SỐ 68 - THÁNG 10 NĂM 2015

 

Phiếm luận văn chương ( 8.2): Thơ và nhạc 

Huỳnh Kim Khanh

Hai điều cần lập lại là trong loạt bài này tôi miễn bàn tới những nhạc phổ từ những bài thơ và những bài ca thời thượng khác như Đạo Ca, Dân Ca, Bài Ca Da Vàng và những bài thơ phản chiến hoặc giả chỉ đề cập tới khi cần thiết.
Nhạc phổ thơ sẽ được bàn tới trong một kỳ phiếm luận khác.

Một trong những bài của TCS phổ biến từ thơ đã bị nhiều người không để ý, trong đó có tôi. Đó là bài Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu. Lời của bài này là trích từ bài thơ của Trịnh Cung:

Ừ thôi em về
Chiều mưa giông tới
Bây giờ anh vui
Hai bàn tay đói
Bây giờ anh vui
Hai bàn chân mỏi
Thời gian nơi đây
Bây giờ anh vui
Một linh hồn rỗi
Tình yêu xứ này…
..
Một lần yêu thương
Một đời bão nổi
Giã từ giã từ
Chiều mưa going tới
Em ơi em ơi..
Sầu thôi xuống đầy
Làm sao em nhớ
Mưa ngoài song bay
Lời ca em nhỏ
Nỗi lòng anh đây!

Sầu thôi xuống đầy..
Sầu thôi xuống đầy!

Sự khác biệt ở đây là có sự gượng ép hay không khi chuyển thơ thành nhạc.
Hy vọng sẽ có dịp trở lại phần thơ phổ nhạc trong nhiều bài tới

Đã nhiều năm tôi cứ nghĩ lời nhạc của bài này là của TCS. Thế nhưng nếu nói gọn lại, lời thơ này cũng phản ảnh những lời nhạc khác của TCS.

Bây giờ anh vui
Hai bàn tay đói
Bây giờ anh vui
Hai bàn chân mỏi

…đúng là lời nhạc cố hữu của Trịnh Công Sơn.
Có thể tôi không là người duy nhất không để ý đây là một bài ca phổ nhạc từ thơ.

Cũng có nhiều tác giả đã chuyển thơ thành nhạc như Phạm Duy, Ngô Thuỵ Miên v..vv..

Hai nhạc sỹ tôi vừa nhắc đến đã phổ thơ ra nhạc qua những bài ca nỗi tiếng như Tiễn Em
(Thơ Cung Trầm Tưởng, nhạc Phạm Duy), Paris Có Gì Lạ Không Em ( Thơ Nguyên Sa, nhạc Ngô Thụy Miên) …

Cái vấn đề của việc phổ thơ ra nhạc là người nhạc sỹ phải cố viết nhạc theo một lời nhạc đã được định trước trong một kết cấu đã định sẵn của một bài thơ. Thơ bốn chữ, năm chữ và bảy chữ thì có thể dễ phổ nhạc, nhưng thơ lục bát thì sau khi phổ nhạc sẽ trở thành gượng ép.

Do đó câu sáu sẽ phải cắt ra thành hai câu ba chữ hoặc giả ngắt hai rồi bốn và câu tám cắt ra thành hai câu bốn chữ như trong bài nhạc ( ) của Phạm Duy, thơ Huy Cận

Nắng chia nửa bãi chiều rồi
Vườn hoa trinh nữ xếp đôi lá rầu
Lòng anh
mở với quạt này
ngủ đi em (3)
ngủ đi em (3)
Ngủ đi (2)
Mộng vẫn bình thường (4)
À ơi có tiếng (4)
Thùy dương mấy bờ (4)
Tay anh (2)
Em hãy tựa đầu (4)
Cho anh nghe nặng(4)
Trái sầu rụng rơi(4)

Ngủ đi em (3)
Ngủ đi em (3)..

Chúng ta nên để ý những bài ca phổ nhạc từ thơ hay theo điệu luân vũ ( Valse).

Điệu luân vũ cứ đều đều theo nhịp chách chách chùm; chách chách chum rất hợp với lời thơ ba chữ nối liền theo ba chữ như câu sáu chữ được ngắt đôi trong câu đầu thơ lục bát của ta.

Câu tám chữ sau đó nếu được cắt đôi thành hai câu bốn chữ thì có thể dễ dàng ghép vào điệu Valse

Cũng có nhiều nhạc sỹ khác diễn tả tình yêu theo điệu Rumba hay Bolero. Điệu nhạc này nhịp nhàng theo tiếng trống vỗ theo những điệu nhạc Nam Mỹ

Và lời cũng có nhiều uyển chuyển, biến hóa tử ba, bốn, năm cho đến bảy tám chữ. Thí dụ như bài Ai Cho Tôi Tình Yêu hoặc Mưa Nửa Đêm của Trúc Phương

Ai cho tôi tình yêu
Của ngày mơ ngày mộng
Tôi xin dâng
Vòng tay mở rộng
Chào đón người
Trong vòng tay tôi
Bờ môi ôm bờ môi
Nhưng biết chỉ là mơ
Yêu là nức nở
Thương còn đi
Yêu thì chưa tới
Thương còn đi
Yêu thì chưa tới
Tên gọi tên
Tình yêu gọi đến
Nẻo mô mà tìm?
Nằm mơ cô đơn
Gía buốt về tìm
Nhà vắng mang nhiều cay đắng
Xua hồn đi hoang
Ai cho tôi tình yêu
Người hỡi người
Xin đừng e ấp
Làm tim nghẹn ngào

Trong bài Mưa Nửa Đêm, Trúc Phương viết những lời thơ lưu loát, thống thiết:

Đêm chưa ngủ
Nghe ngoài trời đổ mưa từng hạt thưa
..
Nên những khi mưa nửa đêm làm xao xuyến
Giấc ngủ chưa đến tìm

Ngoài hiên mưa tuôn
Mưa lạnh rơi rơi áo ai
Canh dài nghe bùi ngùi..
Mưa lên phố nhỏ
Có một người vừa ra di đêm nay
Để bao nhiêu luyến thương lại lòng tôi…

Tôi có thể tiếp tục bàn đến những bài ca TCS với những lời nhạc thao thức, xâu xa, bay bướm và đôi khi rất xuất thần..Thế nhưng chúng ta nên thư thả trôi theo những dòng nhạc và để ý đến những lời như thơ.

Nói về tình ca thì chúng ta không thể không đề cập đến nhạc sỹ Ngô Thụy Miên.

Nhạc Ngô Thụy Miên với những điệu trầm buồn, tha thiết và với những lời bay bướm bồng bềnh, chơi vơi như những niềm nhớ không tên khi một mình đi trên phố vắng nhớ người yêu xưa cũ.

Bài Dấu Tình Sầu là bài tiêu biểu của nhạc Ngô Thụy Miên dung hoà giữa nhạc và thơ.

Chiều còn vương nắng để gió đi tìm
Vết bước chân em qua bao nhiêu lần
Lời ru đan ngón tay buồn
Ngàn năm cho giá bang hồn
Tuổi gầy nồng lên màu mắt..

Bài nhạc theo điệu Slow với cung Minor trống vắng, thiếu thốn…với lời nhạc thảnh thót theo từng cung bậc cô đọng những niềm nhớ cô đơn.

Trời còn may tím để lá mơ nhiều
Lá khóc trên mi cho môi ươm sầu
Chiều lên đĩnh núi ngang đầu
Nhạt đường cho gót giăng sầu
Giận hờn xin ngập lối đi…

Nhạc và lời vừa dìu dặt vừa thống thiết, mô tả lòng một người tình thương nhớ một người tình, khắc khoải, bâng khuâng không đầu mối.

Bài nhạc nâng cao trong điệp khúc với những lời ai oán lâng lâng theo lời thơ bất tận:

Đàn dâng tiếng phong kín tuổi buồn
Đường hoang vắng cho lá về nguồn
Người tìm đến xin gợi nỗi hờn
Từ khi gió mang giấc Địa Đàng
Đường lên đá che vết nồng nàn
Người còn nhớ mãi hay quên lời?

Những lời của điệp khúc làm chúng ta nhớ đến những lời nhạc Trịnh Công Sơn như trong bài Dấu Chân Địa Đàng v..v…

Ngô Thụy Miên cũng đã viết những bài nhạc phổ thơ, đặc biệt là thơ Nguyên Sa như Paris Có Gì Lạ Không Em hoặc giả như bài Tuổi Mười Ba

Chúng ta lại trở về vấn đề cố hữu: Thơ và Nhạc; Nhạc và Thơ!

Bài Tuổi Mười Ba viết theo điệu Slow và theo cung bậc Major

Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng
Mưa tôi chả về bong bóng vỡ đầy tay

Nhưng trong bài này những lời được nhớ nhất là:
Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Anh pha mực cho vừa màu áo tím…

Hát bài này thì có thể ghi nhận hai ca sỹ nỗi tiếng, đó là Thái Thanh và Ý Lan.

Chúng ta lại rơi vào những bài hát phổ nhạc từ thơ!

Thế nhưng có một điều đáng ghi nhận là hai bài ca trên của Ngô Thụy Miên không theo điệu Valse mà theo điệu Slow. Mặc dù lời nhạc cũng giống như những lời nhạc đã nêu trên trong những bài nhạc phổ thơ của Phạm Duy. Điệu Valse hoặc điệu Slow, tùy người nhạc sỹ.

Nhạc tình Ngô Thụy Miên chứa chan những niềm thương nhớ. Và lời nhạc không kém lời nhạc Trịnh Công Sơn.

Tại sao khi viết nhạc hoặc viết thơ về tình yêu những thi sỹ hoặc nhạc sỹ đều có cùng một chí hướng, một lối đi?

Những lời nhạc của Trịnh Công Sơn và bây giờ của Ngô Thụy Miên đã đánh dấu một trung điểm: Khi nói đến tình yêu thì lời không biên giới. Khi nói đến tình yêu thì nhạc và thơ sẽ đồng điệu như nhau!.

Một trong những bài ca “tình” của TCS có bài Tình Sầu mà có thể nói là một bài tình ca gói ghém đầy đủ nhất về những sắc thái và thực thể của tỉnh yêu.

Tình yêu như trái phá
Con tim mù lòa
Một mai thức dậy
Chợt hồn như ngất ngây
Chợt buồn trong mắt nai
Rồi tình trong mắt
Rồi tình mềm trong tay…
Tình yêu như vết cháy
Trên da thịt người
Tình xa như trời
Tình gần như khói mây
Tình trầm như bóng cây
Tình reo vui như nắng
Tình buồn làm cơn say
Cuộc tình lên cao vút
Như chim mỏi cánh rồi
Như chim lìa bầy
Như chim lìa trời
Như chim bỏ đường bay…

Tình yêu như cơn bão
Đi qua địa cầu
Tình thắp cơn sầu
Tình dìu qua hố sâu
Tình với lên núi cao…
Rồi trong cơn yếu dấu
Tình đày tình xa nhau!

Có phải tình chỉ đẹp khi tình còn tan vỡ. Những dòng thơ và dòng nhạc thống thiết ca tụng những tình đau khổ, cách chia là những dòng thơ và nhạc đẹp.
TCS viết rất nhiều bài tình ca ru em, ru tình, ru ta…

Ta ru em ngủ một sớm mùa đông..

Ru em giận hờn..

Ru đời đã mất

Ru tình..

Mỗi bài ca ru đều mang một sắc thái khác biệt nhưng cuối cùng chỉ còn lắng đọng một tình yêu muộn phiền ray rức, đôi khi nói về em, đôi khi nói về cuộc tình ta và đôi khi chỉ nói về ta với nỗi buồn nặng trĩu rơi rụng xuống cuối nẻo đời để còn lại một dấu vết cô đọng như giọt buồn trên đá rong rêu!

Ta có thể tếp tục nói về những bài nhạc tình của TCS, thế nhưng xin tạm dứt để nói về những bài hát khác với những lời như những bài thơ.

Bài Ngăn Cách của Y Vân theo điệu Valse dìu dặt, tha thiết tuy hơi khác so với bài Tiễn Em, thơ Nguyễn Tất Nhiên, nhạc Phạm Duy mà tôi sẽ bàn lại trong bài phiếm luận tới.

Yêu nhau trong cuộc đời
Mơ duyên tình dài
Gắn bó đôi lời
Ta quen nhau một ngày
Yêu nhau trọn đời
Giữ cho lâu dài

(Còn tiếp)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2015