SỐ 66 - THÁNG 4 NĂM 2015

 

 Ngàn ánh dương rực rỡ

Khaled Hosseini
Hà Bạch Trúc dịch

 

 

 

 

 

Chương 3

Một trong những kỷ niệm đầu tiên của Mariam là tiếng kêu cót két phát ra từ bánh sắt của chiếc xe cút kít cọ sát trên đá. Mỗi tháng một lần, chiếc xe cút kít này chở gạo, bột mì, trà, đường, dầu ăn, xà phòng, kem đánh răng đến. Xe do hai người anh cùng cha khác mẹ của Mariam đẩy, thường là anh Muhsin và anh Ramin, đôi khi anh Ramin và anh Farhad. Hai anh này thay phiên nhau đẩy xe leo dốc con đường đất lỏm chỏm đá và sỏi, đầy ổ gà và bụi cây thấp, cho tới khi gặp con suối. Tới chỗ đó thì hai anh phải dọn tất cả mọi thứ ra khỏi xe, rồi khiêng từng món qua bên kia bờ suối. Sau đó, họ đẩy chiếc xe cút kít qua và lại chất đồ lên. Rồi họ đẩy xe đi thêm hai trăm thước nữa, lần này phải xuyên qua đám cỏ cao dày đặc và những lùm cây. Mấy con ếch nhảy trốn lúc xe đi qua, còn mấy anh thì luôn tay đuổi đám muỗi bu trên gương mặt đẫm mồ hôi của họ.

"Cha có nhiều đầy tớ mà," Mariam nói. "Ðáng lẽ cha phải để cho đầy tớ làm việc này."

"Y muốn sám hối đó mà," bà Nana mĩa mai.

Âm thanh của chiếc xe cút kít kéo Mariam và bà Nana ra cửa. Mariam sẽ nhớ mãi hình ảnh bà Nana vào ngày tiếp lương: một người đàn bà cao, xương xẩu, đi chân đất, đứng tựa cửa, con mắt hư nhíu lại, hai tay khoanh trước ngực một cách thách thức và chế giễu. Bà không màng chải gỡ mái tóc vàng ngắn củn mà cũng chẳng đội khăn. Bà mặc chiếc áo màu xám không vừa vặn chút nào, khuy cài cao tới cổ họng. Trong túi áo, bà bỏ đầy mấy cục đá to bằng trái hồ đào.

Hai anh thanh niên ngồi ngoài bờ suối trong khi chờ Mariam và bà Nana chuyển hết số lương thực vào bên trong căn chòi. Họ biết tốt hơn nên ngồi xa hơn ba mươi thước, mặc dù biết bà Nana chọi dở và hầu hết mấy cục đá không trúng được đích. Bà Nana vừa mang mấy túi gạo vào trong chòi vừa chửi mấy anh bằng những từ ngữ mà Mariam không hiểu được. Bà nguyền rủa mẹ các anh, mặt bà lộ vẽ căm thù. Hai anh không bao giờ chửi lại.

Mariam cảm thấy thương hại cho hai người anh. Tội nghiệp, phải đẩy chiếc xe tải hàng nặng như vậy, chắc tay chân họ mỏi lắm, cô bé nghĩ. Nó ước gì được phép cho họ uống nước. Nhưng nó không dám nói gì hết, và nếu họ vẫy tay chào nó, thì nó cũng không vẫy lại. Có một lần, để làm vừa lòng bà Nana, Mariam cũng chửi Muhsin nữa; nó nói anh có cái miệng giống như đít con thằn lằn. Nhưng sau đó cô bé cảm thấy hối hận và xấu hổ quá, và sợ họ sẽ mét ông Jalil. Lần đó bà Nana được một phen cười hả hê, cưòi đến hở cả cái răng cửa hư, khiến nó sợ bà lại lên cơn. Cười xong rồi, bà nhìn Mariam và nói: "Con là một đứa con ngoan."

Khi chiếc xe cút kít xuống hàng xong, hai anh chạy đến đẩy xe đi. Mariam nhìn theo cho đến khi hai anh mất dạng trong đám cỏ cao.

"Mày có đi vô không?"
"Dạ có."
"Tụi nó cười nhạo mày đó. Thật đó. Má nghe mà".
"Con vô đây."
"Mày không tin má hả?"
"Con đây."
"Mày biết là má thương mày lắm không, Mariam."

Mỗi buổi sáng, hai mẹ con thường thức dậy trong tiếng kêu từ xa vọng lại của đàn cừu và tiếng còi the thé của những người chăn cừu làng Gul Daman lùa đàn cừu đi gặm cỏ trên sườn đồi. Mariam và bà Nana vắt sữa dê, cho gà ăn và lượm trứng. Hai mẹ con cùng nhau làm bánh mì. Bà Nana dạy con nhồi bột, nhóm lửa cái ông lò bằng đất và đập bột cho mỏng. Bà dạy nó may vá, nấu cơm và làm nhiều món ăn như củ cải hầm, rau dền, súp lơ nấu với gừng.

Bà Nana không giấu giếm việc bà không thích có khách, nói đúng hơn bà không thích gặp ai hết, tuy nhiên bà có biệt lệ cho vài người. Như là ông Habib Khan, trưởng làng Gul Daman, một người nhỏ đầu, bụng bự, râu quai nón, cứ mỗi tháng ghé một lần cùng với người đầy tớ mang con gà hay đôi khi một hủ gạo ngon hoặc một rổ trứng tẳm màu làm quà cho Mariam.

Rồi còn một bà lão béo tròn góa chồng, mà bà Nana gọi là Bibi, chồng bà này ngày xưa quen với cha của bà Nana và cũng làm nghề đẽo đá. Bao giờ bà lão Bibi cũng đi cùng với  một trong sáu người con dâu của bà, thêm một hoặc hai đứa cháu nội. Bà lão bước khập khễnh, thở hỗn hển và khi Nana kéo ghề mời ngồi thì bà làm bộ tịch khó khăn đau đớn lắm mới ngồi xuống được. Cũng như ông Habib Khan, bà lão Bibi luôn luôn mang đến cho Mariam một món gì đó, có khi là một hộp kẹo, có khi một giỏ trái mộc qua (một loại trái như trái táo chua). Với Nana thì bà lão Bibi đầu tiên than thở về sức khỏe yếu kém của mình, tiếp sau đó bà mách lẽo đủ thứ chuyện về Herat và Gul Daman, trong lúc cô con dâu ngồi yên ngoan ngoãn lắng nghe.

Nhưng người mà Mariam thích nhất, tất nhiên ngoài ông Jalil, chính là ông giáo già dạy kinh Koran trong làng tên là Mullah Faizullah. Mỗi tuần một hay hai lần, ông này từ Gul Daman ghé qua nhà để dạy Mariam năm bài kinh cầu nguyện nó phải đọc hàng ngày, đồng thời hướng dẫn nó đọc kinh Koran, cũng giống như ông từng dạy cho má nó lúc bà còn nhỏ. Ông là người dạy cho Mariam đọc, là người kiên nhẫn theo làm dõi cô bé uốn miệng tập phát âm, hay nhìn theo ngón tay trỏ của nó chầm chậm dò từng chữ, móng tay trắng bệch ra vì nhấn quá mạnh như thể nó muốn làm nảy ra ý nghĩa của từng chữ vậy. Cũng chính ông đã cầm tay nó để dạy nó viết từng chữ, từng cái dấu một.

Ðó là một ông già hốc hác, lưng còng, cười chẳng còn cái răng nào và râu bạc dài tới rún.
Thường ông đến một mình, thỉnh thoảng lắm mới có đứa con trai đi theo. Tên này tóc hun hun đỏ, tên Hamza, hơn Mariam mấy tuổi. Mỗi lần ông giáo già tới, Mariam hôn tay ông - mà cảm thấy như hôn hai que củi bọc da - và ông hôn lên trán nó, sau đó buổi học bắt đầu.

Sau buổi học, hai người ra ngồi ngoài hiên, vừa ăn hạt thông và nhấm nháp trà xanh, vừa theo dõi mấy con chim phóng từ cây này sang cây khác. Đôi khi họ đi dạo trên lối đi ngập lá vàng, quanh những bụi cây dọc theo dòng suối, hướng về phía núi. Giáo già Mullah Faizullah vừa đi vừa lần hạt chuỗi và bằng giọng nói run rẩy ông kể đủ thứ chuyện cho Mariam nghe. Những điều ông đã thấy hồi ông còn trẻ, như con rắn hai đầu ông nhìn thấy trên cây cầu Ba-mươi-ba-nhịp ở Isfahan thuộc Iran, hay trái dưa hấu ông đã bổ ra ở ngoài sân nhà thờ Hồi giáo tại Mazar và nhìn thấy trong đó hột dưa kết thành chữ Allah một bên và chữ Akbar (hoàng đế) bên kia.

Ông giáo già thú thật với Mariam là có những lúc ông chẳng hiểu ý nghĩa của kinh Koran. Nhưng ông nói ông thích nghe âm điệu du dương mê hoặc của ngôn từ Ả Rập khi ông cất giọng đọc, bởi vì ông cảm thấy được an ủi và xoa dịu trái tim.

"Những ngôn từ đó cũng sẽ an ủi con, Mariam à," ông nói. "Con có thể cầu viện đến chúng bất cứ lúc nào con cần, và chúng sẽ không làm con thất vọng đâu. Lời của Thượng đế sẽ không bao giờ phản bội con."

Ông giáo già Mullah Faizullah biết kể chuyện mà cũng biết lắng nghe nữa. Khi Mariam nói, ông chú ý lắng nghe. Ông gục gật đầu một cách chậm rãi và mỉm cười với vẻ biết ơn, như thể được hưởng một đặc quyền mà nhiều người thèm muốn vậy. Vì vậy Mariam dễ dàng nói cho ông giáo già nghe những điều mà cô bé không dám nói với bà Nana.

Một hôm, lúc hai người đi dạo, Mariam nói với ông rằng cô ước gì mình được phép đi học.

"Ý con muốn nói là đi đến một trường học thực sự. Như trong một lớp học vậy đó. Giống như những người con khác của cha con."

Ông giáo già Mullah Faizullah dừng lại.

Tuần trước đó, bà lão Bibi đã đưa tin rằng hai người con gái của ông Jalil là Saideh và Naheed đã đi học ở trường nữ Mehri ở Herat. Từ khi nghe tin đó, những ý tưởng về lớp học và giáo viên đã chiếm ngự đầu óc của cô bé Mariam, cũng như hình ảnh của những cuốn tập kẻ hàng, của những hàng số, của những cây viết mực đậm màu. Nó hình dung mình trong một lớp học với các cô gái khác cùng trang lứa. Nó mong muốn biết bao được đặt cây thước lên trang giấy và kẻ những đường trông rất quan trọng.

"Có thật con muốn thế không?" giáo già hỏi và nhìn nó với đôi mắt hiền và ướt, tay chắp sau lưng, đầu chúi về phiá trước, cái bóng của chiếc khăn quấn đầu che đúng khoảng đất nhỏ đầy hoa vàng.

"Dạ có."

"Và con muốn ta xin phép má cho con."

Mariam nhỏe miệng cười. Ngoài ông Jalil ra, nó nghĩ thật trên đời này không có ai hiểu mình bằng thầy của mình.

"Vậy thì ta biết làm gì hơn? Thượng đế, bằng vào sự sáng suốt của ngài, đã ban cho mỗi chúng ta những yếu điểm. Trong số rất nhiều yếu điểm của ta thì cái lớn nhất là ta không thể từ chối con điều gì, Mariam ạ," ông nói trong khi ngón tay bị viêm khớp nhịp nhịp trên má cô bé.

Nhưng sau đó, lúc ông đề cập vấn đề với bà Nana thì bà đánh rơi con dao khi đang thái củ hành. "Để làm gì?", bà hỏi.

"Nếu con bé muốn học, cứ để nó học. Hãy để cho nó được giáo dục," ông giáo già nói.

"Học? Học cái gì, hả thầy?" bà Nana gay gắt nói. "Có cái gì để mà học?" bà quắt mắt nhìn Mariam.

Mariam cúi đầu nhìn xuống hai bàn tay.

"Giáo dục một con bé như mày để làm gì? Nó giống như đánh bóng một cái ống nhổ. Mà mày cũng chẳng học được điều gì giá trị ở mấy cái trường đó đâu. Chỉ có một, và chỉ một khả năng duy nhất mà một người đàn bà như má con mình cần có ở đời này, mà cái đó họ không dạy trong trường học. Hãy nhìn má nè."

"Bà ơi, bà không nên nói như thế với con bé," ông giáo già khuyên.

"Hãy nhìn má nè."

Mariam nhìn mẹ.

"Chỉ một khả năng thôi. Và đó là: tahamul. Chịu đựng."

"Chịu đựng gì?"

"Ồ, đừng lo," bà Nana nói. "Thiếu gì chuyện phải chịu đựng."

Rồi bà kể chuyện mấy mụ vợ của ông Jalil đã gọi bà như thế nào, một đứa con gái xấu xí, con của tên thợ đẽo đá thấp hèn. Và họ bắt bà phải giặt đồ ở ngoài trời, trong cái lạnh như thế nào, cho đến khi mặt của bà tê cóng và mấy đầu ngón tay bỏng rát hết.

"Đó là số phận của mình ở đời này, con ơi. Những người đàn bà như má con mình. Mình phải chịu đựng. Không có gì hơn đâu. Con có hiểu không? Mà rồi tới trường, họ sẽ còn cười vào mặt con nữa đó. Chắc chắn như vậy. Họ sẽ gọi con là đứa con hoang. Họ sẽ nói xấu con khủng khiếp. Má không chấp nhận chuyện đó."

Mariam gật đầu.

"Thôi không nói chuyện đi trường học nữa. Con là tất cả đối với má. Má sẽ không để mất con đâu. Nhìn má nè. Không nói đến chuyện trường học nữa nhé."

"Bà bình tâm lại đi. Nếu ý con bé muốn.. " – ông giáo già khởi đầu.

"Còn thầy nữa, nói thầy đừng giận, đáng lý ra thầy không nên khuyến khích những ý tưởng điên rồ của con bé. Nếu thầy thực sự quan tâm đến nó, thì thầy làm sao để nó hiểu rằng cuộc đời của nó là ở tại đây, bên cạnh mẹ nó. Không có gì khác hơn chờ đợi nó ở nơi nào khác đâu. Chỉ có sự ruồng rãy và đau lòng mà thôi. Tôi biết mà thầy. Tôi biết quá mà."

(còn tiếp)

 

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2015