SỐ 76 - THÁNG 10 NĂM 2017

 

Dục Mỹ ngày trở lại

Đây là lần thứ hai tôi về thăm gia đình vào dịp tết, với tôi tết là khoảng thời gian cô động những hình ảnh gợi nhớ nhiều nhất về những kỷ niệm của mỗi chúng ta đã có trên quê hương Việt Nam. Cho nên nếu có sự lựa chọn về thời gian thì tôi chắc chắn sẽ lựa chọn ngày tết. Sau 5 giờ bay chiếc A330 của hảng Korean Air cất cánh từ Nam Hàn đã từ từ đáp xuống phi trường Tân sơn Nhất. Không như lần trước, chúng tôi rời phi cơ bằng một cầu thang tiếp nối để vào văn phòng kiểm tra passport và visa, thật ngạc nhiên chúng tôi được hướng dẫn xuống đất rồi lên một chiếc xe bus đang chờ sẳn. Mấy lúc sau này, ở hải ngoại tôi vẫn nghe nhiều tin về sự quá tải của phi trường Tân sơn Nhất, hôm nay bằng chứng đó đã đến với tôi. Chiếc xe bus sau một hồi chạy lòng vòng rồi ngừng lại trước một tòa nhà lớn, chúng tôi lần lượt xuống xe, bước vào trong, thì ra đây là văn phòng duyệt xét passport và visa, thủ tục vẫn như cũ. Mọi người ai cũng muốn nhanh chóng rời nơi đây để nhận hành lý và gặp người thân. Nhận hành lý xong tôi đẩy xe ra ngoài cổng, nhìn ra ngoài người đi đón thân nhân thật là đông. Tôi đẩy xe ra khỏi cổng, nhìn trong đám đông để tìm thân nhân nhưng không thấy, tôi tiếp tục đẩy xe hành lý trong lòng có hơi lo một chút, đến một chỗ cũng hơi khá xa tôi đứng lại và rồi trong ồn ào hỗn loạn tôi nghe đâu đây có tiếng ai gọi tên tôi. Tôi quay về phía có tiếng gọi thì nhận ra đây là những đứa em đang tiến về phía chúng tôi, giây phút hội ngộ sao mà vui vẻ quá, chúng tôi ôm chầm lấy nhau, nói nói cười cười, theo tôi thì không một từ ngữ nào có thể diễn tả nỗi. Nỗi vui rồi cũng qua đi thật nhanh, chúng tôi trở về với hiện tại, phải rời khỏi nơi đây. Những chiếc va li được nhanh chóng đưa lên xe, sau khi kiểm soát lại một lần chót chiếc xe từ từ rời khỏi khu vực chờ đón thân nhân của phi trường Tân sơn Nhất. Đến với vợ chồng tôi hôm nay là những người em của vợ tôi, chúng thật vui, cười nói luôn miệng, tiếng cười cọng thêm niềm hân hoan của lần hội ngộ như một liều thuốc bổ làm tan đi bao nỗi mệt mỏi của chuyến bay. Sau hơn nửa giờ chạy lòng vòng qua nhiều con đường, chiếc xe dừng lại trước một hotel trên đường Hoa Sửa, Sài Gòn lúc này có nhiều con đường nghe qua rất lạ tai chẳng hạn Hoa Cúc, Hoa Sửa… những con đường mang tên những loài hoa. Sau khi làm thủ tục mướn phòng, những chiếc va li được đưa vào phòng, chúng tôi xuống đường để tìm chỗ ăn khuya, lúc này cũng đã gần 12 giờ đêm, chúng tôi đã cảm thấy đói. Tôi hỏi người em hiện đang sống ở Sài Gòn xem gần đây có tiệm ăn nào ngon không, qua một chặng đường dài 20 giờ đồng hồ trên máy bay với thức ăn không mấy hạp với khẩu vị, giờ đây cái đói đã thực sự đến với tôi. Người em lên tiếng sau vài giây suy nghĩ, có một tiệm mì ở gần đây ăn cũng được lắm, thế là chúng tôi lên xe đi liền. Sau ba lần quẹo, chúng tôi đã đến trước tiệm mì, giờ này cũng đã khuya, quán chỉ có một bàn với ba người khách. Chúng tôi chọn thức ăn và ngồi chờ, bây giờ là cuối tháng một, thời tiết ở Sài Gòn cũng dễ chịu, chúng tôi ngồi thoải mái chờ thức ăn. Trong khung cảnh hội ngộ của gia đình, với không khí xuân của ngày tết cũng đã gần kề, tô mì nóng hổi ở trước mặt, tất cả đã đưa tôi trở về với thật nhiều những kỷ niệm của một thời đã sống trên quê hương Việt Nam. Chúng tôi bắt đầu bữa ăn, sau hớp đầu tiên, tôi đã khựng lại, có một chút gì không đúng như ý nghĩ của tôi, sao tô mì lại có mùi vị như như thế. Chúng tôi với bao háo hức khi vào đây mong tìm lại hương vị thơm ngon của tô mì ngày xưa, nhưng chúng tôi thật là thất vọng, hương vị xưa đã không tìm được ở nơi đây, chúng tôi nhanh chóng ăn cho xong rồi đứng dậy ra về. Trở về hotel, chúng tôi bắt đầu vừa uống bia vừa nói chuyện tâm tình với nhau, thời gian xa cách bao nhiêu năm là bấy nhiêu năm thân tình cũng đã ít nhiều phôi phai theo ngày tháng, hôm nay có dịp gặp lại nhau, thâm tình lại dào dạt trở về để cùng nhau chia xẻ buồn vui với nhau. Hai giờ sáng, bia cũng đã gần hết chúng tôi tạm giả từ cuộc vui để đi ngủ, qua một khoảng thời gian quá lâu trên máy bay, giấc ngủ chỉ đến với tôi trong chập chờn, giờ đây sự mệt mỏi và men bia hơi ngà ngà đã đưa tôi vào một giấc ngủ ngon. Chúng tôi thức dậy lúc 6 giờ sáng, một lần nữa những chiếc vali lại được đưa lên xe, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình để về đến Dục Mỹ, quê hương của gia đình vợ tôi, nơi ba vợ tôi mới qua đời cách đây một tháng. Trên đường đi trước khi rời Sài Gòn chúng tôi ghé lại vài nơi để mua những thứ cần thiết cho dọc đường, những con đường bây giờ  đã khá hơn trước, xe cộ cũng nhiều thêm. Mặc dầu đã từng vài lần qua lại trên con đường này, cảnh vật hai bên lúc nào cũng hấp dẫn đối với tôi, hôm nay cho dù với tình huống nào, những hình ảnh kỷ niệm của quê hương lúc nào cũng dào dạt trong tôi. Xe chạy qua Long Khánh, những rừng cao su ngút ngàn hai bên đường, rải rác đó đây là những quán cà phê với những chiếc vỏng, nằm trên vỏng vừa đong đưa vừa uống cà phê chắc là thú vị lắm, tôi chưa có dịp để thưởng thức thú vị này. Chiếc xe vẫn tiếp tục cuộc hành trình, đoạn đường về nhà từ từ thâu ngắn lại, chúng tôi ai nấy đều mong cho mau chóng về đến nhà. Trên đường đi chúng tôi đã gặp những gian hàng bán trái cây, xe dừng lại, thôi thì đủ loại, tha hồ mà lựa chọn, những trái cây này trông bên ngoài thì rất ngon nhưng không biết bên trong thì như thế nào. Qua khỏi những gian hàng bán trái cây, dọc hai bên dường là những khu vườn thanh long chạy dài ngút ngàn theo quốc lộ 1, từ trên xe nhìn vào, những trái thanh long màu đỏ chen lẩn trong những cành thanh long màu xanh trông thật đẹp mắt. Mười hai trưa, chúng tôi  đã cảm thấy đói bụng, ở hải ngoại, tôi vẫn thường nghe những tin tức, quảng cáo về những quán hải sản ở bãi biển Mũi Né, hôm nay có dịp đã đến đây cũng nên xem qua cho biết. Tôi nói với tài xế, chạy một vòng xuống bờ biển để tìm chỗ ăn trưa, nhân tiện thăm viếng bãi biển Mũi Né, con đường dọc theo bờ biển uốn qua uốn lại, có lúc thấy biển thật gần, có lúc thấy biển thật xa. Xe chạy tới chạy lui tìm kiếm nhưng không thấy chỗ nào giống như đã thấy trong tivi, tôi nghĩ có lẻ chúng tôi đã đến không đúng chỗ và cũng đến lúc thấy đói bụng quá, chúng tôi vào một quán ăn ở gần bãi đậu xe. Thức ăn bưng ra, chúng tôi bắt đầu bữa ăn, tuy không ngon miệng nhưng cũng ăn cho qua bữa cho rồi. Trong khi đang ăn có vài người bán hàng đem cua, tôm, mực… đến hỏi tôi nếu mua thì họ sẽ luộc và đem lại, chúng tôi mua thêm một số hải sản để tiếp tục bữa ăn, thật là ngạc nhiên các loại hải sản này thật rẻ và ngon hơn của nhà hàng nhiều. Thật may mắn cho chúng tôi, suốt đoạn đường từ Sài Gòn đến đây thời tiết hơi tệ một chút, bầu trời nhiều mây nhưng không mưa, khi ở Hoa Kỳ tôi vẫn nghe qua tin tức năm nay Việt Nam mưa quá nhiều. Chiếc xe tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi trở lại những câu chuyện còn đang dang dở về vấn đề ăn tết như thế nào, chỉ còn hai tuần là đến tết Đinh Dậu, câu chuyện này nói cho đến khi về đến nhà chắc cũng vẫn chưa xong. Xe đã qua khỏi Phan Rang, nhìn ra phía bờ biển những đồi cát chập chùng nối tiếp nhau chạy dài theo bờ biển, xa xa ngoài kia là biển xanh thăm thẳm, các đợt sóng đua nhau ập vào bờ, đây cũng là nơi có nhiều du khách đến đây để trượt cát. Trời đã xế chiều chúng tôi đã gần đến Cam Ranh xe đã rời quốc lố 1 chuyển hướng về con đường mới chạy dọc bờ biển để về Nha Trang, đường này gần và đẹp hơn, quanh co theo triền núi, từ trên cao nhìn xuống cảnh sắc của thung lũng thật là tuyệt vời. Bảy giờ tối chúng tôi đến Nha Trang, quê hương thân yêu của tôi, con đường dọc theo bờ biển, mỗi lần tôi về thăm gia đình là mỗi lần tôi thấy có đổi khác. Thời gian đã làm Nha Trang thay đổi quá nhiều, sau bao nhiêu năm sống tha hương, mỗi lần có dịp về thăm gia đình, nhìn cảnh vật đổi thay, lòng bàng hoàng nuối tiếc, nhớ lại những kỷ niệm của một thời xa xưa.  Đã qua bảy giờ tối, tôi nói với tài xế tìm nơi để ăn tối, tài xế hỏi tôi muốn ăn ở đâu, tôi trả lời : phở gà đường Hai Chùa,  đã lâu lắm rồi tôi chưa có dịp trở lại đây, hôm nay đến đây để tìm lại hương vị thơm ngon của tô phở ngày trước. Nhưng giây phút chờ đợi với những tô phở gà nóng hổi,thơm ngon đã không đến với chúng tôi đêm nay, tiệm phở gà nổi tiếng ở đường Hai Chùa Nha Trang đã không còn ở đây nữa, không biết là tiệm đã đóng cửa hay là đã dời đi nơi khác. Chúng tôi chạy lòng vòng để tìm chỗ ăn tối, mọi việc rồi cũng qua đi, chúng tôi đã hoàn tất bữa ăn tối, chiếc xe lại tiếp tục hướng về Ninh Hòa, chẳng còn bao lâu nữa chúng tôi sẽ về đến nơi. Xe qua cầu Xóm Bóng, đây là chiếc cầu mới bắt qua sông, cầu dài và lớn hơn cây cầu cũ nên vấn đề giao thông qua lại tiện lợi hơn trước nhiều. Con đường mỗi lúc một gần thêm, chúng tôi nôn nức chờ đợi, xe tới đèo Rù Rì, đèo Rù Rì không cao lắm, nhưng uốn quanh co. Hồi còn đi học tôi thường qua lại  khoảng đường này để đến Dục Mỹ thăm gia đình chị của tôi, mỗi khi qua đèo tôi hay nhớ lại hai câu thơ của thi sĩ Quách Tấn, trong tập thơ “ Non Nước Khánh Hòa “

Rù Rì  hình uốn  chữ  chi
Anh lên  đèo cho khéo, kẻo nữa  có đi không về.

Tôi có người anh rể, làm ở TTHL/Lam Sơn Dục Mỹ, mỗi khi nghỉ hè, hay những ngày lễ tôi thường đi Dục Mỹ để thăm anh chị, đây cũng là dịp để đi Ninh Hòa thăm vài người bạn, quê quán ở  Ninh Hòa vào học ở trường Võ Tánh, Nha Trang. Qua khỏi đèo Rù Rì, xe vẫn tiếp tục trên quốc lộ 1, lúc này đã hơn 8 giờ tối, cảnh sắc hai bên đường trở nên mờ mờ, đằng xa một căn nhà nhỏ nằm chơ vơ trên bờ  hồ nuôi thủy sản không một ánh đèn leo lét, trông thật quạnh hiu. Thời gian qua đi, con đường ngắn lại, chúng tôi  đã qua đèo Rọ Tượng, con đường từ đây đến Ninh Hòa đã được tu bổ khá hơn trước nhiều, nỗi vui sắp về nhà lại trở về với chúng tôi. Chúng tôi dừng lại trước một tiệm bán hàng tạp hóa để mua nem, bánh mì, bia, từ đây về Dục Mỹ còn hơn mười bốn cây số nữa, sợ về đến nơi thì đã trễ không còn mua được những thứ này nữa. Tiếp tục cuộc hành trình, xe vào quốc lộ 21, con đường đã trở nên xấu hơn,tuy nhiên chúng tôi ai nấy thở phào nhẹ nhõm đã về đến gần nhà. Con đường quốc lộ 1 đi vào Ninh Hòa tốt bao nhiêu thì con đường quốc lộ 21 từ Ninh Hòa đi Ban mê Thuột lại xấu bấy nhiêu. Qua khỏi cầu sông Bến Gành, quốc lộ 21 đi đến Dục Mỹ có nhiều khúc đường đang được sửa chữa, xe chạy qua những khúc đường này tôi có cảm giác như là chiếc xe muốn hất chúng tôi ra khỏi xe. Càng đến gần Dục Mỹ thì càng có nhiều chỗ hư, xe phải chạy thật chậm, vào lúc ai nấy trong chúng tôi đều nôn nóng chờ đợi giây phút về đến nhà, một cơn mưa đổ ập xuống, bóng đêm và cơn mưa đã làm cho bên ngoài tối thêm. Chiếc xe vẫn tiếp tục đoạn đường còn lại, cơn mưa cũng  đã giảm từ từ, xe đang lên đồi núi Đeo, đây là nơi huấn luyện đi giây tử thần cho quân nhân binh chủng biệt động quân ngày trước. Cái tháp cao bằng gạch với những sợi dây cáp nối dài xuống khu rừng phía dưới tuy không còn nguyên vẹn như trước nhưng nó vẫn đứng sừng sững trên đồi, qua bao nhiêu mưa gió nó vẫn tồn tại với thời gian. Hàng ngày những người qua lại nhìn cảnh vật nơi đây lòng không khỏi bàng hoàng nhớ lại một thời kiêu hùng của những người lính biệt động quân. Qua khỏi núi Đeo, xe chạy hơn một cây số nữa là đến cầu Dục Mỹ, qua khỏi cầu, xe quẹo trái đường số một rồi chạy thêm một trăm thước nữa là chúng tôi về đến nhà. Một lần nữa những cái vali lại được mang ra khỏi xe để đem vào nhà, bước vào nhà cảnh tượng đầu tiên mà chúng tôi nhìn thấy là bàn thờ của ba vợ tôi, vợ tôi khóc òa lên chạy đến bên bàn thờ như là một lần cuối để nhìn lại hình ảnh người đã ra đi. Cách đây gần nửa năm, chúng tôi thường xuyên nhận được tin ba vợ tôi sức khỏe yếu kém, phải nằm bịnh viện hoài. Chúng tôi cứ nghĩ tình trạng không đến nỗi nào nên chờ đợi đến gần tết mới về, nhưng rồi trong lần nhập viện lần này một cơn đau tim đã đưa ông ta ra đi. Sự ra đi đột ngột của ông để lại cho chúng tôi một niềm ân hận xót xa, phải chi chúng tôi về sớm hơn thì  đã gặp mặt ông lần cuối. Nỗi buồn về nỗi mất mác người thân rồi cũng nhạt dần với thời gian, chỉ còn hơn một tuần nữa là tới tết Dinh Dậu, không khí vui nhộn của những ngày gần tết làm cho nỗi nhớ thương qua đi dễ dàng hơn. Những ngày sắp tết, mọi sinh hoạt đều bận rộn, đây là lúc mà mỗi người đều cố gắng để kiếm thêm thu nhập để gia đình có được những ngày tết vui hơn. Ở trong hoàn cảnh mọi người phải chuẩn bị cho những ngày tết thì thời tiết lại gây ra nhiều trở ngại cho mọi người. Ngày cũng như đêm từng cơn mưa đổ xuống cái thị trấn bé nhỏ này, những gian hàng bán trái cây, những gian hàng bán các chậu hoa, những gian hàng bán vật liệu cho ngày tết… đã trở nên ế ẩm hơn so với mọi năm. Cho dù với thời tiết xấu, có hơi khó khăn cho những sinh hoạt trong những ngày cận tết, người dân ở đây cũng cố gắng để vượt qua với ước mong sẽ có được những ngày tết thật vui cho gia đình.
Dục Mỹ là một thị trấn nhỏ nằm trên quốc lộ 21 từ Ninh Hòa đến Ban mê Thuộc, cách xa Ninh Hòa 14 cây số. Trước 30 tháng 4 năm 1975 đây là nơi tập trung nhiều trung tâm huấn luyện của miền nam Việt Nam như là trung tâm huấn luyện Lam Sơn, trung tâm huấn luyện pháo binh, trung tâm huấn luyện biệt động quân. Cho dù chỉ là một thị trấn nhỏ, nhưng với một số đông quân nhân về đây để thụ huấn và gia đình quân nhân cơ bản của các trung tâm, Dục Mỹ đã trở nên đông đảo, vui nhộn,đời sống của cư dân ở đây khá sung túc. Sau 30 tháng 4 năm 1975, vùng đất này đã từ từ đi xuống, cư dân ở đây đã phải thay đổi lối sống để thích nghi với hoàn cảnh hiện tại, một số đổ xô qua nghề làm rẫy và đây có lẻ là một nghề thích hợp hơn trong tình huống này.  Cho đến bây giờ người dân Dục Mỹ vẫn tiếp tục mưu sinh với những gì họ có thể làm được, đi một vòng Dục Mỹ và vào bên trong chợ  chúng ta sẽ thấy rõ điều này, có rất nhiều gian hàng từ ăn vặt cho đến thịt cá đều có đầy đủ mọi ngày. Có quá nhiều gian hàng trong một thị trấn nhỏ như thế này, đời sống cư dân ở đây càng lúc càng khó khăn hơn.

Càng gần đến tết thời tiết của Dục Mỹ càng tệ hơn, những cơn mưa tiếp tục đổ xuống, đêm nằm nghe mưa rơi trên mái nhà nhớ lại thật nhiều những kỷ niệm của một thời xa xưa. Quê tôi làng Phú ân Nam, Diên Khánh cách Nha Trang tám cây số, là miền đất thấp, mỗi năm mùa mưa về, đêm nằm nghe từng cơn mưa ào ào đổ xuống mái nhà cùng với những cơn lốc đi qua làm gãy đổ và hư hại cây cối ở trong vườn. Sau những cơn mưa lớn, nước từ thượng nguồn đưa về, con sông nhỏ ở gần nhà và những con đường trong xóm thường bị ngập nước. Đám trẻ ở xóm này lại thấy thích thú hơn, đi học qua lại những khúc đường này đám trẻ tha hồ mà đùa giỡn với nước.Tuổi trẻ thì lúc nào cũng thích phá, một ngày không phá là một ngày không được vui và một ngày không có bạn bè là một ngày mất đi niềm vui của tuổi trẻ. Cái xóm nhỏ ngày nay đã thay đổi nhiều, những con đường đất, những đám ruộng đã không còn nữa, bây giờ về lại nơi đây tôi chỉ thấy phảng phất đó đây một vài hình ảnh của những kỷ niệm ngày xưa.

Những ngày cận tết, thời tiết trở nên khá hơn một chút, những gian hàng trái cây, bông hoa, cũng đã bận rộn hơn, bước ra khỏi nhà không khí tết như là đang phảng phất đâu đây. Đã đến 26 tháng chạp, Dục Mỹ có lệ cúng tất niên, không như là bình thường, mổi gia đình tự cúng lấy, Dục Mỹ khác lạ hơn, tất cả các gia đình cùng ở trên một con đường cùng cúng tất niên. Năm nay lần đầu tiên con đường số 1, nhà của gia đình vợ tôi ở trên đường này, cũng theo chân những con đường khác tổ chức cúng tất niên chung với nhau, bàn thờ đặt giữa đường, một người cao niên đại diện cho đường số 1 khấn vái trước bàn thờ, cầu xin bình an và may mắn cho mọi người ở đây. Sau khi cúng xong những cái bàn và ghế được xếp theo chiều dài cũa con đường, và buổi tiệc cúng tất niên bắt đầu, ban nhạc cũng  đã chuẩn bị xong. Sau lời chúc mừng và cám ơn của ông đại diện đường số 1, tất cả mọi người đều nâng ly để tiễn đưa năm cũ và chào đón năm mới, chương trình văn nghệ cũng  đã bắt đầu, mọi người đều hoan hỉ tham gia. Càng về đêm người đến càng đông thêm, có những người đã đi xa lập nghiệp hôm nay trở về thăm bà con cũng đến tham gia, đặc biệt có một số người dù đã lớn tuổi nhưng hát rất hay. Buổi tiệc vẫn tiếp tục, những chai bia vẫn tiếp tục mở nắp, tiếng dô dô vẫn không ngừng, một đêm qua đi với thật nhiều tình bạn bè lối xóm,đêm nay lần đầu tiên tham dự lễ cúng tất niên của con đường số 1, Dục Mỹ đã để lại trong tôi một cảm giác thật nồng ấm vào những ngày cuối năm.

Thời gian tiếp tục qua đi, sau bao ngày với những cơn mưa đến và đi bất chợt, kể từ 29 tháng chạp cho đến ba ngày tết, mặt trời lại xuất hiện mỗi ngày như là một đền bù cho những ngày mưa gió  đã đi qua. Thị trấn Dục Mỹ như  đã hồi sinh, sinh hoạt trong những ngày cuối năm  đã đưa nơi đây trở về với khung cảnh của ngày sắp tết, những gian hàng đều có đông đảo người mua, qua lại những nơi này có lúc phải tránh né chen lấn, tuy rằng hơi chật vật nhưng cũng vui. Tối 30 tháng chạp, mười một giờ đêm, chúng tôi đi chùa để xin lộc, đêm nay chùa rất đông, đi thăm viếng lòng vòng xung quanh chùa, nửa giờ sau chúng tôi ra về. Mười hai giờ, gia đình chúng tôi có bữa tiệc tân niên để mừng năm mới, cho dù với tình huống nào thì sự hợp mặt đông đủ anh chị em trong gia đình cũng đem đến cho mọi người một cảm giác đầm ấm và hạnh phúc. Chúng tôi cùng nâng ly chúc mừng với những ước vọng sẽ gặp được nhiều điều vui, may mắn hơn trong năm tới.

Ngày đầu năm trời thật đẹp, sáng sớm thức dậy, đầu vẫn còn nằng nặng do ảnh hưởng của bia rượu tối qua. Thế là xong, một năm đã qua, mọi người đã bước vào năm mới với nhiều ước vọng khác nhau, mong rằng mọi người đều đạt được kết quả như là sự mong muốn của mình.

Lê  Đình Quang

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2017