SỐ 69 - THÁNG 1 NĂM 2016

Một Lá Thư Tết, Gõ Tuổi 60

 

Chào các bạn lớp B1,

Trước thềm Năm Mới thân chúc tất cả các bạn 60 tuổi sức khoẻ là nhất, và mọi sự như ý!

Năm nay diễn đàn lớp B1 tụi mình lên 10 tuổi, cùng lúc tuổi đời bọn mình "lên" sáu mươi  trừ vài bạn phải chờ năm tới; nhưng cũng có bạn  đã đón 60 năm vừa qua. Theo văn hóa Á Đông sáu mươi là cái mốc của một đời người; ngoảnh lại sao mà nó nhanh thế!

Mới ngày nào sinh nhật bọn mình mười tám
Mà năm nay phải đón tuổi sáu mươi!


Nhanh đến nổi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phải đã thốt lên:

"Giật mình! Ôi chiếc lá thu phai!"

Lá thu tuy bị "phai"; nhưng màu lá rất đẹp!
Tụi mình 60; nhưng "tâm hồn còn rất trẻ" có phải không?

Nghĩ tới dòng thời gian trôi, tôi cho rằng xuân là thời gian còn học ở Võ Tánh; hạ là lúc phải "cày bừa" trả nợ cơm áo; thu là tuổi về hưu; và đông là lúc dưỡng già ở viện dưỡng lão, còn xa lắm chưa nghĩ tới! Như vậy bọn mình người thì đang cuối hạ, kẻ mới đầu thu. Bạn bè lâu ngày gặp nhau thay vì hỏi "dìa hưu chưa mày?" thì nên hỏi "vào thu chưa mày?".

Một ngày trong dòng thời gian của mùa xuân, ngày sinh nhật 18 được hai bạn ngồi chung bàn Ngô Duy Khánh và Dương Tòng Chinh "chung sức" tặng quà sinh nhật  cuốn  "Thi Hào Tagore", một nhà thơ Ấn Độ, người châu Á đầu tiên được giải Nobel Văn Chương. Hôm ấy Chinh đạp chiếc xe đạp "dàn" sơn màu bạc, áo trắng  dài tay xắn lên vài cuộn, chân mang dày Bata đen, thỉnh thoảng lấy tay vuốt mái tóc dài dài của mình cho sát vào đầu. Mặc dầu sắp thi Tú Tài II cũng đã đạp xe tới căn nhà Nguyễn Tường Lân và tôi đang học thi mà tặng cho quyển sách.

Mấy tháng trước, sau khi "tìm ra" DT Chinh sau hơn 40 năm tôi điện thoại về nhà hỏi thăm cuốn sách nay ở đâu để gởi sang cho tôi  xem lại nét chữ  của Chinh và Khánh hồi đó. Nhưng mẹ tôi cho hay sau 75 nhà nước đã trưng mua kí lô những sách vở "đồi trụy của Mỹ & Ngụy" để lại. Như thế tôi đã mất đi một kỷ vật quí giá của đời mình.

Ước gì có phép được đi ngược  giòng thời gian  để có lại cuốn sách! Từ ấy tới giờ tôi chưa nhận được  quà sinh nhật lần thứ 2. Ý quên! xin đính chính: sinh nhật tuổi 30~59 được hiền thê nấu cơm tối thịnh soạn hơn ngày thường.

Phong tục Việt Nam không ăn sinh nhật 60 lớn như những nước bị ảnh hưởng văn hóa Tàu như Đại Hàn và Nhật Bản. Trong lúc Tàu gọi là "Giáp Tý", thì Đại Hàn gọi là "Hoàn Giáp", và Nhật Bản gọi là "Hoàn Lịch".  "Giáp" đây là  "giáp vòng" của 10 can (Giáp, Ất , Bính,  Đinh, Mậu, Kỵ, Canh, Tân, Nhâm, Quý) và 12 chi (Tý, Sửu, Dần , Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi) theo lịch của Tàu. Sáu mươi tuổi là "hoàn lịch" vì đó là bội số chung nhỏ nhất của 10 và 12  (hình như số nguyên tố, cách lấy bội số chung nhỏ nhất, và ước số chung lớn nhất đã được học năm đệ lục?).

Tiếng Việt gọi 60 tuổi là "thượng thọ lục tuần"; nghe sao mà nó "lê thê", longevity, trịnh trọng, và "lên chức lão"  quá!. Nếu "trẻ hoá" theo  "văn chương internet" mà có bạn đã nói đó là "sáu bó".

Người Nhật ăn mừng "Kanreki (hòan lịch)"  lớn. Ngày đó họ mặc áo đỏ và đội mũ màu đỏ.  "Đỏ" không phải là bắt chước Tàu màu đỏ là màu tốt, màu hên mà vì chữ "đỏ" tiếng Nhật gọi là "akai"; con nít mới sanh ra được gọi là "aka-chan" như từ tiếng Việt "con nít còn đỏ hỏn";  vì trở lại trẻ sơ sinh, trở lại aka-chan, nên mặc đồ màu đỏ.

Năm nay bọn mình đồng loạt "thượng thọ lục tuần"; nếu "cụ" nào  gặp "người mẫu" của những tấm hình mà có bạn đã post lên diễn đàn B1 hỏi:

"Cháu chào chú ạ!  năm nay chú được bao nhiêu rzồi mà sao trchông chú còn trchẻ quá vậy?!"

Mở cờ trong bụng bèn "lấp liếm" tuổi tác bằng cách bắt chước "cụ" Nguyễn Công Trứ ngày xưa mà "xổ nho"  rằng:

"Tứ thập niên tiền, nhị thập xuân xanh"   (NCT)

Ai muốn "thả dê"  thì ca bài "Tình Cầm" của thi sĩ Hoàng Cầm:

"Nếu anh còn trẻ như năm cũ
Quyết đón em về sống với anh
Những buổi chiều vàng phơ phất lại
Anh đàn em hát níu xuân xanh"
    (HC)

chắc chắn sẽ được nàng ca "họa" lại cho mà nghe:

Dù anh có trẻ như năm cũ
Chưa chắc em về sống với anh
Chăn chiếu rận con bò chi chít
Em vào rận cắn nát xuân xanh! 
                                             

Sợ già, sợ bệnh nhưng không sợ tuổi bởi vì trên internet đã có bài thơ "Già" của ai đó:

"60 chưa phải đã già.
60 là tuổi mới qua dậy thì" 
   (thi ca internet)


Chúc tất cả 60 tuổi với những gì đẹp và quí báu nhất của một đời!
Không bệnh!   Sức khoẻ!    Mạnh mẽ!

Now is golden time
Worry left behind
Pursue what we like
Let us enjoy life!     
                             

Bạn của quí vị,
Lê Văn Hòa B1 VT-73



I) Nguyên văn câu nói của cụ Nguyễn Công Trứ là " Ngũ thập niên tiền,nhị thập tam"; như vậy so ra bọn mình còn "quá trẻ".

II) "xổ nho": Thời trung học của bọn mình có nghĩa là "tán gái" hay là "cua gái"; sau '75 có nghĩa là "cưa gái". Chữ "cua" có lẽ lấy từ động từ courir của thành ngữ "courir après une femme(to run after a girl)"; còn chữ "tán" tôi nghĩ lấy từ 2 chữ "tán dương" hay "tán tụng" cốt dùng những tiếng "hoa mỹ" mà "ca tụng" bạn gái chứ không phải là "tán nhỏ"; như vậy nó đồng nghĩa với "xổ nho". Sau 75, từ "cưa gái" du nhập từ miền Bắc? với ý tưởng "có công mài sắt có ngày nên kim" nên nó thành "có công cưa gỗ có ngày đốn cây" chăng? Do đó khi "tán được" em nào có nghĩa là "cưa đổ" em đó.
Phân tích sẽ thấy tính chất khác biệt cá tính con người của văn hóa phương Đông với phương Tây, giữa miền Nam và miền Bắc. Trong lúc phương Tây phải tích cực, phải "chạy" (do đó ở VN bây giờ những "siêu sao", "chân dài" hàng đầu đều nằm trong vòng tay của trai Tây !) thì Phạm Thiên Thư trong "Ngày Xưa Hoàng Thị" chỉ "đi bộ lẽo đẽo"   theo sau nên xác suất thất bại rất lớn! vì "gái đoan trang dễ đâu làm quen".  Cũng vì thế mà những vần thơ học trò ai oán, bi lụy, đầy nước mắt và đau khổ được ra đời sau khi tiêu tốn của ba má mấy bao "tương tư thảo" và mấy cốc cà-phê ?! Trong lúc miền Nam "đánh nhanh" dùng "mỹ từ pháp" để "tán" thì miền Bắc chỉ nhẫn nại, kiên trì, dai lì, "trường kỳ kháng chiến"  để đi đến "chiến thắng". Nhưng thời gian cần thiết sẽ là bao lâu? 1 năm? 2 năm? hay 3 hoặc 4? có vẽ chiến thuật này không thích hợp và áp dụng được cho tuổi 60! Nếu trở lại "mùa xuân Võ Tánh" quí vị nghĩ quí vị thuộc "phái" nào?:tán gái(phái xổ nho), theo gái (phái Phạm Thiên Thư), cua gái (phái chạy), cưa gái (phái lì), hay là "dại gái" như Phạm Tấn Dũng lớp B3 đi "cua" Bùi Xuân Dương hồi đó hát quan họ rằng: "tôi còn, còn có mỗi, mỗi cái dù; tôi đem, là đem bán nốt, tôi theo, là  theo cô nàng"  trong vở kịch "Cô Hàng Nước" của Võ Tánh, tuần lễ sinh hoạt học đường 1973 ở Nha Trang.

III)   Tương lai "sáng lạng" sau "thượng thọ lục tuần" theo "nghiên cứu" của Giáo Sư Đặng Lương Mô,nguyên Viện Trưởng Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ, trước 75 như sau
      1. 70 tuổi: Koki 古稀(Cổ Hi). Từ này cũng khá phổ biến nên nhiều người biết và quen gọi là Cổ Lai Hi ở Việt Nam, do câu  thơ Ðỗ Phủ 杜甫 “Nhân sinh thất thập cổ lai hi,人生七十古来稀” nghĩa là “đời người được bảy mươi năm xưa nay là hiếm có.” Lễ mừng thọ Koki thường được tổ chức vào ngày sinh nhật thứ 69, nghĩa là ở tuổi đếm (kazoe-doshi数え年) 70, chứ không ở tuổi chẵn 70. Tuổi đếm tiếng Việt là “tuổi ta, tuổi mụ.” Tuy nhiên, ai đã lỡ quên không ăn mừng thọ Koki ở tuổi đếm 70, thì làm lễ vào tuổi chẵn 70 cũng được.
      2. 77 tuổi: Kiju喜壽(Hỷ Thọ). Gọi là Hỷ Thọ, bởi vì đây là do chữ Hỷ 喜viết lược thành , và đọc chiết tự thành Thất Thập Thất, 七十七, tức là Bảy Mươi Bảy.
      3. 80 tuổi: Sanju傘壽(Tản Thọ). Gọi là Tản Thọ, bởi vì chữ Tản 傘viết lược thành仐, và đọc chiết tự thành Bát Thập八十, nghĩa là 80.
      4. 88 tuổi: Beiju米壽(Mễ Thọ). Gọi là Mễ Thọ, bởi vì chữ Mễ 米nếu chiết tự sẽ thành Bát Thập Bát八十八, nghĩa là 88.
      5. 90 tuổi: Sotsuju卒壽(Tốt Thọ). Gọi là Tốt Thọ, bởi vì chữ Tốt 卒viết lược sẽ thành卆, và triết tự thành Cửu Thập九十, tức là 90.
      6. 99 tuổi, tức tuổi đếm 100: Hakuju白壽(Bạch Thọ). Sở dĩ gọi là Bạch Thọ, bởi vì chữ Bạch白là chữ Bách百(100) bỏ chữ Nhất 一(1) đi, nên chỉ còn 99. Giống như trường hợp Koki, ở Nhật người ta ăn mừng tuổi thọ 100 tuổi theo tuổi đếm.
      7. 110 tuổi: Kouju皇壽(Hoàng Thọ). Chữ Hoàng gồm chữ Bạch白(99 tuổi) cộng với chữ Vương王. Chiết tự chữ Vương王sẽ thành Nhất Thập Nhất 一十一(11). Vậy 99+11=110.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2016