SỐ 70 - THÁNG 4 NĂM 2016

 

CÀNH MAI NGÀY XUÂN

Ngọc Cân

Anh Hiếu cúi thấp người, siết ga. Chiếc SS phóng trên xa lộ mới. Chưa đầy nửa tiếng đã gần nửa đường Nha trang Ba ngòi. Tôi úp mặt lên lưng anh, gió tạt khóe mắt chảy nước.
Gần khoảng chùa Thiên Bình, tôi không nín được, nói:

- Sắp tới cua bà đầm, Honda bay xuống ruộng hà rầm. Xe hơi lạ đường cũng chết.

Anh Hiếu nghe không rõ:

- Cái gì bà đầm?
- Cái cua…, cái cua cong gấp mà không nghiêng nên không giảm ga là bắn thẳng xuống ruộng, gãy cổ.
- Sao mày biết?
- Đi xe đò ra vô hàng tuần, tài xế nào chạy qua đây cũng nói. Tôi có thấy một lần.

Anh Hiếu giảm ga.
Tôi nói:

- Là chỗ này đây, anh thấy không?
- Mày không nói tao cũng biết. Bộ mày tưởng công chánh Phú Thọ là cức! Mấy thằng Mỹ làm ẩu khúc này rồi! Bốn bánh còn chết nói chi hai bánh. Ôm trên 60 cây là bung. Còn bà đầm nào nữa không?
- Không công bằng. Bởi vậy họ chỉ kêu chỗ này là cua bà đầm.

Anh Hiếu tăng ga trở lại, cười toáng:

- Tây về nước đã lâu mà dân mình còn nhớ bà đầm.

Tôi thích và nể anh Hiếu. Muốn học hỏi. Ảnh là anh ruột của bạn tôi. Anh Hiếu học năm cuối công chánh Phú Thọ. Tôi là dân làm việc kỹ thuật, sau trung học đi đo đất và đo nước. Anh Hiếu thích nói chuyện với tôi vì ảnh học trong sách rất sâu nhưng tôi lại làm thực tế. Nhờ nói chuyện với ảnh mà tôi hiểu cái lý thuyết của việc tôi làm hàng ngày, biết rõ thế nào là đúng thế nào là sai chớ không chờ đến lúc ráp cuối cùng mới thấy là không khớp hay bị gạch bỏ vì trật đường rầy. Bạn bè đi học Sài gòn về Nha trang ăn Tết, tôi tới chơi với bạn thì gặp ảnh. Chuyến này là tôi rủ ảnh đi cho biết Ba ngòi và việc làm của tôi.

Xen lẫn trong những tên núi, tên sông suối, cao độ, lưu lượng là chuyện bồ bịch. Có thể câu hỏi khai mào là của tôi vì tò mò. Hình như ảnh không trả lời cụ thể là ảnh có bồ chưa, tên gì, có phải ở Nha trang vô Sài gòn học không, vì hầu như tôi phải xoay trở trả lời những câu hỏi liên tiếp của ảnh. Lúc đầu tôi cố tình đánh lạc hướng xem ảnh có bắt được không, nhưng sau tôi cũng thiệt tình trả lời đâu vô đó. Những khuôn mặt nữ ở Ba ngòi mà tôi nghe nói, những bạn gái trung học mà tụi tôi giao du. Tóm lại rất mơ hồ vì tôi chẳng biết ất giáp gì rõ ràng. Sinh viên Sài gòn thông minh thật, chỉ với mớ bòng bong đó mà ảnh kết luận:

- Nhìn con gái, mày không phân biệt được nịt ngực với áo lót nhưng mày đã yêu rồi đó, Niên à!, cô Mai nào đó.

Tôi bàng hoàng biết là mình đã yêu. Cái cảm giác trưởng thành thêm một bước, như lúc miễn thi mà được cấp bằng Trung học đệ nhất cấp năm nào.
Anh Hiếu hỏi:

- Ẻn viết thư đều không?
- Èn là sao?
- Ẻn là cô ta đó!
- Ẻn không viết nữa.
- Thư cách nay bao lâu?
- Tháng 11.
- Vậy là hồi mới nhập học, gần ba tháng nay không có gì? Mày vẫn thư đều?
- Không. Tụi nó kêu để gặp lại rồi tính, lúc này làm ăn đi.
- Tụi nó về, ẻn có nhắn gởi gì không?
- Không. Tụi nó nói không gặp, chắc đã về Phan thiết trước. Nhưng tụi nó cứ giục đi Sài gòn một chuyến.
- Năm thứ nhất bận dữ lắm, khoa nào cũng vậy, đại học khác trung học. Mày đi được thì đi giục làm gì.

Qua khỏi cư xá Cam Ranh, tôi kêu anh dừng xe, mời ảnh vô quán ăn ở gần ngả ba Ba ngòi:

- Đi theo đường rẽ kia là xuống chỗ tôi ở trọ, thẳng nữa là cầu tàu. Mình không về đó liền, mình đi thẳng quốc lộ tới Trại dừa chơi rồi quay lại.
- Chợ búa, phố xá ở đây coi nhỏ, buồn.
- Tết mà anh. Bình thường cũng tấp nập. Nhất là trước khi trời sáng, người qua bán đảo làm tập trung để lên xe lo-bồi; xe lo-bồi dài, kín như va-gông xe lửa. Người từng đoàn như vịt. Sáng mai mồng bốn là ở đây rần rần trở lại.
- Không lẽ tao ở lại coi. Mày chưa đi Sài gòn, người cũng cuồn cuộn; mày nói như vịt thì tao cũng hình dung được.

Ăn uống xong lên xe tiếp tục. Khi chạy qua từng cầu, tôi đếm một, hai, ba:

- Gọi Ba ngòi là vậy. Tay phải bên trong là Đồng Lác có ruộng mía, ruộng lúa. Tay trái bên ngoài là đầm cá, tôm. Dân đây có người địa phương, có Quảng, có Bắc di cư, có Nùng.
- Có bắc kỳ nho nhỏ nào không?
- Anh muốn tìm hả?
- Ở Sài gòn cả khối, sao phải kiếm.

Tự nhiên anh Hiếu làm tôi nhớ lại là những người tôi quen biết ở đây, toàn là người Bắc. Còn nho nhỏ có phải là con bé tiệm cơm, hay con bé Hoàng nhổ giò nhà bác Kỳ. Mình còn chưa biết gì, nói chi.

- Mấy đứa ở đây là con nít, một đứa có mắt đen như hạt nhãn, một đứa cao trước tuổi trắng bóc.
- Vài năm nữa mày theo không kịp đó đừng nói. Mày làm ở đây thời gian rồi biết.
- Hồi nãy anh nói tôi yêu, bây giờ anh kêu tôi ở đây … chờ lấy vợ?
- Dĩ nhiên không đơn giản như vậy. Được đơn giản như vậy cũng tốt, cho mày.
- Tôi muốn đi Sài gòn, tôi muốn học tiếp.
- Muốn tìm gặp ẻn?

Tôi không trả lời. Hồi đó mà thi Trung học đệ nhất cấp, chắc chi mình đậu.
Anh Hiếu nhỏ nhẹ:

- Niên, yêu là một chuyện; tìm gặp lại người đó là chuyện khác. Theo tao, quên đi. Chưa ai tỏ tình hết, chưa hẹn hò, chưa đi chơi… không viết thư là coi như xong.
- Xứ Sài gòn khó hiểu.
- Là mày không hiểu mày. Mày ở đây một mình nên mày nghĩ nhiều quá.
- Vậy sao!

Đi thăm Trại dừa xong, trên đường về tôi kêu anh Hiếu quẹo vô đường đất đi lên Sông Cạn. Nhờ là xe hai bánh nên có thể tới tận bờ. Tôi chỉ cho anh ngấn rác dọc, tuốt trên bờ đất cao, đó là mực lũ mùa rồi. Một dòng chảy to lớn, cuồng nộ. Anh nói là anh hình dung được, dù lòng sông lúc này ở dưới thấp chỉ có một ít nước lờ đờ. Anh nhìn về hạ lưu, nói:

- Không có hai khúc uốn chữ S gặc nước lại thì cái cầu mình vừa qua dưới quốc lộ khó mà đứng vững. Chưa đầy 5 cây số sức công phá của lũ còn kinh lắm.
- Lúc đó không đo được tuy lũ đã qua, chỉ chụp hình, lấy độ cao tối đa của ngấn lũ, đo thiết diện về tính ước lượng mà tí nữa là bị nước cuốn vì đất sụp; mất luôn cái máy hình.
- Mất hồn hả!
- Chỉ là níu chụp theo phản xạ, không kịp sợ chết.

Đi ngược bờ, một đám người Thượng đang tắm cho con, cho mình. Ngực trần rám nắng. Họ nhìn tôi và anh Hiếu cười hồn nhiên. Chạy về sống gần quốc lộ tỵ nạn chiến tranh nhưng họ vẫn sống như lúc ở núi sâu. Tôi nói với anh Hiếu:

- Mình đứng lâu họ sẽ mất tự nhiên. Hôm trước Tết tôi có nhờ vô rừng chặt cho cành mai. Phải múa may, vẽ trên đất, một hồi mới hiểu nhau. Công việc đo đạc xong, lội bộ ra tới chỗ đậu xe thì chồng họ cầm xà-gạc đứng chờ; nguyên cây mai rừng đã được họ đặt vô lòng xe đốt-cát; đưa tiền là cười toét, cầm, chào rồi đi.
- Múa may với vợ, tụi chồng nó chém thì hết chạy!
- Anh nghĩ lung tung. Họ hiền khô.

Trở lại Ba ngòi, xe chạy lên dốc tòa tỉnh, xuống thẳng cầu tàu. Cầu tàu dài hơn Cầu Đá ở Nha trang. Chiếc phà đi bán đảo không một bóng người, bập bềnh sát mé bê-tông cuối cùng.

- Buổi tối rất nhiều người xuống đây đi dạo, nhất là người xứ khác tới, nhất là trai gái. Không đèn đuốc, chỉ có trăng sao.
- Mày xuống đây với ai?
- Mấy người thuê cùng nhà trọ.
- Có con gái không?
- Có cô Huệ.
- Đẹp không?
- Tôi không biết. Chắc đẹp vì có nhiều người theo. Một cố vấn Mỹ, một giáo sư , một thiếu úy quân cụ, có lần ông này còn từ Nha trang đi theo cổ vô đây ở lại tối Chủ nhật.
- A! thế giới của mày không tệ!
- Cái gì mà thế giới?
- Có người xa, có nho nhỏ, có người đẹp; còn có sơn nữ ở trần.
- Anh ở Sài gòn là đi học hay đi chim chuột?
- Tao cho mày biết là mày đang sung sướng mà mày không biết! mày chỉ biết nghĩ là mày đang thua thiệt vì trong khi chúng nó đi học mà mày đi kiếm cơm. Thôi mình về nhà mày cho biết.

Tới nơi nhằm lúc đang có anh em nhà chủ ở phòng khách. Anh Hiếu và tôi bước vô để chào và chúc Tết, ăn mứt uống trà.
Huệ cũng có mặt:

- Niên ăn Tết đã không? ra bến chờ mấy chuyến, tưởng Niên ham vui chưa chịu vô đi làm!
- Đâu có, tôi rủ anh Hiếu vô chơi, chạy xe Honda. Mấy anh kia chưa ai về tới sao?
- Cảnh sát, công chức, giáo sư họ nghỉ dễ hơn. Cái sơ-mi này hợp với Niên lắm, may áo mới ăn Tết?
- Đâu có, khúc vải người ta cho đã lâu, nên may luôn. Mình lớn rồi!
- Thiệt hông, ông cụ non?

Tôi cười trừ, rồi dẫn anh Hiếu về phòng mình. Cánh cửa mở ra, tôi sửng sờ, một rừng mai vàng chiếm trọn nửa phòng. Dưới đất gốc mai không cắm vô đâu cả, các cành mai gần đụng mái nhà, tràn ra cả phòng. Hôm tôi nhét vô, hoa chưa nở; bây giờ màu vàng rực sáng cả phòng làm tôi ngợp. Anh Hiếu thả người xuống chiếc ghế bố, giường ngủ của tôi, dựa đầu vô vách ván, mắt thẫn thờ. Một lúc anh nói:

- Mai của mày đây hở Niên? Hết thuốc chữa rồi!

Tôi còn chưa biết anh nói gì thì có tiếng chân, Huệ bưng khay cà phê bước vô:

- Niên mời khách cà phê nghe, mình gấp đi nên quên gói mứt ở nhà.

Lúc đó Huệ mới thẳng người ngắm rừng mai:

- Niên, đẹp quá Niên! ở đâu ra vậy? mua lúc nào vậy?
- Ba mươi Tết mới thuê người chặt. Về tới đây thì mọi người đã tan hàng hết. Không còn giờ nên để nguyên như vậy.
- Bữa đó nán lại thì Huệ có được một nhánh to đem về nhà chưng rồi! Thôi hai anh em nói chuyện đi.

Huệ cúi chào anh Hiếu, xoay vai tôi ngắm lại chiếc sơ-mi rồi về phòng mình; đối với họ áo quần thật quan trọng. Anh Hiếu và tôi cùng đốt thuốc, nhấp cà phê, ngắm mai.

- Đẹp lắm! nhưng sợ mau tàn vì mày không hơ, không cắm nước.
- Tôi cũng không ngờ nó lớn, rực rỡ như vầy.

Xong điếu thuốc, anh Hiếu trầm ngâm. Mãi sau anh đứng dậy:

- Chắc tao về Nha trang là vừa.
- Cám ơn anh. Nhớ cua bà đầm.
- Tao nhớ. Mày biết năm nay ra trường là tao lấy vợ. Là học trò tao dạy kèm từ lúc tao mới vô Sài gòn. Mẹ cô ta sắp xếp như vậy. Chắc từ đầu.
- Mừng cho anh. Lúc đó thế nào cũng có tôi ở Sài gòn.
- Hà…xem ra mày phiêu lưu…đã chắc gì…
- Anh sung sướng thật, tiểu đăng khoa, đại đăng khoa!
- A hà, trước khi đó không chừng tao cũng mong có một cành mai chưng phòng riêng. Nhắn tao chào cô Huệ. Nhiều người theo là phải.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2016