SỐ 72 - THÁNG 10 NĂM 2016

 

Tình thư

Mùa tựu trường năm nay đối với tôi khác với những năm về trước bởi vì năm nay là năm đầu tiên của trung học đệ nhị cấp. Năm ngoái chuyển sang học lớp buổi sáng dù đã trở thành đàn chị lớp buổi chiều nhưng vẫn chưa hết lanh chanh liến thoắng, vậy mà bước đầu niên học năm nay tôi bỗng trở nên trầm tính hẳn, thay đổi hoàn toàn trở thành một “yểu điệu thục nữ” đúng nghĩa trước đôi mắt của “quân tử hảo cầu”.

Cuối năm đệ tứ vừa qua ai cũng phải chọn ban, đám bạn thân chơi chung lớp cũ đồng loạt chọn ban A, chỉ vẻn vẹn mình tôi theo C, năn nỉ chúng ráo nước miếng chẳng đứa nào chịu đi cùng tôi, viện cớ học C không có tương lai bởi học bổng du học đều cấp cho các bằng Tú tài A và B, còn C thì “bít”cửa. Tôi nói với mấy nhỏ lý do này không đúng vì nếu theo C mới dễ xin đi du học hơn bởi sinh ngữ mới là yếu tố quan trọng. Nhưng cho dù tôi nói cách nào cũng không thể đánh thức những giấc mơ hăm hở ấy ! Tuy là một cô gái hay mộng mơ nhưng việc ra nước ngoài với bất cứ hình thức nào chưa bao giờ hình thành trong vọng tưởng của tôi.

Lớp mới này có chỉ trên dưới hai mươi đứa ngồi không đầy hai nửa dãy bàn phía trên, vì lớp ít người nên mạnh ai nấy ngồi, bàn tôi chỉ có hai mống. Không đầy một tuần lễ chưa kịp quen thân, nhỏ ngồi chung bàn tên Hồi đã được giáo sư hướng dẫn khuyên nên đổi sang ban khác, có thể do cô đã xem thành tích biểu của mỗi người nên nói đổi ngay bây giờ vẫn còn kịp. Vậy là mỗi ngày tôi trở thành “độc cô an tọa”một bàn. May mắn thay chỉ mới vài hôm lẻ loi đã có ngay một con nhỏ ngơ ngác ôm cặp vào lớp, tôi nghĩ chắc lại cũng đổi ban giống nhỏ trước và nhanh tay ngoắc nó trước tiên mời vào ngồi chung bàn. Giờ nghỉ chờ đổi môn học tôi hỏi ngay mấy hôm trước bạn đã học lớp nào, nó đáp lại bằng giọng nói nhẹ như hơi thở trong cổ họng :

- Mình từ Nha Trang mới chuyển trường vào.

Trường tôi vốn đã là một trường cổ kính thành lập gần một thế kỷ nên vật dụng đương nhiên thành “đồ cổ”. Bàn học tuy giống như hồi còn học ở tiểu học, nhưng khác ở chổ mỗi chiếc bàn đều có vách ngăn chia ra bốn khung riêng biệt, trên có nắp đậy làm thành mặt bàn. Mỗi lần muốn lấy sách vở phải dọn hết đồ vật phía trên ngăn mình ngồi mới dở nắp được. Do bàn có hai đứa nên tôi chiếm dụng hai hộc tha hồ để trong đó mọi thứ. Bên này để cặp sách, bên kia tôi để những thứ linh tinh rất tiện cho mỗi khi lấy ra không cần dẹp các thứ để phía trên.

Buổi sáng hôm qua dậy trễ chưa kịp ăn lót dạ tôi đành gói cái bánh mì sừng trâu mang theo để dành ăn trong giờ ra chơi, chuông reng nhỏ bạn lại rủ đi cùng xuống quán hiệu đoàn ăn gỏi cuốn nên tôi quên mất cái bánh để trong ngăn bàn. Hôm nay dở nắp bàn lên mới trông thấy, cái bánh vẫn còn nguyên nhưng trên đó có tờ giấy tập gấp làm tư chi chít chữ, là thư của một cô bé lớp đệ lục học buổi chiều muốn làm quen.

Trò chơi này tôi đã tham gia khi từ khi vừa lên lớp đệ tứ học buổi sáng. Đầu niên học tôi được nhận ngay một lá thư của cô em buổi chiều mới học đệ thất trao đổi trong hộc bàn. Chỉ là kể chuyện tào lao nhưng có rất nhiều người tham gia chơi trò “chị em” này và đến hết năm thì tự nhiên kết thúc. Tất cả đều không biết mặt nhau và chẳng ai buồn vì hiểu rằng chỉ là một trò chơi. Tương lai có nhiều thứ mới lạ cần quan tâm hơn. Môi trường chung quanh khiến tâm lý con người phải đổi thay, huống hồ chúng tôi là những cô gái đang lớn.

Cô bé kể mình học lớp chiều muốn làm quen một chị buổi sáng, tôi chép miệng nghĩ : “Ừ, muốn quen thì quen vậy”. Trả lời thư, cảm ơn em gái đã quan tâm việc chị để quên cái bánh mì và lo cho chị bị đói bụng. Tôi không quên kể thêm là cái bánh mì vẫn còn ăn được rất ngon vì là bánh mì ngọt nướng có bơ.

Hôm sau và hôm sau nữa hai bên giới thiệu tên tuổi và nhiều thứ ưa thích khác.

Không hiểu đất trời xui khiến tôi không lấy tên thật của mình mà lại viết tên cô bạn ngồi cùng bàn, “cà khịa” với con bé tên mình là “Hoàng thị Thúy”. Con nhỏ kết ngay cái tên khen lấy khen để và giới thiệu mình là Nguyễn thị Thanh Nga. Tôi nức nở suýt soa tên em giống cô đào Thanh Nga mà chị rất ái mộ. Còn em lại trả lời yêu thích tên chị vì đọc nghe nhẹ nhàng, sang trọng thanh thoát khiến tôi nghi ngờ con bé chắc có ai mớm ý chứ mới đệ lục mà biết gì sang trọng với bình dân. Hai bên kẻ tung qua, người hứng lại kết quả huề nhau thành “chị đẹp em xinh” rốt cuộc chỉ với cái tên có bóng không hình ! “Văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình” được mấy hôm có chuyện quan trọng xảy ra. Tự nhiên con bé gởi trong hộc bàn quà ra mắt đàn chị là hai trái ổi xá lỵ to tướng ngon hết biết làm tôi có cảm giác áy náy giống như mình đang “dụ khị” con nít.

Bây giờ tôi với nhỏ Thúy đã hết sức thân thiết vì tất cả con gái trong lớp dường như chỉ muốn kết nhau từng đôi một. Giờ ra chơi cứ đi loanh quanh từ hành lang thư viện ngang qua hồ bơi, vòng lại khung cổng hẹp đến sân thể thao nằm cạnh đường Đoàn thị Điểm đứng ngắm cây phượng vỹ xòe nhánh xuống mái của gian nhà dạy võ thuật. Hè đã chuyển sang thu từ lâu, cây phượng góc sân không còn sót lại bông hoa nào chỉ có những trái màu đen chúng tôi gọi là me tây đeo lủng lẳng trên cành.

Chuông reng đến giờ ra về, nhặt hai trái ổi tôi chia cho nó một trái dặn dò ăn xong cho tôi biết ý kiến. Hôm sau Thúy công nhận với tôi là ổi chua giòn ngọt đặc biệt của thứ trái cây tươi mới hái và hỏi mua ở đâu cho nó biết. Tôi chỉ vô hộc bàn và nói :

- Mình không có mua, là quà tặng của cô em kết nghĩa buổi chiều. Nhân tiện cho mình xin lỗi vì đã viết thư trả lời nó ký tên Thúy chứ không phải tên mình.

Con nhỏ cười nói : “Tên Trâm hay tên Thúy cũng thế thôi, trò chị em này chỉ hết năm là quên mất tiêu”. “Được lời như cởi tấc lòng” tôi không còn cảm giác lừa dối khi viết thư mang tên người khác cho con bé nữa. Trò chơi tiếp tục đến hết mùa thi xong Lục cá nguyệt tôi lại được nhận thêm hai trái xoài tượng trong hộc bàn, hình như con bé biết tâm lý các cô gái hay thích gì nhất giống hệt người lớn, tôi thắc mắc viết :

- Thanh Nga ơi, sao em biết con gái ưa thích món này, còn bé làm gì có tiền mua xoài tặng chị.

Trả lời cho câu hỏi nó bảo :

- Không phải là em mua tặng chị đâu, một bí mật chưa thể tiết lộ bây giờ.

Để đáp trả tấm thịnh tình và tỏ ra là đàn chị hôm sau tôi gởi vào hộc bàn một phong cốm ngò to gồm nhiều miếng, là quà nổi tiếng của quê tôi hôm về thăm bà nội.

Một hôm kèm theo thư bé Thanh Nga có thêm một lá thư viết toàn bằng tiếng Anh. Con bé giải thích của anh nó gửi, không quên giới thiệu ổi và xoài là của anh nó gửi tặng. Tôi giống như người bị mắc nghẹn tự sỉ vả mình : “Chết mầy chưa ai bảo ham ăn !” nếu giờ không nhận thư là không được. Tình huống khiến tôi nhớ lại bài học năm đệ thất cô giáo bắt phân tích vẫn còn thuộc làu.

- “Ông Trần thời Kiến Thiên trường, Nghìn thu liêm khiết nêu gương sáng ngời

Bữa kia sở tại có người, Biếu ông mâm cỗ khó lời từ nan

Rồi sau đó một thời gian, Người kia đến cậy lo toan việc nhà

Thời Kiến móc họng nôn ra, Ngụ ý trả lại xôi gà trót ăn

Khen thay chẳng vị miếng ăn, Mà làm thiên lệch cán cân công bằng.”

Hồi ấy tôi giải thích hành động nôn ra chỉ là giả vờ diễn tả chốn công đường chứ không có thật. Cho dù vô tình nhưng đã trót nhận quà và không thể có hành động giả vờ ngụ ý giống người xưa, tôi đành mang lá thư tiếng Anh về nhà ôm cuốn tự điển “ngâm cứu” vì thú thật trình độ sinh ngữ Đệ Tam C của tôi chả là cái “đinh” gì để hiểu hết ngay chữ nghĩa trong đó. Tôi than với Thúy nó chỉ mỉm cười nói :

 - Bạn đọc xong cứ viết thư trả lời bằng tiếng Việt, chuyện dễ mà. Bạn có thiếu gì lý do biện bạch.
 - Nhưng anh ta nói muốn viết trả lời bằng tiếng Anh, mà khó quá vì mình đâu có giỏi sinh ngữ.

Tôi ngầm hiểu lý do tại sao anh chàng không muốn cả hai viết thư bằng tiếng “Em”, bởi không muốn cô em gái mình kiểm duyệt!:

- Nhưng nếu gửi thư nhờ trao tay lại dán kín phong bì là rất ư bất lịch sự.
- Có một cách dễ nhất là bạn viết từng câu bằng tiếng Việt rồi dịch sang tiếng Anh.

Viết thư bằng tiếng mẹ đẻ đối với tôi dễ dàng như ăn cháo huyết của ông Tàu già bán ở đầu ngõ hẻm. Nhưng để dịch từ tiếng “Em” sang “Anh” là cả một cực hình. Đánh nhau với cuốn tự điển gần tuần lễ tôi mới đọc và trả lời vài câu xã giao, thú thật là tôi học ban C chỉ vì thích môn văn chương chứ trình độ tiếng Anh của tôi làng nhàng lắm, tôi không thể trả lời thư hoặc đọc thư bằng tiếng Anh một cách nhanh chóng bởi sợ “người nói gà tôi hiểu vịt” nếu không xử dụng tự điển. Cảm ơn những lời “có cánh” anh khen tặng chữ viết “bay bổng”của tôi khiến anh nhìn thấy là có cãm tình. Còn địa chỉ để gửi thư xin cho tôi suy nghĩ, tạm thời anh cứ nhờ cô em Thanh Nga làm “bồ câu đưa thư” . Viết chỉ chưa đến nửa trang giấy tập mà tôi đã toát mồ hôi sợ sai văn phạm. Để cho chắc ăn tôi phải mang cho Thúy đọc góp ý trước khi gửi đi. Nhưng trời ạ, mấy ngày sau vào lớp mở hộc bàn lại trông thấy có lá thư hồi đáp bằng tiếng Anh kèm theo thư con bé là tôi muốn khóc, thư viết dài và nhiều chữ hơn lần trước mới chết chứ. Tìm cách hoãn binh tôi phải nói với nó là chị bận quá vì dạo này nhóm chị cần phải làm bích báo cho lớp nên chưa trả lời ngay cho anh của em được !

Cả tháng nay không thấy thư anh ta tôi mừng phơi phới tưởng thoát nạn rồi vì mùa thu đã tàn sắp sang đông, cũng không nghe con bé nhắc đến anh mình. Viết thư cho nó tôi hỏi giáng sinh năm nay em có đi nhà thờ không ? Nó đáp nhà em không có đạo, chỉ có Tết em mới đi Lăng Ông xin xâm với má thôi. Tôi nói, nhà chị cũng vậy, bẵng đi vài hôm không thấy con bé viết thư tôi cũng có ý ngóng tin nó, có lẽ chuyện phiếm trong hộc bàn đã thành thói quen khi vào lớp.

Sáng nay lại có thư, thì ra mấy bữa nay con bé nghỉ học vì cảm lạnh, thời tiết đã đổi mùa mà tôi quên, cuối thư nó báo tin. “Chị ạ, nhà em mới nhận được thư anh của em, anh có gửi riêng cho em một cái nhờ em nhắc rằng chị còn nợ chưa trả lời lá thư của anh. Anh ấy đi Mỹ học gần một tháng rồi, đây là địa chỉ của anh ở quân trường.”

Trước đây vì trót ăn ổi và xoài của anh ta tặng nên bất đắc dĩ tôi phải lịch sự trả lời thư. Nay biết được anh là lính khiến tôi bỗng nhiên có cảm tình và đổi thay suy nghĩ về anh. Một phần bởi vì tôi đang trưởng thành trên đất nước có chiến tranh cho nên ảnh hưởng về người lính trong đời sống rất sâu đậm, gia đình nào không nhiều thì ít, cũng đều có bóng dáng họ hiện diện trong vai những người thân, người yêu hay bạn bè, tự nhiên tôi không còn thấy ngại ngần hay xa lạ với anh như trước, dường như tôi đã quen thân.

Tôi kể với Thúy suy nghĩ về anh và có chút hối hận với trò đùa của mình :

- Mình viết thư trả lời anh ta thì được nhưng kẹt một chuyện là không dám cho địa chỉ ở nhà, vì hơi sợ ba má mình. Trong mắt ông bà lúc nào mình cũng là con nít, phải lo học trước đã không bạn bè gì cả ngay đến việc thư từ, đến nỗi mấy tên sinh viên ở trọ xóm trong lượn qua lượn lại trước nhà muốn làm quen chị em mình mà không được,thấy ba má mình họ cứ lấm lét đi một nước.

Thúy mau mắn :

- Trước mắt bạn ghi địa chỉ nhà mình đi rồi hạ hồi phân giải, mình nhận thư sẽ chuyển lại cho bạn,
- Nhưng mình trót xưng tên là Thúy từ ban đầu, giờ gửi thư về nhà mang tên của bạn có bị ba má rầy không ?
- Mình ở với ngoại trong này, má vẫn phải ở ngoài Nha Trang trong trại gia binh với ba và các em, nhà không có ai đâu. Với lại mình cũng hay nhận nhiều thư từ mấy người bạn cũ ngoài đó mà.

Thì ra là vậy, tôi chơi với Thúy hơn nửa năm nay cũng không tò mò hỏi chuyện gia đình, để khi nào vui tự bạn tâm sự cho tôi nghe thôi.Nhưng với câu chuyện chắp vá từng đoạn tôi cũng hiểu rõ nhiều về đời sống của Thúy, có lần tôi hỏi :

- Mình nghe hát hoài trên radio, Nha trang là miền quê hương cát trắng, cát Nha Trang có trắng như thủy tinh không ? Nha Trang có gì vui hơn Saigon ?.

Thúy hân hoan kể :

- Bãi biển Nha trang đẹp lắm, nếu có dịp mình rủ bạn về thăm nhà, sẽ dẫn bạn đi qua cầu xóm Bóng là chiếc cầu rất dài, ra ven biển leo dốc Lết, đứng nhìn núi Cô Tiên, đi thăm Hải học viện Nha Trang có nuôi nhiều tôm cá lạ và san hô bắt được ngoài biển. Nha Trang cũng tập trung rất nhiều quân trường huấn luyện của quân đội.

Tôi ngắt lời :

- Sao gọi là Dốc Lết ? Chắc dốc cao quá nên lên đến nơi chỉ còn biết lết phải không.
- Ừ, tên đó có từ khi nào mình không biết. Với mình vui nhất là những đêm trăng sáng, mấy đứa bạn Thúy trong cư xá trại gia binh hay tụ họp trong vườn nhà mình chơi trò “tuyển lựa ca sĩ” , nhà có khoảng sân vườn nằm sát bức tường ngăn với bên kia là dãy nhà dành cho khóa sinh của trung tâm huấn luyện. Chắc nghe bên này có tiếng hát hò của con gái nên bên kia công kênh ló đầu nhìn sang, mấy chị lớn kêu Thúy vác cái thang ra leo lên đứng canh, anh nào cũng cố giành nhau leo lên từng người một. Nào ngờ vừa ló cái đầu húi cua trọc lóc chưa kịp nhìn thấy gì đã bị ngay cái trống lắc dàn chào gõ một cái “xèng” lên đầu, nghe tiếng kêu ui da bởi giật mình hụp xuống là bọn này cười muốn đau bụng. Mà lạ lắm càng nghe bọn này cười to, bên ấy lại càng giành nhau leo lên nhìn sang.
- Bây giờ nghe Thúy kể mình còn tức cười nữa huống chi được nhìn thấy.

Không hiểu nhà ngoài ấy vui như thế tại sao Thúy phải chuyển một mình vào Saigon học, dần dà tôi mới biết nguyên nhân. Ở đây Thúy có người chú em của ba làm bác sĩ nên dễ dàng chăm sóc cho Thúy hơn. Thúy bị một thứ bệnh nguy hiểm chưa có thuốc chữa, nghe bạn ấy bảo trong người mình máu trắng nhiều hơn máu đỏ, nói nôm na là bệnh bạch cầu. Đời sống của bạn cầm cự đến một lúc nào đó chỉ số hồng huyết cầu không đủ nuôi thân thể Thúy sẽ giã từ cõi đời, tôi nghe bạn kể mà lạnh người, buồn quá sức. Thì ra có những hôm Thúy nghĩ học vì phải đi khám bệnh. Hèn gì thỉnh thoảng tôi thấy Thúy có lúc trông mỏi mệt và xanh xao khác người ! Bạn thật là một người mạnh mẽ, chịu đựng bệnh tật không chút than thở cho người khác biết.

Trả lời bức thư đã nợ anh tôi xin lỗi không thể gửi sớm hơn, trong đó thú thật nỗi khó khăn, mất nhiều thì gian khi phải dịch thư bằng tiếng Anh. Nhưng sau lá thư này tôi xin được viết với ngôn ngữ quê hương để có thể tha hồ diễn đạt những gì muốn nói nhanh chóng và dễ dàng. Lá thư đầu tiên Thúy chuyển cho tôi được anh gửi từ nước Mỹ.

Anh viết : “Bên này đang là mùa đông, tuyết trắng khắp nơi. Lần đầu tiên xa gia đình nhận được thư từ quê nhà của Thúy cõi lòng ấm áp so với cái lạnh do thời tiết mang lại, bớt đi nỗi nhớ nhung nhiều thứ …”

Tôi chép miệng : “Khiếp anh chàng cải lương gớm …”

Những lá thư kế tiếp anh chàng tên Trung Quân tự giới thiệu mình trong quân chủng Hải Quân, đang theo học hải nghiệp tại trường OCS ở một tiểu bang nằm bên bờ Đông bắc nước Mỹ. Có lẽ vì vậy tôi trở thành người cho anh thực hành tiếng Anh trước khi sang nước ngoài. Thế là thư gửi đi, tin trở lại ; tôi và anh ngẫu nhiên đang tham gia chơi trò “tiền tuyến hậu phương” .

Thư anh gửi kể nhiều thứ về đời sống ở quân trường bên ấy, những ngày cuối tuần đi dạo phố. Ngày nghỉ lễ thì đi xa hơn tận New York để viếng thăm tượng Nữ thần Tự Do, đi dạo phố Tàu. Xuống San Francisco nghe hát bài ca ngợi mùa hè : “If you’re going to San Francisco. Be sure to wear some flowers in your hair. Summertime will be a love-in there …” Chuyện nước Mỹ thì tôi mù tịt chỉ biết hóng chuyện qua thư của anh kể cho nghe mà thôi !

Để bù lại tôi tường thuật chuyện Saigon bây giờ ra sao ! Thời trang của con gái bên này là áo dài mini mặc với quần patt rộng ống. Đặc biệt là xách giỏ đan bằng ruột mây, lá buông hay những thanh tre chuốt mỏng, hai bên mặt giỏ trang trí bằng chữ Saigon, Việt Nam bán đầy chợ dành cho các anh lính người Hoa kỳ mang về Mỹ làm quà tặng cho người thân, cộng thêm bên cạnh đó là những con búp bê mặc áo dài tượng trưng cho hình ảnh thiếu nữ Việt nam cũng rất được ưa chuộng.
Tôi lại “tán” thêm :

- Em cũng là tín đồ thời trang nên đi học thay vì cắp cặp táp em cũng tậu cho mình một cái giỏ, nhưng chỉ xử dụng khi đi học thêm thôi. Trường của em có mấy bà giám thị khó tính nhất Saigon không cho học sinh đi học mang giỏ xách đâu. Năm tới em lên Đệ Nhị phải thi Tú tài 1, mà sinh ngữ em lơ mơ lắm, nghe nói học lớp này phải viết essay giống như là luận văn của tiếng Việt. Bởi vậy đầu hè là em xin đi học thêm tiếng Anh, nhưng có một chuyện làm em tức quá vứt luôn cái giỏ không xách nữa ! Số là hôm đó đi học em xách cái giỏ thường ngày để xấp giấy quay roneo, quyển văn phạm anh văn cộng thêm cuốn từ điển. Đang lơn tơn bước lên cầu thang thấy sau lưng có hai tên tóc dài đến gáy học chung lớp ngồi mấy dãy bàn phía sau lưng vừa đi vừa tán chuyện. Em cứ chầm chậm khoan thai bước từng bậc một. Bỗng nghe một tên hỏi đố người bạn đi cùng cho em vừa đủ nghe :
 - Tao đố mày trong cái giỏ cô bé đi trước đang cầm trong đó đựng cái gì ? là

Tên kia mau mắn trả lời ngay :

- Dễ ợt mày ơi, trong đó đựng trầu cau chứ cái chi ? Cái giỏ này bà ngoại tao toàn đựng trầu cau trong đó.

Em quê quá mà không thể độn thổ nên đi một hơi vào lớp miệng rủa thầm mấy tên quỷ sứ. Người ta mới mười bảy mà ví với bà ngoại xách giỏ trầu. Đúng là đồ “tiểu nhân hảo cầu” có mắt không biết nhìn người. Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp nếu ở vào thời này sẽ thấy mình phí phạm những vần thơ đối với mấy tên nhóc không thuộc bài, không biết tưởng tượng thì làm sao hiểu và đồng cãm với ông qua lăng kính diễn tả bước đi của một “yểu điệu thục nữ” !
Anh an ủi mấy câu làm tôi quên hết bực tức :

- Phải chi có anh bên đó, anh tình nguyện dạy kèm cho em tiếng Anh khỏi phải đi học thêm để không bị mấy tên trong lớp trêu chọc. À, cho đến giờ anh chưa biết mặt em, nếu có thể em cho anh xin một tấm ảnh.

Trong thư anh gửi kèm cho tôi hai bức ảnh màu. Một tấm chụp anh đứng trước dãy nhà có tên Nimitz Hall, tấm kia đứng giữa trời tuyết trắng xóa bên cạnh một Snowman to tướng.

Lúc nào anh cũng tiên phong đi trước một bước khiến tôi rất khó xử vì không thể chối từ. Bổng tôi nhớ ra mình có tấm ảnh chụp hôm cúp điện ngồi cạnh cái đèn dầu, nửa mặt bên kia trong bóng tối, nửa mặt bên này bị ánh sáng máy ảnh chụp nhòe đi chỉ thấy rõ viền mặt mà thôi. Gửi bức ảnh tôi nói :

- Em xin lỗi vì không có tấm nào khá hơn, em ít chụp ảnh lắm vì mình có “bản mặt khó chụp hình” .

Trong thư hồi đáp anh nói :

- Cô bé chơi ăn gian, có lẽ em sợ anh biết mặt nên nói như thế thôi, anh đọc thư cảm thấy em là một cô bé dễ thương pha lẫn nghịch ngợm. Nhưng hết tháng này là anh mãn khóa ra trường. Nhanh thật, thư này là lá cuối cùng anh viết ở đây. Về nước rồi anh sẽ liên lạc với em sau.

Vậy là tôi thôi không thư từ thêm nữa, tôi muốn trò chơi tán gẫu giữa tôi và anh sẽ kết thúc từ đây dù tôi rất mến anh, bởi nếu biết tôi viết thư cho anh với tên người khác chắc sẽ thấy tôi không còn dễ thương như bấy lâu nay anh nghĩ.

oOo

Năm học mới bắt đầu đã hai tuần tôi vẫn không thấy Thúy đi học. Buổi trưa tan trường tôi ghé qua nhà nó hỏi thăm, nhà đóng cửa bấm chuông mãi mới thấy một bà đứng tuổi ló đầu ra. Hỏi thăm Thúy sao lại nghỉ học, bà giúp việc nói :

- “Cô Thúy đang nằm bệnh viện, bà ngoại đang trong ấy với cô”

Đạp xe vào bệnh viện tôi gặp ngay bà ngoại Thúy ngồi cạnh cô nàng trên giường. Thấy tôi Thúy gượng cười :

- Mình biết thế nào bạn cũng đến.
- Xin lỗi Thúy, hai tuần nay nhập học mình tưởng Thúy về Nha Trang chưa kịp vào, bây giờ Thúy thấy trong mình thế nào, khỏe hơn chưa ?

Thúy chưa kịp trả lời thì bác sĩ và y tá vào thăm bệnh nên tôi và ngoại ra ngoài. Hỏi khẽ về bệnh tình của bạn và bác sĩ nói sao ? Bà nghẹn ngào :

- Bà đã điện cho ba má con bé bảo vào ngay, bác sĩ lắc đầu rồi !

Tôi hốt hoảng bỗng tự nhiên lạnh toát người run rẩy :

- Ban nảy cháu thấy Thúy rất tỉnh táo mà, chỉ hơi xanh xao thôi.
- Bác sĩ nói cháu sẽ đi lặng lẽ, hôm nay, ngày mai, tuần sau, tháng tới ! không biết lúc nào, có khi sau giấc ngủ sẽ không dậy nữa !

Nước mắt tôi như chảy ngược vào lòng, tôi xót xa đau đớn trong tâm : “Thúy ơi ! bạn còn trẻ quá, mới mười bảy tuổi thôi mà” . Nhớ hôm bạn mới nhập học hỏi tên bạn bỗng dưng tôi thấy lòng xao động, tên bạn trùng với tên đứa con gái gia đình ông ký giả cạnh nhà tôi. Con bé lên năm tuổi, buổi sáng đi học còn thấy nó đứng trên ban công với mẹ, buổi trưa về nhà nghe nói nó sốt đã được mẹ bồng vào bệnh viện Nhi đồng vậy mà sau bữa cơm chiều đã thấy ba má nó ôm thi thể con về. Má nó lăn lộn gào khóc kêu than :

- Thúy ơi, sao con không ở lại với ba mẹ, sao con bỏ mẹ mà đi.

Bài hát ông tác giả nào đã viết cũng rên rỉ : “Thúy đã đi rồi, những ngày băng giá không tiếng cười ! … Thúy đã đi rồi tìm em anh nhớ khôn nguôi !” Cái tên đẹp nhưng có phải là cái tên ai mang nó sẽ yểu mệnh ??.

Trưa nào tan học tôi cũng ghé bệnh viện thăm Thúy một chút, đến hôm nay thì bạn đã dần đi vào hôn mê. Buổi trưa ghé bệnh viện, giường Thúy nằm đang vây quanh nhiều bóng áo trắng có cả Ba mẹ và ngoại của bạn, không tiện chen vào nên tôi đứng ở cửa nhìn. Một thanh niên tay ôm bó hoa hồng bạch vừa nhìn dáo dác lên biển số phòng tìm kiếm. Thấy tôi anh nhìn chăm chú vào phù hiệu của trường đính trên chiếc áo dài tôi đang mặc, chưa kịp ngạc nhiên đã nghe anh hỏi ngay :

- Xin lỗi đây có phải là phòng bệnh của cô Hoàng thị Thúy ?

Tôi đáp :

- Vâng, bạn tôi đang nằm trong kia.

Chưa kịp nói thêm đã nghe tiếng khóc của mẹ Thúy, nhìn vào thấy bà gục đầu cạnh giường, cạnh đó là ba và bà ngoại. Bác sỉ vừa buông ống nghe vừa lắc đầu, tỏ dấu hiệu tim đã ngừng đập. Thúy nằm bất động hai mắt khép kín như đang ngủ say, một giấc ngủ vĩnh viễn không dậy nữa !

Người thanh niên mang bó hồng bạch đặt cạnh Thúy. Tôi vẫn chưa hiểu về sự liên hệ giữa hai người, xoay mình tôi lặng lẽ đi ra ngoài. Chơi với Thúy cả năm tôi không hề nghe Thúy nhắc đến tên một người khác phái dù là người yêu hay là bạn. Có lẽ ý thức về bệnh trạng của mình nên Thúy sống khép kín, ít giao du càng tốt vì sợ sự ra đi của mình sẽ mang lại hệ lụy cho người ở lại.

Đám tang của Thúy tổ chức đơn giản, không có nhiều thân nhân và bè bạn. Thúy được yên nghỉ ở nghĩa trang phía sau của ngôi chùa nằm cạnh một vườn cao su miệt Dĩ An, Thủ Đức. Mọi người ra về hết chỉ còn lại tôi và gia đình Thúy đứng nhìn những người phu đắp nắm đất cuối cùng lên mộ. Khi ba má Thúy dìu nhau lảo đảo đi về tôi ngắt nốt những bông hoa trắng trên các vòng hoa phân ưu nằm rải rác mang đặt xuống phía đầu mộ. Cùng làm hành động này với tôi là một người lính bây giờ tôi mới chú ý nhìn rõ và nhận ra anh là người thanh niên hôm kia mình gặp ở bệnh viện. Đứng trước mặt, nhìn bảng tên gắn trên ngực áo khiến tôi nhận ra anh. Là anh đó sao ? Nguyễn Trung Quân là người tôi đã mang tên Thúy để hồi âm. Tôi ngỡ ngàng hỏi :

- Sao anh biết hôm nay đưa tang Thúy ?
- Tôi ghé nhà nghe bà giúp việc cho biết ! Ngày mai tôi về đơn vị trình diện, không ngờ lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng, hạnh ngộ đi đôi với tiễn biệt.

Nhìn vẻ mặt buồn bã của anh người tôi tê dại, có miệng không thể thốt nên lời dù là hối lỗi. Tôi đâu ngờ sự nghịch ngợm của mình dẫn đến tình trạng éo le như ngày hôm nay. Trò chơi tưởng là vô hại giờ đây lại cợt đùa tôi. Đành vậy thôi, sự thật cũng đành phải theo Thúy xuống mồ vĩnh viễn. Tôi quyết định hãy để anh nghĩ rằng người viết thư giờ đã đi vào hư vô, hy vọng theo năm tháng sẽ xóa nhòa nỗi buồn trong ký ức. Men theo hông chùa anh dắt xe đi bộ ra con đường đất đỏ ngăn đôi khu vườn cao su, đi chầm chậm bên cạnh tôi im lặng theo đuổi ý nghĩ nhớ về một bài hát tôi hay hát nghêu ngao. Bổng nhiên anh nói với tôi :

- Tôi thích bài hát Ngày xưa Hoàng thị từ hồi còn đi học, thế nên khi em gái tôi kể có quen với một chị buổi sáng là tôi có cảm tình với người có tên “Hoàng thị”
 - Tôi cũng thích như anh, nhưng bây giờ tôi nghĩ lời của bài hát “Đầu xuân đi lễ” đúng với hoàn cảnh hơn, chắc anh cũng có biết bài này :
Đầu mùa xuân cùng em đi lễ, lễ chùa này vườn nắng tung bay
 Mùa hạ qua cùng em đi lễ,…..
 Rồi mùa thu cùng em đi lễ,…..
 Tàn mùa đông vào chùa bỡ ngỡ, tiễn đưa em trong áo quan này.
 Mộ của em, mộ vừa mới lấp. Có con chim nào hót trên cây.
 Lời của chim, chìm vào trong suối. Suối xanh lơ buồn khóc ai hoài
 Rồi từ đây vườn chùa thanh vắng. Hỡi em ơi mây đã qua cầu !!”

Nghe tôi đọc xong anh nói :

- Bài hát có đủ bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông nhưng kết thúc vào mùa đông, chẳng lẽ người ta gặp nhau chỉ qua bốn mùa trong một năm ngắn ngủi thế sao ?
- Trong đời sống tất cả đều là vô thường, một năm hoặc một tháng, một ngày cũng là dài. Theo đạo Phật mọi sinh tử, đi ở của cuộc đời đều tùy duyên mà ra, quy luật không chừa một ai ngoại lệ. Vô thường chợt đến không ai biết trước, con người lại trở về cát bụi, bây giờ chỉ có thần thức của Thúy còn tồn tại, hết thất tuần thì sẽ theo nghiệp mà đi, tất cả sẽ chìm vào hư vô quên lãng.

 Hôm qua là đúng ngày thất tuần của Thúy, đốt nén hương cắm trước di ảnh để ở chùa, tôi nói thầm với nó : “Giã từ Thúy, hãy nhẹ nhàng mà đi nhé bạn, một năm ngồi cạnh nhau là duyên, hết duyên thì xa nhau. Hôm đám tang nghe sư thầy giảng nên mình hiểu và không quá bi lụy về cuộc tử sinh, cũng là bước đầu học cách để tâm mình an trụ.”

Nhưng không ngờ được bây giờ tâm tôi lại không an vì một điều khác. Tôi bỗng nhớ điệu nhạc tình mà hồi trước tôi hay chê là sến : “Tình từ đâu ? ! Tình từ bao giờ mà tình vội vã chiếm tim ta,chỉ một lần gặp nhau lại mãi nhớ về nhau, lòng thầm nghĩ rằng duyên ta gặp gỡ từ kiếp nào.”  Tôi cố lắc đầu gõ trán tự nhủ với lòng ; “Tỉnh lại đi, nhất định phải tỉnh lại ! Chỉ là một trò đùa của thư từ vớ vẩn, tất cả hóa thành gió thổi mây trôi, giống như mây nước chẵng bao giờ chạm được nhau dù mỗi ngày soi bóng. Với người ấy thì người viết thư đã nằm dưới mộ sâu !”

oOo

 Chiếc bàn học dài bốn chỗ tôi vẫn ngồi một mình, năm nay bận rộn hơn năm ngoái. Tôi cũng nhận được thư của một em lớp đệ ngũ buổi chiều muốn tôi chơi trò chị em với nó. Tôi chẳng còn tâm trạng nào để tham gia nên viết thư từ chối ; lý do năm nay là năm thi nên chuyên tâm học hành, không có thì giờ rảnh. Vừa thi xong lục cá nguyệt tôi phải lao đầu vào phụ giúp con nhỏ trưởng ban khánh tiết của lớp làm bích báo thi đua với lớp khác cùng cấp. Sau giờ học tôi phải về trễ để duyệt hết bài vở các bạn trong lớp gửi tham gia cho nhỏ trưởng ban lên khung. Nào ngờ nó “bán cái” giao hết cho tôi với lý do phải phụ giúp với ban báo chí toàn trường để làm báo xuân. Vậy là mỗi ngày tôi phải ở lại một hoặc hai tiếng mượn hội trường để viết từng bài vào tờ bìa carton to tướng. Cuối cùng tờ bích báo cũng hoàn thành, sau khi mang lên cho hội đồng giáo sư chấm điểm bình chọn xếp hạng, tờ báo được mang về giăng trên một tấm bảng dựng trên hành lang trước cửa lớp cho mọi người thưởng ngoạn. Không chỉ lớp buổi sáng mà ngay cả lớp buổi chiều cũng xúm vào xem. Hôm qua có hai cô bé thập thò ở cửa lớp chờ chuông reo giờ về của lớp buổi sáng. Mấy tuần qua lo cho xong tờ bích báo nên tôi mệt nhoài, giờ nhiệm vụ hoàn thành tôi khoan khoái xếp tập ra khỏi lớp đi về khi vừa có tiếng chuông, không còn phải ở lại như trước. Ra cửa ngang qua bàn đầu cô bạn cùng lớp chỉ vào tôi và nói với hai cô bé :

- Đó đó, chị này là biên tập của tờ bích báo, một tay chị ấy viết hết đó.
- Chị ấy tên gì vậy chị.
- Tên chị ấy là Kim Trâm.

Tôi nhướng mắt mỉm cười với hai cô bé và đi thẳng.

 Hôm sau cũng là giờ tan học, hai cô bé hôm qua đến sớm đứng trước cửa lớp đợi tôi. Một cô nói :

- Chị là chị Kim Trâm, chị có quen với chị Hoàng thị Thúy năm ngoái học lớp 10 C1 ?

Tôi lơ đãng trả lời :

- Có, chị Thúy là bạn thân với chị, nhưng chị Thúy mất được gần nửa năm rồi.
- Em tên là Thanh Nga, niên học năm ngoái em có viết thư cho chị Thúy.

Thì ra đây là con bé Thanh Nga bây giờ tôi mới biết mặt, tôi đành giả vờ như không quen. Con bé nài nỉ :

- Em đi học sớm để tìm chị Thúy nhưng không được, còn một tiếng nửa mới đến giờ học buổi chiều, chị có thể uống với tụi em một ly nước làm quen, em rất mến chị Thúy, chị là bạn chị ấy em cũng mến như vậy.

Cảm thấy có điều gì đó hơi lạ nhưng nhất thời tôi chưa thể đoán ra nên khó từ chối, tôi nói đùa :

- Nể lời mời chân tình của hai em, chị đi học chỉ mang đủ tiền đi xe lam thôi, uống nước lần này thì chị đành phải đi bộ về nhà, nhưng chỉ một lần thôi nhé.

Một đứa liến thoắng :

- Chị đừng lo, em bảo đảm chị không đi bộ về nhà đâu.

Hai đứa dẫn tôi vào quán trong vườn nhà bên cạnh trường, bên kia là cửa hông chùa Xá Lợi. Vừa ngồi xuống kêu ba ly chè đậu xanh, con bé Thanh Nga lôi một thanh niên vào giới thiệu với tôi :

- Đây là anh của em, người viết thư cho chị Thúy.

Nhìn thấy anh xuất hiện tôi hơi ngạc nhiên một chút nhưng vẫn lên tiếng :

- Chào anh

Quay sang hai cô bé tôi giải thích :

- Chị có gặp anh của em hôm đưa đám chị Thúy.

Anh nhìn tôi rất lạ và nói :

- Chào em. Hôm nay anh mới biết em tên Kim Trâm.

Hai con bé vừa ngấu nghiến ly chè vừa cười khúc khích với nhau vì được bữa miễn phí:

- Chào anh chị, sắp đến giờ hai đứa em vào lớp đây.

Nói xong hai con bé cắp cặp đi ra, bỏ lại mình tôi và anh khiến tôi bỗng bối rối mất tự nhiên. Tôi lờ mờ đoán có việc gì đó quan trọng anh muốn gặp tôi, đến khi anh lôi trong túi ra tờ giấy học trò gấp tư vừa nhìn thấy nét chữ của mình tôi mới vỡ lẽ.

- Bé Nga viết thư hỏi tôi : “Anh nói chị Thúy mất rồi tại sao bạn em viết thư làm quen một chị buổi sáng, chị ấy viết thư từ chối gửi cho bạn em chữ viết lại y hệt chị Thúy ?” Ngoài đơn vị tôi cũng có hơi thắc mắc từ lâu nhưng đành phải nói với nó “Đôi khi chữ viết giống nhau thôi”. Bẵng đi mấy tháng, nhận được sự vụ lệnh chuyển về đơn vị mới, trước khi đi tôi được nghỉ phép một tuần. Mới về nhà hôm kia nghe bé Nga kể đã đọc tờ bích báo treo trước cửa lớp 11C1 có cùng một dạng chữ viết của chị Thúy. Vậy là sao ? Nó nói chữ viết không sai một nét, giống y hệt vì dấu chấm là một nét gạch dài, những chữ cuối cùng của vần y, g đều đánh cong một cách ngoạn mục. Chữ viết thật đẹp nhẹ nhàng, bay bướm làm thế nào có sự trùng hợp tài tình như vậy, nhất là nguyên một trang bích báo không thể nhầm lẫn được ?.

Nói xong anh nhìn tôi với đôi mắt như dò hỏi ai là chủ nhân của nét chữ. Tôi im lặng chưa biết trả lời ra sao nên giả vờ đang thưởng thức hương vị ly chè còn đang đầy ắp. Dường như biết tôi còn đang suy nghĩ tìm câu trả lời, anh nói một hơi :

- Bởi vậy anh xui bé Nga vào sớm hỏi tên người đã viết chữ trên tờ bích báo. Nhờ con bé tìm mọi cách mời ra ngoài để gặp mặt cho bằng được, khi trông thấy em anh hiểu ngay một phần sự thật vì em là bạn thân của Thúy. Sau hôm đưa đám Thúy, anh cứ lấn cấn mãi trong tư tưởng. Những lá thư anh nhận được không hề thể hiện chút gì của một người tuyệt vọng vì mắc bệnh nan y. Phải nói ngược lại mới đúng, là người hết sức, lạc quan, tiêu biểu của một thiếu nữ vui vẻ yêu đời. Chẳng lẽ Thúy thuộc loại người có “Nhị trùng nhân cách” .

Cúi mặt chống tay lên bàn, ngón cái và ngón trỏ bóp trán dấu khuôn mặt hổ thẹn. Cuối cùng ngước mặt lên tôi quyết định thú nhận :

- Em xin lỗi về chuyện này, ngay từ đầu đã trót viết tên của Thúy với sự đồng ý của nó vì nghĩ chỉ là trò chơi kết bạn trên thư từ. Không ngờ anh tìm đến địa chỉ gửi thư trùng hợp với lúc đó Thúy từ giã cõi đời. Hôm đưa tang Thúy mới biết anh là người mình đã viết thư trong thời gian qua. Ngại ngùng không dám nói sự thật vì mình đã trót đùa dai một cách vô ý thức cả thời gian dài, hành vi này có thể đã xúc phạm chạm vào tự ái của anh nên em đành im lặng. Khi ấy em nghĩ sẵn dịp Thúy qua đời nên để mọi chuyện chấm dứt từ đây.

Tôi buồn rầu ngẩng đầu nhìn vào anh hối lỗi :

- Cho em thành thật xin lỗi anh về chuyện này, em không ngờ những chữ viết tờ trên bích báo đã tố cáo chuyện em cố giấu. Thật ra những lời viết trong thư tuy tán gẫu cho vui nhưng không hề có dối trá, ngoại trừ chuyện không mang tên thật của mình. Ban đầu em viết tên người khác chỉ để đùa với mấy nhóc, không ngờ lại liên quan đến anh là người lớn. Một lần nữa em xin lỗi anh mong được tha thứ và xin phép chào anh em về.

Đứng lên tôi đi như chạy ra khỏi quán không kịp chờ anh trả lời.

Không ngờ trưa hôm sau khi tan học, vừa ôm cặp bước ra khỏi cổng trường đã thấy anh đứng đón phía trước. Bối rối tôi chưa kịp hòa mình vào đám nữ sinh ùa ra, anh đã tiến đến mời tôi qua quán nước có chuyện cần nói. Còn đang phân vân thấy thái độ khẩn khoản của anh làm tôi mềm lòng quên đi hổ thẹn hôm qua. Ngồi yên nhìn bóng nắng xiên qua kẻ lá, tôi cầm cái muỗng khuấy mãi trong ly nước im lặng nghe anh nói, với giọng nhẹ nhàng trầm tĩnh anh kể :

- Khi bé Thanh Nga khoe với anh lá thư nó mới chơi trò chị em cùng một chị học buổi sáng, nhìn thấy chữ viết anh bổng đầy ắp cảm tình vì những nét thật đặc biệt khác thường nên có ý định muốn làm quen. Giã từ đời sống của một sinh viên bắt đầu bước chân vào quân trường với những gò bó lễ nghi quân cách phải thích ứng. Vì ít thời gian nên không dễ dàng có được cơ hội liên lạc thư từ làm quen với bất cứ ai huống gì là một nữ sinh đang học một trường danh tiếng, thế nên nhân dịp này anh bèn thực hành ý định.Thời gian trôi qua, những lời lẽ trong thư khiến anh hình dung em là một cô gái dễ thương và nghịch ngợm, thú thật anh yêu thích những câu chuyện em ba hoa kể về mọi thứ và anh nghiện nó từ lúc nào chẳng biết. Xem văn đoán người cho đến khi gặp em trong đám tang của Thúy, qua lời lẽ anh ngờ ngợ hình như anh đã có quen em trước đó khi mình có dịp nói chuyện với nhau trên đường về. Nhìn di ảnh Thúy với khuôn mặt gầy gầy, anh cố tìm nét chung giống với tấm ảnh em đã gởi, tuy một nửa mặt giấu trong bóng tối, nửa kia bị nhòa vì chói sáng nhưng rõ ràng là không giống nhau, mặt em bầu bĩnh hợp với nét viền trong bức ảnh anh nhận được. Nhất thời với nỗi buồn hụt hẫng khiến anh không thể đường đột nêu thắc mắc với bất cứ ai. Riêng em anh lại càng không thể mở lời trong khi em nghiêm trang làm mặt lạ.

Tôi thẹn quá cúi mặt, miệng nhấm mấy sợ tóc không biết trả lời thế nào, chẳng lẽ thú nhận mình cũng có chút cảm tình với anh qua những lá thư anh gửi từ quân trường nước Mỹ. tôi đáng trống lãng :

- Em không ngờ chữ viết bắt chước một chút kiểu thư pháp lại hại mình không giấu được nhận diện qua mắt người khác. Nhưng thật tình em đâu nghĩ sẽ có ngày mình lâm vào thế kẹt khi mượn tên người khác, chữ viết tố cáo mình đã nói “xạo” nên em xấu hổ quá !
 - Anh có cảm tình với người viết thư, không phải vì cái tên. Cho dù em mang tên nào anh cũng không quan tâm, lời lẽ trong thư mới là quan trọng với anh. Anh muốn hỏi em có đồng ý nối lại “nhịp cầu tri âm” với anh giống như từ trước đến giờ chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Hình như tôi và anh giống nhau ở điểm có đôi chút hài hước khi nói chuyện, anh hóm hỉnh giả bộ van nài :
- Làm ơn nhận lời anh đi mà, viết thư cho ai cũng vậy, viết cho anh kẻo tội nghiệp ! Cho anh khỏi làm “con bà phước” bấy lâu nay ngoài đơn vị.

Tôi vẫn nhớ đến lá thư đầu anh viết cho tôi bằng tiếng Anh nên ấm ức trả đũa :

- Lần đầu tiên viết thư anh đã ăn gian rồi, anh tốt nghiệp khóa sinh ngữ được chọn đi học bên Mỹ lại mang em mới học Đệ Tam ra làm kiểm tra môn học của mình, làm em phải vất vả ôm cuốn tự điển quên ăn mất ngủ mới viết được mấy câu trả lời cho khỏi mất mặt.
- Bây giờ anh làm người tình nguyện cho em viết thư bằng tiếng Việt trả thù. Thú thật anh chỉ giỏi Toán chứ thơ, văn là anh chịu thua. Viết thư bằng tiếng Việt anh thua em là cái chắc, tình nguyện để được thua em, em nghĩ sao ?

Thầm nghĩ anh lại đặt mọi chuyện trước sự đã rồi khiến tôi không thể nói lời từ chối. Cúi mặt e thẹn, cố gắng mím môi cuối cùng tôi vẫn không giấu được nụ cười, bằng chứng cho thấy đã ngấm ngầm đồng ý yêu cầu của anh mặc dù chưa nói thành lời.

Cỏ biển
Mùa thu 2016

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2016