XUÂN ĐINH DẬU - SỐ 73 - THÁNG 1 NĂM 2017

TỪ CHÂN TRỜI ĐẾN ĐỈNH TRỜI

Phạm Hồng Ân

Tôi quen nhà thơ Sông Cửu năm 1997, lúc nữ sĩ Diễm Châu và họa sĩ Vi Vi ra mắt tập thơ VƯỜN THƠ HỘI NGỘ cho 31 thi hữu ở San Diego. Quen, vì tôi và Sông Cửu nằm trong 31 tay than mây khóc gió đó. Quen, cũng vì xã giao, lâu lâu gọi nhau cà phê cà pháo cho đỡ quạnh hiu nơi xứ người. Còn chuyện thơ văn xin gác lại một bên, hơi sức đâu mà phân chia công hầu khanh tướng giữa lúc chữ nghĩa văn chương rẻ mạt thua bèo. Nhưng, khi quyển VƯỜN THƠ HỘI NGỘ được trao tận tay mỗi người, tình cờ bài thơ ĐẤT của Sông Cửu đập vào tâm thức tôi. Rồi, tự nhiên... những năm tháng gông cùm trong tù hiện ra, những năm tháng lao lung khi mãn tù trồi về. Ôi, ĐẤT, và ĐẤT, và và ĐẤT... Đất với chiếc vá cùn. Với lưỡi dao trụi. Với cây cuốc cuốn mép. Với gốc bằng lăng hai vòng ôm. Với cơn lũ điên cuồng. Với hàng ngàn đêm tối tăm nằm ngủ bên phân người, trên thân chuột, thân vòi, thân ểnh ương, bò cạp... Chưa bao giờ ĐẤT gắn bó với cuộc sống chúng tôi mật thiết như vậy. Mật thiết đến độ muốn lấp vùi xác thân, muốn ôm trọn thân thế chôn sâu xuống ba tấc đất. Nhưng (lại nhưng nữa), ngôn ngữ Sông Cửu đã hồi sinh thế sự, đã giải nạn âm binh, đã hóa thành thơ, biến ĐẤT thành HOA, thành MÔI, thành NỤ SON người con gái. Và chỗ nào có con gái, chỗ đó có TÌNH YÊU, có HY VỌNG, có màu xanh của HẠNH PHÚC.

Quen từ thuở ấy đất ơi
Biết nhau từ giọt mồ hôi ban đầu
Oằn vai vác đá qua cầu
Trợt chân vấp ngã gối đầu bùn non
Em nhìn môi mỉm nụ son...

(trích thơ ĐẤT của Sông Cửu, trại giam K20 - 1977)

Tôi thích thơ Sông Cửu vì ngôn ngữ của ông thấp thoáng có bóng dáng của màu xanh hạnh phúc. Ông yêu thế gian và yêu cả nỗi khổ của nhân gian. Từ HẠT NẮNG long lanh tình thương mà ông ra mắt cách đây chưa đầy một năm. Hôm nay, ông lại gởi đến tôi tập CHÂN TRỜI cũng tràn ngập yêu thương, cũng đầy màu xanh hy vọng của TRỜI, của ĐẤT.

Trong buổi cà phê ở Starbuck khu Fairmount, tôi có gợi ý cho ông nói về CHÂN TRỜI. Tôi đã bộc bạch nỗi riêng khi cho câu thơ thời trước của ông thi sĩ Tàu (quên tên) nào đó là vô lý. Ông thi sĩ Tàu đã viết, thiên nhai hải giác hữu cùng thì / duy chỉ tương tư vô tận xứ. Đại ý nói, chân trời góc biển còn có thể đi tới, duy chỉ tương tư là vô bến bờ. Dưới mắt thường, chân trời là nơi tiếp giáp giữa TRỜI và ĐẤT. Nhưng thực tế, đó chỉ là ảnh ảo. Giữa TRỜI và ĐẤT luôn luôn có khoảng không gian cách ngăn, con người làm sao có thể đi tới được? Tôi biết nhà thơ Sông Cửu không dại dột gì nói đến cái chân trời ảnh ảo này. Ông đã ở tuổi tri-thiên-mệnh. Ông đã đi khắp đất. Ông đã sống với đất. Lao lung, gian truân, công hầu, đày ải, hạnh phúc, khổ đau...với nó trong thân phận làm người. Nói theo triết học một chút, ông hiểu nó một cách cặn kẻ. Hiểu thấu từng thớ thịt, từng mỗi rung động thần bí của đất.

Vị trí của ông bây giờ là điểm đứng chân trời - nơi tận cùng của đất. Từ đây đến đỉnh Trời không xa. Chỉ cần bàn tay cứu vớt của Thượng Đế. Chỉ cần sự phán xét cuối cùng. Con người sẽ phục sinh. Và đỉnh Trời là cõi sống đời đời.

Nhà thơ Sông Cửu, hiện tại, dừng bước giang hồ giữa đường chân trời. Ông dự định tiếp tục cuộc hành trình (với tôi, với các bạn già khác...) đi tới đỉnh Trời. Chúng tôi đang hướng về tương lai. Đang hướng về sự sống đời đời. Những ô nhục hay vinh quang. Những đau khổ hay hạnh phúc. Những nghèo đói hay sang giàu... chỉ là phù du, thuộc quá khứ trần thế. Hãy mạnh dạn vứt bỏ chúng đi như dứt bỏ tội lỗi, dứt bỏ nghiệp dữ.

Hy vọng tập thơ CHÂN TRỜI của nhà thơ Sông Cửu, một phần nào, có bóng dáng và chiều sâu của luồng tư tưởng đó.

PHẠM HỒNG ÂN
(Hiên Thư Các, 11/11/2016)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2017