SỐ 76 - THÁNG 10 NĂM 2017

 

Đêm Tịnh Biên

Người thanh niên ngồi yên lặng bên bờ kinh Vĩnh Tế. Cánh đồng lúa bên bờ Miên mênh mông chảy dọc theo dòng nước, rười rượi cơn gió đi về bát ngát chân mây. Hàng thốt nốt xa lắc phía chân trời, thẳm xanh im lìm như hàng nến đứng chờ thắp sáng bóng chiều đang tới. Hay chỉ là nét tàn phai của ngày đang tắt? Người thanh niên cúi đầu, nụ cười buồn rớt lên trang sách. Nietzsche. Die Sonne Sinkt. Vầng dương chìm đắm. Băng giá phủ trùm cơn hồng thủy cuồng quay. Ngày của đời ta! ... Ngày sẽ hết tôi sẽ không ở lại. Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu (Bùi Giáng)....

Dòng biên cương lặng lờ trước mặt và ý nghĩ lao lung về một phương trời huyễn mộng khiến người thanh niên cảm thấy bồn chồn. Con sóng nhỏ đàng sau chiếc xuồng máy đuôi tôm, ngập ngừng chao động mà sao nghe vang vọng tiếng triều dâng... Dòng nước bạc dòng sông trôi theo dõi. Cuối chân trời hình bóng một chân mây. Đời xiêu đổ nguồn xưa anh trở lại. Giữa hư vô em giữ nhé chừng này (Bùi Giáng).... 

Như con nước đứng chờ ròng, chàng phân vân giữa lằn ranh u uất đi về. Không quá nửa ngày sông, xuôi về phía Giang Thành là biển rộng. Biển của những ngày cũ rong chơi. Theo tàu từ Phú Quốc về Rạch Giá, bầy sĩ quan trẻ nhớ bờ háo hức quàng xiên trong quán rượu làm ngượng ngập bước chân tình cờ cô học trò sau buổi tan trường... Hai năm hun hút đồng bằng, máu me, rài rạc chiến tranh. Tiếng súng nổ giữa đêm, hằng đêm, xác người chết gục mặt bên bờ kinh, ánh sáng hỏa châu lay lắt rọi. Mặt trời đến đi, chìm đắm. Trong không gian mơ hồ lịm tắt, cánh dù hỏa châu lặng lờ như nỗi lòng. Từ một lúc nào đó không hay chàng đã quên cơn mộng biển. Tuổi trẻ vội vàng bỏ đi. Mất hút trong đêm, mắt mở trừng về phía màn đêm phủ chụp cánh rừng tràm nham hiểm. Giữa rình rập canh khuya, bầy tuổi trẻ trở nên bơ phờ và tàn ác như nhau.

Ngược hướng Tịnh Biên, bóng mây không che được dáng núi Thất Sơn, kiêu bạc quàng vai dãi lụa sầu châu thổ. Dòng nước lung lay soi bóng người, bóng thời gian lẩn khuất không trôi. Ông quan trẻ lãnh mệnh Vua đi mở nước, từ hơn trăm năm trước từ giã đất Thần Kinh tìm đến miền ba-sông-bảy-núi xa vời đất khách. Đĩnh núi nào người xưa đã đứng vọng một tiền đồ rồi mường tượng tới dòng kinh nối biển? Dòng sông đào như dải ruột mềm trang trải tấm lòng quân tử vua tôi, man mác nghĩa phu thê. Thoại Hà, tên gọi vua ban, đầm đìa nỗi lòng Vĩnh Tế, đã cưu mang từng giọt phù sa nặng lòng châu thổ đến tận bờ nước Hà Tiên miên man biển lớn... Bàn chân bước nghe một lần sóng dậy. Sắc khuynh thành một thuở động binh đao. Người lên ngựa ngoảnh đầu về có thấy. Bờ xa bay tuyết bạch lẫn sương đào (BG)

Người xưa. Cơ đồ. Mệnh nước. Một thuở biên cương. Trăm năm sau, cõi giang biên âu sầu muối mặt, bơ phờ cơn gió tai ương. Chàng đã đôi lần từ biển đến, lòng lú lấp phiền hà rồi say khướt biếng lười đâu đó cuối dòng để bây giờ, hồn nặng vàm sông bến nước, đứng bên dòng kinh biên giới tần ngần về một nửa ngày sông. Và cả một đời mình…

Đoàn giang đĩnh vào đến vùng sông biên giới giữa Giang Thành và Tịnh Biên từ buổi trưa. Đồn lính Địa Phương Quân, vài năm trước là nơi trú phòng của các đơn vị Biệt Kích Mỹ, nằm bề thế dọc theo bờ Đông. Cổng đồn uy nghi, cột cờ cao căng gió, và dãy công sự kiên cố đã tạo nên vẻ quắc thước hiếm thấy ở một đồn lính địa phương. Chàng đã quá quen thuộc với hình ảnh sơ sài của những đồn lính dọc theo bãi nước bờ kinh trên nhiều vùng sông rạch miền Nam. Những đồn lính cấp trung đội hoặc đại đội, mỏng manh vụng về như nhau, với dãy rào phòng ngự tháp canh dựng bằng cây tràm, mái tôn phủ đước khô queo…

Tỉnh ngủ vì tiếng máy đoàn tàu đang gầm thét lướt trên dòng kinh, người lính gác xốc súng đứng dậy, đưa tay vẫy chào bâng quơ. Đôi dép nhựa cũ kỹ vàng ỉn trong chân người nông dân cầm súng hằn nét chấm phá tội nghiệp lên nền đất đen màu mỡ thiếu người vun xới. Ngoái nhìn bóng người lính cúi đầu đứng bên bờ nước, chàng chợt nhớ phố nhớ trường đến quay quắt. Cũng như anh, chiến tranh đã bắt tôi phải làm những việc không quen. Dòng kinh trước mặt hun hút đưa buổi chiều vào tối. Lời kinh giảng vương vấn điệu hò nghe cũng buồn như lẽ nghĩa nhân giữa thời tao loạn.

Người trưởng đồn xếp tấm bản đồ, đứng dậy tiễn chào người sĩ quan Hải Quân. Nắng xế len lỏi qua tàng lá cây điệp rụng lổ đổ trước sân đồn.

- Tên nhà binh của Trung Úy nghe con gái quá!
- Tên thật của tôi nghe còn con gái hơn, cần gì chờ tới tên nhà binh.

Người sĩ quan trưởng đồn cười đùa.

- Trung Úy từng công tác ở Tân Châu. Tui là dân Tân Châu. Quả đất hẹp lắm ông ơi! Ông giáo Cửu có hai cô con gái rượu. Thôi thì ông cũng rộng lượng để cô em lại cho người chậm chân...

Người sĩ quan Hải Quân vỗ vai ông bạn lính mới quen.

- Đừng đoán già đoán non nữa ông ơi! Không lẽ Tân Châu chỉ có một Trúc một Mai thôi sao? Ờ, mà nếu đánh được cả cụm thì có lẽ tôi phải đành...

Đoàn giang đĩnh cập quanh cầu tàu trước sân đồn. Lính lố nhố đứng ngồi, chuyện trò, chờ đợi. Một người lính chỉ tay về phía cái hầm nổi cạnh đồn lính, hứng khởi kể lại chuyện nghe được từ câu lạc bộ.

- Khu gia binh dã chiến đó! Ai muốn nghe ngóng chuyện hào hứng thì ôm mùng mền lên đó, ngủ qua đêm sẽ biết ngay.

Khu gia binh trước đây là trung tâm hành quân của các đơn vị Biệt Kích Mỹ. Cái hộp sắt khổng lồ được đắp bít bùng bằng nhiều lớp bao cát, chỉ chừa một cửa ra vào và những ống thông hơi trên nắp. Căn hầm mát lạnh, tối như hủ nút lúc đêm về. Vợ lính chờ chồng đi kích đêm hay những người đàn bà dễ tính theo đàn ông vào ngủ ở đó. Trong canh khuya khó thấy mặt người, thân xác buông thả khơi giòng cho ngọn sóng cảm giác trào dâng. Cơn xúc động không thể cắn răng có khi thoát thành tiếng rên gào làm mù lòa những đôi mắt thao thức mở trừng, xốn xang vành tai nghe ngóng. Giữa tối tăm mê đắm, căn hầm trở thành khu rừng nguyên thủy. Bầy thú hoang dã vô luân liếm mép rình rập, đồng lõa đưa nhau đến biên cương mới rợi cảm xúc, vồ vập hơi thở lạ điếng đam mê.

Cách đồn không xa về phía Giang Thành có cái quán nhỏ nằm sát bờ kinh. Tàu thả người sĩ quan và nhóm lính xuống quán cà phê rồi quay ra nằm rải rác hai bên bờ. Đoàn giang đĩnh đen xám như bầy trâu đầm mình trong nước nghếch mặt nhìn trời, nghe ngóng làm quen cảnh trời nước quen thuộc mà xa lạ. Dòng kinh bất trắc. Cánh rừng lảng vảng rình rập nghi nan. Đồng lúa dậy thì trổ đòng xanh ngút mắt. Khoang trời nõn nà mây trắng la đà vướng vất trên nóc hàng cây thốt nốt vàng óng nắng chiều. Bầy vịt trời mỏi cánh, sà thấp rồi mất hút đâu đó giữa đám ruộng nước. Có bóng chim đơn côi soải cánh bay về núi. Chiều rồi. Dòng sông biên giới lặng lờ trôi như một nỗi buồn. Chàng đặt ly cà phê nguội lạnh xuống bàn bên trang sách mở hờ. Ngón tay vô hồn vuốt nhẹ lên hàng chữ khắc vụng về trên mặt bàn. Quán Biên Thùy. Chàng chợt thấy lòng hụt hẫng như bị cuốn xoay, rời rụng. Cảm giác muốn khóc òa buổi sáng đầu tiên đi học, run sợ đứng trước cửa lớp, tay mẹ vẫy chào từ bên kia sân trường mênh mông. Đứa bạn cùng tắm một dòng sông, lớn lên, bỏ đi, oằn vai mối thù vay mượn. Xó rừng, mép núi hay biên cương chót vót nào thằng bạn đang ngồi đứng không yên? Như chàng chiều nay từ một dòng sông cuối đất quê hương, bơ phờ nhớ phố. Buổi chiều cuối cùng trước khi vào lính. Tháng chạp mưa mờ vịnh biển. Trong nhạt nhòa, thành phố chợt xa vời con dốc dài tóc xõa lối về. Chặng đời mới trôi nổi, ngại ngần, cưu mang thêm cuộc tình vừa trổ đã hóa trái tương tư. Những cuộc tình bỏ nhau đi, long đong mấy dòng sông nhỏ. Ở mô rồi người chị của tuổi mười hai. Nước đục bến Bao Vinh đã xa chị xuôi dòng hay đôi mắt đẹp vẫn đượm sầu đời chị đa đoan. Thôi thì ai trong chúng ta cũng có một biên giới của lòng. Nơi dừng lại để hứng lấy trái sầu mà nuôi sống giấc mộng muôn đời chẳng thể hóa thân.

Người chủ quán nhìn ông sĩ quan trẻ trong bộ bà ba đen, với cặp mắt dò xét rồi thất vọng đặt ly cà phê nóng xuống bàn. Chị tần ngần cách xưng hô, gợi chuyện.

- Ông Trưởng uống thêm cà phê nóng.

Người đàn bà son điểm vụng về không che đậy được vết nát nhàu sót lại sau thuở hương phấn vội vàng.

- Ở đây vắng quá hả chị? Mấy năm trước khúc sông này chắc vui hơn?

Chị nhìn dòng sông nước bèo bọt trôi xuôi, đôi mắt tô chì đậm đen như bóng tối.

- Hồi đó tàu Mỹ chạy hà rầm. Tui bán bar trong Tịnh Biên, thỉnh thoảng họ chở cả bầy chị em ra ngoài này. Cũng vui... Coi vậy chớ không vắng lắm đâu. Tàu chợ Giang Thành Hà Tiên kéo nhau về gần tới nơi rồi đó. Tới ngày nhóm chợ trời, chợ trâu bò bên bờ Miên, ghe đò lại càng đông hơn.

Chị chỉ tay về phía đám rừng thốt nốt suông dọc theo bờ kinh.

- Chút nữa tối trời, dơi rần rần từng bầy bay ra ăn muỗi, om sòm lắm. Ai không quen tai, cứ nằm đờ ra đó không ngủ được, nhiều khi bực mình muốn chết.

Sự hiện diện bất ngờ của toán giang đĩnh nằm rải rác hai bên bờ khiến đoàn tàu đò, tắc ráng bớt tốc độ e dè chạy qua. Khoảng sông nhộn nhịp hẳn lên với những chiếc tàu sặc sỡ đỏ xanh chất đầy hàng hóa. Nhìn chiếc tàu đò lớn, hàng chất khẳm nặng tới be đang giảm tốc độ, người đàn bà mừng rơn.

- Dữ thần, tàu cô Út Mười Hai bữa nay về trễ quá trời!

Người tài công chậm chạp cập chiếc tàu đò vào bến nước trước quán, cẩn thận không để chạm đến chiếc giang đĩnh nhỏ bé mà tua tủa súng đạn quyền uy. Cô gái khoảng ngoài hai mươi với chiếc xách lớn trên tay, từ trong khoang đò nhảy xuống đất, nhanh nhảu bước vào quán.

- Cô Út bữa nay về trễ quá hén.
- Mấy ông Địa Phương Quân lóng rày làm khó quá chị Bảy ơi.

Cô gái vui vẻ gợi chuyện với nhóm lính Hải Quân tự nãy giờ chỉ ngồi ăn uống nghe nhạc, chơi bida ở góc quán. Đám lính trẻ thành phố ồn ào cảm ơn về những bao thuốc lá ngoại quốc mắc tiền, món quà hậu-phương-tiền-tuyến từ cô gái buôn hàng chuyến.

An tâm với hậu thuẫn vừa đạt được từ đám lính trẻ, cô gái bước ra đầu hiên quán. Nụ cười tươi tắn tắt vội khi nàng chạm nhìn tia mắt nghiêm nghị của người sĩ quan trẻ.

- Cám ơn cô. Tôi hút thuốc nặng quen rồi.

Cô gái tần ngần nhìn quyển sách trên bàn, cố gắng gợi chuyện.

- Cô giáo ở trọ nhà em cũng thường đọc sách loại này. Chữ nghĩa gì đâu mà khó thấy mồ. Có lần em ráng đọc thử vài trang, không hiểu gì hết đành trả lại.
- Tôi cũng không hơn gì đâu. Chỉ đọc cho qua ngày.

Anh nhìn theo dáng cô gái ngồi trên đống bao đường lậu thuế sắp lớp trong khoang đò oằn nặng. Lòng anh phiền hà nghĩ tới ông thiếu tá già ở bộ chỉ huy lúc chàng đến trình diện vào buổi trưa. Ông ngồi gật gù trên chiếc ghế salon đóng bằng thùng đạn pháo binh. Mái tóc thưa mềm lấm tấm bạc, lơ thơ rũ trước trán, khiến khuôn mặt càng trắng xanh bạc nhược.

- Nhiệm vụ của cậu là tuần tiểu bảo vệ tuyến sông từ Giang Thành về Tịnh Biên. Bảo mấy thằng Địa Phương Quân đi chỗ khác chơi, để dọc bờ sông lại cho Hải Quân.

Ngồi cạnh ông thiếu tá là một người đàn bà đẫy đà son phấn, dáng dấp trịch thượng trong bộ đồ bốn túi thời thượng. Bà ta ngồi nhẩn nha hút thuốc, lơ đãng nghe ông ba hoa về ngày tháng hải hồ ba gai ba góc. Khóa Tám mà moa vẫn còn đeo lon thiếu tá. Nghe như một chiến công, chàng thầm nghĩ.

- Bà Vân là người Sài Gòn phái xuống làm việc về an ninh, tình báo trong vùng. Anh cố gắng giúp đỡ.

Bà Vân không ít nói như chàng nghĩ. Quá khứ tình báo lẫy lừng khắp bốn vùng chiến thuật của bà Vân theo người sĩ quan xuống tận bến tàu như một gánh nặng cần phải trút bỏ. Anh trung sĩ tiếp liệu lắc đầu cười.

- Vậy là ông thầy được hân hạnh gặp bà Trung Tá rồi đó.
- Trung Tá?

Người lính chỉ tay về dãy phố chợ mua bán tấp nập.

- Thì ổng Thiếu Tá, bả phải Trung Tá coi mới đặng chứ! Vào tới vùng Trung Úy sẽ biết công tác tình báo của bả phát đạt như thế nào.

Tiếng cười không vui của người lính theo đuổi trong trí tưởng chàng suốt chuyến giang hành. Sự bí mật công khai có hệ thống và ồn ào như tiếng máy tàu đò khẳm nặng hàng hóa nối đuôi nhau trên dòng sông biên giới.

Chiếc tàu đò rời bến, tiếp tục chạy về Tịnh Biên. Cô gái tươi cười vẫy chào nhóm lính ồn ào đứng bên bờ nước. Bao nhiêu xấp tiền, gói thuốc, cô gái đã rải dọc theo chặng sông dài không hơn năm mươi cây số để mua đường đi nước bước? Còn món hàng quốc cấm nào khác nằm sâu bên trong những bao đường vô tri nặng nề? Cô gái chỉ là người đi buôn hàng chuyến. Cũng như chàng chỉ là người lính bị sai chạy cuồng quay trong hệ thống quân cơ giai cấp và lắm khi biển lận.

Phố chợ giang biên sầm uất, quán tiệm nhan nhản hàng lậu thuế. Ông thiếu tá già lỡ thời, bám víu đua chen một cách tội nghiệp. Bà “trung tá” từ Sài Gòn phái xuống, úp mở mưu toan. Tuyến đường buôn lậu rộn rịp ghe đò, lừa lọc đám người tranh giành nhau sống. Ly cà phê nguội lạnh từ tay cô gái giang hồ về chiều. Bầy dơi chờ đêm mù lòa bay trong bóng tối phủ chụp lên vùng biên giới im lặng. Những đôi cánh không phải của chim. Ánh mắt đàn ông, đàn bà xa lạ nhìn nhau sau đêm động tình. Đã quá đủ cho một ngày. Vầng dương đã chìm đắm.

Tuần lễ hành quân yểm trợ cho tiểu đoàn Biệt Động Quân lục soát sâu vào nội địa Miên tẻ nhạt trôi qua. Toán lính viễn chinh bất đắc dĩ kéo nhau về qua dãy lều chợ biên giới buồn thiu. Trước mũi súng của người lính dẫn độ, gã Miên Cọng chậm chân bị bắt làm tù binh, ngơ ngác thiểu não bước về phía bờ kinh. Hắn ngồi bó gối trước mũi tàu, đôi cườm tay bị trói chắp cao trước ngực, miệng không ngớt lắp bắp phân bua. Người lính Biệt Động Quân dang tay tát vào mặt hắn, nạt lớn bằng tiếng Miên khiến gã cán binh hoảng sợ cúi gằm mặt, nín khe. Vướng vấp tia nhìn của người sĩ quan Hải Quân, người lính lắc đầu giải thích.

- Hắn bị bắt lúc tay đang cầm cây súng AK, vậy mà miệng cứ chối leo lẻo.

Người sĩ quan ra lệnh cho đoàn tàu phóng nhanh về phía đồn lính. Nỗi mệt chán trong lòng tan vội theo cơn gió thổi lùa tơ tóc. Vẫn dòng kinh thuôn thả theo gió chao rợp chân trời chớm vàng màu lúa chín mà chàng ngỡ đang đứng trên chiến hạm vừa qua khỏi Nhà Bè, nôn nao lối về Sài Gòn đã hơn 90 ngày xa cách. Ly cà phê pha vụng ở Quán Biên Thùy giữa cơn thèm khát, thơm ngon như giọt-đắng-Thanh-Long trong góc phố Hàn êm đềm vịnh biển, mặc cho gió tháng Chạp cuồng quay bên ngoài vách núi Sơn Trà chớp tắt u hoài cánh tay hải đăng vẫy gọi. Chàng châm điếu thuốc cuối cùng lúc đoàn tàu buôn vừa ló dạng từ phía Giang Thành. Bao thuốc ngoại quốc trống rỗng trôi bập bềnh trên dòng nước. Lucky. Người thanh niên lắc đầu cười. Chàng vừa bắt gặp mình vội vàng có lẽ chỉ để kịp chờ chuyến tàu chợ về ngang. Từ hơn tháng nay, mỗi chuyến hàng từ Giang Thành về, cô gái buôn đường đều không quên gói ghém cho chàng sách báo, thuốc hút, quà cáp. Thói quen mới có thoáng chút đợi chờ giúp cho buổi chiều mùa hè trên dòng sông biên giới trôi nhanh. Đã đôi lần chàng tự hỏi phải chăng tiếng cười son trẻ trên bến nước hay những trang thơ truyện đã giúp lòng chàng có được chút bình yên.

Bầy lính thành phố mừng rỡ đón chào cô gái buôn hàng chuyến vui vẻ bước vào quán. Cô có đủ quà cho mỗi người. Nàng đặt chồng sách báo lên chiếc bàn ở đầu hiên nơi người thanh niên đang ngồi đăm chiêu nhìn dòng nước trôi xuôi về phía biển. Cô gái lúi húi lấy từ xách tay mấy tập truyện dịch.

- Em biết Trung Úy thích đọc truyện ngoại quốc nhưng không biết tìm ở đâu. Cô giáo ở trọ trong nhà nói Trung Úy đọc thử mấy cuốn này.

Nhìn ánh mắt ân cần, người thanh niên xúc động nghĩ tới đứa em ở nhà. Trong dịp nghĩ phép vừa qua, cô bé đã mua tặng anh tập thơ của Kahlih Gibran. Anh mời cô gái ngồi.

- Cô Út uống cà phê nghen.

Cô gái e dè ngồi xuống chiếc ghế đẩu đối diện người thanh niên.

- Chị Bảy làm cho em ly pạc-xỉu nhỏ đi. Uống cà phê không quen, tối khó ngủ lắm.

Anh chỉ cho cô gái tên người dịch tập thơ Mật Khải.

- Người này dịch thơ khá hay. Cô ta hiện đang dạy Đại học Hòa Hảo ở Long Xuyên.

Sự cởi mở hiếm thấy nơi người sĩ quan trẻ khiến nét mừng rỡ hiện rõ trên khuôn mặt cô gái. Nàng ngoan ngoãn nghe lời người thanh niên tham dự trò chơi “bói Kiều”. Nhìn cô gái chăm chú đọc bài thơ về Tình Bạn, anh pha trò.

- Lần này khỏi tính. Cô Út mang tập thơ này về nhà, tối nay cô khấn vái cho thật kỷ trước khi bói. Ngày mai nhớ cho tôi biết. Hy vọng cô bói trúng bài Tình Yêu.

Cô gái cười bẽn lẽn từ giã người thanh niên. Bước chân nàng cuống quít trên tấm đà gỗ gác chéo lên mũi chiếc tàu đò. Chàng nhìn theo chiếc tàu đang từ từ rời bến. Cô gái đứng trên mui tàu, chiếc khăn rằn phủ che một phần khuôn mặt và mái tóc.

Đi về mỗi ngày trên giòng kinh quen thuộc đến độ nhàm chán, cô có lòng buồn một lúc nào đó, nghĩ đến những bến sông xôn xao phố lớn, đời mình? Dáng cô gái nhỏ nhoi chìm dần trong quầng mây u xám buổi chiều. Cơn mưa sắp đến từ phía Thất Sơn. Ngọn núi đơn độc soi bóng xuống miền sông nước quây quần ba nhánh phù sa. Con người trên những dòng sông. Truyền kiếp. Núi biển chia lìa từ thuở khói sóng hồng hoang mơ hồ thanh sử. Những dòng sông chẳng hề gặp nhau, lận đận gian nan như đường chỉ tay in hằn số phận. Những dòng sông cắt chia nhiều nhánh cho nước nguồn bơ vơ biển lớn. Những dòng sông cố gắng giải thông lời nguyền khắt khe buổi đầu dựng nước. Dòng sông chảy ngang chia cắt đất nước lòng người, đầm đìa giọt mồ hôi từ đá sỏi nghìn xưa. Con người nổi trôi theo định mệnh u hoài của dòng sông muôn đời gắng công nối liền biển núi. Con người sống đời khốn khó truân chuyên trên đó, máu me, ướt lệ, vất vưởng khóc cười. Thanh Trúc, cô gái gặp gỡ lần đầu ở Long Xuyên, thướt tha tóc dài áo tím, duyên dáng dễ thương như giai nhân xứ Thần Kinh giữa đất Cửu Long. Ngờ ngợ gặp lại người về thăm nhà bên bến lụa, khăn lãnh quấn đầu, mắt huyền sâu bóng nước Châu Giang làm say lòng gã lính giang hồ chập chờn cánh bướm. Nỗi nhớ một dòng Hương, êm đềm bến nước Kim Luông theo trăng xuôi về Vỹ Dạ đã đắm say lòng Tân Châu Hồng Ngự quyến luyến phù sa. Đến đây thì ở lại đây. Bao giờ gổ mọc thành cây mới về... Ông quan nhỏ theo Thoại Ngọc Hầu đi mở nước đã ở lại với cô thôn nữ trồng dâu bên bến Châu Giang suốt một đời mình và cháu con sau đó. Có lẽ nỗi nhớ về bóng dáng người xưa bên dòng sông cũ đã sôi sục châu thân rồi trào theo tinh huyết mà đắp bồi dáng tóc làn mi lúc nguôi ngoai đêm sầu bên nàng thôn nữ vùng đất tằm tơ.

Người thanh niên lơ đãng nhìn tập truyện trên tay. Cõi người ta. Giòng chữ viết ở trang đầu đem đến cho chàng sự ngạc nhiên kỳ thú. Sông Đà. Giòng chữ ghi nhớ chuyến về thăm nhà trong dịp Tết vừa qua. Cô giáo đã mua tập truyện tại quán sách chàng rất quen thuộc ở Đà Nẵng. Tên ký trên trang sách, tuy không mang đến chút liên hệ nào trong trí nhớ, cũng khiến chàng nôn nao vui mừng như vừa tìm gặp được bạn cũ. Từ một góc rất xa trên quê hương đang có người cùng nhớ về một dòng sông. Ý nghĩ đến như ngụm nước mát lòng. Tiếng người lính ca vọng cổ buồn buồn trầm lẫn trong tiếng mưa rơi trên mặt sông. Chiều đã xuống mặt trường giang bát ngát. Mà bóng người xưa còn lẫn khuất giữa sông dài...

Đoàn tàu lầm lũi đi vào điểm kích đêm giữa cơn mưa tầm tã. Hàng cây thốt nốt đứng rũ rượi thành vệt dài đen thẩm dọc theo bờ kinh. Trong màn mưa giòng kinh nhỏ mọn chợt bát ngát trường giang. Chàng nghĩ đến những cánh dơi ướt át trong đêm tối.

Ánh sáng rọi từ nắp hầm mũi tàu khiến người sĩ quan tỉnh ngủ. Anh lính gác bối rối nói vọng xuống.

- Trung Úy lên nghe máy gấp. Tàu Trung Sĩ Tài gọi về báo cáo có một thằng VC xin hồi chánh.

Người sĩ quan dụi mắt, tỉnh ngủ, ló đầu khỏi nắp hầm tàu nhìn quanh. Trời vừa hừng sáng. Mưa đã tạnh từ lúc nào đó trong đêm. Mặt nước phẳng lặng phủ mờ chút làn hơi nước chưa tan. Về phía hạ giòng cách chàng không quá nửa cây số, bóng người lố nhố trên hai chiếc giang đĩnh cập sát nhau ở đầu con kinh ngang.

- Thanh Trúc nghe đây!

Giọng Tài lúng túng hối hả trong máy truyền tin.

- Ông thầy chạy tàu xuống giải quyết vụ thằng cha hồi chánh cho mấy thằng em đi. Súng lớn súng nhỏ gì bắn cũng được chớ ba cái chuyện dân vận chiêu hồi này tui không rành.

Người cán binh cộng sản hồi chánh ngồi bó gối bên bờ kinh, ốm yếu bơ phờ. Hắn còn trẻ, khoảng hai mươi. Ruồi nhặng bu quanh vết thương ở chân chỉ được băng bó sơ sài bằng dãi vải mùng vàng ố. Người sĩ quan từ chiếc giang đĩnh vừa ủi vào bờ kinh, nhảy xuống đất đi về phía nhóm lính. Họ đang lạ lẩm nhìn hắn mệt nhọc đứng dậy, khuôn mặt đầy vẻ lo lắng. Thuyền trưởng Tài chỉ cho chàng chiếc túi vải bạc thếch của người lính cộng sản vỏn vẹn bộ áo quần cũ và tập nhật ký nhàu nát.

- Mấy thằng em lục soát kỹ lắm. Không có gì, trên răng dưới dế và cái bị rách này.

Đám lính tàu cười rộ lên lúc người sĩ quan hỏi anh lính gác về gã cán binh hồi chánh. Anh ta gãi đầu bối rối.

- Dạ... tại trời lúc đó đã gần sáng. Tui ngồi dựa lưng vào thành tàu phía trước phòng lái ngủ gục lúc nào không hay. Khi giật mình thức dậy thì đã thấy thằng chả đứng chờ trên bờ, ngay trước mũi tàu.

Người sĩ quan lắc đầu.

- Thằng lính cộng sản kiên nhẫn đứng chờ thằng lính quốc gia ngủ cho ngon giấc xong rồi xin hồi chánh. Vậy là hòa bình tới nơi rồi!
- Tui đang lính quýnh lên đạn cây M16 thì hắn giang hai tay đầu hàng, miệng nói “Em báo cáo xin hồi chánh”. Giọng gì đâu mà trọ trẹ khó nghe quá. Hắn vừa nhắc lại câu nói vừa chìa tờ truyền đơn chiêu hồi ra tui mới hiểu.
- Trực gác anh phải cố gắng. Lần sau anh sẽ không được may mắn như thế này đâu, lại còn sinh mạng cả chục người bạn khác nữa.

Chàng cao giọng khiển trách anh lính rồi quay lại gặng hỏi gã cán binh.

- Vũ khí anh cất giấu ở đâu? Chỉ đường để chúng tôi lấy về.

Giọng nói người cán binh khiến chàng nhớ đến bác kiều bào hàng xóm thời nhỏ ở Đà Nẵng. Bác người Quảng Bình, quá nghèo khổ phải đi cạo mủ đồn điền cao su vùng đảo thuộc địa Pháp ở Nam Thái Bình Dương để mưu sống. Khi bác đưa gia đình về nước dựng nhà trong khu phố trước đồn cảnh sát Hoàng Diệu, hàng xóm ai cũng gọi Bác Kiều Bào. Có lẽ trong bụng bác cũng ưa cái danh xưng ít người có này. Thỉnh thoảng bác chêm vài câu tiếng Tây hào khởi kể chuyện mấy con đầm vừa to vừa rậm, sau khi đã nhìn chừng biết chắc bà vợ dử như chằng không quanh quẩn gần đó.

Người cán binh hồi chánh có lẽ cũng từ vùng đất nghèo Quảng Bình Đồng Hới khô cằn sỏi đá. Anh ta chỉ tay về phía sâu trong kinh ngang, kể lể.

- Cán bộ cho em về dưỡng thương ở bệnh xá hậu cần bên Miên. Đi bộ từ trong bưng gần Cái Dầu về tới đây đã mấy ngày. Em tìm cách vượt biên giới nhưng không được, lại thấy lính đầu cọp đánh qua Miên chắc là hậu cần đã bị vỡ. Biết qua sông thế nào cũng bị bắn chết nên rạng sáng nay em chôn súng bên cái chòi trống sát bờ kinh cách đây chừng non một cây số, ra xin hồi chánh.

Người sĩ quan liên lạc máy về bộ chỉ huy lúc đoàn giang đĩnh trong tư thế tác chiến từ từ tiến sâu vào kinh ngang. No dạ nhờ ổ bánh mì nhồi thịt, miệng phì phèo điếu thuốc thơm, người cán binh lúi húi bới tìm khẩu súng lúc ba anh lính tàu hờm súng đứng chờ gần đó.

Trung sĩ Tài lục tìm quyển nhật ký trong túi vải đưa cho người sĩ quan chỉ huy.

- Tui không hiểu tại sao thằng lính cộng sản nào cũng chỉ có bài thơ Vàm Cỏ Đông chép tới chép lui làm thuốc. Ông thầy còn nhớ trận đánh ở Mỹ Phước Tây? Ngoài súng ống ra mình còn tịch thu hàng chục quyển nhật ký, tập nào cũng... Ở tận sông Hồng em có biết? Quê hương anh cũng có một dòng sông. Vàm Cỏ Đông ơi! Vàm Cỏ Đông...

Người lính cộng sản bị nhồi nhét đã quên mất dòng sông của riêng mình. Tôi tin chắc anh lính Quảng Bình kia không biết sông Hồng ra sao và chưa hề một lần ướt chân mình trong nước sông Vàm Cỏ. Tội nghiệp là lớp người trẻ đó đã phải rời bỏ quê hương làng mạc, dòng sông, con đò thật sự của mình để chiến đấu cho một tình cảm không thật và thường khi vay mượn vấy đỏ tín điều. Nguy hiểm là họ đã lắm khi thật sự tin yêu. Sá chi con sông nhỏ quê nhà, họ ra đi và dựng lên dải biên giới mới đầy dẫy hận thù.

Trung sĩ Tài ngẩn mặt nhìn trời, đứng nghe,

- Vậy thì ai tội nghiệp cho tui và con sông Thị Nghè nước đục quanh năm? Mà lạ thiệt nghen Ông Thầy. Về nhà ngửi mùi cống rãnh thì nhăn nhó, vậy mà đi xa lại nhớ. Dạo tui đi tuần dương Vùng I, cả trăm ngày mới về Sài Gòn, có đêm ngủ trên tàu nằm mơ thấy mình bơi lội tỉnh bơ trong dòng nước đen ngòm.

Phải chăng đó là bất hạnh chung cho cả một thế hệ. Người thanh niên thở dài, trầm ngâm nhìn dòng nước đang trở nên quen thuộc quanh mình.

Đoàn chiến đĩnh chở gã cán binh về tới đồn lính địa phương quân không bao lâu thì chiếc tắc ráng từ Tịnh Biên vào tiếp nhận hồi chánh viên cũng vừa đến. Người sĩ quan ngạc nhiên nhìn thấy cô gái buôn đường đi cùng bà Vân và hai nhân viên Phượng Hoàng đến gặp chàng. Đơn giản trong bộ bà ba đen, bà Vân có vẻ trẻ trung và thân thiện hơn.

- Hơn tháng nay không có dịp gặp lại Trung Úy. Bộ tính làm người nhái hay sao?

 Không để chàng kịp trả lời, bà Vân nheo mắt nhìn cô Út.

- Tôi chắc hai người đã biết nhau nhiều.

Người sĩ quan nhìn cô gái, cười lơ lửng.

Bà Vân mỉm cười nhìn họ rồi rảo bước theo hai cán bộ chiêu hồi.

Hai người đứng lại giữa sân đồn dưới tàng cây điệp im lìm bóng nắng trưa. Cô gái cúi đầu, nàng im lặng giữ nụ cười giữa đôi môi cắn vào nhau.

- Thì ra cô Út...
- Em vẫn đi buôn hàng ngày. Chỉ là... một công hai chuyện.

Người thanh niên chưa chịu buông tha, cười ranh mãnh.

- Hai hay ba? Nếu chỉ một công hai chuyện thì ai làm chuyện thứ ba... tiếp tế sách báo cho tôi hàng ngày.

Cô gái háy chàng trai, đuôi mắt cong dài sau chiếc khăn rằn ôm ấp khuôn mặt thanh tú.

- Trung Úy biết rồi còn làm bộ hỏi hoài.

Họ sánh bước về phía cổng đồn. Cây điệp lấm tấm hoa vàng nhoài mình trên dòng kinh lung linh bóng nước. Bầy chim bay về phía xa xôi giăng cánh trên cánh đồng phẳng lặng lúa vàng.

Người sĩ quan xuống tàu cầm lên theo hai tập sách. Chàng trao tập thơ của một thi sĩ nổi tiếng đương thời cho cô gái.

- Tặng cô Út. Thỉnh thoảng tiếp tế lại cho đỡ... tủi. Quyển sách dịch này nhờ Út đưa cho cô giáo đọc cho vui.

Nhóm người tiếp nhận hồi chánh viên ra tới cổng đồn. Bà Vân vui vẻ ồn ào trong tiếng máy tắc ráng nổ rộn bến sông. Người sĩ quan vỗ vai từ giã gã cán binh hồi chánh lúc cô Út dẫn hắn xuống ghe. Ấn tượng về bà “trung tá” tháng trước và bà Vân hôm nay khác hẳn nhau. Thế nào đâu đó cũng có một bà Vân như chàng muốn nghĩ đến.

Bà Vân ngước mặt, môi cười. Cặp kính đen dày che kín đôi mắt không biết đang nhìn người thanh niên hay khoảng trời xanh trên đầu anh. Trong bộ áo quần đơn giản, bà Vân gọn gàng quyến rũ lạ thường. Bờ cổ đầy đặn kéo ánh mắt nhìn đọng xuống khóe ngực phập phồng mời mọc.

Người đàn bà dợm bước xuống tắc ráng rồi như chợt nhớ ra điều gì, vội vàng quay lại.

- Cuối tháng này Chi khu sẽ có tiệc lớn chào mừng ông quận mới. Hi vọng Trung Úy đi dự.
- Hi vọng họ cho tôi vào. Người thanh niên cười lớn.

Bến nước trước cổng đồn chợt dập dồn con sóng ngược xuôi. Đoàn chiến đĩnh vội vàng rời bến, ngóc đầu chạy về phía Giang Thành. Vầng sóng chẻ đôi xô đẩy nhau trào cuốn vào hai bên bờ kinh đất dựng. Người sĩ quan đứng trên mủi tàu nhìn về phía chiếc tắc ráng đang cần cù bơi ngược về Tịnh Biên nhỏ dần trong làn nước đục ngầu. Những bóng đời người tất tả xuôi ngược trên dòng nước cuốn. Gặp nhau. Phút chốc. Chia lìa. Trong chiếc tắc ráng hẹp lòng, có lẽ mỗi người đã tìm cho mình chỗ ngồi riêng rồi nhìn nhau dò xét với nụ cười không dấu được vẽ kịch tính. Và chàng đi về một hướng khác cho dù vẫn đang cố gắng ngoái nhìn. Họ tranh nhau nhặt nhạnh từng mảnh hạnh phúc nhỏ nhoi, cần thiết, ấm lòng, để một sớm một chiều ngồi nhìn mình tan tác âu sầu trên dòng sông kỷ niệm. Hay như người lính miền Bắc trong một thâu đêm bên cánh đồng biên giới đã tìm về được biên giới lòng mình, loáng thoáng dòng sông quê nhà vẫn từ lâu âm thầm chảy trong đành đoạn lãng quên. Hắn đã thả trôi lòng tin cũ để đánh đổi sự bình yên và đợi chờ một hạnh phúc lớn lao khác. Rồi đây khi nhìn đàn én bay trên sông gợi nhớ một mùa xuân xưa hay cánh lục bình trôi trên con nước đổi màu, hắn sẽ quay quắt nhớ thuở ấu thơ theo dấu chân mẹ về dọc theo triền sông nghiêng bóng nắng sau buổi chợ chiều. Hi vọng lúc đó hắn sẽ hiểu nỗi buồn cũng thật thà và cần thiết như giấc mơ. Như dòng suy tưởng thật thà chỉ đến từ dòng sông của riêng mình. Những điều còn lại, tất cả, chỉ là kiếm tìm, quẩn quanh, lầm lỡ.

Bộ quân phục tiểu lễ trắng và những ly rượu mạnh uống liền hơi giúp ông thiếu tá Hải Quân linh hoạt hẳn ra. Ông hào sảng nói cười đi lại giữa đám người có máu mặt trong thị trấn đang chờ ra mắt ông Quận mới và bầy ca sĩ thị tứ mướn từ Long Xuyên, Châu Đốc về giúp vui đêm tiệc. Bà Vân sang trọng trong y phục dạ hội. Đôi cánh tay trần và khóe ngực trễ tràng khiến vài bà vợ không khỏi ném tia nhìn ganh tị lúc bước qua. Những ngón tay móng son đỏ kiêu sa có lẽ đã nhận biết điều đó, kiểu cách gõ nhịp lên ly rượu sóng sánh màu hổ phách. Bà Vân tươi cười bước về phía người sĩ quan.

- Tôi đang lo Trung Úy không đến được.

Chàng cúi chào người đàn bà.

- Vì biết vậy nên tôi đổi ý vào giờ chót. Nhờ vậy nới có dịp nhìn bà tươi tắn như bây giờ.
- Lan huệ ấy mà... trong héo ngoài tươi. Xếp của anh đang đứng với ông Chi Khu Trưởng mới, để tôi đưa anh đến giới thiệu.

Người sĩ quan đến trễ. Đang ngồi uống cà phê ở Quán Biên Thùy chờ trời xẩm tối để dẫn tàu đi kích, chàng chợt đổi ý. Người bạn ở phòng hành quân dễ dãi.

- Xong ngay! Thanh Trúc dẫn cá về nằm ở cầu biên giới giữ an ninh cho quận tối nay. Ê, Thanh Trúc làm gì mà từ hôm bà “trung tá” ở ngoài đó về đến nay, ngày nào tui cũng nghe bả nhắc nhở. Coi chừng ăn đạn đó nghen!

Đám lính trẻ vui mừng nhảy xuống tàu, đua nhau phóng về Tịnh Biên. Thời gian gần đây mỗi lần nhận sách cô giáo gởi cho mượn, chàng vội tìm đọc ngay dòng chữ trang đầu với hy vọng sẽ nhận ra người cùng chung quê chung phố nhưng đành chịu. Vẫn tên tiệm sách quen, ghi chú nhỏ cho riêng mình, ngày tháng, và cái tên là lạ cho một cô gái. Không một dấu vết trong trí nhớ. Vài ngày trước, dẩn tàu đi nhận tiếp tế chàng tìm đến ngôi trường cô giáo đang dạy hè, nhưng lúc vừa thoáng thấy bóng người, không hiểu tại sao chàng đã quày bước bỏ đi. Từ phương trời xa xôi nhớ về phố cũ, hình như chàng muốn được giữ lại chút nghi vấn trong lòng. Nỗi vấn vương đằm thắm như tơ trời giúp chàng cảm thấy lòng vui.

Giòng chữ trên miếng giấy nhỏ ép vào trang đầu tập truyện Út chuyển cho chiều hôm trước càng khiến chàng nôn nao suy nghĩ. Thân chào người bạn chung trường cũ... Cô giáo bỏ quê xa đã nhìn ra người bạn học cũ qua tên tiệm sách và tên chàng ký trên trang đầu tập sách.

Từ đâu đó mùa nắng xa đang trở về gần, nồng hương kỷ niệm. Mái tóc thề cuối hành lang trường thướt tha áo lụa làm ngẩn ngơ mắt ai ấp mộng trông vời. Tờ thư vụng về nhét vội hộc bàn, lớp sáng lớp chiều xa xôi nỗi nhớ. Như những chiếc lá rời cành, bày trò nhỏ lớn lên, bỏ trường mà đi theo giấc mơ đời mình. Chiếc lá trong sân trường. Cơn mơ bất tận đời người. Giòng suy nghĩ trở về với cô bạn học cũ tha phương khiến người sĩ quan chợt cảm thấy lòng mình hồi hộp với hy vọng sẽ nhận ra người khi thấy mặt. Cơn gió đời vô tình đã thổi đùa hai chiếc lá bay xa khỏi sân trường tấp về cùng một nơi chốn.

Cô Út đơn giản thường ngày, đêm nay cũng phơn phớt môi hồng. Nàng đẹp lạ thường trong chiếc áo dài màu thiên thanh, mái tóc buông lên bờ vai vắng chiếc khăn rằn e ấp. Út đang trò chuyện vui vẻ ở cuối phòng với một cô gái cắt tóc ngắn, dáng dấp tự nhiên giản dị trong bộ âu phục may theo kiểu đàn ông.

- Cô Út đứng đây mà nãy giờ tôi kiếm mãi không ra.

Út hớn hở cầm tay cô bạn.

- Em đang theo dõi coi thử Trung Úy ham vui đến mức nào. Đây là chị Hiên, cô giáo chủ nhân mấy quyển truyện dịch.

Cô giáo thân mật bắt tay người sĩ quan.

- Xin chào người bạn học cũ.
- Gặp mặt biết tên rồi đó, Trung Úy đã nhận ra người chưa?
- Út biết mà lâu nay không nói, chờ dịp để chọc quê. Nhớ nghe!

Út bước lùi, dấu nụ cười sau vai bạn.

- Em vẫn chưa hết ngạc nhiên đó! Chị Hiên mới cho em biết chỉ vài phút trước khi gặp Trung Úy.

Người thanh niên nhìn khuôn mặt thông minh, đôi mắt sáng mở to tinh quái chờ đợi. Vẫn không một hình dung, chàng lắc đầu thú nhận.

- Xin lỗi Hiên. Tôi chưa nhớ ra được. Hi vọng trò chuyện thêm sẽ giúp khai sáng phần nào cái đầu mê muội của mình.
- Tôi đã xin lỗi tôi nhiều lần rồi. Thời đi học ở Phan châu Trinh, tôi không biết cách để làm người khác nhớ tới mình, kể cả thầy cô. Đây là lần đầu tiên tôi có dịp may chuyện trò với bạn học cũ ở một nơi rất xa nhà như thế này.

Ban văn nghệ bắt đầu trình diễn. Nhìn cô ca sĩ vườn uốn éo gào thét bài hát lính và đám đông náo nhiệt chung quanh, người thanh niên mời hai cô bạn ra ngoài.

Cô Út nhìn bà Vân đang lắc lư theo điệu nhạc, lắc đầu.

- Bà Vân say rượu xấu lắm. Lần nào say cũng ngồi khóc kể một mình. Em phải ở lại để canh đưa về nhà trước khi bả sướt mướt giữa đám đông.

Nàng đăm đắm nhìn người sĩ quan.

- Tối nay em ở lại tàu đò. Nếu anh về trước thì ghé qua.

Đêm mùa hè vùng quận lỵ biên giới vắng im. Gió từ lòng kinh thổi lên mát rượi. Trong đêm chiếc cầu ván dài bắc ngang qua kinh Vĩnh Tế chợt cao hẩng mong manh. Dòng nước xuôi sâu về Giang Thành nhạt nhòa bóng hàng cây thốt nốt thấp dần rồi chìm lẩn vào mặt nước đâu đó ở ngút tầm con mắt. Ngược phía phố chợ, hầu hết tiệm buôn đều đóng cửa. Bóng đèn đường mờ soi con lộ vắng tanh, vàng vọt chiếc xe thồ chở hàng trễ nải chạy qua.

Hai người bạn cũ đứng im lìm trên chiếc cầu biên giới. Tiếng ca vọng cổ của người lính từ toán giang đĩnh đậu dưới chân cầu trầm bổng vọng lên theo con gió đêm lao xao lướt trên mặt nước. Chàng nhìn mái tóc nửa-con-trai rất lạ của Hiên.

- Hồi đi học chắc Hiên để tóc dài?
- Dài, quá dài. Cái kẹp bảng to bắc ngang mái tóc suông như cầu bắc qua sông.
- Tôi thiệt là tệ. Một hình ảnh đẹp như vậy mà không thể nhớ ra.
- Tôi không biết cách để làm người khác nhớ tới mình thì làm sao được nhớ tới. Để tôi thử rêu rao quá khứ mình một lần xem sao. Quá khứ tôi chỉ quen nghĩ về. Một mình.

Cô gái nhìn xuống dòng sông đêm dưới chân mình. Ánh mắt đọng lại đâu đó về phương dĩ vãng xa xôi. Người nàng yêu bỏ đi theo hoài bão riêng. Còn lại nàng, một mình, trong thành phố cửa biển êm đềm quen thuộc đã trở nên nhỏ nhoi. Nàng nghe tiếng bước chân mình không còn ngượng ngập cuống quít trên vỉa hè lúc ngang qua quán cà phê góc phố. Ánh mắt thờ ơ mệt mỏi của những người học chung trường bây giờ là lính thú khiến nàng cũng chán chường theo. Bỏ đi xa giúp tâm hồn nàng yên ổn mỗi lần về thăm phố cũ. Và nỗi nhớ nhà từ những phương xa đã trở thành thứ hạnh phúc đắng cay mà nàng cam tâm hứng lấy như một người nghiện thèm trái đắng.

- Anh còn nhớ những bài thơ làm thời trung học ?
- Tôi không nghĩ đến nhưng nếu nhắc tới có lẽ sẽ nhớ.
- Vậy thì anh nghĩ thế nào về thi sĩ Hoang Sa với những câu thơ rùng rợn không ai hiểu nổi như “mặt trời đỏ màu kinh nguyệt”?

Người thanh niên lắc đầu cười ngượng ngập.

- Hiên biết về tôi nhiều quá làm tôi thật là xấu hổ. Mười bảy tuổi... Người ta là Nguyên Sa nên tôi phải là Hoang Sa. Còn cái vụ “kinh nguyệt” đó thì phải hỏi thi sĩ lớn Hoang Sa, tôi không thể nào hiểu nổi.
- Thôi để tôi cho anh một cơ hội cuối cùng. Lần này nếu anh vẫn không nhớ ra, tôi sẽ nhảy xuống dưới kia để khỏi mất công anh đưa về nhà.

Nàng lùi bước, xoay người, nhìn vào mắt người thanh niên.

- Anh còn nhớ Trịnh thị Nhiên là ai không?

Người thanh niên mừng rỡ cầm tay cô gái.

- Thì ra Hiên là người dịch Albert Camus và Saint-Exupéry cho những số báo năm Đệ Nhất. Hồi đó cả bọn theo gặng hỏi Toàn để biết Trịnh thị Nhiên là ai mà không thế nào được. Câu trả lời của hắn lúc nào cũng là “tụi bay cắt lưỡi tao trước đi rồi tao sẽ cho biết”.
- Toàn chết trên núi đã gần hai năm... Giọng Hiên khản đặc.

Im lặng phủ trùm hai người bạn. Họ cúi đầu đi bên nhau. Đôi bóng lê dài gãy đổ trên con phố đêm hiu hắt ánh đèn. Người thanh niên đứng nhìn bạn đi khuất vào hàng hiên tối. Cánh cửa nhà mở khép soi mờ khuôn mặt ngoái nhìn, yên lặng nụ cười từ giã.

Bà Vân tỉnh dậy, đầu nhức như búa bổ, ngơ ngác nhìn quanh. Hình như một lúc nào đó trong đêm, người thanh niên đã ân cần ngồi lại vỗ về. Hình như bà đã than khóc kể lể về mối tình vẫn làm bà phiền muộn. Hình như một bà Vân không như người thanh niên muốn nghĩ đến đã say khướt ôm chàng... Chất men sót lại sau cơn say làm miệng lưỡi khô rốc khiến bà thèm một hơi nước mát. Người đàn bà chập choạng bước vào trong khoang đò. Đôi trai gái sau cuộc hân hoan, ôm nhau say đắm trong dáng thế đầy ắp men tình của giây khắc giật động bùng vỡ cuối cùng. Họ phơi phới chồi xanh nhọn hoắt xuân thì trong đôi mắt bà bơ phờ men rượu. Người đàn bà sẹ bước ra khỏi khu vườn địa đàng không phải của mình, thân xác chợt già nua ủ muội dưới bóng trăng khuya khoắt tàn phai. Bà nhìn về phía con lộ hiu hắt cuối phố chợ, lòng thầm trách cứ mình. Nhân viên Phượng Hoàng giờ này có lẽ đã vây bắt người nữ cán bộ cộng sản nằm vùng, cô giáo có mái tóc nửa-con-trai dạy Anh Văn ở trường Quận. Giữa cơn say bà đã bận bịu kể lể về một mối tình mà không nói ra được cho người thanh niên một điều phải nói đêm nay. Bây giờ thì đã quá muộn màng. Như đêm trên vùng biên giới im lặng.

Phan thái Yên

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2017