XUÂN ĐINH DẬU - SỐ 73 - THÁNG 1 NĂM 2017

"HỒN" TẾT

Thưở còn học ở Võ Tánh gần tới Tết, tôi học được từ thằng bạn thân ngồi cùng bàn hay ngâm nga hai câu đối biểu tượng "Xuân đã về" dưới đây mà hôm nay tôi còn nhớ rõ,

Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh

Chỉ có 14 chữ; nhưng câu đối đã diễn tả gần hết tập tục những ngày đầu năm của xã hội Việt Nam từ ngàn xưa.

Cây nêu và câu đối ngày nầy đã "hồn ở đâu bây giờ?" rồi, không còn thấy trong xã hội.  
Pháo đã bị cấm, chỉ đì đùng đốt lẻ tẻ, đốt chui đây đó; như thế chỉ còn lại thịt mỡ, dưa hành, và bánh chưng xanh là những món ăn trong văn hoá ẩm thực Việt Nam ngày Tết. Nhưng đối với tôi, vốn là người "hảo ngọt", nhớ từ thưở thơ ấu "chất ngọt" của bánh 
và mứt đã đi vào vị giác; do đó mứt mà thiếu trong những ngày Tết là 1 điều không tưởng!
Do dó nếu mạn phép sửa lại như dưới đây thì đối với tôi có lẽ thích hợp, gần gũi hơn với cái Tết thực tế của ngày hôm nay.

Thịt mỡ dưa hành phong bì đỏ
Xi nê, hạt, mứt, bánh tét xanh

Xi nê tuy không là ẩm thực; nhưng là "món ăn tinh thần" của ngày Tết trong xã hội nước Việt cho thanh thiếu niên trước 75. Tôi đã đi xem xi nê với thằng bạn thân đó những ngày Tết năm xưa.

Hạt ở đây là hạt dưa, hạt đậu cắn ăn để cầm khách khi họ đến thăm và chúc Tết nhà mình.

"Xanh" là màu của lá chuối gói bánh nhuộm thấm vào nếp trắng, mềm, dẻo, và thơm; màu của biểu hiện hy vọng và tương lai của ngày đầu năm.

"Phong bì đỏ" trong câu đối có nghĩa là bao dùng để đựng tiền lì xì; màu đỏ là màu của mày mắn cho Năm Mới.

Tập tục này có từ hồi nào tôi không biết; nhưng đây là một văn hóa quan trọng không thể thiếu giúp cho "bầy trẻ nhỏ" vui Xuân hơn; giúp cho người lớn được may mắn và thịnh vượng suốt năm.  

Nhưng văn hóa này đã bị những quan chức "nịnh hót"  và "chính trị già lão luyện"  lợi dụng qua những hành vi biếu Tết, luồn cúi, mua quan bán chức trong xã hội Việt Nam ngày nay có lẽ cũng "quan trọng" và "không thể thiếu"!

Tôi đã sửa "bánh chưng" thành "bánh tét" với hai lý do: thứ nhất để đối với âm bằng của chữ "bì" của câu thứ nhất; lý do thứ hai là vì miền Nam phần lớn nấu bánh tét hơn bánh chưng cho ngày Tết.

Vài năm trước có người em con ông cậu ruột từ quê cha đất tổ, Quảng Bình, đã gởivcho tôi vài tấm hình chụp bàn thờ gia tiên của những ngày Tết. Thật là trang nghiêm và linh thiên chi lạ  với lư đồng và và chân đèn bóng lộn và sáng chói; tôi có cái cảm tưởng phảng phất đâu đó hồn tổ tiên. Nhìn kỹ thì nhớ lại nhà tôi ở Nha Trang cũng có bộ lư đồng và chân đèn giống như thế. Chạnh lòng! như vậy Tết năm nay là cái Tết thứ bốn mươi mấy tôi ở xa xứ.

Hồi đó mỗi lần Tết đến mẹ tôi giao cho anh em tôi hai việc: đánh cho bóng bộ lư đồng, chân đèn và đi thuê người tảo mộ ba tôi ở đèo Rù Rì.  

Chúng tôi  đã làm đều đặn hai công việc ấy cho đến ngày rời Võ Tánh, xa Nha Trang, và đi du hoc.

Chúng tôi phải thuê người tảo mộ vì mẹ tôi sợ anh em tôi còn nhỏ  đạp xe trên quốc lộ số 1 đầy nguy hiểm với những chuyến xe đò "chạy thục mạng" trong những ngày sắp tết.

Chùi bộ lư đồng và chân đèn thật là khó nhọc cho tôi nhưng mà vui vì "Xuân đã đến rồi reo rắt ngàn hồn hoa xuống đời"!

Những năm trước 75 chúng tôi phải dùng tro của bếp, chanh, và vải dư may áo của mẹ tôi để mà chùi đồng. Phải lựa ngày có nắng để phơi  rồi đồng nóng lên thì  oxy đồng mới dễ chùi  ra. Công việc tốn cả ngày từ sáng sớm cho tới chạng vạng; xong thì hai bàn tay đen thủi đen thui và tê đau ở những đầu ngón tay .

Ngày nay chắc mẹ tôi không còn phải nhờ anh tôi nữa mà có lẽ đã đưa ra tiệm khi Tết đến vì nhà nhà ở Việt Nam bây giờ đã nấu ăn bằng gas hay điện nên tro không còn có trong bếp để chùi theo phương pháp hai anh em chúng tôi thừa kế từ mẹ tôi.

Mộ của ba tôi ngày nay cũng không cần phải nhổ cỏ  nữa vì nghĩa địa ở đèo Rù Rì
đã bị sang bằng, xương cốt của ba tôi đã được đốt thành tro đem lên chùa thờ chung với những người bà con khác.
  
Năm đệ lục lớp chúng tôi có học bài "Ông Đồ Già"của Vũ Đình Liên tả lên được cái suy tàn của văn hóa câu đối từ những năm văn chương quốc ngữ bắt đầu thịnh hành thay thế hẳn chữ Hán.

"Lá vàng rơi trên giấy;
Ngoài trời mưa bụi bay.”

"Vàng" là màu của héo úa, của tàn phai, cũ kỹ, của quá khứ chứ không phải màu của vàng son. Lá vàng đă che, phủ lên tấm giấy đỏ để viết câu đối đỏ. Chữ "rơi" là rơi rụng, là một văn hóa lìa cành, đã mất đi sự sống.

"Ngoài trời mưa bụi bay" diễn tả lên cái tâm sự, cái ngậm ngùi của ông đồ. Chữ "mưa" mặc dầu ở "ngoài trời" nhưng thật sự xảy ra trong lòng ông đồ, và chữ "bụi" nói lên cái  "không cần thiết" của "câu đối"  và đã "bay" mất đi theo thời gian.

Cuối cùng là hai câu chót

"Những người muôn năm cũ
 Hồn ở đâu bây giờ?"

Chữ "hồn" hồi đó tôi cứ nghĩ là "hồn của người đã khuất"; nhưng ngày nay nghĩ lại chưa hẳn chỉ có nghĩa đó mà còn có nghĩa "hồn" của ba chữ "hồn văn hóa". Văn hóa Việt Nam phần lớn thường được thể hiện tập trung trong những ngày đầu năm: đoàn tụ gia đình, cúng giao thừa mời ông ông bà tổ tiên về "ăn Tết" với con cháu, xông đất, xuất hành, hái lộc, thăm viếng, chúc/mừng tuổi,  hoa Tết, tranh Tết, cây nêu, câu đối, hát bội, sắm Tết, mua muối, khai ấn, khai bút, lễ chùa, xin xăm, kiên kỵ, trả nợ cũ,  ...

Ngoài phong tục "câu đối" đã biến mất từ những năm thập niên 1930s; ngày nay thêm hai của những cái "hồn văn hóa" đó là tảo mộ và chùi lư đồng.  

Sửa soạn bàn thờ gia tiên để mời ông bà về "đoàn tụ" với gia đình đang dần dần biến mất?!

Lê Văn Hòa

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2017