SỐ 76 - THÁNG 10 NĂM 2017

 

Như nước trong nguồn

Như thường lệ mỗi tối sau khi cơm nước dọn dẹp tôi dành một chút thời gian tham gia vào thú tiêu khiển thời thượng cực kỳ hiện đại là “lướt web”. Khoảng thời gian đầu của Y2K tôi cũng biết chút ít “chit chat” qua nick của con gái, hồi ấy đối phương bên kia cứ tưởng là con bé online ai dè là “gái mẹ”. Nhưng món này đối với thời đại bây giờ được xem là chuyện “ngày xưa còn bé”. Dẫu biết thế giới nầy là ảo nhưng mỗi ngày mọi người đều phải ghé mắt nhìn vào facebook của mình ít nhất một hai tiếng vì chơi “phây” phổ thông đến nỗi ai không chơi sẽ trở thành lạc hậu quá chừng chừng. “Mù vi tính” nhưng nhờ bầy trẻ “hậu sanh khả úy” trong nhà chúng đã giải quyết hộ vợ chồng tôi tất tần tật những trở ngại. Cũng giống như lần trước, “phây” chỉ có một tên của chồng tôi. Lâu lâu tôi thả “thính” vài câu chọc phá làm thiên hạ loạn xị, mấy đứa em chẳng biết là anh hay chị đang “tám” với chúng. Hôm nay vừa mới nhảy vào “phây” của nhỏ em đã thấy nó post hình má tôi lên với status: “Đây là album hình của má mình do một nhóm phóng viên Nhật chụp làm phóng sự cách đây một năm. Hôm qua họ đã trở lại tặng cho má bộ ảnh làm kỷ niệm.” Nhìn chân dung của má, nỗi nhớ giống như mạch nước được khơi nguồn, những suy nghĩ liên quan đến cuộc đời má tôi tự nhiên dâng trào khiến cõi lòng tôi bỗng ngậm ngùi !

oOo

Hồi nhỏ khi gia đình tôi còn ở chợ quận dưới quê, tôi hay chơi trò năm mười trốn tìm với bà chị, chỗ ẩn nấp bí mật là gầm bàn của thầy giáo trong trường tư thục cạnh nhà những hôm học sinh nghỉ học. Cũng nơi này hai anh chị con ông bác lớn hơn tôi đang học lớp tư, lớp ba đóng vai làm thầy giáo; cả hai bắt tôi ngồi dưới dãy bàn học trò đọc theo nhiều lần câu “Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra..” Chỉ với hai câu đầu thôi mà họ cứ vò đầu bứt tai vì lập lại mãi tôi vẫn đọc sai câu thứ hai thành …” Nghĩa mẹ như nước trong buồng chảy ra..” Phần thưởng hấp dẫn tôi là cây kẹo bòn bon tròn vo. Tôi nhớ rất rõ là đã cố gắng đọc theo lời dạy của anh chị, nhưng không hiểu sao vẫn cứ đọc hoài không đúng ý họ. Có lẽ tôi chỉ biết cái buồng và đọc thế thôi mặc cho anh chị họ tôi sửa mãi. Sau này lớn lên nghe một cháu nhỏ gọi tên người nhà là “cô Hu” thay vì “cô Thu” mới vỡ lẽ hồi ấy có khi là mình ngọng nghịu nên đọc “nguồn” thành ra “buồng” mà anh chị không hiểu chăng ?

 Năm tôi bốn tuổi, má bồng bế ba đứa con rời quê lên ở luôn tại Saigon vì ba tôi đang làm việc nơi đây. Đến tuổi vào trường, bài học vỡ lòng của bất kỳ đứa nhỏ nào ở độ tuổi tôi hồi ấy đều thuộc làu những câu ca dao, gào ê a thật to theo nhịp thước gõ trên bàn của thầy cô:

 “Công cha như núi Thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

 Nối dài theo ngày tháng, dần dần những câu ca dao khác cũng được in vào tâm trí những đứa trẻ còn ngây thơ: “Còn cha gót đỏ như son, đến khi cha mất gót con đen sì” hay thê thảm hơn là hình ảnh: “Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi má liếm lá đầu chợ”. Hầu hết bọn học trò chúng tôi đọc như vẹt theo thói quen chứ chẳng đứa nào có chút xúc động khi biết rõ ý nghĩa, bởi khi trẻ con còn đầy đủ cha mẹ chăm sóc và được sống hạnh phúc sẽ không bao giờ biết nỗi khổ của những đứa con mất một hoặc hai đấng sinh thành! Giống như tôi cảm thấy bình thường mỗi khi nghe má nhắc “Bà ngoại mất sớm” hoặc “hồi bằng mấy đứa bây giờ má đâu có được đi học!”

 Vài lần trong giờ ăn ba hay nói: “Bữa cơm là giờ mọi người trong gia đình tụ họp gặp nhau, ba rất vui khi thấy các con xúm xít quanh bàn ăn. Ông nội chết lúc ba mới sáu tuổi, bà nội bỏ đi tu trên núi, ba về sống với ông bác ruột không con …” Ba với má chỉ thỉnh thoảng nói lửng lơ như thế! Có lẽ những quá khứ không vui khiến hai người không muốn nhắc thêm chỉ gợi lại những nỗi buồn bất hạnh.

Khi tôi khôn lớn, chắp vá những chuyện thỉnh thoảng nghe được từ đó mới có thể hình dung được đời sống thưở nhỏ của ba má mình vui hay buồn. Ba hay kể “Năm ba sáu tuổi về ở với người bác ruột giàu có nhưng không con, được ông cho đủ mọi thứ ngay cả xe đạp để chạy chơi, hồi ấy là một thứ rất hiếm cho con nít, cả chợ quận duy nhất chỉ có một chiếc sở hữu là ba. Thế nhưng mỗi chiều chiều ba bỏ hết chỉ để ngồi buồn ngóng về chân trời xa xa khóc nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ gia đình!”

 Có lẽ vì vậy chị em tôi mười đứa trong đời chưa hề bị ba tôi mắng mỏ hay đánh roi nào. Chả bù với hai thằng bạn hàng xóm bên cạnh nhà ngày nào cũng bị ba nó đánh bằng chiếc thắt lưng da mặc dù mới tám chín tuổi, lúc ấy thấy nó oằn oại tôi nghĩ chắc nó đau đớn lắm. Sau này lớn lên đọc trong sách báo biết được không có nỗi đau thể xác nào hơn được niềm đau tinh thần !

 Nếu so sánh tôi thấy má mình lại khổ hơn ba rất nhiều vì bà đã nếm trải cả hai thứ tinh thần lẫn vật chất! Tôi ít được nghe má nhắc những kỷ niệm buồn của bà nhiều bằng chị tôi, có thể vì thói quen tâm lý người mẹ thường hay tâm sự với đứa con đầu lòng. Khi tôi thắc mắc không biết mặt bà ngoại người sanh ra má, chị tôi thì thầm:

 – Mày biết không? Má nói má không còn tấm hình nào của bà ngoại vì chỉ có một tấm duy nhất trên bàn thờ đã bị bà ngoại “ghẻ” lấy đinh đóng vào hai con mắt !

Hai chị em tôi tối thứ bảy nào cũng nghe cải lương hát trên radio, cặp nghệ sĩ đóng vai Nghi Xuân, Tấn Lực bị bà mẹ ghẻ Tào thị bỏ đói, ăn mặc rách rưới và bắt đi chăn gà, vịt. Tôi hỏi chị tôi:

 – Vậy bà ngoại “ghẻ” mình có phải là Tào Thị không? Em thấy hễ ai có chữ “ghẻ” cũng đều ác hết.

 Mỗi lần má dắt chúng tôi về thăm ông ngoại tôi thấy tâm trạng mình hơi sợ khi gặp bà vì biết bà là ngoại ghẻ không phải ngoại ruột.

 Bắt đầu lên trung học, có cơ hội đọc sách của nhiều tác giả viết, tôi thích nhất là nhà văn Hồ Biểu Chánh vì hầu hết văn ông viết về xã hội, tác phẩm Mẹ ghẻ con ghẻ, Cha con nghĩa nặng v..v…, qua lời văn tôi có thể mường tượng, hình dung về đời sống của má tôi ngày xưa trong cảnh thôn làng, những mưu toan tranh chấp, cách cư xử với con chồng của những bà mẹ ghẻ ít học hồi ấy.

 Kết nối những câu kể đứt khúc, rời rạc giúp tôi biết thêm: “Má là con gái đầu lòng, cha làm thợ hàn cho xưởng đóng tàu “Ba Son” của người Pháp. Năm bảy tám tuổi mẹ mất để lại bốn đứa con một gái, ba trai. Tôi không nghe má nói lý do vì sao mẹ mình qua đời. Chưa đầy năm cha lại tục huyền với một bà có hai đứa con riêng. Má học hết lớp tư là lớp hai bây giờ thì nghỉ học ở nhà vì bà mẹ kế nói:

 – Con gái học nhiều chỉ để viết thư cho trai”.

Cũng may là má đã đọc thông viết thạo do rất thích đọc truyện Tàu bằng chữ quốc ngữ.

Nhà ông bà ngoại thuộc loại nhà vườn nằm bên kia một nhánh của sông Saigon, đi qua cầu sắt là đến vùng đất Tân Thuận, Nhà Bè. Kể từ khi mẹ mất công việc heo cúi, gà vịt, vườn tược, bếp núc một mình phải cán đáng vì bà mẹ ghẻ là tay mê bài bạc, bà canh theo giờ đánh bài khi ông ngoại vừa đi làm và có mặt ở nhà trước khi ông trở về.

 Mang tiếng là cha mình làm hãng Tây lâu năm lương cao nhưng mỗi buổi cơm trưa bốn chị em thui thủi dưới bếp chỉ được ăn cơm với một cái trứng vịt, có lần thấy em thèm quá, má lén múc nước thịt trong nồi cho các em ăn, với trí óc của một đứa con gái chưa đủ lớn nên sợ mẹ kế biết, má đã lấy thêm nước đổ bù vào! Khỏi nói cũng biết kết quả thế nào rồi, vì bà đã đo lọ nước mắm, đếm từng viên đường tán trong hủ. Nhà có bầy gà đẻ, nếu con nào trót đẻ bậy không lượm đủ trứng bà cũng đổ cho má lấy trộm để ăn. Tôi mường tượng trong mấy năm sống với bà mẹ kế chắc má khổ biết bao thật giống với câu: “Mấy đời bánh đúc có xương. Mấy đời mẹ ghẻ lại thương con chồng”.

 Những năm má bắt đầu lớn lại bị ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế Tây phương vải vóc rất hiếm hoi, nhờ làm thợ cho sở Ba Son nên lúc ấy ông ngoại được phát cho vải may quần áo. Năm ấy má mười hai tuổi là giai đoạn chuẩn bị trở thành thiếu nữ nhưng vì hiện trạng chung của xã hội, người nghèo ai cũng quần áo rách rưới đến nỗi phải mặc bằng bao bố. Không có chỉ may má phải tước sợi của bẹ trái thơm để vá quần áo. Bức bách quá cho nên má đánh bạo xin cha lần phát vải sắp đến dành cho mình một khúc để may quần. Có lẽ toàn bộ tiền bạc mọi thứ vợ kế nắm hết nên ông ngoại phải thông qua ý kiến bà. Vừa nghe được là bà giãy nẩy la hét:

 – … Tôi bỏ cái nhà này cho cha con ông ở nghen,

Ông xuôi xị:

 – Tôi chỉ nói vậy, bà không chịu thì thôi.

Người ta hay nói trong cái rủi có cái may, sau lần đó má bị bệnh rất nặng mà không có thuốc cũng không dám nói ra với cha mình! Má chỉ biết qua nhà bác Năm láng giềng bên cạnh nhờ cạo gió, bà bác nhìn đôi môi thâm tái của má chép miệng nói:

 – Mày bị “đau ban cua lưỡi trắng” rồi, tao cạo gió thấy hiện ra con cua chỉ còn thiếu vài ngoe là mày chết, tội nghiệp cho con gái chưa kịp lớn đã mồ côi mẹ !

Xóm nhà mỗi căn cách nhau một cái vườn nên ít khi chứng kiến sinh hoạt riêng tư mỗi nhà, thế nhưng khi trông thấy má bệnh bà đã đủ hiểu cảnh mẹ ghẻ con chồng má phải chịu. Ở nhà quê bệnh ban cua là một thứ bệnh hãi hùng nhất bởi nhiều người đã chết vì nó. Thấy tội nghiệp má, chiều hôm đó bác Năm đón ông ngoại trên đường đi làm về cho biết:

 – Con Hai con của ông nó đau ban cua nặng lắm đó nhen, tui cạo gió thấy hiện trên lưng rõ ràng con cua chỉ còn thiếu vài “que” thôi, nó mọc đủ là không cứu được đâu!?

Trong suy nghĩ của dân quê ít học thời ấy, bệnh thương hàn thường gọi là ban cua, thứ bệnh họ chưa biết được cái chết là do biến chứng nên lý giải bằng nguyên nhân duy nhất cua mọc đủ ngoe (chân) thì không sống được.

Ông lại về nhà nói với vợ kế điều này, bà nghe xong gạt ngang:

– Nó mà đau bịnh gì, tối ngày ở ngoài vườn hái mấy trái lý (1) ăn nên môi miệng mới đen thui vậy đó.

Cuối cùng má tôi cảm thấy không thể trông chờ được gì ở cha đành một mình quyết định cứu lấy thân. Má đón ông ngoại ngoài đường khi ông đạp xe về nhà ăn cơm trưa, má xin đi thăm người dì em chú bác với mẹ mình, nói xong không đợi ông ngoại trả lời má đi ngay lúc ấy bởi biết tính ông ngoại thế nào cũng nói với bà mẹ kế và nghe lời bà gièm siểm chắc chắn sẽ không cho má đi.

Bỏ lại ba đứa em bởi không còn cách nào khác hơn! Mạnh dạn ra đi vì má nhớ khi bà ngoại còn sống hay dẫn má đi thăm người em họ này. Bà có vựa bán trái cây tại chợ Cầu ông Lãnh, có thể má được vong linh bà ngoại phù trợ nên đã tìm đúng ngay vựa trái cây của dì ấy nhờ bà vẫn còn ở chỗ cũ không thay đổi.

  Đời của má giống như quyển vở sang trang, Dì Hai có nhiều người giúp việc buôn bán, má chỉ thỉnh thoảng ra vựa phụ giúp mỗi khi có người làm xin về thăm nhà, còn lại má chỉ có việc ngồi xe kéo đưa hai con của dì nhỏ hơn má vài tuổi đi học ở Saint Paul dì hay gọi là trường Nhà trắng do các ma soeur dạy.

Dì Hai nói với má:

 – Ba mày thiệt tệ, con gái đi cả tháng mà không thấy tới xem nó có đúng ở đây không! Rủi nó bị người ta dụ dỗ vô “nhà số” (2) thì sao ?

Má ở với dì họ của mình gần hai năm, hết Tết bạn hàng chưa khai trương, má xin về thăm cha và các em vài ngày. Lần đầu tiên về nhà má mặc áo dài bằng lụa, xách trái cây của vựa, ngồi xe kéo, cổ đeo kiềng, tay đeo lắc vàng do má mua sắm nhờ dành dụm tiền dì mình trả lương thời gian qua.

 Má về mang ngạc nhiên cho mọi người vì ngày đi là một con bé nhà quê gầy guộc xác xơ rách rưới, đói ăn. Bây giờ giống như mới vừa lột xác trở thành một thiếu nữ phổng phao, hồng hào vì no đủ. Bà mẹ kế suýt soa, trầm trồ vuốt tà áo dài lụa má đang mặc:

– Vải đẹp quá, chắc mắc tiền lắm đây, bộ bà dì này có chồng giàu dữ lắm hả ?
– Chồng dì mất lâu rồi, dì ở vậy nuôi con. Hai đứa em gái họ của con học trường Tây. Dì có vựa trái cây lớn lắm, bạn hàng rất đông, dì thuê cả toa xe lửa để chuyển trái cây cho miền ngoài.

Ông ngoại vốn kiệm lời chỉ ngồi nghe má kể vì không ngờ trong thời gian ngắn ở với dì học khôn, buôn bán mà má biết nói chuyện đối đáp một cách tự tin, đa phần là do dì của má dạy bảo, một phần cũng do môi trường sống tiếp xúc nhiều người nên má dạn dĩ cộng thêm một chút dữ dằn để không dễ bị kẻ khác bắt nạt như trước.
Sau này má thường xuyên về thăm nhà cho các em tiền ăn quà, quần áo mới để mặc đến khi má lấy chồng cũng vừa với thời gian các em mình theo nhau lớn.

Nhiều năm sau chị em tôi thêm tuổi nên hiểu chuyện nhiều hơn. Một lần tình cờ người bạn học trao cho tôi quyển bông hồng cài áo của thầy Nhất Hạnh, tôi mới nhận ra khác biệt của má mình. Có lẽ bất hạnh lớn nhất đã đến với má tôi vào thời điểm bắt đầu hình thành nhân cách một thiếu nữ! Má đã không có được tình thương bao la biển trời của mẹ để dạy dỗ hoặc bắt chước. Nhìn quanh mình chỉ thấy thể hiện sự khắc nghiệt, lời lẽ thô tục, đay nghiến hung hãn, không hề có câu nói êm dịu, yêu thương âu yếm.

Tôi nhớ nhất câu viết của thầy Nhất Hạnh đã gây cho tôi một ấn tượng xót thương má nhiều hơn: “….. một ngày nào đó bạn hãy đến bên cạnh ôm lấy mẹ, nhìn sâu vào mắt mẹ và nói câu …. Mẹ ơi, mẹ có biết con thương mẹ.....” đừng để đến khi nhận ra “.. mất mẹ là mất cả bầu trời” là đã muộn màng!.

Má là người ít học nên suy nghĩ đơn giản theo kiểu “Thương con cho roi cho vọt …” Hồi nhỏ hai chị em tôi làm sai là bị đòn để nhớ lần sau không làm thế nữa chứ má không giảng dạy bằng lời. Thế nhưng chưa bao giờ chị em tôi biết buồn có phải vì chúng tôi là con ruột của má. Tôi cảm nhận tình yêu thương lặng lẽ của má qua bàn tay sờ trán khi tôi bệnh. Hai chị em hay phàn nàn với nhau chuyện má hay dùng lời lẽ thô tục dù chỉ để thể hiện yêu thương, âu yếm. Có lần hai chị em về trễ má thể hiện sự mong ngóng bằng câu trách:

– Hai con “ngựa bà” đi đâu giờ này mới chịu về?. 

Câu nói với âm sắc đầy yêu thương kéo dài. Hình như má không có thói quen thốt lên lời lẽ hoa mỹ, đãi bôi dù chỉ với con mình. Chỉ với ba tiếng chửi “đồ … chó” là chứng tỏ má đã thể hiện việc mình rất hài lòng và thương con. Cũng may với các em sinh sau chị em tôi thì má lại không như vậy.

Tôi cũng muốn nghe lời thầy, bắt chước hành động nhìn vào mắt mẹ để nói lời yêu thương nhưng thấy khó quá bởi biết chắc má sẽ không quen như vậy! Có lẽ tình mẹ con yêu thương lẫn nhau chỉ biết ngầm thể hiện và hiểu như thế. Giống như bức tranh vẽ thiếu nữ của một nhà danh họa nổi danh “Cười mà như không cười, không cười lại giống như cười”.

Đời người rất khó đánh giá thế nào là hạnh phúc. Trong mắt tôi có lẽ Ba má tôi chung sống rất hạnh phúc bởi những cơn sóng thăng trầm của cuộc đời hai ông bà đều bên cạnh nhau. Má tôi nhờ vào thời gian ở cùng với người dì họ nên bà rất giỏi việc buôn bán. Ba tôi phần lớn nhờ má giúp mới duy trì đời sống ấm no cho cả gia đình vì lương công chức chỉ có giới hạn. Má hay than về cố tật “bao đồng” của ông, nếu không thì gia đình có đời sống mỹ mãn hơn nữa. Có phải do đặc thù quê hương làm nên tâm tính con người? Ba tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất mang ảnh hưởng của nhà nho Nguyễn đình Chiểu, tính khẳng khái quên mình của thanh niên xứ này lúc nào cũng tự hào qua những câu thơ trong truyện Lục Vân Tiên: “Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả. Lâm nguy bất cứu mạt anh hùng”. Dẫu cho… “hỏa mai làm bằng rơm con cúi … trối kệ tàu thiếc tàu đồng súng nổ.”

 Tuy không giàu có để bắt chước như Mạnh thường Quân thời Chiến Quốc nhưng ba tôi hay cư xử phóng khoáng đãi đằng bạn bè không chút tính toán đến hoàn cảnh thực tế của gia đình.

Một lần tôi thấy sự quyết liệt của má khi đồng thời một lúc bốn người đồng sự bạn chung xóm cùng được vô ngạch và truy lãnh số tiền như ba, ông tổ chức tiệc mừng đãi đằng những người này không ngại tốn kém. Sau lần này, má giận quá bà lên trên gác cắt phăng mái tóc của mình và nói với tôi: “Người ta cũng lãnh tiền như mình nhưng họ mang hết về cho vợ con họ, còn ba mày thì mang đem ra đãi họ ăn hết không cần biết vợ con còn gì để ăn không, tao cắt luôn mớ tóc này để ổng bán cho họ ăn luôn đi”. Tôi buồn nhưng tức cười vì nghĩ chắc tại má hay xem truyện xưa tích cũ kể về một người vợ cắt tóc bán lấy tiền cho chồng làm lộ phí đi thi, tôi định trêu bà: “má ơi thời buổi này ai mà mua tóc nữa” nhưng không dám.

 Cũng vậy, “giang sơn dễ đổi, bản tính nan di” vì sự phóng khoáng với bạn bè của ba mà má tôi lúc nào cũng phải gồng gánh chịu cực hơn người, bà giống như thân cò lặn lội bờ sông điển hình của văn chương miêu tả về người phụ nữ Việt Nam.

 Sống với nhau hầu như má tôi luôn “càm ràm” ba về tính tình nhẹ dạ hay tin người vì ông luôn luôn nghĩ ai cũng tốt và bất vụ lợi như ông. Ngày ba tôi mất hơn chục năm trước tôi chỉ kịp về nhìn mặt ba lần cuối, trước đó hai tháng tôi cũng đã về thăm và chỉ ở chơi với ba mình một tháng. Người già nào cũng chỉ nhớ nhiều về quá khứ, đôi lúc ông nhận ra khi tôi nhắc tên mình, đi cùng có cả gia đình con gái tôi về thăm ông ngoại không ngờ lại là lần gặp cuối cùng.

 Người đời hay nói “Trẻ có khổ cực về già mới sướng”. Tử vi bói toán cũng hay nói thế nhưng riêng tôi thì không tin vậy bởi đa phần những người hay làm đều ít khi chịu ngồi không hưởng an nhàn, thói quen làm việc đã ăn sâu thành cố tật. Mọi người quanh phố đều quen mắt với hình ảnh một bà cụ già tuổi gần chín mươi vẫn còn nhanh nhẹn buôn bán. Bà bày một quầy bán thuốc lá, thẻ phone, kẹo bánh, nhiều khách nước ngoài đi qua ghé vào mua vài chai nước mang theo má vẫn tính toán rành rẽ không sai chạy.

 Năm ấy về thăm nhà tình cờ tôi gặp một nhóm người Nhật có lẽ đang làm phóng sự về người cao tuổi, họ trông thấy má tôi bèn ngừng lại chụp ảnh, quay phim. Tuy đoàn có thông dịch nhưng nhờ vợ chồng tôi có mặt nên họ đã hỏi han nhiều về má, về tên họ, tuổi tác và những gì muốn biết về con cái và hoàn cảnh gia đình bà cụ, té ra bà không phải nghèo nàn, khổ cực buôn bán mà chỉ vì không chịu ngồi không.

 Giờ nhìn quyển album họ ghi lại hình ảnh và gửi tặng từ Nhật cho má, tôi thấy cay mắt. Bàn tay nhăn nheo của má đang pha ly cà phê, ánh mắt nhìn xuống và nụ cười móm thẹn thùng khi tôi pha trò với nhóm người Nhật “Hôm nay má tôi được làm movie star nhé”. Qua bộ ảnh tôi nhận ra nụ cười hạnh phúc, nét mặt nhẹ nhõm không chút ưu tư vướng bận buồn phiền của má, tất cả được họ lưu giữ trong tuyển tập, dàn trải một cách nghệ thuật, cô đọng những hình ảnh giữa không gian và thời gian, giúp cho tôi có dịp nhìn rõ ràng và kỹ càng từng nếp nhăn trên khuôn mặt má tôi. Giờ tôi có thể nhìn thấy má không chỉ qua hình ảnh và ngay cả ngoài đời sống thực tại, cả hai còn song song được bao lâu nữa. Tôi bỗng nhớ trong “Bông hồng cài áo” năm xưa tôi đã đọc, có đoạn nói về mẹ là “…. Một bầu trời thương yêu dịu ngọt, lâu quá mình đã bơi lội trong đó, sung sướng mà không hay …”

 Mùa hè năm nay cùng nhau ước hẹn, tất cả con cháu ở khắp nơi xa gần đều về tề tựu cùng nhau làm lễ thượng thọ cho má. Buổi sáng lễ chúc thọ má chín mươi tổ chức trang trọng ở chùa để má cúng dường chư tăng với sự chúng kiến của quý Hòa thượng, Thượng tọa và Đại đức ngồi kín hai dãy bàn. Buổi tối tiệc mời khoản đãi bà con họ hàng con cháu bạn bè xa gần tổ chức trong sảnh đường khách sạn nhà hàng của em tôi. Tôi biết má tôi vui lắm má nói với tôi là má rất mãn nguyện vì ngày hôm nay má đã hoàn thành tâm nguyện cả đời của mình.

oOo

 Cách nhau nửa vòng trái đất tôi chỉ biết dõi theo má qua tin tức mấy đứa em, mỗi năm tôi chỉ về thăm bà một tháng dù lòng muốn ở lâu hơn vẫn không thể bởi câu: “Mưa chỉ từ trên trời rơi xuống, có bao giờ dưới đất mưa lên.. và nước mắt chỉ có chảy xuôi..!”. Một đời cha mẹ lo cho con để rồi sau đó chúng lo lại cho các con của chúng, hết con rồi đến cháu. Luân lý ngàn đời là vậy không ai thoát ra ngoài quy luật tuần hoàn của vũ trụ. Gói ghém những ngày ở lại thăm má, cố gắng nấu bữa cơm ăn với bà cho vui thêm được ngày nào hay ngày đó! Mỗi lần về thấy má tôi lưng còng hơn bởi tuổi hạc nhiều dần tôi càng thấm thía câu “Mẹ già như trái chín cây, gió đưa mẹ rụng biết ngày nào đây”. “Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ”. Tình cha như núi cao, nghĩa mẹ như biển rộng, như nước trên nguồn tuôn chảy không vơi. Tiếc thay khi con cái nhận ra thì quỹ thời gian của cha mẹ đã không còn bao nhiêu. Ai cũng sợ sệt lo âu cho điều tuy chưa đến nhưng chắc chắn sẽ phải đến và tôi biết mình cũng sẽ không sao tránh khỏi !

Vu Lan năm nay tôi còn được cài đóa hoa hồng lên áo là một hạnh phúc to lớn biết ngần nào, tôi mong mình được diễm phúc sung sướng mỗi năm cài một đóa hồng mãi bền lâu.

Cỏ Biển
Vu lan 2017


(1) Họ trái cây giống trái mận nhưng ăn vào chát ngắt.

(2) Động mãi dâm phục vụ lính Pháp.

 

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2017