SỐ 66 - THÁNG 4 NĂM 2015

 

NHƯ MỘT GIẤC MƠ

Hà Bạch Trúc

 - “Dậy đi con, tới giờ rồi”.

Bên ngoài trời còn tối, mới bốn giờ sáng. Tôi chần chờ chưa muốn dậy vì còn muốn nghe mẹ gọi thêm tiếng nữa. Giọng mẹ thật nhẹ nhàng và tha thiết. Suốt đêm qua, tôi biết mẹ không ngủ được vì mỗi lần thức giấc, tôi đều cảm thấy bàn tay mẹ âu yếm vuốt tóc tôi hay nhè nhẹ nắn nót tay tôi.

Trời còn tối nhưng mẹ chỉ mở một ngọn đèn dưới bếp. Ánh sáng yếu ớt làm không khí càng thêm buồn và lạnh lẽo.  Hai mẹ con không nói gì với nhau nhưng tôi đi đâu mẹ cũng đi theo. Khi tôi vô nhà tắm thì mẹ đứng bên ngoài dặn dò đủ thứ:

- “Con nhớ mặc hai cái áo, đêm ngoài biển lạnh lắm đó. Mẹ đã bỏ vô cái túi cho con mấy bộ đồ với chút đỉnh tiền và hai trái chanh với bịch đường. Nếu lỡ trên tàu không có nước uống thì con ăn chanh cho đỡ khát. Còn nếu đói thì con ngậm chút đường cho khỏe. Có cái túyp kem đánh răng, mẹ cắt phía dưới và nhét vô đó một chiếc nhẫn vàng. Nếu lỡ bị bắt thì con lấy vàng đó xoay sở mà ra. Con nhớ giữ kỹ cái túi này, đừng rời nó. Nhớ nghe con”.

Không hiểu sao tôi chẳng cảm thấy lo âu hay hồi hộp chút nào. Mãi đến nhiều năm sau, tôi vẫn tự hỏi vì sao lúc đó tôi không cảm thấy hồi họp. Có phải chăng vì bên mẹ, tôi luôn luôn cảm thấy an toàn. Hai mẹ con vừa ngồi xuống bàn ăn trong bếp, chưa kịp nói gì với nhau thì người ta đã đến đón tôi đi. Mẹ đứng bật dậy, chụp cái túi vải dù màu xanh, ấn vào tay tôi rồi đưa tôi ra cửa. Tôi muốn ôm mẹ và hôn mẹ lần cuối nhưng mẹ đẩy tôi ra cửa và chỉ nói: - “Thôi con đi đi”. Tôi chỉ kịp bước nhanh theo người đẫn đường. Ðến cuối hẻm trước khi rẽ khuất, tôi quay đầu nhìn lại, thấy mẹ vẫn còn đứng đó nhìn theo, dáng thật nhỏ và lặng lẽ trong bóng đêm.

Tất cả như một giấc mơ. Buổi sáng tinh sương đó, tôi ra đi mà đâu biết rằng cuộc hành trình của mình đã thật sự bắt đầu và còn lâu, lâu lắm tôi mới được gặp lại mẹ.

Người dẫn đường đón thêm sáu người nữa, sau đó mua vé xe đò đưa chúng tôi xuống Cần Thơ. Trên đường đi, theo lời dặn dò, mọi người càng ít nói chuyện càng tốt. Ðêm đó, nhóm được chia ra từng tốp nhỏ để ngủ ở những nhà khác nhau. Ðó là đêm đầu tiên tôi xa nhà, phải ngủ một mình trong căn nhà xa lạ, chung quanh là những người không quen biết.

Hừng sáng hôm sau, cả nhóm tiếp tục cuộc hành trình. Ðầu tiên người ta đưa tôi đến một căn nhà bên sông. Họ dấu tôi trên lầu và dặn tôi không được cho ai thấy. Chờ mãi đến xế trưa thì thấy có chiếc ghe cập vô, người ta hối tôi lên ghe. Trên đường đi ra “cá lớn” còn ghé đón thêm mấy người nữa. Cũng may ghe “taxi” của tôi gặp được cá lớn một cách suông sẻ. Tôi nghe loáng thoáng có vài ghe taxi khác bị kẹt, không ráp được cá lớn nên bị bỏ lại. Cá lớn chỉ dài độ mười thước, ngang bốn thước mà chở đến trăm người. Người ta ngồi sát nhau, bó gối không có chỗ để duỗi chân. Tôi bị đẩy xuống dưới hầm tàu, trong phòng máy, nóng kinh khủng và nồng nực mùi xăng dầu. Sau mấy phen hồi hộp vì tàu bị mắc đáy khiến một số thanh niên phải lặn xuống nước để gỡ, và thêm mấy lần qua đồn công an, đến chiều thì tàu ra đến cửa biển. Gió biển thổi mát rượi, một ngày căng thẳng tưởng đã qua.

Mọi người chưa kịp mừng thì tàu công an biên phòng xuất hiện. Tài công mở máy chạy tối đa nhưng tàu công an càng ngày càng đến gần. Tôi nghe tiếng khóc chung quanh và những lời tuyệt vọng: - “Nếu lần này bị bắt nữa…”.   Lúc tàu bị hư một máy thì công an đuổi kịp. Chúng chĩa súng về phía tàu tôi và kêu tất cả đàn ông đứng lên, cởi áo ra và dơ tay lên, còn đàn bà con nít phải ngồi im.  Chúng bắt chủ tàu và tài công bơi qua tàu chúng, sau đó trở về tàu để thu hết tiền và vàng vòng nữ trang đem qua cho chúng.  Mọi người hồi hộp chờ đợi rất lâu mới thầy hai người bơi về. Tưởng đã thoát nạn nhưng không, tàu công an vẫn chưa tha, chúng lại đuổi theo và chĩa súng bắn về phía tàu chúng tôi. Rồi bọn công an leo lên tàu tôi và lần này chúng tự tay lục soát khắp nơi để vơ vét tiếp. Chúng đổ cái túi của tôi ra, nhưng rất may chúng không lấy cái túyp kem đánh răng. Trời xẫm tối thì tàu chúng tôi được thả. Mọi người mừng quá; anh tài công mở máy chạy thẳng ra biển.

Ðêm đầu tiên trên biển gặp nhiều sóng lớn. Những đợt sóng cao ngất liên tiếp chụp xuống con tàu nhỏ bé, đôi khi tưởng như nhấc bỏng tàu lên rồi lại nhồi xuống, cứ như thế không biết bao nhiêu lần. Chung quanh tôi, người ta say sóng ói mửa, nằm la liệt. Không hiểu sao, tôi không hề bị say sóng; tôi chỉ khổ vì cái nóng và mùi ói mửa chung quanh. Ban ngày trên tàu rất nóng, đêm thì lạnh. Mỗi ngày được phát ba lần nước, mỗi lần một tách nhỏ. Nhưng rồi nước cũng hết. Thức ăn thì hoàn toàn không có. Cũng lạ, tôi không hề thấy đói, chỉ khát, khát vô cùng. Sau mấy ngày, tôi bắt đầu rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa mê, nhắm mắt chỉ còn thấy một ly cola đầy nước đá, tươm mồ hôi lạnh. Chúng tôi gặp rất nhiều tàu lớn của nhiều nước khác nhau. Nhiều tàu đến rất gần, nhưng không có tàu nào dừng lại để cứu chúng tôi.

Ngày thứ tư, tình trạng trên tàu càng tệ. Ai cũng nằm bẹp, cố chịu cái đói và nhất là cái khát. Biển bắt đầu động, dấu hiệu sắp có bão. Ðêm lại xuống, đêm trên biển tối đen như mực và im lìm đáng sợ, chẳng có gì thơ mộng như hình ảnh cặp tình nhân đứng ngắm trăng trên chiếc du thuyền lộng lẫy. Tôi không còn sức, tuy đầu óc vẫn sáng suốt nhưng lúc tỉnh lúc mơ. Lại một đêm nữa trên biển.

Bỗng nhiên một luồng ánh sáng chói lòa làm tôi bừng tỉnh. Mở mắt ra, tôi thấy một chiếc tàu khổng lồ, sáng rực, đậu cách tàu tôi không xa mấy. Chiếc tàu đó rọi đèn vào tàu của chúng tôi. Rồi họ kéo chiếc tàu tí hon của chúng tôi sát vô tàu họ và thả thang xuống cho chúng tôi leo lên. Giây phút sau hoàn hồn lại, tôi thấy mình được một thủy thủ to lớn có râu quai nón bế trên tay bước từng bước thang lên tàu lớn. Tôi biết mình đã được cứu sống.

Sau khi được tắm rửa, họ cho chúng tôi ăn cơm. Sáng hôm sau, tàu cập cảng Singapore và chúng tôi được đưa vào trại tỵ nạn ở đây để làm giấy tờ, chờ ngày đi dịnh cư. Tôi ở đây đúng ba tháng trước khi lên đường đi Hòa Lan. Tôi được các phái đoàn Pháp, Úc và Canada nhận cho đi định cư nhưng tôi đã chọn Hoà Lan, đất nước xa lạ nhất đối với tôi, đất nước đã mở vòng tay cứu chúng tôi trên biển cả khi chúng tôi đã gần tuyệt vọng.

Mặc dù đã có sự chọn lựa và mặc dù ngày đi định cư không còn bao lâu nữa nhưng thời gian chờ đợi cũng không kém phần hồi họp. Tôi biết mình sắp đi đến một đất nước hoàn toàn xa lạ để xây dựng một cuộc đời mới, thế nhưng tôi biết gì về đất nước đó, ngoại trừ đây là xứ sở của hoa tu líp, cối xây gió, guốc gỗ sa-bô, những vùng đất bồi, bia Heineken và Johan Cruijf.

Tôi đến Hòa Lan vào cuối mùa hè. Trên đường từ phi trường về trại tạm cư ở Leerdam, tôi chờ đợi nhìn thấy cảnh đô thị sầm uất, phố xá tấp nập, nhà chọc trời lộng lẫy. Nhưng hai bên đường, chỉ thấy bát ngát những cánh đồng cỏ xanh biếc phẳng lặng với đàn bò đen đốm trắng nhởn nhơ gặm cỏ. Ðến Leerdam, phố nhỏ đẹp như trong tranh cổ. Những căn nhà xinh xắn bọc theo con đưòng hẹp trải gạch khập khễnh, chiếc cầu nhỏ bắc ngang con rạch, vài người dân thảnh thơi ngồi nghe chuông nhà thờ đổ. Ðâu đâu cũng thấy cây cối xanh tươi và bông hoa đủ màu sắc. Cảm giác đầu tiên của tôi về nước Hòa Lan là thế đó: đẹp, sạch và thanh bình hết sức. Không biết rồi cuộc sống của tôi ở đây sẽ ra sao?


Thị xã Leerdam

Sau một tháng tạm trú ở Leerdam để hoàn tất thủ tục, tôi được biết mình sẽ chính thức định cư ở thành phố Hoorn. Một tháng đủ để biết tiếng Hòa Lan rất khó, phong tục tập quán khác xa và mọi việc không dễ như tôi tưởng. Tôi cảm thấy cuộc sống mới của mình sao lạ lẵm.

Ngày đầu tiên đến Hoorn để nhận “bạn gia đình” thật hồi hộp. Trong hội trường, các  bạn gia đình Hòa Lan ngồi một bên, bên kia là người Việt tỵ nạn. Phía bạn gia đình im bặt khi phía người Việt tiến vô hội trường. Không khí hồi hộp và căng thẳng. Hai bên lặng lẽ quan sát nhau, bên nào cũng tò mò tự hỏi về bên kia. Bên phía bạn gia đình có một người phụ nữ với mái tóc quăn màu đỏ, màu tóc khiến cho phía người Việt khúc khích cười và xầm xì bàn tán vì chưa ai nhìn thấy tóc đỏ bao giờ. Ai cũng hồi hộp tự hỏi thầm không biết “bà tóc đỏ” này sẽ là bạn gia đình của ai. Lần lượt tên của từng bạn gia đình được xướng lên, theo sau là tên của từng người Việt hay gia đình Việt. Và cứ thế mỗi người Việt lần lượt đứng lên nhận “bạn gia đình” của mình. Lúc “bà tóc đỏ” đứng lên, mọi người Việt đồng loạt ồ lên. Cùng lúc đó, tôi nghe gọi tên mình.

Chúng tôi tiến về phía nhau, bắt tay và ngồi xuống nói chuyện. Ngày hôm ấy, tôi đã làm quen với người bạn Hòa Lan đầu tiên của tôi. Cho đến hôm nay, chúng tôi vẫn còn là hai người bạn. Người bạn này đã giúp đỡ tôi trong những ngày đầu khó khăn trên quê hương mới. Bà giúp tôi làm quen với ngôn ngữ mới và phong tục tạp quán xứ này. Bà chở tôi đi thăm nhiều nơi, giới thiệu cho tôi biết những cái hay đẹp của nền văn hóa xứ bà, để tôi được hưởng không khí tự do nơi đây. Mỗi năm bà tặng tôi món quà kèm bài thơ bà làm  vào ngày lễ Sinterklaas. Bà dặn tôi mua nhiều kẹo để phát cho con nít đến hát xin kẹo ngày 11 tháng 11 lễ Sint Maarten. Chính nhờ bà mà tôi cảm thấy bớt cô đơn nơi xứ người, mà tôi sớm hòa nhập được vào cuộc sống trên quê hương mới.

 

Thị xã Hoorn

Hơn ba mươi năm đã trôi qua. Bao nhiêu biến đổi, bao nhiêu kỷ niệm. Tôi yêu mến xứ Hòa Lan này vì ở đây tôi đã tạo dựng mái ấm gia đình trong hạnh phúc và tự do thật sự. Tôi đã nhận nơi này là quê hương mới vì đất nước này đã cho tôi những gì tôi không tìm thấy nơi quê mẹ, những gì tôi đã phải vượt biển đi tìm: tự do và hạnh phúc. Ở đây, tự do có thật bởi sự thật được tự do.*

Tuy nhiên mỗi khi nhìn lại, tôi vẫn thấy hình ảnh mẹ tôi đứng đó, dáng thật nhỏ và lặng lẽ trong bóng đêm nhạt nhòa.


*Quand la vérité n’est pas libre, la liberté n’est pas vraie (Jacques Prévert). Tạm dịch: Khi sự thật không được tự do thì tự do không có thật.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2015