SỐ 70 - THÁNG 4 NĂM 2016

 

Câu chuyện giết gà

Ngô Thụy Chương

Mùng một Tết, ngồi đọc giai phẩm Việt Báo Xuân Bính Thân. Báo do người bạn từ Cali ân cần gửi tặng. Lật giở nhanh giai phẩm, bắt gặp bài “30 Tết, cắt cổ gà, vào Thiền” của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, tôi đọc một hơi từ đầu đến cuối. Trong bài này có một đoạn văn tôi rất thích nên ghi lại nơi đây để bạn hữu cùng thưởng thức. Câu chuyện như sau:

“…Chiều ba mươi Tết, tôi xuống bếp giúp vợ tôi cắt tiết gà. Nàng cắt tiết, tôi chỉ phải giữ chân và cánh cho chắc, nhất là vào lúc gà rẫy chết. Ăn thịt gà thì cả nhà ai cũng thích ăn, nhưng cắt tiết thì ai cũng ngại.

Cách đây không lâu vào ngày giỗ nhạc mẫu, chúng tôi làm thịt hai con vịt. Ðó là hai con vịt bầu nuôi từ lúc chúng còn nhỏ. Một ông bạn già đã cho thằng con trai đầu lòng của tôi. Thằng bé chăm nom hai con vịt suốt mùa mưa. Hễ mưa lớn nước chưa kịp thoát, dềnh lên, là nó mang đôi vịt ra thả cho bơi lội để chúng khỏi nhớ nước, nó bảo vậy. Nó thích mua tôm, tép mang về thả vào chậu nước và sung sướng ngắm hai con vịt rúc mỏ tìm ăn. Hai con vịt chóng lớn trông thấy. Hết mùa mưa, mỗi ngày thằng bé múc một chậu nước đầy tắm cho vịt như tắm cho bạn. Một lần quên cho chúng ăn, hai con vịt không hiểu làm sao xổng được chuồng, xục vào tận trong bếp xin ăn. Ngày giỗ nhạc mẫu, tôi trói chân hai con vịt mang vào bếp. Thằng con trai tôi chợt vào, nó nhìn hai con vịt thốt lên một tiếng “tội” rồi bỏ đi. Bên ngoài, trời bỗng đổ mưa, một cơn mưa cuối mùa. Mẹ nó không đang tâm cắt tiết vịt, đành khoác áo mưa đem ra chợ gần đấy nhờ một bà chuyên làm thịt gà vịt cắt tiết làm lông hộ.

Nhưng chiều nay, ba mươi Tết, không thể nhờ ai được. Hai vợ chồng tôi đành phải làm lấy công việc “cực nhọc” này vậy. Sau khi vặt một khoảng lông cổ lấy chỗ cắt tiết, vợ tôi như thường lệ suýt xoa như khấn: “Thôi thì trống cắt tai, mái cắt cổ, tao hóa kiếp cho mày”. Rồi cắt tiết. Tiết ra ít tuy vẫn chảy đều. Nàng cắt không đúng tia. Khi tiết ngừng chảy, tôi không thấy gà rẫy chết như mọi khi. Vợ tôi nói như để dối lòng: ”Con gà lần này cứ vậy xỉu đi, không phải rẫy chết nữa”. Thật ra nó đâu đã chết. Mắt nó mở trừng trừng. Tim nhói buốt, tôi khóa chéo hai cánh gà lại để che đôi mắt đó. Tôi như Cain chạy trốn khỏi đôi mắt của Abel. Nhưng khóa cánh gà như kia vô tình tôi càng bước sâu thêm vào tội ác. Mà cũng như con người khi thấy mình đã trót trôi theo triền dốc tàn ác thì càng muốn lao lẹ cho chóng tới đáy vực, vì nghĩ xuống đáy vực tàn ác thì khỏi phải tàn ác hơn nữa. Tôi bèn ra bếp lấy ấm nước sôi. Tôi muốn sớm được giải thoát cho gà và cho chính mình.

Nó rẫy lên mấy cái. Tội nghiệp nó nhận đủ các cực hình: cắt tiết, khóa cánh và nước sôi bỏng. Tâm trí tôi lúc đó là cả một địa ngục thực sự, cụ thể. Tôi nhớ đến câu Kiều: “Cội nguồn cũng bởi lòng người mà ra!…”

Tôi không rõ bác Doãn Quốc Sỹ học thiền với ai và học từ bao giờ, nhưng tôi biết chắc chắn một điều là Thiền đã thấm vào xương, vào tủy bác từ lâu. Một lần chúng tôi ghé thăm bác, khi bác vừa được thả về sau nhiều năm bị giam cầm đầy đọa bởi người cộng sản. Tôi hỏi nhỏ bác: “Trong tù họ có đầy dọa bác nhiều không?” Bác không trả lời trực tiếp câu hỏi mà môi nở một nụ cười, nhẹ nhàng nói: “Ở trong tù, ngày nào bác cũng ngồi Thiền nên mọi việc đều qua.”

Câu nói ấy vẫn còn đeo đuổi tôi đến ngày hôm nay, như một kim chỉ nam cho cuộc sống.

Sau tháng 4 năm 1975, bác Doãn Quốc Sỹ, cùng chung số phận như bao văn nghệ sỹ của miền Nam tự do, đã bị người cộng sản bắt cầm tù. Tổng cộng 12 năm tù đầy từ trại tù giá lạnh Gia Trung, Pleiku, tới những năm tháng bị biệt giam tại khám Chí Hòa và nhà tù Phan Ðăng Lưu, bác Doãn Quốc Sỹ cũng như các văn hữu khác đã bị cộng sản Việt Nam gán lên bao nhiêu tội. Từ “biệt kích văn hóa”, “gián điệp”, “phản quốc” đến “tuyên truyền chống phá cách mạng”. Các nhà văn Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Nguyễn Mạnh Côn, Dương Hùng Cường, Hồ Hữu Tường v.v… không chịu nổi những đòn thù của người cộng sản Việt Nam, đã phải bỏ thân mình, không kịp nhìn mặt vợ con, nhắm mắt lìa đời, trút hơi thở cuối cùng trong ngục tù cộng sản. Hẳn là, một người như bác Doãn Quốc Sỹ, hai lần bị người cộng sản Việt Nam giữa đêm đến nhà bắt đi cầm tù gần 12 năm, chắc chắn bác đã bị hành hạ từ tinh thần đến thể xác. Vậy mà, khi được hỏi “họ có đầy đọa bác nhiều không?” bác không một lời oán trách. Vẫn nụ cười hiền hòa và lời nói bao dung…

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ(trái) - Hòa Lan 2003

Sau này khi được gia đình bảo lãnh qua định cư ở Houston, Texas, một lần bác Doãn Quốc Sỹ ghé thăm gia đình chúng tôi ở Hòa Lan. Một buổi tối, bác cháu chúng tôi cùng vài người bạn thân ngồi uống trà. Tôi gợi ý: ”Bác có thể nói cho tụi cháu nghe về Thiền được không?”. Vẫn vóc dáng khoan thai và nụ cưòi hiền dịu, bác nói: ”Ðược chứ”. Rồi bác thao thao nói chuyện về Thiền cho chúng tôi nghe. Bình thường tôi thấy bác luôn nhẹ nhàng, chậm rãi. Nhưng tối nay, khi bác nói về Thiền, mắt bác sáng như sao, giọng nói vang vang, đầy sinh khí. Ngồi nghe bác nói, tôi như thấy lại hình ảnh ngày xưa, khi bác đứng trên bục giảng đường Ðại Học Văn Khoa Sài Gòn thao thao thuyết giảng.

Ðọc bài “30 Tết, cắt cổ gà, vào Thiền”, tôi bỗng miên man nghĩ đến những hiện tượng đang xẩy ra chung quanh mình. Từ khi kỹ thật truyền thông tiến bộ vượt bực, người ta dễ dàng viết những điều mình muốn và tung lên “internet” để mọi người cùng đọc. Qua truyền thông, chúng ta học được nhiều điều hay, nhưng cũng nhận được nhiều bài viết vô bổ. Có những bài viết sử dụng từ ngữ đao to búa lớn, những phân tích hời hợt với mục đích nhục mạ ngưòi mình không thích. Có bài hiện rõ phong cách của một người đầy sân si, thù hận. Thậm chí, có người không dám viết tên thật và xử dụng kỹ thuật truyền thông này như một vũ khí, một đấu trường để nói xấu người khác. Khi đã không thành thật với chính mình, thì bài viết làm sao trung thực được! Khi viết những bài ấy, chắc người ta thỏa mãn với việc mình làm, nhất là khi cũng được một số “thân hữu” vỗ tay tán thưởng. Nhưng người ta đâu biết rằng, cả trăm người khác, của đám đông thầm lặng, sau khi đọc các bài viết này, đã lắc đầu ngao ngán và xóa bỏ ngay.   

Ðọc chuyện bác Doãn Quốc Sỹ kể việc giết gà mà tưởng như đang trôi theo triền dốc của tàn ác, làm tôi liên tưởng đến những người đang tung lên “internet” những bài viết thiếu ái ngữ và đầy sân si. Họ đang tạo nghiệp nặng mà cứ tưởng đang làm việc đạo nghĩa. Tôi bỗng không thấy oán giận mà cảm thấy thương xót những người này.

Nghĩ thế, vội gấp tờ báo Xuân, tiến đến trước bàn thờ Phật, thắp nén nhang trầm và thầm đọc câu kinh Nam Mô A Di Ðà Phật, cùng nguyện cầu những người viết bừa bãi trên mau vượt qua khỏi cõi vô mình, tìm về Chánh Giác.      
Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2016