SỐ 77 - THÁNG 1 NĂM 2018

và em…
và nỗi sầu khổ dịu dàng

Cao Vị Khanh

13015335_890873857702560_622269884902634011_n-617x350

Khi tôi thấy em lần đầu ngước nhìn tôi, từ giữa một lớp học đông người, buổi sáng tháng chín năm đó, tôi biết giữa chúng ta thiên thu đã phong kín hết mọi lối ra.

Bữa hôm đó đâu có lạ gì hơn những sớm mai khác. Mặc dầu cơn mưa bất chợt nửa đêm có làm tôi thức giấc rồi thấy dạ có chút bâng khuâng trong căn phòng nhỏ ở một khách sạn tỉnh lẻ. Tiếng nước chảy xối xả đến sốt ruột có làm tôi bồi hồi nhớ lại con sóng vỗ ngang khi qua phà Vàm Cống, nó còn đưa xa tôi tới những con sóng đã vỗ tăm tắp giữa lòng… mấy lượt đưa người đi, dù không đưa qua sông… Một giây? Một phút? Không lâu hơn một thoáng… Rồi tôi ngủ lại cho tới khi tiếng đồng hồ báo thức gọi dậy. Có gì đâu?

Khi tôi ra đường thì thành phố đã tỉnh queo. Mấy con chim sẻ nhí nhảnh vừa rỉa lông vừa rủ rỉ trên hàng dây điện đường. Hàng me xanh lướt thướt, reo lá lanh chanh. Không khí ướt sũng đêm qua, sáng nay đã ráo hoảnh. Tôi ghé cái quán đầu tiên, gọi ly cà-phê đậm, đốt hơi thuốc đầu ngày nhớ mình đương là khách lạ.

Tôi rời Sàigòn hôm qua, bỏ lại đó phố xá chưa quên và mấy người tình không còn nhớ. Tôi tới thành phố của em, lần đầu. Ngụm đắng thứ nhất đã thấy quen quen. Ngụm đắng thứ hai đã thành thân thiết. Khói tụ quanh quanh, lòng nhẹ hẫng. Tại sao? Không chừng tại phố nhỏ. Không chừng tại một cái gì đó đã sẵn có trong tôi. Một cái gì đó, ai biết được?

Rồi tôi gọi chiếc xích-lô bảo đưa tới trường. Qua chiếc cầu sắt nhỏ trước chợ thấy mấy vạt áo dài lấm tấm nắng mai, tôi thấy lại y nguyên lòng tôi náo nức tựu trường hai mươi mấy năm trước. Bởi vậy sao cái gì cũng nhớ nhớ quen quen mà thật ra đâu có gì để quen để nhớ. Tôi có tới chỗ này lần nào đâu mà sao không thấy lạ. Con nước chảy xuôi ra biển, miếng ván cầu kêu lục cục dưới sàn xe, con đường nhựa có hai lề cỏ ướt rịn làm rụt rè mấy đôi guốc nhỏ, lá me rơi sấp sải trên vai trên tóc và tiếng cười khúc khích giấu rịt sau vành nón lá… Tất cả chỉ là bóng của những hình đã trầm tích trong tôi, lâu đến nỗi như có đó mà không còn đó nữa…

Chắc tại vậy mà cho đến khi tôi vừa rẽ ngoặt vào lớp, đi vài bước để đứng lên bục giảng, đưa mắt ngó xuống khẽ chào lại lớp học vừa đồng loạt đứng lên thì mắt tôi chạm phải mắt em, đôi mắt em, ờ, sao tôi thấy như đã thấy đâu từ tiền kiếp. Đã thấy đâu rồi không biết nữa mà y thể như xưa. Đã gặp đâu rồi không biết nữa mà như vốn đã hẹn hò mấy lượt.

Nắng hiên ngoài lao chao, sấp ngửa. Em dưới đó, rối ren hai con mắt. Tóc xô giạt nửa lừng, thắc thỏm từng sợi nhỏ. Giữa em và tôi, thiên thu tự dưng chết sững, không gợn một áng phân vân.

Em ở lại trong tôi, từ đó, ba mươi năm sau không một chút phôi pha. Em ở lại trong tôi, từ đó, dẫu năm năm đầu không một chút ngó ngàng. Em còn ở trong tôi, hai mươi lăm năm sau mới gặp lại để cùng tôi phát giác ra cái nhà ngục mênh mông đã giam giữ chúng ta, biền biệt ở hai phương.

Em yêu dấu, đến giờ này em cho tôi được gọi một lần hai tiếng dấu yêu dù chỉ là tiếng gọi giữa thinh không. Bởi vì giữa chúng ta đã trùng trùng bổn phận và trách nhiệm. Giữa chúng ta, oan khiên đã lắm nỗi thì dẫu gọi trăm lần cũng chỉ như tiếng đập thảng thốt của con tim héo hon, nghe ra như giọng oán của tiếng chim kêu chiều. Dù vậy, tôi xin được gọi em lần nữa, nhen em.

Em yêu dấu,
Sức mạnh nào đã đẩy chúng ta ra xa dù rằng khoảng cách ngắn còn gần hơn gang tấc. Không gian nào đã bứt lìa chúng ta khi lòng mình vốn phải là chỗ trú ẩn của nhau, đến cùng.

Tôi sẽ phải giải thích thế nào khi mọi lời nói đã rã rời ngay khi môi mới vừa ướm chữ. Tội nghiệp cho chúng ta, những câu nói đẩy đưa… quá đỗi vô tình dẫu rằng giữa lòng mình tiếng yêu thương nhiều không biết cơ man nào mà kể. Nhưng mà có đáng gì không, chính lòng ta, ta đã để lỡ.

Năm năm. Thành phố của em và những cơn giông đầu hạ. Tôi kiêu căng như loài công tốt mã, xum xoe những điệu tình ngả ngớn, điêu ngoa. Đời bày cuộc vui cho tôi nông nổi. Tôi lang bạt bất kể mà cứ tưởng như đằng sau khung cửa sắt thời gian cũng đóng lại, để chờ.

Năm năm. Em lớn thầm như một đóa tường vi, khép nép giữa mấy dãy lầu rêu, phố chợ. Mấy buổi tôi lên lớp, em ngồi thu mình như viên sỏi nhỏ bỏ quên trong túi áo, cam lòng. Tôi vô tâm đùa cợt với chữ nghĩa kiêu sa mặc em ngơ ngác giữa trường và đời, giữa mộng và thực. Có lúc nhìn lại thấy áo em trắng tinh thả lỏng đường eo thắc thỏm, bỗng làm tôi ái ngại. Hai con mắt xốn xang một niềm ăn năn rất lạ. Em mong manh đến hồn tôi độ lượng, tôi bỏ đi làm con thú dữ, hoang đàng.

Năm năm vừa đủ ngắn cho em bước vội. Chừng ngó lại, em đã ra khỏi vòng tay tôi hồi nào. Dĩ nhiên, không ai phiền trách chi em. Chính cả tôi, cũng không có gì đáng trách. Em xa như sương khói vây quanh mà gần như lá cỏ trên tay, niềm bí ẩn của riêng em như sức hút của một loài ong chúa. Bạn bè em, bầy đàn vừa lứa đó… Còn tôi, ở bên này bờ ranh nghiệp chướng, tôi đành đoạn làm kẻ bao dung. Cho dù sự rộng lượng lạ lùng này cũng chỉ là phản ứng trốn chạy của một tấm lòng kiêu ngạo. Tôi có ở cùng cương vị của em và bạn bè em đâu. Chắc vì vậy, lắm lúc vô tình gặp em và bạn ở chỗ hẹn hò, không biết tại sao tôi lại có cảm giác thấy một chút gì đó hao hao khói đục bốc lên từ đôi mắt em, giống như một niềm cay đắng. Cũng giống y như niềm cay đắng đang cố giấu trong tôi.

Năm năm.Tôi nhìn thấy em đi lại, trên những con đường tôi đã đi. Những con đường có hoa có bướm, có chút mộng đầu và rất nhiều thơ dại. Tôi bằng lòng nhìn em vui đùa, ngún nguẩy làm duyên giữa những mời mọc líu ríu nghe thương như bầy sẻ gọi nhau. Con đường tình em đi có bãi cỏ non và gót son qua rất nhẹ, có gió rất lành và cây trái rất thơm, có biển vừa xa mà sông nước lại gần… Nghĩa là có tất cả cái diễm kiều của trời đất mà người ta không thấy nữa khi tới một tuổi nào đó. Dẫu sao tôi đã sung sướng cho em tuổi thiếu nữ hẹn hò giữa một vùng đất cát thân quen. Tôi cảm tạ trời đất đã rải nắng vàng và trăng xanh cho em tình tự.

Năm năm tôi mất em mà vẫn thấy an tâm. Hay là giữa chúng ta, tôi biết chắc thiên thu dù có lơ đễnh cũng không hề sơ sẩy. Rồi phải đến một lần, chúng ta là của nhau.

Vâng, phải có một lần, chúng ta là của nhau.

Lần đó, hai mươi lăm năm sau mới đến. Cái khoảng cách tưởng như không cùng đó đủ cho mọi mường tượng đều sai lạc. Chẳng hạn như tôi đã già đi như nhánh cây khô, và con tim tôi đã mục rã như chiếc lá rụng đâu từ lần thu trước, nằm sấp lớp dưới mấy lớp lá thu này. Chẳng hạn như cuộc tình thời trẻ dại thoáng đến thoáng đi như mưa bóng mây có khi không đủ ướt đất. Chẳng hạn như em đã là thiếu phụ, điềm đạm và ân cần, trái tim dành cho chồng con đã chật kín đến không còn một chỗ trống. Vâng, tất cả đều đúng nhưng không đúng hết. Như tôi đã già đi nhiều, tâm đã thôi xốc nổi mà sao đôi khi cứ loáng thoáng một niềm ray rứt rất lạ. Như em đã yên nơi yên chỗ từ hơn hai chục năm rồi mà trong lòng vẫn có chỗ không yên. Và nhất là mối tình chưa bao giờ xác nhận tưởng đã chết rục tự đời nào vẫn còn kiên nhẫn nằm chờ như cô Bạch Tuyết kiên nhẫn nằm ngủ trong rừng, ngủ im chỉ để chờ nụ hôn tình gọi dậy. Dĩ nhiên thời gian cũng đã tàn phá hết có chừa lại gì đâu. Nó gặm nhấm lần mòn những sắt son bạc bẽo, những yêu thương ghét bỏ, ngay cả hạnh phúc và khổ đau. Có một điều cái thứ tình vô vọng nó dai dẳng léo lách đến chẳng ai ngờ. Nó không để bị hủy diệt mà chỉ chờ được hóa thân như chén ngọc Trương Chi cứ chờ nước mắt Mỵ Nương khóc cho một lần rồi mới chịu tan vào huyền sử.

Khi tôi thấy lại em lần đầu, sau hai mươi lăm năm mất biệt, ngước nhìn tôi từ đám đông nhốn nháo giữa phi trường Orly một buổi sáng tháng chín Paris, tôi biết giữa chúng ta, thiên thu đã đúng hẹn.

Em lăng xăng bên chồng, miệng cười mà con mắt xốn xang, đón tôi bằng cái vòng ôm lỏng như không. Mấy con rồi em còn vẫn rụt rè. Một chút tuổi tác có làm trễ vành mi sắp mỏi. Còn lại, em vẫn là em. Một thoáng thiết tha. Nửa chừng xa lạ. Niềm bí ẩn của em còn nguyên đó. Ba mươi năm sau lần đầu, chúng ta nhìn nhau lại bằng con mắt tiền kiếp. Có chút gì rưng rưng không thấy kịp.

Xe về qua mấy phố xưa, Paris vàng lịm khi thu vừa chín tới. Quán cà-phê hè đường đầy những cặp tình nhân ngồi thủ thỉ. Lá từng chiếc, nấn níu bay ngang. Paris chào người đến thay em bằng bộ mặt buồn buồn của phố thị chuyển mùa. Đẹp đến não nùng. Bữa tiệc tái ngộ có rượu vang đỏ ngọt chát, có giọng cười hào sảng của người chồng rộng lượng, có em ngồi đối diện mà có lúc tưởng chừng đi đâu vắng. Em ở đâu trong mịt mùng năm tháng, yêu thương câm nín và chạy đuổi nhau qua bãi đời vô vọng. Em ở đâu, mà suốt một đoạn trường.

Mấy ngày liên tiếp, em đưa tôi dạo chơi khắp thành phố. Chỉ cho tôi pho tượng trắng nhỏ cuối vườn Lục Xâm Bảo tôi hay kể em nghe những mùa tựu trường xa trước. Dắt tôi lội trên con đường ngập lá cho tôi nghe lại tiếng thu rơi như tôi đã dạy em trong những giờ giảng văn ở một thành phố không có mùa thu. Đưa tôi đến ngồi ở một quán vắng khách, gọi cho tôi tách cà-phê đen, nghe lại dĩa nhạc Juliette Gréco hát thơ Jacque Prévert như đã có lần em nghe tôi mơ ước. Khói thuốc Gitanes rối xanh như mấy dòng kỷ niệm. Có lúc tôi tưởng chừng thời gian muốn chạy ngược lại, ba mươi năm, để tôi còn có dịp tỏ tình. Giả sử bây giờ là ba mươi năm trước, em có chịu yêu tôi?

Câu hỏi không được đặt ra. Em ngồi ngó mông lung ra đường, chiều gần tối. Câu hỏi không được đặt ra. Nhưng tôi biết. Ở một góc nào trong trái tim em, vẫn còn một chỗ trống, có thể rất nhỏ, nhưng vẫn là một chỗ trống, em còn để lại cho tôi. Từ một hốc tối nào của đôi con mắt thao thức không nguôi, hình như có một chút lệ, mờ lắm, nhưng mà là một chút lệ. Tôi biết. Em không thể quên. Giống như tôi. Tôi không thể quên. Dù rằng chúng ta chưa hề cố nhớ. Khi xa nhau không ai thề thốt. Không ai nợ ai chút tình. Thì chẳng ai đòi trả. Sao chúng ta vẫn muốn trả nợ cho nhau.

Khi tôi đưa em về, người bồi còn ngắt vội đóa hồng nhung trên bàn tặng vói cho em. Cánh hoa chưa úa đã thấy buồn. Em cầm trên tay, đóa hoa chúc xuống mặt đường như một nụ tình đã héo. Đôi mắt em còn xốn xang hơn vì sao hôm mọc sớm, lấp ló sau tàng cây phong trụi lá. Hai người đi dọc theo một vỉa hè vắng ngắt. Bộ quần áo thanh lịch, sậm đen như một khúc tạ từ. Khi ngang qua cầu St. Michel, em ném cánh hoa xuống con sông Seine đang bốc khói. Nước chảy mau. Chân cầu đứng lại. Hoa và người sao trôi nổi như nhau.

Bữa chót, trên đường ra phi trường, em chỉ cho tôi cái gác chuông mà Quasimodo đã đeo vắt vẻo như đã đeo đong đưa mối tình tuyệt vọng của mình. Có phải em muốn nhắc tới cái bướu mà thằng gù đã đeo nặng. Hay cái khối dĩ vãng đang trì kéo giữa lòng. Có điều tôi biết nụ cười thách thức của em là để xác nhận cả hai đều nhẹ lắm so với cái hạnh phúc mà chúng ta đã để mất. Em cám ơn tôi đã tới sau ba mươi năm đã đợi. Còn tôi, tôi cám ơn đời đã giữ em tròn vẹn, y nguyên cái hình ảnh tôi đã có về em từ ba mươi năm trước. Bỗng nhiên tôi thấy thanh thản, lòng vui. Em cũng vậy, em ứa nước mắt mà miệng cười. Dù gì, sau rốt, chúng ta cũng đã có dịp nói với nhau sự chung thủy của mình về lần chọn lựa hồn nhiên nhất.

Khi tôi ngoái lại nhìn em lần cuối trước khi quay lưng đi hẳn vào hành lang dẫn ra phi cơ, tôi biết giữa chúng ta, thiên thu đã thôi động đậy. Còn lại một mình giữa phòng đợi mênh mông, dáng em mỏng mảnh như cái dấu phẩy bỏ lỡ sau câu viết nửa chừng. Đã chấm hết đâu, trong lòng ta những xao động. Sẽ còn nữa, những dư ba. Tuy nhiên cả hai, tôi và em sao đã thấy rất yên lòng. Có phải câu thơ của ai đó mà đêm qua khi ngồi nghe lại mấy bản nhạc xưa em đã đọc nhỏ lầm thầm là cái giải pháp tuyệt vời cho chúng ta. Mốt mai sóng dậy ba đào. Xin về trú giữa lòng nhau, cuối đời.

Cũng đủ rồi, em hả?

Cao Vị Khanh

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2017