XUÂN ĐINH DẬU - SỐ 73 - THÁNG 1 NĂM 2017

Làng Xưa

Sau tháng tư 75, Đại Học Văn Khoa Sàigòn được đổi tên thành Đại Học Tổng Hợp TPHCM, từ ĐH “tả pí lù” này, đám “choi choi, hippie” chúng tôi ra trường, vào đời với cái bằng Cao Đẳng.

Bạn của tôi “ôm hận” với lời phê bình, “Chuyên nhưng không Hồng”, làm con nhỏ tìm việc đỏ con mắt vẫn chưa có “đơn vị” nào nhận nó cả.

“Chuyên, Hồng” là cái quỷ gì mà làm con nhỏ lao đao như rứa?

Chữ nghĩa vi xi thường được rút ngắn, để làm gì chỉ có cán ngố mới hiểu, dân VN-Cộng Hòa nghe rồi, nghe lại vẫn ngẩn ngơ vì “tiếng Việt trong sách” bỗng trở nên tối mịt như đêm ba mươi.

Mấy chữ thịnh hành thời đó, “làm tất, KS chữa (KS cơ khí), xưởng đẻ…”, “Chuyên, Hồng” là chuyên môn khá hoặc giỏi, Hồng phải hiểu là “đỏ lét” như màu cờ máu, yêu cách mạng, thờ CS.

Đám “tàn dư Mỹ Ngụy” chúng tôi mặt mày xanh dờn vì bị kềm kẹp, nhồi sọ, hù dọa, bỏ đói…vì tội “thua cuộc”, làm răng có nổi khuôn mặt Hồng đến đỏ máu căm thù huynh đệ như họ được.

Cuối cùng nhờ một cô bạn cùng khóa được bổ nhiệm về ĐH Kinh Tế (ĐH Luật Sàigòn) dẫn dắt, bạn tôi bị chê “không mê Vi Xi”, được nhận làm thầy Pháp Văn tại đây.

Tốt nghiệp với lời phê “trung bình”, tôi về Long An nhận nghề gõ đầu trẻ, chưa kịp gõ đầu ai, tôi bị cán ngố hiệu trưởng khỏ đầu một cú thất kinh hồn vía, chỉ vì cái tội dám mang guốc đi trên nền gạch bông mới cáu, tôi đành “bỏ nghề” trước khi nhận việc.

May mắn như cô bạn bị chê “không Hồng” vừa kể, tôi được cô bạn khác đang làm thông ngôn tại nhà máy Dệt Thắng Lợi do chính phủ Pháp viện trợ, “đưa vào biên chế” nhà Máy.

Sáu năm làm thông ngôn với bạn bè, đồng nghiệp vui buồn lẫn lộn, nhưng nỗi buồn lớn nhất là sau khi Phân Xưởng Sợi hoàn thành, được bàn giao cho Nhà Máy, phái đoàn Pháp rút về nước, đám thông ngôn chúng tôi giải nghệ, rã đám.

Tôi cũng không ngoại lệ, nhưng vẫn còn dính dáng đến nghề dịch thuật vì được chuyển qua phòng Kỹ Thuật Cơ Điện dịch tài liệu về máy Đánh Bông, Quấn Sợi…., đồng nghiệp cũ gọi đùa, tôi hành nghề “dịch câm”, dịch chữ nghĩa, thuật ngữ, không cần nói.

Gần hai năm dài làm “thợ dịch về máy móc, bù lon ốc vít…” chán chê, một hôm tôi đu theo xe mấy ông KS Dệt Thắng Lợi lên nhà Máy Giấy Tân Mai để tìm tài liệu chi đó tôi không rõ.

Mục đích của tôi là tìm con bé Hà trong đám thông ngôn từng làm với tôi ở Thắng Lợi lúc trước, con nhỏ lên Tân Mai nhận việc ba năm trước khi Thắng Lợi làm lễ “Hoàn công” (hoàn thành công trình).

Nhà máy Giấy Tân Mai đang trong giai đoạn đổ bêtông nền cho bãi chứa gỗ và phân xưởng làm Bột Giấy, công trình mở rộng này cũng do chính phủ Pháp viện trợ, thông ngôn độc nhất là con bé Hà.

Mấy ông KS Thắng Lợi đến phòng Kỹ Thuật của Ban Kiến Thiết tìm tài liệu, tôi lùng sục ba tầng lầu tìm Hà, đi rạc giò không thấy con bé.

Tôi chui vào phòng Tổ Chức (Nhân Sự), đụng phải cụ cán đang đưa tài liệu cho thư ký đánh máy.

Thấy tôi xớ rớ, cụ cán hỏi :

- Cô tìm ai ?

Tôi nhanh nhẩu :

- Thưa chú cháu tìm Thanh Hà, thông dịch viên.

Cụ nhìn tôi dò xét, tôi rùng mình, trộm nghĩ, hay cụ là công an đang “quản lý” con bé Hà như gã công an hắc ám kềm kẹp chúng tôi ở Dệt Thắng Lợi hồi trước.

Cụ lên tiếng làm tôi giật mình :

- Cô tìm Hà có chuyện gì ?

Lại một câu hỏi đầy nghi ngờ, tôi nói ngay :

- Không có chuyện chi cả, cháu là đồng nghiệp của Hà lúc trước ở Nhà Máy Dệt Thắng Lợi…

Không để tôi dứt lời, cụ ra lệnh làm tôi thấy lạnh xương sống :

- Thế thì cô theo tôi, đến phòng của tôi ngay.

Tôi đành đi theo cụ, tâm can rối bời, đến trước cửa phòng có bảng “Trưởng Ban Kiến Thiết”, tôi thở phào nhẹ nhõm, hú hồn, cụ không phải là công an.

Cụ bảo tôi ngồi vào ghế salon, rót trà mời tôi, rồi nói :

- Hà đi Pháp rồi.

Tôi bàng hoàng giọng buồn hiu :

- Hà đi bao lâu rồi chú ?

Cụ trả lời câu hỏi của tôi bằng một câu hỏi khác :

 - Cô có thể lên đây nhận việc thay Hà được không, tôi chưa tìm ra thông dịch viên do sở Công An xác nhận đủ tiêu chuẩn làm việc với ngoại quốc, dù sao thì cô từng làm việc này rồi.

Tôi đắn đo :

- Chú cho cháu suy nghĩ vài ngày, vì cháu đang có con nhỏ, sáng đi chiều về Biên Hòa hơi bất tiện.

Sợ tôi từ chối, cụ đề nghị :

- Tôi tính thế này, tôi viết ngay tờ giấy xin điều động cô về đây, cô mang về cho thủ trưởng ở Thắng Lợi, sau này nếu cô không nhận lời cũng không sao.

Tôi đành gật đầu, lòng lại hoang mang, ngại thủ trưởng Thắng Lợi lắc đầu, lo chàng phản đối, thật lòng tôi rất nhớ nghề, đang ngán tới cổ vì phải “chơi bời” với mớ sách kỹ thuật quá khô khan.

Hôm đó trên đường quay về Dệt Thắng Lợi, mấy gã KS hí hửng với đống bù lon ốc vít, tài liệu…, tôi nửa vui nửa lo không cười tươi như họ được.

Về nhà tôi kể chuyện “Tân Mai” với chàng, chưa dám mở lời, chàng khuyến khích :

- Nếu mẹ nó thấy thích thì cứ nhận việc trên đó, ngồi phòng kỹ thuật chỉ bị lụt nghề chớ được gì.

Tôi mừng như con nít được quà, chuyện nhà đã xong, sáng hôm sau tôi trình báo với xếp Thắng Lợi đề nghị của xếp Tân Mai kèm theo tờ giấy “điều động thông dịch” để làm tin.

Xếp cầm tờ giấy phán một câu xanh rờn :

- Lão này gan thật, “xin người” y như điệp viên đang giữ con tin, chưa biết “cơ quan chủ quản” có đồng ý chưa mà dám ra lệnh “điều động”.

Tôi nghe mà phát rét, hai ông cán choảng nhau, tôi ở giữa không chết cũng bị thương, cá nằm thớt, toi mạng như chơi.

Thấy tôi im re, xếp hỏi :

- Cháu nghĩ sao ?

Tôi như hoàn hồn, ấp úng :

- Nghĩ sao là sao chú ?

Xếp chỉnh cặp kiếng lão nhìn tôi nghiêm giọng :

- Cháu muốn đi hay ở lại đây ?

Giời ạ, lòng tôi muốn đi như cái cột điện lúc này có chân cũng muốn đi vượt biên, nhưng phải nói làm răng nếu xếp không cho tôi lên Tân Mai, sau này xếp không đì tôi sói trán.

Tôi tiếp tục im lặng, xếp chấp hai tay sau đít, đi tới đi lui, rồi lên tiếng :

- Nếu cháu muốn đi, chú đồng ý, nhưng đồng chí trên Tân Mai phải “hội ý” với chú trước, chứ sao lại làm giấy điều động kiểu này được, thôi để chú điện thoại “trao đổi” với trên đó.

Tuần sau phòng Tổ Chức hoàn tất hồ sơ thuyên chuyển tôi lên nhà máy Giấy Tân Mai, trực thuộc Phòng Kỹ Thuật của Ban Kiến Thiết (BKT) y chang như ở Dệt Thắng Lợi.

Sáu năm làm việc ở Thắng Lợi với nhân sự đa số là dân VNCH, tuy bị công an kềm kẹp nhưng tôi không lạc lõng giữa một bày cán cộng, dù một số ít Vi Xi cũng dễ gần vì họ nhận thấy VNCH không ngu dốt như họ bị tuyên truyền, họ thầm “ái mộ” phe ta mà không dám nói.

Xa Thắng Lợi tôi nhớ da diết xứ Bà Quẹo có chợ chồm hổm mỗi sáng chiều trước cổng nhà máy, nông dân gần đó bày bán đủ thứ rau cải trong vườn, tươi rẻ, chiều nào tôi cũng mua rau, trái cây…
Hàng quán bên kia cổng, quán sữa đậu nành thuở nào tôi ngồi với Hà và Xính Xáng, cây si gốc Chợ Lớn của con bé, bánh mì thịt, xíu mại, bún riêu…, tất cả đang lùi vào dĩ vãng.

oOo

Nhà Máy Giấy Tân Mai, tiền thân là COGIVINA, Công Ty Kỹ Nghệ Giấy Tân Mai, được thành lập năm 1958, thuộc ấp Tân Mai, xã Bình Trước- Biên Hòa, sau 75 được chuyển giao cho VC.

Mỗi ngày Giấy Tân Mai có một chuyến xe ca Sàigòn - Biên Hòa đón nhân viên đa số là dân VNCH làm việc trước năm 75, và số ít cán cộm thuộc hàng lãnh đạo “Nam tiến” và cán khờ Tập Kết đang tiếc đứt ruột “Miền Nam Tự Do, Văn Minh” trù phú mà mình trót dại bỏ rơi lúc trước.

Công nhân nhà máy hầu hết là dân địa phương và cán cuốc bộ đội chuyển ngành từ Bắc vào Biên Hòa ở trong cư xá công nhân do COGIVINA xây.

Trước khi xây xưởng sản xuất Bột Giấy, chính phủ Pháp đài thọ cho bốn KS hữu nghị của Vi Xi qua Pháp học một năm huấn nghiệp, trong đám đó có hai kỹ sải làm trong phòng KT.

Hai người còn lại, cụ cán bí thư đảng, đi Tây một năm ăn chocolat cho đã thèm chứ ngoại ngữ của cụ rất hạn chế, gã còn lại làm xếp Vật Tư phụ trách nhận mấy kiện hàng made in France chứa máy móc và bù lon, ốc vít…

Trái hẳn với Dệt Thắng Lợi, BKT Tân Mai không có công an, phòng Kỹ Thuật toàn kỹ sư hữu nghị Liên Xô, Đông Đức…tùm lum chiếm 90% nhân sự trong phòng.

Lương là KS Công Chánh Phú Thọ, khóa đàn em chàng của tôi, và tôi là hai đứa “tàn dư Mỹ Ngụy” độc nhất giữa một bày cán cộng thứ thiệt.

Tỷ lệ cán cộng trấn áp trong phòng khiến tôi đâm hoảng, chừng đó người dư sức “kềm kẹp” hai đứa tôi, cần quái gì đến công an như dưới Bà Quẹo.

Tôi chuẩn bị tinh thần làm việc với “địch”, làm sao tin được Vi Xi, họ có cách “dân vận” bài bản lắm, lơ mơ là sập hầm chông ngay.

Thế nhưng tôi lầm, mấy cán tu nghiệp một năm bên Tây, ngoài ông kẹ bí thư đảng già ngắt, ba kỹ sải kia lớn hơn tôi vài tuổi, từng ra ngoại quốc học nên đầu óc tương đối tiến bộ, họ biết “phe thắng cuộc” thua “bên bại trận” cả một trời Tự Do, Văn Minh Tiến Bộ…

Một kỹ sải trong phòng từng “ái mộ” con bé Hà, mỗi ngày đi chung xe ca về Sàigòn, nghe nói có lần hắn rủ Hà đi phố chơi. Không biết “ăng ten” Sàigòn báo cáo làm răng mà hắn bị bí thư đảng cảnh cáo vì cái tội giao du với tàn dư Mỹ Ngụy. 

Sau đó Bí Thư gả bán Hoa cho hắn, cô em cũng là nhân viên phòng KT, tốt nghiệp trung cấp “Cấp thoát nước” ĐH Kiến Trúc Hà Nội. Hệ thống ĐH của Vi Xi lạ thật, chưa thấy ĐH Kiến Trúc nào trên thế giới lại có cái ngành quái chiêu như rứa.

Hoa rất ái mộ Hà, khi biết tôi là “đàn chị” của Hà cô em làm thân với tôi rồi khoe từng được Hà dạy hát nhạc Tây.
Tôi bảo cô em hát thử xem, Hoa hẹn một ngày không xa sẽ “biểu diễn” cho tôi nghe.

Để cho Hoa ba hoa chích chòe với tôi đã đời, sau đó chú em Lương kéo tôi ra ngoài bật mí :

- Em cán nói tiếng Việt còn ngọng nghịu, chị mà nghe Hoa hát nhạc Tây đố chị hiểu nổi.

Tôi tròn mắt :

- Em nghe Hoa hát chưa mà chê người ta.

Lương nhái giọng con nhỏ :

- Em “nạy” chị em nghe rồi, “na mua xê pu riêng” (L’amour c’est pour rien) chị hiểu chưa, Hà cũng ác thật, biết con nhỏ nói ngọng mà đi dạy nó cái bài nổi tiếng này.

Tôi không nhịn được cười :

- Lúc Hoa hát em với Hà có cười không ?

Lương kể :

- Lúc đó em vờ châm điếu thuốc để “dập” cơn cười, vậy mà Hà tỉnh bơ mới hay, đã thế Hà còn dạy thêm bài “Ô kờ ne đờ na nuyen” chi đó (Au Clair de la lune), từ đó Hoa hay “níu no” biểu diễn nhạc Tây cho nhân dân quần chúng nghe mệt nghỉ. Nói thật với chị, cán cuốc mê “văn hóa Âu Mỹ” lắm, nhưng vì là đảng viên nên họ phải “tự kềm kẹp” để giữ chức dành quyền mà hưởng lợi, chứ họ hiểu họ bị Đảng lừa dối từ lâu rồi.

Phân xưởng sản xuất Bột Giấy tương lai nằm trên đất ruộng của nông dân tại phường Thống Nhất, TP Biên Hòa.
Đất ruộng lầy lội được đào xới cả thước chiều sâu và san lắp bằng xà bần, bêtông vụn, ngày tôi về đây, công trường đã đổ xong lớp bêtông nền của bãi chứa gỗ và xưởng Bột Giấy.

Mỗi ngày Lương, tôi, cán cộng và chuyên gia đi công trường một hoặc hai lần, sau khi rảo một vòng và ghi chép đầy đủ hiện trạng công trình, Tây, Ta trở về phòng làm việc.

Nếu không có “vấn đề” (trục trặc kỹ thuật), Tây ghi vào sổ nhật ký công trình RAS (Rien à signaler) không có gì để báo cáo, tôi dịch ra tiếng Việt gọn ơ.

KS Lương, kỹ sải hữu nghị đánh dấu trên bản vẽ tiến triển công việc rồi ghi vào sổ tay công trình của phòng. Đôi khi họ ở lại công trường để trao đổi thêm với đội ngũ thầy thợ phụ trách đổ bêtông nền, móng bêtông đặt máy bóc vỏ gỗ, máy băm gỗ…

Vì trình độ của cán cộng kỹ sải được đào tạo từ mấy nước CS không “đồng bộ” với Phương Tây nên tiến độ công trường thường chậm trễ.

Mặc kệ đám “sư sãi” kia vò đầu bứt tai, giờ nghỉ trưa, thỉnh thoảng tôi ra ruộng sau lưng công trường, đi qua mấy con lạch vào làng Thống Nhất, vườn trái cây nhà nào cũng có, xoài, mận, chôm chôm…, heo, gà, vịt kêu ỏm tỏi.

Chợ nhỏ bên trong làng, hoa quả, rau, cá tôm bắt dưới ruộng dưới lạch nhảy tưng tưng trong rổ, trứng gà trứng vịt đầy áp quang gánh, dạo đó Vi Xi chưa bị Tàu đỏ đầu độc nên sản phẩm đồng quê rất tinh khiết.

Ngày nào tôi cũng đi chợ, thỉnh thoảng mua bồn bồn muối dưa nấu canh chua ăn nhớ đời, những thứ mộc mạc chỉ có ở đây, thôn làng của riêng tôi.

Có những ngày công trường tạm ngưng chờ mẻ bêtông mới đỗ hôm qua đông cứng mới lắp được máy móc, phòng Kỹ Thuật tương đối rảnh, cả đám rủ nhau vào nhà vườn mua trái cây về ăn.

Mít được mọi người ưa chuộng vì một trái to đùng đủ cho mười mấy người trong phòng ăn chơi mà lại rẻ tiền, sau giờ cơm ăn mít tráng miệng, hôm sau ăn hột mít luộc.

Mấy đứa ở Sàigòn đi ké xe ca nhà máy, trong đó có Lương, tôi và kỹ sải “Tây học” (BKT nằm ngoài nhà máy và là đơn vị chưa được sát nhập vào Nhà Máy) có nhiệm vụ “thả bom” cho bỏ ghét đám Nhà máy hách dịch, kỳ thị dân ăn ké BKT.

Mỗi lần phòng Kỹ Thuật hoàn tất một công đoạn, (tiếp nhận mặt bằng bãi gỗ, mặt bằng lắp đặt máy băm gỗ …) cả phòng được tiền thưởng, vài trăm đồng tùy chức vụ, thế là hôm sau phòng KT rủ nhau ra phố “liên hoan”.

Cả đám “đèo nhau” bằng xe đạp, xe Honda ra nhà hàng nổi trên bờ sông ngoài Biên Hòa ăn nhậu, dạo đó chỉ có bia nội địa, “bia hơi”, tửu lượng của Hoa và tôi không tệ, nên cả phòng nam nữ bình đẳng nâng ly mà cụng lia lịa.

Cơm nước no say, cả đám “đèo nhau” về BKT “ngủ trưa”, dân Kỹ Thuật áp dụng nhuần nhuyễn khẩu hiệu “Cách Mệnh là ngày Hội” làm mấy cụ cán chi bộ Đảng phải ngậm bồ hòn.

Cứ thế mà một năm phòng KT có đến mấy cái tiệc liên hoan ngoài Biên Hòa.

Tôi chưa đủ tuổi đi làm thời VNCH, ở nhà máy Dệt Thắng Lợi đám thông ngôn bị công an kềm kẹp đến mất vía, trái lại Tân Mai phóng khoáng, hơi “nười nao động” và chịu ăn chơi hết mình.  

Thập niên 80 Sàigòn có hai khách sạn lớn Caravelle và Palace (bị VC đổi tên Hữu Nghị) có nhà hàng tiêu chuẩn quốc tế trên lầu thượng, thực đơn theo kiểu Pháp.

Thỉnh thoảng cán bự ngoài Hà Nội vào Sàigòn làm việc với Tổng Công Ty phía Nam, Tây Ta họp hành, cha con dắt nhau đến nhà hàng “họp và ăn cơm khách”, dĩ nhiên quan Ta phải chọn Caravelle hoặc Palace chứ làm sao bắt Tây ăn cơm độn nhà bàn được.

Quan Ta họp cũng “nghiêm túc” lắm, Tân Mai báo cáo tiến triển công trường có vài “sự cố”. Quan Tây rên chất lượng bêtông quá kém phải đập bỏ bệ móng, đổ lại mẻ mới, rồi vật tư (phụ tùng máy móc) bị mất cắp như bù lon, động cơ (moteur), dây xích … nên tiến độ công trình bị trễ hạn.

Thế là quan Ta kỳ kèo xin bên Tây, tặng, biếu, cung cấp miễn phí những thứ bị đánh cắp, quan Tây bảo phải làm việc với Hãng bên Pháp và sẽ trả lời sau.

Quan Ta mừng húm, nhờ vậy Ta có cớ gặp gỡ làm việc với Tây, Ta lại mời Tây lên Caravelle, Palace ăn cơm khách, tôi được làm việc tại Sàigòn, khỏi lên Biên Hòa, nhưng vất vả hơn.

Các quan nói liền miệng, tôi mỏi tay ghi chép mỏi miệng dịch muốn “mắc dịch” luôn, biết sao bi giờ, cái nghiệp “tay viết hàm nói” là vậy.

“Giờ cơm đến rồi”, Ta được ăn cơm Tây, vì nhà hàng này chỉ phục vụ khách ngoại quốc, thực đơn, rượu bia Tây thứ thiệt.

Khổ thân tôi, quan Ta bảo tôi diễn giải thực đơn Tây và vấn ý món khoái khẩu của Tây, các cụ đang làm khó tôi đấy vì Tây Ta “đường tình hai lối” kia mà.

Ta mê mắm tôm, mắm ruốc, nước mắm…Tây ngửi không vô, Tây khoái cục Camembert thum thủm, món Andouille, khúc dồi chứa đầy “tạp chất” nhồi thêm lòng heo, mùi vị nồng nặc ác liệt lắm, ăn món này phải có rượu chát chữa lửa.  

Thôi thì “Có sao nói vậy người ơi”, ngoài hai món “nặng mùi” kia, tôi “đề cử” (đề nghị) món “Bít tết” (Beefsteak) bổ dưỡng dễ ăn, thịt thỏ hầm rượu (Civet de lapin)…tùy cán quyết định. Bánh mì đối với Tây như cơm trắng của VN, trên bàn lúc nào cũng có rổ bánh mì, hũ “Mù tạt” (Moutarde) nồng như tương Hột Cải của người Hoa, xì dầu Maggie, tiêu, muối.

Bánh mì có thể ăn kèm với vài món ăn chính và dùng với phô mai đủ loại trước khi dùng món tráng miệng.

Đặc biệt có cụ Nam Bộ tập kết ghiền “Mù tạt” (Moutarde) đến độ cụ chả thèm động đến dĩa khai vị xà lách trộn xúc xích, tôm, mực…, chỉ ăn bánh mì chấm mù tạt.

Tôi từng dùng mù tạt với bò bích tết… nhưng ăn với bánh mì thì chưa, thấy cụ say sưa trét mù tạt lên bánh mì, tôi động lòng tà làm thử một khoanh.

Món lạ miệng, được lắm, uống một hớp bia thấy ngon, từ đó tôi là “đồng minh” ăn bánh mì mù tạt với cụ mỗi lần Tây Ta đưa nhau vào khách sạn.

Một năm có vài lần ”về Sàigòn” ăn chơi, cán vui, tôi khoái vì không phải ngồi xe ca đi về mất hai tiếng mỗi ngày, khoẻ nhất là ngày cuối của cuộc “đàm phán”, quan quân mỏi mệt đọc qua biên bản rồi ký một cái rẹt là xong.

Bữa ni cán cộng “tranh thủ” ăn uống tới bến, mấy ngày trước “ăn thử” bảy món ăn chơi, kết lại cái món “bít tết” với khoai chiên, ngon, bổ tuy không rẻ nhưng “chú phỉnh” (chính phủ) chi trả tội gì không ăn thoải mái, muốn bis thêm một “xuất” nữa cũng được.

Rượu vang ngon và nhẹ hơn đế quốc lủi, cán cuốc cứ tì tì cụng ly, phục vụ liền tay khui rượu khiến Tây ngẩn tò te, rượu đỏ mà cán uống như nước lã, tửu lượng đáng gờm thật.

Tía má ơi, làm sao Tây hiểu rượu đế của Ta toàn là cồn với cồn, rượu vang lên men từ mấy chùm nho nồng độ làm răng bì kịp đế của thời “Cách mệnh đổi đời”.

Cơm no rượu ngon, ai cũng “hồ hởi, phấn khởi”, chỉ tôi hơi bơ vơ giữa đám đảng điếc kia còn bị gọi là “đồng chí” nghe rờn rợn, cách xưng hô này lúc còn học ở ĐH Tổng Hợp chỉ dành riêng cho đoàn viên, đảng viên.

Dân “Mỹ ngụy” chính hiệu như tôi bỗng được gọi như rứa nghe khiếp thật, tôi tự véo vào tay mình mấy cái để nhắc nhở, tôi không thể và cũng chẳng bao giờ cùng chí hướng với họ.

Hết mấy ngày “du dương Sàigòn”, sáng sáng tôi theo xe ca trở lại Tân Mai, một số thiết bị kỹ thuật được bày ngoài bãi chứa gỗ như, máy băm gỗ, băng chuyển tải dăm gỗ …

Công trường nhộn lên với đám kỹ sải Cơ Khí, Điện, Công Nghệ Giấy…, tài liệu kỹ thuật Hà đã dịch trước khi tôi lên đây, tôi ra công trường với Tây để kiểm tra và trao đổi với đội lắp ráp máy.

Chuyện công đã xong, đến giờ tôi đi “tư chuyện”, ra chợ làng (chợ ở đây bán lai rai từ sáng đến bốn năm giờ chiều), vào vườn trái cây, vào nhà dân coi người ta làm bánh tráng, bánh kẹo…

Cái máu “ta bà” dính da của tôi khiến dân cư ở đây ai cũng biết tôi là người Sàigòn, nhưng mê thôn làng, có lần nằm võng đu đưa dưới gốc dừa tôi mơ giá chưa có ngày 30 tháng 4 quái ác kia.

Vui nhộn nhất là mùa cận Tết, xưởng làm kẹo đậu phộng, thèo lèo… ”tăng ca”, gọi xưởng cho oai chứ đây là nhà bác Tư, “làm nghề” từ mấy đời, bỏ mối quanh năm ngoài chợ Biên Hòa.

Chú em Lương làm việc ở đây trước tôi vài năm nên rất rành làng này, hắn rủ tôi với đám trẻ trung cấp kỹ thuật cơ khí, đa số là con em VNCH, đến xưởng kẹo coi người ta tăng ca cho mùa Tết.

Bác Tư “tiếp thị” chúng tôi rất tận tình, ăn kẹo miễn phí tại chỗ, dĩ nhiên sau đó mỗi đứa “thồ” cả chục gói kẹo về Sàigòn làm quà tết cho gia đình, bạn bè vì giá rẻ đến hai phần ba giá thị trường.

Trong làng cũng có “lò” bánh tét, bánh ích, bánh bò, bánh tráng ngọt…, cũng rộn ràng nhộn nhịp không kém xưởng của bác Tư.

Tôi khoái nhất là đi hái trái cây, chủ nhà đưa chiếc thang tre, Lương và đám thanh niên leo lên cây chôm chôm, mận, xoài, bưởi…

Đám con gái đứng dưới “chỉ đạo” cho mấy đứa đang đu trên cành như khỉ, hái chùm trái cây bên phải, bên trái… liệng vào cái thúng tụi tôi kéo theo hướng chùm trái cây vừa hái.

Chùm ruột ở đây trái to như ngón tay cái, mua bốn năm ký, chà xát muối, sả nước, phơi nắng, sên chín còn khoảng hai ký. Tết năm nào tôi cũng mua gần chục ký, chưa đến mồng 3 Tết mức đã hết sạch, mức khế chua, mức me cũng cùng chung số phận.

Chỉ ở đây mới còn loại trái cây này, ngoài chợ Biên Hòa nho, táo lê Tây, dâu Tây Đà Lạt tràn ngập khu hoa trái, ra chợ rồi mới thấy “cây nhà miệt vườn” của tôi bảnh hơn nhiều.

Ăn Tết xong, mùng bốn, mùng năm đi làm trở lại, Tân Mai “ăn Tân Niên”, tuy là cơm nhà bàn nhưng bánh mứt phủ phê, dân Miền Trung mang cả rổ “lạc rang”, hạt to như ngón tay cái, bùi béo, Hà Nội mang chè “Thái Đức”, Sàigòn tôm khô củ kiệu, mứt kẹo…

Phòng Kỹ Thuật, BKT, các phòng ban tì tì ăn nhậu…, lãnh đạo kéo nhau qua Nhà Máy chúc Tết, ăn Tết, thánh Giêng là tháng ăn chơi, Cách Mệnh là Ngày Hội…tuần lễ đầu năm bao giờ cũng tưng bừng vui chơi.

Đám tàn dư chúng tôi được công nhân VNCH kéo về nhà (trong cư xá COGIVINA) ăn Tết sau Tết, cán cộng cũng rủ hai đứa tôi đến nhà ăn thịt cày với bánh đa, lá mơ…, tôi chịu thua chuồn nhanh.

Phòng KT vắng hoe, tôi mở biên bản công trường, Tây lại ghi RAS, tôi dịch và ký tên.

Từ phòng chuyên gia, Tây bước ra hỏi tôi :

- Quý vị ăn Tết lâu rứa, trước, sau Tết ăn chơi dài dài như ri, khi nào mới làm việc ?

Tôi đùa :

 - Tháng giêng là tháng ăn chơi mà.

Tây trợn mắt :

 - Cả tháng nhà máy ngưng hoạt động ?

Tôi giải thích :

- Đó là chuyện xa xưa thời ông cố hỉ của tôi, XHCN ăn khoai độn thay cơm làm răng dám “chơi bời” cả tháng, ngày mai là thiên hạ “lao động CS” cho ông xem, còn hơn “Gu lắc Xibêri” đấy.

Tây gật gù :

- Thì ra thế.

Mà thật vậy, hết Tết, phòng kỹ thuật, công trường vào mùa “Thi đua”  vượt chỉ tiêu, nhà máy sáng đèn với tiếng máy quay đều, tội nghiệp công nhân tăng ca đêm làm trối chết được bồi dưỡng chén chè đậu xanh lúc rạng đông.
Hết giờ hành chánh cán cộng về nhà ăn ngủ với vợ con, tôi theo xe ca về Sàigòn, lòng ngậm ngùi cho tầng lớp lao động ít học “bị bóc lột” bằng khẩu hiệu dối trá “Công nhân làm chủ”, đểu thật.

Năm 1989 tôi nghỉ “hộ sản” sáu tháng sau khi sinh Cu Beo, theo “chính sách nhà nước” nếu đứa con thứ hai cách đứa đầu 5 năm sẽ được thưởng tiền “kế hoạch” chi đó của Đảng.
Nhóc của tôi nhỏ hơn thằng anh đến 8 tuổi nên tôi thuộc loại “chấp hành tốt” chính sách của đảng, được thưởng bộn bạc, nhân viên phòng KT biếu tôi hai hộp sữa Ông Thọ và một túi cam.

Đúng là oan Thị Mầu, tôi dị ứng VC còn lâu mới chấp hành chính sách khỉ gió kia, chẳng qua chàng của tôi làm việc tận trên Pleiku có “Em má đỏ môi hồng”, ba tháng về thăm nhà một lần. Tôi đắn đo dữ lắm, VN đã hết chiến tranh, hai đứa tôi cứ phải xa nhau, tôi mòn mỏi chờ đợi như vợ lính ngày xưa, mặc cho tuổi xuân đi qua, phải mất năm bảy năm để “củng cố” niềm tin trước khi tôi liều lĩnh “đi biển một mình” lần thứ hai.

Thằng nhóc tuổi Rồng chuyển đổi vận mệnh đời tôi, cũng năm đó tôi đi Tây, nhà máy trong giai đoạn chuẩn bị cho chạy thử, tôi chưa kịp từ giã ai cả, lên đường với nỗi nhớ Tân Mai của riêng tôi.

Năm 75 bắt đầu sống với VC, sáng sáng cái loa ở phường bắt dân chúng chào cờ “Giải phóng miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước”, nghe ù tai, nghẹn ngào nước mắt chực trào.

Ba năm “Học Đại” chủ nghĩa CS, mấy thứ rác rưởi của chế độ ngán tận cổ, buồn cho nhóm bạn “cơ hội” hội nhập hết mình vô Đoàn, Đảng, trong nỗi buồn đó có cái vui vì chúng nó cũng là mục tiêu để đám Mỹ Ngụy chúng tôi châm chọc cười chê.

Sáu năm làm việc ở Dệt Thắng Lợi, tôi chưa bị “khuyến cáo, làm bản tự kiểm” như cô bạn thân, nhưng đau lòng thấy bạn cũng như tôi, dân Miền Nam bị “kềm kẹp, ức hiếp” vì cái tội “thua cuộc”, nhưng chúng tôi hãnh diện “mình thua trong danh dự”, không cướp bóc tồi tệ như họ.

Bốn năm ở Tân Mai, lần đầu tiên sống dưới chế độ CS tôi cảm thấy tương đối thoải mái, dân địa phương “theo Đảng” bằng mồm nhưng lòng họ vẫn nguyên xi dân quê chất phác thật thà.
Cán cộng ở đây cũng được lắm, cởi mở, họ thầm “ngưỡng mộ” dân Cộng Hòa Văn Minh, lịch lãm, học đòi mãi họ vẫn chưa rũ bỏ được tiếng “đồng chí, cậu tớ…” làm họ thêm thui chột.

Nghĩ lại cũng khó trách, thế hệ “Sinh Bắc Tử Nam”, một sáng bừng tỉnh thấy mình  “bị lừa bịp toàn tập” khi nhận ra VNCH không “Bán nước hại dân, ngu dốt, tàn ác” như họ bị nhồi sọ.
Không ít cán cộng tiếc ngẩn ngơ, nhủ thầm “Giá Sàigòn giải phóng Hà Nội”, nhưng đã muộn mất rồi, “chú phỉnh tôi rồi chính phủ ơi”.

Sinh trưởng ở Sàigòn, tôi đã nhận Tân Mai là quê quán thứ hai, nơi tôi đã sống tương đối thoải mái, dễ thở với nhiều kỷ niệm vui cùng dân Mỹ ngụy và đám cán cộng dễ mến.

Chính nơi thôn dã này tôi cảm nhận được tình tự quê hương, gốc rễ mình không thể phủ nhận dù đang sống trong chế độ CS dối trá, tồi tệ.

Thương chế độ VNCH yểu mệnh để cả dân tộc hai miền Nam Bắc phải khóc thầm thương vận nước điêu linh.

Giá tôi sinh đôi một trai, một gái, tôi sẽ gọi chúng nó “Tân & Mai”, tiếc thay đó chỉ là giả thuyết, nhưng không sao, thời buổi Internet muốn lấy biệt danh nào chả được, vì thế tôi đã có “Tân Mai” của tôi từ lâu rồi.

Trước 2009 tôi có về VN vài lần, nhưng tôi chưa bao giờ lên Tân Mai, sợ phải chứng kiến cảnh tiêu điều khi Nhà Máy rơi vào tay bọn tư sản đỏ, làng xưa thôn cũ không còn mộc mạc đáng yêu như thuở VC xâm chiếm Miền Nam chỉ mới 14 năm thôi.

VN có những thắng cảnh được thế giới thừa nhận, Tân Mai mộc mạc thua xa Paris, Londres, New York…, nhưng tôi chỉ yêu độc nhất thôn làng ngày cũ có đường đất vây quanh mấy con lạch.

Tôi tự nhận là người Sàigòn để phân biệt với đồng hương Nha Trang, Đà Lạt, Mỹ Tho…, nhưng Tân Mai, làng xưa luôn là niềm nhớ khôn nguôi năm tháng vui sống trước khi rời VN.

Gốc trời của riêng tôi, “Tôi vẫn chơi vơi riêng một gốc trời” sau 28 năm xa cách, biết nói gì khi con tim có lý lẽ riêng mà mình không giải thích được.

Jan. 2017 / Đoàn Thị

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2017