SỐ 77 - THÁNG 1 NĂM 2018

Hồ Đình Nghiêm đọc Bắt Nắng của Vũ Hoàng Thư

thu đi có lạnh chút lòng ?
nắng mô chợt ấm thư phòng bữa tê

 http://www.gio-o.com/VuHoangThu/Bat_Nang_cover_1.JPG

Ở Huế, Trịnh Công Sơn có Nắng Thuỷ Tinh.

Ở California, Vũ Hoàng Thư có Bắt Nắng.

Ở đây, thu sớm già, nắng thoi thóp, như dùng hơi tàn chờ bàn giao mùa tuyết về vùi chôn. Tôi nhớ chút nắng quái còn vướng đọt xanh trên thành quách Đại Nội ngày xưa, nó bò khỏi màu rêu vĩnh cửu rồi mất tăm vào chân mây tím u uất đọng vũng núi xa. Làm sao bắt nắng? Làm gì có nắng thuỷ tinh? Chuyện đó nào quan trọng, cái tôi đang bợn lòng chẳng có gì thâm sâu, chỉ đơm ý nghĩ là cả hai “chuyên gia” về nắng kia cũng là người đồng hương với tôi. Nắng ở Huế ra sao mà xa ngàn dặm có người làm thơ còn tơ tưởng đòi bắt nó? Chút Huế, chút Nha Trang, chút Fountain Valley. Màu nắng có như màu mắt em? Cành Phượng khoe sắc giữa hạ huyền.

Hữu xạ tự nhiên hương. Vũ Hoàng Thư từng một lần bị tôi quấy nhiễu. Tháng 7 vừa rồi tôi đã “tự nhiên” đòi bắt anh, đòi thò tay qua biển rộng để níu áo một eng người mền chưa từng chộ mặt. Bạn có bao giờ gây lỗi lầm? Tôi đã sơ sót, địa phương chúng tôi có chữ thật đắt: Thày Lay. Do đâu? Do hôm nay, cuối tháng 10, qua bưu điện tôi nhận được tập tản văn thi Bắt Nắng của Vũ Hoàng Thư ký tặng. Giá mà nắng đổ chan hoà mùa hè nhuộm vàng toàn thân tôi, thì bài phỏng vấn kia đã khác hẳn. Tôi đã thày lay ham bước sớm gần một mùa. Hơi bị hớ. Mền không khôn mô tề!

Con dấu bưu cục bên Cali đóng triện: OCT 20. 2017. Chao ơi, nhìn con mộc ấy mà luống những ngậm ngùi. Các bạn không biết đó thôi, ngày tháng tôi sinh ra y bon với con số ấy; nôm na là ngày “thôi nôi”, bị mụ bà bắt lộn vào ngày phụ nữ việt nam, tôi nhận duy nhất món quà mừng tuổi của chủ nhân Bắt Nắng từ ngàn trùng gửi sang. Phong bao vàng, nặng, nhốt đủ gió, nắng, biển và một lượng sóng lớn: Chút duyên văn nghệ (như chữ anh viết). Ngày Hai Mươi, anh đã gửi trước bài Chúc Mừng Sinh Nhật (nói có sách, mách có chứng):

ngày ôn ra, mềnh làm nghiêm
tửu đình cao cất chén lên nghinh hồ!
có cọ quẹt vẽ vài cô
múa bút chơi gõ vài bồ văn chương
dăm câu thơ mềnh mở đường
thi trung hoạ hay hoạ thường có thơ?
vui thôi hớ, có chi mô
ngày sinh nhật mừng Ôn Hồ Đình Nghiêm.

Chúng tôi yêu quí thứ duyên văn nghệ ấy và cố giữ gìn, quyết không để rơi vào thứ “văn nghệ văn gừng” mà người bạn cũ Nguyễn Thanh Văn ở Sài Gòn bỏ công viết, đăng từng kỳ trên Văn Việt nhằm chỉ trích những sai lầm nghiêm trọng mà chúng sinh lỡ mắc phải.

Sỡ dĩ tôi nói đã thày lay, hơi bị hớ vì lúc đó tôi chưa kịp nhìn ra đôi cánh con chuồn chuồn vừa từ tay Vũ Hoàng Thư thả cho bay vào màu nắng. Và vì chói mắt đã không kịp đọc lời của anh Thi Vũ: “Bắt Nắng dựng một trời thơ giữa nguồn thơ, dựng một quê hương giữa lòng người. Bắt Nắng là bao điều tưởng mất, bỗng nhiên còn, nhờ cái thoát vượt của mạch nhớ, suy tưởng và văn tài… Từ mất quê hương trên mặt đất, Vũ Hoàng Thư tìm thấy quê hương trong tâm hồn, trong chữ nghĩa, dàn trận thành mạch văn…”

Anh Thi Vũ, một nhà thơ thông tuệ, với nhãn quang tinh tường anh đã nhìn ra những trang viết đậm chất niệm tưởng của Vũ Hoàng Thư. Đôi khi lòng nhớ chốn xưa, tôi đã hụt hơi, không đủ sức dựng được một ảnh hình như Vũ Hoàng Thư: “Phía đó Thành Nội nung nóng trên bờ tường rêu. Hồ sen đứng gió mặt phẳng lì”. Hai dòng ngắn đọc lên như thơ, hình dung tới một cõi lặng, chịu đựng trong câm tiếng, chết trân. Ở đoạn khác: “Âm ỉ trong tôi những mảnh rời mọc cánh, bay đậu đó đây của loài bướm hè. Cánh bướm nhẹ và thảnh thơi, những con bướm nhởn nhơ suốt đời không muốn bay ra khỏi hàng dậu…” Rất thơ mộng, xoá đi biên độ của hàng dậu phân lìa hai cõi văn, thơ. Hoặc tản văn của Vũ Hoàng Thư là bài thơ dài được mặc trang phục khác, thêu dệt gấm hoa lụa là. Ở đó trí tuệ làm thành chiếc khăn quàng, khoác qua vai triết học: “Con bướm Trang Chu làm thành những cơn mộng Đông phương có bướm bay vào giấc ngủ rồi bướm bay trở ra. Bay ra bay vào cho người đi từ mộng đến mị, đến quên khuấy ngay cả chính mình, từ đó tra vấn phải chăng đời là cơn mộng lớn”.

Phải khẳng định ngay là Vũ Hoàng Thư có sức đọc kinh khiếp, am tường và lĩnh hội lắm tư tưởng ngời sáng từ Âu sang Á. Và anh luôn dành sự tin yêu vào triết thuyết nhà Phật, một sự trì chú dài lâu. Ngay cả khi biểu tỏ một điều bất ưng vì thời cuộc tác động, tôi nhìn ra trang văn ấy chuyển tải một thứ rất lành. Anh thích thơ Haiku, có lẽ do vậy mà văn anh thường giản lược chữ, cô đọng. Không thích dài lời, cái ít ăn ít nói của anh lại mở ra được bao điều ẩn nấp đằng sau. Tôi hình dung tới hình ảnh một phụ nữ thầm lặng ngồi chải tóc bên song, khi trăng vàng lân la bên thềm, vướng vào từng sợi dài, chảy mềm xuống theo gương lược. Khi ấy tóc thôi đen và tuỳ vào thẩm mỹ, bạn có quyền pha màu thêm về cái vẻ đẹp tự thân đã hoàn chỉnh.

Và Vũ Hoàng Thư cũng yêu thể điệu lục bát, anh dùng nó để hoán chuyển tài tình cái mông lung diệu vợi trú thân trong Haiku. Đơn cử, thơ của Shiki:

“biting into a bitter weed
alone I bear
my feelings”.

cắn răng cỏ dại đắng ngần
mình ta cam lãnh
trăm phần nỗi riêng.

Bài khác, của Issa:

“In this world
we walk on the roof of hell,
gazing at flowers”.

chung thân dạo cõi trăm năm
a tỳ dưới gót
mắt đằm trông hoa.

Rất tài hoa, rất huệ nhãn. Nếu bảo “dịch là phản” thì tôi mãi có cảm tình với cái ý tại ngôn ngoại mà Vũ Hoàng Thư ngắm nhìn, dụng bút. Bước chân dài, nhưng dẫm êm trên bờ cỏ mượt, từ vũng tối thoát ra ánh sáng. Màu nắng dường như đã đổi.

Ko Un, nhà thơ người Hàn quốc có làm bài thơ “A Friend”:

Hey!
With the clay you dug out
I fashioned a buddha
It rained
The buddha turned back into clay
Pointless as the clear skies after rain.

Được Vũ Hoàng Thư khoác vào chiếc áo 6, 8 rất vừa kích:

Người Bạn

Mở cuộc chơi, đất sét nhồi
Chào Phương Trượng tôi Phật ngồi ở đây
Nặn từ bi diệu pháp dầy
Vốc tan hợp, vẽ cho vầy nhân duyên
Thế trầm ngâm, tác như nhiên
Đủ tướng tốt mở cửa miền thái hư
Từ thái không một cơn mưa
Nghe thành trì vỡ nhặt thưa đất hồi
Nhào tượng thân, tàn cuộc chơi
Lời thương hải chảy liên hồi về không
Chút thịt da gởi sương bồng
Cơn mưa kéo tạnh ngày trong thế thường.

Tiết điệu lục bát chừng như rất hợp với bước chân luân hồi “cát bụi trở về với cát bụi”. A friend hoá thân thành người bạn và cả hai cùng chìm mất tăm, chỉ thoáng động âm ba thảng thốt: Lời thương hải chảy liên hồi về không. Chẳng những nắng, mưa trong cõi viết Vũ Hoàng Thư là thứ độ ẩm, độ thấm mà mặt đất luôn ngóng đợi, dù có sa mù che khuất hiện thực, tượng kia chỉ là huyễn tượng!

http://www.gio-o.com/VuHoangThu/VuHoangThuVC.jpg

Chữ nghĩa của Vũ Hoàng Thư dường như là nắm đất sét có trong tay một điêu khắc gia, nhào nắn ra bao vật thể lạ, trưng bày mà không ghi giá bán. Hoặc nói rõ hơn, thứ văn chương đó, anh viết chỉ để cho một thiểu số người đọc, những người cùng đi chung đường, mê muội đuổi bắt màu nắng. Đọc những chắt lọc chậm rãi rơi, một món “cà phê thơm” khác lạ của Vũ Hoàng Thư, tôi lan man nhớ về cổ thi, chẳng hạn Đạo Tiềm (a friend của Tô Đông Pha):

“Bế môn toạ huyệt nhất thiền sáp
Đầu thượng tuế nguyệt không tranh vanh”.

Được người tài hoa Tuệ Sỹ chuyển dịch:

Khép cửa hang sâu một giường thiền
Trên đầu năm tháng trôi chênh vênh.

Vũ Hoàng Thư sẽ mở cửa, tôi hy vọng thế. Năm tháng đang trôi chênh vênh (trên dòng văn học hải ngoại). Có không, sau “Bắt Nắng”, chúng ta sẽ được đọc thêm những trang chữ dệt đầy mộng thắm mà đời này đang lần hồi xế ngã chiều tà, lịm nắng? Một cơn mưa dịu dàng sẽ rơi? Hay nói theo ngôn từ cá biệt của thiền sư Tuệ Sỹ:

“Chút hơi thở mong manh trên dấu lặng
Đêm huyền vi giai điệu không lời”.

Hỏi anh Vũ Hoàng Thư, có vui chân giấn liều thêm bước nữa?  Anh cười, nhẹ như Bụt: Ơ, cũng nương nhờ vào một chữ duyên. Duyên là gì? Đó là điều mà tôi cần dọn lòng tu tập mới hiểu thấu. Bài viết này biết có đi qua bến duyên?

Hồ Đình Nghiêm
Oct. 28, 2017

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2017