SỐ 77 - THÁNG 1 NĂM 2018

Cái nghiệp văn chương

Huỳnh Kim Khanh

Trong cuộc đời này, đôi khi có những cái xảy đến ngoài dự định của mình. Chính vì thế có người cho rằng mỗi cá nhân sinh ra đời đều mang theo một cái nghiệp. Sau này tôi có nghe một cái từ gọi là “nghiệp dư” chắc cũng để nói đến điều đó.

Từ lúc tuổi nhỏ, khi biết đọc sách, tôi thường đọc những cuốn sách cũ đã bị mất bìa gọi là Quốc văn giáo khoa thư. Trong đó là những đoạn văn trích từ các tác giả nổi tiếng thời đó như Thanh Tịnh, Thạch Lam, Khái Hưng, Nhất Linh v..v…Cổ văn thì có nhiều nhà văn thơ cổ điển như Nguyễn Du, Đoàn thị Điểm, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ôn Như Hầu v..v…

Tôi cứ nghiền ngẫm đọc tới đọc lui đến đổi thuộc luôn cả lời văn trong những đoản văn được trích từ các tác giả đó.
Hai đoản văn làm tôi nhớ mãi, một là của Thanh Tịnh mô tả buổi học đâu tiên đầy kỷ niệm của tác giả và một đoản văn tả người cô độc, hình như của Ngọc Giao.
Bài của Thanh Tịnh bắt đầu bằng:

- Hằng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường…

Bài của Ngọc Giao thì bắt đầu bằng:

- Người cô độc ấy từ một gian nhà nhỏ chui ra, đi lang thang tên bãi cát. Hắn đến ngồi lên một tảng đá, móc túi lấy nắm cơm khô. Ăn xong, hắn lơ đãng nhìn ra biển cả.  Bình minh chưa đuổi hết hơi sương. Gió bấc mang khí lạnh về cho mây nước. Mây, nước, chỉ toàn mây với nước vì vùng duyên hải ấy tịch liêu, không một vết chân người…

Sự yêu thích văn chương, bắt đầu từ tuổi nhỏ ngây thơ đó. Thế rồi lớn lên hơn tí nữa, khi tôi có dịp đọc những sách dành cho người lớn của các tác giả như Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần v..v.. về văn chương và triết học, tôi nhận ra rằng muốn hiểu thấu tiếng Việt, tôi phải hiểu tiếng Hán Việt. Phải đợi đến thập niên sáu mươi, khi có phong trào học văn chương cổ điển đột phát ở Sài gòn với sự xuất bản của nhiều sách hữu ích cho việc nghiên cứu văn học, tôi mới quyết chí tự học chữ Nho từ các sách của Trần Trọng San, Đào Mộng Nam, và Nguyẽn văn Ba.

Có thể nói văn chương là một trong nhiều đam mê tuổi nhỏ của tôi. Ngoài ra tôi còn có một cái óc tò mò thích học hỏi nhiều bộ môn. Chính vì thế mà khi đi học, tôi hay học những bộ môn ngoài lề, nên những môn chính chỉ học vừa đủ không để phải thi trượt mà thôi. Nhưng nói đên môn Việt văn, hầu như lúc nào tôi cũng đậu cao hơn các bạn cùng lớp. Tôi nhớ hồi ở lớp đệ luc, trường Võ Trường Toản, lần thi luận văn cuối khóa có đề tài “Lưu Nguyễn nhập thiên thai” mà thầy Minh đã thuyết trình và chuẩn bị cho lớp một tuần trước đó, tuy không khó cả lớp biết đó sẽ là đề tài chính trong kỳ thi bán kết. Khổ nỗi, tuần đó tôi lại nghỉ học vì lý do nào đó. Kết quả là trong khi thi, thằng bạn Tây lai ngồi cạnh tôi tên Hiền phải kể cấp tốc cho tôi nghe câu chuyện Lưu Nguyễn nhập thiên thai! Thế mà kỳ thi đó, tôi được giải nhất mới chết. Khi trả bài thi lại cho mọi học trò trong lớp, thầy Minh bắt tôi phải đứng giữa lớp đọc bài luân văn của tôi cho mọi người nghe. Từ đó về sau, không những thầy Minh mà nhiều thầy cô sau đó của những lớp kế tiếp coi tôi là “học trò cưng”, nhất là đối với cô Sang dạy Việt văn năm đệ tứ.

Sau này khi sang Canada tôi có gặp lại cô Sang một hai lần trên phố Montreal.

Khi tôi bắt đầu tự hóc chữ Hán ở Sài Gòn cũng là lúc tôi gặp người tình Gia Long. Tôi nói với cô là cho tôi hai năm, tôi sẽ học xong chữ Hán và sẽ làm thơ bằng chữ Hán. Quả nhiên, hai năm sau, tôi thực hiện điều đó, nhưng vận nước đổi thay và hai đứa tôi mỗi người một ngã.

Cũng vì ham học ngoài lề mà đáng lẽ tôi ra trường y khoa làm bác sỹ, nhưng lại đi Mỹ làm sĩ quan OCS. Cũng vì học y khoa và thi trượt mà tôi mới gặp được người tình Gia Long. Và như đã nói, trong đời đôi khi mình tính mà thành hay không còn có số mệnh, hay nói khác đi, mỗi người có một cái nghiệp.

Thông thạo chữ Hán cũng có nhiều cái lợi. Sang Canada tôi có dịp mua những sách tiếng Tàu ở Toronto khi đi công tác cho hãng CN, nói về những bộ môn như tử vi, địa lý, dịch lý và các áng văn cổ điển của Trung Hoa như Tây Du Ký, Hồng Lâu Mộng v..v… Đọc các sách tử vi của Hồng Kông và Đài Loan tôi mới mở rộng tầm mắt về bộ môn này và mới biết đa số sách tử vi ở Việt Nam thời trước đều dựa trên các sách xuất bản ở Hồng Kông, do đó hoàn toàn không giống quan niệm mới của các sách xuất bản từ Đài Loan. Ngoài ra, cũng nhờ hiểu chữ Hán, tôi mới có duyên đọc các bộ kinh Đại thừa như Kim Cang, A Di Đà, Vô Lượng Thọ, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa…

Hồi học đệ tam Võ Trường Toản, có thầy khuyên tôi ráng đọc và tìm hiểu Truyện Kiều.

Thật tình mà nói, từ lúc biết đọc thơ và làm thơ, tôi không thích thể thơ lục bát cho lắm. Thế nhưng sau này, càng nghiên cứu và hiểu Kiều, tôi càng khâm phục thi tài của thi hào Nguyễn Du. Thể thơ luc bát và song thất lục bát là hai thể thơ đặc thù của Việt Nam. Thơ lục bát thì tương đối dễ làm. Thế nhưng làm thơ lục bát cho hay là cả một vấn đề khác hoàn toàn.

Hồi đó trường Võ Trường Toản có bốn lớp ban B. Vì khi thi tuyển váo trường, tối nằm hạng gần chót, chỉ hơn những thí sinh khác chừng hai mươi mấy chỗ, cho nên tôi thuộc lớp B4.

Lớp B4 có nickname là bê bối và cũng là lớp có nhiều du côn, du đãng nhất trường. Võ Trường Toản và Cao Thắng kỹ thuật là hai trường kỳ phùng địch thủ của nhau. Có lẽ các câu trai của hai trường này muốn thi nhau để lấy lòng các em Trưng Vương. Võ Trường Toản có lợi thế là nằm cạnh trường Trưng Vương, cạnh vườn bách thảo Sài Gòn, nơi hẹn hò thích hợp của đám học sinh thời đó. Theo chỗ tôi hiểu thì các em Trưng Vương lại mê các chàng học Chu Văn An.

Kỳ sinh viên và học sinh biểu tình chống chính phủ Ngô Đình Diệm thì lớp đệ tam B4 của tôi bị công an, cảnh sát giả chiến hốt gần hết. Sau vụ đó hai lớp B3 và B4 bị thuyên chuyển sang Chu Văn An để nhường chỗ cho hai lớp từ Trường Trần Lục qua. Thế là không hẹn mà tự nhiên tôi được học hai trường. Cũng vì học Chu Văn An, tôi mới có dịp biết thầy Vũ Hoàng Chương, đang dạy Việt văn ở đó, mặc dù tôi không có duyên học với thầy.

Tôi nhớ lúc ở Sài Gòn thập niên sáu mươi, giữa phong trào học hỏi văn chương, tự do báo chí, tôi đã đọc và say mê những tác phẩm thời thượng như Yêu của Chu Tử, Vòng tay học trò của Nguyễn thị Hoàng. Tôi đã mê thơ Vũ Hoàng Chương cũng khoảng thời điểm đó.

Trở lại những ngày học đệ lục, đệ ngũ đến đệ tứ, sau khi được thầy Minh chọn làm học sinh gương mẫu của các lớp Việt văn, một thằng bạn học lớp B1 tên Việt ngưỡng mộ tôi và tình nguyện đưa đón tôi đi học mỗi ngày bằng xe đạp. Gia đình nó có một tiệm xe đạp trên đường Đinh Tiên Hoàng, Dakao. Tôì thì ở trọ nhà bà dì ở trên đường Trần Quang Khải.

Khi sang Canada năm 1975, tôi gặp lại thằng bạn này ở Motreal. Nó đi du học chương trình Colombo. Còn tôi thì học dỡ chương trình Y khoa, đi lính, đi OCS, theo tàu hải quân di tản cũng gặp lại nhau trên xứ người. Sau đó nó mời tôi hợp tác viết lách cho một tờ báo của nó.

Tôi bắt đầu bằng những bài thơ và vài bài bình luận chính trị, quân sự rồi cứ thế hợp tác với nó được sáu năm. Lúc đó, làm báo rất khổ sở vì chưa dùng computer mà chỉ đánh máy rồi tìm cách chuyển bài in ở Toronto rồi phân phát ở các thành phố lớn ở Canada. Có một tập thơ tuyển tập từ mười ba tác giả, trong đó có tôi và vài tác giả như Vũ Kiện, Bắc Phong, Trang  Châu. Phải tám năm sau khi tới Canada, tôi mới biết diễn đàn OCS của chúng ta và bắt đầu viết bài cho Biển Khơi và các đặc san đại hội. Ra hải ngoại thì nếu chịu khó học hỏi, sẽ có nhiều cơ hội và phương tiện. Sách Anh, Mỹ và Pháp thì đầy dẫy, tha hồ mà đọc và nghiên cứu. Tác giả Anh thì tôi thích John LeCarré, Ken Follett. Riêng các tác giả của Canada thì có hai bà Margaret Atwood và Alice Monroe. Mỹ thì tôi thích đọc Robert Ludlum, Dean Koontz, Peter Straub, Tom Rob Smith, Vince Flynn, John Grisham, William Faulkner, Greg Isles, Anne Rice, Margaret Michell, George R.R. Martin. Pháp thì đa số là những tác giả cổ điển như Guy de Maupassant, Émile Zola, Alexandre Dumas, St-Exupéry …và vài tác giả Québecois như Anne Hehert. Duy có một tác giả người Úc Colleen Mc Cullough với tác phẩm nổi tiếng The Thorn Birds thì tôi có đọc cả bản chính và bản dịch tiếng Pháp vì tình cờ ( Thật ra tôi mua đọc cuốn Les Oiseaux se cahent pour mourir trước khi đọc bản gốc tiếng Anh). Có người nói tôi là con mọt sách, cũng có người bạn thân nói tôi sẽ chết vì bị sách đè. Lối hành văn của Mỹ và Pháp khác nhau rất nhiều, nhưng trong mỗi cách có cái hay riêng, đáng học hỏi. Theo tôi thấy thì khi viết văn, các tác giả Anh, Mỹ và Pháp có vẻ tự nhiên hơn khi tả những bộ phận trong cơ thể, trong khi đó khi viết văn tiếng Việt, người ta có vẻ gò bó hơn, một phần là vì độc giả. Dĩ nhiên mỗi xứ và mỗi tác giả có lối viết riêng rẽ, đặc thù. Khi viết văn, mỗi người viết cảm thấy thoải mái trong một phạm vi cá nhân nào đó. Trong những áng văn chương cổ điển của Việt Nam có Chinh Phụ Ngâm Khúc của Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm, một Hán, một Nôm mà mỗi bản đều có cái hay trác tuyệt riêng. Truyện Kiều là một trường thiên tiểu thuyết viết bằng thể thơ lục bát. Muốn thấu hiểu truyện Kiều, người đọc cần phài tra cứu nhiều điển tích. Truyện Kiều cũng là một áng văn chương kiệt tác hàm chứa môt nhân sinh quan cổ kính Việt Nam, có nghiệp báo, có nhân, có quả. Kiều là đấng hồng nhan bạc mệnh, tài sắc vẹn toàn nhưng số phận lận đận, tình duyên lận đận. Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau. Truyện Kiều đã hay mà những bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du lại càng thâm thúy hơn. Trong những bài thơ chữ Hán này, Nguyễn Du có lối dùng chữ rất độc đáo, hay hơn cả những thi hào Trung quốc, theo thiển ý của tôi.

Mới đầu tôi định chỉ làm thơ mà không viết văn. Nhưng dần dà vì hoàn cảnh, tôi bắt đầu sáng tác những truyện dài đăng nhiều ký, mỗi kỳ chỉ vài ba trang báo. Thường thì tôi đợi đến phút cuối gần đến hạn nộp bài mới viết. Và tôi viết không cấn viết nháp trước, cứ viết theo ngẫu hứng. Chính vì thế, có khi tôi quên đi những chi tiết về một nhân vật nào đó trong câu chuyện đã đăng trong những số trước, có khi phải lục lọi trở lại rất tốn thì giờ. Do đó có khi rỗi phải ngồi lại kiểm thảo và làm lại một road map để khỏi bị hố. Loạt bài Nguyễn Du rất dài, bắt đầu từ tiểu sử tác giả và cứ thế lần lượt giới thiệu những tác phẩm chính như văn tế thập loại chúng sinh, truyện Kiều, những bài thơ chữ Hán v..v…Loạt bài Vô Tình Cốc tôi dùng một cái nhan đề đã đọc từ một trong những bộ kiếm hiệp xuất bản ở Sài Gòn thời trước nhưng hoàn toàn không dính dáng về bộ truyện dịch từ sách Hồng Kông thơì đó mà hoàn toàn do trí tưởng tuợng của tôi. Các truyện dài sau đó như Người Đàn Bà Dốc Tuyết, Tân Liêu Trai, Đàn Kiếm Giang Hồ, Ánh Đèn Màu cũng đều qua trí tưởng tượng mà viết mặc dù đôi khi có những bối cảnh, tên tuổi nhân vật có vẻ địa phương.

Hồi ở Việt Nam, tôi đã mê thơ Vũ Hoàng Chương. Tôi nhớ có đọc một bài thơ gọi là Y Sa. Hồi đó tôi nhớ Y Sa là tên một người đàn bà nào đó có lẽ ông đã tình cờ gặp trong chuyến hội đàm về thơ ở Âu Châu, có lẽ là ở Ý. Mấy hôm gần đây, tôi tìm trên net có tìm ra bài thơ đó, xin trích ra vài đoạn:


Chén vàng men cháy những phong ba
Điên đảo ngàn phương giấc mộng ngà
Xanh tuổi trăng tròn xanh bát ngát
Trời xanh chết đuối mắt Y Sa

Nguyệt tỏ mười lăm chuốc chén đầy
Gió reo song múa vị đời say
Bước lên nàng đón chào thi hứng
Mở trọn hương màu đôi cánh tay

Hồng nhạn truyền tin báo Hội-Thơ
Mây bay trắng lụa ruỗi vàng tơ
Bỗng dưng mái tóc nàng mơ hoặc
Mây bỏ trời xanh tự bấy giờ

Tình cờ cách đây không lâu, bạn Võ Anh Tuấn có viết một bài về Issa, một thi hào Nhật bản làm tôi nhớ đến nhân vật Y Sa của Vũ Hoàng Chương. Vì cũng muốn tìm hiểu thêm về Issa của Nhật, tôi đặt mua từ Amazon cuốn sách cùng nhan đề. Xem hình thì thấy đề sách bằng chữ Hán “Tiểu Lâm Nhất Trà” có nghĩa Một trà nơi rừng nhỏ. Vì không biết Nhất Trà cũng là tên hiệu của thi sỹ Issa của Nhật mà lối phát âm Issa của Nhật cũng giống Y chà( trà)  của Quan Thoại có nghĩa là Nhất Trà tức tên hiệu Issa của Nhât. Khi nhận xong quyển sách tôi mới khám phá ra rắng sách viết bằng tiếng Nhật cổ điển, viết cho người Nhật đọc. Vì là tiếng Nhật cổ điển nên có nhiều chữ Hán trong đó lẫn những từ Nhật mà tôi chỉ có thể đọc một phần theo phiên âm cơ bản, nhưng không hiểu nghĩa. Tiếng Nhật thì tôi mới bắt đầu học về ba hệ thống Hirogana, Kantagana và Kanji, học sau quên trước. Do đó, tôi chỉ biết ra Issa là Nhất Trà (Một tách Trà) và cũng là tên hiệu của thi sỹ Nhật. Thế có nghĩa để đọc cuốn sách này, tôi phải học cho xong tiếng Nhật nữa. Học một ngôn ngữ như Nhật, Quan Thoại, Quảng Đông rất khó vì phải học viết, đọc và nói. Theo kinh nghiệm bản thân phải cần ít nhất ba năm đến mườì, hai mươi năm. Ngay cả những tiếng như Anh Pháp, tương đối dễ hơn mà tôi đã học từ Việt Nam, sang đến đây học thêm và có dịp thực tập hằng ngày, thế mà phải đợi sau hai mươi năm mới nghe và hiểu ngay cá xướng ngôn viên truyền hình hay những video clips online và những bài hát của các ca sỹ nỗi tiếng của Pháp và Mỹ như Dalida, Mireille Mathieu, Enrico Macias, Oliviar Newton John, Abba, Andy Williams, Tom Jones, Sherly Bassey v..v…Chữ Tàu thì hầu như phải tiếp tục học cả đời, nếu không sẽ từ từ quên hết.

Có những cái chúng ta không bao giờ quên được dù có trải qua nhiều thời gian. Tôi nhớ hồi trẻ đọc được một bài thơ của ai đó có lẽ là lính chiến viết về cuộc gặp gỡ của anh lính và một cô gái trẻ miền cao nguyên trong một chuyến quân hành. Anh mang mối tình câm lặng ra đi. Khi trở lại một thời gian sau đó thì biết rằng người con gái trẻ đó đã chết vì bom đạn của giặc thù!

Hoa trắng ngày xưa

Năm ấy em 13
Mắt còn xanh biển cả
Môi em hồng chớm nụ
Đường trần gian chưa lạc nẻo yêu đương

Tôi gặp em một sớm quân hành
Mùa Xuân đó ghé nhà em ăn Tết
Ba ngày nghỉ là ba ngày tha thiết
Tình yêu em, em gái nhỏ ngây thơ

Rồi lại ra đi khép lặng tình điên
Lòng vẫn hẹn một mùa Xuân trở lại

Bây giờ em 17
Tôi trở về đây để hẹn hò
Nào hay em chết, hờn binh lửa
Giặc giết em rồi, vỡ giấc mơ

Em ơi chiều rừng núi
Gió lạnh căm căm, sương mù giăng tức tửi
Nằm đây ư,
Nghĩa địa ngắt hoang vu?
Tôi bắt bướm, hái hoa kết vòng hoa tang trắng
Hồn tôi đó, ôm mồ em lạnh lẽo
Này bướm, này hoa, hoa trắng ngày xưa

Bài thơ còn dài hơn, nhưng tôi chỉ còn nhớ đại khái chừng đó. Tôi cũng không biết tác giả của bài thơ đó là ai. Bài thơ có vẻ phóng khoáng và theo thể tự do.

Văn cũng như thơ, mà nhất là thơ, một khi đã làm mình cảm và rung động được thì thơ mới hay. Hồi trẻ đọc thơ có lúc tôi mê những nhà thơ như Nguyễn Bính, Lưu Trong Lư, Hàn mặc Tử, Kiên Giang Hà Huy Hà, Đinh Hùng…nhưng dần dà lại hết thích thơ của những nhà đó. Còn thơ Nguyễn Du và Vũ Hoàng Chương thì đọc hoài không thấy chán. Tôi làm thơ mới đầu thì dòng đủ thể điệu như năm chữ, bảy chữ, tám chữ, sáu chữ, lục bát…nhưng dần dà chỉ thích làm thơ sáu chữ và bảy chữ. Thơ Việt của tôi thường nói về tình yêu và những nét đẹp của đàn bà. Còn khi làm thơ chữ Hán thì thường là về cảnh và tình với thiên nhiên, vũ trụ. Có lẽ tôi bị ảnh hưởng của thơ đường và của những bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Về văn thì tôi có lối viết tùy hứng, đôi khi chú trọng chi tiết, đôi khi vì muốn kể chuyện nhanh hơn nên chỉ tả phớt qua và không chú trọng chi tiết gì cho lắm.

Nguyễn Du bốn mươi chin tuổi thì mất. Thiên tài thì hay yểu mệnh, nhiều nghệ sỹ khác cũng chết ở tuổi bốn mươi mấy, như Đặng Lệ Quân( 42),  Michael Jackson( 49) chẳng hạn.

Ở tuổi bảy mươi mà còn viết làng nhàng những dòng này, chứng tỏ tài viết lách của tôi cũng không xuất sắc gì cho lắm, mà chỉ tạm chấp nhận được mà thôi. Muốn tiếp tục viết lách thì chắc tôi sẽ phải tiếp tục đọc sách nhiều hơn bất cứ những ngôn ngữ nào tôi đã từng học hỏi.

Nói về lối làm thơ thì đôi khi tôi chợt hứng, bèn viết ra vài câu, rồi bỏ đó, quên bẵng đi cho đến một lúc tình cờ nào đó, chợt đọc lại rồi viết tiếp cho đến khi kết thúc bài thơ. Cũng có nhiều khi tôi sáng tác liên tục mấy bài liền. Có hai bài mà tôi cứ thường đáo đi đáo lại là bài Men Khói Liêu Trai và Lạc lối Đào Nguyên. Có lẽ đó là hai bài mà tôi thích nhất.

Bài thứ nhất bắt đầu bằng:

Lá dậy men rừng nguyệt úa thu
Buồn gieo từng giọt nến tương tư
Hôn mê xác tục mơ hồn bướm
Ta giở từng trang sách họ Bồ

Em gái lầu hoang đêm phai sương
Hay là ca kỹ bến Tầm Dương
Đêm nao trăng đọng bờ hư ảo
Em đến bằng nhan sắc dị thường?

Bài thứ hai khởi đầu bằng:

Có phải đêm nay đúng độ rằm
Mà sao trăng đẹp vẻ mười lăm?
Em xem kía một dòng sông trắng
Trôi mãi không về biệt bóng tăm

Ta nắm tay em bước xuống thuyền
Đêm nay mình sẽ đến Đào Nguyên
Em nên mặc áo không màu sắc
Ta muốn nhìn em đẹp tự nhiên

Quí vị có thể xem đây như một bài tự tình về văn chương, viết để tâm sự chứ không phải để khoe khoang điều gì. Bắt đầu bằng sự yêu chuộng thơ văn tự nhiên rồi đến ý thức muốn trao dồi tiếng Việt của mình bằng cách tự học chữ Hán. Rồi cứ thế mà học hỏi, trao dồi về ngôn ngữ và tiếp tục đọc càng nhiều càng tốt những áng văn hay của các tác giả nổi tiếng…Sự viết lách đến một cách tự nhiên. Văn và thơ phải có sự cảm và ứng giữa người viết và kẻ đọc. Hy vọng cũng có vài  người cảm được thơ của tôi. Nếu chẳng ai thích và cảm cũng không sao. Dù sao đi nữa, tôi cũng sẽ tiếp tục làm thơ cũng giống như một con tằm cứ nhả tơ một cách vô tư, vì một khi đã mang vào cái nghiệp văn chương thì e rằng khó dứt bỏ.

Huỳnh Kim Khanh
2018.01.25

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2017