SỐ 78 - THÁNG 4 NĂM 2018

 

MẦN ĂN

Ngọc Cân

Đang chập chờn với các mỹ nhơn, có tiếng động. Vang vọng, rơi rớt, đổ bể. Giấc ngủ ngắt ngang. Không biết dư ảnh trong mắt là mình còn mơ hay những thân xác thỗn thện của kênh 18 trên TV hồi khuya. Chới với một lúc mới tỉnh; biết là mình vừa ngủ dậy mà không nghe tiếng đồng hồ báo thức. Mắt cay, người nóng khan, Niên ngẩng đầu nhìn, 6 giờ; trước khi tắt TV ngủ, đã coi lại là 10 giờ mới reo mà. Tiếng lục đục từ phòng ngoài là sao. À, hắn dậy đi làm. Sao hôm nay ồn ào quái đản!

Kéo mền che tai, Niên nghĩ là sẽ ngủ lại dễ dàng. Về tới nhà 1 giờ, kề cà đến sau 2 giờ mới lên giường, phải ngủ 8 tiếng mới đủ; 1 giờ trưa là ra đi làm. Nhưng hôm nay thứ bảy mà, mình nghỉ. Không, thứ bảy này thì ‘overtime’. Còn Hùng sao phải dậy 6 giờ như ngày thường vậy. Niên đạp tung mền, mở cửa ào ra phòng ngoài, hỏi:

- Ông nội làm gì vậy?

Hùng trong bếp nghiêng người ra, nhìn Niên, giơ cao bình cà phê rồi lại quay vào, khuất.
Niên tiến tới, chống nạnh, nói:

- Ông lịch sự chút chứ, tôi phải ngủ.
- Ai cấm ông. Ông ở phòng riêng mà.

Niên không nhìn Hùng đang rót cà-phê ra ly thứ hai, nói:

- Ông làm ồn như vậy thì chó nó ngủ. ĐM, có tôi ngu mới nghe ông dụ thuê căn cao ốc này “ở ‘basement’ lâu ngày thấy mình bế tắc, thuê ‘apartment’ cho nó sang con người, brai-vết-xi”…tự nhiên tốn thêm mấy trăm.
- Thôi, xin lỗi ông thày mất dạy. Làm tí cà-phê nóng đi.

Niên buông người xuống ghế ở bàn ăn. Hùng bưng ly cà-phê ra đặt trước mặt Niên, vừa ngồi xuống vừa nói:

- Ngủ không được há. Làm một ly rồi ngủ tiếp; thứ bảy ông ngủ tới chiều cũng đâu sao.

Niên nói:

- Bữa nay tôi cũng làm, bực mới cự. Mọi bữa ông êm re, bộ đi ‘overtime’ hả?

Hùng nói:

- Đi. Phải đi. Thằng ‘manager’ khốn nạn!

Niên nói:

- Thằng ‘manager’ nó kêu ông đi làm, ông lại phá giấc ngủ của tôi, “not fair, man”.

Hùng vừa đưa Niên một cái bao thơ vừa nói:

- ‘Sorry’ mà! Cái này tui biết nó hù nhưng ông coi kỹ xem nó nói gì.

Hễ giấy tờ là Hùng nhờ Niên đọc. Hắn nhỏ tuổi hơn nhiều, lại qua trước mấy năm nên nói năng rôm rả, vốn chữ nghĩa thì ít. Đang trung học phải trốn chui trốn nhủi vì nghĩa vụ quân sự kêu. Vượt biên đường bộ xuyên qua Miên. Hắn từng kể “bạn cùng lớp bị đẩy qua Kampuchia gần hết; có thằng người nhà đã nhận xác. Mấy ngày đi trên đất Miên nhìn chỗ nào cũng nghĩ có bạn mình ém quân; ngủ còn mơ thấy tụi nó băng bó, què cụt”. Hiện Hùng làm hãng điện tử nhờ mắt tốt. Cuối tuần đi nhảy, đi nhậu. Niên mới qua, hồi xưa học thuộc lòng văn phạm nên giờ nói chữ một cho chắc; đọc tiếng Anh không cần kiếng. Ngày ngày đi làm hãng gà thì phải đeo.

Đọc xong, Niên nói:

- Cảnh cáo bằng giấy tờ lần đầu… đã nhiều lần hãng có nhu cầu cấp bách mà ông Hùng từ chối không làm ‘overtime’… điều này nói lên tinh thần thiếu cộng tác với công ty… về lâu dài ảnh hưởng xấu cho sản xuất chung và mức độ thăng tiến cá nhân của ông Hùng… sau nhiều lần cảnh cáo miệng, đến lúc lưu bút là cần thiết… đặt nền tảng cho công ty toàn quyền quyết định về sau…; Nói chung là không phải hù, ông hiểu ý ‘manager’ của ông hơn tôi.

Hùng đỏ mặt, nói:

- ĐM nó. Có thằng tây trắng nào bị cảnh cáo hay cho nghỉ việc vì bỏ ‘overtime’ đâu! Mình nói ‘No sir’ lịch sự, còn tụi nó trả lời thẳng thừng “shit shit no thank” tùm lum.
- Tụi nó to, khỏe, nói tiếng mẹ đẻ, dễ kiếm việc nên ‘weekdays’ là ‘weekdays’, ‘weekend là weekend’ có làm có chơi, bất chấp ‘boss’ biếc; mình khác ông à.
- Mình phải sống như tụi nó thì mới gọi là hội nhập chứ. Hừ, tui đi đây. Không trả tiền hàng tháng cho cái xe mới với tiền Việt Nam thì ông đây thọc ngón giữa vào mặt nó rồi ông ‘quit’ tại chỗ.
- ‘quit’ mà đi học lấy được ‘license’ này kia thì sao không?

Niên nói vói thêm:

-Tôi làm nguyên ca. Ông về có đi nhậu đừng chờ tôi.

Căn hộ hai phòng ngủ yên lặng. Niên bưng cà-phê ra phòng khách, ngồi vào chỗ, bật máy lọc khói để hút thuốc. Cà phê làm dịu mắt cay. Không sao, muốn ngủ là sẽ ngủ, làm ca xoay phải như vậy. Xong hớp cuối, Niên vào phòng, đổi giờ chuông reo của ‘đồng hồ sinh học’ thành 11, nằm xuống một lúc là thăng.

Niên ra thang máy đi làm sớm 45 phút, trừ hao xe cộ thứ bảy ít chuyến hơn ngày thường. Hai chuyến búyt, ‘subway’ ngang, ‘subway’ lên hướng bắc, thêm buýt nữa là tới hãng gà. Đang mùa hè nên áo quần lạnh đem theo trong ba lô. Quan trọng là áo len lót trong. Dù trong ấy đồng phục nylon dày phủ từ đầu xuống chân, chân bốt cao, thêm tạp-dề, mặt che gần hết, vẫn rất lạnh.

Từ ‘subway’ này qua ‘subway’ kia là một hành lang thương xá, hôm nay người ta cũng đông nhưng không hấp tấp dồn nhau đi làm cho kịp giờ. Niên ghé cửa hàng bánh và nước ngọt; nó nhỏ hẹp như lỗ mũi. Tủ kiếng thấp chắn mặt tiền.

Niên đứng ngoài, cầm 3 đồng, nói tiếng Anh:

- Xin cho 2 cái 'muffin’, 'chocolate’.

Người phụ nữ lâu nay Niên đinh ninh là người Mông cổ hay thổ dân da đỏ, tự nhiên nói tiếng Việt:

- Ông Việt Nam?

Niên không ngạc nhiên lắm, nói:

- Chị người Việt sao. Tôi cứ tưởng!
- Tôi nghi nghi nhưng lại nghĩ ông người Phi!

Niên nhìn qua lồng kiếng, thấy cánh tay cầm kẹp của chị đang dồn cái 'muffin’ thứ ba vào bao giấy.

- Đừng chị! 1, 2 đồng không đáng. Hai cái là no rồi.

Chị cười, tươi trên khuôn mặt đầy, khắc khổ; nói:

- Nhằm nhò gì! Anh biết nó thu ngày nhiêu không?
- Chịu.
- Trên 7 ngàn! Trên 7 ngàn một ngày! Không sao đâu ông ơi “Thank you, have a nice day!”.

Ngồi trên 'subway’ chuyện không nhằm nhò đó làm Niên nghĩ ngợi. Vậy là tiền lệ, gặp phiên của chị là chị sẽ thêm. Lo bò trắng răng, lỡ chị bị đuổi việc! Không lẽ từ nay thôi không ăn 'muffin’ nữa. Phải dứt khoát không để chị dúi thêm. Phiền.

Làm ca nào Niên cũng qua bữa bằng 'muffin’. Cùng nghỉ ăn với Niên, Năm nhận một cái, nói:

- Tưởng ông tăng đô.

Niên đáp:

- Hai cái đủ sống. 'microwave’ xong trét bơ là đủ chất bột, chất béo, đường. Đòi hỏi gì nữa.

Năm nói:

- Ông ăn uống như thầy tu. Còn thịt? Ở xứ này phải có thịt. Người mình lại phải có cơm. Không phải ý kiến tôi đâu nhé, mấy bả nói vậy.
- Tám nữa. Ở nhà ăn cơm thịt kho rồi, bới xách lỉnh kỉnh. Vào đây không thịt mà thở đã ra gà. Mỗi ca đóng gói cả trăm nghìn con. Nhắm mắt là thấy đùi, toàn đùi trắng nhợt.

Năm vừa xúc cơm ăn vừa nói:

- Nhưng mà coi thảm quá ông. Ngày nào cũng lỏng chỏng hai cục.
- Ai mướn mấy người thương hại. “Thank but no thanks”.

Niên cười, nói thêm:

- Bộ không ưa tôi dành tiền mua nhà trước chắc.

Năm ngưng nhai, cười toáng, nói:

- Tưởng ông mở tiệm trước chớ. Mần ăn ra nhớ kêu thằng em này phụ nhe.

Mấy người tây cùng ngồi ăn quay qua nhìn. Năm nói:

- “He want to make business, his business, man!”.

Một người Nam Mỹ nói:

- “Hot dog good business man”

Một người khác:

- “From cold chicken to hot dog, not bad”.

Năm nói:

- Đó là một sáng kiến nghe ông.

Niên nhìn miếng 'muffin’, nói:

- Tôi mới nghe một ki-ốt bánh như bánh này mà thâu 7 ngàn một ngày.
- Giỡn cha!
- Giỡn chi, người bên trong nói đó nghe ông.
- Sao dễ ăn vậy, chắc vốn lớn mới sang tiệm cỡ đó được.

Niên nói:

- Dứt khoát, ngả tư 'subway’ mà. Đâu như bên mình xách cái pit-tông với vài cờ-lê ra đầu đường vá Honda là sống.
- Đang ‘save’ tiền hả! Ông tự làm khổ mình thôi, đâu ai bắt. Hay ông chơi khổ nhục kế câu mấy bà.
- Thiện tai! Ông là Khổng minh gia cát chắc! Nói chơi thôi chớ câu kéo gì, ai wởn mà thương hại; chỉ là muốn đơn giản, hồi đó bị ăn ít riết quen.

Xong bữa, Niên ra ngoài hút thuốc. Nhìn bãi đậu xe thưa thớt hơn ngày thường. Nhớ lại lời Năm nói mở tiệm. Tiệm gì, để làm gì. Ý chí nếu có, đã hao dần trong trại, đã xài để trốn, đã dốc hết cho chuyến ghe vượt biển. Có còn đủ để lập thân, lập nghiệp? Qua ngày là được rồi. Ô hay, sao lại tự xìu thế này. Có tí vốn là phải xách pít-tông xuống phố liền; gà, bò riết rồi sao. Hay ra 'farms’ nuôi vịt, làm tiết canh bán; không chừng hay đa.

Niên dụi tắt điếu thuốc, búng vào lùm cây; quày quả đi hướng phòng vệ sinh. Chưa thúc bách nhưng phải đi, phải vội. Chốc nữa lên đứng trên 'line’ muốn đi phải chờ có người thế chỗ, cả tiếng.

Tan ca, Năm cho quá giang tới ‘subway’. Trời đêm hè ấm. Trạm ngoại ô vắng. Không khí thoáng mùi gà pha hóa chất nhẹ. Người đàn bà ngồi trước mặt, ghế trong của dãy ngang dù chỗ kế bên và dãy dọc ngoài không có ai, là một góc; phải là Việt Nam. Một bà già Việt Nam, bà ấy vừa ăn xong hai trái chuối mật; ít khi bán và giá đắt mấy lần chuối già thông thường. Chuối già 29 ‘cent’ một ‘pound’ mà chuối mật có khi 2 đô. Chỉ có người Việt mới dám rớ. Mặt bà hao hao giống bà già Niên.

Bà ấy cuộn vỏ chuối trong miếng ‘napkin’, bỏ tất cả vào túi xách. Lục trong đó ra một vỉ nhựa nhiều ngăn đựng thuốc và chai nước. Nhìn chai trống, bà tần ngần đưa viên thuốc lên miệng, bón nước bọt, múm múm rồi nuốt trọng, nếp nhăn trên mặt tăng gấp đôi. Hai lượt. Cất thuốc và chai vào túi, bà ôm nó vào lòng như chiếc lồng ấp, tựa lưng hẳn vào ghế, nhắm mắt. Dẫu là làm hãng nào thì ngày dài sắp qua.

Những viên thuốc tây! A thuốc tây! Mỗi lần ghé về nhà thấy bà già họ sù sụ hay cảm cúm, Niên cứ hối đi bác sĩ để có toa mua thuốc tây cho mau bớt, để yên trí là không có gì nặng. Từ nhỏ tới lớn chỉ quen uống thuốc hay xông, xoa bằng lá, rau, củ; cùng lắm là cao đơn hoàn tán ngoài tiệm tạp hoá, mẹ nói không sao không sao.

Những lần chìu con, uống thuốc tây là mẹ bị phản ứng, bị nhiệt làm ngầy ngật, dật dờ cả tuần; còn trai thì đã dông mất tiêu, sau nghe kể mới biết hậu quả.

Tới trạm 'muffin’, cả hai lên cầu thang đi đổi tuyến. Niên nấn ná lẽo đẽo sau bà. Bà bước từng bước mạnh dạn. Thấp nhỏ trong vòm trạm mênh mông. Bà đổi qua tuyến về hướng đông, không dừng lại chỗ vòi nước uống.

Niên quay qua hướng tây, “sao không chiêu thêm ngụm nước hở bà!”

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2018