SỐ 69 - THÁNG 1 NĂM 2016

THỦY TRIỀU

Ngọc Cân

Bác gái tôi dẫn hai đứa tới chiếc xe đò đề chữ “Nha Trang – Ba Ngòi”. Anh lơ xe vồn vã chào đón, bác tôi nhìn người ta ngồi đầy xe. Anh lơ luôn miệng nói “còn chỗ mà… có ba chỗ tốt cho bà ở hàng trên”. Anh mở cánh cửa của hàng ghế nệm thứ ba, cũng là hàng ghế ngang cuối cùng, phía sau đó là khoang xe có hai ghế gỗ dọc hai bên. Anh la những người kia “ép dzô, ép dzô”. Họ nhìn bác tôi rồi dồn nhau về bên phải. Bác tôi lên trước, anh Hòa lên theo, tới tôi thì rõ ràng là không còn đủ chỗ, dù tôi ốm nhách.

Anh lơ lướt qua sự ước lượng sai của mình, đề nghị liền “hay em ra trước đứng sau lưng tài xế”, nhìn cái giò khẳng khiu của tôi, anh xoay “hay em ra phía sau, có ghế ngồi đàng hoàng”. Bác gái nhìn ra sau, không nói gì; anh tôi ngơ ngác. Tôi lui xuống, đi vòng đầu xe; anh lơ bước theo, mở cửa trước bên phải cho tôi leo lên, chỉ chỗ cho tôi đứng. Chỗ ấy sát bên lưng ghế tài xế, ngay sau cần số; không vướng bận ai, có một cột sắt để vịn rất tiện nghi.

Bác tôi không biết là tôi thực sự thích đứng nhìn chiếc xe lướt tới trên đường nhựa hun hút, cảnh vật hai bên đường được nhìn thấy từ xa tới gần. Nhìn những đám đông phải dạt ra cho xe qua. Nhìn xe chạy ngước chiều như chắc chắn sẽ đâm vào nhau. Nhìn nắng nóng làm mặt nhựa đường bốc hơi lung linh. Được nhìn bác tài cầm cần số lúc lắc, khi thì êm re, khi thì gằm gừ một lúc mới vô được số.
Trong những lần di chuyển với gia đình, mỗi khi ba tôi đổi đơn vị, tôi vẫn thường đứng như vậy không tính vé, vé xe đò chạy suốt đường xa rất tốn kém đối với vợ con lính.

Ở phía sau khoang xe còn có người lục đục lên, quang gánh lôi thôi. Mấy người bán hàng rong đi vòng quanh xe chào mời. Tôi nghe anh Hòa đòi gì đó, chắc là nước mía hay đá nhận; nhưng lại nghe bác gái kêu tôi, ra dấu cho tôi xuống xe. Tôi bước qua cần số, qua trước mặt người khách ngồi ghế độc nhất phía trước. Ông ấy vừa thu chân qua một bên vừa nói “đứng không yên hả, chờ khi nào gần chạy hẵng lên”.

Bác tôi thò tay đưa tiền cho tôi, vừa nói:

- Mi qua bên kia mua cho anh ổ bánh mì, chan nước xít chớ đừng lấy xả xíu.

Tôi tính đi thì bác dặn thêm:

- Mi có đói thì mua hai ổ.
- Dạ, cháu không đói.

Anh Hòa nói:

- Xe chờ lâu, ăn cho đỡ buồn chớ đói gì.

Khi tôi mang ổ bánh về đưa cho anh, anh bẻ đôi, đưa cho tôi một nửa. Anh muốn mở cửa xuống đất nhưng bác gái không cho. Tôi ra phía đầu xe, vừa gặm bánh mì vừa nhìn lung tung. Đến khi bác tài tới mở cừa xe, tôi mới trở lại vị trí quan sát viên có cột níu của mình.

Bác tôi nhờ bác tài cho xuống Thuỷ Triều, ông ấy nói sẽ cho xuống chỗ Bãi Giếng rồi hỏi đường đi Thuỷ Triều. Bãi Giếng là một ngã ba, xung quanh vườn tược sum suê. Dừa nhiều trái, xoài cũng nhiều trái; không một bóng người. Đi qua đi lại một lúc bác tôi nói "họ dặn đường sá khó khăn là ri đây", “ngồi nghỉ một chút rồi tính”.

Tôi thì muốn đi vào một nhà nào đó, cây trái nhiều vầy thế nào họ cũng cho ăn. Tôi nói:

- Bác cho cháu đi lòng vòng hỏi thăm, cháu không mệt.
- Ừ, hay mi cứ đi, coi chừng chó, coi chừng lạc.

Anh Hòa nhổm dậy nhưng bác tôi giữ lại, nói:

- Để Niên đi được rồi, con đi nhiều mệt, lỡ có chuyện gì biết làm sao.

Quay qua tôi, bác dặn:

- Hỏi được hay không được cũng quay lại cho bác biết chừng, chớ đừng ham chơi phá cây phá cối người ta.
- Cháu biết!

Đi vài chục bước là đã thấy ngỏ rẽ vào một nhà, hai bên xoài thòng chi chít, đa số còn xanh sậm nhưng có nhiều chùm to, căng màu xanh sáng, ngang tầm tay với.

Hai con chó từ trong nhà chạy ra, vừa sủa vừa nhào tới.

Tôi quay người tháo chạy. Nhưng sợ chúng chồm lên lưng lúc nào không biết nên khom người quay mặt lại. Hai con chó đứng lại, hạ thấp đầu, gầm gừ nhìn hai tay tôi đang tựa trên mặt đất. Tôi túm một cục đá nhỏ, từ từ xoay người lại.

Chúng lại cất đầu cao và từ từ tiến lại gần. Có tiếng kêu từ trong nhà “Vện, Vạng”, “Vện, Vạng, vô, vô”. Chúng không sủa nữa, không còn cái bộ hung dữ, vẫn gầm gừ trong họng.

Người đàn ông, mang quần xà-lỏn hỏi:

- Chú nhỏ vô đây làm gì?
- Dạ hỏi đường.
- Ở đâu ra mà hỏi đường?
- Dạ ở Nha Trang.
- Ở Nha Trang? Làm gì ở đây?
- Đi kiếm thầy chữa bệnh cho anh tôi, bác tôi còn ngồi ngoài ngả ba.
- Tội nghiệp không! ảnh đau gì?
- Ảnh hay bị xỉu bất tử.
- Tội nghiệp không! Còn mày có bệnh gì không mà ốm nhách vậy?
- Khi trúng mưa thì tôi suyễn chớ không bệnh gì hết.
- Mày suyễn tới rút người mà còn không bệnh.

Dưng không tôi nghĩ ông này chính là ông thầy mà bác đi kiếm. Không lẽ chuyến đi này kết thúc ở đây. Không lẽ địa danh Thủy Triều đầy hứa hẹn lại thành ra cái Bãi Giếng không thấy bãi cũng không thấy giếng.

Ông ấy nói:

- Vậy chơ bác cháu mày tìm ai, ở đây hay ở đâu?
- Ở đây có phải Thủy Triều không?
- Đây là Bãi Giếng. Có xe ngựa đi từ đây xuống bãi. Đi đò mới qua Thủy Triều. Bên kia đầm, mày hiểu không?

Tôi không dám hiểu đâu vì đang tập trung nhớ lấy mấy chữ mới “xe ngựa”, “đi đò”, “đầm”.

Ông ấy nói thêm:

- Cứ ở ngã ba mà chờ, nửa tiếng là cùng. Cả thảy ba người phải không?

Ông ấy bước tới chỗ mấy buồng dừa xiêm, tay cầm rựa, phang phang, tước tước. Một loáng đã có ba trái dừa, xuyên hai trái túm với nhau bằng sợi lạt. Ông giao hết cho tôi và nói:

- Xách nổi không? Đem ra ngoài đó mà ngồi uống chờ xe. Có muốn ăn xoài không?
- Dạ không… dạ…
- Có gì trục trặc vô đây cho qua biết, tội nghiệp bệnh hoạn đường xa!

Tôi trở lại chỗ cũ, anh tôi nhắm mắt như ngủ. Tôi nói:

- Tí nữa có xe ngựa rồi mình đi. Tới bãi mình đi đò qua Thủy Triều. Phải qua cái đầm.

Bác tôi lại nói:

- Đường sá khó khăn là ri đây.
- Ông trong đó cho ba trái dừa giải khát.
- Nhà vườn họ tốt bụng.

Anh tôi hỏi:

- Đi xe ngựa? khi nào có xe ngựa?
- Phải chờ. Ở nhà dễ gì đi xe ngựa.

Ba người khượi miếng bửng, hai tay bưng dừa úp vào miệng, thong thả nuốt từng ngụm nước dừa xiêm ngọt thanh tao.

Chừng nửa tiếng thì có tiếng lóc cóc từ phía dưới ngã ba, ba bác cháu bỏ bóng râm ra đứng mé lộ để ngóng.
Tiêng ông già đánh xe hỏi vọng:

- Đi đâu? Thuỷ Triều hả?
- Thuỷ Triều, Thuỷ Triều
- Xe tới đằng kia đổ mấy cần xế này rồi quay lại liền.

Chiếc xe ngựa lọc cọc chạy thêm một đoạn trên quốc lộ, người khách cuối xuống hàng xong, ông già ra sau khoang chùi dẹp gì đó rồi mới trở lại chỗ ngồi đánh xe quay lại. Ba bác cháu leo lên xe ngồi chỗ khô ráo nhất, bác gái và anh Hòa một bên, tôi một bên.

Ông già xin lỗi bác gái là xe không được sạch lắm. Bác đang nín thở nên nói không sao mà nghe không rõ. Tôi hết nhìn quang cảnh thì nhìn anh Hòa đang tựa vào bác như chỉ muốn ngủ. Tôi chợt nhớ tới mẹ. Tôi ít khi nhớ. Lúc này tôi nhớ ngày mẹ ra bến mua vé xe gởi tôi từ Pleiku về Nha Trang ở với bác để đi học. Tôi cố nhớ lại nhưng không hình dung được mặt mẹ lúc đó vì tôi bận tâm, háo hức chuyến đi xa một mình. Năm sau có một lần tôi nghĩ đến ba mẹ và mấy em, có hơi thắc mắc không biết đi học có phải là lý do tôi phải xa nhà một mình. Tôi còn giả dụ là nếu được chọn thì tôi sẽ muốn sao. Mẹ tôi thỉnh thoảng nói vui là hồi còn ngoài làng, tiền nuôi thầy lang trong nhà để lo cho tôi chất cao bằng đống củi mà tôi hay leo lên phất cờ giữ thành chống giặc. Người tôi lúc nào cũng hôi mùi ngải cứu. Ngải cứu khô vò viên tròn tròn nhỏ xíu như những giọt nước khô. Buồng tối nên thường mẹ tôi phải bưng đèn, tay kia đặt lên người tôi. Thầy lang đặt mỗi viên trên huyệt rồi lấy nhang đốt. Mẹ nhìn đăm đăm. Cháy rồi ngún liền. Đau như kiến cắn.

Nhìn bác gái và anh Hòa ngồi bên nhau như hai cục bột. Hôm nay bác không son phấn, cũng không một trang sức nào; nhưng phải biến cái xe thổ mộ này thành xe long mã như trong phim Ấn độ thì mới hợp với phong thái đài các tự nhiên của bác. Anh Hòa thì đúng là một hoàng tử tuấn tú. Tôi chỉ ghét cái tật làm nũng của anh, bên bác anh thành con nít. Thiệt ra tôi mười hai, hơn anh hai tuổi, thì đương nhiên tôi khác anh.

Vườn tược thưa dần nhưng rải rác vẫn có những cây xoài xanh um trên đồng, không biết thuộc về ai. Khi xe dừng lại thì có vài ba người đang đợi. Họ nhìn bác tôi chằm chằm rồi mới lúng túng chào hỏi.

Họ giơ cao tay có xách mấy xâu ghẹ, nói với ông già:

- Có lấy mấy xâu, tí nữa trả tiền luôn.

Ông già la:

- Nước ròng mà không cột giùm lại, quân làm biếng!
- Chuyện ai người đó mần, càm ràm nỗi gì, ông Năm.

Ông già ra mé nước, có cọc thì ông nhấn xuống thêm cho nước phủ hết ghẹ, có cọc thì nhấn không xuống, ông phải tháo mấy xâu ghẹ bên trên cột xuống đưới đáy.

Ông trở lại, nói:

- Bà đứng đây, bên đó nó thấy có ngưới là nó đánh ghe qua liền.

Bác tôi trả tiền xe rồi vừa thích vừa muốn giúp nên hỏi mua ghẹ, ông già nói:

- Mua chi bây giờ cho vướng tay, khi bà về mua cũng được, ghẹ ngâm dưới nước lúc nào cũng sống tươi.

Ngay lúc đó tôi nhìn thấy bên kia bờ có người lên ghe chèo qua. Đó là bóng người duy nhất trong một rặng dừa dày đặc từ đằng này tới mút đằng kia. Có thấy vài mái ngói nhưng không rõ lắm. Phía trái nước rộng ra thành cái vịnh lớn. Phía phải thì bờ đầy cát trắng phau như muối. Nước phía ấy xanh sẫm hơn. Có lẽ bến đò này là chỗ eo hẹp nhất.

Người chèo đò đỡ từng người xuống rồi quay mũi, bác gái hỏi thăm đường tới nhà thầy Bảy. Ông ấy nói:

- Thầy Bảy? À Bảy Mến phải hông?

Chỉ rành mạch đường đi rồi im lặng nhún mình theo nhịp mái chèo.

Ở Nha Trang tôi quen ngồi dưới bóng dừa nhìn ra mênh mông biển, đứng ở đây thì nhìn ra biển lại thấy toàn dừa. Cho tôi nguyên cả hộp màu tôi cũng không thể nào cóp-py được cái rực rỡ thanh bình này. Không biết ông thầy bên đó là ai, tài ba cỡ nào nhưng trong lòng tôi đã có sự ngưỡng mộ, tin tưởng. Nhìn mặt bác tôi, không còn thấy nét căng thẳng. Anh Hòa thốt lên “cảnh đẹp quá!”

Tiếng mái chèo khua nước là âm thanh duy nhất. Không tính tiếng giây chão khóa chéo mái chèo với cọc cây. Tiếng kẽo kẹt nhè nhẹ hòa nhịp với tiếng nước bị khoắng. Nước trong xanh như ngoài khơi nhưng là đầm nên mặt không một gợn sóng. Trong phút chốc thuyền đã tới bờ.

Chúng tôi theo lời chỉ dẫn, đi theo đường mòn phía tay trái. Xung quanh toàn là dừa, cậy nào cây đó cao vút. Tán dừa chen nhau che rợp đường đi. Chỗ nào có nắng thì lung linh. Lũ nhỏ trong làng đi theo chúng tôi cả đám; vừa bàn tán về bác gái và anh Hòa vừa từng bước chỉ đường tới nhà thầy Bảy.

Nhà thầy Bảy cũng tương tự mấy nhà bên cạnh, mái ngói liệt đóng rêu. Gian giữa treo hình Ngô Tổng thống. Thầy Bảy đang mang quần cụt, vội khoác lên người cái áo chài ra chào khách. Anh Hòa mặt đỏ ửng và đẫm mồ hôi vừa thấy thầy Bảy đã khuỵch xuống. Bác gái vội ôm lấy anh, nhưng không đủ sức nên cả hai ngã nhoài ra đất. Tôi chồm tới, không kịp nên không bị đè.

Mọi người xúm lại, la hét hỗn độn; người lớn bên hàng xóm cũng chạy qua.

Bác tôi lồm cồm đứng dậy được. Thầy Bảy xốc anh Hòa lên nhưng khi thấy miệng anh có bọt thì ngưng lại, lấy cái đòn kê đầu cho anh Hòa. Anh nằm yên, hai tay co quắp. Thầy Bảy đuổi mọi người ra khỏi nhà, nói bu như vậy thì ai mà thở nỗi. Một phần tôi đã chứng kiến chuyện này nhiều lần, một phần tôi nghĩ thầy Bảy đuổi tôi vì rõ ràng là xua tay gạt tôi ra như mấy đứa kia. Tôi ra ngoài với cả đám. Trong nhà chỉ còn bác gái, anh Hòa và thầy Bảy. Tôi nghe bác nói “không sao đâu thầy”.

Tụi nó hỏi tên tôi, tôi hỏi tên tụi nó nhưng không nhớ hết. Tụi tôi kéo nhau vào sâu trong vườn. Tới chỗ cao nhìn xuống phía bên kia là động cát mênh mông. Tụi nó hỏi tôi có muốn đi không, đi hết cát là tới biển xanh, chỗ đó mới đẹp. Tôi muốn lắm nhưng không dám. Tôi cảm thấy không được tự ý rong chơi vì cần phụ bác gái, mang theo tôi làm chi. Ngay trong vườn cũng chơi được nhiều trò. Tụi nó chơi với tôi rất hợp rơ. Có đứa nói “mày giống dân ở đây, không chừng còn đen giòn hơn”.

Còn về thầy Bảy thì tụi nó nói thẳng băng:

- Thằng cha Bảy Mến đâu có học hành gì mà thầy. Nắm ngoái bị Bà nhập rồi lóng rày như có Bà độ, ai đau gì giả bứt ngọn lá cho uống là bớt. Ai cũng trầm trồ. Nhưng nếu giả không ăn chay nằm đất, bày chuyện chém người ta thì cũng có ngày hoàn cốt khỉ thôi.

 

Tôi đâm lo không biết bác tôi đang gặp thầy Bảy cứu nhân độ thế hay đang đụng phải tay Bảy Mến mà tụi nhỏ có vẻ xem thường.

Một hồi lâu sau, có người kêu tôi vô nhà. Thầy Bảy nhìn tôi như mới thấy lần đầu. Anh Hòa đã tỉnh, hai mép có gì dính; chắc là có bị cho uống một thứ thuốc gì đó; nét mặt chán chường nhìn thầy Bảy.
Bác tôi nói:

- Đây là cháu tôi, nó suyễn nặng. Thầy thấy nó tong teo là biết nặng cỡ nào. Nhờ thầy.
- Như tôi nói với bà, phước chủ may thầy, bà à.

Tôi ngẩn người vì dưng không thành nhân vật chính. Thầy Bảy đứng mắt nhìn mặt tôi một lúc rồi cởi áo xem người, xem tay chân, xem tới đâu nắm bóp tới đó, đăm chiêu.

- Thưa bà, cháu này không có gì quan trọng…
- Thầy xem kỹ cho, thầy cần làm gì hay cần thuốc men gì cứ cho biết, tôi không nề hà.
- Tôi không có ý đó… tôi muốn nói là suyễn nhiều khi tự hết…

Thầy quay qua tôi, nói:

- Mày ốm o nhưng sắc khí tốt, mắt mày sáng như đèn câu mực; một hai năm nữa khi vú mày sưng thì suyễn có thể hết, không hết thì lúc đó quay lại đây.

Rồi thầy nói với bác tôi:

- Nó chỉ cần chịu khó ăn uống mạnh hơn thì không cần làm gì hết.

Không biết thầy Bảy đã có cách trị dứt bệnh cho anh Hòa chưa, nhưng lúc này thấy bác gái tươi hẳn ra. Chúng tôi ra về với một túi thuốc cho anh Hòa. Tôi thì về chờ vú sưng. Tôi rất quê độ về lời chẩn đoán ruồi bu này.

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2016