SỐ 71 - THÁNG 7 NĂM 2016

 

Khảo Bài Và Trả Bài

Thành kính tưởng niệm đến những vị Giáo sư đã qua đời;
trân trọng bày tỏ lòng nhớ ơn đến quí vị còn tại thế;
cảm ơn các bạn Võ Tánh về những kỷ niệm thời niên thiếu!

Lê Văn Hòa

Khảo bài là nguyên tắc sư phạm để học trò chú ý nghe và hiểu lời giáo sư giảng sau đó ghi nhớ mà hấp thụ kiến thức đã học. Đáp ứng lại đòi hỏi này của giáo sư, học sinh thường có những "chiến thuật" để trả bài vì không ai cảm thấy thoải mái, sung sướng hay thích thú khi bị kêu tên, đứng lên bục, bị cả lớp nhìn mình bằng những cặp mắt "thương hại" vì trả lời sai, hoặc ấp a ấp úng rồi được phán "zero! về chỗ, không thuộc bài!".

Nhìn lại quãng đường học trò đã hơn 40 năm trôi qua, tôi vẫn còn sợ hãi "trả bài". Hồi đó, mỗi học trò có riêng cho mình một chiến thuật để khỏi phải bị trả bài. Thường thì giáo sư khảo bài bằng cách mở số điểm bắt đầu từ những bạn có tên vần "A" rồi "B, C", ... Sắp tới vần của tên mình thì tối đó phải học tủ. Có giáo sư thay vì kêu lên trả bài thì cho làm bài kiểm tra và như thế khi làm bài có học sinh quay hay cọp-dê (copier). Có người nhờ bạn ngồi bàn đầu nhắc trong lúc đứng trên bục. Và cũng có người hỏi để tránh bị hỏi. Tựu trung thầy cô muốn học trò mình "ngoan ngoãn học hành, thành người", còn trò thì tìm cách "luồn lách" để có thì giờ đá banh hoặc đi xem xi-nê.

Dưới đây là những kỷ niệm "bị khảo bài" và "trả bài" trong 7 năm trung học ở Võ Tánh của lớp Thất 1 đến 12B1 (1) của chúng tôi.

Giáo sư Võ Tánh mỗi người có một cách khảo bài học trò khác nhau tùy môn, tùy theo sở thích riêng của mình và cũng tùy theo nhu cầu học hành, thi cử từng năm học.

Vào Đệ Thất Võ Tánh, chúng tôi phải làm quen với nhiều môn học mới, mỗi giáo sư một môn học, và cách thức học hoàn toàn khác với bậc tiểu học, những cậu bé vừa thoát được cái quần đùi tiểu học nhìn giáo sư Trung Học với những cặp mắt sợ sệt và kính nể. Do đó khi bị kêu lên bảng trả bài là một điều sợ nhất trong đời mặc dầu bài thầy dạy hôm nay xong về nhà là học ngay, rồi đợi đến tối trước ngày của môn học tuần sau thì đem bài đó ra ôn lại; nhưng vẫn sợ, rất sợ khi bị kêu lên trả bài.

Giáo Sư Cao Văn Duy dạy môn Lý Hoá đồng thời là giáo sư hướng dẫn của lớp chúng tôi, Lý Hoá là môn hoàn toàn mới so với bậc Tiểu Học. Một hôm thầy dạy về "sức hút và trọng tâm của trái đất".Thầy giảng về nguyên tắc dây dọi là tất cả dây dọi đều song song với nhau nên thợ hồ xử dụng nguyên tắc này để xây nhà cho thẳng đứng với mặt đất; về trọng tâm của trái đất thầy lại giảng tất cả mọi vật thể trên quả đất đều bị sức hút trái đất hút vào trọng tâm của nó gọi là trọng lực; sức hút này nếu kéo dài thì gặp nhau ở tâm điểm của quả đất.

Thắc mắc, tôi dơ tay hỏi:

- Thưa thầy hai sợi dây dọi song song và thẳng góc với mặt đất; nhưng lại gặp nhau ở tâm điểm của quả đất; vậy thì theo định nghĩa của toán học sao gọi là song song được?

Thầy giải thích:

- Vì quả đất to lắm nên khoảng cách tới tâm điểm của quả đất rất lớn nên 2 sợi dây dọi có thể coi là song song với nhau.

Trả lời xong, thầy khen tôi có câu hỏi hay và cho tôi 16 điểm.

Trong đầu tôi liền lóe lên ý tưởng thay vì "học hành " hay "học tập" để có điểm tôi sẽ theo con đường "học hỏi" để tránh bị khảo bài từ đó.

Ngoài việc kêu lên bảng trả bài, thầy Duy còn sử dụng phương pháp thực nghiệm trong giáo dục Vật Lý, điển hình học sức hút của trái đất, thầy bắt học sinh làm con "lật đật". Thay vì học bài, tôi phải nhờ mẹ tôi mua trứng vịt, khi đập trứng phải khéo léo đập phần rất nhỏ ở đầu quả trứng để rút lòng ra chiên, sau đó tôi nhồi đất sét vào đáy, lấy cây que ngắn, một đầu đâm vào cái nút điển, đầu kia đâm xuống phần đất sét. Điều chỉnh đất sét để quả trứng đứng bật lại được mỗi khi làm ngã nó xuống, lấy màu nước tô vẽ quả trứng như một chú hề. Đến ngày chấm điểm, thầy Duy bật nó xuống thì ... nó nằm luôn không bật dậy như nguyên tắc "lật đật" của sức hút quả đất, thầy phán "lật đật” đuợc tô màu phết son trông đẹp nhưng sai nguyên tắc: 13 điểm! Tôi cũng mừng nhưng không hiểu sao cái nút điển không làm con lật đật bật được trở lại vị trí đứng. Con "lật đật" của Ngô Văn Minh vừa đẹp vừa đúng nguyên tắc được thầy cho "20".

Môn Vạn Vật đúng lý là môn học thuộc lòng; nhưng thầy Trần Thanh Lý không bao giờ khảo bài bằng những câu hỏi để học sinh trả lời đúng những gì thầy giảng bài rồi đọc cho học sinh chép. Thầy thường bảo:

- Tụi bây không được học như con vẹt mà phải là quan sát, suy luận, rồi mới ghi nhớ có biết chưa?

Thầy khảo bài bằng những câu hỏi mẹo: "vành tai bồ câu màu gì?"; hoặc là "vịt ấp trứng bao nhiêu ngày thì nở?". Có hôm thầy kêu hai bạn lên trả bài. Thầy không đặt câu hỏi mà bắt bạn nầy hỏi bạn kia trả lời xong thì hỏi ngược lại. Bài tuần đó học về những động vật tương cận là con dê. Một bạn hỏi:

- Bạn đã thấy cứt dê chưa?

Cả lớp cười ầm lên, thầy tủm tỉm cười rồi nói với giọng Huế:

- Dọi! dọi! thằng ni thấy vậy mà láu cá!

Rốt cuộc mỗi bạn được thầy cho 13 điểm; đây là điểm trung bình có học bài của những học sinh bị khảo bài hồi đó. Khi viết những hàng chữ này tôi nghĩ hồi đó mình bụm miệng mà cười nhưng suy ra câu hỏi của bạn ấy quá đúng!!! vì nếu chưa thấy cứt dê bao giờ thì đến khi "thấy cứt dê tưởng là thuốc tể" thì ... quả là ... phiền lắm!

Cũng năm học đó giáo sư Lư Quang Tánh dạy chúng tôi môn Toán: thầy nghiêm nghị, kỷ luật, và thứ tự "đâu vào đó". Tôi có cảm tưởng giáo sư là người duy nhất xử dung giáo cụ cái compa bằng gỗ rất to khi vẽ vòng tròn trên bảng đen; những vị giáo sư khác người thì dùng miếng vải chùi bảng: ấn mạnh giữ chặt ở một điểm, đầu kia của thì quấn cục phấn rồi xoay tròn; người thì không cần gì hết chỉ vung tay một cái thì trên tấm bảng đen có cái vòng tròn màu trắng rồi chấm 1 điểm ở giữa vòng tròn ấy là tâm O. Thầy kêu học sinh lên bảng là bắt phải "hùng biện" ra để "lý luận chứng minh" chứ không phải im lìm để cục phấn kêu kít kít khi nắn nót viết trên bảng "AB = CD ...." ví dụ như thầy chỉnh ông bạn Bá Cường lớp tôi.

Kiểm soát việc học và buộc học sinh phải ôn bài của từng nửa năm học, chương trình giáo dục có 2 kỳ thi lục cá nguyệt cho mỗi năm học. Kỳ thi Toán của lục cá nguyệt thứ nhất, bài tôi làm được hết, nhưng khi trả bài tôi không được điểm tối đa mà bị trừ đi 0,25 điểm với lý do thầy lấy bút mực đỏ nối những dấu = của những đẳng thức từ trên xuống dưới: nó ngoằn nghoèo như con rắn uốn mình cùng lời phê "thiếu mỹ thuật! -0.25".

Hồi đó ... ấm ức ... lắm, nhưng ngày nay nghĩ lại iPhone nỗi tiếng thế giới, đã làm nhiều công ty cạnh tranh phải phá sản vì Steve Jobs đã đưa những tinh túy của mỹ thuật công nghệ vào sản phẩm của Apple.

Lên đệ Lục chúng tôi học Sử Địa với thầy Tôn Thất Tuệ. Chương trình học là thời kỳ độc lập sau Bắc Thuộc lần thứ nhất của năm đệ Thất. Khi thầy dạy đến chiến thuật của Ngô Quyền đánh quân Nam Hán ở sông Bạch Đằng bằng cách đóng cọc nhọn dưới lòng sông dụ quân Nam Hán vào sâu lúc thủy triều cao, chờ thủy triều xuống là phản công, thuyền của địch quân bị cọc nhọn đâm lủng lại bị mai phục hai bên bờ nên thua tan tác. Đó là chiến thắng thủy chiến đầu tiên của dân Việt.

Lại áp dụng "chiến thuật trả bài" bằng phương pháp "học hỏi", tôi dơ tay:

- Thưa thầy Ngô Quyền là người chiến thắng trên đường thủy đầu tiên ở nước ta, tại sao không được Hải Quân chọn làm thánh tổ mà là Trần Hưng Đạo.

Thầy hù lại tôi bằng cách hỏi ngược:

- Ngô Quyền trước hay Trần Hưng Đạo trước?

Sau một giây "chới với" tôi lấy lại bình tĩnh trả lời:

- Ngô Quyền trước.

Thầy bèn hỏi cả lớp:

- Ai trả lời được câu hỏi này?

Võ Văn Phụng dơ tay đáp:

- Thưa thầy vì Trần Hưng Đạo ngoài việc thắng quân Nguyên lừng lẫy trên sông Bạch Đằng, ngài còn thắng oanh liệt, vẻ vang ở những trận khác nữa và đuổi được Thoát Hoan phải chui vào ống đồng bắt binh sĩ khiêng về Tàu.

Thầy cho 2 chúng tôi điểm vào sổ và tháng đó thoát nạn trả bài.

Vạn Vật thì hết "học dê, học bò'" mà học những côn trùng như sâu bọ, chuồn chuồn, bươm bướm do thầy Lê Thế Nhiếp dạy . Thầy không khảo bài chúng tôi nhưng bảo chúng tôi đi bắt những con côn trùng này, tiêm hoặc ngâm alcol, phơi khô, rồi ghim vào 1 cái hộp, đến tháng thầy chấm điểm.

Theo chương trình của Bộ Giáo Dục, chúng tôi có giờ Âm Nhạc từ năm Đệ Thất, nhưng mãi đến Đệ Lục mới được học với phu nhân Đại Tá Nguyễn Ngọc Oa'nh chỉ huy trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân ở đệ nhất lục cá nguyệt. Chúng tôi đã học "khóa Sol", "khóa Fa" là gì, âm giai, âm trưởng, nốt trắng, nốt đen,.. , điệu 1/2, 3/4, ... Về nhà, sang hàng xóm, tôi mượn cây đàn guitar, dở trò "học tập", và bài đầu tiên tôi đàn từng nốt một là bài "Lòng Mẹ" của Y Vân.

Đến kỳ thi lục cá nguyệt cô bắt lên trên bục gỗ "xướng âm" đồ, rê, sol,... lên lên, xuống xuống; vì không phải là 1 bản nhạc nào cả vốn có những âm sắt, huyền, nặng trong lời nhạc thì tự động nó giúp xướng âm đúng hơn. Tôi chịu thua! nốt nào xướng âm ra đều là "bằng bằng" và dài ngắn giống nhau cả, không âm giai! không âm trường! Mai Hữu Liêm hát hay nhất lớp hồi ấy. Rất tiếc đó là giờ học nhạc duy nhất của lớp chúng tôi cho tới ngày rời Võ Tánh vì không có Giáo Sư âm nhạc ở Nha Trang.

Môn Toán Lý Hoá năm đệ Ngũ do thầy Tôn Thất Thoại đồng thời là giáo sư hướng dẫn. Giờ học đầu tiên chưa học gì thầy đã khảo bài chúng tôi bằng cách làm bài kiểm với những câu hỏi Lý Hoá năm Đệ Lục trong đó có câu hỏi tôi còn nhớ là "Bảng phân loại tuần hoàn là gì? Ký hiệu nguyên tố là gì?". Thầy "dữ" hơn những thầy khác vi hỏi bài mà không thuộc lá "ăn roi mây" vì thầy biểu chúng tôi góp tiền mua cho thầy 1 cái roi mây và trưởng lớp giữ cái roi mây đó, đem theo mỗi giờ học của thầy.

Sử Điạ năm Đệ Ngũ do cô Trần Thị Nam phụ trách; sau sự kiện một bạn bị kêu lên "dò bài", chàng khoanh tay nghiêm trang đọc ê a theo kiểu trả bài:

- Năm một ngàn ư... ư... vua Lê Thánh Tôn ư... ư...

Khi đến những chi tiết thì giọng của anh ta chỉ có ở trong họng "...ư' ư'..." không phát ra ngoài.
Cô Nam rầy:

- Anh đừng có qua mặt tôi! anh chỉ ê a cho qua chứ có học bài gì đâu!

Sau đó cô kêu ai lên bảng thì cô hỏi từng câu một, phần lớn là những điều cô giảng chớ không có viết trong vở.

Cô Tạ kim Kim Yến phụ trách môn Việt Văn được nửa năm thì chuyển vào Sài Gòn nên nửa năm sau do thầy Nguyễn Đức Mình vốn là Giáo Sư Lý Hóa của năm Đệ Nhứt dạy thế. Tuy nhiên thầy giảng dạy rất nghiêm. Thầy không bắt học thuộc lòng bài rồi tuần sau đó kêu lên trả bài. Thầy vừa giảng bài mới, vừa đặt câu hỏi với học sinh rồi cho điểm. Bài học mới bị hỏi mà không biết cũng bị zero 2, zero 4 thì phiền hà lắm vì thế giờ học của thầy rất ngột ngạt.

Tôi nhớ có hôm thầy dạy bài "Vịnh Bức Dư Đồ Rách" của Tản Đà. Sau khi giảng "dư đồ" là gì thầy hỏi "tại sao gọi là bức dư đồ rách?" hết người này đến người kia trả lời không được; thầy bèn dỡ sổ điểm ra rà cây viết big của thầy từ trên xuống dưới, thỉnh thoảng ngó về phía trái của cột tên, rồi lại rà xuống; cả 40 trái tim của lớp cũng lên lên xuống xuống theo nhịp của cây bút rà tên của thầy. Khi thấy rà tới khoảng giữa cuốn sổ thì tim tôi nó đập mạnh, lo lắng; rồi thầy rà xuống tiếp thì "con tim vui trở lại"; nhưng bất thình lình thầy rà ngược trở lên rồi liếc trái vào cột tên:

- Lê Văn Hòa.

Thót tim một cái rồi "một liều ba bẩy cũng liều" tôi trả lời:

- Vì chính sách chia để trị của Pháp, họ chia Việt Nam ra làm 3 phần Bắc, Trung và Nam nên tác giả ví như là tấm bản đồ rách.

Thầy cho điểm vào sổ rồi phán "đúng rồi!
... thì khi đó con tim của tôi mới thực sự "đã vui trở lại".

Việt văn năm đệ Tứ chúng tôi thích hơn những năm trước vì được học "truyện Kiều" do thầy Trần Phước Hải dạy. Thầy không bắt chúng tôi lên bảng rồi vòng tay ê a "Trăm năm trong cõi người ta. Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau" mà thầy bắt chúng tôi tranh luận, hùng biện về những nhân vật và cách hành xử trong Truyện Kiều. Thầy kêu vài trò lên chia làm 2 nhóm, ngồi quay xuống lớp rồi tranh luận với sự góp mặt bằng cách dơ tay từ các bạn ngồi dưới lớp. Thường những buổi hùng biện như vậy xong thầy đều cho điểm cao.

Cũng năm này chúng tôi học Toán và Lý Hóa với thầy Nguyễn Gia Bá. Thầy không kêu lên bảng ê a trả lời câu hỏi mà phần lớn là cứ đến cuối giờ dạy là thầy cho làm Toán chạy hay Lý Hóa chạy. Ai đem lên trước hết và đáp số đúng thì thầy cho "20", người kế tiếp còn lại 19, rồi mười tám, ... được chừng 5 trò thì giải bài cho cả lớp. Được trả bài như thế này thì cả lớp ai cũng thích vì khỏi phải ê a mỗi tối. Thầy rất ghét trả bài bằng cách "quay hay cọp-dê". Năm đó có bạn quay bài trong lúc thi lục cá nguyệt; thầy bắt được, đuổi ra khỏi lớp ngay. Kết quả của kỳ thi đó thầy phê vào học bạ "gian lận lúc thi cư".

Suốt 4 năm Trung Học Đệ Nhất Cấp chúng tôi đều học Hội Họa với thầy Nguyễn Quang Gỉ. Thầy dạy chính yếu là vẽ truyền chân. Mỗi giờ học thầy bắt một học sinh đem vào lớp một vật mẫu để trên bàn thầy rồi cả lớp nhìn vẽ vật đó bằng bút chì, ai đem mẫu vẽ hôm đó được thầy cho điểm 20. Cuối năm thầy có dạy về cách pha màu. Nhờ kiến thức này mà sau này khi vào đại học tôi hiểu ngay nguyên tắc của TV màu cho tới ngày nay. Cuối năm thi Lục Cá Nguyệt thầy bắt chúng tôi vẻ trên bìa cứng trắng "Chương Trình Phát Phần Thưởng" của trường Võ Tánh. Thầy chọn ra những "tác phẩm" xuất sắc để phát cho quan khách trong buổi lễ phát thưởng cuối năm. Cho tới bây giờ tôi vẫn thấy đây là 1 sáng kiến độc đáo và hay vô cùng.

Lên trung học đệ nhị cấp, năm lớp 10 là năm "dưỡng già" như lời thầy Lê Văn Dàn dạy môn Anh văn thường hay nói; nhưng thầy đã không cho chúng tôi "dưỡng" mà thầy dạy văn phạm tiếng Anh tới tấp. Tôi nhớ hồi ấy Anh Văn là sinh ngữ phụ thế mà tôi học "mệt nghỉ" so với những môn khác!

Cùng năm ấy thầy Trần Đăng Lộc là giáo sư hướng dẫn dạy chúng tôi môn Toán. Năm "dưỡng già" nhưng Toán hình học khó lắm. Thầy chủ trương "học tập" nên bắt mỗi học sinh có một cuốn vở rồi tự học tự tìm tòi đề toán, tự giải vào cuốn vở rồi thỉnh thoảng thầy kêu lên dò cuốn vở đó để xem có tự làm bài hay không; làm càng nhiều điểm càng cao!

Pháp Văn chúng tôi học đến 2 thầy: thầy Nguyễn Huy Hoàng và thầy Lê Khánh. Thầy Hoàng không dạy theo cuốn Mauger mà dạy bằng những đoạn văn ngắn rồi phân tích văn phạm những đoạn văn đó. Lý do thầy bảo:

- Năm tới tụi mi thi Tú Tài, đề thi không phải từ cuốn Mauger mà là từ những đoạn văn ngắn như thế này. Bây giờ bắt đầu tập quen đi là vừa!

Thầy dò bài bằng cách kêu lên, thầy hỏi tiếng Việt, trò bị dò bài phải viết lại trên bảng bằng tiếng Pháp: cách dò bài đơn giản nhưng không trả bài dễ bị "ngắt ngứ". Thỉnh thoảng thầy dạy những bài hát tiếng Pháp ở trang phía sau của cuốn Mauger như là "Sur le pont dAvignon l'on y danse l'on y danse", "Mes amis la vie est belle ...". Nhưng chúng tôi không bị dò bài bằng cách hát lại những bài hát này, thật hú vía!

Ngược lại, thầy Khánh lại dạy theo cuốn Mauger; nhưng dạy hát những bài thời trang đang thịnh hành hồi lúc đó như là "Le jour le plus long", nhạc phim "Ngày Dài Nhất" kể lại phe đồng minh đổ bộ Normandie để giải phóng nước Pháp bị Đức chiếm đóng trong Thế chiến 2, đang chiếu ở rạp Minh Châu thời đó; "L'Automne Morte" của Guillaume Appolinaire được thi sĩ Bùi Giáng dịch sang tiếng Việt, nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành "Mùa Thu Chết" "hit" mạnh ở thị trường âm nhạc.

Lớp 11 là năm thi Tú Tài I; chúng tôi ít bị dò bài vì các thầy cô lo dạy cho hết chương trình để cho học trò đi thi. Thế nhưng "mùa hè đỏ lửa" năm ấy cũng đã rút ngắn chương trình học của chúng tôi.

Thầy Nguyễn Phương, giáo sư hướng dẫn lớp 11B1, tên thật là Nguyễn Tri Phương, vì trùng tên với anh hùng dân tộc triều Nguyễn nên đã nhún nhường chỉ lấy tên và họ. Thầy dạy toán rất hay, đi dạy thường không đem theo sách giáo khoa, thỉnh thoảng thì đem theo cuốn cẩm nang lấy "logarithm" hoặc là bảng lượng giác "sin, cos". Với phong cách riêng, thầy ra đề Toán cũng theo kiểu ứng khẩu:

- Cho một vòng tròn tâm O, bán kính R và một đường thẳng cắt ngang ở 2 điểm A và B, ...và cứ giọng đều đều như thế .


Vì là năm thi nên tôi học thêm Toán và Lý Hóa vào buổi tối ở trường Kim Yến. Bạn bè của những lớp B2, B3 tôi nhớ có Nguyễn Quốc Hùng, Nguyên, Lê Ngọc Ân, Mỹ, ... ; lớp có thêm 2 bóng hồng từ trường Nữ: TH va KN. Cũng nhờ có hai bóng hồng này mà lớp toán của thầy Phương hết khô khan! Những chàng trai VT luôn năng nỗ, làm nổi để kiếm được sự chú ý: phá phách để gây chú ý là Hùng và Nguyên, học hành chăm chỉ xung phong giải toán là Ân, nhưng cũng có người chỉ im lặng ngồi phía sau để chiêm ngưỡng đó là Hồ Văn Tâm!

Một hôm trong giờ ra chơi, một bạn phá bằng cách hất tung những cây bút, cục gôm, ra khỏi hộp đựng bút của 2 bóng hồng. Sau giờ nghỉ, KN quay ra sau phàn nàn:

- Sao các anh càng ngày càng mất dạy quá!

Mặc dầu không phá nhưng Quốc Hùng đã dõng dạc đi lên xin lỗi và sắp xếp bút, gôm lại trong bóp cho hai bóng hồng. Tôi thầm thán phục Hùng với cử chỉ "đầy trách nhiệm" từ ấy! (Hùng cũng học Pháp Văn lớp Thất 1 vài tháng với Vũ Chu Hà và Nguyễn Văn Mến sau đổi qua lớp Anh Văn).

Lại một hôm, thầy vừa ra bài tập xong, cả lớp đang im lặng, tập trung làm bài thì lanh lảnh tiếng nhạc vọng sang từ quán café bên kia đường:

Làm sao giết đựơc người trong mộng?
Để trả thù cho duyên kiếp phủ phàng!

Cả lớp cười ồ lên, thầy nhấp nhấp điếu thuốc để gạt tàn rồi vừa cười vừa nói:

- Giải bài toán tôi vừa cho các anh thì nó dể như lấy điếu thuốc trong túi ra, nhưng giải đáp bài hát này thì tôi bí, có phải không nào?

Rít thêm một hơi thuốc, rồi thầy lại nói:

- Bây tôi mới biết cái bí mật mà mấy anh lớn lớp ban ngày đòi học cho bằng được ở cái phòng này.

Trở lại lúc đầu khi mới vào Võ Tánh, tôi đã chú ý đến hai cặp giáo sư nổi bật của trường là cặp giáo sư Tôn Thất Hà + cô Tường Qui, và cặp giáo sư Trần Phước Hải + cô Kim Thành. Mãi tới lớp 11 và 12 thì mới hân hạnh được học Anh Văn với thầy Hà 4 giờ mỗi tuần. Nếu thầy Lê Văn Dàn có công xây dựng cho chúng tôi kiến thức căn bản văn phạm tiếng Anh thì thầy Tôn Thất Hà có công dẫn dắt học trò của thầy làm quen với câu văn và bài viết tiếng Anh.

Hai năm học với thầy tôi sợ nhất là bị dò bài bằng cách kêu hai đứa đứng lên, cầm cuốn "English for today" đọc một paragraph xong rồi úp sách xuống bàn, trò này hỏi trò kia về một điều của đọan văn ấy bằng tiếng Anh, trò kia trả lời xong rồi hỏi ngược lại. Bọn tôi chỉ có ú với ớ chớ ít ai hỏi cho thông, trả lời cho suốt!

Một dịp tôi chứng kiến tài hùng biện bằng tiếng Anh của thầy: số là hôm ấy một chiếc xe Jeep của hai người lính Mỹ tông hư chiếc xe đạp của một học sinh VT ngay trước trường trên đường Bá Đa Lộc nhằm lúc thầy vừa tới trường để dạy. Thầy xuống xe lại nói chuyện với 2 người lính và yêu cầu bồi thường, nhưng "có vẻ" (vì tôi có hiểu gì đâu!) họ cãi lại là họ không có lỗi, xe đạp đi tràn ra giữa đường bị tông là lổi của học sinh. Thầy bèn dắt cả hai lại ngã tư Đinh Tiên Hoàng và Bá Đa Lộc có bản chỉ đường hình tam giác màu đỏ với dấu hiệu "khu trường học", khi ấy hai người lính mới đuối lý và bằng lòng bồi thường cho học sinh. Tôi đứng xem, phục lắm và ước mơ nói được tiếng Anh hùng biện như thế. Thầy là chánh chủ khảo của những kỳ thi hùng biện Anh Ngữ của Võ Tánh.

Tôi lại mang ơn thầy ở một chuyện khác: xong Tú Tài II, giành được học bổng đi Nhật thì chính phủ Nhật đòi hỏi giấy giới thiệu của nhà trường. Anh tôi giúp soạn viết và đánh máy cái thư ấy xong, tôi đem xin chữ ký của thầy Nguyễn Thúc Thâm. Thầy Thâm hỏi:

- Anh đã nhờ thầy nào coi lại chưa? chứ thư này qua bên ấy mà có sai lỗi gì thì họ cười tôi.

Tôi tìm đến nhà thầy Hà nhờ thầy xem lại, thầy nói:

- Được, nhưng chữ "scool" này đánh máy thiếu chữ "h"; mà tại sao em không đi Mỹ học?
- Dạ thưa thầy, em học Pháp Văn sinh ngữ chính nên không đủ sức.
- Nhưng mà thầy thấy em học Anh Văn trong lớp cũng được mà!

Tôi im lặng trong bụng nói thầm "dạ thưa thầy, thầy thương em mà nói như vậy chứ em biết sức của mình!"

Từ ấy cho tới bây giờ mỗi lần đánh xong chữ "school" tôi thường coi lại có chữ "h " hay không!

Thầy Trần Minh Sơn phụ trách môn Lý Hoá năm lớp 11 và môn Hóa học năm 12. Thầy không khảo bài mỗi tuần; nhưng bất thình lình "hôm nay các em làm bài kiểm!". Thế là chúng tôi im lặng mở cuốn vở ở phần chính giữa, bẻ hai cái kim đóng vở, rút ra tờ giấy đôi để chờ thầy viết đề bài trên bảng mà làm bài. Tuần sau đó thấy trả và giảng bài giải. Không bao giờ trễ qua 2 hay 3 tuần mới trả lại bài cho hoc sinh.

Vào đầu niên học lớp 12, năm 1972, miền trung bị lụt lội rất nặng, giáo sư hướng dẫn Lê Đình Dũng, người Huế, hiểu rất rõ sự cơ cực và khó khăn đối với người dân bị lụt. Vì thế vào lớp thầy gào lên, hô hào đóng tiền cứu trợ nạn nhân lụt lội:

- Đứa mô không đóng 'tau' cho zéro hạnh kiểm

Có bạn tức khí nói trống lên:

- Dạ thưa thầy, nhà em nghèo không có tiền.
(mà nhà bạn ấy cũng nghèo thiệt!!!)


Thầy Dũng lặng lẽ lại bàn giáo sư, mở sổ điểm và cho bạn ấy zéro hạnh kiểm ngay lập tức. Đóng sổ điểm lại, nhìn xuống lớp, thầy ban huấn từ "nhà mi nghèo, mi còn có giường, có chiếu mi ngũ, còn người ta bị lụt lấy cái chi mà nằm?"

Tương tự như năm 11, chúng tôi không phải bị kêu lên bảng để ê a trả bài nữa với lý do chương trình phải được dạy cho xong để học sinh đi thi Tú Tài II. Duy nhất có môn Sử Địa thầy Đặng Như Đức bắt chúng tôi làm thuyết trình. Đề tài thuyết trình là "Hitler và Đức Quốc Xã". Sách và tài liệu hồi ấy khó kiếm vì Võ Tánh không có thư viện kể cả thành phố Nha Trang. Khi viết những trang nầy ngẫm nghĩ giá mà hồi đó có internet.

Ngoài việc khảo bài những môn học như kể trên, mặc dầu không có môn học gọi là "hạnh kiểm" nhưng tất cả Giáo Sư Võ Tánh đều khảo "hạnh kiểm"; trong sổ điểm có một cột điểm “hạnh kiểm” bên cạnh của cột "lời phê của giáo sư" - như giáo sư Lê Đình Dũng đã hạ bút xuống đối với một bạn năm xưa - cột điểm “hạnh kiểm ấy dựa trên các khái niệm về Nhân Bản, Dân Tộc và Khai Phóng. Nếu được "20 điểm hạnh kiểm" thì khỏi nói rồi, người được nhận còn sung sướng và hạnh phúc hơn đuợc 20 điểm Toán/Lý Hóa rất nhiều. Nhưng, ngược lại bị "zero hạnh kiểm" xem như "phạm trọng tội, bất hiếu với cha, với mẹ". Tháng đó mà đi qua cầu Hà Ra hay Xóm Bóng thì xem như là "qua cầu phiếu điểm bị gió bay", không dám về đưa cho ba má xem.

Xét lại 3 bậc giáo dục: tiểu học, trung học và đại học thì chỉ có trung học là có điểm hạnh kiểm. Tiểu học là học để "biết đọc, biết viết" và biết làm "toán động từ" hay "qui tắc tam suất" đặng mà đi thi vào Đệ Thất Võ Tánh; có lẽ vì học sinh tiểu học chưa đủ "khôn" để nhận thức được 2 chữ "hạnh kiểm". Còn giáo dục đại học thì lo thi "lấy tín chỉ" chuyên môn để được phát bằng, để mà thành "tài", thành "kỹ sư, bác sĩ"; không có tín chỉ nào gọi là "tín chỉ hạnh kiểm"! Phải chăng vì sinh viên đại học đầu óc đã "chai sạn" không còn dễ "bị uốn nắn" theo khuôn phép??? Chỉ có trung học mới được dạy "Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín" để được đào tạo thành "nhân", thành người "đứng đắn" cho xã hội. Do đó giáo dục trung học thật là quan trọng, thiết yếu và khó khăn vô cùng.

Dạo gần đây những bảng cảnh cáo bằng chữ Việt dựng lên ở những trung tâm thương mại, và nhà hàng ở các nước Thái, Hàn, Nhật làm người Việt năm châu cảm thấy ê chề và bị tổn thương lây có lẽ đó là hậu quả của những "zéro hạnh kiểm" đã không còn "được cho" nữa chăng?


Chú thích: (1) Cho tới năm 70 các lớp trung học là đệ Thất ~ đệ Nhất. Sau 70 các lớp trung học được đổi thành 6 ~12.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2016