SỐ 69 - THÁNG 1 NĂM 2016

Trận Hải Chiến Hoàng Sa Tháng Giêng 1974

Vì vị trí chiến lược quan trọng, vì tài nguyên dồi dào về hải sản và khoáng sản; vì dầu hỏa và khí đốt phong phú, của biển Đông ; vì nhu cầu năng lượng và ý đồ tham lam bành trướng, Trung Cộng đã từ lâu có ý định xâm chiếm nước ta. Lợi dụng cơ hội Hoa Ky rút lui, và công hàm công nhận chủ quyền của Trung Cộng trên quần đảo Hoàng Sa do Phạm văn Đồng ký ngày 14 tháng 9 năm 1958, ngày 11 tháng giêng năm 1974, thình lình Trung cộng tuyên bố chủ quyền của họ trên quần đảo Hoàng Sa. Bộ ngoại giao VNCH đã cực lực phản kháng điều đó trước Liên Hiệp Quốc..

Ngày 16 tháng 1 năm 1974, HQ 16 phát hiện tàu Trung cộng ở vùng biển Hoàng Sa. Ngày 17 và 18 đã có những va chạm giữa HQ16 và HQ4 với tàu Trung Cộng. Tàu đánh cá ngụy trang của Trung cộng khiêu khích, bất chấp luật lệ hàng hải, vận chuyển nguy hiểm chặn đường HQ 16, bị mỏ neo chiến hạm HQ 16 giật sập tan tành đài chỉ huy. Một chiếc khác bất chấp cảnh báo, cản đường HQ 4, bị đụng thiệt hại ngang hông. Ngày 19 tháng 1 năm 1974, lúc 7 giờ sáng, HQ 4 đổ bộ 27 chiến sĩ Biệt Hải tái chiếm đảo Quang Hòa. Quân Trung cộng khai hỏa, bắn tử thương Trung úy Đơn và Hạ sĩ Long. Lúc 10:25 sáng, chiến hạm ta đã đồng loạt khai hỏa mãnh liệt vào tàu Trung Cộng. Bị tấn công thình lình, sau vài phút ngạc nhiên, quân Trung Cộng đã phản công dữ dội. Tới phút thứ 12, phía Trung cộng trục lôi hạm T389 bị trúng đạn, khói bốc mịt mù. Trục lôi hạm T396 bị trúng đạn vào phòng máy, tay lái bị hư, bất khiển dụng nên cứ quay vòng quanh. Phía ta HQ 10 báo cáo: Hầm máy bị cháy và ngập nước HT Ngụy văn Thà bị trọng thương và tử thương sau đó. Hạm phó Nguyễn Thành Trí lên thay thế Hạm trưởng chỉ huy dù đang bị trọng thương. Hạm Phó Trí đã ra lịnh cho nhân viên đào thoát và sau đó, ông đã tử thương. Một số nhân viên đã can trường, tự nguyện ở lại tàu tiếp tục chiến đấu. Điển hình là Hạ sĩ Vận chuyển Lê Văn Tây, và Thủy thủ Cơ khí Đinh Hoàng Mai đã bắn che cho các đồng đội lên bè đào thoát và đã ở lại chết theo tàu... Lòng can đảm và sự hy sinh tận trung báo quốc của họ xứng đáng được tôn vinh là anh hùng tử sĩ. HQ 10 bị hai tàu tăng viện tuần duyên hạm 281 và 282 mới đến bắn chìm lúc 2 giờ 52 phút, hơn 3 giờ sau khi trận hải chiến chấm dứt.

Tổn thất của HQVNCH
HQ 10 bị chìm, HQ 5, HQ16, HQ4 bị trúng đạn, nhưng vẫn tự vận chuyển được về căn cứ. 74 chiến sĩ hy sinh và 28 bị thương.

Tổn Thất Phía Trung Cộng
Theo tài liệu Giáo Sư Trần Đại Sỹ điều trần trước đại diện IFA viết tắt của chữ ( Institute Franco Asiatique ) ngày 10 tháng giêng năm 2002 tại Âu châu.
Phía Trung cộng bị tổn thất:
Hộ tống hạm 274 bị chìm. Hộ tống hạm 271 và 2 Trục lôi hạm 389, 396 bị trúng đạn thiệt hại nặng nề; Sau đó phải phá hủy.
Đô đốc Phương Quang Kính, Tư lệnh mặt trận cùng toàn bộ tham mưu chết tại chỗ.
Bốn hạm trưởng là Diêp Mạnh Hải, Triệu Quát, Quan Đức và Dương Kỳ Huy bị tử thương.

Về nhân mạng, Trung Quốc bị thiệt hại gấp 3 lần VNCH.

Nhận định về Hải Chiến Hoàng Sa, Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại cho biết “Phải nổ súng ngay để chứng tỏ hành động của một “chủ nhà” và khi thấy tình hình cũng như cán cân lực lượng bất lợi cho ta thì chúng ta rời khỏi vòng chiến để giảm thiểu thiệt hại, và tạo cơ hội cho các thế hệ mai sau còn có bằng cớ đòi lại các hải đảo bị cưỡng chiếm.”

Ngoại trưởng Vương Văn Bắc, thuộc bộ ngoại giao VNCH cho rằng: “Nếu các chiến sĩ của ta đã không chiến đấu can trường chống kẻ thù ngang ngược xâm phạm bờ cõi nước ta, nếu chánh phủ ta đã lẳng lặng cam chịu thì sau nầy chúng ta dựa vào đâu để chống lại lời biện bác của địch là chính phủ và nhân dân Việt Nam cũng không tin chắc mình có chủ quyền thực sự trên quần đảo tranh chấp và dù sao cũng đã mặc nhiên chấp nhận sự kiện Trung Quốc tự nhận là chủ phần đất nầy.”

Chiến sĩ HQVNCH đã nêu cao tinh thần bất khuất, chiến đấu dũng mãnh để bảo vệ tổ quốc, dù phải hy sinh mạng sống, chống lại quân thù hung hãn và đông gấp bội. HQ 10 là là cột mốc ngàn đời chứng tích chủ quyền của nướcViệt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Các chiến sĩ tham dự Hải Chiến Hoàng Sa đã viết nên một chiến tích kiêu hùng rạng ngời trang hải sử. Họ đã kiên cường chống lại kẻ thù hung hãn và hùng mạnh gấp bội phần. Họ đã nêu cao danh dự, màu cờ sắc áo của quân chủng Hải Quân cũng như làm tròn bổn phận thiêng liêng của người chiến sĩ dù phải hy sinh mạng sống. Rất xứng đáng được vinh danh là anh hùng dân tộc.

Tháng giêng về với đất trời
Nhớ người chiến sĩ trọn đời hy sinh
Ngàn năm lưu dấu sử xanh
Tận trung báo quốc nên đành xả thân.

12/18/15
Lê Ngọc Trùng Dương.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2016