SỐ 66 - THÁNG 4 NĂM 2015

 

Những kỷ niệm với New Orleans

Tôi sống ở New Orleans mười năm, từ năm 1976 đến năm 1986, phải nói đây là khoảng thời gian đã để lại thật nhiều kỷ niệm vui lẫn buồn trong cuộc đời của tôi. New Orleans đã đưa tôi đến gần với nhiều người trong cộng đồng người Việt ở đây và với một cuộc sống như vậy hẳn nhiên sẽ đem đến cho tôi nhiều bạn bè và thân hữu, để rồi từ trong đó tôi đã học được nhiều điều để rèn luyện cho bản thân mình được trưởng thành thêm. Ngoài vấn đề có nhiều bạn bè, thân hữu và bỏ qua vấn đề thời tiết nóng bức, độ ẩm quá cao, New Orleans còn có nhiều hấp dẫn khác để tôi mặc dầu ngày nay không còn sống ở đó nhưng lâu lâu vẫn tưởng nhớ về New Orleans.

Nói đến New Orleans là phải nói đến một đặc sản của xứ này, crawfish, con này giống như con tôm hùm nhưng nhỏ hơn nhiều. Lousiana là một nơi có nhiều đầm,hồ, nhiều khu rừng với mực nước lúc nào cũng cao đến tận đầu gối, đây là những nơi sản xuất ra loại crawfish này.Crawfish thịt không ngon như là tôm, nhưng với những gia vị đặc biệt và cách nấu, nó đã trở thành một món ăn tuyệt vời của New Orleans. Về đây, sau khi đã ổn định cuộc sống, tôi bắt đầu tìm đến những thú vui giải trí ở ngoài trời và trong một lần đi chơi xa trên đường đi tôi đã thấy người ta dùng bẩy để bắt crawfish, thế là tôi bắt chước như họ. Những ngày cuối tuần sau đó, gia đình tôi đã đem nhiều bẩy và gan bò dùng để làm mồi, một cái bẩy bỏ vào một miếng gan bò rồi đem bỏ xuống nước. Sau khi bỏ xong hai mươi cái bẩy, chờ năm phút sau, đi vòng trở lại từ điểm khởi đầu kéo từng cái bẩy lên. Thật là thích thú khi kéo cái bẩy đầu tiên lên khỏi khỏi mặt nước, cả gia đình tôi đều reo lên khi thấy có hơn mười con crawfish nhảy lăn tăn ở trong đó. Không hiểu crawfish ở đâu mà nhiều quá, bỏ cái bẩy xuống nước vài phút sau là có vài con bò đến ngay. Cứ tiếp tục như thế bỏ xuống và kéo lên cho đến lúc xế chiều và cũng đến lúc nhận thấy số lượng crawfish tạm đủ, gia đình chúng tôi kéo hết những cái bẩy lên để đi về. Sau này tôi được biết thêm crawfish ở trong rừng chỉ là loại nhỏ, muốn bắt crawfish lớn hơn phải ra ngoài hồ. Lúc đầu không biết cách nấu và những gia vị cần dùng nên tôi chỉ luộc như tôm nên ăn rất là dở. Về sau để tìm hiểu thêm về loại thực phẩm này, tôi đi đến tiệm Mỹ để mua crawfish đã chín, đồng thời cũng lợi dụng cơ hội này để nhìn xem họ nấu như thế nào. Cách nấu cũng dễ dàng thôi, tôi làm theo họ, lần đầu không ngon lắm nhưng từ từ mỗi ngày một cải tiến thêm, sau này tôi nấu cũng giống như là các tiệm Mỹ.Sau này khi tôi rời khỏi New Orleans, người Việt ở đây mỗi ngày mỗi phát triển thêm dịch vụ bán seafood, và kỹ thuật nấu crawfish càng ngày càng độc đáo thêm. Bây giờ ở Atlanta cũng có những tiệm seafood của người Việt, họ nấu crawfish hương vị không thua gì ở New Orleans. Sau này mỗi khi nhớ đến hương vị đặc biệt của món ăn này, tôi không cần phải đi về New Orleans nữa.

New Orleans cũng là nơi có nhiều sông hồ ăn thông với biển, môi trường này đã tạo điều kiện cho nhiều loại sinh vật sống ở vùng nước mặn có thể sinh tồn được ở đây. Từ Atlanta đi về hướng đông nam khoảng bốn mươi lăm phút, là La Fayette. Nơi đây là một bến cảng của nhiều tàu đánh tôm, với nhiều hồ ăn thông với nhau. Ở đây người ta đã làm những cây cầu dài để ngồi câu cá và câu ghẹ. Những ngày lễ hoặc cuối tuần,gia đình tôi và bạn bè thường đến đây để tìm đến những thú vui ở ngoài trời như là câu cá, câu ghẹ. Câu ghẹ thì thật là dễ, chỉ cần một sợi dây, cột một cái cổ gà vào đó rồi thả xuống nước, đụng tới mặt đất, chỉ trong tích tắc là một con ghẹ bám vào để ăn cái cổ gà. Từ từ kéo nhẹ sợi dây lên, vừa kéo vừa nhìn khi gần tới mặt nước thì lấy một cái vợt, vợt từ dưới lên thế là con ghẹ nằm trong cái vợt ngay. Cứ tà tà như thế hết con này đến con khác, những con ghẹ sẽ lần lượt vào trong thùng mà nằm, đây là một công việc do các bà và trẻ em làm. Đám đàn ông chúng tôi, chú trọng vào mục câu cá nhiều hơn, quăng lưỡi câu xuống nước, ngồi phì phà điếu thuốc, lâu lâu làm một hớp bia rồi ngồi chờ cá cắn câu. Ỏ đây có những bầy cá đối, chúng thường nổi lên từng bầy, đây là oại cá rất khó câu vì chúng chỉ ăn trên mặt nước, sau khi cắn mồi là chúng lại nhả ra ngay nên phải thực tinh mắt và lanh tay thì mới câu được chúng, cá này ăn không ngon nên chỉ câu cho vui mà thôi. Vài tiếng đồng hồ sau, thùng ghẹ đã gần đầy, giờ này cũng là lúc mà những cơn nắng đang đổ ập xuống thật gay gắt, những lon bia dù có lạnh đến cỡ nào cùng không đủ để xoa dịu được cơn nóng từ bên ngoài. Chúng tôi thu xếp để đi về, vì còn phải tốn nhiều thời gian để giải quyết những con ghẹ, xào hay nấu nướng kiểu nào thì cũng mất nhiều thì giờ. Và khi những món ăn đã nấu xong, trong không khí mát mẻ ở trong nhà, quay quần bên nhau, chúng tôi đã có một ngày cuối tuần thật là vui.

Ngày tháng lặng lẽ đi qua, chúng tôi đã quen dần với không khí nóng bức của miền nam. Mùa hè năm 1977, bạn tôi, Nguyễn trọng Chiếu cùng gia đình lái xe từ thành phố Dayton tiểu bang Ohio về đây để thăm gia đình tôi. Chia tay nhau hồi mùa hè 1975, hai năm sau chúng tôi lại gặp nhau ở tại thành phố New Orleans, bạn đã không ngại đường sá xa xôi, xuống tận miền nam để thăm chúng tôi, thâm tình này không biết diễn tả ra sao cho hết. Gặp lại nhau thồi thì có quá nhiều vấn đề để tâm sự và chia xẻ. Chúng tôi đi câu ghẹ, thăm viếng những nơi nổi tiếng của thành phố, cà phê Du Monde, French Quarter... đây là những nơi mà bất cứ du khách nào đến New Orleans đều phải ghé thăm. Những ngày nghỉ phép qua thật mau, bạn tôi lại phải lên đường trở về lại Dayton, phút chia tay nào cũng ngậm ngùi, chúng tôi bắt tay nhau từ biệt với lời hứa sẽ có ngày gặp lại nhau.

Cuộc sống vẫn bình thường trôi qua, tôi đã quen dần với cái không khí nóng nực ẩm thấp của xứ này. Tôi lại có thêm một số bạn mới, những ngày cuối tuần tôi ít khi có mặt ở nhà, bạn bè mời ăn tiệc liên miên. Đây cũng là điều may mắn cho tôi, cũng như nhiều người khác sang đây đã mất đi tình thân trong gia đình, bây giờ có thêm nhiều bạn bè cũng là niềm an ủi lớn lao. Sau một thời gian giải trí với nghề bắt crawfish và ghẹ, tôi lại chuyển qua một thú vui khác, thay vì đi câu, bây giờ tôi dùng lưới để bắt cá, cách này thì mau hơn nhiều. Làm cùng hãng với tôi có một người cùng quê ở Nha Trang, trong một lần ăn tối nghe tôi nói về vấn đề câu cá, anh đã có nhã ý nhượng lại cái lưới mà anh đã làm cho tôi. Với cái lưới này tôi và đám bạn bè đi xa hơn, từ nhà tôi đến biển mất một tiếng rưởi đồng hồ. Cá ở biển ngon và nhiều hơn, thả lưới xong lên bờ ngồi nhậu một lúc lại xuống để thăm lưới, con gì dính vào lưới đều bắt hết đem lên bờ rồi tính sau. Bãi biển Grand Isle ở về hướng đông nam của thành phố New Orleans, nơi đây có thể tắm, câu cá, nướng thịt và thả lưới. Ở trên bờ nhìn ra, ở ngoài xa có những giàn khoan dầu, cá bắt được đem lên nướng liền tại chỗ, vừa ăn vừa uống bia, thật là tuyệt vời. Cũng ở tại nơi đây, một ngày, trời đã vào chiều, chúng tôi đang ngồi ở trên bờ, cái lưới thì vẫn còn ở dưới biển, ngoài khơi bầu trời xám đen, đột nhiên tôi thấy trên mặt biển có nhiều con cá cứ phóng vào trong bờ, chúng tôi không hiểu là chuyện gì, nhìn ra khơi chúng tôi thấy một cột đen thật lớn nối dài từ đám mây đến mặt biển. Thì ra đây là một cơn tornado, đã xảy ra gần một giàn khoan, rất tiếc lúc đó không có máy để quay lại cảnh tượng này, vài giọt nước đã rơi xuống chỗ của chúng tôi. Cơn lốc vừa chấm dứt, tôi lật đật lội xuống nước để đem cái lưới lên, lần này thì thật là dở khóc dở cười, cái lưới dính quá nhiều cá và ghẹ. Tôi gọi đám bạn xuống để gở những con cá ra khỏi cái lưới, phải mất hơn nửa tiếng mới làm xong điều này. Qua lần này tôi hiểu thêm một điều, các con vật sống ở dưới biển đều biết trước những trận thiên tai sắp xảy ra nên đã vội vã chạy trốn, nhưng xui xẻo cho chúng là lại trốn vào cái lưới của tôi, và cũng thật trớ trêu thay có những lúc mình mong có nhiều cá thì không được, có những lúc mình không muốn thì lại có quá nhiều.

Người Việt di chuyển về New Orleans mỗi lúc càng đông thêm, nhu cầu của sự kết hợp cũng bắt đầu. Những hội đoàn về tôn giáo, những hội ái hữu cũng từ từ hoạt động và mặc dầu dân số Việt Nam ở đây không đông lắm nhưng sinh hoạt của cộng đồng cũng bắt đầu khởi sắc và đa dạng. Tôi vốn dĩ thích có nhiều bạn.bè, rồi từ những bạn bè này tôi từ từ biết được sinh hoạt của các hội đoàn, các hội ái hữu. Đầu năm 1983 tôi và một nhóm bạn bắt đầu tham gia vào những chương trình sinh hoạt của cộng đồng người Việt tại New Orleans. Phải nói những bước khởi đầu sinh hoạt làm cho tôi cảm thấy vui và tự tin thêm, chúng tôi ngoài giờ đi làm, cũng dành nhiều thời giơ cho những lần di họp, bàn thảo. Cơ hội đầu tiên chúng tôi có dịp hợp tác với các hội đoàn khác là tổ chức giỗ tổ Hùng Vương. Buổi lễ tuy không có nhiều người tham dự, nhưng nó cũng đã nói lên được quyết tâm của một số người Việt tha hương, phát huy và bảo tồn nền văn hóa Việt Nam. Từ đó chúng tôi dã quen dần với những sinh hoạt của cộng đồng trong những ngày lễ truyền thống của Việt Nam : tết trung thu, tết nguyên đán, giỗ tổ... Năm 1984, với sự đồng ý của nhiều anh em, chúng tôi muốn tổ chức tết trung thu cho các em thiếu nhi tại New Orleans. Sau khi đề nghị này được ban chấp hành cộng đồng chấp thuận, chúng tôi tiến hành ngay. Có hai mục tiêu mà chúng tôi phải cố gắng để đạt được, phát bánh kẹo cho trẻ em, văn nghệ giúp vui. Văn nghệ là nòng cốt của chương trình, mặc dầu còn sáu tháng nữa mới đến ngày, nhưng chúng tôi phải lo ngay từ bây giờ, ca sĩ là anh em trong chúng tôi và thân hữu đến giúp vui. Từ đó mỗi cuối thần chúng tôi đều gặp mặt để tập dợt văn nghệ, ban nhạc do một số anh em đảm nhận, chỉ sau một thời gian ngắn tôi nhận thấy không thể tiến hành như thế này được. Tôi đã nhờ một người bạn giới thiệu một người chủ của một ban nhạc lớn tại địa phương. Sau lần gặp mặt lần đầu, tất cả mọi việc đều tốt đẹp đối với tôi, mỗi tuần chúng tôi đều phải đến nhà người chủ của ban nhạc để tập. Công việc đang tiến hành tốt đẹp, một ngày nọ, anh chủ ban nhạc gọi điện thoại cho tôi nói rằng : ban nhạc đã rã đám, không thể giúp tôi được. Tôi nghe qua giật mình, mới ngày hôm qua chúng tôi đã rải hơn hai ngàn tờ truyền đơn về tết trung thu, bây giờ sự việc xảy ra như vậy là chết chúng tôi rồi. Sau khi hỏi kỷ lại nguyên nhân, tôi đã mời anh chủ ban nhạc và những người trong ban nhạc, đến nhà tôi, rất may là họ đã đến. Chúng tôi vừa uống bia vừa nói chuyện, sau khi nghe tôi trình bày tất cả mọi vấn đề họ đã thông cảm và hứa sẽ giúp tôi hoàn thành công tác. Thì ra bia rượu đôi khi cũng giúp chúng ta để giải quyết những vấn đề khó khăn. Bớt đi một gánh nặng, vừa lo văn nghệ, vừa lo những mục linh tinh khác, kẹo bánh cũng tạm đủ, chúng tôi bỏ vào trong bịch để phát cho mỗi em một bịch. Bây giờ trở lại vấn đề khó khăn nhất của tôi, chương trình này do chúng tôi thực hiện vì vậy chúng tôi phải đảm nhận luôn phần đọc diễn văn khai mạc. Tôi phải lục lọi sưu tầm tài liệu để viết bài, cuối cùng thì bài diễn văn cũng viết xong, chỉ chờ ngày lên sân khấu. Ngày lễ trung thu không nằm trong những ngày cuối tuần, nên chúng tôi tổ chức vào tối thứ bảy trước ngày lễ. Chúng tôi lo lắng đủ điều để tổ chức ngày vui cho cộng đồng, cho các em nhưng trong chúng tôi ai cũng phập phồng lo lắng, không biết có bao nhiêu người đến dự. Mọi việc rồi cũng phải đến, hội trường trung học West Jefferson tối hôm đó thật là vui, đồng hương đã đến thật đông, ngoài dự liệu của chúng tôi. Tôi chạy tới chạy lui để lo nhiều việc, từ sân khấu cho tới hội trừng, chương trình đã khai mạc đúng giờ, các tiết mục đều tốt đẹp, tôi cũng hoàn thành tốt đẹp công tác đọc bài diễn văn khai mạc của tôi. Ngoài thành phần căn bản là chúng tôi và thân hữu, đêm nay hội phật giáo Louisiana đã đưa đoàn múa lân đến đây để mở đầu chương trình, vỏ đường Hồng sắc Kim đã đưa các em nhỏ, đến đây để biểu diễn võ thuật. Chương trình vẫn tiếp tục với những màn hợp ca và đơn ca, ở sau sân khấu, tôi hé màn nhìn xuống, thật là đông người đến tham dự, có vào khoảng trên một ngàn người, chúng tôi nắm chặt tay nhau mỉm cười sung sương, chúng tôi đã thành công. Chương trình dài ba tiếng đồng hồ, phần sau cùng là phát quà cho trẻ em, chỉ có một vài trở ngại nhỏ, không đáng kể. Mọi người ra về, chúng tôi lo thu dọn để trả lại hội trường, một ngày thật nặng nề trôi qua và nó đã qua đi một cách tốt đẹp.

Tổ chức trung thu là một kỷ niệm lớn trong thời gian tôi sống tại New Orleans. Năm 1986 tôi di chuyển về Atlanta, trong những năm đầu tôi vẫn thường xuyên về New Orleans. Ở đây vẫn còn có nhiều vấn đề để tôi phải làm, hơn thế nữa bạn bè cũng là một yếu tố quan trọng để tôi không dễ gì quên được nơi dây. Tình cảm rồi cũng có lúc sẽ phai nhạt dần, sự qua lại bắt đầu lưa thưa rồi cũng không còn nữa. Năm 2007 sau trận bão Katrina tôi trở lại thăm New Orleans, đã hơn một năm Katrina đi qua đây, nhiều khu nhà của New Orleans vẫn còn bỏ hoang. Katrina đã đưa người dân New Orleans rời khỏi nơi đây cho đến bây giờ nhiều người vẫn chưa trở lại, trong số đó có bạn tôi. Đứng trước căn nhà của người bạn, nơi đây đã một thời chúng tôi thường họp mặt nơi đây, giờ đây chỉ là căn nhà bỏ trống. Tôi bùi ngùi nhìn căn nhà trong giây phút rồi lặng lẽ bỏ đi và từ đó tôi không trở về để thăm New Orleans nữa.

Lê Đình Quang

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2015