XUÂN ĐINH DẬU - SỐ 73 - THÁNG 1 NĂM 2017

Ngàn ánh dương rực rỡ

Khaled Hosseini
Trúc Hà dịch

 

Chương 10

Những ngày đầu tiên, Mariam hầu như không ra khỏi phòng. Mỗi buổi bình minh, tiếng gọi đọc kinh phát ra từ tháp giáo đường từ xa vọng lại đánh thức nàng dậy để cầu nguyện, xong rồi nàng lại trở vô giường. Lúc Rasheed dậy rửa mặt trong phòng tắm và khi anh ta bước vô phòng nàng để kiểm tra trước khi ra tiệm, nàng vẫn còn nằm trên giường. Từ cửa sổ phòng, nàng theo dõi anh đứng dưới sân, bỏ bữa ăn trưa vô cái bao phía sau xe đạp, rồi dẫn xe từ trong sân ra đến đường. Nàng nhìn theo anh đạp xe đi xa dần, cho đến khi hình dáng thô kệch của anh khuất dạng sau ngõ rẽ ở cuối đường.

\Hầu như cả ngày Mariam nằm trên giường, cảm thấy cô đơn lạc lõng. Có đôi khi nàng đi xuống dưới nhà, vô bếp, đưa tay sờ lên mặt bếp nhớp nhúa dầu mỡ và mấy tấm màn bằng nhựa hình bông hoa khét mùi đồ ăn. Nàng mở mấy ngăn tủ xệu xạo, nhìn những cái muỗng, những con dao chẳng hợp nhau, cái rỗ và mấy cái muỗng gỗ lớn, những vật dụng thuộc tương lai cuộc sống thường nhật mới của nàng. Tất cả như nhắc nhở thảm họa đã giáng xuống đời nàng khiến nàng cảm thấy như bị bật gốc rễ và bị bứng đi đến một nơi khác, như thể nàng là kẻ xâm phạm vào cuộc đời của một người nào đó.

Ở nhà của mình, nàng tiên đoán được lúc nào mình sẽ đói bụng. Ở đây, dạ dầy của nàng ít khi lên tiếng đòi ăn. Ðôi khi nàng lấy một dĩa cơm trắng còn thừa hôm trước, hay một miếng bánh mì đem vô phòng khách, ngồi ăn bên cửa sổ. Từ đó nhìn ra có thể thấy nóc những ngôi nhà một tầng trên con đường này. Có thể nhìn thấy cả trong sân những nhà này, các bà vừa phơi quần áo vừa xua lũ con, lũ gà mổ đất kiếm ăn, cuốc sẻng, bò cột gốc cây.

Nàng tha thiết nhớ lại những đêm mùa hè hai má con nàng nằm ngủ trên nóc chòi, ngắm trăng sáng, ban đêm mà nóng đến độ áo dính xát người như chiếc lá ướt dính trên cửa kính. Nàng thèm những buổi trưa mùa đông ngồi đọc sách bên ông giáo già Mullah Faizullah trong căn chòi, nhớ tiếng những sợi băng trên cây rơi lộp độp xuống mái nhà, nhớ tiếng quạ kêu khan trên những cành cây trĩu tuyết.

Ở nhà một mình, Mariam không ngừng đi tới đi lui, từ nhà bếp đến phòng khách, hết lên lầu vô phòng mình rồi lại xuống nhà. Cuối cùng nàng lại trở lên phòng, đọc kinh hay ngồi trên giường, vừa nhớ mẹ vừa cảm thấy buồn nôn và nhớ nhà quá đỗi.

Mặt trời càng ngả về tây thì sự lo sợ của nàng càng tăng. Hai hàm răng của nàng đánh bò cạp khi nàng nghĩ đến ban đêm là lúc Rasheed có thể quyết định làm cái điều ấy với nàng, cái điều những người chồng làm với vợ. Nàng nằm trên giường, thần kinh căng thẳng tột cùng, trong khi dưới nhà Rasheed ngồi ăn một mình.

Anh ta luôn luôn ghé qua phòng nàng, thò đầu vô.

“Ngủ gì sớm vậy, mới có 7 giờ mà. Còn thức không? Trả lời đi chứ.”

Anh ta thúc giục cho đến khi, từ trong bóng tối, tiếng nàng vang lên, “Tôi ở đây.”

Anh ta ngồi thụp xuống nơi cửa phòng. Nằm trên giường, nàng có thể nhìn thấy tấm thân to lớn với đôi chân dài của anh, khói thuốc bay vòng quanh cái mũi quặp của anh và đầu điếu thuốc lá rực đỏ lên từng hồi. Anh ta kể cho nàng nghe hôm nay anh làm gì. Ðóng một đôi giày mang trong nhà theo đúng kích thước cho ngài phó bộ trưởng ngoại giao, Rasheed nói ông này chỉ mua giầy ở tiệm anh mà thôi. Nhận đơn đặt giầy xăng-đan cho một nhà ngoại giao Ba Lan và vợ của ông. Anh kể cho nàng nghe có nhiều người tin dị đoan rằng để giầy lên giường là mời thần chết vô nhà, còn nếu mang chiếc giầy bên trái vô trước thì sẽ có cãi vã.

“Trừ khi vô tình làm điều đó vào ngày thứ sáu,” anh bảo. “Và em có biết nếu cột giầy với nhau rồi đem treo lên một cái đinh, thì đó là một điềm xấu không?” Bản thân Rasheed không tin những điều này. Theo anh nghĩ, đàn bà thường hay bận tâm những điều mê tín dị đoan.

Anh kể cho nàng nghe những điều anh nghe thấy ở bên ngoài, như vụ ông tổng thống Mỹ Richard Nixon đã từ chức vì một vụ xì căn đan. Mariam chưa bao giờ nghe nói đến Nixon hay cái vụ bê bối khiến ông phải từ chức, cho nên nàng không trả lời gì hết. Nàng thấp thỏm chờ đợi Rasheed nói xong, dập tắt điếu thuốc và rời khỏi phòng. Chỉ khi nghe tiếng chân của anh ta đi khỏi hành lang, rồi tiếng cửa phòng của anh mở ra và đóng lại, bụng nàng mới nhẹ nhõm.

Rồi một đêm, dập tắt điếu thuốc lá xong, thay vì chúc nàng ngủ ngon, anh đứng tựa cửa phòng nàng.

“Bao giờ em mới dọn đồ ra hả?” anh vừa nói vừa hất hàm về phía chiếc va-li của nàng. Rồi anh khoanh tay lại. “Tôi biết em cần ít lâu, nhưng mà vô lý quá. Ðã một tuần rồi, mà … Thôi nhé, kể từ sáng ngày mai, tôi muốn em phải bắt đầu hành xử như một người vợ. Hiểu chưa?”

Hai hàm răng của Mariam bắt đầu đánh bò cạp.

“Tôi muốn một tiếng trả lời.”

“Dạ.”

“Tốt,” anh ta nói. ”Em nghĩ sao chứ? Tưởng đây là cái khách sạn hả? Còn tôi là quản lý khách sạn à? Nói cho em biết,… ố ô. Tôi nói sao về cái vụ khóc lóc hả Mariam? Tôi nói như thế nào về vụ khóc lóc hả?”

***

Sáng hôm sau, sau khi Rasheed đi làm, Mariam dọn quần áo trong va-li bỏ vô tủ. Nàng kéo một thùng nước giếng rồi dùng miếng giẻ nàng lau cửa sổ phòng nàng và phòng khách dưới nhà. Nàng quét nhà, quơ màng nhện ở mấy góc trần nhà. Nàng mở hết cửa sổ để thoáng khí nhà.

Nàng bỏ ba chén đậu lăng khô vô một cái nồi để ngâm nước, nàng kiếm thấy con dao và gọt vài củ cà rốt và hai củ khoai tây, rồi ngâm đóNàng đi kiếm bột và tìm thấy được ở tuốt trong cùng một cái tủ, dấu sau một hàng hủ lọ bẩn thỉu đựng gia vị. Nàng nhồi một cục bột tươi theo cách bà Nana đã dạy, tức là nhồi bột bằng cả bàn tay, gấp phía ngoài vô, lật lại, rồi lại nhồi đẩy ra. Một khi đã rắc bột khô xong, nàng gói cục bột lại trong một miếng vải ẩm, rồi nàng đội khăn trùm đầu và đi ra chỗ lò nướng tập thể.

Rasheed đã nói cho nàng biết nó ở đâu, về phía cuối đường, quẹo trái rồi quẹo phải liền, tuy nhiên Mariam chỉ việc đi theo dòng người, gồm đàn bà và trẻ con, cũng đi về hướng đó. Nàng thấy trẻ con chạy theo sau hay chạy trước các bà mẹ, đứa nào cũng mặc áo vá chằn vá đụp, quần thì cái quá to, cái quá nhỏ, dép rách quai tả tơi. Chúng chơi đánh bánh xe đạp cũ bằng gậy gỗ.

Các bà mẹ đi từng nhóm ba, bốn người, có người đội khăn trùm đầu, có người không. Mariam nghe họ cười nói với nhau. Nàng cúi mặt bước đi, tai loáng thoáng bắt được những mẩu chuyện đùa cợt của họ, chuyện nào cũng có dính líu tới con đau ốm hay chồng lười biếng hoặc vô ơn.

Làm như những bữa ăn tự nó nấu lấy vậy.
Trời đất ơi, không hề có một phút nghỉ ngơi!
Rồi ổng nói với tôi, thật đó, tôi dám thề, ổng nói với tôi như vầy nè…

Họ không ngừng trò chuyện với nhau, bằng giọng than thở nhưng lạ sao lại nghe như có chiều vui vẻ, câu chuyện qua lại, lên xuống từ đường này quẹo qua đường khác, tiếp diễn cả lúc xếp hàng ở chỗ lò nướng. Mấy ông chồng cờ bạc, mấy ông chồng thương mẹ quá xá nhưng lại không chịu chi một đồng cho vợ. Mariam tự hỏi sao lại có nhiều người đàn bà phải chịu chung một số phận may mắn nhưng đau khổ như thế, sao tất cả đều lấy phải những người chồng đáng sợ như thế nhỉ? Hay đó chỉ là một trò chơi trong bổn phận của người vợ, một nghi thức thường nhật, như ngâm gạo hay nhồi bột? Họ có chờ đợi nàng sớm tham gia vào trò chơi này không nhỉ?

Ðứng xếp hàng chờ lò, Mariam bắt gặp những cái liếc mắt nhìn nàng và nghe những tiếng xì xầm. Hai bàn tay nàng bắt đầu đổ mồ hôi. Nàng tưởng tượng mọi người đều biết nàng là một đứa con hoang, là sự xấu hổ cho cha nàng và cho cả gia đình, là nàng đã phản bội mẹ và tự làm nhục mình.

Dùng một góc khăn trùm đầu, nàng chặm mồ hôi ở môi trên và cố giữ bình tĩnh. Mọi sự ổn được vài phút. Rồi có người nào đó vỗ vỗ vai nàng. Mariam quay lại và trông thấy một người đàn bà mập mạp, da trắng, cũng đội khăn trùm đầu như nàng. Bà ta có mái tóc đen ngắn với gương mặt vui và tròn trịa. Môi bà đầy đặn hơn môi của Mariam nhiều, môi dưới hơi trề, như thể bị cái nút ruồi to đen ở ngay dưới môi trì kéo xuống. Ðôi mắt sáng màu xanh lục của bà nhìn nàng với vẻ thân thiện.

“Cô là vợ mới của ông Rasheed phải không?” Bà hỏi, miệng cười toe. ”Người quê ở Herat đó hả. Cô trẻ quá chừng! Tên Mariam, đúng không? Tôi tên Fariba. Tôi ở cùng đường với cô, cách nhà cô năm căn bên trái, cái nhà cửa màu xanh lục đó. Còn đây là thằng Noor, con tôi.”

Thằng bé trai bên cạnh bà có gương mặt đều đặn, tươi và tóc quăn giống mẹ. Trên dái tai trái của nó có một nhúm lông đen. Mắt nó lấp lánh ánh tinh nghịch và liều lĩnh. Nó giơ tay  chào nàng.

“Cháu Noor mười tuổi. Tôi còn thằng con lớn nữa, tên Ahmad.”

“Ảnh mười ba,” Noor nói.

“Gần mười bốn rồi,” bà Fariba cười nói. “Chồng tôi tên Hakim, là thầy giáo dạy học ở đây, ở Deh-Mazang. Bữa nào cô ghé chơi, uống nước.”

Rồi đột nhiên, như thể dạn dĩ hơn, mấy người phụ nữ kia vượt qua bà Fariba để tiến đến bu quanh Mariam trong chớp nhoáng.

“Thì ra cô là người vợ trẻ của ông Rasheed -”

“Cô có thích Kabul không?”

“Tôi có đến Herat rồi. Tôi có người anh bà con ở đó.”

“Cô muốn con trai hay con gái đầu lòng?”

“Mấy tháp giáo đường ở đó đẹp tuyệt! Thật là một thành phố tuyệt vời.”

“Con trai hay hơn, cô Mariam ơi, vì có người nối dõi tông đường.”

“Thôi đi, con trai lấy vợ rồi đi mất tiêu. Con gái mới ở lại lo cho mình lúc mình già.”

“Tụi tôi có nghe nói cô sắp đến.”

“Sanh đôi đi. Một trai một gái! Là vừa lòng mọi người.”

Mariam thụt lùi lại. Nàng thở hổn hển, tai bỗng ù, mạch chao động, mắt đảo nhìn từ khuôn mặt này qua khuôn mặt khác. Nàng lại thụt lùi nhưng không sao thoát ra được bởi nàng đang đứng ở ngay trung tâm vòng tròn. Nàng đưa mắt tìm và thấy bà Fariba đang đứng chau mày vì thấy nàng đang bị kẹt.

“Ðể cô ấy yên!” bà nói. “Tránh ra đi, để cô ấy yên! Mấy bà làm cô ấy sợ!”

Mariam ôm sát cục bột vô người và cố thoát ra khỏi đám đông đang vây quanh.

“Cô đi đâu vậy?”

Xô mãi một lúc thì nàng thoát ra được để chạy ra đường. Mãi đến khi chạy đến ngã tư, nàng mới nhận ra mình đã chạy sai đường. Nàng quay đầu chạy ngược lại, và cứ thế nàng cấm đầu chạy, một lần vấp ngã rách cả đầu gối nhưng lại đứng lên chạy tiếp, thoát khỏi đám phụ nữ.

“Cô sao thế.”

“Cô bị chảy máu kìa!”

Mariam quẹo vô một con đường, rồi một đường nữa. Nàng đã tìm ra đúng con đường nhưng rồi bỗng nhiên không nhớ được căn nhà nào là nhà của Rasheed. Nàng chạy tới chạy lui, hổn hển, mếu máo, nàng bắt đầu mở cửa cầu may. Có cửa khóa, có cửa mở được nhưng nàng nhìn thấy cái sân lạ hoắc, mấy con chó sủa lên và đám gà giật mình chạy tán loạn. Nàng hình dung Rasheed đi làm về và bắt gặp nàng đang đi kiếm nhà như thế này, đầu gối thì chảy máu và đi lạc ngay trên con đường nhà mình. Và nàng bắt đầu khóc. Nàng đẩy hết các cửa, cuống cuồng lâm râm cầu nguyện, nước mắt ràn rụa, cho đến khi một cánh cửa chịu mở ra và nàng nhẹ nhõm nhìn thấy cái nhà ngang, cái giếng nước và chỗ cất dụng cụ có mái che phía trên. Nàng đóng sầm cửa lại và cài then. Lúc đó nàng mới quỵ xuống, bò đến bên góc tường và nôn mửa. Xong, nàng bò đến ngồi thẳng cẳng dựa vô tường. Chưa bao giờ nàng cảm thấy cô đơn như thế.

***

Tối hôm đó khi Rasheed về đến nhà, anh đem theo một cái túi giấy màu nâu. Mariam thất vọng vì anh không hề để ý thấy cửa sổ đã được lau sạch, sàn nhà đã quét và màng nhện đã biến mất. Tuy nhiên anh tỏ vẻ hài lòng vì nàng đã dọn bữa ăn tối của anh trên cái khăn trải trên nền nhà trong phòng khách.

“Tôi làm món đậu lăng hầm,” Mariam bảo.

“Tốt, tôi đói lắm rồi.”

Nàng chế nước trong bình ra cho anh rửa tay. Trong khi anh lau tay, Mariam đem đến đặt trước mặt anh một chén đậu hầm bốc khói và một dĩa cơm trắng. Ðây là bữa cơm đầu tiên nàng nấu cho anh ăn, và nàng ước phải chi lúc nấu đầu óc nàng tỉnh táo hơn một chút. Thật thế, lúc nấu cơm, người nàng vẫn còn run rẩy, cũng như nguyên cả ngày nàng đã lo không biết món đậu hầm mình làm đặc lỏng ra sao, màu sắc có đẹp không, có nhiều gừng hay ít nghệ quá hay không.

Rasheed nhúng muỗng vô chén đậu hầm. Mariam hơi chao đảo. Lỡ anh thất vọng hay giận lên thì sao? Lỡ anh đẩy mâm cơm ra với vẻ không hài lòng thì sao?

“Coi chừng nóng,” cố gắng lắm nàng mới nói được.

Anh ta chúm môi thổi, rồi đưa vô miệng.

“Ðược đấy,” anh ta nói. “Hơi lạt nhưng được lắm. Có lẽ còn ngon nữa đó.”

Nhẹ nhõm, nàng tiếp tục theo dõi anh ta ăn. Nàng không thể không cảm thấy chút tự hào. Nàng đã làm tốt, hơn cả tốt nữa. Và điều này, sự háo hức trước một lời khen nhỏ của anh, làm nàng ngạc nhiên. Nàng tạm quên phần nào sự việc kém vui đã xảy ra buổi đầu ngày.

“Mai thứ sáu,” Rasheed nói. “Em thấy sao nếu tôi dẫn em đi chơi một vòng cho biết?”

“Một vòng Kabul hả?”

“Không, Calcutta.”

Mariam chớp mắt.

“Ðùa thôi. Dĩ nhiên là Kabul chứ còn đâu nữa.” Anh ta thò tay vô túi giấy nâu. “Nhưng trước hết, có một điều tôi phải nói cho em biết.” Anh ta lôi ra một cái khăn trùm đầu màu xanh da trời. Mấy thước vải nằm xếp trong bao, giờ tuôn ra dài tới đầu gối của anh khi anh cầm đưa lên. Anh quấn tròn lại và đưa mắt nhìn Mariam.

“Tôi có nhiều khách hàng, có nhiều ông đưa vợ đến tiệm tôi. Những người đàn bà này không đội khăn che mặt gì cả, họ nói chuyện trực tiếp với tôi, họ nhìn thẳng mặt tôi mà không xấu hổ. Họ trang điểm son phấn và mặc váy đưa cả đầu gối ra. Thậm chí đôi khi họ còn đưa cả bàn chân ra trước mặt tôi, để tôi đo giầy cho họ, họ làm như vậy đó và mấy ông chồng cứ đứng đó mà xem.

Họ để cho vợ họ làm như thế. Họ chẳng quan tâm gì đến chuyện có người lạ sờ bàn chân trần của vợ mình! Họ cho rằng họ là những người hiện đại, những người trí thức bởi vì họ có ăn học. Họ không thấy rằng họ đã làm tổn hại đến danh dự và lòng tự hào của họ.”

Anh ta lắc đầu.

“Phần lớn những người này, họ sống ở khu nhà giàu Kabul. Tôi sẽ dẫn em tới đó. Em sẽ thấy. Nhưng ở đây, ngay tại khu vực này cũng có những người như vậy, những người đàn ông yếu đuối. Có một người thầy giáo nhà ở phía dưới kia, anh ta tên là Hakim, tôi thấy vợ anh ta là Fariba luôn luôn đi ngoài đường một mình, đầu chẳng đội gì ngoài một chiếc khăn choàng. Nói thật, thấy một người đàn ông không kiểm soát được vợ như thế làm tôi cảm thấy ngượng hết sức.”

Anh trừng mắt nhìn Mariam.

“Nhưng tôi là loại người đàn ông khác. Ở quê tôi, chỉ một cái nhìn không đúng đắn, một chữ bậy bạ, là có đổ máu. Ở quê tôi, gương mặt của người đàn bà là của riêng người chồng. Tôi muốn em ghi nhớ điều đó. Em có hiểu không?”
Mariam gật đầu. Khi anh đưa cái túi cho nàng, nàng cầm lấy.

Niềm vui trước đó, được anh khen nấu ăn ngon, đã tan biến mất. Thay vào đó là cảm giác như bị co rút lại. Ý muốn của người đàn ông này khiến nàng cảm thấy như bị áp đặt mà không thoát ra được, chẳng khác nào làng Gul Daman bị những ngọn núi Safid-koh đè phủ.

Rasheed trao cái túi cho nàng. “Mình thỏa thuận với nhau như vậy rồi nhé. Rồi, bây giờ cho tôi thêm chút đậu hầm nữa đi.”

Chương 11

Mariam chưa bao giờ đội khăn trùm đầu. Rasheed phải phụ nàng đội lên. Phần nón, có đệm phía trong, nặng và bóp chặt quanh sọ đầu của nàng. Thật là lạ khi phải nhìn thế giới qua một tấm màn lưới. Nàng tập đội khăn đi vòng vòng trong phòng nhưng cứ dẫm lên gấu khăn và vấp ngã hoài. Nàng mất đi tầm nhìn rộng chung quanh và rất khó chịu bởi các nếp khăn cứ bám rít vào miệng làm nàng ngột ngạt.

“Từ từ rồi sẽ quen,” Rasheed bảo. “Lâu ngày rồi, tôi dám cá, em còn thích nữa đó.”

Hai người đón xe buýt đi đến một nơi Rasheed gọi là công viên Shar-e-Nau, nơi đó trẻ con chơi đẩy đu và bóng chuyền đánh qua những tấm lưới rách mắc trên thân cây. Họ cùng đi dạo xem mấy đứa nhỏ thả diều. Mariam đi bên cạnh Rasheed, lâu lâu lại vấp gấu khăn trùm đầu khiến nàng loạng choạng muốn ngã.

Buổi trưa, Rasheed dẫn nàng đi ăn ở một tiệm nhỏ bán thịt nướng gần giáo đường Hồi mà anh gọi là Haji Yaghoub. Trong tiệm ăn, sàn nhà nhớp nhúa và không khí ngợp khói. Vách tường thoang thoảng mùi thịt sống, còn nhạc, mà Rasheed giải thích là nhạc logari, thì mở rất to. Ðầu bếp là mấy tên con trai ốm nhom, một tay chúng quạt những xâu thịt, tay kia đạp muỗi. Mariam chưa bao giờ bước chân vô một quán ăn nên thoạt tiên nàng cảm thấy rất kỳ dị khi phải ngồi trong một căn phòng đầy ắp người lạ và phải vén khăn trùm đầu lên để đưa từng muỗng thức ăn vô miệng. Một thoáng sợ hãi, giống như cái hôm ở chỗ lò nướng tập thể, làm bụng nàng thắt lại. Tuy nhiên sự hiện diện của Rasheed khiến nàng thấy an tâm phần nào, và sau một lúc, nàng không còn bận tâm nhiều về tiếng nhạc, khói thuốc và cả những người trong tiệm ăn nữa. Còn cái khăn trùm đầu, nàng ngạc nhiên nhận thấy nó cũng làm cho nàng thoải mái. Nó như cái cửa sổ một chiều. Núp trong đó, nàng là một kẻ quan sát, tránh khỏi cái nhìn xoi mói của người lạ. Nàng không còn phải lo lắng người ta nhìn nàng và biết hết những bí mật đáng hổ thẹn trong quá khứ của nàng.

Trên đường phố, Rasheed kể tên nhiều tòa nhà quan trọng; đây là Tòa đại sứ Mỹ, anh ta bảo, kia là Bộ Ngoại Giao. Anh ta chỉ những chiếc xe, nói xe hiệu gì và làm ở đâu: xe Volga của Liên Xô, Chevrolet của Mỹ, Opel của Ðức.

“Em thích xe nào nhất?” anh ta hỏi.

Mariam ngập ngừng rồi chỉ một chiếc xe Volga, và Rasheed bật cười.

Thành phố Kabul đông đúc hơn Herat nhiều, mà Herat thì Mariam chỉ biết có chút xíu. Ít cây xanh và ít xe ngựa hơn, nhưng nhiều xe hơi, nhà cao hơn, nhiều đèn lưu thông và nhiều  đường trải nhựa hơn. Và đâu đâu nàng cũng nghe những tiếng địa phương mới lạ với nàng: “Thân mến” thì nói là jan thay vì jo, “chị” là hamshira thay vì hamshireh, v.v…   

Gặp một người bán dạo, Rasheed mua kem cho nàng ăn. Ðó là lần đầu tiên Mariam được ăn kem. Thật không thể tưởng tượng có cái ngon như thế. Nàng ngấu nghiến ăn hết một ly, từ hột hổ trăn (pistache) giã nhuyễn phía trên, đến những cọng bún nhỏ rí ở đáy ly. Nàng say sưa thưởng thức chất kem mịn ngọt đáng mê này.

Họ đi tiếp đến một chỗ tên là Kocheh-Morgha, đường Con Gà. Ðó là một khu chợ nhà lồng chật hẹp, đông đúc, trong một khu phố mà Rasheed nói ngày trước là một trong những khu sung túc của Kabul.

“Chung quanh đây là nhà của những người ngoại quốc làm trong ngành ngoại giao, những thương gia giàu có, gia đình hoàng tộc - những người trong giới đó. Không phải những người như em và tôi.”

“Chẳng thấy con gà nào hết,” Mariam nói.

“Cái đó thì không tìm thấy trên đường Con Gà đâu.” Rasheed cười nói.

Hai bên đường là cửa tiệm và những sạp nhỏ bán nón da cừu và áo choàng đủ màu. Rasheed dừng lại ở một cửa hàng để xem một con dao chạm bạc, và ở một tiệm khác để xem một khẩu súng cũ mà người chủ tiệm cam đoan là một di tích từ cuộc chiến đầu tiên chống người Anh. “Còn tôi là Moshe Dayan,” Rasheed cười khẩy và lẩm bẩm, và Mariam có cảm tưởng cái cười khẩy này chỉ riêng cho nàng hiểu. Một nụ cười riêng tư của hai kẻ đã lấy nhau.

Họ tản bộ qua các tiệm bán thảm, cửa hàng thủ công mỹ nghệ, tiệm bánh, tiệm hoa, và tiệm bán quần áo nam nữ, nơi Mariam nhìn thấy sau những tấm màn ren có những cô gái trẻ ngồi đơm nút áo và ủi cổ áo. Lâu lâu Rasheed chào hỏi một người chủ tiệm quen biết, khi thì bằng tiếng Farsi, khi thì bằng tiếng Pashto. Lúc hai người bắt tay và hôn má nhau thì Mariam đứng cách đó vài bước. Rasheed không hề vẫy nàng đến để giới thiệu.

Anh ta bảo nàng chờ bên ngoài một cửa hàng thêu. “Tôi quen chủ tiệm,” anh nói. “Tôi vô chút xíu thôi, để chào một tiếng.”

Mariam đứng ngoài chờ trên vỉa hè đông đúc. Nàng nhìn xe cộ chậm chạp lăn bánh trên đường Con Gà, xuyên qua đám đông người bán hàng rong và người đi bộ, còi xe nhấn liên tục vì lũ trẻ và bầy lừa không chịu nhúc nhích. Nàng quan sát những thương gia vẻ mặt chán chường đứng trong sạp hàng nhỏ xíu của họ. Họ hút thuốc hoặc nhổ vô những ống nhổ bằng đồng, lâu lâu họ chường mặt ra ngoài sáng để rao bán vải hay áo choàng cổ lông cho khách qua lại.

Tuy nhiên những người làm Mariam chú ý nhiều nhất chính là đàn bà. Ðàn bà ở khu này khác với đàn bà ở những khu nghèo, như khu nàng và Rasheed ở, nơi mà nhiều phụ nữ che kín hoàn toàn thân thể của họ. Những phụ nữ này – Rasheed dùng từ gì nhỉ? – “hiện đại.” Vâng, đó là những người đàn bà A Phú Hãn hiện đại kết hôn với những người đàn ông A Phú Hãn hiện đại không hề quan tâm đến việc vợ họ đi lại giữa những người xa lạ mà mặt mày trang điểm son phấn và đầu chẳng che đội gì cả. Mariam thấy họ rảo bước trên đường phố, đôi lúc với một người đàn ông, đôi lúc một mình, và đôi lúc với những đứa trẻ má ửng hồng. Chúng mang giầy bóng loáng và đeo đồng hồ dây da, chúng dẫn xe đạp có ghi đông cao và căm màu vàng, không giống bọn trẻ con ở khu Deh-Mazang nàng ở má đầy sẹo và chơi đánh vòng bằng vỏ xe đạp cũ.

Những phụ nữ này ai cũng xách bóp đầm nhỏng nhảnh và mặc váy đầm sột soạt. Mariam còn bắt gặp một người vừa hút thuốc vừa lái xe. Họ để móng tay dài và sơn màu hồng hay màu cam, môi họ đỏ như hoa tu-líp. Họ mang giầy cao gót và đi rất nhanh, như thể lúc nào họ cũng có việc gấp.

Họ đeo kính mát đậm màu và khi họ đi lướt qua, Mariam thoáng ngửi thấy mùi nước hoa. Nàng tưởng tượng họ đều có bằng cấp đại học, đều làm việc văn phòng trong các tòa cao ốc, họ có bàn làm việc riêng, họ đánh máy, hút thuốc và gọi điện thoại đến những người quan trọng. Những người phụ nữ này thật huyền hoặc đối với nàng. Họ khiến nàng nhận thức sự thấp hèn và nhan sắc tầm thường của mình, cũng như sự thiếu khát vọng và thiếu hiểu biết của chính mình.

Rồi Rasheed chạm nhẹ lên vai nàng và đưa cho nàng vật gì đó.

“Này.” Ðó là một chiếc khăn choàng bằng lụa màu nâu đậm với tua kết cườm và đường viền thêu bằng chỉ vàng.
“Em thích không?”

Mariam ngước lên. Lúc đó Rasheed làm một điều khá cảm động. Anh chớp mắt và nhìn đi nơi khác.

Mariam chợt nghĩ đến ông Jalil, đến cái cách mạnh mẽ đầy áp lực và vui mừng quá lố của ông mỗi khi ông tặng nàng nữ trang, khiến nàng không thể có phản ứng nào khác hơn là thuần phục và biết ơn ông. Má nàng đã nhận xét đúng về những món quà của ông Jalil. Chúng chỉ là bằng chứng của sự sám hối không thực lòng, là những cử chỉ không thành thật chỉ nhằm mua chuộc nàng và xoa dịu lương tâm ông ta mà thôi. Còn chiếc khăn quàng cổ này, nàng thấy mới là một món quà thật sự.

“Ðẹp lắm,” nàng bảo.    

Ðêm hôm đó, Rasheed lại tới phòng nàng. Tuy nhiên thay vì đứng nơi ngưỡng cửa hút thuốc như mọi khi, anh ta bước vô phòng và đến ngồi bên cạnh nàng lúc nàng đang nằm trên giường. Vạt giường kêu cót két nghiêng về phía anh.

Một thoáng do dự, và rồi bàn tay anh ta đặt lên cổ nàng, mấy ngón tay to dày của anh ta chầm chậm bấm những đốt xương phía sau cổ nàng. Ngón tay cái tuột dần xuống và bây giờ vuốt ve cái lỗ hõm trên xương cổ của nàng, rồi da thịt trên ngực. Mariam bắt đầu rùng mình. Bàn tay anh ta tiếp tục lần xuống thấp, thấp hơn nữa, đến khi móng tay của anh vướng vô sợi vải áo nàng.

“Ðừng,” giọng nàng nặng khàn. Trong ánh trăng sáng, nàng thấy dáng người vạm vỡ của anh ta, vai dày, ngực rộng và những nhúm lông bạc thò ra từ cổ áo mở. Bàn tay anh ta bây giờ đã mò xuống tới ngực bên phải của nàng, bóp thật mạnh qua lớp áo. Nàng nghe anh ta thở thật sâu bằng mũi. Anh chui vô nằm cạnh nàng. Nàng biết tay anh ta đang mở giây nịt của anh, rồi sau đó kéo giây quần của nàng.

Nàng bấu chặt hai tay vô tấm mền. Anh ta nằm lên người nàng và loay hoay tìm thế. Mariam bật lên tiếng rên, nhắm mắt lại và nghiến chặt hai hàm răng. Cơn đau đến đột ngột và đầy kinh ngạc. Ðôi mắt nàng bật mở trừng. Nàng phải hóp hơi qua hai hàm răng và cắn răng vô khớp ngón tay cái của nàng. Nàng quơ cánh tay kia choàng qua lưng Rasheed, mấy ngón tay nàng cắm sâu vô áo anh ta.

Rasheed vùi mặt vô gối của nàng trong khi Mariam mắt trừng trừng nhìn lên trần nhà phía sau lưng anh. Nàng run rẩy, môi mím chặt, mà cảm thấy hơi thở nóng hổi của anh ta trên bờ vai nàng. Bầu không khí giữa hai người đẫm mùi thuốc lá, mùi củ hành và mùi thịt trừu nướng họ vừa ăn tối nay. Lâu lâu, tai anh cọ vô má nàng làm ran rát, nên nàng biết anh đã cạo lông tai.

Xong việc rồi, anh lăn khỏi người nàng, thở hổn hển. Anh nằm gắt tay lên trán. Trong bóng tối nàng nhìn thấy hai cây kim màu xanh dương của chiếc đồng hồ anh đeo. Hai người nằm như thế một lúc lâu, mặt ngửa lên, nhưng chẳng nhìn nhau.

“Không có gì phải xấu hổ việc này, Mariam à,” anh nói hơi làu bàu. “Ðây là việc người ta làm khi ngưòi ta lấy nhau. Ðây là việc Ðại Tiên Tri Mo-ha-mét đã làm với các bà vợ của ngài. Chẳng có gì phải xấu hổ cả.”  

Một lát sau, anh đẩy mền ra và rời khỏi phòng, bỏ lại dấu vết đầu anh in trên gối, mặc nàng nằm đó chờ cơn đau dịu xuống ở phần dưới thân thể, lặng lẽ nhìn những vì sao lạnh lẽo trên trời cùng với đám mây, khác chi chiếc khăn voan che mặt trong ngày cưới, đang che khuất ánh trăng.

(còn tiếp)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2017