SỐ 70 - THÁNG 4 NĂM 2016

 

Điệu Ru

Tuổi già vui với cháu con thôi
Tưởng rảnh ngờ đâu bận ngất trời
Sáng sớm loay hoay bà khuấy sữa
Đút ăn cho uống chẳng còn hơi
Xế chiều lụm cụm ông thay tã
Tắm rửa chùi lau muốn rã rời
Nhớ nghĩa sanh thành ơn dưỡng dục
Câu ca điệu hát giọng à ơi.
(Retiree Tự Sự - ĐDH)

Tiếng ho của thằng cháu nội ở phòng kế bên đánh thức tôi trong ánh sáng mờ nhạt của một ngày mới còn văng vẳng tiếng ru ời từ đêm qua do thằng bé khó ngủ. Âm điệu của “Rocking the baby on the tree top…” cũng như “Con mèo trèo lên cây cau…” nghe đều ngọt ngào, đong đưa, và đầy khả năng mời gọi cái hồn nhiên đã bị khoá kín bao năm trong tôi già nua cằn cỗi.

Bây giờ là 6:00 sáng. Hôm nay đã giữa tháng mười: mùa thu, mùa vàng của lá phong, của mây mù, mưa nhẹ; mùa trữ tình, đầy ắp dung môi, đẩy đưa sáng tác. Không cần phải là nhà thơ hay nhà văn, chỉ cần cầm lên cây viết - hay bấm vào bàn phiếm ảo trong thời đại computer này - chép xuống những ý nghĩ xuất hiện bâng quơ trong đầu là sẽ có ngay một cái gì đó để san sẻ với bạn bè, hay giúp vui cho chính mình,  như tôi đang làm hôm nay, chẳng hạn.

Phòng tôi nhỏ, hẹp, bốn thước dọc ngang, cửa sổ nhìn qua ngôi nhà của một cặp vợ chồng già người Ấn Độ. Tôi đã đến Tích Lan và ở Ấn, quê hương của huyền thoại, hai tuần lễ, thăm viếng đủ bốn Phật tích, từ nội thành vương quốc Thích Ca in dấu con đường ra đi tìm chân lý  đến tháp Đại Niết Bàn mé rừng Sa La Song Thọ, nơi tịch diệt của đấng Đại Giác. Tôi đã viếng khuôn viên vườn thượng uyển quê mẹ của bậc vĩ nhân chốn chào đời o oe như còn vang vọng đâu đây điệu ru ngàn xưa tình tự. Cỏ xanh thẳng tắp. Nước hồ trong veo. Tôi ngơ ngác tìm cành hoa vô ưu theo truyện đọc, và bất giác nhớ đến má tôi trong cơn quằn quại thể xác khi tôi ra đời hơn sáu mươi năm về trước. Happy Birthday! Mừng ngày vượt cạn đã qua!

Thật là dư thừa khi nói chuyến đi đã để lại trong tôi những ấn tượng đẹp, ngay cả giờ đây, cứ mỗi lần nhìn trang phục, nghe giọng nói của ông láng giềng, và nhất là khi mùi cà ri dê khoái khẩu và bánh nan nướng chui lọt qua song cửa sổ khép hờ, tôi luôn có cảm tưởng mình đang còn lang thang đâu đó trên đất Ấn. Tưởng tượng thôi. Vì sự thực, tôi đang ở nhà thằng con trai, giúp cặp vợ chồng trẻ này chăn đứa cháu nội. Nhà tôi ở Olympia, tổ ấm mà ông nhà thơ OCS Vũ Hoàng Thư đã trong một lần ghé qua tệ xá, cùng Quý Bùi, Nguyễn Ngọc Lễ, và Lê Minh Sang... nhã hứng, dưới bóng cây dương cao ngất nghểu, hạ bút vẽ ra trong một bài thơ tựa đề "Đêm Hội Ngộ". Bàn về cái hay và văn phong tuyệt vời của họ Vũ qua bài thơ này là không nên. Bởi vì “Đêm Hội Ngộ” chỉ cần có tên tôi ghép vào là lập tức bài thơ đã nồng tăng độ ngọt.

Từ cáo lão hồi hưu, tôi ít thì giờ nhàn rỗi để làm một tên thường trú tại gia tập làm điệu như những anh chị già tuổi "baby boomer" ngồi uống trà, cao hứng vọng nguyệt bình thi. Tôi "khổ" hơn. Tôi phải ly gia cắt ái để thi hành "nghĩa vụ" nuôi cháu!

Trong một email nào đó, phe ta đã đưa lên một bài dạy dỗ theo kiểu luân lý giáo khoa thư rằng (thì là) có 4 điều không nên làm khi về già. Tôi  phạm vào cái không nên số 4: nuôi cháu. Ai không tin cứ thử thì biết rõ đá vàng. Vì cái email đó đến trễ 2 năm nên tôi mới đơn độc, một mình cu ky trên căn phòng 4 x 4, bị hành hạ bởi món ăn độc đáo nồng nàn gia vị bí ẩn của cặp vợ chồng Ấn Độ già kia.

Tôi muốn nói về cái tổ ấm của Alain và Thu. Alain là con trai tôi. Thu là con gái của OC Trần Văn Luận, khoá 3. Tôi thân với Luận khi còn độc thân, dạo 1976, lúc mới định cư ở thành phố nhiều đồi, lắm dốc Seattle. Khi còn học ở Gonzaga U, những cuối tuần thiếu mục du hý, chúng tôi có cả Thiện bên Lưu Đày, và OC Hạt, có một hai lần tấp vào căn chung cư của anh chị Luận để qua đêm và phá phách. Mấy năm sau, chuyện cơm áo gạo tiền xô dạt chúng tôi rời nhau mỗi người mỗi hướng, gặp gỡ ít dần, khoảng cách giữa tình bằng hữu càng lúc càng cách xa.

Thỉnh thoảng, năm khi mười hoạ, tôi bất ngờ gặp Luận trong một vài trường hợp khá gấp gáp, chúng tôi chẳng nói được gì nhiều, ngoài những câu xã giao hời hợt. Thời gian qua như một mũi tên bay. Con trai tôi, Alain mới đó đã xong đại học.

Một ngày tháng chín, gia đình tôi đi ăn trong một dịp cuối tuần tại một nhà hàng Việt, nho nhỏ trong khu thương mãi trên đường Jackson, được giới thiệu nhiều với món bún măng vịt mắm gừng. Ăn uống xong, trước khi ra về tôi vào phòng rửa tay, lúc đi ra tôi bất ngờ đâm vào Luận. Cả hai mừng rỡ. Tôi kéo anh đến bàn, giới thiệu vợ con. "Đây là Mai, bà xã tôi. Đây là Julie, con gái." Tôi chỉ tay về hướng  Alain, vừa cất giọng, Luận đã cướp lời "Alain, con trai bạn!"

- Ủa! sao ông biết?
- Sao không! Nó "cua" con gái mình! Thỉnh thoảng đến nhà chơi hoài. Đã gặp rồi, nhưng hôm nay mới biết là con trai của bạn!
- Vậy thì tốt quá rồi!

Rồi Luận phát hoạ một tương lai:

- Nếu mọi sự êm đẹp giữa hai chúng nó, tôi và bạn sẽ cụng li như xui gia.
- Xong ngay! Cứ cho ngày gia đình chúng tôi sẽ đến nhà.
- Có thể sau chuyến đi VN về.

Đời người không những ngắn mà còn đầy bất ngờ như cái nhảy mũi. Luận về đến VN bị tim, căn bệnh cũ, lúc còn làm cho Boeing, trở chứng. Anh nằm xuống cô tịch nơi đất mẹ. Mấy tháng sau đó, tôi cầm li rượu, tự rót và uống cạn thay anh trong ngày cưới của hai đứa nhỏ, Alain và Thu.

Chỉ vì mấy ngày đến nhà anh chị Luận phá phách mà giờ này tôi cặm cụi nuôi cháu ngoại của anh ta, tức là cháu nội của tôi. Nói vậy để mọi người hiểu cho rằng tôi chẳng phải tay nghề nuôi con nít. Tôi chẳng có một lựa chọn nào khác, bất khả dĩ thôi, nhân quả cả. Chuyện pha sữa, thay tã là chuyện nhỏ. Ru thằng bợm này ngủ mới là đại sự! À quên, xin được giới thiệu, thằng bợm này tên Philip, trong gia phả họ Đường ở Nguyệt Linh thôn, hậu duệ của một công thần thời hoàng đế cuối cùng bên tàu. Nó là "đường", chắc chắn không phải "phèn" như hiền nội của OC Bạch đã gọi nhầm, đã được lọc nấu đến đời thứ "XIX".  Tên đầy đủ để nhận dạng là Đường Tứ Huy Philip. Mới một tuổi rưỡi, ru Philip ngủ là một chuyện trần thân, đòi hỏi kiên nhẫn và sáng tạo, hai đức tính mà tôi rất thiếu.

Xin hỏi quý bà, ngay cả quý ông, đã có "bề dày" kinh nghiệm về nuôi con nít, rằng có phải không mấy ông lõi con này tánh nết cũng đổi thay như người lớn? Bởi vừa vài tháng trước đây thôi, Philip lăn đùng qua một bên, đưa cặp mông ôm ấp trong bao tã Huggies số 4 dày cộm cho nội vỗ vài cái là đi ngay vào giấc điệp một cách mau mắn lẹ làng. Mấy lúc đó, tôi cứ tự hỏi không biết có phải là do giọng ca ngọt ngào thỏ thẻ như hết hơi của Hạ Vy hay do bàn tay mình vẫn còn điệu nghệ? Gần đây, Philip bắt đầu đổi tánh, như ông nội già sanh tật triết lý ba xu, Philip bỗng dưng khó ngủ. Nghĩ rằng Philip đã đổi gu, tôi cho Thanh Thuý “thử giọng”. Rồi chuyển qua “mời” nhiều giọng ca từ nồng nàn của Ánh Tuyết, mùi của Như Quỳnh...đến chót vót như Thái Thanh vào  “audition”. Những giọng ca đại diện đủ mọi trường phái từ sến đến sang, từ the thé đến  thỏ thẻ, ỏng ẹo đến trầm buồn, êm ái xoáy vào lòng người, Philip cũng không phê. Và mặc cho bàn tay nghề với mười ngón nghịch ngợm cho dù nay có thấp thoáng dấu thời gian (nói một cách bình dân là đầy đồi mồi) của tôi có vỗ lên cặp đít non cỡ nào Philip vẫn cứ trằn trọc như một người có tâm sự, không ngủ. Khó vô cùng tận!

Tôi chợt nhớ đến hai vị sư phụ trong ngành “ru em”: ông nhà thơ Huy Cận và nhạc sĩ Phạm Duy, trong "ru em sẵn tiếng thuỳ dương đôi bờ". Thật là bái phục, hai ông này chỉ cần thỏ thẻ "ngủ đi em, ngủ đi em” là thin thít mọi chuyện! Rất tiếc với Philip thì không thể áp dụng mấy câu thần chú này được. Nó không dễ như những lần "ru" mấy em mười tám hồi còn độc thân mấy thập niên về trước. Nói thật, “ru em” là ngón nghề của cánh đàn ông chúng tôi, nhưng với Philip tôi cũng đành bó tay.

Thiệt đúng là trời không phụ lòng người tốt. Cho đến một hôm có người bảo đảm với tôi rằng con nít thích ngủ lúc xe chạy. Tôi nghe lời, làm thử. Hiệu quả bất ngờ!!!

Giờ ngủ trưa, "nap time", để dỗ Philip ngủ, tôi mang cháu ra xe đánh một vòng. Vòng dài hay ngắn tuỳ vào lúc nào đôi mắt có hàng lông mi quá dài cho một đứa bé trai này khép lại. Nhà tôi ở trên đường 240th, tít trên một con dốc thật cao, cao đến độ (nói dại) chỉ cần đứt thắng là xe sẽ lăn đến nhà anh Minh Furo dưới dốc xa đến cả hải lý, để chúng tôi uống trà. Ngoại trừ hai ngày cuối tuần - cám ơn Bộ Lao Động tôi vẫn được hai ngày lấy hơi thở - mỗi ngày lúc quá ngọ, tôi đều chạy xe ngang qua con đường nhà anh Minh một cách chăm chỉ như ngày xưa còng lưng trên xe đạp lượn từ Ký Túc Xá Yersin qua lại ngôi nhà hai tầng trên đường phố Độc Lập, Nha Trang. Tôi đã làm chuyện này như một tín đồ ngoan đạo, bất kể nắng mưa, vừa đạp xe vừa lẩm bẩm như một người đầu óc có vấn đề: “mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ…”, một bài hát chẳng có gì ăn nhập với tiếng kêu cút kít của cái sên xe đạp, nhưng vì cái kho tàng âm nhạc trong bộ nhớ vắng vẻ của tôi chỉ có mỗi một câu đó nên mang ra cho có chút lãng mạn. Kiên nhẫn là chịu khó lái xe mỗi ngày bất kể nắng mưa, còn sáng tạo là chỗ này: Kể từ khi tôi "trade in" chiếc Toyota VAN cũ, Philip trở chứng, không ngủ. Cho dù tôi có chạy đến hết xăng nó vẫn không ngủ. Một lần trong giờ trao đổi kinh nghiệm với con trai tôi về "chiến thuật đối phó Philip", tôi tìm ra câu trả lời: xe mới! Chiếc xe mới quá êm! So với chiếc VAN cũ, dù chạy trên đường nhựa mới đắp, tiếng rung rinh, tiếng lụp bụp của bánh xe vẫn còn nghe rõ mồn một, như tiếng động của nồi niêu xoong chảo từ một quán hàng xén. Chính tiếng động này đã ru thằng cháu nội tôi ngủ say. Tôi bèn nghĩ ra một cách mà cho đến giờ cứ tự thầm khen mình thông minh xuất chúng: Giữa hai làn đường, lục lộ gắn những cục tròn màu trắng to bằng cái bánh bao trong các tiệm ăn tàu, để phân chia làn xe đan chen với những vệt trắng. Ở những đoạn vắng xe, tôi cố tình chạy sao cho một bên xe, bánh xe cán lên những cục đó; tức thì, chiếc xe tưng lên và phát ra những tiếng ồn nho nhỏ. Philip chỉ chờ đợi một chút đó thôi, một chút âm thanh lụp đụp rẻ tiền nhưng khó kiếm như những ngày nắng hiếm hoi trong cái con phố nhỏ nhưng mưa nhiều, nơi mà tôi đang gọi là quê hương thứ hai này. Thế là anh ta mỉm cười, lim dim đôi mắt, sau đó nằm im lìm nghe ngóng, rồi sa vào giấc ngủ ngon lành. Philip sập bẫy ngay cái nhịp bập bùng 2/4 đầu tiên của tiếng bánh xe cán trên lằn đường 240th. Chỉ khổ cho tôi là đường có vật thể như thế lại không nhiều và không dài. Nhưng không sao, đường đời dù có dài hay ngắn cũng đâu thể nào cứ bằng phẳng mãi.

Khi ngày bắt đầu ngắn, khi bầu trời bắt đầu có nhiều mây xám tụ về, khi những cơn gió bắt đầu khô và lạnh là thu đến, là cúm đến đi kèm - mua một tặng một - theo với những cơn ho khan không chờ đợi và những cú nhảy mũi đầy ngạc nhiên chẳng thích thú. Những anh chị trên sáu bó bắt đầu xếp hàng chích ngừa cúm. (Chích free, Medicare trả 100%.) Tiếc thay, chích ngừa không có nghĩa là sẽ thoát lạnh, tránh được cúm. Con nít không có cái may mắn được chích ngừa, chúng lần lượt ngã bệnh nằm bẹp như những con cờ dominos. Đứa này lây sang đứa kia nhất là mấy đứa nhỏ gởi ở những trung tâm vườn trẻ "day care". Bệnh biến chứng từ nóng sốt đến chảy nước mũi, ho. Ho làm chúng khó ngủ. Chuyện lái xe ru Philip ngủ giữa canh khuya trở thành một sứ mệnh bất khả, một “mission impossible”. Tụi nhỏ ho làm người lớn sốt ruột. Thực tình mà nói, nhờ nuôi Philip mà tôi tự lúc nào cũng đã biết canh cánh lòng vì tiếng ho của một đứa bé.

Trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn ngủ, nhìn Philip nằm ngửa, duỗi hai cánh tay bụ bẫm, ngủ một cách hồn nhiên giữa đống chăn mền bề bộn, tôi mơ màng hình dung ra chính mình trong vòng tay của má tôi những ngày Người ầu ơ câu ca dao dễ thương của tuổi nhỏ. Từng bước rón rén trở lại giường, tôi chìm dần vào giấc ngủ, bên tai còn nghe văng vẳng điệu ru:

“Con mèo trèo lên cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đường xa
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo!
...hờ hơ… hớ hơ…hờ hơ...”

Đường Du Hào
Tàn thu 2015

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2016