SỐ 69 - THÁNG 1 NĂM 2016

CĂN NHÀ SAU CỬA BIỂN

Chương cuối (tiếp theo)

Chiếc ca nô tăng dần tốc độ, rẽ sóng hướng về phía cửa biển phóng nhanh. Bãi Hương lùi xa, thấp chìm nhấp nhô sau luồng nước tuôn trào bọt trắng. Hường Vi ngồi một mình trên băng ghế bên ngoài ca-bin. Nàng nhìn về hòn đảo nhỏ đang xa dần trong tầm mắt, lòng tự trách mình đã không ở lại với Huy và nhóm bạn trẻ qua đêm. Chuyện ngại đi tàu chợ đông người chỉ là lý do Hường Vi viện ra để che dấu cả chính mình niềm mặc cảm tự ti đang xâm chiếm tâm trí nàng. Cung cách ứng xử tự tin dễ mến của Jeanette suốt mấy ngày qua khiến nàng cảm thấy lạc lõng, rồi hôm nay chứng kiến sự gặp gỡ đầu tiên giữa  anh em Huy và Hà lại làm Vi buồn bã với ý nghĩ đang bị bỏ quên. Có lúc đứng riêng lẻ ở góc phòng nhìn Huy được mọi người tay bắt mặt mừng, cười nói râm rang bổng dưng một cảm giác bất an mơ hồ len lấn vào hồn khiến nàng lo sợ.

Từ ngày đầu quen biết, dan díu với Huy nàng luôn là người đòi hỏi và được chìu chuộng. Hường Vi tin tưởng đã “mua” được tình cảm và sự quyến luyến của Huy đối với nàng nên câu trả lời cho mẹ qua điện thoại về “chỉ tiêu” phải cưới chồng Việt kiều có quốc tịch Mỹ trong thời gian còn du học mà bà vẫn hạch hỏi hầu như mỗi ngày luôn là tiếng cười dòn lạc quan.

- Mẹ đừng lo. Mùa hè này thế nào con cũng đưa anh ấy về Hà Nội chào bố mẹ.

Bà mẹ vốn tính cẩn thận tuy mừng rỡ nhưng vẫn nhắn nhe câu khẩu hiệu quen thuộc.

- Chị thu xếp cho khéo đấy nhá! “Tiền mất tật mang” thì bố chị từ ngay đấy.

Con gái cười qua điện thoại.

- Chắc bố mẹ không cần phải tốn tiền đâu.
- Chúng tôi có tiền. Hay là chị cứ bảo thẳng, bố mẹ sẽ trả theo giá cả thị trường. Có thế mình mới nắm chủ động ngày giờ. Chỉ còn hai năm nữa thôi đấy! Còn bao nhiêu chuyện phải làm. Mua nhà mua cửa, chuyển tiền, bảo lãnh bố mẹ… Ối giời ơi! Mới nghĩ đến là đã bấn cả ruột… Bạn mẹ, chồng cán bộ chưa đến hàm thứ trưởng như bố mà cả hai đứa con gái du học ở Hu-Tơn, Tết-Xát đã có thẻ xanh rồi.

Trưa nay lúc mẹ lại gọi hối thúc hai người ra Hà Nội sớm, nghe câu trả lời lơ lửng không vui của con gái khiến bà mẹ lo ra, hỏi dồn. Đang buồn bực, Hường Vi dấm dẳng qua điện thoại.

- Mẹ muốn thì cứ vào Hội An lôi anh ấy ra. Gia đình người ta có uẩn khúc, éo le anh em cả đời mới gặp nhau lần đầu tiên thì phải để người ta có thời gian với nhau chứ.

Bà mẹ cũng cáu kỉnh, mắng mỏ con.

- Tôi đã bảo rồi, chị có thân thì liệu mà lo lấy. Chửa gì mà đã tuột quần cho chúng đéo thì đừng có hòng nên cơm nên cháo gì.

Hường Vi thở dài nhớ lại lời mẹ mắng rất “ấn tượng” trước khi cúp máy.
Cô Quế khoác áo gió, vui vẻ ngồi bên Hường Vi.

- Suốt ngày ở nhà hàng bận rộn chuyện trò với nhiều người đã lâu không gặp nên chưa có dịp hỏi thăm cháu.

Người đàn bà chăm chú lắng nghe Hường Vi trả lời chuyện gia đình bố mẹ ngoài Hà Nội, chuyện du học bên Mỹ. Cô Quế lặng yên nhìn biển hồi lâu rồi chợt quay qua Hường Vi.

- Cháu có vẻ không vui với quyết định của mình theo chúng tôi về sớm.

Hường Vi tần ngần.

- Về một mình thì thế nào mà vui được cô, nhưng cháu nghĩ nên để anh Huy có thời gian trò chuyện với em gái mình.
- Không nhất thiết đâu cháu. Cô nghĩ  Huy và Hà sẽ vui hơn nếu có cháu bên cạnh cởi mở chuyện trò. Lại còn có Đăng và Jeanette nữa. Bạn bè thân tình quây quần với nhau vui lắm. Cô Quế trầm ngâm… Có những đôi tình nhân hết lòng yêu nhau mà chỉ vì ngại ngần một chuyến đi hay tiếc một lần về mà dở dang cả đời người, rồi họ sống mãi trong buồn rầu tiếc nuối, thương thân trách phận.

Người đàn bà thân mật choàng vai Hường Vi.

- Cô hỏi cháu nhé! Thế cháu có thật lòng yêu Huy không, và có biết mình được yêu?

Nàng cúi đầu lẩn tránh ánh mắt cô Quế đang chăm chăm vào mắt mình.

- Hiện tại thì cháu rất yêu anh ấy và lo sợ cũng nhiều. 
- Còn trước đây thì sao? Không yêu hay chưa yêu?

Hường Vi ngẩng nhìn đôi mắt mở lớn như muốn soi thấu lấy tâm can, nàng chợt thấy yên tâm, muốn được lắng nghe cho vơi bớt cô đơn.  Hường Vi “thành thực khai báo”.
Cô Quế “à” lên, cười.

- Thì ra là vậy. Lúc đầu cháu chủ động tìm hiểu, làm quen thanh niên độc thân có quốc tịch Mỹ,  tiến hành kế hoạch “đi Mỹ theo diện kết hôn” để bố mẹ có điều kiện “rửa tiền” và khi cần thì con sẽ bảo lãnh qua Mỹ “hạ cánh an toàn”, nhưng sau khi quen biết “quan hệ” với Huy rồi thì yêu say đắm anh chàng này.  Cô Quế lắc đầu cười, nói nhỏ chỉ cho mình nghe… Đúng là cha nào con nấy. Không khéo lại có thêm một Chú Tư Cầu nữa rồi.

Hường Vi lúng túng gật đầu sau câu tóm lược nôm na, “dễ mích lòng” của người đàn bà.
Nàng phân bua.

- Cháu rất thật lòng yêu anh ấy mà! Cháu lo quá, chả biết tính sao trong lúc mẹ cháu ở Hà Nội ngày nào cũng gọi mè nheo.
- Thế cháu có bao giờ thử đặt mình trong trường hợp Huy không hội đủ điều kiện để cháu có thể ở lại Mỹ theo diện kết hôn rồi lắng nghe tâm tư mình? Lúc đó cháu vẫn yêu Huy chứ? 

Hường Vi khóc òa lên.

- Cháu không biết. Cô đừng bắt cháu phải trả lời những câu hỏi như thế. Cháu không muốn mất anh ấy. Lúc này, ngay lúc này.

Nhìn đôi mắt ngấn lệ của cô gái đăm nhìn về hướng đảo, cô Quế vuốt tóc Hường Vi vỗ về.

- Cô có lời khuyên này hy vọng cháu suy nghĩ cho thật kỹ. Nếu cháu thật lòng yêu Huy thì hãy sống trọn vẹn cho tình mình, chuyện khác lúc nào tới thì tới.  Còn nếu vấn đề “đi Mỹ theo diện hôn nhân” quan trọng hơn thì cháu nên nghe lời mẹ. Bà ta có tiền. Cứ mang ba bốn chục ngàn đô la Mỹ ra hợp đồng với một thanh niên nào đó là xong. Đừng ham hố muốn được cả hai. Mẹ cháu có thể hả hê khỏi phải mất mấy chục ngàn đô, nhưng cháu thì sẽ phải sống thiếu hạnh phúc suốt đời. 

Người đàn bà bỏ đi để Hường Vi ngồi khóc một mình. Đứa con gái đang cần những giọt nước mắt thật thà đổ xuống. Cho tới bao giờ?

Tiếng còi tàu rúc lên vang rền khiến Hường Vi vụt đứng lên nhìn về phía chiếc ca- nô chở du khách ra đảo đang phóng nhanh ngược chiều quẫy sóng trắng xóa. Hường Vi chạy vào phòng lái. Trong nước mắt, nàng cuống quít xin được qua tàu kia trở lại đảo. Nữ gật đầu nhìn Quế đang kín đáo cười, nàng gọi máy cho chiếc Thục Nữ II xáp lại gần.
Cô Quế dặn vói theo lúc cô gái đã an toàn trèo qua chiếc tàu chợ.

- Cháu nhớ dặn mấy cô cậu kia ngày mai đừng ngủ quên trễ tàu. Tụi nó còn một người anh để đi thăm nữa đó!

Quế quay qua Nữ cười lớn.

- O Nữ coi kỹ lại xem bố Niên còn sót đứa mô chưa “điểm danh” nữa không?

Ánh mặt trời chiếu luồn qua rặng tùng trong nghĩa trang Zoshigaya thành hằng hà tia sáng lóng lánh như hào quang tỏa lên tàng lá biếc đọng sương.  Chim chuyền ríu rít trên những bụi sơn trà trồng rải rác quanh dảy mộ chí nhấp nhô bia đá đón chào một ngày mới.

Bà Mitzuki có thói quen đi thăm mộ vào buổi sáng. Thường thì bà quét dọn, thắp nhang đốt trầm ở mộ ông bà ngoại, rồi thăm mộ chồng, mộ mẹ ở cuối nghĩa trang. Bài vị và phần tro cốt của dì Ando vẫn còn giữ trong phòng mộ tập thể từ nhiều năm nay. Trăn trối của dì xin được chôn cất chung với điện hạ của mình vẫn chưa được thực hiện. Từ những năm tháng thanh xuân đời mình, dì Ando đã cận kề chăm sóc hoàng thân Cường Để, vị hoàng đế không ngai lưu vong từ đất Việt, một thời là minh chủ phong trào Đông Du của thập niên đầu thế kỷ hai mươi. Chậm bước dưới những cội tùng cao vời, bà Mitzuki thanh thản nghĩ về kỷ niệm với dì Ando vào những năm tháng cuối cùng của người đàn bà suốt đời chung thủy với chồng.  Dòng suy tư đưa bước chân bà Mitzuki trở về trước mộ ông ngoại Trần đông Phong.  Bà vui nhìn bó nhang mới cắm còn nghi ngút khói hương và bó hoa cẩm chướng của ai đó viếng mộ đặt ngay ngắn cạnh chậu cúc vàng bà mang đến sáng nay.  Tiếng cười nói của một nhóm trai gái Việt nam vừa bước khuất qua cổng nghĩa trang thoảng vọng trong buổi sáng nghĩa trang yên lặng.

Từ hai năm nay bà Mitzuki sang Việt nam sống với vợ chồng con trai và cháu nội Eidan.

Mỗi năm vài lần bà trở về khu Phong Đảo Toshima để tảo mộ và kỵ giỗ người thân đã khuất.

Chuyến đi này, gia đình con trai theo mẹ về làm đám giỗ cha. Ngày ông mất trùng vào dịp quốc lễ Umi-no-Hi. “Ngày của Biển” được tổ chức thật trang trọng ở Yokohama  nơi hai người gặp nhau lần đầu gần sáu mươi năm trước. Eidan là người vui nhất. Cậu bé tung tăng ngắm nhìn, bi bô chỉ trỏ quang cảnh lạ mắt, náo nhiệt chung quanh.

Hôm nay là ngày cuối ở Toshima, bà Mitzuki muốn một mình đi thăm lại mộ chồng và người thân trước khi trở về Hội An.

Bà Mitzuki vừa bước ra khỏi cổng nghĩa trang đã thấy Hà đứng đợi. Nàng mở cửa xe.

- Sáng nay Viễn-Bình có lớp dạy ở Rikkyo University. Vợ chồng cháu mời cả nhà ăn trưa tại một nhà hàng Việt nam gần trường. Con nghe Viễn Bình nói phở ở đó ngon lắm.
- Cháu nhắc tới phở làm tôi lại nhớ cao-lầu Hội An.

Hà bật cười.

- Bà mới xa Phố chưa được mười ngày mà!?  Nghe bà nói làm cháu muốn ngày mai theo về ăn hàng cho đã.

Hà tấm tắc “chấm điểm” các hàng quán ngon khắp chợ Hội An trong lúc lái xe về nhà. Bà Mitzuki thích thú nhủ thầm, thì ra mình cũng đã “nếm” hầu hết món ngon trong chợ. Hai năm sống đầm ấm an cư bên con cháu giúp bà cảm thấy gắn bó với người dân phố Hội chơn chất thiệt thà.

Bà mãn nguyện đã giúp đứa con dâu đảm đang của mình mua lại được căn nhà sau cửa biển và nghĩa trang gia đình từ công ty du lịch Hiroshi đang phục vụ. Con trai cũng được mẹ tặng một số tiền lớn đủ giúp anh sở hữu 51% trị giá cổ phần của khu nghỉ mát anh đang điều hành ở Cửa Đại. Nữ vui mừng đón nhận món quà quý giá nàng không dám mơ tưởng tới, nhất là trong tương lai công ty sẽ không thuyên chuyển Hiroshi đi bất cứ nơi nào khác.

Nữ đang sống giữa tháng ngày hạnh phúc trọn vẹn. Mỗi sáng hai bà cháu theo Nữ về Phố. Thời gian Eidan ở trường mẫu giáo, bà Mitzuki bận rộn với lớp dạy tiếng Nhật hay giúp cậu Chấn tiếp xúc hướng dẫn du khách muốn tìm hiểu về di tích văn hóa Chàm Sa Huỳnh hay văn hóa Việt Đông Sơn. Trung Tâm Thục Nữ và phòng trưng bày cổ vật lúc này đã dời về ngôi nhà cổ từ đường. Hình ảnh bà Mitzuki Nguyệt quí phái trong chiếc áo dài Việt Nam nói tiếng Nhật nghe còn hay hơn du khách Nhật Bản hay lúc bà trang trọng trong bộ iromuji kimono rực rỡ màu hoa anh đào lại nói tiếng Việt theo giọng Huế rất lưu loát khiến nhiều người đứng ngây nhìn hâm mộ.

Quán ăn nhỏ, bài trí khang trang. Mọi người đến quán gần như cùng lúc.  Eidan vừa ngồi vào ghế giữa bà nội và mẹ Nữ thì vợ chồng Viễn-Bình bước vào. Anh xoa đầu cậu bé, nói bằng tiếng Nhật.

- Ở quán này, muốn ăn gì bé Khang phải gọi bằng tiếng Nhật đấy!

Nhìn bố gật đầu mỉm cười khuyết khích con, Eidan bập bẹ.

- Soba…shabu…wo kudasai    (Cho tôi mì…xúp bò)

Mẹ Nữ chỉ cho con thấy bảng thực đơn treo trên tường.

- Quán này họ có phở đó con.

Ai nấy đều thích thú cười nghe bé Khang dỏng dạc, tự tin nói với cô hầu bàn người Nhật bằng tiếng Việt.

- Bán cho tô phở.

Bà nội vui quá, nựng tai cháu khen không dứt.

- Giỏi quá! Eidan nói giỏi quá! Vậy thì nhờ cháu gọi mua cho bà một tô phở luôn.

Hà ngưng đũa nhìn mọi người xì xụp ăn tô phở xa quê không rau húng quế, giá sống mà vẫn thấy ngon. Nàng báo tin mừng nhận được từ người anh họ đến mọi người.

- Cháu vừa nhận điện thư vợ chồng anh Đăng gởi cho hay anh chị sắp có em bé. O Nhi bác Dõng vui quá rồi, sắp được lên chức ông bà ngoại.

Nữ bật cười nhớ lại lời chị Nhi nói chuyện qua điện thoại hôm trước chuyến đi.

- Bác Dõng có nói đang trông lên chức “thằng ông ngoại” cho bằng bạn bè lúc gọi nhau.

Bà Mitzuki cười nhìn vợ chồng Hà, Viễn-Bình.

- Còn cặp vợ chồng son ni có tính toán chi chưa?
- Dạ chưa. Tụi cháu làm đám cưới sau anh chị Đăng và Jeanette cả năm. Với lại…

Hà nhìn chồng tiếp lời.

- Tụi cháu còn lu bu quá. Cháu mới tốt nghiệp cao học, còn đang thực tập ngân hàng ở Tokyo. Anh Viễn-Bình dạy năm đầu ở Rikkyo University, vừa được mời làm giáo sư thỉnh giảng ở Đại học Chicago niên khóa tới. Đây là dịp may hiếm có cho hai đứa. Cháu có thể sẽ theo qua sống ở Mỹ một năm cho biết.  Có dịp trau dồi thêm Anh ngữ và ghi danh học thêm về quản trị nhân viên.

Viễn-Bình gật đầu đắn đo.

- Ý định lớn trong đời của vợ chồng cháu vẫn là con cái sẽ được sinh ra, lớn lên ở Hội An và sẽ theo gương O Nữ trong lãnh vực giáo dục. Cháu chưa biết sẽ tiến hành như thế nào, nhưng ước mơ thôi thúc của cháu là mở một trường cấp cao đẳng hay đại học ở vùng Hội An - Đà Nẳng.

Mọi người gật đầu tán thành. Bà Mitzuki nâng cao tách trà xanh gyokuro.

- Chúc mừng ước mơ của hai cháu sớm thành sự thật. Tới lúc đó, đừng quên bà già Mitzuki Nguyệt ni… Cũng là dân cựu Waseda đây nghe! Suốt sự nghiệp với Waseda nên bà già ni cũng biết đôi ba chuyện về quản trị đại học. 

O Nữ nhìn cháu.

- Anh Huy của cháu thì chưa nghe nói năng chi. Nhưng mà nói cho ngay… O rất mừng anh chàng thoát được cái lưới của cô Hường Vi trước đây. Tính tình cũng thay đổi nhiều, rất mừng. Mẹ Nương là người vui nhất.
- O khỏi lo! Anh em tụi cháu liên lạc nhau thường. Không chừng Tết này anh Huy sẽ đưa bạn gái về ăn Tết để ra mắt O luôn.  Hà cười… Có một cô bác sĩ trong nhà cũng đỡ lúc khẩn cấp.

(còn tiếp)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2016