SỐ 71 - THÁNG 7 NĂM 2016

 

thơ Sông Cửu, long lanh hình dấu nhạc

(Giới thiệu thi tập Hạt Nắng của nhà thơ Sông Cửu)

Ngay bài thơ đầu trong thi tập Hạt Nắng, nhà thơ Sông Cửu đã tự cảm nhận thơ ông là dấu nhạc, là nhịp điệu thương yêu, là tiếng kêu giao cảm của động vật, trước vẻ hữu tình của thiên nhiên muôn sắc muôn màu. Chúng ta hãy thử đọc:

"Hạt nắng
rụng lên tóc em
rơi trên tóc anh
long lanh hình dấu nhạc ..."

"Đôi chim câu gù trên vòm cây
tiếng gà rừng đã vỗ cánh gáy
quả đất vừa quay xong một vòng..."

Những hình tượng chói chang thơ, những ngôn ngữ dồn dập thơ ...đã tạo cơ hội cho những nốt nhạc giao hưởng nhau, cấu thành mảng nhạc, tuôn ra  dòng nhạc bất tận - trôi theo đời sống thi sĩ.
Người ta nghe dòng nhạc Sông Cửu rì rào:

" Tối tháng tư tình buồn trăng rụng
thương từng chùm đom đóm ngậm sương...
đêm Hàm Luông nằm chờ ra biển
nghe tắc kè chắt lưỡi băn khoăn..."

Tỉnh lỵ Hồng Ngự, mỗi năm hứng trận lũ từ thượng nguồn đổ về. Các cô gái ngoi ngóp trong nước, vật lộn với thiên tai. Dòng nhạc Sông Cửu vẫn mơ màng:

" Thuyền về An Long ghé ngang Hồng Ngự
tránh lũ về phủ trắng Tam Nông
em mơ ước thành cây tràm bám đất
ngây ngất giữa trời Đồng Tháp mênh mông."

Nhà thơ thương em Xuân nào đó ở Vũng Tàu, dòng nhạc lại bay tới, uốn éo thầm thì:

" Sao chẳng biết, người ơi sao chẳng biết?
hạt cát tiếc thương từng dấu chân qua
bến đá Vũng Tàu trời quê tha thiết
bãi trước bãi sau...biền biệt quê nhà!"

Nhớ em Y-Na ở Lâm Đồng, dòng nhạc lại trèo núi, trăn trở:

" Nhớ da diết hàng dương gió thổi
cạnh nhà sàn rẽ lối lên ngàn
nàng sơn cước gùi than xuống núi
đổi muối về...chia khắp buôn làng".

Không từ bỏ bất cứ nơi chốn nào, Hạt Nắng còn rơi xuống cầu Trường Tiền, lóng lánh long lanh trên tà áo dài của cô nữ sinh Đồng Khánh:

" Anh biết, thư em gửi sang từ Huế
G ợi lại lời thề in bóng mưa Ngâu
L àm sao quên, tiếng chuông chùa Thiên Mụ
ấp ủ con đường...hai đứa quen nhau."

Qua những dẫn chứng trên, chúng ta có thể kết luận, thơ Sông Cửu là loại thơ tình. Tình quê hương. Hay nói đúng hơn, trái tim ông dành cho Việt Nam, thủy chung với nơi chốn đã gắn bó ông, đã chia sớt cùng ông những khổ đau hay hạnh phúc.

Thơ tình, tự nó đã bộc lộ thế giới riêng của thi ca. Nó độc lập và tung hoành. Hạt Nắng không dừng lại ở tình quê hương. Hạt Nắng còn vẫy vùng để bồi đắp cho tình phu thê, tình bè bạn, tình thi hữu...và những loại tình đời khác. Từ những bài thơ viết cho bạn, như viết cho: Trần Huy Sao, Phan Anh Dũng, Thế Sử, Nguyễn Lang Quân, Hàn ly Hương, Hải Yến, Phạm Ngọc, Tôn Nữ Đông Hương...cho đến cô diễn viên điện ảnh, cô giáo trường khiếm thị, cô chiêu đãi trong nhà hàng Tràm Chim...Bất cứ ai, bất cứ nơi đâu...Hạt Nắng đều tung hoành một cách tận tụy.

Điều đáng nói, có một bài thơ sáng tác năm 2011 của nhà thơ Sông Cửu đã đưa tên tuổi ông bước sang một lãnh vực khác nữa. Bài thơ đó có tên Nỗi Buồn Của Biển, viết cách đây năm năm, ông đoán trước số phận bất hạnh của biển đông, và nó thật sự xảy ra biến cố, ngay bây giờ, năm 2016. Tôi muốn tặng ông danh hiệu: nhà thơ tiên tri, thật không cường điệu chút nào!

Mời quí vị hãy nghe đoạn thơ nói về biển, cách đây năm năm:

" Anh biết không? Lòng biển đang xót xa
và em nghe dường như biển khóc...
B ởi con người làm biển ngày thêm nhiễm độc
khiến biển nổi giận! biển gầm thét
vì biển không còn tinh khiết như thuở ban đầu!"

Và điều đáng nói sau cùng, nhà thơ Sông Cửu năm nay ở độ tuổi cao niên. Ông thuộc hàng thi sĩ lão thành. Hằng mấy chục năm làm thơ. Vắt khối óc và con tim cho những vui buồn nhân thế. Lão thành, nhưng tâm hồn ông vẫn mãi trẻ. Bằng chứng là hàng loạt sáng tác của ông vẫn đầy ắp thương yêu, vẫn là thông điệp nhân văn gởi tình vào giới trẻ, đánh động lòng ngưỡng mộ của hàng ngũ thi nhân.

Và nếu có sự so sánh ví von, tôi có thể xác nhận, lão thi sĩ Sông Cửu là một trong những cổ thụ thơ, đang vươn cao một cách ngạo nghễ, trong khu đại ngàn thi ca dân tộc.

PHẠM HỒNG ÂN
(Hiên Thư Các, 19/05/2016)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2016