SỐ 77 - THÁNG 1 NĂM 2018

 
Ngàn ánh dương rực rỡ

Khaled Hosseini
Trúc Hà dịch

Phần Hai
Chương 16

KABUL, MÙA XUÂN 1987

Cô bé Laila, chín tuổi, thức dậy mỗi sáng trong sự háo hức được gặp bạn mình là Tariq. Tuy nhiên, sáng hôm nay cô bé biết sẽ không có Tariq để gặp.

“Mày đi bao lâu?” nó hỏi lúc nghe thằng Tariq nói phải theo cha mẹ đi Ghazni, một thành phố ở phía Nam, để thăm chú nó.
“Mười ba ngày.”
“Mười ba ngày lận hả?”
“Ðâu có lâu đâu. Mày làm gì sụ mặt vậy, Laila.”
“Ðâu có.”
“Mày không khóc chứ?”
“Không! Tao không khóc vì mày. Không bao giờ.”
Nó đá vô ống chân của Tariq, cái chân thiệt chứ không phải chân giả, và thằng bé tinh nghịch ra dấu phát mạnh vô phía sau đầu của nó.

Mười ba ngày. Gần hai tuần lễ. Và chỉ sau năm ngày, Laila đã hiểu được một sự thật căn bản về thời gian: cũng giống như cái đàn phong cầm mà cha của Tariq thỉnh thoảng dùng để  chơi vài bản nhạc xưa tiếng Pashto, thời gian được kéo dài hay thu ngắn tùy thuộc vào sự vắng mặt hay có mặt của Tariq.

Dưới nhà, ba má nó lại cãi nhau. Laila đã quen quá rồi: má nó hung hăng, không kềm được, tới lui la hét; ba nó thì ngồi yên bối rối, ngoan ngoãn gật đầu, chờ cho qua cơn bão. Laila đóng cửa lại, thay đồ, nhưng vẫn nghe được mọi chuyện. Cuối cùng, tiếng cửa đóng sầm, tiếng chân thình thịch, rồi tiếng cót két thật to của cái giường của má. Thế là ba nó đã thoát nạn.

“Laila!” Ba gọi nó. “Sắp trễ giờ của ba rồi!”
“Một phút thôi!”

Laila mang giầy và nhìn gương chải thật nhanh những lọn tóc quăn vàng óng, dài ngang vai của nó. Má luôn luôn nói nó thừa hưởng của bà cố ngoại của nó, tức bà ngoại của má, màu tóc cũng như hàng mi dày, đôi mắt màu ngọc bích, đôi má lúm đồng tiền, xương gò má cao và cái môi dưới hơi trề mà má nó cũng có. Má nói bà cố ngoại nức tiếng đẹp khắp vùng thung lũng này. Sắc đẹp của bà đã bỏ qua hai thế hệ đàn bà trong gia tộc mình, nhưng chắc chắn không bỏ qua con, Laila. Thung lũng má nói ở đây nằm ở tỉnh Panjshir, là vùng nói tiếng Ba Tư, cách thủ đô Kabul một trăm cây số về phía Ðông Bắc. Cả má lẫn ba đều sinh ra và lớn lên ở Panjshir, lúc đó hai người là anh em họ với nhau. Sau đó, khoảng thời gian 1960, lúc hai người vừa mới lấy nhau và tràn trề hy vọng, họ dọn nhà về lại Kabul khi ba được nhận vào Ðại Học Kabul.

Laila chạy vội xuống lầu, thầm hy vọng má đừng ra khỏi phòng để gây với ba nữa. Nó thấy ba nó đang quỳ gối ở chỗ cửa lưới.

“Con đã thấy chỗ này chưa, Laila?”

Vết rách trên cửa lưới này đã có từ mấy tuần rồi. Laila ngồi xổm xuống bên cạnh ba. “Chưa, chắc là mới.”

“Ba cũng nói với má con như vậy.” Trông ông có vẻ rúng động và suy yếu đi, như thường  sau mỗi lần bị má nó rầy rà. “Má nói bị vậy mà mấy con ong chui vô được.”

Laila thấy thương ba quá. Ba nó là một người đàn ông nhỏ thó, vai hẹp, với bàn tay thon thả như tay đàn bà. Buổi tối, mỗi lần Laila bước vô phòng ba nó, nó đều thấy dáng ông cúi mặt vô trang sách, mắt kính trễ xuống tận chóp mũi. Nhiều lúc, ông còn không biết có nó nữa, nhưng khi biết thì ông làm dấu trang sách đang đọc, rồi nở nụ cười thân thiện. Ba nó thuộc gần hết những bài thơ của Rumi và Hafez. Ông có thể nói thao thao về cuộc tranh chấp A Phú Hãn giữa hai nước Anh và Nga thời Nga hoàng. Ông biết sự khác biệt giữa thạch nhũ trên và thạch nhũ dưới, và có thể nói cho bạn biết rằng khoảng cách giữa trái đất và mặt trời bằng một triệu rưỡi lần khoảng cách từ thủ đô Kabul đến thành phố Ghazni. Nhưng mà nếu Laila cần cạy nắp một lọ kẹo thì nó phải nhờ đến má nó, điều này khiến nó cảm thấy như phản bội ba nó. Những dụng cụ thông thường luôn làm ba nó lúng túng. Nếu cứ để ông lo thì bản lề cái cửa kêu cót két không bao giờ được cho dầu. Trần nhà vẫn tiếp tục dột sau khi được ông trét sửa. Mốc meo phát triển một cách ngang ngược trong mấy cái tủ bếp. Má nó nói hồi năm 1980, trước khi anh Ahmad ra đi cùng với anh Noor để tham gia cuộc thánh chiến chống Liên Xô, chính anh là người lo những việc này trong nhà một cách nghiêm túc và thành thạo.

“Nhưng nếu cần người để đọc gấp một cuốn sách,” má nói, “thì ba mày là nhất.”

Biết thế nhưng Laila vẫn không tài nào từ bỏ ý nghĩ là đã có một thời, lúc hai anh Ahmad và Noor chưa đi đánh giặc chống Liên Xô - lúc ba chưa cho hai anh đi - má cũng quý cái tánh mê sách của ba, cũng như đã có một thời má coi sự đãng trí và vụng về của ba là một điều duyên dáng, quyến rũ.

“Thế hôm nay là ngày thứ mấy rồi nhỉ?” ba nó hỏi và cười kín đáo. “Ngày thứ năm? Hay ngày thứ sáu?”

“Con chẳng để ý, con không có đếm,” Laila nói dối, cô bé nhún vai và thấy thương ba quá vì ông nhớ, chứ còn má nó thì không hề biết Tariq đã đi xa.

“Coi vậy mà chẳng mấy chốc là nó lại chớp đèn pin đó,” ba nó nói, ý ám chỉ trò chơi tín hiệu đèn hàng đêm của Laila và Tariq. Hai đứa chơi trò này đã lâu lắm, thành thói quen trước khi đi ngủ, như đánh răng vậy.

Ba nó rà ngón tay lên chỗ rách. “Ba sẽ vá chỗ này ngay khi ba rảnh. Bây giờ mình đi đi.”
Ba cao giọng nói với lại, “Cha con anh đi nhe, Fariba! Anh đưa Laila đến trường. Em đừng quên đón con nhé!”

Lúc nó leo lên ngồi phía sau xe đạp của ba nó, Laila phát hiện ở phiá trước đường, có một chiếc xe hơi đậu đối diện với căn nhà của người thợ đóng giầy tên Rasheed và bà vợ ít xuất hiện của ông. Ðó là một chiếc xe hiệu Benz, loại xe không mấy khi thấy ở khu này, xe màu xanh lơ có một đường sọc trắng to chạy từ trước ra sau xe. Laila nhìn thấy hai người đàn ông ngồi bên trong xe, một người sau tay lái, người kia phía sau.

“Họ là ai vậy?” nó hỏi.
“Không phải chuyện của mình,” ba nó bảo. “Leo lên đi, trễ học bây giờ.”

Laila nhớ lại một lần cãi vã, má nó đứng trước mặt ba nó và làm bộ ỏng ẹo nói, Việc của anh là thế đó, phải không? Là coi mọi việc không phải là việc của anh. Ngay cả việc hai đứa con trai của anh phải đi lính. Mặc cho em thuyết phục, anh cứ giúi mũi vô mấy cuốn sách đáng nguyền rủa đó, anh để mặc cho con trai mình ra đi như thể chúng là những đứa con hoang vậy.

Ba nó đạp xe đi, Laila ngồi phía sau, hai tay ôm vòng ngang bụng ba. Ngang qua chiếc xe Benz màu xanh, Laila thoáng thấy người đàn ông ngồi phía sau xe: dáng người gầy, tóc bạc, mặc bộ com-lê màu nâu đậm, trên túi ngực vắt khăn tay tam giác trắng. Một điều nữa nó kịp ghi nhận, đó là xe mang bảng số Herat.

Ðoạn đường còn lại, hai cha con đi trong im lặng, ngoại trừ ở mỗi cua quẹo, ba nó lại thận trọng bóp thắng và kêu lên, “Giữ chặt nhe Laila. Chậm lại, chậm lại. Xong.”

Trong lớp học ngày hôm đó, bị chia trí giữa sự vắng mặt của Tariq và vụ cãi vã của ba má nó, Laila thấy sao khó chú ý quá. Vì thế khi cô giáo gọi tên nó, bảo kể tên thủ đô nước Lỗ Ma Ni và nước Cuba, thì nó hoàn toàn bị bất ngờ, không trả lời được.

Tên cô giáo là Shanzai, nhưng sau lưng cô, lũ học trò gọi cô là cô-cô Họa sĩ, cũng bởi động tác của cô khi tát học trò – lòng bàn tay rồi lưng bàn tay, tát qua tát lại giống như họa sĩ sử dụng cây cọ. Cô-cô Họa sĩ là một đàn bà trẻ có khuôn mặt sắc nét với cặp chân mày rậm. Vào ngày tựu trường đầu tiên, cô đã tự hào tuyên bố với cả lớp rằng cô là con gái của một nông dân nghèo ở tỉnh Khost.  Cô đứng thẳng người, mái tóc đen tuyền chải ra phía sau và cột túm lại, do đó khi cô-cô quay người đi, Laila có thể nhìn thấy những sợi lông đen, ngắn và cứng trên cổ cô. Cô-cô không hề trang điểm hay đeo nữ trang. Cô-cô không trùm đầu và cấm học trò nữ làm việc đó. Cô nói đàn ông và đàn bà bình đẳng với nhau trên mọi phương diện, và không có lý do gì đàn bà phải trùm đầu trong khi đàn ông thì không.

Cô nói Liên Xô là quốc gia tốt đẹp nhất thế giới, cùng với A Phú Hãn. Nước này đối xử tốt với người lao động, và mọi người dân đều bình đẳng như nhau. Ở Liên Xô, mọi người đều hạnh phúc và thân thiện, không như ở Mỹ tội phạm nhiều khiến người ta sợ không dám ra đường. Và rồi mọi người ở A Phú Hãn cũng sẽ được hạnh phúc, cô bảo, một khi bọn chống tiến bộ, bọn thảo khấu lạc hậu, đã bị đánh bại.

“Ðó là lý do tại sao các đồng chí Liên Xô của chúng ta đến đây vào năm 1979. Ðể giúp nước láng giềng một tay. Ðể giúp chúng ta đánh bại bọn ác ôn muốn cho đất nước chúng ta lạc hậu và cổ lỗ. Các em cũng phải góp một tay. Các em phải báo cáo bất cứ ai quen biết những kẻ phản động đó. Ðó là bổn phận của các em. Các em phải nghe ngóng, rồi báo cáo. Ngay cả nếu đó là cha mẹ, hay chú bác, cô dì của các em. Bởi vì không có ai thương các em cho bằng đất nước của các em. Ðất nước là trên hết, hãy nhớ! Cô sẽ hãnh diện về các em, và đất nước của các em cũng vậy.”

Trên tường phía sau bàn của cô-cô là một bản đồ Liên Xô, một bản đồ A Phú Hãn và một bức ảnh đóng khung của vị tổng thống cộng sản mới nhất, Najibullah, người ba nó nói đã từng đứng đầu KHAD, tức lực lượng công an chìm đáng sợ của A Phú Hãn. Còn nhiều bức ảnh khác nữa, phần lớn của những người lính Liên Xô bắt tay nông dân, trồng cây táo con, xây nhà, miệng luôn cười vui vẻ.

“Em kia,” tiếng cô-cô đang cất lên, “Ðang mơ mộng hả, tôi có quấy rầy em không, cô-gái-phản-động?”

Cô-gái-phản-động, đó là biệt danh cô-cô đặt cho Laila, bởi vì nó sinh ra trong đêm “Ðảo chánh Tháng tư năm 1978” - có điều cô-cô sẽ nổi giận nếu có ai trong lớp sử dụng chữ “đảo chánh”. Những gì đã xảy ra, cô-cô nhấn mạnh, là một cuộc cách mạng, một cuộc nổi dậy của tầng lớp lao động chống lại sự bất bình đẳng. Thánh chiến là một chữ khác bị cô-cô cấm đoán. Cứ theo cô-cô, chẳng có cuộc chiến tranh nào xảy ra ở các tỉnh, chỉ là những cuộc chạm trán với những kẻ phá rối mà cô-cô cho là do sự xúi dục của người ngoại quốc. Và chắc chắn không ai, không một ai, dám nhắc lại trước mặt cô-cô tin đồn đang nổi lên khắp nơi rằng sau tám năm trời chiến đấu, Liên Xô đang thua. Nhất là khi hiện nay tổng thống Mỹ, Reagan, đã bắt đầu gởi hỏa tiển Stinger đến để thánh-chiến-quân triệt hạ máy bay trực thăng của Liên Xô, trong lúc những người Hồi giáo trên khắp thế giới đang tham gia vào chính nghĩa: những người dân Ai Cập, Pakistan, thậm chí những người Ả Rập giàu có, họ đều bỏ hết tài sản bạc triệu để đến A Phú Hãn tham gia cuộc thánh chiến.

“Bucharest. Havana,” Laila ráng nói được.
“Những nước này có phải là bạn của ta không?”
“Dạ phải, họ là những nước hữu nghị với ta.”

Cô-cô gật đầu cộc lốc.

Ðến giờ tan học, một lần nữa má nó lại không đến đón nó. Cuối cùng Laila phải đi bộ về nhà với hai cô bạn cùng lớp là Giti và Hasina.

Giti là một cô bé gầy gò xương xẩu, tóc cột đuôi ngựa hai bên. Mặt nó lúc nào cũng cau có và khi đi bộ, nó ôm sách sát trước ngực như một tấm khiên. Còn nhỏ Hasina thì mười hai tuổi, lớn hơn Laila và Giti ba tuổi, nhưng nó bị ở lại lớp ba một lần và lớp bốn hai lần. Những sự thiếu kém về mặt thông minh được Hasina bù lại bằng những trò tinh nghịch và cái miệng, mà Giti nói, chạy như cái máy may. Chính Hasina đã nghĩ ra biệt danh cô-cô Họa sĩ.

Hôm nay, Hasina đang chỉ cách làm sao để đẩy lui những cây si xấu trai. “Phương pháp an toàn, bảo đảm hiệu nghiệm. Tao hứa chắc đó.”   
“Ðiên thật. Tao còn nhỏ quá, làm gì có người đeo đuổi!” Giti nói.
“Mày đâu còn nhỏ quá đâu.”
“Ðã có ai đến hỏi cưới tao đâu.”
“Tại mày có râu, em ạ.”

Nhỏ Giti vội vàng đưa tay lên sờ cằm và hốt hoảng nhìn Laila đang cười thương hại - nhỏ  Giti là người thiếu óc hài hước nhất mà nó từng gặp - vừa lắc đầu trấn an nó.

“Mà tụi bay có muốn biết phải làm sao không?”
“Thì nói đi,” Laila bảo.
“Ðậu. Ít nhất bốn lon đậu. Ăn vào buổi chiều ngày tên thằn lằn sún răng đến xin cưới. Mà phải cho nổ đúng lúc nghe, phải đúng lúc mới ăn tiền. Tụi bay phải nín thở chờ tới lúc đem trà ra mời nó thì mới cho nổ.”
“Ðược rồi, tao sẽ nhớ,”Laila nói.
“Tên đó cũng sẽ nhớ.”

Ðúng ra lúc đó Laila đã có thể nói với Hasina là nó chẳng cần đến lời chỉ bảo này, bởi vì ba nó hoàn toàn không có ý gả nó sớm cho ai cả. Mặc dù ba nó làm việc ở Silo, một lò bánh mì khổng lồ ở Kabul, nơi ông suốt ngày phải lao động cực lực trong cái nóng và ồn ào của giàn máy, đốt mấy cái lò to tướng và xay bột cả ngày, nhưng hồi trước ông đã từng học đại học. Trước ngày cộng sản đuổi ông, ông đã từng là giáo sư trung học. Ðó là hồi mới xảy ra cuộc đảo chánh 1978, khoảng một năm rưỡi trước khi cộng sản đến chiếm nước. Ba nó đã nói rõ cho nó biết, từ hồi nó còn nhỏ, là điều quan trọng nhất trong đời ông, ngoài sự an toàn của nó, là việc học của nó.

Ba biết con còn nhỏ, nhưng ba muốn con hiểu và nhớ điều này ngay từ bây giờ, ông nói. Hôn nhân có thể chờ được, giáo dục thì không. Con là một đứa con gái hết sức thông minh. Thật sự như thế. Con có thể trở thành bất cứ gì con muốn, Laila ạ. Ba biết chắc điều đó. Và ba cũng biết là khi cuộc chiến này chấm dứt, đất nước A Phú Hãn sẽ cần đến con, cũng như cần những người công dân nam khác, hay còn hơn thế nữa. Bởi lẽ một xã hội sẽ khó thành công nếu phụ nữ thất học. Rất khó.

Tuy nhiên Laila không hề kể cho Hasina nghe những điều ba nó nói, hay nói nó rất sung sướng có một người cha như thế, hay nói nó hãnh diện được ba nó trân quý, hay nói nó nhất quyết sẽ theo đuổi việc học giống như ba nó vậy. Liên tiếp hai năm vừa qua, Laila đã nhận được chứng chỉ học sinh xuất sắc nhất lớp. Những chuyện này, nó chẳng hề nói cho nhỏ Hasina biết; hai ba năm nữa thôi, cha của Hasina, một người tài xế taxi nóng tính, sẽ gả nó đi lấy chồng. Thỉnh thoảng, những khi Hasina nói năng nghiêm chỉnh, nó có kể cho Laila nghe là gia đình nó đã quyết định gả nó cho một người anh họ rất gần, lớn hơn nó 20 tuổi và có một tiệm sửa xe hơi ở Lahore. Tao đã gặp anh chàng này hai lần rồi, Hasina nói, cả hai lần đều thấy anh ta ăn mà hả miệng.

“Ðậu, nhớ nhe tụi bây,” Hasina nói. “Nhớ ăn đậu. Trừ khi, tất nhiên,”- nói tới đây, nó cười toe một cách ranh mãnh và dùng cùi chõ thúc nhẹ Laila – “người đó là chàng hoàng tử đẹp trai, một chân đến gõ cửa. Khi đó thì…”
Laila hất cùi chõ của Hasina ra. Người nào khác mà nói như thế về Tariq thì chắc nó sẽ giận lắm. Nhưng Hasina thì Laila biết không có ác ý gì, nhỏ đó chỉ thích chế nhạo thôi, và nó không tha ai hết, kể cả bản thân nó.

“Mày không được nói người khác như thế!” nhỏ Giti bảo.
“Người khác nào?”
“Những người tàn tật vì chiến tranh,” Giti nói một cách nghiêm trang, không hiểu sự chọc ghẹo của Hasina.
“Bà sơ Giti này hình như đã phải lòng Tariq. Tao biết mà. Ha ha. Mà sơ có biết là anh chàng đã có chỗ rồi không? Phải không, Laila?”
“Tao không phải lòng ai hết!”

Hai đứa chia tay với Laila, và vẫn còn tiếp tục nói qua nói lại như thế khi quẹo vô con đường nhà tụi nó. Laila đi một mình qua ba dẫy phố cuối cùng. Lúc đến con đường nhà nó, Laila để ý thấy chiếc xe hơi Benz màu xanh lơ vẫn còn đậu đó, trước nhà của Rasheed và Mariam. Người đàn ông lớn tuổi mặc bộ côm-lê nâu bây giờ đang đứng trước mũi xe, chống gậy nhìn vô nhà.

Ðúng lúc đó, một giọng nói vang lên sau lưng Laila. “Ê, cô bé tóc vàng. Nhìn đây.” Laila xoay người lại và bắt gặp ngay cái nòng súng đang chĩa vô nó.                        

(còn tiếp)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2017