SỐ 65 - THÁNG 2 NĂM 2015

Về thăm quê của Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Yến Lan và Võ Phiến

Trần Hoài Thư

1.
Không thể ngờ một ngày tôi lại có mặt giữa ba ngọn tháp buồn thiên cổ để cảm nhận thế nào là dấu vết của Điêu tàn trong thơ Chế Lan Viên. Có lẽ tôi may mắn hơn nhà thơ họ Chế, bởi vì ông chỉ nhìn bóng tháp mà làm thơ, còn tôi, tôi sống với tháp, tôi ngủ trong lòng tháp, tôi được tháp che chở bảo bọc suốt gần bốn năm dài.

Hậu cứ của đơn vị tôi – đại đội 405 thám kích – nằm trên đồi Bà Gi, còn gọi là đồi Tháp Bánh Ít. Đồi có ba ngọn tháp Chàm. Theo như người địa phương cho biết, ngọn tháp ở ngay đỉnh là Tháp Vàng. Ngọn ở lưng chừng đồi là Tháp Bạc. Và ngọn ở dưới thấp nhất là Tháp Đồng. Tháp. Tháp Vàng là nơi đặt đài rada của quân đội Mỹ. Tháp Đồng là kho chứa đạn dược của đơn vị tôi. Chỉ có Tháp Bạc là trống trải, nằm ngay ở bên sân doanh trại, ngay ở cổng gác của đơn vị.

Nơi đây, ta có thể nhìn bao quát cả một khu vực quân Tuy Phước và An Nhơn. Đó là hai yếu khu mà đơn vị tôi là một trong các đơn vị chịu trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ.

Đó là quê nhà của Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Yến Lan và Võ Phiến. Những tên tuổi hàng đầu của nền văn học Việt Nam.

Hãnh diện không, được có mặt ở vùng địa linh nhân kiệt?

Vâng, người khác thì hãnh diện thật. Còn tôi thì không. Tôi đang có mặt tại một nơi mà: Về đây Bình Định ma thiêng lãnh/Mỗi bước đi rờn rợn âm hồn. Thơ tôi đấy. Ai cũng biết là xứ Bình Định này nguyên thuộc Liên khu 5, mà có lẽ hầu hết những gia đình trong vùng đều có thân nhân tập kết. Những mật khu chỉ cách Bộ Tư lệnh khoảng trên dưới 10 cây số như Kỳ Sơn hay Háo Lễ, Tân Dân, hay xa hơn là Núi Bà… Đó là những bụi gai rất khó nhổ. Ví dụ như đồi Kỳ Sơn. Chúng tôi đã trèo lên ngọn đồi đó biết bao nhiêu lần. Nhưng sau khi rút về, thì âm binh lại tiếp tục có mặt, dùng làm căn cứ địa để chọc phá Bộ Tư lệnh Sư đoàn 22 BB. Để rồi, chỉ khổ là đám lính, đêm đêm thức trắng, giữ cho địch khỏi lọt vào vòng đai… Dù ngại một lần rồi sẽ ngã. Ta dắt đàn con nhỏ chắt chiu. Về thăm gò mả thăm kênh rạch. Thắm những oan hồn đang hẩm hiu….

Tại sao lại là gò mả? Bởi vì, gò mả có bờ thành, có chỗ để chắn gió, có thể chắn đạn. Bởi vì gò mả là chỗ đất cao, để chúng tôi khỏi bị dầm nước cả đêm, và có thể đặt lưng trên mặt đất khô ráo. Nhưng để đổi lại là cái ám ảnh của căn bệnh Hàn Mặc Tử đè nặng. Đè nặng từ hơi đất hơi sương hơi người chết, từ lòng huyệt lâu năm hay mới chôn: Ta có ông bà muôn năm cũ. Đội đất vỗ về giấc ngủ ta… Ông bà có thương một thằng lính sữa, xin đừng cho ta khỏi cùi phun.

Đó, một đêm như mọi đêm trên quê hương mà người dân Bình Định gọi là vùng đất địa linh nhân kiệt là thế đấy.

Nằm trên một nghĩa địa dưới đồi Kỳ Sơn, thuộc Gò Bồi, tôi nói với tôi, đây là quê hương của nhà thơ Xuân Diệu… Qua An Nhơn, tôi bảo lòng, đây là quê nhà của Yến Lan, tác giả bài thơ “Ông lái đò” đã được phổ thành ca khúc. Và hơn ba năm nương dưới ba ngọn tháp, tôi nhủ mình, đây là những ngọn tháp Chế Lan Viên. Ba người thơ tiền chiến này, đang ở ngoài Bắc, đang cố nặn óc để làm những bài thơ kích động đám trẻ miền Bắc sinh Bắc tử Nam để giết chúng tôi. Chỉ có mỗi một mình nhà văn Võ Phiến. Nhưng ông thì xa cách chúng tôi quá. Ông đã để quê nhà (nhan đề một tác phẩm của Võ Phiến) của ông cho chúng tôi bảo vệ, gìn giữ, và dung thân tại Sài Gòn rồi. Không biết ông có biết quê nhà của ông giờ đây những đứa trẻ của một thời bắt trẻ đồng xanh (tên một truyện ngắn của Võ Phiến) nay đã trở lại, và chúng tôi đang giẫm trên quê nhà của ông, để gìn giữ, bảo vệ, để sáng ra còn nghe tiếng trống trường vẳng lên từ chợ Huyện, chợ Dinh, hay An Nhơn Bình Định, để những chuyến xe lam bắt đầu xuất hiện trên đường, hay những ghe thuyền tấp nập trên sông Gò Bồi, cho phiên chợ sớm… Có người trong chúng tôi đã nằm xuống, tức tủi, im lặng, không một lời ai điếu.

Tôi cố tìm một bài văn của ông viết về đám trẻ chúng tôi, sau bài “Bắt trẻ đồng xanh”, nhưng tìm không thấy. Cũng buồn chứ.

Nhưng nếu ông không viết, thì tôi viết.

Nhưng mà cần gì. Những người lính của tôi, có khi nào cầm đến tập Văn hay Bách Khoa mà đọc. Họ còn có những chuyện khác để lo sau khi hết hành quân. Vợ con, tán gái, hay nhậu nhẹt… Có lẽ tôi là người quá vị kỉ chăng.

2.
Trong dòng binh lửa, nhất là đối với người lính ở đơn vị biệt lập, mang mũ rừng thay nón sắt, mang súng nhẹ, không biết áo giáp là gì, thì mạng sống quả là đếm từng ngày.

Vậy mà tôi đã sống sót sau gần 4 năm (từ tháng 9-66 đến tháng 7-1970)!

Ai cũng bảo là tôi được may mắn. Vâng thì may mắn. Có điều sự may mắn ấy, nếu một hai ngày, thì còn có thể tin được, chứ gần 4 năm, thì thật khó tin.

Tôi không thể biết, hay không thể giải thích. Tôi không hề thuộc một câu kinh, dù của Phật hay của Chúa, trừ Nam mô A Di Đà Phật hay Amen. Tôi chẳng ăn chay hay đi xưng tội. Nhưng tôi kính sợ Tháp. Kính sợ một đôi mắt nào vô hình đang có mặt trên ngọn đồi Bà Di, đang nhìn tôi. Có sống bên tháp, mới thấy được những điều linh thiêng này. Đối với tôi, tháp không còn là những tầng gạch cũ gắn chặt ngàn năm một cách vô tri nữa. Mà trái lại, chúng có linh hồn. Chúng thiêng liêng. Chúng không phải là dấu vết của sự hưng phế của một triều đại, một cơ đồ, nhưng chúng là một cõi cốt xương được kết tụ bởi những hồn oan uổng tử, bị chết thảm. Những hồn oan ấy trôi dạt trong cõi đất trời, tích lũy tại chốn này, bởi không một lời cầu siêu, không một câu kinh cho chúng siêu thoát…

Tôi đã chứng kiến cảnh sét đánh ngay vào ngọn Tháp Vàng. Nghe nói, có người lính Mỹ bị thương hay chết. Có lẽ thần linh đã trừng phạt vì tội mang ô uế vào tháp chăng. Riêng trong đơn vị tôi, những người lính thâm niên vẫn hay kể là trước kia, cứ mỗi lần ông đơn vị trưởng mang gái lên đồi qua đêm, thì thế nào sau đó, đơn vị cũng gặp rủi không ít thì nhiều.

Từ sự tin tưởng ấy, cứ mỗi lần đơn vị xuống đồi để làm những chuyến tăng phái, hay đột kích, tiếp viện, hay thám sát, tôi vẫn đứng dưới tháp mà cầu nguyện. Như ngày nào tuổi nhỏ, tôi đã lên Tháp Bà, ở cuối cầu Xóm Bóng Nha Trang để cầu khẩn cho mẹ tôi.

Để rồi những phép lạ này đến phép lạ khác.

Mà mỗi lần nhớ lại, phải giật mình run sợ.

Có nên nhắc lại không về một buổi chiều trước khi xuống đồi để thực hiện cuộc làm ăn đêm, khi hạ sĩ nhất Ký say rượu thách thức tôi bắn y. Và tôi đã cuồng trí, mất hết bình tĩnh để nòng súng vào lưng y. Bóp cò. Vậy mà lẫy có cứng ngắc!

Có nên nhắc lại không, đáng ra ngày ấy là ngày không trực đại đội, có nghĩa là khỏi đi đầu, vậy mà hôm ấy, trung đội tôi được lệnh đi đầu… để rồi, thoát khỏi trận phục kích của địch!

Có nên nhắc lại, chỉ trong một trận, mà khi ra quân với 6 sĩ quan, thì 4 người đã nằm xuống trong một cuộc hành quân.

Có nên nhắc lại, viên đạn nào như dịu dàng cắt một mảnh thịt trên đầu vú trái, ngay ở con tim tôi. Chỉ lệch một phân thì chắc chắn tôi đâu còn có ngày ngồi ở đất Mỹ để viết những dòng chữ này!

Và nhiều, rất nhiều chuyện khác, nhớ lại, để giật mình kinh sợ, mà thầm cảm tạ Ơn Trên. Thương quá thân thể mình. Thương quá cuộc đời của mình. Và càng thương thì càng cảm tạ. Cảm tạ những ngọn tháp của tôi. Chúng là mái nhà của tôi. Trước khi xuống đồi, thưa Bà, xin Bà phù hộ cho con, như ngày nào còn thơ, tôi vẫn từng cầu khẩn cho mẹ tôi bớt khổ. Và khi trở về, từ xa, thấy bóng tháp mờ hiện giữa nền mây, thì lòng lại bồi hồi không tả.

Nhất là những đêm trăng, với nhiệm vụ là sĩ quan tuần tra, tôi đi rảo các vọng canh. Khi ấy, chắc chắn là chỉ có mình tôi một vầng trăng lạnh dõi trên đỉnh tháp. Dưới chân là nền gạch vụn nhô lên như ngôi mồ vĩ đại. Và cái bóng tháp hiu quạnh soi cùng bóng những hàng rào phòng ngự.

Chính vì nỗi tin tưởng ấy, tôi không thể chấp nhận việc mang ô uế đến với tháp. Nhưng tôi không thể. Đám lính Mỹ có lối đi riêng không qua trạm kiểm soát của đơn vị. Tôi chỉ có cây viết. Và tôi đã viết truyện “Bóng Tháp”, lấy từ việc sét đánh lên đài rađa như là một sự trừng phạt của đấng quyền năng về tội làm tháp ô uế. Truyện đăng hai kỳ trên tạp chí Bách Khoa. Sở kiểm duyệt đã kết tội bài viết có lợi cho địch, bêu xấu quân đội đồng minh. Chỉ tội nghiệp cho ông Lê Ngộ Châu, phải khổ lắm mới mang được về tòa sọan vài trăm tập và bôi đen một phần của bài văn.

oOo

Tôi vẫn còn nhớ, hình như vào khoảng năm 1969 thì phải, Bắc quân mang một lực lượng cấp tiểu đoàn tấn công vào thị trấn Đập Đá, cách đồi Bà Gi khoảng vài cây số về phía Bắc. Trong trận này, binh chủng thám kích được sự tiếp trợ của sư đoàn Mãnh hổ Đại Hàn đã tạo một chiến thắng lớn.

Lính phe Bắc chết nằm la liệt ở ruộng đồng gần Đập Đá. Đến nỗi sau trận đánh, xe ủi của quân đội Đại Hàn đã phải đào nguyên cả cái hố lớn và sâu để lấp chôn xác họ. Tôi nghe nói trên cả trăm người chết.

Và hố này gần một tháp Chàm gần khu vực giao tranh.

Có hai người hạ sĩ quan mới ra trường đã tử trận. Một cái tang đau cho gia đình thám kích chúng tôi.

Chuyện đào hố chôn xác người đã làm trí óc tôi lóe lên một đề tài về một sự tái diễn của lịch sử. Và cái nhân quả trong triết lý nhà Phật.

Nhưng chưa có dịp để hoàn thành ý nghĩ này.

Đợi đến một lần dừng quân chờ xe sư đoàn đến rước về hậu cứ, tôi mới thật sự kê giấy để viết dưới ánh đèn pin quân đội. Đêm ấy, chúng tôi nghỉ chân bên một ngọn tháp sau một cuộc hành quân gian khổ. Điêu tàn của dân Hời bây giờ nhường lại Điêu tàn của dân tộc tôi. Đây là truyện thứ hai tôi viết về tháp, với tựa đề “Đêm Chiêm Thành” (Xin xem phần Phụ Lục)

(trích Cảm tạ văn chương)
© 2010 Trần Hoài Thư

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2015