SỐ 78 - THÁNG 4 NĂM 2018

 

A Thousand Splendid SunsNgàn ánh dương rực rỡ

Khaled Hosseini
Trúc Hà dịch

Chương 17

Cây súng màu đỏ, khóa cò màu xanh lá cây. Đằng sau cây súng lờ mờ gương mặt của Khadim cười toe toét. Thằng Khadim mười một tuổi, bằng Tariq, người cao to, hàm răng dưới đưa ra móm xọm. Ba nó bán thịt ở khu phố Deh-mazang, và ai cũng biết lâu lâu Khadim hay ném ruột bò con vô người các khách bộ hành qua lại. Ðôi khi nhân lúc không có mặt Tariq, nó đi theo Laila trong sân trường giờ ra chơi, vừa nhìn trộm vừa rên khe khẽ. Có một lần nó vỗ vai Laila và nói, Cô bé tóc vàng ơi. Em đẹp quá. Anh muốn lấy em.

Giờ nó đang quơ cây súng. “Ðừng lo,” nó nói. “Cái này không nhìn thấy đâu. Không nhìn thấy trên tóc mày đâu.”
“Ðừng. Tao cảnh cáo mày đó.”
“Thì mày làm gì nào?” thằng Khadim nói. “Cho thằng què của mày đánh tao hả? “Anh Tariq ơi, anh về ngay để cứu em!”

Laila bắt đầu lùi lại nhưng Khadim đã bóp cò. Từng tia nước nóng bắn trúng tóc Laila, rồi trúng bàn tay của nó đưa lên che mặt. Mấy thằng kia từ chỗ núp chạy ra, chúng cười to và chế nhạo nó.

Một câu chửi có lần Laila nghe ngoài đường bỗng nhiên phọt ra từ miệng Laila. Thật ra nó có hiểu câu đó đâu, nhưng những chữ trong câu đó chứa đựng một tiềm năng mãnh liệt, cho nên nó bèn tung ra lúc này.

“Má mày ăn c.!”
“Ít ra không điên khùng như má mày,” Khadim thản nhiên trả đũa. “Ít ra ba tao không nhát như thỏ đế! À mà sao mày không ngửi bàn tay mày đi?”
Mấy thằng nhóc kia hùa theo hát. “Ngửi tay mày đi! Ngửi tay mày đi!”

Laila ngửi, nhưng cả trước khi đó, nó đã biết thằng Khadim ám chỉ điều gì khi nói không nhìn thấy trên tóc mày đâu. Nó kêu thét lên. Bọn con trai càng hú to.

Laila quay đi và vừa kêu thét vừa cắm cổ chạy về nhà. Nó kéo nước giếng, đổ đầy cái chậu trong nhà tắm, rồi cởi quần áo thật lẹ. Nó sát xà bông lên tóc, cào muốn rách da đầu và rên rỉ một cách ghê tởm. Nó dội nước rồi sát xà bông lần nữa. Mấy lần nó muốn ói. Nó cứ mếu máo run rảy trong khi luồn tay chà cái khăn xà bông lên mặt, lên cổ cho tới lúc mặt và cổ nó đỏ ửng lên.

Chuyện này hẳn đã không xảy ra nếu như có Tariq đi với nó, nó nghĩ thế lúc mặc quần áo sạch lên người. Thằng Khadim chẳng bao giờ dám. Dĩ nhiên, chuyện cũng đã chẳng xẩy ra nếu má nó đi đón nó như đáng lẽ bà phải làm. Có đôi lúc, Laila tự hỏi sao má lại đẻ nó ra làm chi. Bây giờ thì nó tin như thế, chính ra người ta không được phép có thêm con một khi đã cho đi hết tình thương cho những đứa con trước. Như thế là bất công. Nó chợt thấy giận dữ. Nó bỏ vô phòng và ngã gục xuống giường.

Khi cơn giận dịu xuống, nó đi ra hành lang và tiến đến phòng má nó, gõ cửa. Hồi còn bé, nó thường ngồi hàng giờ bên ngoài phòng này, rồi gõ cửa và thì thầm gọi tên má liên hồi, như đọc  kinh để phá bùa vậy: má ơi, má ơi, má ơi, má ơi… Nhưng má nó không bao giờ mở cửa. Bây giờ cũng thế. Laila vặn chốt cửa và bước vô phòng.

Hồi đó thỉnh thoảng má nó có được vài ngày khoẻ. Những hôm đó, bà thức dậy và bước xuống giường ngay một cách vui tươi, sinh động. Cái môi dưới xệ của bà được nâng lên vì bà cười. Bà đi tắm. Bà mặc quần áo sạch và chải lông nheo với mascara. Bà để cho Laila chải tóc cho bà, một việc Laila rất thích làm, và bà lấy đôi bông tai đeo vô. Hai mẹ con đi mua sắm ở khu chợ Mandali. Họ chơi cờ cá ngựa, và ăn sô-cô-la được cạo ra từ những tảng sô-cô-la đen, đây là một trong những số ít điều mà hai mẹ con có cùng ý thích.

Vào những ngày má khoẻ này, cái phần mà Laila thích nhất là lúc ba nó đi làm về, lúc hai má con nó nhìn ra và cười toe với ba, hàm răng đen thui. Những lúc đó, một luồng gió hạnh phúc thổi qua căn phòng, và Laila thoáng bắt gặp sự âu yếm, lãng mạn đã một thời trói buộc cha mẹ nó khi ngôi nhà này còn đông người, ồn ào và vui vẻ.

Vào những ngày bà khoẻ, đôi khi má còn làm bánh và mời mấy bà hàng xóm đến uống trà ăn bánh nữa. Laila được liếm sạch mấy cái tô, trong lúc má bày bàn với tách, khăn và dĩa đẹp. Sau đó, Laila sẽ ngồi vào bàn trong phòng khách và cố gắng chen vô câu chuyện đang như pháo nổ của các bà vừa uống trà và khen bánh má làm. Mặc dù nó chẳng bao giờ nói nhiều nhưng Laila thích ngồi đó và lắng nghe, bởi vì trong những buổi họp mặt như thế, nó được hưởng một niềm vui hiếm hoi: đó là được nghe má nói về ba một cách trìu mến.

“Ảnh là một giáo viên hạng nhất,” má nói. “Học trò của ảnh đều yêu quý anh, mà không chỉ vì anh không đánh chúng bằng thước kẻ như những giáo viên khác. Chúng kính trọng anh, mấy chị biết không, vì anh ấy tôn trọng chúng. Ảnh tuyệt lắm.”

Má rất thích kể chuyện bà tỏ tình với ba như thế nào.
“Hồi đó tôi 16 tuổi, còn ảnh 19. Gia đình hai đứa sống cạnh nhau ở tỉnh Panjshir. Tôi mê ảnh lắm. Tôi hay trèo tường giữa hai nhà, và hai đứa thường chơi trong khu vườn cây ăn trái nhà anh. Lúc nào anh Hakim cũng sợ ba tôi bắt gặp rồi tát tai anh. “Ba em sẽ cho tôi ăn bạt tai,” anh cứ nói hoài. Tánh anh thận trọng, nghiêm trang lắm, hồi nào tới giờ. Rồi một hôm tôi bảo anh “Anh ơi, bây giờ sao nè? Anh muốn hỏi cưới em hay anh muốn tới coi mắt em trước? Tôi nói toạc ra như vậy đó. Mấy chị phải thấy cái mặt của ảnh lúc đó!”

Má vỗ tay đánh đét trong khi mấy bà, và cả Laila, bật cười to.

Nghe má kể những chuyện này, Laila biết đã có một thời má luôn nhắc đến ba như thế đó. Cái thời ba má chưa ngủ riêng phòng. Laila ước phải chi có nó vào những thời điểm đó.

Hẳn nhiên câu chuyện tỏ tình của má sẽ đưa đến chuyện mai mối. Khi đất nước A Phú Hãn được giải phóng khỏi tay Liên Xô và các chàng trai trở về, chắc chắn họ sẽ phải cưới vợ, và cứ thế các cô gái trong xóm, từng người một sẽ được mấy bà hàng xóm đưa ra duyệt xem cô nào xứng, cô nào không xứng với Akmad và Noor. Laila luôn cảm thấy mình bị loại ra khi câu chuyện chuyển qua đề tài hai anh nó, như thể các bà đang bàn tán về cuốn phim họ thích, mà chỉ có mình nó là chưa coi. Lúc hai anh Ahmad và Noor rời Kabul để đi Panjshir ở miền Bắc, tham gia lực lượng của chỉ huy trưởng Ahmad Shah Massoud trong cuộc thánh chiến, Laila mới có hai tuổi.

Hầu như nó chẳng nhớ gì về hai anh nó. Cái mặt dây chuyền Allah sáng bóng trên cổ của anh Ahmad. Một nhúm lông đen trong tai anh Noor. Chỉ thế thôi.

“Cô bé Azita thì sao?”
“Con gái của người thợ dệt thảm?” má nói và vỗ nhẹ lên má ra vẻ bất bình. “Cô ta có ria mép còn dày hơn anh Hakim nữa!”
“Còn cô Anahita nữa. Nghe nói cô ta học giỏi nhất lớp ở trường Zarghoona đó.”
“Mấy người đã thấy hàm răng của cô ta chưa? Bia mộ đó. Cả một cái nghĩa trang dấu sau đôi môi của cô ta.”
“Còn hai chị em Wahidi thì sao?”
“Hai người lùn đó hả? Không, không, không. Không xứng với con tôi, với hai ông hoàng của tôi đâu. Con tôi phải được hơn chứ.”

Mặc cho câu chuyện tiếp nối, Laila thả hồn lan man, để rồi cũng như mọi khi, dừng lại ở Tariq.

Má nó đã đóng cái màn cửa sổ màu vàng vọt. Trong bóng tối, căn phòng nặng đủ thứ mùi: mùi ngủ, mùi chăn mền chưa giặt, mồ hôi, vớ dơ, nước hoa, bữa ăn còn thừa tối qua. Laila chờ cho mắt nó quen với bóng tối rồi mới bước vô. Vậy mà chân nó vẫn vướng vô áo quần nằm vương vãi trên sàn.

Laila kéo tấm màn mở ra. Ở phía chân giường có một cái ghế xếp cũ bằng kim loại. Laila ngồi lên đó và theo dõi cái đống bất động đắp mền là má nó.

Vách tưòng trong phòng má dán đầy hình của Ahmad và Noor. Nhìn chỗ nào, Laila cũng thấy có hai người lạ cười với nó. Này là hình anh Noor đang chạy xe ba bánh. Này là hình anh Ahmad đang đọc kinh, đứng bên cạnh cái đồng hồ mặt trời mà ba nó và anh đã làm lúc anh 12 tuổi. Và kia  là hình hai anh nó ngồi đâu lưng nhau dưới gốc cây lê già ngoài sân.

Dưới gầm giường, Laila trông thấy một góc cái hộp giầy của Ahmad lòi ra. Thỉnh thoảng má có lấy ra cho nó coi những mẫu báo cắt đã cũ, nhầu nát và những bích chương không biết làm cách nào Ahmad đã thu thập được từ những nhóm phiến loạn và các tổ chức kháng chiến có trụ sở chính ở Pakistan. Trong một bức ảnh, Laila còn nhớ, là cảnh một người đàn ông mặc áo choàng dài màu trắng đưa cây kẹo mút cho một thằng bé cụt chân. Dưới bức ảnh có ghi câu chú thích: Trẻ em là nạn nhân đối tượng của chiến dịch gài mìn của Liên Xô. Bài báo viết tiếp rằng Liên Xô cũng thích giấu chất nổ bên trong đồ chơi màu sặc sỡ. Nếu đứa trẻ nhặt nó lên, món đồ chơi sẽ nổ tung và xé mất ngón tay hay cả một bàn tay của đứa bé. Người cha, khi đó, sẽ không thể đi theo để tham gia cuộc thánh chiến, vì phải ở nhà lo cho đứa con. Trong một bài báo khác, cũng trong hộp của Ahmad, thì một anh khánh chiến quân trẻ nói Liên Xô đã thả hơi ngạt xuống làng của anh ta khiến dân làng bị phỏng và mù. Anh ta nói đã thấy mẹ và chị của anh chạy tìm suối nước trong khi ho ra máu.

“Má ơi.”

Cái đống hơi nhúc nhích và phát ra tiếng rên.

“Dậy đi má. Ba giờ rồi.”

Lại một tiếng rên, một bàn tay thò ra như kính tiềm vọng của tàu ngầm xé mặt nước trồi lên, rồi lại buông thỏng xuống. Lần này, cái đống đó cử động rõ hơn. Sau đó là tiếng chăn mền sột soạt. Chầm chậm, từ từ, má nó dần dần xuất hiện: đầu tiên mái tóc rối bù, tới khuôn mặt trắng nhăn nhó, hai mắt nhắm híp vì ánh sáng, rồi một bàn tay sờ soạng tìm đầu giường, và khăn trải giường bị kéo lệch vì má kéo người ngồi dậy, miệng càu nhàu. Má cố gắng nhìn lên, bà nhăn mặt vì bị chói ánh sáng và gục đầu xuống.

“Con đi học thế nào?” bà lầm bầm.

Luôn luôn bắt đầu như thế. Những câu hỏi bắt buộc, những câu trả lời chiếu lệ. Hai bên đều giả vờ. Cả hai người đều hờ hững trong vũ điệu cũ mèm và mệt mỏi này.

“Vui,” Laila trả lời.
“Có học được gì không?”
“Bình thường.”
“Con ăn chưa?”
“Rồi.”
“Tốt.”

Má nó lại ngẩng đầu lên về phía cửa sổ. Bà nhăn mặt và chớp chớp hai mí mắt. Mặt bà phía bên phải đỏ ửng, tóc bên đó bẹp dí.

“Má bị nhức đầu.”
“Con lấy thuốc aspirin cho má uống nhe?”

Má nó đưa tay xoa hai bên thái dương. “Ðể lát nữa đi. Ba con về chưa?”
“Mới ba giờ mà.”
“Ừ, đúng rồi. Hồi nãy con nói rồi.” Má ngáp. “Má vừa nằm mơ,” giọng của bà chỉ lớn hơn tiếng sột soạt của chiếc áo ngủ cạ vô chăn mền chút xíu. “Mới đây thôi, trước khi con bước vô. Nhưng má không nhớ gì hết. Có khi nào xẩy ra cho con không?”
“Xẩy ra cho tất cả mọi người, má à.”
“Lạ thật,”
“Con muốn nói cho má biết là trong khi má nằm mơ thì có một thằng nhỏ bắn nước đái lên tóc con.”
“Bắn gì? Cái gì vậy? Má không nghe.”
“Nước đái. Nước tiểu.”
“Kinh khủng thật. Tội nghiệp cho con. Ðể sáng mai, má sẽ nói chuyện ngay với nó. Hay là với má nó. Ừ, đúng rồi, má nghĩ tốt hơn nên nói chuyện với má nó.”
“Con chưa nói má biết đứa nào mà.”
“Ồ. Thế đứa nào vậy?”
“Thôi bỏ đi.”
“Con giận rồi.”
“Ðáng lẽ má phải đến đón con.”

Má cất giọng khàn khàn. Laila không nghe rõ đó có phải là một câu hỏi hay không. Má nó bắt đầu bức tóc. Ðây phải nói là một trong những điều bí ẩn lớn của cuộc sống, bởi Laila không tài nào hiểu được tại sao má nó bức tóc như thế mà đầu của bà không bị sói trọc lóc như quả trứng.

“Thế còn… Bạn con đó, tên gì nhỉ, Tariq? Ðúng rồi, anh chàng đó sao không đến đón con?”
“Ảnh đi xa cả tuần nay rồi.”
“Thế à.” Má thở dài qua mũi. “Con tắm chưa?”
“Rồi.”
“Vậy con sạch sẽ rồi.” Má đưa mắt nhìn ra cửa sổ. “Con sạch sẽ rồi, thì mọi chuyện đều tốt đẹp.”

Laila đứng lên. “Con phải đi làm bài đây.”

“Ừ, phải rồi. Ðóng màn cửa sổ lại trước khi đi, nhe con,” má bảo, giọng nhỏ dần. Người bà lại chìm mất dưới lớp chăn mền.

Lúc Laila đưa tay kéo màn cửa, nó thấy một chiếc xe chạy ngang qua, mang theo một đám bụi phía sau. Ðó là chiếc xe hơi hiệu Benz mầu xanh lơ mang bảng số của Herat. Nó đưa mắt nhìn theo mãi cho tới khi chiếc xe với cái kính sau lấp lánh trong ánh nắng, biến mất sau ngõ rẽ.

“Ngày mai má không quên nữa đâu,” nó nghe tiếng má phía sau lưng. “Má hứa.”
“Hôm qua má cũng nói như thế.”
“Con không biết đâu, Laila.”
“Biết gì?” Laila quay người lại để đối diện má nó. “Con không biết gì?”

Bàn tay của má nó chầm chậm đưa lên ngực, khẽ vỗ vỗ. “Trong đây nè. Cái ở trong đây nè.” Rồi buông thõng xuống. “Con không thể nào biết được đâu.”   

(còn tiếp) 

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2018