SỐ 75 - THÁNG 7 NĂM 2017

 

Thiên Đàng Ảo

Sau năm 75 chuyện đi vượt biên xảy ra như cơm bữa, cột đèn đường có chân cũng muốn đi nói gì dân Miền Nam mang tội làm công dân nước VNCH không bị đi tù cải tạo cũng bị hành hạ trấn lột đủ điều.

Từ ngày có chương trình HO, ODP, dân VNCH có anh chị em định cư bên Mỹ được bảo lãnh đi đoàn tụ gia đình sau năm mười năm chờ đợi.

Đợt đầu tiên vào thập niên tám mươi và kéo dài đến bây giờ, thân nhân công dân Mỹ đến từ các nước Châu Âu, Úc, đông nhất là VN.

Chị Hằng hàng xóm cũ của tôi, mẹ góa con côi, tuy được anh chị em bên Mỹ viện trợ bao nhiêu năm nay nhưng không ai chịu bảo lãnh chị đi Mỹ.

Để tự cứu mình, chị đưa thằng con du học Mỹ, ăn ở có bác lo, tiền học đóng vài ngàn một năm, học đại tiếng Anh để có cớ ghi danh đại học, nhiệm vụ của cu Toán là phải ở lại Mỹ để bảo lãnh cho chị sau này.

Ba năm lang thang kiếm vợ cuối cùng cu Toán tìm được một em làm ở Lee Sandwich, lớn hơn nó gần chục tuổi, em gật đầu ký giấy cưới chồng khiến thằng cu nhảy cỡn lên mừng rỡ, đúng là có “tin vui giữa giờ tuyệt vọng” vì giấy tạm trú của nó sắp hết hạn.

Ba năm sau vợ chồng cu Toán vẫn chưa có con nhưng thằng cu đủ điều kiện đâm đơn xin vô quốc tịch Mỹ, sở di trú nghi ngờ nó làm đám cưới giả nên bác đơn của nó.

Thằng nhóc từng là đoàn viên TNCS dư sức tạo chứng cớ ngon lành để trấn an sở di trú, qua năm thứ tư “Linh đà” Xuyến, vợ nó cấn thai và sinh “Nen xì” Nguyễn, mấy ông kẹ di trú ngậm bồ hòn đành phải nhận đơn của nó.

Má cu Toán ở Sàigòn hú hồn, con đường đi Mỹ của chị Hằng vừa được khai thông, hai ba năm chờ ngày leo lên máy bay đến Mỹ, thời gian đủ để chị Hằng “cải trang” thành “giặc kiều” tương lai (việt kiều, người Mỹ, Canada, Úc gốc Việt).

Bắt đầu bằng chức danh “má giặc kiều” dù con chị chưa có quốc tịch nhưng chị biết “giặc ranh” nhà chị sẽ có quốc tịch nay mai, chị đốt giai đoạn tập tành cho quen việc, mai này làm giặc…thật.

Thế là chị tiến hành sửa sang sắc đẹp, mắt, mũi, môi mép gì chị làm ráo trọi, tóc tai xén gọn theo kiểu một Diva nào đó chứ không bạ ca sĩ nào cũng làm đâu.

Xong phần trang trí ngoại hình, chị đổi tên cúng cơm hy vọng cãi lại số mệnh, tên Thúy Hằng do tía má đặt không thanh cao, không “gây tiếng vang” nên chị lấy tên Thu Hà, như ca sĩ Thu Hà vợ cũ của Cường đô la đó mà.

Từ ngày chị đổi tên, cãi số, đánh bóng dung nhan mùa thu của chị, soi gương chị không khác chị em từ lò bà Hạnh Phước xóm Bolsa bên Sàigòn Nhỏ bao nhiêu, nhìn chị cứ như chị em song sinh với mấy mợ mệnh phụ bên nớ.

Bóp, ví, kiếng mát của chị toàn hàng “viu tông, xà neo…” (Vuitton, Chanel) bên hông chợ chồm hổm, dù chị đã ngoài sáu mươi chị phải cố gắng mang giày cao cả tấc, quần tây, váy đầm mặc hết…như rứa mới đúng “đẳng cấp” người về từ bên kia… đại dương.

Chưa hết, muốn trở thành giặc thứ thiệt, chị nghĩ chị phải bước ra khỏi giai cấp thường dân hiện tại, chị phải “có danh gì với đời” để “để đời”.

Ca hát chị không kham nổi, làm thơ, viết văn chị tập tành liền tù tì, có công mài sắt chắc chắn thơ văn của chị có ngày sẽ “nên kim”.

Để lấy cảm hứng, chị sưu tầm văn học Đông Tây, nhưng lò học nghề nhanh nhất là nốt gót vài cây viết mới lên ở hải ngoại.

Chủ đề “Nỗi lòng người đi”, nhớ nhà, nhớ người yêu cũ, tâm trạng, tâm tình, tâm tư chi đó vui buồn lai láng…tràn ngập trên các trang mạng bên Mỹ.

Đọc nhiều chị sẽ “nhập tâm” biết đâu chị sẽ hạ bút cho ra đời những tác phẩm tuyệt vời, kẹt một điều là chị chưa từng sống bên Mỹ như kẻ tha hương, chưa thật sự nhớ nhà da diết, nên viết vài dòng chị cạn nguồn cảm hứng.

Không văn thì thơ, thứ nào chả là văn chương, chị chuyển qua thi ca chủ đề “Quê hương là chùm khế ngọt”, thơ tự do của chị xuất hiện trên vài Văn Đàn hải ngoài, thế là chị chắc mẩm mình có đường lên ngôi thi sĩ.

Chị tập tành đi uống cà phê sân vườn như giới thượng lưu bàn chuyện văn chương, mở trang FaceBook với biệt danh “Thu Hà Phố” cũng là bút hiệu của nữ thi sĩ đấy, chị đưa hình gia đình cu Toán bên Mỹ cho thiên hạ biết chị là má “giặt” đó.

Không hiểu chị ăn nói làm răng mà đi đâu người ta cũng nghĩ chị là người Mỹ gốc Việt, gặp người lạ chị không buồn cải chính, gặp dân VN bên Mỹ về quê đi chơi nếu bị ngộ nhận chị phân bua, chị chuẩn bị tinh thần “hội nhập” ngay bây giờ đó mà.

Thỉnh thoảng bạn bè ở ngoại quốc về VN chơi chị dự họp mặt để giới thiệu sinh hoạt văn hóa chị vừa tham gia trên mấy trang mạng ở hải ngoại, đám bạn cũ chắc sẽ phục chị sát đất.

Chị đoán không sai, vài cô bạn bên Mỹ về nhận thấy chị thay da đổi thịt không còn quê mùa như trước, rứa mới có bút danh “Thu Hà Phố”, giá chị đổi thành “Hà Nội Phố” chắc chị sẽ nổi như cồn.

Mấy năm trước, con dâu Linh Đà và cu Toán có tên Mỹ “Tôm mì” về Sàigòn chơi, hai đứa nó hãnh diện vì chị cư xử y như Tây, Mỹ thứ thiệt.

Hôm đó chị mặc váy đầm, xách bóp “viu tông” kiếng “xà neo”, ôm bó hoa to tổ bố ngoài phi trường Tân Sơn Nhất khiến thiên hạ tưởng chị chờ đón khách ngoại quốc hay tài tử điện ảnh, đến lúc chị trao hoa cho các con, đám tò mò “hố hàng” tản hàng ngay.

Có lần chị ngồi uống cà phê với bạn bè, một gã người Mỹ gốc Việt, mặc quần short áo thun vừa nhận ra cô bạn cũ trong bàn của chị.

Gã tới bàn hỏi cô kia :

- Xin lỗi có phải chị là Thúy “ô mai” Sư Phạm Anh Văn năm 72 không ?

Cô kia giật mình, nhíu mày :

- Xin lỗi, tôi không nhận ra anh là ai ?

Gã nháy mắt :

- Huy Ròm ban Toán đây.

Thúy tròn mặt :

- Ông thay đổi nhiều quá, sau khi tốt nghiệp ông đi đâu biệt tích giang hồ, bây giờ mới xuất hiện, đừng nói ông là công dân, Úc, Tây, Mỹ về chơi nhe.

Gã gãi đầu :

- Làm có chuyện đó, sau khi tốt nghiệp tui bỏ nghề vì lương ít quá, về Cà Mau làm lò than, lò gạch bi giờ khấm khá mới lên Sàigòn chơi.

Thúy lắc đầu :

- Xạo vừa thôi ông kẹ, ông trắng như bông bưởi, sổ sữa như ri không là dân Mỹ cũng Úc…

Gã đính chính :

- Tui nói thiệt mà, dân ta làm ăn khấm khá cũng phát tướng ngon lành chứ đâu chỉ mấy lão ở ngoại quốc, mà ở bển họ cày như trâu chưa chắc sướng như đại gia ở đây đâu.

Thúy rũ gã mang ly cà phê qua bàn nhập bọn và giới thiệu từng người cho gã, đến phiên mình không chờ Thúy giới thiệu, chị Hằng lên tiếng :

- Tôi cũng dân Sư Phạm nhưng cấp tiểu học, làm cô giáo lớp Mầm (Mẫu giáo), giờ nghỉ hưu chờ giấy đi Mỹ.

Gã tò mò :

- Chị đi Mỹ theo tiêu chuẩn nào ?

Chị cười tươi rói :

- Anh cứ gọi tôi là Hà cho thân mật, tôi tên Thu Hà, vâng con tôi bảo lãnh.

Gã gật gù :

- Nếu được con bảo lãnh chỉ mất hai năm thôi nhanh lắm.

Bàn tròn cà phê hôm đó rôm rã chuyện thiên đàng xứ Mỹ do chị tường trình vì chị đã đi Mỹ sáu tháng trước khi đưa cu Toán đi du học.

Huy Ròm ngồi nghe chị say sưa kể về Las Vegas, San Diego, Seattle, cầu Golden Gate…, những thành phố chị đã đi qua, tội nghiệp gã chủ lò gạch, lò than chi đó há hốc tưởng tượng những thắng cảnh mà hắn nghĩ chưa chắc đẹp bằng Cà Mau của hắn.

Chị Hằng có tài dẫn chuyện trong những buổi cà phê như thế này, gặp người về từ Mỹ, Canada…chị học hỏi kinh nghiệm, với dân tại chỗ chị tha hồ bóc phét.

Đúng như gã chủ lò than kia phán, trường hợp con bảo lãnh cha mẹ nhanh lắm, vài năm sau chị lên đường đi Mỹ như nguyện ước, đúng là trời thương đưa chị đến thiên đàng xứ Mỹ.

Sau khi có thẻ xanh, số an sinh xã hội..., cu Toán bảo chị phải học lái xe, học làm Nail để mưu sinh vì nó một nách vợ con không đủ sức bảo bọc chị.

Điều đáng ngại nhất là chị lớn tuổi ngũ tạng bắt đầu rỉ sét không còn ngon lành có nguy cơ ra vào bệnh viện thường xuyên mà chi phí y tế ở đây cao ngút trời xanh.

Để có tiền sinh sống, rồi học lái xe, học Nail, mua xe, cu Toán đề nghị chị tạm thời xin một chân chạy bàn, rữa chén trong một quán ăn, hay đứng bán cho tiệm bánh, xôi chè...

Đêm về nghĩ đến những ngày sắp tới chị muốn ngã bệnh, chị phải cày trong vòng năm năm, thời gian tối thiểu để chị đâm đơn xin quốc tịch Mỹ, nếu chị thi đậu, lúc đó chị có thể xin tiền già để sinh sống.

Chị đã ngoài sáu mươi, chân yếu tay run, lại ngại lao động chân tay, chừ phải chường mặt đi bưng bê trong quán ăn, hay đứng bán bánh còn gì thể thống của chị, nhưng lỡ đến đây phải ở lại đây chứ biết làm răng.

Lấy hết can đảm chị chọn đứng bán cho tiệm bánh, cũng là lao động chân tay như đứng sau quầy bánh mì, bánh ngọt, xôi chè…vẫn bảnh hơn chạy bàn.
Giời ạ đã đi làm thuê thì việc nào cũng là việc làm chân chính đáng quý, chị xếp hạng ngành này nghề nọ làm gì cho rắc rối, mà chị có phải là nhân vật nổi tiếng đâu mà sợ người ta gièm pha.

Đứng bán hàng được vài tháng quen việc chị tạm hài lòng với công việc không quá thấp kém này, mỗi tháng kiếm gần cả ngàn đô, với số tiền này mà sống ở Sàigòn thì khỏe thật.

Với bản tính lanh lẹ dẻo mồm nên khách quen cũng mến chị, hỏi tên tuổi của chị rồi đưa đẩy chuyện trò trong lúc chờ ly cà phê, khúc bánh mì, cái bánh ngọt ai cũng gọi chị bằng tên cúng cơm Thúy Hằng ghi trên thẻ xanh của chị.

Một hôm có ông khách xếp hàng chờ mua ly cà phê, trời xui đất khiến làm sao mà ông đụng phải chị, bốn mắt nhìn nhau ngờ ngợ.
Chị lên tiếng :

- Trông anh quen quen, hình như tôi đã gặp anh một lần thì phải ?

Ai chứ Thu Hà thì Huy Ròm không thể quên, gã chủ lò than gạch xứ Cà Mau rất “ấn tượng” (nhớ đời) về cô bạn của Thúy ô mai trong quán cà phê ở Sàigòn năm xưa, giờ chị trở thành “giặc kiều” chính hiệu rồi.

Gã chưa kịp trả lời, bà khách quen gọi chị :

- Chị Hằng cho tôi gửi túi chanh cho bà Chính nhé.

Chị mang túi chanh vào bên trong cất, bà khách quen quay sang Huy Ròm gìa chuyện :

- Cô Hằng mới sang được vài tháng, cô vui vẻ chiều khách lắm.

Gã nhe răng cười trừ chứ biết nói gì, gã đang thắc mắc sao chị Thu Hà bữa ni lại có tên Hằng ?

Bà khách đi rồi, chị Hằng trở ra quày trố mắt nhìn gã :

- Tôi nhớ rồi, anh Huy Ròm ở Cà Mau, anh qua Mỹ hồi nào vậy ?

Gã chưa kịp hỏi cái tên mới toanh của chị đã bị câu hỏi của chị làm gã bối rối, cô đồng nghiệp của chị nhanh nhẩu trả lời :

- Anh Huy ở đây mấy chục năm rồi, chủ hãng bảo hiểm trong thương xá này đó.

Bốn mắt lại nhìn nhau nói không nên lời, ly cà phê bữa ni có vị cà phê sân vườn năm xưa, ngày đó gã bỡ ngỡ về cung cách của chị, chừ chính chị đang ngỡ ngàng gặp lại gã Mỹ gốc Việt đã giả dạng thường dân miệt Cà Mau.

Đêm hôm đó chị không tài nào chợp mắt, chị chợt hiểu vì sao Huy không thèm xưng danh “việt kiều” lấy le với bà con, còn tuyên bố tuyên mẹ giặc kiều bên này cày như trâu.

Chị đang là trâu chậm uống nước phèn cày cuốc tối mặt mới đủ tiền sống, muốn có nhà xe bảnh bao phải làm việc chục năm trở lên, chưa kể khi thất nghiệp thì hồn bay lạc phách nơm nớp lo ngân hàng kéo nhà nếu không sớm tìm việc làm mới.

Dân bên nhà mắc võng nằm chơi dưới cây sung chờ “sung rụng” mỗi tháng vào túi (tiền viện trợ) làm sao họ hiểu được đám giặc kiều làm việc trối chết không kịp thở, làm gì có thời gian cà kê cà phê sân vườn như chị ở Sàigòn.

Ngày chị được cấp visa đi Mỹ, chị cho là trời thương chị, chừ chị vỡ lẽ, không dám trách trời chỉ thương phận mình bi chừ không ai rót tiền vào túi như dạo trước để chị phải lê thân già lao động chân tay, công việc mà chị chưa bao giờ nghĩ chị phải làm để mưu sinh.

Năm năm dài hun hút trước mặt phải cày bừa làm chị lo âu, liệu chị đủ sức tiếp tục đứng bán hàng như hiện nay, rủi ngã bệnh bất tử không đủ sức làm việc như bây giờ lấy gì sống…, những câu hỏi hóc búa làm chị điên đầu.

Đời chị như đang rẽ vào ngõ cụt, nếu lúc trước chị háo hức chờ đợi ngày đặt chân lên đất Mỹ để trở thành “việt kiều” thì giờ đây chị mới hiểu, đằng sau cái danh xưng đó dân ta đã đi qua biết bao đau buồn, thất vọng để làm lại từ đầu từ hai bàn tay trắng, mất bao nhiêu năm cày bừa mới có được cuộc sống như hiện nay, đô la không rụng như sung mà khúc ruột ngàn dặm bên nhà lầm tưởng.

Ôi còn đâu cuộc sống thanh thản rong chơi quanh năm ở Sàigòn, một bước ra đường áo đầm, giày cao gót như …Tây, trớ trêu thay mấy bộ vía đó không còn thích hợp vì mỗi ngày chị phải mặc đồng phục của tiệm bánh.

Tâm trạng của chị bây giờ buồn hiu hắc, nỗi nhớ Saigòn cồn cào hằng đêm khác chi mấy câu mở đầu bài “Người di tản buồn” của nhạc sĩ Nam Lộc.

Chiều nay có một người đôi mắt buồn 
Nhìn xa xăm về quê hương rất xa 
Chợt nghe tên Sàigòn ôi thiết tha 
Và rưng rưng lệ vương mắt nhạt nhòa... 
Bạn ơi đó là người đi Mỹ buồn

Ở nơi đây mùa thu rất ngỡ ngàng 
Chiều rơi nhanh và đêm xuống rất mau 
Thời gian không còn những phút nhiệm mầu...

Vâng, thời gian không còn những phút nhiệm mầu để chị Hằng mơ về thiên đàng xứ Mỹ vì chị đang cày trên thửa ruộng mênh mông trên thiên đàng ảo đang vỡ vụn trăm mảnh.

Juillet 2017 / Đoàn Thị

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2017