SỐ 78 - THÁNG 4 NĂM 2018

 

Cơn mưa xuân

Vũ Hoàng Thư
tản mạn

Cơn mưa cuối mùa đổ xuống, hiếm hoi như tự bao giờ. Có thể gọi mưa xuân, thức dậy những mầm khô đang đợi? Những lọn trắng, lọn xám và đen bay mãi xuống cuối chân trời. Và người đợi, khô thèm từng giọt nước. Phía dưới chân trời là cõi đợi. Mây dâng mù lượng nước hay em vời lộng cõi nhớ hư hao? Quê hương. Thần linh. Hay chốn về đã mất. Ngóng là hành động ngước lên và trông đợi. Có khi là em, có khi là huyễn tượng. Mà cần chi, chỉ cánh tay với mới là điều đáng nói với thi sĩ. Với được hay không là chuyện sống chết của người đời, kệ họ, không quan trọng gì với bọn làm thơ. Chớ sợ hãi kiểu “Đừng cho không gian đụng thời gian” (PD). Phạm Duy lúc đang yêu băn khoăn về hai chiều của vũ trụ nhập làm một. Một thoáng ý chia ly mở ra viễn tượng tận thế, một chút xa rời liền len lỏi dự kiến phôi pha. Không gian và thời gian là hai thông số độc lập trong vũ trụ vật lý Newton, qua đến thuyết tương đối của Einstein thì hai điều này là một, bất khả phân. Vậy thì hãy dang tay với, cho dù hai cột mốc có chạm vào nhau. Cách ngăn sẽ tan biến khi ta cùng em… Tình yêu và thi ca có lẽ tay trong tay tự muôn đời, từ lúc Adam cắn vào trái cấm. Không gian với thời gian chung hòa khi hai kẻ yêu nhau ngồi kề, mặc cho ông Newton hay ông Einstein gán ghép một định nghĩa nào khác.

Thế kỷ 15, Annamayya, một nhà thơ chuyên về thi ca tôn giáo Ấn độ, tới lui phiêu hốt giữa tình yêu rất cõi người và khát khao nhắm đến thần linh. Ông để lại hơn mười ba ngàn bài thơ, dưới dạng thơ ca bằng ngôn ngữ Telugu, được khắc vào bản đồng, lưu lại tại đền thờ Venkaresvara. Hiện nay hơn nửa số bản đồng đã thất lạc theo thời gian. Đa số thơ Annamayya diễn đạt tình yêu và bản chất của thần linh mà ông được biết qua sự chung đụng tâm linh hàng ngày cũng như những khắc khoải, hổn loạn của chính ông trong mối liên hệ đó. Đối tượng là con người hay thần linh mờ nhòa trong tình yêu. Thần thánh tạo dựng từ trí tưởng con người vì thế thần thánh luôn mang một nhân cách. Thánh kinh cũng nói rằng Thiên Chúa tạo dựng con người qua hình ảnh của chính ngài. Quán Thế Âm là một người đàn ông trong kinh điển Đại thừa Ấn Độ, trở thành đàn bà khi du nhập vào châu Á, cho dù Bồ Tát vốn vô tính và mang nhiều hình tướng để cứu đời. Từ đó thánh thần được mặc áo nhân gian, bậc thiêng liêng gần gũi với con người hơn, tánh khí cũng “người” hơn, như Ông Thiện và ông Ác. Hóa ra đối tượng của thờ phượng phản ảnh sự ưa thích, một lối ưu tiên hóa niềm ước mơ của chính con người.

Chuyện thần thoại Hy Lạp kể rằng chàng nhạc sĩ tài hoa Orpheus xông pha xuống địa ngục để tìm vợ Eurydice vừa mới chết. Với cây huyền cầm thần diệu và giọng hát đau thương, chàng đã chinh phục được Thần Chết. Hades, vua của âm ty cho phép Orpheus đem vợ về lại dương thế với một điều kiện, đó là trên đường về chàng không được quay đầu nhìn lại. Orpheus mừng rỡ dẫn vợ về trần. Nếu câu chuyện chấm dứt ở đó, hẳn là một câu chuyện có hậu nhưng cuộc đời có mấy khi xuôi mái. Chỉ còn vài bước sắp đến trần gian, Orpheus lòng bỗng nôn nóng vì suốt cuộc hành trình chàng chẳng nghe động tịnh gì từ vợ phía sau. Chàng nào biết, Eurydice vẫn còn là kẻ âm, một bóng ma đang bay theo chàng sau lưng. Lo sợ Hades gạt gẫm mình, Orpheus quay đầu lại kiểm soát xem người vợ có còn bên, liền khi ấy bóng Eurydice tan biến. Orpheus tìm mọi cách để trở lại địa ngục nhưng vô vọng. Người lái đò từng đưa chàng bơi qua sông lú lần trước đã không còn đó nữa. Thiên thai hay địa ngục giờ đây, “trời đất từ đây xa cách mãi, cửa động, đầu non, đường lối cũ, ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi…”(Tản Đà). Một cái quay đầu định mệnh, y như vợ của Lot trong Thánh Kinh, người phụ nữ biến thành tượng muối khi nuối tiếc quay đầu nhìn lại thành phố sa đọa Sodom. Chớ quay đầu lại [biểu lộ sự tiếc nuối], chỉ có hiện tại và dấn bước vào tương lai trước mặt như một căn đề muôn thuở. Vực lại hòn đá lăn là một huyền thoại. Rằng Eurydice không thể về lại trần vì không thể có hai lần sống hay hai lần chết trong một kiếp sống […thầm thì…thầm thì lời Heraclitus]. Rằng vô thường là điều duy nhất thường hằng trên cuộc đời này, rằng thân giả hợp đó một khi tan rã chẳng thể níu lại, có còn chăng là tiếng đàn lyre nức nở và giọng hát bi ai? Trong tập “Góp nhặt cát đá” của thiền sư Muju (Vô Trú) kể lại rằng thiền sư Shido Mu-nan thuộc tông Lâm Tế của Nhật, vốn là một người bê tha rượu chè, cờ bạc, được thiền sư Gudo giúp đỡ thức tỉnh. Để đáp ơn khai sáng, ông xin được mang hành lý tiễn đưa Gudo vài dặm đường. Cuộc tiễn đưa ấy tưởng là ngắn ngủi vài dặm nhưng không, Mu-nan cứ tiếp tục đi đến vài chục dặm dù cho Gudo mãi thúc dục ông ta quay về. Cuối cùng Mu-nan nói: “Không, con sẽ theo thầy suốt cuộc đời còn lại của con.” Tên Mu-nan có nghĩa là Vô Quy, người không bao giờ quay lại. Đó là nghĩa lý theo quan niệm chữ nghĩa đời thường chứ bản lai diện mục vốn không có chỗ về và chốn đến, vậy thì quay về chốn nào? Vô quy là vì vậy, vượt lên trên, không còn đến/đi, lai/khứ, dứt tận cùng sự phân biệt.

Thế nhưng trần gian, cõi lưng chừng giữa thiên đàng và địa ngục, có đầy đủ chất tố của thiện và ác, của yêu và ghét, nhiều khi có lắm điều để trăm bề lưu luyến. Thần thánh, một phóng ảnh của con người, khi rời cõi thế biết đâu cũng “bâng khuâng lúc em cười, kìa ngàn cây ngẩn ngơ”? (PĐChương)

Trở lại với Annamayya, ông đối thoại như thế này, trong  một đoạn thơ còn lưu lại, với vị thần chủ ngôi đền Venkaresvara,

What use is ecstasy
without the agony of separation?

Shade is nothing without the burning sun.

What is patience without the fury of
passion?

Why make anything — love or poetry —
if two can’t be one? (*)

Giải thích thế nào nỗi khát khao của đoạn thơ trên? Mỗi câu, mỗi chữ gợi khêu những đối đầu bất khả, những ngã rẽ tâm tình, những đoạn trường thôi thúc. Nói làm sao, nếu không mượn một đôi dòng hý lộng dài dòng mở phơi ngấn tích? Chẳng phải dịch, vì dịch sẽ làm vỡ mất cái lung linh, lay rùng tinh thể dạng hình bay xa, thể thái đụng-hờ-sẽ-tan của Xuân Diệu.

Niềm thống khoái
hẹn đoạn trường
mộng sơ nguyên
hứa mù sương phù kiều

Bóng mát kia nhắn muôn điều
lung linh vỡ
phút dương triều phôi pha

Đam mê nào cháy thăng hoa
cơn man dại
giữa trầm ca đợi chờ

Tình ở lại
như tiếng thơ?
hay tao ngộ
vẫy chào bờ chia phôi?

Hiện hữu của sự vật như chuỗi nhân duyên dính chùm, cái hiện tiền nảy sinh sự so sánh với cái khiếm diện, đối đãi tràn bờ trong kết cấu thơ Annamayya. Shade is nothing without the burning sun, bóng mát kia nhắn muôn điều, lung linh vỡ phút dương triều phôi pha. Thơ gọi trăm nghìn câu hỏi, không lời giải đáp bởi chưng câu trả lời phải nằm ngay nơi người đọc. Nhịp nhẹ nhàng lúc ban đầu nhường dần cho tiết diệu dồn dập gạn tra. Như chiếc đầu rắn hổ mang của tay phù phủy điêu luyện ló lên từ chiếc rọ, cao dần, cao dần, cứ thế cao điểm nghẹt thở tăng lên vì chiêu tấn công không biết sẽ xảy ra bất cứ khi nào. Tra vấn và khẳng định đang gay gắt tương tranh hay cuối cùng gắn bó làm một? Lựa chọn nào chẳng có sự đau thương đi kèm trong bối cảnh nhị nguyên? Đó là sự mâu thuẫn [hay phi lý] của tình yêu, hay xa hơn, của kiếp sống?

oOo

Tháng tư luôn chập chùng bóng mây đen. Cơn mưa xuân nhẹ, vội vàng đến, vội vàng đi chỉ làm tăng thêm cơn khát từ đất, từ người. Lao lung nhớ từng trận mưa mù bên ấy ngày cũ. Ôi nỗi nhớ cát thầm xin lửa đốt / Mai sau về yên nghỉ giấc Pha lê (Thi Vũ). Ký ức nở dài theo từng giọt nước leo lách ngõ ngách xanh rêu. Chỉ làm cơn khát thêm dữ…

You say, “Let me quench my thirst,
and then I’ll find the truth.”
Why should thirst be quenched?
How can you know truth? (*)

“Nén cơn khát”  người nhủ đời,
“Sẽ chiêm nghiệm thật như lời còn mang”
Sao phải dập khát khao tràn
Hư hay thật biết bao lần vấn tra?

Ừ nhỉ, sao bận lòng chi chuyện dập tắt, sao chẳng để khát khao hoang?

Vũ Hoàng Thư
Tháng 4, 2018


(*) God on the Hill, Temple Poems from Tirupati, Annamayya, translated by Velcheru Naraynana Rao & David Shulman, Oxford University Press, 2005.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2018