SỐ 77 - THÁNG 1 NĂM 2018

 VỢ-BAO

Tâm-Phương-Đăng

(tiếp theo)

Ngồi trên máy bay đã hơn năm tiếng đồng hồ của hành trình bay hơn hai mươi tiếng. Ông Đức muốn nhắm mắt ngủ mà không tài nào ngủ được. Có lẽ vì tuần rồi ông đã trải qua hai sự kiện kích thích tâm não ông tối đa. Nhưng sau cùng mọi chuyện đều như ý muốn làm ông sảng khoái mừng vui.

Vào đầu tuần được tin ông Chủ Tịch Xã làng Lệ Thủy thông báo đã tìm được một Bà cho ông về làm đám cưới. Hỏi chi tiết như Bà đó trông có được không? Bao nhiêu tuổi rồi? Có còn chút hương sắc hấp dẫn không? Cao thấp thế nào? Tánh tình có hiền hậu không? Còn nặng gánh con cháu hay không?...

Ông Chủ Tịch không trả lời câu nào mà chỉ nói: " Ông Đức cứ về VN đi, tôi bảo đảm ông sẽ yêu thích một trăm phần trăm. Nếu không thích, tôi sẽ hoàn trả vé máy bay cho ông ".

Chính vì câu trả lời bảo đảm này làm ông Đức nghĩ rằng đây không phải trò đùa, ông phải suy nghĩ chín chắn và có quyết định đứng đắn trước khi thông báo cho vợ con. Qua ngày hôm sau, Bà Xã không lên Chùa làm công quả. Khi ông thức dậy đã nghe sột soạt sau vườn, nhìn ra thấy Bà đang xúc phân bón vun xới các chậu thanh-long bắt đầu nẩy mầm ra trái.

Ông xách chiếc ghế xếp lại ngồi gần. Bà hỏi:

- Bộ nhớ vợ hay sao, dậy sớm thế?
- Vợ đi xa mới nhớ, chứ ở nhà mà nhớ gì, nhưng dù có nhớ cũng như không, bởi có làm ăn gì được nữa đâu. Bà ngừng tay nhìn ông hỏi:
- Như vậy có chuyện gì quan trọng, sao nét mặt có vẻ lo lắng khác thường? - Thì cũng chuyện cũ thôi. Chuyện Em và các con cấm Anh đi du hý VN.
- Anh nghĩ, cấm như vậy là sai hay sao?
- Lẽ đương nhiên không sai chút nào. Nhưng điều Anh muốn nói với Em là chuyến đi VN lần này Anh sẽ về thẳng quê anh, tìm một Bà góa trẻ, không vướng bận con cái, làm quen cặp bồ để Em và các con khỏi lo lắng cho Anh về vấn đề bệnh hoạn.
- Điều đó rất tốt, Em hoan nghênh, nhưng phải nhớ trong lòng:

* Vợ con lúc nào cũng yêu thương Anh suốt đời. Không có chuyện ly-dị.
* Đừng làm điều gì liên hệ đến luật pháp VN, ví dụ như làm hôn thú cưới hỏi chẳng hạn.
* Thường xuyên cho Em biết cuộc sống Anh tại VN... Thôi được, đã thỏa mãn chưa? Khi nào Anh bắt đầu đi?

Ông Đức đứng dậy đến hôn lên đầu vợ thật lâu rồi âu yếm nói:

- Em đúng là người vợ mẫu mực năm xưa của các ông Việt nam. Bà Đức ngước mặt nhìn chồng có vẻ không hiểu.

Ông Đức giải thích:

- Ngày xưa, khi người vợ cảm thấy mình không làm thỏa mãn chuyện tình dục cho chồng. Vợ cả liền cưới cho chồng bà thứ hai. Vài năm sau ông chồng lại chán chê nữa, vì thương chồng nên vợ cả đi cưới thêm bà thứ ba... rồi bà thứ tư... Cho nên có những gia đình, ông chồng có đến năm sáu bà vợ ở chung một nhà mà hạnh phúc gia đình vẫn êm đẹp. Em cũng tương tự như thế... Nói xong ông vào nhà thu xếp hành lý mà lòng vui mừng khôn tả.

Rồi tối đến, có lẽ vợ ông kể hết chuyện cho các con nghe nên sau giờ làm việc, cả ba đứa ghé qua nhà Ba Mẹ ăn cơm. Khi Ông Bà và ba con ăn cơm tối. Thằng con lớn là Bác sĩ y khoa lên tiếng:

- Mẹ đã có niềm vui tuổi già là Chùa chiền và Mẹ cũng bằng lòng để Ba về VN tìm niềm vui tuổi già của Ba. Chúng con hoàn toàn không phản đối. Chỉ xin nhắc nhở Ba cẩn thận những căn bệnh truyền nhiễm và đừng làm những gì có dính líu đến Luật pháp VN. Thằng con trai thứ nhì cũng là Bác sĩ y khoa nói:
- Song song với chuyện Ba tìm niềm vui tuổi già, con nghĩ là Ba nên nghĩ đến chuyện giúp đỡ những gia đình nghèo khó cũng như trẻ con không nơi nương tựa thì có ý nghĩa hơn nhiều. Đến lượt con gái thứ ba là Dược sĩ, lên tiếng nói rằng:
- Về điều này con luôn có ý tưởng trái ngược với Mẹ. Con không bao giờ chấp nhận người chồng yêu thương con, đồng lúc yêu thương người khác.

Bà Đức ra dấu ngừng nói, cắt ngang lời con gái rồi lên tiếng:

- Không phải, không phải... Chuyện này không phải như con nghĩ, sau này Mẹ sẽ giải thích chi tiết cho con hiểu. Ông

Đức xen vào:

- Hôm nay trước sự chứng kiến của Mẹ và các con, Ba hứa, Ba Mẹ yêu thương nhau trọn đời, không có chuyện ly dị.  
- Ba đề phòng tối đa những bệnh truyền nhiễm và không làm những gì có liên lụy đến Luật pháp VN.
- Trong thời gian sống tại làng quê, Ba sẽ tìm hiểu và giúp đỡ người nghèo khó và trẻ con không nơi nương tựa. Buổi ăn tối kết thúc vui vẻ, các con ra về, ông bà trao nhau nụ hôn nồng nàn nhất Trong lúc ông mơ tưởng những gì xãy ra tuần trước, quên cả thời gian.

Nhìn ra ngoài thấy trời phương Đông hừng sáng. Cô tiếp viên hàng không đến hỏi có ăn uống gì không? Ông chỉ xin ly cafe đen nóng để uống cho thoải mái tâm hồn...

Lòng rộn ràng nôn nóng của ông Đức, sau cùng cũng đạt được mục đích. Khi máy bay đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất đã gần sáu giờ chiều. Ông hỏi cô Tiếp viên chuyển máy bay đi luôn ra Huế hay ở lại Sài gòn đêm nay? Cô Tiếp viên cho hay chuyển máy bay ra Huế liền. Ông có vẻ lo lắng, nói với Cô Tiếp viên:

- Nếu đến Huế đêm nay, tôi biết phải ở lại đâu?
- Bác về VN nhiều lần chưa ?
- Về thì năm bảy lần rồi, nhưng những lần trước đi cùng với vài người bạn và chỉ đến vui chơi ở Sài gòn, Hà nội mà thôi. Lần này có người bạn ở Quảng Bình mời về chơi nên tôi đi một mình.
- Bác đừng lo, Cháu sẽ giúp Bác. Khi đến phi trường Phú Bài, xe của Hảng hàng không đưa hành khách lên phố Huế đỗ tại chân Cầu Trường Tiền. Bác đi Xích lô đến Khách sạn Hương Giang, Cháu sẽ book trước cho Bác. Ngủ lại đêm sáng mai đi Xích lô đến bến xe đi Quảng Bình.
- Như vậy cám ơn Cô nhiều lắm. Xin lỗi Cô tên gì.
- Cháu tên Hương Bình. Sinh ra và lớn lên ở Huế.
- Thì ra tôi may mắn quá, cho Bác gửi lời thăm Ba Mẹ và chúc mọi người bình an. Đúng như Hương Bình chỉ dẫn, khoảng một giờ chiều hôm sau ông Đức có mặt tại bến xe Chợ Quảng Bình. Nhớ lại lời căn dặn của ông Chủ Tịch Xã: "Tìm đến một anh chạy Honda ôm, nói xin chở tôi về nhà ông Trần Chí Vững, Chủ Tịch Xã ở làng Lệ Thủy". Ông Đức làm theo lời dặn. Anh chạy Honda vừa nghe tên ông Chủ Tịch là nói ngay "Xin mời Bác ngồi lên xe. Hành lý Bác còn gì nữa không? Chúng ta đi liền kẻo ông Chủ Tịch đợi." Ông Đức hỏi:
- Ông Chủ Tịch đã dặn anh hay sao?
- Ông chỉ thị cho tất cả mấy anh em Honda ôm.
- Từ đây về nhà ông Chủ Tịch bao xa và bao nhiêu tiền? - Ngày xưa đường chưa tráng nhựa chạy gần hai tiếng. Bây giờ đường nhựa sạch sẽ trơn tru, chỉ chạy chừng bốn mươi lăm phút. Còn tiền bạc ông Chủ Tịch sẽ lo, Bác yên tâm.

Trên đường đi, ông Đức nhìn bao quát, ruộng đồng bát ngát mênh mông, ông thắc mắc không hiểu tại sao dân chúng đói nghèo? Tuổi thơ ấu của ông năm xưa khoảng bảy tuổi, ở tại vùng này, nếu Bố Mẹ không bị ám sát, thì chưa chắc Bà cô đã đem ông đi vào Nam, và ông cũng chưa bao giờ nhìn thấy dân chúng đói nghèo như bây giờ.

Ông muốn chuyện trò với anh Honda ôm, nhưng gió thổi vù vù vào tai không thể nói nghe được. Nên cứ suy nghĩ hết chuyện này đến chuyện khác cho đến khi xe ngừng trong sân nhà ông Chủ Tịch Xã. Ông Chủ Tịch Xã cùng hai ông bạn trẻ hơn ông chừng vài ba tuổi từ trong nhà đi ra sân, nở nụ cười tươi chào mừng ông Đức. Ông Chủ Tịch giới thiệu: - Đây anh Canh, Đại tá đã về hưu, đây anh Sâm, hiện nay là Phó Chủ Tịch Xã của tôi rồi quay sang giới thiệu Đức với mọi người. Tay bắt mặt mừng xong, mọi người đi vào nhà. Bàn tiệc đã dọn sẵn, do những bàn tay khéo léo của ba bà góa ở cùng xóm. Ngồi vào bàn tiệc không thấy ba bà, ông Đức lên tiếng:

- Ủa, các anh hô hào san bằng giai cấp, tại sao chúng ta không mời mấy bà cùng ngồi vào bàn tiệc? Ông Đ/tá Canh nói:
- Chà, chưa có ly nào mà anh Đức đã sửa lưng bọn tôi rồi. Ông Đức chắp hai tay đưa lên nói:
- Xin lỗi, xin lỗi, tôi chỉ nhớ lại điều tôi đã học được lúc còn bé ở vùng này thôi. Ông Chủ Tịch nói:
- Hôm nay ăn nói tự do, trong lòng ai có điều gì, chúng ta vui vẻ nói ra để bàn luận. Xong ông gọi lớn xuống bếp, mời bà Thơm bà Cúc và Hĩm lên đây.

Ba bà rón rén đi lên, ông Chủ Tịch chỉ cái ghế cạnh Đức, bảo Hĩm ngồi. Hai bà kia ngồi cạnh ông Canh và ông Sâm.
Hĩm đã biết ông Chủ Tịch muốn mình với ông Đức, nhưng ông Đức thì chưa biết gì. Tuy nhiên khi ba bà đi lên, ông Đức đã đưa mắt nhìn Hĩm thật lâu vì Hĩm là người cao ráo, trắng và đẹp trội hơn so với hai bà kia. Suốt bữa ăn, Hĩm phục dịch tận tình cho ông Đức. Ông Đức chỉ biết nói cám ơn chứ không có một lời tán tỉnh. Đến khi rượu đã ngà say, ông Chủ Tịch nói:

- Xin tất cả anh em, từ giờ phút này đừng gọi tôi là Chủ Tịch mà chỉ gọi ông Vững được rồi, đồng thời xin nói rõ cho ông Đức biết ba bà này đều độc thân, không ai vướng bận con cháu gì hết. Ông Đức cứ nhìn kỷ và tự do chọn lựa.

Ông Đức nhanh trí nói ngay:

- Tôi khỏi cần nhìn, ai ngồi gần tôi là tôi chọn. Mọi người vỗ tay cười nói " thật quá xứng đôi, chọn đúng người quá.” Hĩm e thẹn đỏ mặt nhưng trong lòng rất vui sướng... Các ông tiếp tục ăn uống nhậu nhẹt đến khuya, bàn luận vui vẻ nhiều đề tài nhưng nổi bật nhất vẫn là Quốc gia, Cộng sản.

Ông Đức mặc dầu ngà ngà say nhưng vẫn nhớ lời vợ và các con căn dặn " Khi có ai đề cập chủ thuyết Cộng sản, Quốc gia, Ba phải tránh không được bàn luận gì nghe chưa."

Tự nhiên bây giờ ông Canh thắc mắc như gãy đúng chỗ ngứa của ông Đức. Chẳng đặng đừng, ông Đức rào trước đón sau trước khi trả lời. Ông Canh hỏi:

- Xin ông Đức cho ý kiến trung thực về thắc mắc của tôi sau đây, bởi bây giờ chúng ta xem nhau như anh em, chúng tôi đã từng là cán bộ cao cấp của Đảng, được Đảng nuôi dạy từ nhỏ, tương tự như ông Đức từ nhỏ đã hấp thụ chủ thuyết Quốc gia. Có khi nào ông Đức so sánh Quốc gia, Cộng sản rối hối tiếc cho nhân dân Việt nam mình hay không?

Ông Đức cầm ly lên mời mọi người uống cạn xong nói:

- Điều anh Canh thắc mắc ngoài sự hiểu biết của tôi. Thực sự tôi không hiểu thấu đáo chủ thuyết Quốc gia, Cộng sản mà chỉ nhìn thấy những thực tế thôi.

Ví dụ trước bảy mươi lăm, miền Nam VN văn minh trù phú hơn Hong Kong, Đài Loan, Nam Hàn, Thái lan, Lào, Campuchia... và bây giờ thì VN không theo kịp họ. Điều anh hỏi tôi tương tự như một Thị giả hỏi Đức Đạt-Lai Lạt Ma: "Thưa Ngài, trên Thế giới, Tôn giáo nào là Tôn giáo Hay và Tốt nhất để khuyên mọi người đi theo?".

Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời: "Tôn giáo nào làm cho Anh, Gia đình anh, Bà con bạn bè anh, thoải mái an vui đời sống, đó là Tôn giáo Hay và Tốt nhất." Bây giờ đất nước đã đổi mới, các anh có thể truy cập trên bất cứ trang Web. nào Các anh sẽ thấy ông Gorbachev, lãnh đạo Liên Sô một thời đã nói: 'Người nào ở lứa tuổi hai mươi mà không đi theo Cộng sản là người không có trái tim. Những ai ở lứa tuổi bốn mươi mà không từ bỏ Công sản là người không có đầu óc.’ Nặng nề hơn nữa, Bà Angela Merkel hiện đang là Thủ Tướng nước Đức. Sinh ra và lớn lên trong Chế độ Cộng sản Đông Đức. Bà nói: " Tôi lớn lên trong Chủ Nghĩa Cộng sản Đông Đức, tôi hiểu rõ về họ. Cộng sản là Chủ Nghĩa gian trá và man rợ nhất của Nhân loại và cũng là vết nhơ của Loài người và Thế giới văn minh.” Tôi chỉ đọc lại cho quí vị nghe, chứ hoàn toàn không có ý nói xấu, truyền bá lôi kéo quí vị về với Chủ nghĩa Quốc gia. Bởi tôi mong ước chúng ta nên xem Chủ nghĩa Quốc gia, Cộng Sản như dân chúng yêu thích Chúa, yêu thích Phật. Trong một nước, người dân có quyền theo Chúa, theo Phật nhưng tất cả dân chúng có bổn phận làm cho Dân giàu Nước mạnh. Gần Ba mươi năm tranh giành Chủ thuyết Quốc gia, Cộng sản đã làm đất nước tan hoang, dân chúng chết chóc, đói nghèo. Một lần nữa, xin quí vị đừng yêu cầu tôi lên tiếng về vấn đề này nữa. Nếu tôi phân tích nữa, chắc quí vị sẽ đưa tôi vào tù ngày mai. Tôi đã phá lệ, trước khi đi, vợ con tôi đã căn dặn nhiều lần Ba đùng bao giờ nói chuyện gì có liên quan đến Cộng sản, Quốc gia. Ông Sâm cầm ly lên mời mọi người uống cạn và nói:

- Chúng ta đã xem nhau như anh em một nhà, anh Đức đã đề nghị thì chúng ta nên đổi đề tài khác. Chúng tôi nhất trí bảo đảm anh Đức sẽ không bao giờ tù tội. Nếu có gì xãy ra cho anh thì chúng tôi sẽ liều mình sống chết đưa anh an toàn về Mỹ. Ông Canh và ông Vững đồng ý lên tiếng:
- Vâng, Điều đó đúng, chúng tôi nhất trí bảo vệ anh. Các bà thấy trời đã khuya, tự động dọn dẹp đem chén bát xuống bếp rửa và nhỏ to chuyện trò rồi pha bình trà mang lên ngồi tham dự, nghe các ông nói chuyện. Hĩm nói:
- Hôm nay thứ sáu, ngày mai mốt là thứ bảy chủ nhật không làm việc nên các ông nói chuyện tới sáng chúng tôi cũng thức để hầu hạ, không trở ngại gì.

Mọi người vỗ tay với sự thích thú... Nói thì nói vậy nhưng các ông chỉ uống thêm được mỗi người vài ba ly là bắt đầu gục lên bàn ngáy khò khò. Các bà trải chiếu giăng mùng giữa sàn nhà rồi lần lượt khiêng từng ông xuống ngủ. Ông Đức rất mệt mỏi nhưng vì Việt Nam và Mỹ đêm thành ngày nên vẫn thao thức. Các Bà cũng trải chiếu giăng mùng bên cạnh nằm canh chừng. Ông Đức trằn trọc đến gần sáng, ông bò ra khỏi mùng đi tìm phòng vệ sinh. Bà Hĩm ra khỏi mùng đi theo hỏi:

- Anh dậy sớm rứa? Anh cần chi?
- Anh đang tìm phòng vệ sinh. Bà Hĩm nói:
- Đợi em một chút. Bà đi ra sau vườn, vài phút sau trở lại với cây cuốc đưa cho ông Đức. Ông Đức ngạc nhiên hỏi:
- Để làm gì?
- Thì anh nói muốn đi vệ sinh. Ông Đức vẫn chưa hiểu, trợn mắt nhìn Hĩm. Bà Hĩm giải thích: 
- Anh vác cuốc đi ra đám ruộng xa nhà, đào một lỗ, ngồi lên đó. Xong rồi dùng cuốc lấp lại. Ông Đức thốt lên:
- Trời đất... Trước khi vác cuốc đi, ông nói thêm:
- Hồi hôm có rượu, nếu tôi lỡ lời nói điều gì không phải, xin bỏ qua cho. Hĩm nhìn ông hỏi lại: 
- Anh nói anh chọn em, điều đó lỡ lời hay không?
- Ồ, điều đó thì nói thật lòng...

Chưa bao giờ đi trên vườn ruộng, ông Đức bước đi xiêu vẹo như muốn té. Hĩm đợi đến khi thấy mờ mờ bóng dáng ông đi gần khuất trong buổi sáng mù sương, mới quay vào nhà.

Ba bà thức dậy sửa soạn bữa ăn sáng. Các ông mỗi người một tay cuốn chiếu, xếp mùng màn và đi đánh răng rữa mặt. Khi bữa ăn sáng đã dọn lên bàn, ông Đức vẫn chưa về đến nhà, ông Chủ Tịch Vững bảo các Bà ra ngoài xem ông Đức về chưa. Vừa nói xong thấy ông Đức vào tới sân với quần áo mặt mũi dính bết đầy bùn, vai vác cuốc, tay xách dép. Mọi người đổ dồn ra cửa ôm bụng cười ngất. Ông Đức cười theo và nói:

- Đi không quen vườn ruộng nên té lên té xuống nhiều lần. Điệu này làm sao ở đây lâu dài được? Hĩm chạy ra đỡ lấy cuốc và đôi dép, rồi bảo:
- Anh đi thẳng ra sau hè, em gánh nước cho anh tắm. Ba ông ngồi vào bàn uống cafe đợi ông Đức. Ông Vững nói:
- Đúng là dân thành thị, chắc ta phải tìm giải pháp để ông Đức khỏi ra đồng mỗi sáng sớm. Ông Đ/tá Canh đề nghị:
- Hay mỗi buổi tối, mời ông sang ngủ tạm nhà tôi. Nhà tôi có cầu tiêu lộ thiên sau vườn. Ông Phó CT. Sâm xen vào:
- Nhưng bất tiện về chuyện khác. Hai bà vợ anh Canh còn trẻ đẹp, anh không ghen sao? Nhà tôi cũng có cầu tiêu lộ thiên nhưng cũng kẹt hai bà vợ tôi khó tánh, mấy bả cằn nhằn là tôi không chịu nổi.

Giải pháp chưa đạt được thì ông Đức tắm rửa xong trở vào. Vừa ngồi xuống bàn ăn, ông Đức lên tiếng:

- Hôm nay xin phép ba anh cho tôi trình bày những ước muốn của gia đình tôi, muốn tôi về quê hương để thực hiện những điều có lợi ích cho dân chúng trong làng trong xã mình. Nhất là những gia đình nghèo và trẻ mồ côi. Bắt đầu từ hôm nay, quí vị hãy giúp tôi tìm hiểu họ cần những gì ưu tiên trước nhất. Trong khả năng, tôi cố gắng giúp họ hết mình. Ông CT. Vững ngắt lời:
- Việc này chúng tôi rất hoan nghênh và hứa sẽ thỏa mãn bất cứ yêu sách nào của anh. Ông Đức nói:
- Xin cám ơn trước và tôi nghĩ là tôi sẽ ở lại một thời gian lâu dài. Do đó tôi xin ông Chủ Tịch cho phép tôi tân trang căn nhà này lại, chứ sáng nào tôi cũng bị té lên té xuống ngoài ruộng đồng chắc sẽ bỏ mạng sớm.

Tất cả mọi người cùng cười vang. Ông CT. Vững nói:

- Anh xem nhà này như nhà anh, muốn tân trang thế nào cứ tự tiện. Ông Đức nói thêm: - Xin thông báo cho quí vị biết, tôi tốt nghiệp Đại học sau mấy năm qua Mỹ, với văn bằng Kiến Trúc Sư. Đã làm việc hơn ba mươi năm, có được kinh nghiệm vững vàng trong ngành xây cất. Sáng nay tôi vẻ kiểu và chiết tính vật liệu, nếu kịp thì trưa nay nhờ Cô Hĩm đưa tôi lên Phố, xem có những loại gỗ gì và xi-măng giá cả ra sao. Tôi sẽ mua và mướn xe chở về. Việc quan trọng nữa là nhờ ba anh thuê mướn giùm tôi hai chục người có tay nghề thợ nề, thợ mộc sẵn sàng làm việc ngày mai. Mặt khác, trong thời gian làm việc, nhờ ba bà lo việc ăn uống cho tất cả mọi người. Lương bổng của các bà cũng bằng lương của thợ. Tôi trả sòng phẳng. Ông Đ/tá Canh vừa cười vừa nói:
- Bây giờ tôi thấy rõ anh Đức thực sự là một cấp chỉ huy, hoạch định công việc rất chi tiết, nếu ngày xưa đụng trận với anh chắc chúng tôi không địch nổi... Ông Đức cười xuề xòa nói:
- Chuyện chiến tranh súng đạn làm sao nói được, chỉ cần một viên đạn lạc là bất cứ ai cũng lăn đùng ra chết, anh thắng hay tôi thắng với tôi chỉ là một ván cờ, đi sai một nước là thua...

Thấm thoắt đã ba tuần lễ trôi qua, nhà ông Vững tân trang sắp xong. Gồm năm phòng ngủ, phòng khách rộng. Hai nhà vệ sinh và hai phòng tắm sau vườn, cách nhà chính chừng năm thước có đường đi ra với mái che mưa nắng. Bên trên nhà vệ sinh có bồn chứa và hứng nước vào mùa mưa. Thật là một kiến trúc kỳ diệu, chi phí quá rẻ. Mọi người khen ngợi và khâm phục hết mình.
Ông Đức nói:

- Chúng ta phải thừa thắng xông lên, công tác kế tiếp là tân trang nhà Đ/tá Canh nhà anh Sâm, xong mới đến chuyện xây thêm phòng học cho các em ở trên Chùa. Nhưng tôi bị trở ngại vấn đề đi lại. Do đó, ngày mai tôi và cô Hĩm sẽ vào Sài gòn mua chiếc xe hơi làm chân. Công việc ở nhà xin nhờ anh Canh và anh Sâm lo hộ. Ông Canh cười nói:
- Bây giờ anh là Tư lệnh chiến trường, chúng tôi phải thi hành bất cứ Lệnh-hành-quân nào của anh đưa ra. Mọi người thích thú cười vang...

(còn tiếp)
Tâm-Phương-Đăng

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2017