XUÂN ĐINH DẬU - SỐ 73 - THÁNG 1 NĂM 2017

Ngọc Trong Tim với những nghệ sĩ khuyết tật

Phạm Lê Huy

Chủ nhật ngày 6/11/2016, rời nhà người bạn, chúng tôi vội chạy đến rạp Saigon Permorming Arts để kịp mua vé xem xuất hát lúc 3 giờ chiều của nhóm Ngọc Trong Tim. Đến nơi thì đã 2 giờ. Bên ngoài rạp vẫn còn thưa thớt người qua lại. Bà xã tôi chép miệng : “Tội nghiệp, vắng vẻ vậy sao !?” - “3 giờ mới mở màn mà, khán giả sẽ đến thôi” - Tôi trấn an.

Tôi thấy nghệ sĩ Thành Lễ - người “quán xuyến” của nhóm Ngọc Trong Tim - với vẻ lo âu trên gương mặt, sốt ruột đi lui đi tới từ trong rạp đến quày vé.

Chúng tôi mua vé, cô bán vé miệng luôn tươi cười, cám ơn rối rít. Trang trong của tờ flyer tôi đọc được : “Ngọc Trong Tim - Pearl of Heart - thành lập từ 09/09/2009, Ngọc Trong Tim là cầu nối giữa Cho Và Nhận, trong đó đặc biệt tạo điều kiện cho các tài năng trong và ngoài nước Việt có cơ hội tỏa sáng khắp nơi. Nhờ sự tin tưởng, yêu thương và hổ trợ từ nhiều nhà báo hảo tâm, hai năm qua, Ngọc Trong Tim vẫn tiếp tục mục đích của mình… ”.

Tuy biết nhóm này từ mấy năm trước - những năm nhóm còn phôi thai mà mỗi lần trình diễn họ chỉ thuê mướn hội trường của các trường học quanh Little Saigon - vậy mà khi đọc những dòng giới thiệu này tôi không khỏi chạnh lòng khi nhớ đến những sinh hoạt đầy thương cảm của họ. Hơn nữa, nghệ sĩ Thành Lễ thì chẳng xa lạ gì với tôi, có dạo anh ấy và tôi cùng học trường Redondo Beach Beauty College. Vài năm sau, anh trở thành nghệ sĩ tạp kỹ trẻ và nổi tiếng. Bây giờ thì anh là trưởng nhóm này.

- Thành Lễ… Bận lắm phải không ?
- Dạ… Bận lắm anh !
- Mình chụp một pose hình kỷ niệm đi !

Nói là bận, nhưng Thành Lễ vẫn vui vẻ chụp với tôi một pose hình selfie. Thế đấy, con người Thành Lễ lúc nào cũng cởi mở, dễ thương.

* * *

Đến giờ mở màn khán giả lần lượt đến càng lúc càng đông. Đảo mắt nhìn quanh chúng tôi thấy rạp đã đầy khán giả. Thế mới biết tấm lòng của khán giả dành cho các nghệ sĩ khuyết tật bao la và sâu đậm biết dường nào.

Trong khi trình diễn Thành Lễ nói : “Quý vị thấy đó, sân khấu của Ngọc Trong Tim sơ sài quá. Chỉ là tấm phông trắng để chiếu slideshow với ban nhạc vỏn vẹn bốn nhạc sĩ. Nhưng các anh chị em sẽ trình diễn hết lòng với quý vị…”.

Có trực tiếp xem họ - những nghệ sĩ khuyết tật - trình diễn thì mới thấm hết được ý nghiã của sự Cho Và Nhận giữa khán giả và nghệ sĩ.

Cảm động nhất là mỗi nghệ sĩ ra sân khấu đều có người dìu đi từng bước. Vì họ là những người khiếm thị, thiếu tay thiếu chân, hoặc đi đứng quá khó khăn phải nhờ đến cặp nạng, phải nhờ đến xe lăn tay… Mà lạ, tôi thấy trên gương mặt họ vẫn tràn đầy sức sống và yêu đời. Họ yêu cuộc đời này lắm. Họ đã vượt lên trên thân phận mình, vượt qua nghịch cảnh mình để đứng vững - đứng vững một cách rất bản lãnh - trong xã hội này.

Chúng tôi thật sự xúc động qua từng tiết mục trình diễn của họ. Và khán giả đã tuyệt đối im lặng nghe họ tâm sự qua lời ca tiếng nhạc. Những lần đi nghe các chương trình ca nhạc khác tôi chưa thấy có không khí nào im lặng một cách trang trọng, thương quí như thế này.

Ca sĩ khiếm thị Hà Văn Đông với chất giọng trầm buồn đã làm trái tim khán giả rung động qua nhạc phẩm Trái Tim Bụi Đời : “Những giấc mơ xa với tầm tay / Rồi từng ngày lang thang không ai / Trên đôi vai mang những cuộc tình / Chỉ còn lại nơi đây trong tôi trái tim bụi đời… ”.

Hà Văn Đông lại song ca với Carol Kim nhạc phẩm 60 Năm Cuộc Đời với tiết điệu vừa phải, không nhanh quá nhưng vẫn không kém phần sôi động.

Ban tam ca Đoàn Phi - Phương Anh Tuấn - Tuấn Kiệt trình bày một liên khúc gồm ba nhạc phẩm thật vui tươi; trong đó có bài Nếu Chỉ Còn Một Ngày Để Sống : “Nếu chỉ còn một ngày để sống, làm sao ta trả ơn cuộc đời / Làm sao ta đền đáp bao người, nâng ta lên qua bước đời chênh vênh… ”. Thương làm sao khi thấy ca sĩ Đoàn Phi (Trung Tâm Asia) dìu Phương Anh Tuấn với đôi chân bại liệt chống nạng ra sân khấu cùng Tuấn Kiệt tự mình khập khiểng từng bước đến trước micro chào khán giả.

Một tràng pháo tay dài chợt bùng lên xuất phát từ nỗi xúc động, lòng ngưỡng mộ và nhiệt tình ca ngợi của khán giả.

Ca sĩ Phương Dung - khi thì chống nạng khi thì đi xe lăn tay - vừa hát hay vừa làm MC thật duyên dáng.

Hay nhất và nhận được nhiều đợt vỗ tay tán thưởng nhất của khán giả là tuồng cải lương ngắn Mê Linh Tụ Nghiã do hai chị em Thanh Hằng và Thanh Hà trình diễn. Thanh Hằng năm nay 38 tuổi, cao 1 m 26, nặng 25 kg; Thanh Hà 28 tuổi, cao 1 m 27, nặng 26 kg. Hai cô diễn hay quá, hay từ giọng hát đến điệu bộ.

Một tiết mục xuất sắc làm cho khán giả rất thán phục là ca sĩ Dương Quyết Thắng với đôi tay bị cụt từ dưới khuỷu tay (trong một tai nạn năm 21 tuổi) mà vẫn vừa hát vừa đàn piano bằng hai cùi tay của mình. Anh trình bày nhạc phẩm Tình Yêu Giesu thật cảm động : “Bàn tay ấy đã cứu chữa bao nhiêu cuộc đời / Người tội lỗi, người khốn khó tật nguyền khổ đau / Bàn tay cứu Phêrô thoát cơn phong ba hôm nào / Vực niềm tin chết đuối giữa biển nguy nan… ”.

Ngoài ca sĩ Carol Kim và Đoàn Phi, chúng tôi cũng thấy có sự góp giọng với tấm lòng đầy tình nhân ái của các ca sĩ Kim Anh, Như Quỳnh, Teresa Mai, Mai Thanh Thúy, Hoàng Lan, Lê Quốc Tuấn, Thành Lễ. Đặc biệt hai designer Tường Khuê và Minh Thái (chỉ còn một tay) đã thực hiện tiết mục Fashion Show thật tao nhã và xinh xắn.

Còn nhiều tiết mục xuất sắc và cảm động khác mà chúng tôi không thể kể hết ra đây được.

Cuối cùng, ca nhạc sĩ khiếm thị Nguyễn Đức Đạt cùng toàn ban trình bày nhạc phẩm Hear My Voice do chính anh sáng tác để cám ơn và chào tạm biệt khán giả. Chúng ta được biết, lâu nay, Nguyễn Đức Đạt cũng là một nhạc sĩ tây ban cầm nổi tiếng.

Theo tôi, đây là một buổi ca nhạc rất đáng xem vì nó đã chinh phục và rung động được trái tim của khán giả. Khán giả không thể nào quên được họ - những nghệ sĩ khuyết tật có thực tài - đã phấn đấu quyết liệt để vươn lên từ thân phận và nghịch cảnh của mình. Đó là những tấm gương phấn đấu rất đáng khâm phục và trân trọng.

So với họ, chúng tôi thấy mình thua kém họ quá xa.

Phạm Lê Huy

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2016