SỐ 71 - THÁNG 7 NĂM 2016

 

Thăm xứ Phù Tang

Hà Bạch Trúc
(đầu xuân 2016)

Hồi còn nhỏ, hể được món gì ngon hay đẹp, tôi hay để dành. Trong bữa ăn, được chia cho miếng ngon, tôi không ăn hết liền mà ăn từ từ, lúc nào cũng chừa lại chỗ ngon nhất để thưởng thức sau cùng. Nhiều phen bị mấy đứa em, ăn hết phần của chúng, xin qua phần của tôi, không cho thì bị mẹ mắng “chị mà không biết nhường em”. Tôi tức lắm, tự hứa lần sau không để dành nữa, nhưng rồi lần nào cũng thế. Không đổi được tánh. Lớn lên, mỗi khi đặc biệt thích thứ gì, tôi không mua ngay dù trong túi có tiền. Tôi giữ điều ao ước trong lòng, chờ có dịp đặc biệt mới đem ra thực hiện. Làm như thích gì mà được liền thì sẽ bớt hay, bớt đẹp. Sau này nghe bài hát “Save the best for last” do cô ca sĩ hoa hậu da đen Mỹ đầu tiên Vanessa Williams hát, tôi thích thú “à thì ra cũng có người giống mình”.

Trong cái ‘bucket list’ dài lê thê của tôi, ở tuốt phía dưới là một nước mà tôi dệt mơ ước được một lần đến thăm. Một nước tuy không xa lạ, nếu không nói là gần gũi quen thuộc, nhưng sao cảm thấy xa vời, lạnh nhạt, ngoài tầm tay. Một nước chẳng hiểu sao tôi có cảm tưởng vừa đẹp vừa không đẹp. Một nước có vẻ kỳ bí và khép kín, mặc dù hàng hóa của họ tung bán khắp nơi. Ðó là nước Nhật, xứ Phù Tang “mùa xuân sang có hoa anh đào”, đất nước của núi Phú Sĩ, của nàng kỷ nữ và chàng samurai mỗ bụng như chơi, của món sushi độc đáo và wasabi cay nồng. Ðiều mơ ước đó, năm nay tôi mới đem ra thực hiện, nhân một kỷ niệm quan trọng. Mơ ước càng lâu thì chờ đợi càng nhiều, chuyến du lịch Nhật không biết có đáp ứng được những chờ mong của tôi?

Ngày 1. FUKUOKA
Chúng tôi đáp xuống phi trường của thành phố FUKUOKA vào buổi trưa môt ngày đầu xuân đẹp trời giữa tháng ba. Fukuoka là thành phố lớn nhất của hải đảo Kyushu, cực Nam nước Nhật. Nhật có 4 hải đảo lớn: Kyushu, Shikoku, Honshu và Hokkaido, cùng hơn 6.000 đảo nhỏ khác. Hai hướng dẫn viên, một người Hòa Lan nói tiếng Hòa Lan, một người Nhật nói tiếng Anh, đón đưa về khách sạn. Hướng dẫn viên chánh người Hòa Lan tên Dustin sinh sống ở Nhật đã 8 năm, có vợ Nhật và 2 con nhỏ. Hướng dẫn viên người Nhật tên Hiro (chúng tôi gọi Hiro-san; trong tiếng Nhật thêm chữ ‘san’ ở sau để tỏ sự lịch sự hay kính trọng), có vợ sắp cưới người Việt Nam.



   

Khách sạn Hakata Excel Fukuoka nằm tại trung tâm thành phố, bên bờ một con sông nhỏ. Dọc bờ sông, những quán ăn nhỏ xiú (kiosk) đầy khách, phần đông là nam giới ngồi trên ghế cao vây quanh quầy bếp ở giữa. Buổi chiều tối, hàng nào cũng đầy khách, là những người sau giờ tan sở, ghé đây để nhậu (nhiều hơn ăn) và trò chuyện tới khuya mới về nhà. Người hướng dẫn nói đó là thói quen của người Nhật, cả đàn ông lẫn đàn bà. Thời gian nhậu nhẹt, giao thiệp này cũng quan trọng không kém giờ làm việc. Người nào đi làm về đến nhà trước 10 giờ đêm thì chức vụ chắc hẳn không quan trọng. Vợ của người hướng dẫn đoàn, vì phải về nhà trước giờ tan sở để đón con, nên lương chỉ bằng 1/3 của đồng nghiệp nam. Cảm giác hòa mình được với đồng nghiệp, cảm giác mình là thành phần của một tổ chức hay một nhóm nào đó, rất quan trọng đối với người Nhật.

Phố về đêm khá nhộn nhịp.  Bữa ăn tối đầu tiên trên xứ Nhật để lại hương vị tao nhã của các món ăn thuần tuý Nhật, và thẩm mỹ của cách trình bày trong các hộp gỗ sơn mài.

Ðã biết trước phòng khách sạn Nhật không rộng rãi như những nước khác nên chúng tôi không bị bất ngờ. Phòng tuy nhỏ nhưng rất sạch sẽ và đầy đủ tiện nghi, đặc biệt bàn ngồi cầu vệ sinh được sưởi ấm và có vòi nước nóng rất vệ sinh, tiện lợi. Ðối với dân Âu châu thì đây là điều mới lạ, tiện lợi và thích thú. Dân Mỹ có lẽ đã quen với tiện nghi này, ở Nhật thì nơi nào cũng có, kể cả nơi vệ sinh công cộng. Thành phố đầu tiên ghé qua đã để lại cảm tượng mới lạ về con người và đất nước này.

Ngày 2. NAGASAKI
Sau giấc ngủ lấy lại sức, sáng hôm sau chúng tôi lên đường đi thăm thành phố cảng NAGASAKI, cũng nằm trên đảo Kyushu. Nagasaki là thành phố nhận lãnh trái bom nguyên tử thứ hai của Mỹ vào ngày 9 tháng 8 năm 1945. Trái bom nguyên từ mang tên Fat Man này đáng lẽ thả xuống thành phố Kokura, là nơi có kỹ nghệ phục vụ chiến tranh, nhưng vì lý do sương mù, không thấy được mục tiêu nên người phi công Mỹ đã bay đến mục tiêu thứ hai là Nagasaki. Qua khe hở của đám mây, người phi công nhìn thấy nhà máy chế vũ khí Mitsubishi bên dưới nên quyết định thả bom. Trong tổng số 240.000 dân, Fat Man với sức nóng khủng khiếp 4.000 độ C đã giết chết tức khắc hơn 73.000 người và gây thương trầm trọng cho 75.000 người khác, đưa đến sự đầu hàng vô điều kiện của Nhật vào ngày 12 tháng 8 năm 1945, chấm dứt Ðệ Nhị Thế chiến. Ngày 14 tháng 8 năm đó, lần đầu tiên trong lịch sử, người dân nước Nhật được nghe giọng nói của Nhật Hoàng Hirohito khả kính của họ, đọc tuyến bố đầu hàng.

Chúng tôi ghé thăm CôngViên Hòa Bình Nagasaki (Nagasaki Peace Park) là nơi tưởng niệm các nạn nhân của trái bom nguyên tử thứ hai này. Ngay tại đầu công viên có Tượng Hòa Bình (Peace Statue) rất cao bằng đồng xanh mang nhiều ý nghiã, được Hiro-san giải thích. Tay phải của tượng chỉ lên trời để canh giác hiểm họa vũ khí nguyên tử, tay trái giơ ngang kêu gọi hòa bình. Chân phải co xếp trong thế ngồi thiền, trong khi chân trái duỗi ra như muốn đứng lên để đi cứu người. Mắt pho tượng nhắm nhẹ trong tư thế cầu nguyện cho các nạn nhân. Trong công viên có rất nhiều tượng nhỏ và bia tưởng niệm của các quốc gia trên thế giới tặng.

Ðặc biệt tại nơi đây, chúng tôi gặp một nạn nhân còn sống sót. Ông lão đứng trước một tấm bảng viết kể lại câu chuyện của ông lúc quả bom nguyên tử rơi xuống. Ông viết (tạm dịch): Lúc đó tôi làm việc tại Nhà máy Vũ Khí Mitsubishi, 1,1 km về phía bắc của tâm điểm bom nổ.Vào ngày hôm đó, ông chủ hãngtình cờ sai tôi đi đến một nhà máy khác. Quả bom nguyên tử phát nổ đúng lúc tôi vừa bước chân vô. Tôi bị văng ra đằng sau một cây cột lớn, cây cột này đã chặn các tia nhiệt và các miểng bom. Tôi đã thoát chết một cách kỳ diệu. Chỉ có tôi và một người đồng nghiệp còn sống sót trong số 32 công nhân. Ông chủ hãng chết ngay tại chỗ. Tôi muốn truyền tải nỗi khiếp sợ bom nguyên tử. (I have been working at the Mitsubishi Arms Plant, 1.1 km north of the hypocenter. On that day, the boss happened to order me to go to another factory. The Atomic bomb exploded just as I entered the building. I was blown behind a big pillar, which blocked the heat ray and the blast. I was miraculously saved. Only a colleague and I survived out of 32 workers. The boss died on the spot. I want to convey the fear of the Atomic bombs.) Tên ông là Inosuke Haysaki, năm nay ông 85 tuổi, trông vẫn còn khỏe và vui vẻ, hiền lành.

Trong Công viên Hòa Bình, chúng tôi ghé đến ngôi nhà nhỏ bằng kiếng nơi trưng bày ngọc xá lợi của Ðức Phật do thủ tướng Ấn độ, Nehru, tặng vào tháng Tư năm 1954. Theo yêu cầu của thủ tướng Nehru, xá lợi Phật được lưu giữ nơi đây để tưởng niệm những nạn nhân của bơm nguyên tử, đồng thời cũng để cầu nguyện cho hòa bình thế giới.

Buổi trưa, chúng tôi đến một tiệm ăn cổ truyền Nhật, lối vào rất hẹp, phải vén hai tấm màn vải để bước vô, sàn gỗ trải kín bằng chiếu cạp biên (tatami, bên Nhật người ta vẫn còn nói nhà rộng bao nhiêu tatami/chiếu, thay vì bao nhiêu thước), ngồi trên chiếu để ăn và mỗi phòng ăn cách nhau bởi cửa kéo bằng khung gỗ dán giấy.  

Kế tiếp chúng tôi ghé ốc đảo nhỏ tí hon Dejima, vốn được người Nhật đắp bồi để thương thuyền Bồ đào nha và sau đó Hòa Lan cập cảng mua bán. Nơi đây các thuyền trưởng và thương buôn Hòa Lan sinh sống từ đầu thế kỷ 17 cho đến giữa thế kỷ 19. Các ngôi nhà, chỗ làm việc, kho hàng, vật dụng trong nhà đều mang dấu ấn của kiến trúc và văn hóa Hòa Lan và còn được bảo tồn đầy đủ.
Nagasaki vốn có mối quan hệ chặt chẽ với Hòa Lan. Năm 1614, sau khi người Bồ đào nha bị đuổi khỏi Nhật vì có ý đồ truyền bá Thiên chúa giáo, Hòa Lan là dân tộc Âu duy nhất được phép đến Nhật buôn bán. Từ đó cho mãi đến giữa thế kỷ 19, Hòa Lan là đầu mối tiếp xúc duy nhất của nước Nhật với châu Âu. Do đó mà trong tiếng Nhật, danh từ chỉ nguời ngoại quốc là ‘oranda’(=Hollanda). Ở Dejima có cả con đường tên Oranda zaka (= Hollanda street, đường Hòa Lan).


Tiếp theo, đến thăm công viên Clover Garden nằm trên đồi cao nhìn xuống thành phố và bến cảng Nagasaki. Công viên được xây dựng bao gồm nhiều ngôi nhà kiểu Tây thế kỷ 19, trong đó quan trọng nhất là biệt thự của Thomas Blake Glover, một thương gia người Tô cách lan đã có công hiện đại hóa nhiều ngành kỹ nghệ của nước Nhật (đóng tàu, than đá  v.v...). Ðây là ngôi nhà kiểu Tây xưa nhất nước (1863), trong vườn có hai pho tượng của Puccini và Miura Tamaki nên được gọi là “Madame Butterfly House” (Nhà Bà Bướm) vì gợi nhớ bối cảnh của vỡ nhạc kịch cổ điển (opera) Madame Butterfly (1904) của soạn giã tài hoa Puccini. Miura Tamaki là nữ ca sĩ opera hạng nhất của Nhật, nổi tiếng khắp thế giới nhờ thủ vai Cio-Cio-san tức Madame Butterfly trong vở nhạc kịch về mối tình của cô gái Nhật sống ở Nagasaki, quyên sinh vì bị người chồng Mỹ phụ bạc. Trong công viên còn có ngôi nhà Mitsubishi Dock House của công ty Mitsubishi, dùng cho thủy thủ đoàn có chỗ nghĩ ngơi trong lúc chờ sửa tàu. Công Viên Clover Garden rộng và đẹp, nằm ở vị trí lý tưởng trên đồi cao nhìn qua bên kia là bến cảng Nagasaki.


Ðêm nay ngụ tại Hotel Monterey Nagasaki, một khách sạn nhỏ trang trí theo lối Bồ đào nha, nằm trong khu Chinatown, với nhà hàng ăn tối và ăn sáng khá ngon, phục vụ lịch sự, đầy đủ tiện nghi, có cả nhà nguyện riêng để làm lễ cưới.

(còn tiếp)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2016