SỐ 76 - THÁNG 10 NĂM 2017

 

Mẹ Đi Mỹ

Đoàn Thị

Tôi đến Mỹ hơn bẩy năm, chưa bao giờ tôi cảm nhận nơi đây là thiên đàng dù tôi đã thực hiện được giấc mơ của mình, đổi đời nghèo khó túng quẩn, và bảo lãnh mẹ tôi đi Mỹ.

Tôi chưa hoàn toàn hạnh phúc khi mẹ và các em còn sống bên VN dù cuộc sống hiện tại của tôi đầy đủ hơn lúc trước rất nhiều.

Mẹ tôi ít học vì từ thời niên thiếu và cho đến bây giờ mục đích, cùng đích đời mẹ là yêu đương, yêu cuồng si, yêu ngấu nghiến và không biết làm gì ngoài chuyện yêu triền miên.

Ông nào đến với mẹ tôi cũng sợ mất vía, tàn hình ngay sau khi nhân chứng của cuộc tình lỡ ra đời, mấy đứa em khác cha với tôi đều cùng số phận mồ côi cha dù bố chúng nó còn sống sờ sờ ra đó.

Bố tôi, người tình đầu đời lúc mẹ lên mười sáu, năm sau mẹ sinh tôi, đứa con thứ tư ngoài giá thú của bố, sau ba người con chính thức của bố với má Thảo.

Bố bị mẹ tôi yêu điên cuồng, bị cột chân vào bào thai mẹ mang tôi trong bụng, bỏ thì thương, vướng vào mẹ thì bố khó làm ăn với mấy mợ « giặc kiều » quay về Sàigòn thập niên tám mươi, tìm lại chút dư hương ngày cũ.

Hoàn cảnh đẩy đưa bố phải hy sanh đời trai già vì đã ngoài bốn mươi, làm người tình hờ nhân chuyến hồi hương của mấy mợ, kiếm chát chút đỉnh lót ổ chờ ngày mẹ sinh tôi.

Công ty bất động sản, công ty dịch vụ…được bố sáng lập trên « danh thiếp », văn phòng đặt tại vài khách sạn để bố chủ tọa bàn chuyện đại sự, họp hành qua loa xong là « hợp hôn » ngay tại chỗ.

Phải công nhận bố khá điển trai, ngoại ngữ Anh Pháp một bụng châm ngôn, ăn mặc lịch lãm, nói năng lưu loát bảo sao mấy mợ kia không ngây ngất vì có mợ chưa có tú tài nên thích giao du với dân lịch thiệp.

Chuyện tình mùa hè đầy thi vị, bên trời Tây mợ cày xuất mồ hôi, về cố quốc mợ lên hàng kiều nữ bảnh bao sánh vai bố du ngoạn Đà Lạt, Nha Trang… cho bỏ tháng ngày làm việc tối mặt xứ người.

Mỗi năm mợ lên áo gấm về làng cho thiên hạ giựt mình, trầm trồ khen mợ trẻ, sang trọng hơn lúc còn ở VN, mà chính mợ cũng ngạc nhiên không ngờ mình thay da đổi thịt đến chóng mặt.

Hết hè, ai về nhà nấy, công ty của bố tạm ngưng hoạt động chờ mùa sau, nhưng không vì thế mà bố thất nghiệp, với số vốn kiếm được từ dịch vụ làm ăn với mấy mợ, bố ra nghề gom thuốc tây phân phối lại cho các bạn cựu tù cải tạo mang về tỉnh bán.

Công việc gom thuốc tây không tốn tiền thuê văn phòng, không cần hội hợp lại khấm khá hơn mấy chuyến du hí kia, một năm bố có hai kiểu làm ăn không ăn nhập gì với nhau nhưng cách nào cũng mang lại lợi tức mà bố không thể bỏ qua.

Má Thảo đã quen lối sống của bố từ lâu nên không hề ghen với mẹ tôi, đàng nào thì má Thảo và anh chị sẽ chính thức đi Mỹ với bố theo tiêu chuẩn HO, đến lúc đó tự động mẹ sẽ phải chia tay với bố thôi.

Rồi ngày định mệnh cũng đến, tiễn bố ngoài phi trường Tân Sơn Nhất, mẹ bế em Mi của tôi vừa tròn sáu tháng, mặc cho mẹ khóc như mưa, khóc vật vã, bố đành quay gót tiến vào phòng cách ly, chúng tôi chia tay từ đây đường ai nấy đi.

Ba mẹ con tôi lủi thủi ra về, thằng bé năm tuổi trong tôi bỗng trưởng thành như Phù Đổng, chợt thấy cô đơn, mồ côi cha và thương cho em Mi sẽ không nhớ mặt bố vì nó đã bị bỏ rơi quá sớm.

Sau bố tôi, có ba ông « giặc kiều » đi qua cuộc đời mẹ tôi, kỷ vật tình yêu của họ là một đứa con, đứa bé do mẹ tôi cố tình mang nặng để trói chân những cuộc tình qua đường không có tương lai.

Đang xen mấy mối duyên hờ đó là những cuộc tình thuê bao của mấy lão giặc kiều đội lớp thương gia về quê du hí mà mẹ cất công tìm kiếm trên mạng với biệt danh « Tóc mây yêu anh ».

Trong lúc mẹ đi mây về gío trên mạng, tôi chạy thụt mạng đi vay tiền, chạy chợ lo cơm nước cho các em và vác mặt đi khất nợ cho mẹ đến chai mặt.

Vài chủ nợ thương cảm hoàn cảnh của thằng bé ở tuổi teen chạy nợ rành như cơm bữa nên không nỡ nặng lời với tôi.   

Sau bé Mi cùng cha với tôi, mẹ sinh em Nancy con chú Trụ giặc kiều Úc, thằng Tony con giặc kiều Tây và con bé Nụ con của cán cuốc đi hợp tác lao động chạy sang Pháp tỵ nạn sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ.

Ba ông giặc đó đều chia tay mẹ lúc các em chưa tròn hai tuổi, tôi trở thành vú em khi mẹ đi du lịch với mấy lão giặc khác về Sàigòn tìm lạc thú.

Để không bị thời gian đào thải mẹ tân trang toàn thân, mắt mũi môi, ngực mông, hai bàn tay căn tròn đầy đặn, khi chất silicone dỏm biến chất mẹ phải tốn tiền bơm hóa chất vào người để giữ dáng.

Thỉnh thoảng bố từ Mỹ trở về thăm hai anh em tôi, thấy tôi vất vả với đàn em bốn đứa, học hành dở dang, bố làm giấy bảo lãnh cho anh em tôi đi Mỹ, vì bố không có thu nhập chính thức nên chuyện đi Mỹ của anh em tôi kéo dài đến bẩy năm.

Sau này nhờ bác Lan, chị của mẹ ký tên co-sign với bố, anh em tôi mới làm thủ tục đi Mỹ, ngày tôi lên đường mẹ khóc như mưa, không vì thương nhớ tôi như ngày bố ra đi mà vì từ đây mẹ không biết nhờ ai đi vay nợ và lo cơm nước cho các em.

Tôi hứa với mẹ đến Mỹ tôi sẽ tìm việc làm và hằng tháng gửi tiền về cho mẹ sinh sống, nói cho mẹ yên lòng chứ tôi biết sức tôi khó có thể tìm tiền tỷ cho mẹ tiêu xài, mộng ước của tôi là bảo lãnh mẹ và các em đi Mỹ.

Đặt chân đến Mỹ tôi và em Mi ở nhà bác Lan, bác giới thiệu chúng tôi vào quán cơm tấm chạy bàn, bà chủ thương tình nên cho hai anh em tôi giữ riêng tiền tip, nhờ vậy mà mỗi tháng tôi gửi về VN cho mẹ vài trăm đô la để nuôi các em.

Năm sau chúng tôi xin phép bác Lan ra riêng và thuê một phòng trọ ở chung cư bên cạnh quán cơm chúng tôi làm việc.

Sau khi có bằng lái xe, tôi sắm chiếc Toyota cà tàng để đi chợ cuối tuần, thỉnh thoảng về thăm bác Lan, bác cho chúng tôi chén bát…, anh em tôi vào Good Will mua quần áo.

Ngày tôi có quốc tịch, tôi đứng khóc một mình không biết chia sẻ niềm vui này với ai, tôi chờ ngày này lâu lắm rồi, nhưng ngày trọng đại nhất sẽ là ngày tôi đón mẹ ở phi trường khi mẹ đến Mỹ.

Tôi gọi Sky về VN báo tin vui dù tôi biết mẹ sẽ không vui, mẹ không muốn đi Mỹ vì mẹ biết qua đây mẹ sẽ không được thoải mái như hiện nay với số tiền tôi gửi về mỗi tháng mẹ thanh thản rong chơi như gái độc thân.

Nhận được giấy bảo lãnh của tôi mẹ bảo phải gửi tiền gấp để làm sổ thông hành cho mẹ và hai em Tony và bé Nụ, tôi không còn lựa chọn nào là chạy u ra phố gửi tiền cho mẹ.

Kết quả cuộc phỏng vấn tại tòa đại sứ Mỹ ở Sàigòn, chỉ một mình mẹ được đi Mỹ, Tony và bé Nụ tuy ở tuổi vị thành niên nhưng là em của tôi nên không được đi Mỹ, tuy nhiên qua đây rồi mẹ có thể bảo lãnh cho hai em đi sau.

Trước khi đi Mỹ tôi phải gửi một số tiền lớn để mẹ trả nợ và để lại một số tiền ăn ở học hành của hai em giao cho bác của tôi ở Sàigòn chăm lo.

Qua Mỹ được ba tháng mẹ than thở suốt ngày, căm ghét cuộc sống ngục tù hiện tại suốt ngày ở nhà ăn ngủ và chát trên mạng, không ra đường gặp gỡ ai cả và trách tôi mang mẹ sang đây để hành hạ mẹ.

Tôi buồn lắm nhưng không giận mẹ vì tôi biết khi mẹ sang đây sẽ bị chấn động với cuộc sống tất bật bên này, ngay như tôi tối mặt với công việc không có giờ sống riêng cho mình nói gì mẹ mới qua không chịu đi làm, đúng hơn là mẹ không quen làm việc, làm sao hòa nhập vào xã hội.

Bốn tháng ngục tù qua mau, mẹ đáp máy bay về Sàigòn thăm hai em và bạn bè, vài ngàn đô dằn bóp bốc hơi cái vèo, mẹ gọi sky khóc như mưa bảo tôi gửi tiền gấp để lo cho hai em.

Gần đến ngày trở lại Mỹ mẹ bắt tôi đổi vé máy bay thêm hai tháng, tôi bận công việc nên em Mi phải lấy chuyến bay đi Sàigòn ngay để áp tải mẹ trở lại Mỹ trước khi chuyến đi VN của mẹ vượt quá thời gian hạn định vì luật mới nghiêm khắc hơn lúc trước.

Trở về Mỹ mẹ tiếp tục cày nát mấy trang mạng, giao lưu từ sáng đến tối mà « Tóc mây yêu anh », mẹ tôi, vẫn hoài công, chả có ông Mít nào chịu kết bạn với mẹ, thiên đàng xứ Mỹ mất dấu bồng lai tiên cảnh.

Đàn ông xứ Mỹ không dễ yêu như mẹ nghĩ, họ tỉnh táo lắm, không bạ đâu yêu đó, không «chơi bời» phiêu lưu vì cuộc sống ở đây tay làm hàm nhai chả có tiền viện trợ như bên nhà mà la cà quán xá yêu đương vớ vẩn.

Vài sợi tóc bạc xuất hiện báo hiệu tuổi già đang gõ cửa khiến mẹ rơi vào cơn trầm cảm, da diết nhớ ngày tháng rong chơi với đàn ông ở Sàigòn, mẹ thức suốt đêm chat, sky với VN thu gom dăm ba cuộc tình …tan.

Khi mẹ tắt máy computer cũng là lúc một ngày mới bắt đầu, mẹ như người mất hồn, lòng trống vắng đến khó ngủ, tôi chuẩn bị đi làm, mẹ vào phòng ôm gối thẫn thờ, một ngày của mẹ sầu thảm như mọi ngày.

Chỉ vài tháng xa Sàigòn mà mẹ sụt gần mười ký, tôi mua thuốc bổ mẹ đâu thèm uống, khóc than nhớ nhà, nhớ các em, nhưng thật sự mẹ nhớ ai đó bên kia đại dương chứ đàn con của mẹ làm gì có chỗ đứng trong tim mẹ.

Tôi khóc cho mẹ, người đàn bà trên năm mươi vẫn còn ngu ngơ như cô gái mới lớn, yêu cuồng điên triền miên, dù sau mỗi cuộc tình vỡ vụn vết thương lòng tan hoang lở loét, mẹ cố lao vào cuộc tình mới để vá lại trái tim rách nát.

Tôi khóc phận anh em tôi suốt đời rong rủi đuổi theo trái tim mẹ treo lơ lửng tận chân trời xa tít như đám mây xanh mà năm anh em tôi với đôi tay quá ngắn không thể nào với tới.

Mẹ tôi đi Mỹ như bị đi đày biệt xứ mà tôi là đứa bất hiếu đã cất công đưa mẹ đến nơi mẹ không mong muốn, tôi không biết mình nên vui hay buồn, chợt thấy Thiên đàng xứ Mỹ của tôi mất đi một nửa tiên cảnh.

Oct. 2017/ Đoàn Thị

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2017