SỐ 68 - THÁNG 10 NĂM 2015

 

Cái thân phiêu bồng

Thi Vũ

Đòi hỏi cái mới và sính định nghĩa là thói người thường ưa. Hơn thua nhau đến từ hai đòi hỏi ấy, chứ không ở nơi nghĩa thực đã bung người vào cuộc sống.

Có gì cũ hơn mặt trời ? Nhưng mặt trời lúc nào cũng mới, với mỗi ngày, với mọi người, qua nghìn trùng thế hệ. Có gì mới hơn tình yêu và những tiếng thốt tỏ tình trải dài từ thuở trời đất hóa thành đôi cặp ? Tất cả đều lặp lại một điều, một lời, một sự kiện trùng lập. Tuy mỗi lần nói, đều mới lạ với mỗi người. Miễn nói đúng, nói trúng chỗ và trúng khi. Kẻ đòi hỏi cái mới, là kẻ chưa bao giờ sống trọn cái cũ. Té ra mới hay cũ đều là sức sống. Sống trọn vẹn mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi đời, mỗi lần.

Ai chối bỏ được cái mới. Cách bố trí tài liệu đã là mới. Hai người đánh cầu cùng đua theo một quả cầu. Nhưng một người — mà thôi — đặt quả cầu đúng chỗ hơn. Hình như Pascal đã nói như thế.

Biết bao người muốn định nghĩa con người, định nghĩa xã hội, định nghĩa thơ. Những định nghĩa choảng định nghĩa, để định nghĩa định nghĩa định nghĩa. Trò cút bắt ấy còn lại gì trong đôi mắt em sáng nay, trên nền trời xanh không gợn, dưới bước chân rộng toác bình minh ?

Trả lời tất phải định nghĩa. Duy định nghĩa là bắt tù và thảm sát thơ. Vì thơ chỉ sống bằng thi sĩ. Mà thi sĩ sống bằng đời, nơi lời kết nghĩa.

Thế giới thơ Cao Tần là thế giới phiêu tán. Phiêu tán thì có chi lạ ? Kiều là con đường thơ phiêu tán. Lịch sử là những phiêu tán người. Ấy thế mà Cao Tần vẫn mới lạ. Như cái mọc của mặt trời mỗi bữa. Bởi đã thủ trong tay một quả hoàng hôn đỏ kín trời [1] .

Phiêu tán như kiếp người có chi lạ ? Nhưng khi phiêu tán là sự phiêu tán của phiêu tán, như trong thơ Cao Tần, thì cái mới lạ hiện ra. Hiện ra và rưng cảm nơi mỗi thót tim con người Việt.

Giàu có tới bao nhiêu, mất gốc tới bao nhiêu, có người Việt nào không chạnh lòng giây phút nào đó trong ngày hay trong đêm với lòng sầu hận hơn kiếp người da đỏ [2]  ! Để  hát ngao trên tuyết :

Ta ngửa cổ làm thằng khùng Bắc cực
Một mình cười cùng thinh không giá băng
[3]

Dù xa, nhưng nước vẫn còn đó, ta vẫn còn đây. Thế mà ta như cành khô nằm chết đáy sông sâu. Loáng sóng sảnh song hành bên héo tàn khô mục. Chẳng giúp được gì nhau. Khả năng đã liệt. Liệt từ hai phía. Nên lòng vàng khô hơn chiếc lá đưa vèo2. Nỗi sống còn đây chỉ là cảnh lang thang phiêu bạc. Dù có đủ vẫn thiếu hết. Lạ nhỉ. Ngày xưa gần như thiếu hết, mà lại đủ đầy. Chỉ phất phơ trước ngõ, hay dõi bụi theo một tà áo, là đã có đôi má căng hồng thơm phức. Sức tưởng tượng hay sự thực ngã đầu chào ? Một triệu rưởi người Việt ở đây, và sáu mươi triệu người nơi kia chỉ ngầm biết thở dài. Riêng người thi sĩ thở thật dài vào thinh không bát ngát [4] . Cái thở thật dài may cứu được ta chăng ? Cứu khỏi cảnh tối mù vồ chập, vừa nhanh lẹ vừa hung hãn, như chiều mới vừa đây mà đã tối [5] . Thi sĩ là nơi cất giữ chân lý, như đêm là hộc chứa một bình minh. Ai chẳng biết sau đêm, ngày lại sáng. Thế nhưng ai cũng dễ thất thần, bấn loạn vào giờ giông bão tối nghịt, khiến mỗi giây thành một đời luân lạc, mỗi giờ thành một thế kỷ loạn ly. Riêng người thi sĩ biết trầm ngâm chờ đợi, hay cất lời ca hát.

Có ai viết ra thành câu cõi phiêu tán hôm nay như Cao Tần. Ngắn. Gọn. Đủ. Không dài lời.

Với danh thiếp những tên đường đã đổi
Những số nhà chớp mắt đã tang thương
Những chốn hẹn nghìn năm không trở lại
Những tên đời tơi tả khắp quê hương
[6]

Và nỗi sợ hãi ngày xưa, mà giờ đây mọi người giấu giếm :
Lòng vẫn chung mang nỗi sợ sa trường [7]

Đã hẳn phải thất bại, khi lực người thôi chiến đấu. Sống không phản ứng, là bò bốn chân suốt đời. Cho dù có ngàn chân như con rít vẫn là loại trùn đất ! Nỗi sợ hãi và không phản ứng, hay phản ứng bâng quơ ngày xưa là đầu dây mối nhợ cho ngày lẫm liệt tan trong chiều rã ngũ, muôn anh hùng phút chốc hóa lang thang ! [8] Ôi trong ví mỗi người dân mất nước, còn một oan hồn mặt mũi ngu ngơ [9] . Ngu ngơ vì anh thợ hình chụp láo những khổ hình căn cước. Rồi cũng vì xem ra gì thẻ kiểm tra trên vùng đất thân thuộc của cha ông để lại kia ? Ấy thế mà giờ đây, năm nghìn năm một thống sử chỉ là tờ giấy mỏng trong ví, với tấm hình dị dạng xấu ình. Đến cái buồng phổi phát âm, xem chừng như bắt đầu lạ lẫm với thớ lưỡi quanh co :

Bài ca quen bỗng chợt quên lời
Chút kỷ niệm còn lại mất khơi khơi
Tiếng Việt trong ta ngày mỗi héo
Hồn Việt trong ta ngày mỗi khô
[10]

Thảm quá. Tôi chỉ giữ bên mình thanh kiếm gẫy, lên núi ngồi vạch đất vẽ quê hương [11] . Trong cõi nhờ nhờ bất động, một toan tính như thế đã là cái chưa từng là. Nó cố thoát cảnh trạng còng lưng gánh nốt đời lưu lạc / nặng trĩu nghìn cân nhớ nước non1. Nó khước từ lối thở ra hít vào ngu muội của bọn ưa thích làm giáo chủ, ưa thích đối chọi với giai cấp vô sản bằng thượng cấp Bà-la-môn. Khó gì cái chuyện lên núi. Ngày xưa đức Phật xông xáo bao nhiêu qua ước thề Ba-la-nại. Ngày xưa Chúa Giê-su lánh núi bao nhiêu, thì ngày nay bọn giáo chủ con con lại sính chơi trò núi giả, la liệt một tư trào cây kiểng và hòn non bộ. Nhìn trên cao nhân thế thật thanh bình ! [12] Thôi hãy xuống đi, tuột xuống đi... những thần linh cao cả, những giáo chủ và tổ sư. Xuống đây đọ sức cùng loài người. Ngồi trên đá ông sẽ thành Trang Tử, hồn nhẹ tênh theo bướm lượn chiều tà12. Dại gì thành Trang Tử. Sống giữa đời, mầu nhiệm và lý thú hơn.

Nhất là giờ đây, khi Thần tự do giơ hoài cây đuốc lạnh [13] . Thì ta tiếc gì năm chục ký xương da13, mà không làm đuốc soi tìm trong đáy biển / những oan hồn ai bỏ giữa bao la13. Trước kia so bây giờ có chi thay đổi ? Vẫn thấy chiến trường la liệt xác anh em13. Xưa vì nội chiến, vì mất gốc, vì vọng ngoại. Nay vì ly hương, đạn không giết mình vẫn có năm tráng sĩ bị mười chai quất gục / đời tha hương coi bộ vẫn êm đềm13. Chỉ là bão nổi nơi gác trọ, chỉ là hào hùnguất hận gối lên nhau13. Chỉ mãi mãi hô hoán ta làm gì13 ? Làm gì khi vũ khí tinh thần của thế giới là cây đuốc lạnh, khi thây người Việt tiếp tục chết trên vùng Tây nam Kampuchia, hay la liệt say mèm nơi California tiểu Saigon, nơi Paris đầy dẫy dân Tàu xóm Mười ba ? Làm gì nơi cõi sống sung mãn này ? Nơi cái gì cũng có. Tuy mỗi cái được, đã hàm nhiều mất mát. Kể cả đời sống vợ chồng. Rồi đây cặp được đào thơm Mỹ / bạn sẽ trăm năm hát một mình [14] . Làm gì, khi thần linh cũng bị đổi đời, bàn thờ thay ảnh, lão già khú đế che lấp bóng tổ tiên ? Bây giờ ông bà, bạn hữu không còn hưởng khi cúng kiến, ta không cắm hoa đốt nhang mà ta chỉ ngồi thừ nhớ nghĩ và viết xuống tấm giấy trải bàn sẽ vứt nơi một lữ quán : Mày có linh thiêng qua đây tao cúng / Một chầu phim X một quả tắm hơi [15] .

Làm gì ?
Chỉ còn một cách. Theo Cao Tần

Hãy đem hết những đổi đời tan tác
Gói giùm vào cơn mộng dữ đêm qua
[16]

Xử thế nhược đại mộng. Đời kết liên với mộng. Lành hay dữ. Mộng từ người mà ra. Vậy người là ông mộng chủ. Dữ, lành tùy ông. Đó là niềm hy vọng cuối cùng để bất cứ lúc nào ta vẫn có thể lấy quyết định ra về và tuyên ngôn dễ như điện thoại giữ chỗ máy bay :

Tôi về thành chim hót trước thềm nhà[17]

Con tàu ám ảnh của những dấu hỏi, dấu than cứ xê dịch bình thường như xe hơi trên xa lộ. Như Tế Hanh, ta không hỏi nữa, có chi vương vấn trong hơi máy / những chiếc toa đầy nặng khổ đau / khiến cho ngàn đời không đủ sức đi mau [18] . Ta định hướng cho con tàu luân lạc đêm mờ còn say [19] của Vũ Hoàng Chương, con tàu chẳng biết dừng nơi nao khi non sông chuếnh choáng. Từ quá khứ ấy ra tới hiện tại âu lo của Cao Tần

Ôi, con tàu tới trễ cả nghìn năm [20]

Chắc chi đã trễ. Vì nghìn năm là nghìn năm với ai ? Nghìn năm của một hạt cải, một trái núi, một loài vi khuẩn, một ý tưởng người, một vận hành vũ trụ ? Tất đều tương đối. Có ai giàu ba họ, khó ba đời đâu.
Huống chi Cao Tần đã có cái thân phiêu bồng :

Mai này tỉnh sổ trăm năm
May chăng lời được cái thân phiêu bồng
[21]

Thân không phiêu bồng coi như lỗ. Lỗ vì chẳng biết bồng cái phiêu đi. Cứ lừng khừng đứng lại, nằm lì một chỗ như con heo nái ụt ịt quanh chậu cám bèo. Bồng là cỏ cuốn theo chiều gió, hay bồng là ẵm, là bưng, thì cũng thế. Điều trọng thiết ở trong phiêu. Phiêu là trôi, là dịch chuyển, là vận hành, là vượt lướt qua những bến bờ tạm bợ, những giới hạn nhốt tù.

Chỉ khi đưa phiêu linh lạc, thì mới rày đây mai đó, trôi giạt không định như phiêu bạc, phiêu đãng, bay tan tác như phiêu tán, hay gió dập sóng dồi như phiêu lưu. Vào chốn ấy, ai không xót xa đau như mình bỗng qua đời [22]?

Phiêu bồng thì không. Gã phiêu bồng có vạn hóa thân, bởi gã đi song song với cái trôi. Gã ngủ yên nơi trung tâm chuyển dịch sự sống. Tên xạ thủ thượng thừa đến đâu khó bắn trúng gã. Tên xạ thủ nào cũng cần đứng lại để nhắm hồng tâm. Cái đứng lại làm sao bắn cái trôi đi ? Trôi và hóa, khiến có mặt khắp nơi. Trái tim ở trong nó đập nhịp cho sự sống an toàn, nhưng chẳng riêng gì trong nó mà thôi. Còn nhiều nơi khác :

Nơi nụ cười em anh giấu trái tim [23]

Đố ai thấy được.

Đừng tưởng cái thân phiêu bồng của Cao Tần là thân xác nổi trôi phiêu tán, phiêu bạc, phiêu linh, phiêu lưu, phiêu phiếm. Cũng không là sự siêu thoát ra ngoài trần tục của niềm phiêu dật. Không. Cái thân phiêu bồng của Cao Tần phải chăng đạt tới chốn phiêu nhiên. Phiêu nhiên là cử động nhẹ nhàng, lanh lẹ, linh hoạt mà khai phóng. Có thế, Cao Tần mới dám quyết một lời :

Cho ta làm lại cuộc đời
Thì ta lại vẫn ra khơi như thường

Để mọi cái như được như thế, được bình thường, và sự lời lãi của kiếp người là tấm thân phiêu bồng uy nghi tự tại trong nghĩa của phiêu nhiên.

Còn lại ta, chúng ta, những kẻ chưa có cái thân phiêu bồng ấy, cứ phải đeo mãi nỗi nhớ như người leo núi toòng teng dưới sợi dây căng. Nỗi nhớ hóa trăm tay vồ chụp những bóng hình, kỷ vật. Nhưng duy nhất, vẫn là một ước mong Mai mốt ta về. Và trả lại ta từ quê hương xa lắc kia, còn gì thời điên đảo, lụn bại, ngoài món quà quý chỉ có thể, chỉ là, những bức thư : Thư quê hương ?

Mai sau, trăm năm sau, ví như người đời có quên hết mọi trước tác của Cao Tần. Thì chắc chắn, và ít nhất, cũng sẽ còn hai bài thơ lưu lại : Mai mốt anh về [24] và Thư quê hương [25] . Thảng hoặc, văn học sử mất trí nhớ, thì trái tim đời vẫn giữ qua làn môi chưa hề khép từ khi mặt đất có người.

Như chứng tích thời đại. Nỗi niềm tiếp máu bằng nhiều triệu con tim. Ngay từ giờ, đã có dòng nhạc Phạm Duy rót vào phong thư quê hương của Cao Tần [26] .

Viết đi, viết đi... hỡi những kẻ mơ ước thành thi sĩ. Phủ đen hay phê đỏ hàng tấn giấy trinh bạch. Sẽ chẳng gì còn lại ngoài Thơ. Mà hai bài thơ kia là một.

Bây giờ đang diễn thói tranh chấp vặt về chính trị hay văn nghệ, do những tên mác xít học lóm từ sáu bảy chục năm trước, về khái niệm giả danh nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh. Làm gì có chuyện đó ! Có văn chương nào vắng bóng con người ? Tập thơ Cao Tần là gì ? Chính trị ? Thi ca ? Nghệ thuật ? Nhân sinh ? Chiến đấu ? Lãng mạn ? Chán chường ?

Rất nhiều tính chiến đấu trên thân phiêu bồng, như triệu triệu tế bào cuồng nộ cuộc sống thơ đang hải triều vô tận ngay cả khi nằm mộng.

THI VŨ
20.11.87
(trích Gọi Thầm Giữa Paris sắp tái bản)


* THƠ CAO TẦN, Nhà xuất bản Văn Nghệ, California, 1987
Tất cả các trích dần trong bài đều rút từ Thơ Cao Tần theo các số trang dưới đây :

[1] Chốn tạm dung, tr. 48
[2] Câu cá, tr. 46
[3] Hát ngao trên tuyết, tr. 61
[4] Biển chiều, tr. 37
[5] Hát một mình, tr. 40
[6] Kho tàng, tr. 53
[7] Chiếu bát phố, tr. 23
[8] Cảm khái, tr. 57
[9] Câm khái, tr. 58
[10] Chốn tạm dung, tr. 47
[11] Gửi Xuân Hiếu, tr. 49
[12] Trên non cao, tr. 33
[13] Ta làm gi cho hết nửa đời sau, tr. 32
[14] Hát một mình, tr. 41
[15] Kè trả về, tr. 30
[16] Chuyện thần tiên. tr. 22
[17] Chiều bát phố, tr. 24
[18] Vu vơ, thơ Tế Hanh, tr. 153, Thi nhân Việt Nam. Hoài Thanh và Hoài Chân, bản 1942
[19] Con tàu say, thơ Vũ Hoàng Chương, tr. 55, trong tập Mây (Thơ say), tác giả tái bản Saigon 1959
[20] Đóng tàu, tr. 55
[21] Phiêu bòng, tr. 42
[22] Cảm khái, tr. 58
[23] Chỗ giấu kho tàng, tr. 27
[24] Mai mốt ta về, tr. 35
[25] Thư qưê hương, tr. 43
[26] Thư em đến, Phạm Duy phổ nhạc, Thám thoắt mười năm, Hội Văn hóa VN tại Bắc Mỹ Tủ sách Cành Nam Tạp chí Xác định xuất bản. 1985, tr. 36

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2015