SỐ 69 - THÁNG 1 NĂM 2016

ới Tàng Cây Trứng Cá

Từ đỉnh Đồi Doi Tung, nơi toạ lạc vườn thượng uyển của Hoàng Gia Thái, Mae Fah Luang Garden, ba chiếc xe cọc cạch nối đuôi nhau đưa nhóm du khách xuống đèo; đường đèo một chiều quanh co, không tráng nhựa, lồi lõm chòng chành. Ba chiếc xe vừa lăn bánh bụi đã bốc lên mù mịt. Trên đường đi, nhiều đoạn, xe trước xe sau chẳng nhìn thấy được nhau. Bề ngang1 con đường quá hẹp cho xe của những công ty dịch vụ du lịch, nhưng lại đủ lớn cho những chiếc xe được tân trang, cải biến, loại xe đã "nghỉ hưu" trên xa lộ cao tốc. Như mỗi con người được sinh ra cho riêng một mục đích, các xe phục hồi này chỉ chuyên trị đường đèo hiểm nguy và được dùng đưa đón khách, những người rủng rỉnh hầu bao tò mò muốn biết kỳ hoa, dị thảo trong vườn các vương chúa thời xưa.

Mặc cho những xe này đã quá cũ, "luật bến" bắt buộc dồn đủ chục người cho một cuốc xe dù phải chen lấn nhau. Dĩ nhiên là quá tải. Chỉ nhìn bình thùng xe là đã rùng mình, nhiều chỗ đã móp méo, lớp sơn ngoài đã phai màu và nứt nẻ như da người bịnh hủi. Nhiều người nói đùa đây là những thùng thiếc có động cơ. Nói vậy là hơi quá, nhưng độ chính xác cũng khá cao. Với hai hàng băng ghế sắt cho khách ngồi đã rỉ sét không còn đủ mớ đinh vít, khi xe chạy, tiếng ồn ào phát ra như báo hiệu chiếc xe sắp gãy, băng ghế lung lay như muốn liệng cả khách xuống đường. Trừ những đoạn cua ngặc phải giảm tốc độ, chiếc xe cứ như đứt thắng phóng vùn vụt, lao về phía trước trong tư thế sẵn sàng rơi xuống vực thẳm. Cứ y như mỗi chuyến xuất phát là một phi vụ cuối cùng (nói theo kiểu văn chương gián điệp). Ngồi đối mặt nhau, tay đánh đu vào thanh sắt trên trần xe, đám hành khách phó mặc sinh mệnh cho chiếc xe cà tàng xốc tới dằn lui. Nỗi bất an và lo lắng hằn rõ trên gương mặt mệt mỏi của từng người. Tuy vậy, trong số này, nhiều người vẫn không muốn mang tiếng là nhát gan. Họ đã cố gắng quên đi nỗi ưu tư về nhân mạng qua đôi mắt lim dim trong lúc bàn tay kia thì khư khư bám chặc lấy vòng tràng hạt, con dấu bảo đảm trên visa nhập nội thiên đường trong trường hợp có xảy ra tai ách. Chắc chắn họ đang cố nhớ lại các phẩm kinh sám hối, và âm thầm đọc những lời cầu an mỗi khi chiếc xe uốn lượn theo thế cong queo của con đường đèo: "...nguyện ngày an lành, đêm an lành...Xin đấng Từ Bi thường gia hộ..."

Từ trên triền đồi nhìn xuống, con đường nằm uốn khúc như một con rắn trườn, ẩn hiện xuyên qua rừng cây nhiệt đới. Xa xa, nổi bật giữa nền viền đất đỏ là những khu ruộng vườn trù phú, ở đó bốc lên những đám khói màu mây xám lơ lửng giữa không gian xanh cỏ ngút ngàn.

Sương chiều miền núi, bụi đường, khói xe, hòa với hơi nồng nặc của mùi mồ hôi người trong lòng chiếc xe chật chội đánh mất cái thú xem hoa lịch lãm của buổi sáng.

Cuối cùng thì ba chiếc xe khốn khổ này cũng hoàn tất được nhiệm vụ nặng nề của chúng: chuyển được số du khách ra đi và trở về an toàn nơi bến vắng. Khi nhìn thấy chiếc xe khách tiện nghi, to lớn đang nằm yên, lặng lẽ chờ, nhiều tiếng thở phào nhẹ nhỏm cất lên như vừa hất xuống được tảng đá ngàn cân đè nặng trên lồng ngực. Mặt trời to và tròn, đỏ như trái ấu, lấp ló bên mé rừng sao phía sau lưng đồi. Hàng cây Hoàng Yến quý phái, hoa của Vương Quốc Thái, bây giờ trông lẻ loi, suối tóc hoa vàng đã bớt đi vẻ lóng lánh trong nắng chiều. Khu chợ ồn ào tấp nập người, với những gian hàng đầy ắp đồ kỷ niệm giờ này đã kín cửa. Lòng chợ trống trơn không một bóng người ngoại trừ hai quán ăn nằm khuất bên kia một sân trống sau mấy bụi cây thấp, cửa vẫn rộng mở. Thiệt ra, cả hai quán này chẳng có cửa để đóng. Nói một cách chính xác thì chúng có mái che mưa nắng làm bằng các loại lá cây rừng, phên, nứa khéo léo bện vào nhau. Quán không tường, không vách. Một chiếc bàn gỗ cũ kỹ, trên đó, chất đầy chai, lọ mang nhãn hiệu xanh đỏ với những hàng chữ Thái ngoằn ngoèo y như lá bùa của mấy ông thầy pháp. Hình như hai người chủ quán này đã cố tình "đóng cửa" muộn để rước khách. Thực tế cho họ biết hoa dù đẹp vẫn không lấp đầy cái bụng trống. Du khách đi thăm viếng vườn thượng uyển, khi "hạ sơn", chắc chắn cần một chút gì đó trước khi lên đường rút về trú quán ở những phố lớn cách xa dưới kia vài chục dặm đường. Chiếc xe khách cồng kềnh đang nằm tại bến đã cho họ niềm tin, và họ đã may mắn thắng ván bài chờ đợi.

Đoàn khách hôm nay đông hơn thường lệ. Bốn mươi người chia nhau tuỳ thích--cơm hay hủ tiếu--theo lời người hướng dẫn, kéo đến hai quán ăn, chiếm hết những chiếc đẩu nhựa màu mè rẽ tiền "Made in China" đặt quanh mấy chiếc bàn gỗ thấp lè tè ngang gối. Trong khoảnh khắc, tiếng va chạm bàn ghế, bát đũa, cùng tiếng cười nói, đánh thức dậy cái sinh 2khí của một buổi chợ chiều giữa khu hoang vắng.

Gần cả tháng nay Mai đi cùng một phái đoàn hành hương qua các nước Đông Á, nàng bắt đầu thèm thức ăn Việt. Cà ri dê, món ăn mà có gần một tỉ người Ấn dùng ba bữa mỗi ngày; và sầu riêng, một loại trái cây gai nhọn kỳ dị, mùi vị nồng nặc áp đảo nhưng lại được  tương đương với cùng dân số đã nói ở các nước Đông Á ưa chuộng; cả hai lại xa lạ với khẩu vị và thường xuyên hành hạ cái bụng không mấy “tốt" của nàng.

Mai chỉ vừa đặt chân lên đất Thái Lan, quê hương của sầu riêng sau hơn hai tuần viếng thăm bốn Phật tích lớn ở Nepal và Ấn Độ. Một chuyến hành hương để đời, đầy ắp thức ăn tinh thần, và “xót xa lòng dạ” bởi lạ lẫm thức ăn.  Nàng nhanh nhẩu nhờ Sư hướng dẫn, người duy nhất trong phái đoàn biết tiếng Thái, gọi cho mình một tô hủ tiếu và một chai nước lọc. Vừa đói vừa ngon miệng, nàng chỉ múa vài đường đũa là cạn tô. "Ngon! Cách họ nêm nếm giống mình, mằn mặn, cay cay", Chị Diệp ngồi cùng bàn, hít hà khen tài nấu ăn của người Thái. Mai khui chai nước, rót vào ly. Nàng vừa rót nước vừa gật đầu đồng tình với lời phẩm bình của Chị Diệp. Một cơn gió chiều thổi mạnh lao chao hàng cây, lá hoa rơi rụng vươn vãi. Có một vật nhỏ rơi vào ly nước Mai đang uống. Mai dùng chiếc muỗng vớt lên vật lạ. Nàng bất ngờ khám phá được một điều kỳ thú. "Trái trứng cá, trái trứng cá!" Trong vui mừng, Mai reo lên như một đứa trẻ.

"Y chang. Đúng rồi, trái trứng cá!", Chị Diệp vừa xong tô hủ tiếu của mình cùng hùa theo Mai. Lúc này mọi người mới nhận ra là họ đang ngồi dưới những tàng cây trứng cá. Những cây trứng cá này không to lớn, nhưng tàng cây thì tỏa rộng, lá giăng phủ kín cả một bầu trời. "Ối giời, trứng cá đây này!", từ bên hàng cơm, tiếng Chị Hoà, Cái Thảo cũng reo to. Thế là những cô, những bà trong phái đoàn, không phân biệt tuổi tác cùng hùa nhau kéo cành, vạch lá tìm..."trứng cá". Chỉ một phút chốc cơn mệt mỏi sau một ngày lang thang biến mất. Mọi người như vừa tìm lại được sân nhà tuổi thơ của mình. Vợ chồng anh chủ hàng hủ tiếu đột nhiên thấy mình hạnh phúc gấp đôi. Cùng với số lợi tức bất ngờ-bán sạch thức ăn- họ mục kích được động thái trẻ thơ của những người khách lạ mà số đông đã quá rồi cái tuổi măng non.

Mai đứng lên trên một chiếc đẩu, nhón gót kéo xuống một nhánh lớn. Núp dưới tàng lá xanh thẫm và nhọn là những trái nhỏ, tròn bóng. Một số xanh tươi chen lẫn những trái vàng, và một số đỏ mọng, xinh xắn như những viên bi chai. Mai lựa một trái mà nàng ưng ý, cho vào miệng. Sau một tiếng “bụp” nho nhỏ, một chất nước ngọt lịm quen thuộc tuôn tràn. Nàng khép hờ đôi mắt theo dõi vị ngọt thanh của trái trứng cá mà mãi gần bốn mươi năm qua mới gặp lại. Dịu, thanh trên đầu lưỡi. "Um...ngọt ơi là ngọt!", Mai thích chí gật gù. Rồi bất chợt một ý nghĩ thoáng qua đầu, Mai hái thêm vài trái. Nàng đi thẳng đến quán cơm bên cạnh, nơi có vị sư trưởng đang dùng trà sau buổi trai tịnh dã chiến. "Con tặng Sư mấy trái trứng cá Thái Lan", Mai dâng một cách cung kính, "con thấy rất ngon, không thua gì trứng cá ở quê nhà". "Sa tú, sa tú, lành thay, lành thay." Sư mỉm cười, "ngon hay không là ở cái tình"...

Nắng chiều đã tắt.  Buổi cơm cuối cùng tại Chiang Rai chấm dứt. Phái đoàn lũ lượt kéo nhau ra xe trở về Bangkok. Một hành trình trên 840 cây số, gần 11 giờ, qua đường số 11.

Xa lộ xuôi Nam êm ả. Phẳng lì. Bóng tối nuốt gọn nhà cửa cây cối. Dọc theo hai bên đường đèn đã lên, thắp sáng con lộ cao tốc rộng và khang trang, dấu hiệu của một nền kinh tế phát triển. Mai bất ngờ ganh tị với xứ người, nhớ đến cái thôn xóm hiền hoà bỏ lại vội vã trong một đêm sóng gió trên chiếc thuyền câu khi cuộc chiến đến đoạn ác liệt cuối cùng.

Ánh sáng chập chờn xuyên qua khung cửa xe. Mai thở dài, thả người trên ghế. Nàng mân mê mấy trái trứng cá trong lòng bàn tay, hình dung lại ngôi nhà mái rơm, ba gian, nằm giữa một cánh đồng lúa xa tắp, bát ngát vừa qua vụ mùa chỉ còn trơ gốc rạ.

3Xa xa, ở hiên tây, bóng dáng rặng núi Ba Hồ im lìm như đang mê ngủ trong một buổi trưa trời hong gió nồm. Trong sân, bên đống rơm khô cao phả đầu, bốn chiếc xe đạp nằm lổn ngổn, cặp, sách vứt bên cạnh bừa bãi. Tháng sáu mặt trời thiêu cháy cỏ, nứt nẻ đám ruộng khô, nhưng dịu mát dưới những tàng cây trứng cá. Đám lá xanh rì nhọn như phi đao che kín được ánh nắng cả một mảng trời. Bốn thằng con trai lưng trần nhanh nhẹn đu, chuyền trên mấy nhánh cây, ra sức hái những trái chín mọng, liệng vào mấy chiếc nón lá đang hứng chờ bên dưới. Nhiều trái không rơi vào nón, lọt xuống đê, nổi lềnh bềnh theo mấy cánh hoa trắng nhỏ nhấp nhô dày đặc dòng nước. Bốn đứa con gái, hai vạc áo dài cột vào nhau, quần ống xắn lên cao, lội xuống dòng nước mát lạnh thi nhau tranh dành. Tiếng la hét vang dội, lảnh lót giữa chỗ đồng không mông quạnh.

Ký ức của Mai mở ra từng trang thời cắp sách. Mỗi năm, khi niên học tàn, khi những dòng lưu bút đã viết và cây bông phượng độc nhất trong sân trường đỏ rực hoa học trò, Mai thường rủ đám bạn về nhà Ngoại, cách xa trường cả chục cây số. Từng cặp, từng cặp, đèo nhau trên những chiếc xe đạp thô sơ, vượt cả dặm trên con lộ Bắc Nam; còng lưng, phờ người trên con đường đất ruộng gập ghềnh vắng lặng dưới nắng hè gay gắt. Nhà Ngoại của Mai cách đường một con đê. Cổng vào có hai cây trứng cá cao lớn, tàng cây tỏa rộng soi bóng trên dòng nước dẫn về từ thượng nguồn xa thẳm. Con đê dài và nước bốn mùa trong vắt. Đám cỏ dại dọc hai bờ đê xanh mướt, lấm tấm điểm vàng, và những bông loa kèn tím nhỏ.

Hái trứng cá xong sẽ đến xoài. Mai nhớ nhất là món xoài xanh chấm nước mắm đường. Dòn rụm. Chua chua. Mằn mặn. Nàng nghĩ lan man đến vị mặn của nồi kho cá đồng. Buổi cơm gạo mới ăn với xoài sống, húp canh tập tàng, nấu bằng đủ thứ rau lá nơi vườn sau do chính tay Ngoại nấu.

Mẹ Mai đã ra đời và lớn lên ở ngôi nhà này cùng bốn người chị và năm người anh. Tất cả đều được do chính Ngoại sinh ra và tự chăm sóc từ thai nghén đến sinh đẻ. Một người đàn bà quán xuyến, tài hoa từ nuôi con đến công việc đồng áng.

Cuộc sống tưởng mãi sẽ êm xuôi. Cho đến một đêm mùng ba Tết lúc mọi người đang vui vẻ đón Xuân, theo lời Ông, mấy người trên núi cùng một người quen ở cuối xóm bất ngờ xuất hiện. Họ bắt Ngoại và Cậu ra đi giữa đêm khuya. Sáng sớm hôm sau, Ông và người hàng xóm đã lần theo dấu, tìm được xác Ngoại dưới một huyệt trống mới đào vội vã đêm qua, nét hãi hùng vẫn còn đọng trên mặt Người. Sau đêm định mệnh đó nhà Ngoại không còn cái ấm áp và bình yên cũ. Trong mọi người, tất cả xáo trộn, đời sống lẫn tâm thức. Mùa xuân đó, chiếc nôi êm ái của mẹ ngày thơ ấu đã tan vỡ, bay theo những mãnh vụn của tiền giấy và vàng mã tiễn đưa một người về cõi tịch u.

Từ đó những lần về quê Ngoại luôn rập rình bòng dáng của hoang mang. Phải rời nhà Ngoại trước ánh dương tà. Khi bóng cây thu đủ ốm yếu thu nhỏ bằng cây tăm ngã dài trên đống rơm khô, cả bọn hối hả thu tóm kéo nhau ra về. Còn phải gò lưng đạp xe không ngưng nghỉ suốt con đường đất nối vào quốc lộ về phố chợ xa thẳm trước khi tắt nắng chiều…

Và trong một ngày tháng Tư nắng lửa đã đốt cháy đất đai, người và muôn thú, từ Bắc vô Nam, từ cao nguyên hùng vĩ đến đại dương xanh thẫm. Đất nước đổi ngôi với những chủ nhân mới, hai cây trứng cá chịu cùng mệnh số của gia đình Mai, đã tróc gốc. Những cánh hoa trắng nhỏ, trong mùa trái cuối cùng, không chịu đựng nổi cơn chấn động của trận đại hồng thủy nhân tạo, tả tơi theo gió bay xa. Tan tác. Con đê làng đã cạn, khô theo những giọt nước mắt lăn triền miên trên gò má của những người thân, khóc cho một cuộc đổi đời nghịch lý.

Trong trang cuối của ký ức, hình ảnh S và T hai anh bạn cùng lớp với nụ cười đã nhạt. Thật tội nghiệp cho cả hai. S ra đi nhưng không đến; thân xác rã rời, trơ trọi nằm trên một bãi biển khi thuyền anh bị bọn người tổ chức hãm hại. T thì đến, nhưng mộng tưởng và mơ ước đã không trọn. Ở cái tuổi mà con đường trước mặt muốn dài ra thì thực tế đã đứt đoạn. Nhưng không sao, thất vọng có đong đưa rồi nỗi đau cũng dứt. Sau những ngày tháng bôn ba xứ người, ước mơ chưa thành rồi cũng rũ bỏ, anh thong dong đi về miền heo hút, ở tuổi mới vừa qua nửa đời.

Mai khép đôi mắt mệt mỏi, trang cuối cùng của ký ức bốn mươi năm cũng nhanh chóng khép lại. Lời kinh đêm chấm dứt thời công phu khuya…

Ngày mai đến Bangkok phái đoàn sẽ đi thăm một tu viện. Sẽ có buổi cúng dường trai tăng cho hơn một ngàn tăng sĩ. Mai sẽ dâng lễ vật cho quý sư, sẽ cầu nguyện cho riêng hai bạn học và gởi về hai anh mấy trái trứng cá tuổi nhỏ hái từ Chiang Rai.

Đường Du Hào
Dốc Gió, đầu 2016
.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2016