SỐ 67 - THÁNG 7 NĂM 2015

 

QUÁCH TẤN - QUÊ HƯƠNG VÀ THƠ

Con chim mộng đang tỉnh dậy trong hồn. Ðó là những gì cô kết nhất khi tôi nghĩ về Quách Tấn. Ðó là những gì còn lại sau những giờ dài đọc văn và thơ Quách Tấn.

Tháng trước, nhận được thư người bạn ở Việt Nam nhờ viết về Quách Tấn cho số Văn đặc biệt dành cho anh. Tôi tự nghĩ: dễ quá. Viết về Quách Tấn tôi có thể viết thao thao. Bởi Quách Tấn đã nằm đầu lưỡi, mười đầu ngón tay tôi. Chỉ cần một cái búng nhảy của lời. Chỉ cần một chút run của gió. Tất cả sẽ tuôn trào.

Nhưng không.

Những ngày rất dài đã đi qua. Dài tựa con đường ngoằn ngoèo từ ngoại ô Nam lên ngoại ô Bắc xuyên Paris tình ái, nơi mỗi ngày tôi phải đi qua. Tôi đã tới những nơi thầm kín nhất cho cõi lòng toang mở: con sông Marne với lá tuôn Vỹ Dạ, Place Contrescarpe với đêm dài ma hú, đồi Montmartre dấu chôn môi đỏ, vườn tuileries với rue d’Alger dài như ngón tay kiều diễm, và còn bao nhiêu nơi nữa? Tất cả đều như một lằn rách dưới đêm sâu.

Bây giờ ngồi cạnh l’Étang de Cortot một ngày chúa nhật. Le diamache à Volle d’Avray. Ngồi đọc lại tất cả những thư từ Quách Tấn gửi cho tôi từ mười năm nay. Tôi đọc từ khi hoa súng nở cho tới khi hoa súng khép lá non và cánh nõn trên mặt hồ, cho tới khi gia đình Faulkner gọi chở tôi về.

Tôi biết một cách rất rõ là không dễ gì viết về Quách Tấn như đã tưởng. Ðương nhiên, tôi có thể ngồi viết một ngàn trang trong hai hay ba đêm để ca tụng hay hạ giá Quách Tấn. Nhưng viết về Quách Tấn thì không. Bởi quả thực, chúng ta đang lãng quên Quách Tấn quá lâu ngày. Chúng ta đã lãng quên dãy núi Trường Sơn mấy mươi năm nay, dù vẫn nhìn, vẫn nói, vẫn tưởng là Trường Sơn còn hiện hữu.

Phải rồi, chính sự lãng quên đã đưa chúng ta đi xa, quá xa, rời khỏi dung mạo, diện mục mình.

Nếu không có Lê Thương, chúng ta chẳng bao giờ hát Hòn Vọng Phu. Nhưng có Lê Thương rồi, chúng ta cũng chỉ nghêu ngao hát Hòn Vọng Phu mà không biết Hòn Vọng Phu ở đâu, nó ra thế nào, nó đợi CÁI gì? Chúng ta đã quên mất Niềm Chờ Ðợi. Và chúng ta lang thang. Lang thang là đi ngang, chớ không đi tới. Không đi tới Niềm Chờ Ðợi. Do đó, không thể thu đất cho khoảng cách giữa mình thực hữu với chấm sáng của niềm chờ đợi đang đợi chờ mình nhập MỘT trong nhau.

Mẹ tôi quê ở Nam Ðịnh. Thuở nhỏ, khi cha tôi gặp nạn, mẹ đưa tôi về Nha Trang rồi Bình Ðịnh. Mấy năm trời với núi non, dừa xoài, sông, cây trứng cá, lò gạch, lò gốm, lò đường, Tuy Phước, Cầu Ðôi... Cái thời xa đó vẫn in hằn tâm khảm. Sau này lớn lên, tôi có dịp trở lại Nha Trang vài lần. Nhưng tôi không biết gì về Nha Trang, Bình Ðịnh cả. Cố nhiên là tôi có thể nói như mọi người về Tháp Chàm, về Hòn Chồng, về Chụt, về Hải Ðức, về đèo Rù Rì... Dù vậy, tôi chỉ là khách bàng quang đứng ngắm, đứng nhìn, đứng trầm trồ, đứng cười cợt, đứng lắc đầu. Tôi không xứng bằng giá trị một thân cây chằm rễ xuống su sâu của sỏi đất. Tôi không hề cảm thấy thấu sự chuyển mùa theo hương gió qua thân thể mình nơi chôn nhau cắt rún như thế nào. Tôi chỉ biết rất nhiều về xe hon đa, về xe Peugeot 404, về tivi về các vụ đảo chánh, về hàng lụa, về ăn diện, về chuyện nước ngoài.

Bởi chưng vì tôi đã đánh mất nơi tâm khảm “một màu vàng linh động dính liền sắc trời xanh” của rừng hoa xoài nguyên phối [1]. (10) Mười loài hoa trang quý của thẩm mỹ học Trung Quốc đã khiến chúng ta rời bỏ lối nhìn bình đẳng sâu suốt sự vật để chấp nhận những kiểu cách nhất thời. Núi, bãi, khói, sông, hồ... dường như chỉ đẹp thực trong tranh, và là tranh tàu như tranh Tống Ðịch [2] (11) chẳng hạn. Kỳ dư tám cảnh đẹp như tám cảnh Tiêu Tương không hề có thực trên quê hương! [3] (12)

Núi rừng ta còn quên, nói chi tới bầy chập chờn đom đóm mà Quách Tấn đã đứng trong nụ cười giữa khuya sao vằng vặc nhìn tựa “bao nhiêu sao trên trời đều sa xuống và đọng nơi cây cối”. [4](13)

Bao giờ sự quên lãng thực sự bị lãng quên để cho núi rừng và thực tại ùa về chầm nhập vào châu thân thì lúc đó ta mới thôi làm người du lịch để tuôn tràn trên mảnh đất đứng tựa dòng sông.

Lúc đó ta sẽ thấy “núi non trông biếc thêm, sông biển trông trong thêm. Và những chòm cây muồng hèo ở hai bên đường, những khóm lau khóm dứa ở nơi bãi vắng, dầy đặc cả đom đóm.” [5]  (14) Bầy đom đóm của tìm thức chói soi giữa lũng tối lạc đường.

Lấy máy bay đáp xuống phi cảng Nha Trang, thuê phòng ở khách sạn, xuống được Ðộc Lập chọn mua áo tắm, một chai ambre solaire, rồi ra biển nằm phơi tấm thân “trống mái” của Vọi. Ðó là Nha Trang của tuổi trẻ bây giờ. Ðó là Nha Trang của Saint Trop, của Floride... Một thứ Nha Trang học làm sang, một thứ Nha Trang đang cuốn dần vào vòng dây thép gai. Chứ không phải là Nha Trang thần thánh dân tộc, Nha Trang của voi ở Ma Ca, của cá ở Trường Bơi, của Chà Khé ở Hồ Ðá [6] (15)ù, Nha Trang của “những áo xiêm lần lượt biến thành năm sắc mây chờn vờn trên ngàn cây cổ thụ” [7] (16), trong của “mùi hoa rừng bay theo gió, có đó rồi không” [8] (17).

Tôi không tin có tuổi 20 và tuổi 40 để thị oai nhau hay “dạy bảo” nhau. Tôi không tin có hai cảm quan của hai thế hệ. Tôi không tin có hai lối sống khác thường. Tôi không tin “hạt đậu ngày xưa to hơn bây giờ” như một nhân vật của Lỗ Tấn đã than.

Có gì khác nhau giữa sự kiện đôi lứa đứng nhìn trăng của những thế kỷ trước “chỉ mảnh trăng thiên hạ mà bảo rằng của đôi ta” và sự kiện bắn một lá cờ lên nguyệt điện để giành trăng cho quốc gia mình?

Chỉ có lối nhìn khác nhau. Một lối nhìn soi vào thực tại, thấy thực tại là thực tại. Và một lối nhìn biến thực tại thành thực tại ly thực tại. Hai lối nhìn đó ở thời đại nào lại không có, ở lứa tuổi nào lại không có?

Cho nên chúng ta không thể đặt Quách Tấn cách lìa với thời đại chúng ta. Sự chia gãy nền thơ dân tộc làm thơ cũ, thơ mới vào những năm 30 tuy ồn ào vẫn không mang lại ý nghĩa gì cho bằng việc cái nền thơ đó đã mang lại gì cho trời thơ Việt, cho nền suy tư dân tộc. Một số rất lớn các nhà thơ trẻ của chúng ta đã thanh toán hẳn thơ Ðường, Ðỗ Phủ, Lý Bạch, Bạch Cư Dị vẫn tiếp tục ngự trị thi đàn thế giới và thi đàn Trung Quốc, kể cả Trung Quốc của xã hội chủ nghĩa (năm 1962, Trung Quốc đã rầm rộ kỷ niệm 1250 năm ngày sinh đại thi hào Ðổ Phủ). Nguyễn Du Dante Shakespeare Dostoievskh, Tolstoi, Pouchkine... cũng thế. Bởi vì chưa có những bài thơ, những nhà thơ vượt được tiếng thơ của những nhà thơ kỳ vĩ này, kể cả những quốc gia đã thay đổi hẳn nhân sinh và thế giới quan. Tổ quốc ta đã kinh qua gần 30 năm lửa máu, đau đớn, uất hận, thế mà tôi đọc được rất ít bài thơ thể hiện nỗi đau khổ trầm thống của quần chúng như khi tôi đọc Ðỗ Phủ.

Giá trị của Quách Tấn chính là giá trị của một cái nhìn đầy hào khí dân tộc và nhân bản rọi vào thủ đô thi ca và suy tưởng.

Khi tôi đọc “Nước non Bình Ðịnh” [9] (18) và “Xứ Trầm Hương” của Quách Tấn, tôi cảm giác như mình đang đọc Lê Quý Ðôn, Phan Huy Chú... Một Lê Quý Ðôn đã được gạn lọc nền bác học Trung Quốc để thọc sâu vào mối nguồn văn hóa Việt. Thật vậy, Quách Tấn không viết riêng những thiên đại dư chí, không sao chép riêng truyện tiếu lâm, thần thoại hay giai thoại. Dưới ngòi bút Quách Tấn, tất cả đều mang chủ đích nung nấu và thể hiện cái gì quý giá nhất, chân thật nhất để tồn tại và không mất gốc: nền suy tư tộc Việt.

Giá trị của hai cuốn “Nước non Bình Ðịnh và “Xứ Trầm Hương” rất lớn và độc chuyên. Chúng là tài liệu căn bản cho các nhà nghiên cứu dân tộc về sử học, đại dư học, dân tộc học, nhân chủng học, xã hội học, tư tưởng học... Sử học, bởi vì Quách Tấn vừa rọi chiếu vào một số lớn sử liệu về Tây Sơn, Cần Vương mà sử nhà Nguyễn và sở mật thám Pháp đã ém nhẹm, phá hủy. Ðịa dư học, vì Quách Tấn bằng hàng chục năm trường sống cái sống thực của nhà thơ đã có đủ thẩm quyền chỉ nẻo cho các nhà địa dư học, chỉ có thước đo và ống dòm. Dân tộc học, nhân chủng học xã hội học, vì qua Quách Tấn, những xó ngách của con người Kinh, Thượng và làng xóm, tập tục, thông lệ, đều được ghe chép cặn kẽ. Từ cách chặt dừa nghệ thuật và đầy hương vị cùng với nghi thức giữa chủ dừa và người uống ở Khánh Hòa [10] (19) cho đến việc tế lễ Miếu Lỗ Lườn ở Ninh Hòa. Từ cá nhân tướng Rái [11] (20) cho đến sự khám phá loài một mới hóm hỉnh trong bột xi măng [12] (21). Từ việc trai gái hát đối: “quây quần giữa sân tươi cười nói nói... Rồi ai về nhà nấy, lòng xuân phơi phới đêm xuân” [13] (22) cho tới tục hát ống [14] (23).

Không biết vì cố ý hay vô tình mà Quách Tấn đã mô tả rất nhiều những chuyện kể nhân gian pha lẫn màu sắc thần bí, mộng thực. Ðọc văn khí của Quách Tấn chúng ta ngờ đây là chỗ dụng công. Hoang đường, thần bí đối với Quách Tấn là chỗ dụng công. Hoang đường, thần bí đối với Quách Tấn vốn không có làn ranh với thực tại khôn dò. Chúng trộn lẫn trong nhau. Và mỗi bận kể xong, Quách Tấn đều láy đi láy lại câu “khó tin rằng có, khó ngờ rằng không”. Hoang đường, mộng mỵ, thần bí nơi trang sách hiển hiện như một thực tại bị lãng quên quá lâu ngày. Con người đã bỏ quên những thần linh bằng hữu, đã bỏ quên quê hương mình để chạy theo hư ảo của cái tưởng là thật một cách trắng như ngân hàng, dầu xăng, ngói gạch, đô la... Chúng ta đã thực sự quên những cây trầm hương nơi núi rừng Khánh Hòa, bỏ lơ cho cọp mun và bà Thiên Y A Na. Chúng ta đã thực sự quên những tổ yến huyết, bỏ lơ cho người Trung Hoa mại bản. Chúng ta đã thực sự quên cát trắng làng thủy tinh phó mặc cho thứ chủ nghĩa O.K Isme xuề xòa. Chúng ta đã bỏ đói con ngựa trắng của Nguyễn Nhạc trong dãy núi Bình Ðịnh. Chúng ta đã ngoảnh mặt làm lơ với người họa sĩ tài ba dân tộc Nguyễn Khanh, có tài viết chữ thảo như thần (calligraphie) để chạy nhờ các ông thầy Tàu viết giúp [15] (24)

Chúng ta đã bỏ quên chúng ta. Nên Quách Tấn mới dụng công gọi thần linh trở về, gọi bản lai diện mục trở về. Với kẻ đi xa lâu ngày, hay kẻ có tân học, ắt phải chê Quách Tấn đang manh tâm mà thư thực tại. Kỳ thực, trên giấy mực, Quách Tấn đang bày ra cái lề lối suy tư bất khuất cố hữu của tộc Việt: Tính tương duyên. Mộng và thực giao hòa trên thế đứng hai chân cho thực tại tựu thành. Thực tại hiển hiện khi ý chí sâu suốt của ta thâu lấy tiềm năng và hậu thức hầu khai thác triệt để khiến linh thiêng biến ra cảnh sống thường ngày. Ðây có lẽ chính là điều mà các nhà tư tưởng học nên lưu tâm.

Chính Quách Tấn cũng đã nói: “Thầy cậy cây dầu, cây dầu cậy thần” [16](25). Tiếng đàn ngoài dây tơ vừa hé nơi đây. Cho nên khi Quách Tấn láy đi láy lại việc thần thánh, tiên trần, nhắc ông chỉ muốn làm việc tố cáo: nhân tính đã mất, xã hội ly nhân, tính như u ám.

Ở Việt Nam có nhiều người theo đạo Phật. Tôi mạn phép xin khuyên học đọc “Nước non Bình Ðịnh” và “Xứ Trầm Hương” đẻ biết thêm về thân thế, sự nghiệp của nhiều vị Cao Tăng nơi chốn thiền lâm mà lâu nay không có người nghiên cứu, ghi chép. Quý vị sẽ ngạc nhiên biết thêm về Hòa Thượng Rau, Hòa Thượng Ðò. Những điều mà tôi cầu mong họ đọc hơn cả là những lời bình phẩm của Quách Tấn đối với các di tích, chùa chiền, tự viện hiện có số lớn đang bị hoang phế hay trang hoàng lố lăng. Quách Tấn rất nghiêm khắc về điểm này, dù ông là một Phật tử. Tôi nghĩ rằng tuy không nói ra, nhưng Quách Tấn dường như cũng ôm ấp muốn bảo tồn phục hồi nền Phật giáo dân tộc. Quách Tấn tâm niệm mong cho “đá mọc quanh chùa biết gật đầu đảnh lễ trước Kim Thân Phật Tổ”(26)

Tôi tiếc không thể nói nhiều hơn về “Non nước Bình Ðịnh” và “Xứ Trầm Hương” vì sở học còn sơ sài, xin dành để cho các nhà khảo cứu, đại học có căn bản uyên thâm.

Trên đây, tôi chỉ muốn thố lộ sự thẹn thùng và cảm giác của một kẻ tưởng là biết nhiều về quê hương, sông núi, mà kỳ thực không biết gì cả. Phải chi có được những Quách Tấn cho Nước Non Thừa Thiên, Nước Non Hà Hội, Nước Non Cửu Long... để cho quê hương bừng sống dậy cùng thần linh đang bơ vơ trên sông núi.

Thuở trước chúng ta đã sang tới bên Trung Quốc mời Từ Hải và Kiều về ngự trị trời thơ Việt mà một Từ Hải Việt Nam là Chàng Lía(27) dã bị bỏ quên nơi xó rừng Trung Việt! Sao Quách Tấn hay một nhà thơ nào khác không “diễn nôm” con người dũng liệt này? Chúng ta sẽ có Tân Kiều cho thế kỷ văn học XX.

Ở đây, tôi cũng xin thổ lộ sự hỗ thẹn của tôi là chưa đọc hết tác phẩm của Quách Tấn. Tôi chưa hề đọc “Trăng Ma Lầu Việt” và “Nghìn lẻ một đêm” hầu gặp biết thêm chiều sâu tư tưởng và văn tài Quách Tấn. Bởi vì Quách Tấn vừa là một nhà thơ, một nhà văn, một nhà tư tưởng. Ngày xưa tôi chỉ nghĩ Quách Tấn là một nhà thơ. Một nhà thơ trong nghĩa do nền giáo dục quy ước định ra. Chính nền giáo dục này đã bó rọ tôi trong lối nhìn của nó. Lối nhìn tranh chấp và đỗ vỡ. Một con người như Quách Tấn, kinh qua trên 60 năm trời trên mảnh đất máu lửa đầy dối trá này, đã nhúng ta vào đại sự, đã viết và tiếp tục viết, dịch, chú... hẳn không phải là người chỉ biết ngồi đưa võng viết chuyện mây đưa gió thổi.

Dù chưa được đọc “Trăng Ma Lầu Việt” và “Nghìn lẻ một đêm” và một số tác phẩm khác của Quách Tấn, tôi cũng tự an ủi vì biết rằng mình là kẻ ít đọc sách nhất, là kẻ dốt nát nhất trong số người ít đọc sách và dốt nát nhất trên thế gian và ở xứ sở Việt Nam này.

Quách Tấn khi viết về “Ðôi nét về Hàn Mặc Tử”, về “Bích Khê” về “Những Bức Thư Thơ”, về “Giọng Hàn Huyên”, về truyện ngắn như Con Mèo Tam Thể, Thôn Trường Ðịnh, v.v... về “Mùa Cổ Ðiển”, về “Ðọng Bóng Chiều”, về “Mộng Ngân Sơn”... luôn luôn giữ phong độ của kẻ mang hòa khí ngút ngàn. Mỗi hàng mỗi câu đều thể hiện sáng sủa, uyên nghiêm mà tràn ngập thi ca, khiến cho người đọc “lòng không rửa mà trong, thân không cánh mà nhẹ”. Tất cả con người Quách Tấn là thi ca, là tiếng báo hiệu của một sự thành tựu.

... Bây giờ Quách Tấn ở đâu? Anh đang đứng bên bờ biển Thái Bình, tại một địa điểm quê hương thường gọi là Nha Trang, “đầy áo giọt hoa rơi”(28). Thơ Quách Tấn như Trăng phân thân thành “vàng tan sa số ảnh”(29) áo bọc cho muôn triệu cõi lòng xa vắng quằn quại trên một đất nước đang đánh mất thi ca.

Người thi sĩ đó đứng nhìn “Mây un trời tháng hạ”(30) để đón đưa khách sang sông viễn du vào dòng sông đầy ắp thi ca hào hùng và bất khuất.

Làm gì đây? Nếu không là ngâm lớn tiếng thơ cho tiếng thơ cầm tay mình dẫn vào giữa lòng thơ uyên nguyên hào khí. Quê hương và con người sẽ không mất.

Bởi vì con chim mộng đang tỉnh dậy trong hồn.

Con chim mộng với cái nhìn ngây thơ không mất gốc khiến những phần đất ung thối khỏi hoàn toàn ung thối, khiến cho những phố chợ lợi danh, phiền não, như Nha Trang là một cũng phải: “đồng hóa cùng lá cây và dính liền với làng quê đồng ruộng. Những cao ốc, biệt thự, phố xá chỉ còn là những vệt trắng, vệt xám, vệt đỏ, thấp thoáng trong sắc xanh của cây của núi của trời...”(31)

Phải rồi, con chim mộng đang tỉnh dậy trong hồn. Cám ơn anh, anh Quách Tấn, nhà thi hào cô đơn nhưng không đơn độc.

NGUYỄN THÁI


(10) Nước non Bình Ðịnh, Quách Tấn, Nam Cường xuất bản, Sài Gòn 1967, trang 95
(11) Lý Ðịch đời Tống, thường gọi là Tống Lý Ðịch gọi tắt là Tống Ðịch (1174)...
(12) Nước non Bình Ðịnh, trang 118.
(13) Xứ Trầm Hương, Quách Tấn. Lá Bối xuất bản. Sài Gòn 1970, trang 179.
(14) Xứ Trầm Hương trang 179
(15) Xứ Trầm Hương trang 222
(16) Xứ Trầm Hương trang 199
(17) Xứ Trầm Hương trang 189
(18) Nam Cường xuất bản, Sài Gòn 1967.
(19) Xứ Trầm Hương 354.
(20) Nước non Bình Ðịnh, trang 208.
(21) Nước non Bình Ðịnh, trang 130.
(22) Nước non Bình Ðịnh, trang 451.
(23) Nước non Bình Ðịnh, trang 455.
(24) Xứ Trầm Hương. Trang 440.
(25) Xứ Trần Hương. Trang 307.
(26) Xứ Trầm Hương,
(27) Nước non Bình Ðịnh, trang 289.
(28) Mộng Ngân Sơn trang, 130.
(29) Mộng Ngân Sơn trang, 56.
(30) Mộng Ngân Sơn trang, 61: “Mây ùn trời tháng hạ/ Dồn lạnh khác sang sông”.
(31) Xứ Trầm Hương, trang 277.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2015