SỐ 68 - THÁNG 10 NĂM 2015

 

Ngàn ánh dương rực rỡ

Khaled Hosseini
Trúc Hà dịch

 Chương 5
(tiếp theo)

Bà Nana cũng nói sai về Herat. Ở đó không có ai chỉ chỏ, không có ai cười nhạo báng. Mariam đi qua những con đường lớn có hàng cây trắc bá hai bên, ồn ào, đông đúc, giữa dòng người đi bộ, đi xe đạp và lừa kéo xe, và không có ai ném đá nó. Cũng không có ai gọi nó là đứa con hoang. Thậm chí gần như không có ai nhìn nó. Ở đây, bất ngờ và kỳ diệu thay, nó thấy mình là một người bình thường như mọi người khác.

Mariam đứng một lúc lâu nơi cái hồ nước hình bầu dục ở ngay trung tâm một công viên lớn chằng chịt những lối đi trải sỏi. Ðầy ngưỡng mộ, nó đưa tay vuốt ve những con ngựa bằng đá cẩm thạch tuyệt đẹp đứng dọc hồ nước, mắt ngựa mờ đục nhìn xuống nước. Nó theo dõi một đám con trai đang chơi thả thuyền bằng giấy. Ðâu đâu Mariam cũng nhìn thấy bông hoa, nào tu-líp, nào huệ, nào hoa rau muống, những cánh hoa chan hòa trong ánh nắng. Người ta đi bộ trên lối mòn hay ngồi trên băng ghế nhấm nháp trà.

Mariam không thể tin mình đang ở nơi đây. Tim nó đập nhanh vì khích động. Nó ước phải chi thầy giáo Mullah Faizullah nhìn thấy nó bây giờ. Chắc thầy sẽ nghĩ là nó dạn dĩ lắm, can đảm lắm! Nó sẵn sàng chấp nhận cuộc đời mới đang chờ đợi mình ở thành phố này, một cuộc đời có cha, có anh chị em, một cuộc sống nó chắc mình sẽ yêu thích và nó sẽ được mọi người yêu thương, một cuộc sống không có gì phải e dè và xấu hổ.

Nó hăng hái đi trở lại con đường lớn gần công viên. Nó đi ngang qua những người ngồi bán hàng dưới bóng cây cổ thụ, họ bình thản nhìn nó từ sau những núi trái sơ-ri và trái nho của họ. Mấy đứa bé trai đi chân đất chạy theo xe hơi và xe buýt mời mua những gói táo chua.

Mariam đứng yên nơi một góc đường và theo dõi khách qua lại mà không thể nào hiểu được sao họ lại có thể dửng dưng với bao nhiêu điều kỳ diệu ở chung quanh họ.

Một lúc lâu sau, nó thu hết can đảm hỏi thăm một người phu đánh xe ngựa già có biết nhà của ông Jalil, chủ rạp chiếu bóng, ở đâu không. Người phu xe già này có đôi má đầy đặn và mặc chiếc áo sọc màu cầu vòng.

“Cô chắc không phải người ở Herat này?,” người phu xe hỏi một cách thân thiện. “Ở đây ai cũng biết nhà Jalil Khan.”
“Bác chỉ dùm cháu được không?”

Vừa bóc giấy một viên kẹo, người phu xe vừa nói, “Ði một mình hả?”
“Dạ.”
“Vậy lên đi. Tôi chở cho đi.”
“Cháu không có tiền trả. Cháu không có đồng nào hết.”

Người phu xe đưa cho nó viên kẹo, nói hai giờ qua không kiếm được mối nào nên đang định về nhà. Nhà ông Jalil cũng trên đường về. Mariam leo lên xe ngựa. Họ ngồi cạnh nhau, đi trong im lặng. Trên đường đi, nó thấy các cửa hàng bán rau thơm, các sạp bán cam hay lê, sách, khăn quàng và cả chim ưng nữa. Trẻ con chơi bắn bi trong những vòng tròn vẽ trên mặt đất bụi bặm. Bên ngoài các quán nước với sàn bằng gỗ phủ thảm, các ông ngồi uống trà và hút thuốc lào.

Người phu xe già rẽ vào một con đường rộng có hàng cây tùng dọc hai bên và dừng lại ở nửa đường.

“Kia kià. Coi bộ cô gặp may rồi đó nhe. Xe hơi của ông ta đang đậu đó.”

Mariam nhảy xuống. Người phu xe mỉm cười và đánh xe đi tiếp.

Chưa bao giờ Mariam chạm tay vào một chiếc xe hơi. Nó lướt tay trên mũi chiếc xe màu đen bóng loáng của ông Jalil. Nhìn vào bánh xe sáng lấp lánh, nó thấy hình ảnh méo mó và phóng đại của chính mình. Nệm ghế bằng da màu trắng. Ðằng sau tay lái, nó nhìn thấy những vòng tròn bằng kính bên trong có kim đồng hồ.

Trong một khoảnh khắc, Mariam nghe như có giọng nói của bà Nana vang lên trong đầu, như chế nhạo, như muốn dập tắt hết hy vọng của nó. Bằng đôi chân run rẩy, nó tiến đến gần cổng trước của ngôi nhà. Nó đặt tay lên bức tường, cảm thấy tường nhà ông Jalil sao mà cao và đe dọa quá. Nó phải rướng cổ lên mới nhìn thấy được ngọn cây trắc bá phiá sau tường. Những ngọn cây lung lay trong gió tưởng chừng như đang gật đầu chào đón nó. Mariam cố gắng vượt qua sự sợ hãi đang dâng lên trong lòng.

Một người phụ nữ trẻ đi chân đất ra mở cửa. Chị ta có vết sâm ở chỗ môi dưới.

“Tôi đến tìm ông Jalil Khan. Tôi là Mariam, con gái của ông.”

Vẻ bối rối hiện lên trên gương mặt chị ta, rồi như thoáng nhận ra điều gì, chị mỉm cười có vẻ háo hức và như trông đợi điều gì sẽ xảy ra. Chị nói nhanh, “Chờ đây,” rồi đóng cửa lại.

Mấy phút trôi qua. Một người đàn ông ra mở cổng. Người này cao, vai vuông, mắt ngái ngủ, nét mặt bình thản.
“Tôi là tài xế của ông Jalil Khan,” anh ta nói với vẻ thân thiện.
“Là gì ạ?”
“Tài xế. Ông Jalil Khan không có nhà.”
“Cháu thấy xe của ông mà,” Mariam nói.
“Ông chủ đi công chuyện gấp rồi.”
“Chừng nào về?”
“Ông chủ không nói.”

Mariam nói nó sẽ chờ. Người đàn ông đóng cổng lại. Mariam ngồi xuống, hai tay ôm gối. Trời đã xế chiều và nó bắt đầu thấy đói. Nó ăn viên kẹo của người phu xe cho. Một lúc sau, anh tài xế lại ra.

“Cô đi về đi,” anh ta nói. “Một tiếng đồng hồ nữa thôi là trời tối rồi đó.”
“Cháu đã quen bóng tối.”
“Sẽ lạnh nữa đó. Ðể tôi chở cô về nhà nhé? Tôi sẽ nói lại với ông chủ là cô đến tìm.”
Mariam chỉ nhìn anh ta.
“Thôi vậy tôi chở cô tới khách sạn, ở đó ngủ thoải mái hơn, rồi sáng mai mình tính tiếp.”
“Cho cháu vô nhà đi.”
“Tôi có lệnh không cho cô vô. Mà cũng không ai biết chừng nào ông chủ mới về. Có thể mấy bữa nữa lận”.

Mariam khoanh tay lại. Anh tài xế thở dài và nhìn nó với vẻ hơi trách móc.
Suốt nhiều năm sau, Mariam cứ suy nghĩ không biết mọi chuyện sẽ ra sao nếu hôm đó nó chịu để anh tài xế chở về nhà. Nhưng nó đã không chịu. Nó đã ngủ qua đêm ở ngoài cổng nhà ông Jalil.

Nó thấy bầu trời tối dần và bóng đêm chụp xuống khu phố. Người phụ nữ có vết xâm mang ra cho nó chút bánh mì và một diã cơm nhưng Mariam bảo nó không ăn. Chị ta để lại đó. Thỉnh thoảng Mariam nghe có tiếng chân bước ở phiá cuối đường, có tiếng mở cửa và tiếng người rì rào chào nhau. Ðèn đường bật lên và ánh sáng tỏa mờ mờ sau khung cửa sổ. Chó sủa. Không chịu nổi cơn đói, Mariam ăn diã cơm và miếng bánh mì. Rồi nó lắng nghe tiếng dế gáy trong vườn. Trên cao, những đám mây bay che ánh trăng mờ.

Buổi sáng, có người đánh thức nó dậy. Mariam thấy đêm qua có ai đã đắp mền cho nó. Anh tài xế đang lay vai nó.
“Thôi, gây chuyện như thế đủ rồi. Chấm dứt đi. Ði về đi.”
Mariam ngồi dậy, dụi mắt. Lưng và cổ ê ẩm.
“Cháu chờ cha.”
“Nhìn tôi nè,” anh tài xế nói. “Ȏng Jalil Khan bảo tôi phải chở cô về nhà bây giờ. Ngay bây giờ. Có hiểu không? Ȏng Jalil Khan bảo như thế.”
Anh ta mở cửa sau của chiếc xe hơi. “Lên đi,” anh ta nói nhỏ nhẹ.
“Cháu muốn gặp cha,” Mariam nói, nước mắt lưng tròng.
Anh tài xế thở dài. “Ðể tôi chở cô về nhà. Ði đi, cô.”

Mariam đứng dậy và dợm bước về phiá anh ta. Nhưng bất ngờ nó đổi hướng và chạy về phía cổng. Bàn tay người tài xế vụng về chụp nó lại, nhưng nó đã vuột được và chạy thẳng qua cánh cổng mở.

Khoảnh khắc vài giây ngắn ngủi trong khu vườn nhà ông Jalil cũng đủ cho đôi mắt của Mariam ghi nhận được hình ảnh một vật thể bằng thủy tinh sáng chói trong đó trồng cây cảnh, dây nho bám trên giàn gỗ, một cái hồ cá xây bằng các khối đá màu xám, những cây ăn trái, và các bụi hoa đủ màu sặc sỡ ở khắp nơi. Ánh mắt nó lướt nhanh qua tất cả những thứ đó trước khi nó bắt gặp một khuôn mặt, bên kia khu vườn, sau một khung cửa sổ trên lầu. Khuôn mặt chỉ xuất hiện ở đó một tích tắc, một cái chóp mắt, nhưng cũng đủ lâu để Mariam kịp nhìn thấy đôi mắt trợn lên, cái miệng há hốc. Rồi chớp nhoáng biến mất. Một bàn tay xuất hiện và hốt hoảng kéo sợi dây. Màn cửa sổ đóng lại.

Rồi có hai bàn tay xốc nách và nhấc bổng nó lên. Mariam vùng vẫy hai chân. Mấy viên sỏi trong túi nó rơi ra. Mariam vẫn cứ vùng vẫy và khóc cho tới khi bị đặt ngồi trên băng ghế sau bằng da lạnh ngắt của chiếc xe hơi.

***

Anh tài xế, trong khi lái xe, an ủi nó bằng một giọng nói nhỏ nhẹ, nhưng Mariam có nghe thấy gì đâu. Suốt đoạn đường, ngồi lắc lư trên băng sau xe, nó đã khóc những giọt nước mắt đau khổ, tủi hờn và vỡ mộng. Nhưng chủ yếu đó là nước mắt của sự xấu hổ sâu xa vì nó đã ngu xuẩn chạy theo ông Jalil, đã lo lắng vì không biết mặc chiếc áo nào cho đẹp, vì chiếc khăn đội đầu không hợp với màu áo, vì đã đi bộ suốt đoạn đường để tới đây, đã nằm ngủ ngoài đường như một con chó đi hoang. Và nó xấu hổ vì đã không màng đến vẻ mặt đau đớn và đôi mắt sưng húp của má nó. Bà Nana đã cảnh cáo nó, bà đã nói đúng ngay từ đầu.

Mariam cứ nghĩ đến gương mặt của người đàn ông sau khung cửa sổ trên lầu. Ȏng ta đã nhẫn tâm để cho nó ngủ ngoài đường. Ở ngoài đường. Mariam nằm khóc vùi. Nó không muốn ngồi dậy vì không muốn cho ai nhìn thấy. Nó tưởng tượng cả thành phố Herat đã biết nó tự làm nhục mình như thế nào buổi sáng hôm nay. Nó ước gì ông giáo Mullah Faizullah có mặt nơi đây, lúc này để nó được gục vào lòng ông và được ông vỗ về.

Xe chạy một lúc lâu thì con đường trở nên gồ ghề và mũi xe cứ ngóc lên. Xe đang leo dốc trên con đường giữa Herat và Gul Daman. Mariam tự hỏi mình sẽ nói thế nào đây với bà Nana. Làm sao để xin lỗi bà? Làm sao nó có thể gặp mặt má nó bây giờ?

Xe dừng lại và anh tài xế đỡ nó xuống. “Tôi đi với cô,” anh nói.
Mariam để anh ta dẫn nó băng qua đường và leo dốc con đường mòn. Hoa thiên lý và hoa trang mọc đầy hai bên. Tiếng ong vo ve trong đám hoa dại. Anh tài xế nắm tay để giúp nó lội qua suối. Rồi anh thả tay nó ra, và nói huyên thuyên về cơn gió mùa dài một trăm hai mươi ngày chẳng bao lâu nữa sẽ thổi qua Herat từ giữa buổi sáng đến chiều tối, và về bầy muỗi bay vo ve kiếm ăn. Rồi bỗng nhiên anh dừng lại trước mặt nó, cố che mắt không cho nó nhìn, đẩy nó đi ngược lại, miệng nói, “Lùi lại! Không. Ðừng nhìn. Quay lại đi! Lùi lại.”

Nhưng chậm rồi. Mariam đã nhìn thấy. Một cơn gió thổi mạnh làm dạt những cành liễu rủ như tấm màn khiến Mariam thoáng trông thấy vật nằm dưới gốc cây: chiếc ghế ngã nằm chỏng  gọng. Từ nhánh cây cao, một sợi dây thừng thòng xuống. Và ở cuối sợi dây, bà Nana treo cổ lủng lẳng. 

(còn tiếp)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2015