên do từ đâu người ta gọi tên “ cây mùa xuân “ vì từ những năm tôi còn nhỏ xíu đã nghe nói đến “ cây “ này mỗi khi mùa xuân đến. Bên phương Tây mùa đông là mùa vui vì có ngày lễ Thiên chúa giáng sinh, trong những ngày này người ta thường gửi đến nhau những lời chúc tụng thân ái, tặng nhau những món quà và trang hoàng cây thông bằng cách treo lên đó những cây kẹo, những chùm đèn sáng chớp tắt, những trái châu đủ màu sắc rực rỡ theo tục lệ và gọi là cây giáng sinh. Tuy nhiên trong đời sống người dân Việt, tính theo âm lịch mùa xuân lại là những ngày vui chính vào ba ngày đầu năm mới. Nhà nào cũng mừng ngày này với những nhánh hoa đào hồng tươi, hoa mai vàng rực rỡ và những bao tiền lì xì đỏ chót kèm những lời chúc may mắn, phát tài, phát lộc. Người ta cũng gói thêm những phần quà có nhiều thứ tùy theo ý thích người tặng, có thể là xấp vải hay bộ quần áo mới dành cho trẻ con. Dĩ nhiên trong đó không thiếu bánh mứt cho người lớn hoặc những chiếc kẹo xanh đỏ cho các em nhỏ, tất cả dùng để gửi tặng các gia đình nghèo nhân dịp xuân về. “ Cây mùa xuân “ mang đến cho nhiều người những món quà thực dụng trong đời dù chỉ là tên gọi một loại cây không có thật. Có lẽ vào mùa xuân tất cả cây cối đều đâm chồi nẩy lộc, mang những đóa hoa nở khoe hương sắc tô điểm thêm khung cảnh chung quanh, vì vậy mỗi khi nhắc đến tên cây mùa xuân ai cũng hiểu đó là những hành vi đẹp đẽ mang đến cho người khác niềm vui và hạnh phúc.

oOo

Hè về, hè về... Tiếng ve râm ran reo inh ỏi trên hàng cây sao dầu chạy dọc theo con đường Hồng thập Tự mỗi trưa khi chị em tôi đi học về làm tôi nhớ đến câu chuyện ngụ ngôn Con ve và cái kiến tôi đọc hồi còn bé. Không biết con ve bên trời tây ra sao chứ ở xứ mình nghe nói con ve chỉ sống vỏn vẹn một mùa hè mà thật ra dân thành phố như tôi có bao giờ được trông thấy tận mắt dù chỉ là cái xác khô của nó.

Buổi cơm trưa ba nói với má tôi “ Thằng Đực con chị ba lại bị thương rồi ! “. Má tôi chỉ biết lắc đầu chắc lưỡi, ánh mắt bà hướng về đứa em trai kế tôi mới mười lăm tuổi. Không nói nhưng tôi biết nỗi lòng người mẹ đang lo lắng cho đứa con trai sắp đến tuổi trưởng thành. Chiến tranh giống như một cánh quạt khổng lồ cuốn hút tất cả sinh lực của tuổi trẻ, kéo theo những hệ lụy tang thương khiến những bà mẹ, những người vợ, các cô gái mới lớn đa số không thể thoát ra khỏi vòng quay của nó. Ba quay sang nói với chị em tôi :

- Ngày mai chủ nhật hai chị em con đi thăm thằng Đực đi, má mày mua ít quà để tụi nhỏ mang lên cho nó.

Tên Đực là tên gọi ở nhà của anh họ tôi hồi nhỏ nên người trong thân tộc cứ quen miệng gọi như vậy, lần trước cách đây hơn năm anh bị thương nhẹ và chúng tôi đã đến Tổng y viện Cộng Hòa thăm anh rồi. Gia đình cô tôi ở quê làm ruộng, lại thêm đường sá xa xôi có lẽ ông anh họ tôi biết thế nên chẳng khi nào thông báo về nhà nếu anh có bị thương. Chỉ khi nào sắp bình phục hay đã qua cơn nguy hiểm thì gia đình mới hay. Tôi hỏi :

- Hai đứa con đi lên Tổng y viện Cộng Hòa như lần trước hở ba ?
- Không phải, lần này nghe nói anh mày đang nằm ở bệnh viện 4 dã chiến.

Tên bệnh viện nghe lạ hoắc lần đầu tiên nghe được, ba tôi nghe nói nó nằm ở đâu đó trên đường đi Bình Dương nhưng xa hơn dọc theo quốc lộ 13. Dù không biết chính xác bệnh viện nơi nào nhưng hai chị em tôi cũng chở nhau trên chiếc HonDa trực chỉ xa lộ Đại hàn và hỏi đường đi quốc lộ mười ba. Qua khỏi khu dân cư đường quốc lộ không nhiều xe cộ, phải chạy một đoạn rồi lại ghé vào hỏi tên bệnh viện. Chúng tôi cứ tìm đến những người lính mình gặp trên đường y như rằng ai cũng biết bệnh viện này. Bỏ đường quốc lộ rẽ vào con đường nhỏ hơn nhưng cũng rất êm và quang đãng, chạy một đỗi chúng tôi nhìn xa xa có những dãy nhà thấp lố nhố trên trảng đất trống, bao quanh là nhiều vòng kẽm gai giăng mắc giống như những khu quân sự thông thường. Rẻ vào cổng gác hỏi đường, may mắn thay ở đây đúng là nơi chúng tôi muốn tìm, bà chị tôi hơi lạ nên hỏi nhỏ :

- Mình có đi đúng đường hông, sao tao không thấy tên bệnh viện ghi trên cổng vậy ?
- Bộ chị không hiểu đây là bệnh viện dã chiến sao, đã là dã chiến thì làm gì có tên ngoài con số quy ước dành riêng chỉ có người ở trong quân đội mới biết, với lại bệnh viện dã chiến là bệnh viện lập tạm gần chiến trường để tiện cho việc cấp cứu nhanh chóng hơn.

Tôi tài lanh giải thích theo suy nghĩ của mình dù không chắc là mình hiểu đúng.

Công nhận là cung cách làm việc trong quân đội thật chuyên nghiệp, dù ở bên Tổng y viện Cộng Hòa hay nơi đây, người thăm viếng chỉ cần nói tên, cấp bậc, đơn vị phục vụ của người lính tại nơi cổng vào sẽ được chỉ dẫn rành rẽ đường đi đến khu vực người bị thương đang nằm không chút khó khăn.

Quang cảnh yên tĩnh bao trùm những dãy nhà, rẽ vào một dãy bước qua cửa là trông thấy ngay ông anh họ đang nằm bất động trên giường. Thấy chúng tôi trên nét mặt có vẻ đau đớn anh vẫn cố gắng nở một nụ cười. Gian phòng có nhiều giường nhưng vắng vẻ trống không hết phân nửa, vì không có người nằm nên chăn nệm vẫn còn phẳng phiu khiến không gian trở nên rất yên ắng làm chúng tôi phải rón rén bước đi rất nhẹ và nói thật khẽ khàng.

Cũng giống như bất cứ ai đi thăm người bệnh, trước tiên chúng tôi hỏi thăm sức khỏe của anh, kế tiếp thuật chuyện ở quê về gia đình cô tôi và nhà tôi, mọi người vẫn bình thường. Tháng vừa rồi tôi có theo ba về quê thăm bà nội tức là bà ngoại của anh, nhắc với anh về cây chùm ruột ngọt bên hông nhà, cạnh mép ao vẫn còn nhiều trái.

Nhớ hồi nhỏ mỗi lần chị em tôi về quê, hai anh em của anh từ ngoài chợ chạy bộ vào am bà nội ở cách chợ cả cây số chỉ để hái chùm ruột cho chúng tôi. Lúc đó tôi là con bé mới vào lớp năm, còn anh là lớn nhất cũng chỉ hơn mười tuổi nên với tay cũng không tới nhánh cây trái đeo đầy dọc theo cành, mấy đứa em xúm lại bàn với nhau đứng dưới gốc rung cho trái rụng xuống, ra vẻ kẻ cả anh nói :

- Tụi bây ngu quá, cây này sai trái nhưng nhánh nó chĩa hết ra ngoài mặt ao, tụi bay mà rung thì trái nó lọt xuống ao hết còn đâu mà lụm (lượm ), hết thảy đứng yên đó để tao leo lên hái cho.

Nói xong anh thoăn thoắt leo lên, nhưng loại cây này cành rất mỏng manh, yếu ớt nên không chịu nổi sức nặng ngay cả một đứa bé, nhánh cây oằn mình suýt gãy làm anh rơi tõm xuống ao và vướng vào đám rau nhút mình dây thân mang đầy phao trắng xốp, bò ngang dọc nổi bềnh bồng trên mặt nước làm chúng tôi cười ré lên. Nghĩ về chuyện ngày xưa tôi hỏi anh :

- Anh bị thương nằm đây, chị Thảo ở cạnh nhà có lên thăm anh không ?

Bà chị tôi đang ngồi gọt vỏ trái cam nghe thế nên la tôi :

- Con nhỏ hỏi vô duyên, chị ấy là bạn hàng xóm với lại ở xa làm sao đi thăm được mà hỏi.
- Xời ơi, em nghe chị Gái em của ảnh kể lại “ Anh Đực đào hoa lắm, bạn gái học chung lớp thích ổng quá trời, mỗi lần ổng về phép họ tới chật nhà à thăm ảnh “. Nhưng mà em nghe có lần anh kể, anh có quen và thích một cô ở Tha La hơn phải không ?
- Sao giống tên bài hát “ Tha La xóm đạo “ quá vậy.
- Đúng là nó đó, bây giờ mới biết chứ hồi mới nghe cứ nghĩ rằng chỉ là cái tên trong tưởng tượng.

Tính anh ít nói nên chỉ mỉm cười khi nghe chị em tôi đối đáp, tôi láu táu nói thêm :

- Hỏi nhỏ anh chuyện này, từ bữa anh nằm đây đến giờ có lần nào hai ba cô vô đây thăm anh rồi đụng độ nháng lửa ở đây hông ? Mặt trận ở “ Đào hoa đảo “ vẫn yên tĩnh hả anh ?

Chắc câu hỏi của tôi khiến anh tức cười nên anh định bật cười, nhưng lại trở thành một cái nhăn mặt đau đớn, hai tay ôm bụng. Chị tôi thấy thế hoảng quá rầy tôi :

- Mày thấy chưa, chọc ảnh chi vậy, ở đây đâu phải chỗ cho mày đùa.

Tôi le lưỡi, rụt vai thụt lùi mấy bước là ra đến cửa. Bên ngoài, một người lính đang lom khom rót nước sôi từ chiếc bình pha ly cà phê đang để trên mặt chiếc ghế thay cho bàn, nhận ra đây là người lính ban nãy đang bón từng muỗng sữa cho ông anh khi chúng tôi vừa mới vào thăm. Tôi hỏi anh này mới biết anh là lính trong đại đội trinh sát mà anh tôi là Đại đội trưởng. Qua lời kể tôi mới hiểu anh bị thương do trận đụng độ quá khốc liệt, trung đoàn phải cử thêm đại đội thiện chiến của anh nhảy xuống chi viện :

- Ông thầy là con cưng và nổi danh là người gan lì nhất trung đoàn, lần này ổng xém lãnh nguyên một băng AK, mấy viên đi lạc làm ổng đứt ruột làm hai ba đoạn. Trung đoàn trưởng gọi qua máy bằng bất cứ giá nào cũng phải cho trực thăng tải thương gấp và em phải theo để chăm sóc cho ông thầy.
- Hèn gì lúc mới nhìn thấy mặt ảnh xanh lè, chắc là mất máu nhiều.

Lòng tôi bùi ngùi thương cảm không chỉ cho riêng anh tôi mà cho cả một thế hệ trẻ tuổi của đất nước phải đổ máu bởi tham vọng muốn nhuộm đỏ cả quê hương của những người theo chủ nghĩa Cộng sản.

Tuần sau chị em tôi lại theo đường cũ trở lại thăm anh họ chúng tôi. Vào đến phòng thấy giường nằm của anh tôi trống trơn, đang hoảng hốt nhìn quanh gặp ngay người lính chăm sóc anh tôi hôm nọ. Anh này cho biết anh tôi được đưa lên phòng chụp khám lại vết thương lát nữa sẽ trở lại. Hai chị em vuốt ngực thở phào ngồi ghé lên giường chờ. Chiếc giường bên cạnh hôm nay đã có người nằm, người lính này bị thương một bên vai và cánh tay băng bó trắng toát. Anh đang ngồi dựa lưng đọc báo, thấy chúng tôi bước vào anh ngửng đầu nhìn và xếp tờ báo lại. Chị tôi với thói quen lục trong giỏ con dao nhỏ và bắt đầu gọt sẵn vỏ trái cam để lát nữa cắt thành từng miếng. Tôi nói nhỏ với chị tôi gọt thêm trái nữa mời người bệnh nằm giường bên cạnh. Phá tan bầu không khí im lặng, lạnh lẽo tôi hỏi xã giao :

- Chào anh, chắc anh mới được chuyển về. Tuần trước tụi em vô thăm anh của em thấy giường này còn trống.
- Tôi mới được chuyển về hôm đầu tuần.

Tôi e dè hỏi thêm :

- Chắc bây giờ anh đã khỏe hơn rồi.
- Khỏe hơn ông anh của cô thôi, bằng chứng là tự ngồi lên được, còn ông anh của cô thì nằm bẹp dí.
- Dạ anh của em bị nặng lắm, em nghe anh lính chăm sóc cho ảnh nói vậy. Mà anh với ảnh cùng đơn vị hở.
- Không phải, hồi đầu năm trước Tết chúng tôi vẫn còn đóng trong mấy cánh rừng cao su dọc theo ven biên giới. Tháng rồi chúng tôi tăng cường phối hợp với đơn vị bạn giải tỏa mặt trận ở Suối Tàu Ô.

Tôi chắc lưỡi than :

- Em nghe nói trận chiến nơi địa danh này các anh đánh gay go lắm. Bằng chứng là anh của em cũng bị thương nơi đây.
- Đời lính chiến mà cô, không gian nan nguy hiểm thì đâu phải là lính.
- Nhưng mà em thấy hầu như các anh đều vui vẻ chẳng sợ chút nào. Cũng như ông anh của em, đã đi lính thì chọn ngay trinh sát, thám báo cho oai.
- Tùy người thôi nhưng dù chiến đấu ở đơn vị nào thì cũng có cùng một lý tưởng như nhau.

Mang quả cam đã cắt thành từng miếng nhỏ mời anh lính. Anh này với tay lấy chiếc ba lô đặt phía ngăn dưới chiếc tủ bệnh viện cạnh giường. Chỉ còn một tay nên động tác bị hạn chế, tôi giúp anh ta mở nắp để lấy chiếc khăn tay trong đó. Nhìn anh lau ngón tay với chiếc khăn, tôi bỗng ngờ ngợ thấy chiếc khăn hình như quen quen. Tôi hỏi vui :

- Anh có chiếc khăn dễ thương quá, khăn làm bằng tay không phải mua ngoài chợ, chắc của một cô gái khéo tay làm ra để tặng người khác.
- Chắc là vậy nhưng tiếc là tôi không quen và biết mặt cô ấy.
- Ủa, sao anh lại không biết mặt người tặng. Anh cho em mượn xem một chút.
- Đây là một thứ trong gói quà xuân của hậu phương gởi cho mỗi người lính của chúng tôi hôm Tết. May mắn là tôi còn giữ được đến bây giờ.

 Chiếc khăn tay được rua bốn cạnh bằng bốn đường viền thẳng tắp có thêu hai chữ GL nhỏ bằng chỉ đỏ với kiểu mũi chữ thập nằm một góc khăn, bên cạnh còn thêm một cánh hoa mai màu vàng cũng được thêu bằng mũi chữ thập. Không lẽ có một sự trùng hợp về ý tưởng và cách trang trí mà tôi đã bắt chước chiếc khăn hộp má tôi mua cho ba, ở góc khăn tôi cẩn thận rút bỏ bốn hàng sợi vải thay vào bằng những cọng chỉ màu xanh lợt. Tám hàng chỉ nằm thẳng góc với nhau, trên góc khăn này sau khi thêu tên viết tắt của trường tôi lại điểm thêm đóa hoa mai.Tôi nhận ra ngay đây là chiếc khăn mình đã thêu tặng các chiến sĩ theo lời yêu cầu của cô giáo. Chiếc khăn giờ không còn màu trắng tinh như ban đầu, nó hơi ngả màu ngà có lẽ ảnh hưởng của nước phèn hay nước sông khi giặt giũ.

Tôi không biết con đường đi của chiếc khăn bằng phương cách nào để đến tay những người lính, nhưng món quà xuân nhỏ nhoi của người hậu phương cũng đã an ủi thêm được một chút khi họ vẫn phải ở ngoài chiến trường và xa nhà mỗi độ xuân về. Im lặng tôi trả lại chiếc khăn cho người bệnh binh và giữ lại bí mật cho riêng mình với chút bồi hồi khi tình cờ hạnh ngộ chiếc khăn mình đã làm ra khiến lòng tôi ấm áp.

Ngoài cửa có tiếng lao xao của những cô gái trong chiếc áo dài trắng, một đoàn nữ sinh cầm trên tay gói quà chia nhau mỗi người một giường ủy lạo thăm viếng các bệnh binh. Một nhóm nữa với y phục cho thấy họ là dân thường cũng len vào tặng mỗi giường nằm một hộp sữa và vài bao thuốc lá.

Không chỉ là món quà nhân dịp xuân về mà vào mùa nào cũng thế, bất cứ ai có tấm lòng nhân hậu, nhiệt tình, thiết tha quan tâm đối với người khác đều là những “ cây mùa xuân “ quanh năm nở hoa nhân ái./.

Cỏ Biển
Mùa xuân 2015.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2015