SỐ 78 - THÁNG 4 NĂM 2018

 

phiếm du

Tôi thường nghĩ, lớp người sáu bảy bó như tôi, ai cũng có tình cảm vui buồn về những dự tính, việc phải làm để chuẩn bị cho lúc hồi hưu mà chúng ta vẫn thường gán cho cái (Mỹ) từ nghe tới ai cũng muốn nhảy nhổm nếu đang làm việc cho công ty lớn. Downsizing.

Ba năm trước, trận bão tuyết thổi qua Song Thành vào giữa tháng Năm đã là giọt nước làm tràn ly. Bầu bạn vùng ấm vui mừng hay tin vợ chồng người tuyết chúng tôi quyết định chèo chống xuôi Nam khi tới ngày “tơi nón” về vườn.
Vài tháng sau chúng tôi đứng giữa khoảnh vườn xinh ngập nắng của ngôi nhà nhỏ nhắn vừa ký mỏi tay mua để đó chờ hưu. Lần đầu tiên vợ chồng cùng nhắc tới chữ “downsizing” khi nghĩ tới ngày phải từ giã ngôi nhà gia đình đang vui sống từ nhiều năm qua trên “nóc nhà băng giá” của nước Mỹ.

Thời gian đó tôi thường suy tính đắn đo, chờ gom vài ba việc vào một chuyến trước khi quyết định leo cầu thang lên tầng trên. Riết rồi đưa tới thói quen, hay “bày ra cái tật” như lời vợ tôi, đi làm về không chịu lên phòng thay áo mà chỉ treo vắt lung tung ở tầng dưới chờ giờ đi ngủ mang lên luôn thể. Bả vừa “tha” mớ áo quần lên lầu vừa càu nhàu. Trông tới sang năm, ở nhà trệt cho ông khỏi có lý do đổ thừa.

Lần đầu tiên sau hơn nửa đời người sống ở Mỹ, chúng tôi mở garage sale sau mấy tuần bận rộn chuẩn bị. Lúc đầu tôi nghĩ cứ thẩy đại mấy món đồ không xài ra garage là xong, thế mà hóa ra khó không ngờ. Nhiều lần cầm một món đồ cũ trên tay, vợ chồng quên lửng chuyện đang làm mải mê nhớ về những nơi chốn đã đi qua, về tháng ngày còn xuân trẻ trên vùng đất mới. Con cái sinh ra, lớn lên, thành toại, bay xa, rồi gầy dựng gia đình cho riêng chúng. Vòng luân sinh hạnh phúc mang đầy kỷ niệm, cho nên có khi một món đồ tưởng nhỏ bé tầm thường chợt quý báu như có giác bạc giác vàng.

Tôi vẫn cho là mình không đến nỗi vụng tay lắm nhưng đành phải thú nhận mỗi lần cầm tới kềm búa là “không có máu không lấy tiền”. Lựa soạn đống vật dụng lỉnh kỉnh trong nhà, có lúc vợ chồng sực đứng cười huề với nhau lúc nhớ lại hoạt cảnh bà khuân ra ông vác vô hay ông bưng ra bà xách vô. Cuối cùng thì mớ máy móc dây nhợ của tôi, có cái còn trong hộp, cũng nằm yên vị trên bàn chờ nhập cuộc hoán luân cùng với cái máy may mà nhà tôi suốt thời gian xấp xỉ ba mươi năm đã họa hoằn mang ra xài tới… hai ba lần chi đó.

Garage mở rộng cửa, gió lùa vào lành lạnh. Tôi nhìn theo cặp vợ chồng trẻ nắm tay nhau bước ra xe, cùng vui mừng đắc ý tìm được món cần thiết cho con còn nằm trong bụng mẹ.

Lá phong rụng vàng theo bước chân. Vịt trời quang quác từng đàn bay về phương Nam. Mùa Thu của đất trời đang trở về. Mùa thu của đời người sinh lão đang tới. Từng cánh lá bịn rịn rời cành… Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông (Tỳ Bà – Bích Khê)

Phải chăng bởi tương tư mà lá vàng rụng rơi từng cánh, hay chính từng chiếc lá rơi đã mang theo mối cảm hoài của người mà trải giăng theo ngọn thu phong…Tương tư hoàng lạc diệp (Ký viễn – Lý Bạch). Lòng bàng hoàng câu thơ cổ…Ngô đồng nhất diệp lạc. Thiên hạ cộng tri thu. Ngô đồng một chiếc lá rơi. Người người đã biết mùa Thu đang về. Người của đời nay và bảng lảng bóng người thơ buổi Thịnh Đường xưa.

Quế phách sơ sinh thu lộ vi
Khinh la dĩ bạc vị canh y
Ngân tranh dạ cửu ân tình lộng
Tâm khiếp không phòng bất nhẩn quy (Thu dạ khúc - Vương Duy)

Sương thu lãng đãng trăng non
Phai màu lụa mỏng áo còn chưa thay
Đàn tranh thoảng khúc đêm nay
Phòng không ngần ngại chẳng quay gót về

Mùa Đông ở xứ Vạn Hồ (Minnesota) càng năm tới càng sớm hơn. Thế mà mỗi sớm đi làm lái xe qua chiếc cầu tê cóng vắt qua vùng sông Tịnh Thủy (Stillwater) băng tuyết đọng không trôi, lòng tôi lại bâng khuâng với ý nghĩ đây là mùa đông cuối trước khi hồi hưu về vùng nắng ấm.

Vợ chồng sắp đặt chuyện nhà cửa bán mua với đủ chuyện buồn vui. Mừng tìm ra được ngôi nhà trệt có vườn nhỏ ưa ý, gần gũi bạn bè. Lo không bán được nhà lớn, sợ vườn sau dọn tỉa quá công phu vợ chồng vẫn tự hào từ bao năm nay có thể trở thành lý do “turn off” người mua. Rồi nhà cũng bán được. Vợ chồng mừng có người thích vườn tược mua nhà, cây cảnh sẽ có người chăm bón không bị héo úa, chết tàn.

Giờ thì một cảnh hai quê, đến mùa hè sang năm tôi mới về hưu. Vợ tôi từ vùng trốn tuyết thì thấp thỏm nhớ cháu ngoại, luôn “kiếm chuyện” để đi thăm cháu. Bé Aidan vừa tròn tuổi, lăn bò như vụ, chập chững biết đi. Anh chàng đã hết sợ lúc ngồi trên ngựa gỗ, bắt đầu tập nhún nhẩy mồm hét la thích thú. Con ngựa gỗ hơn trăm tuổi được tiền nhân bên nội của Aidan mang theo từ những ngày đầu di dân vào đất Mỹ. Tôi nghĩ tới hồn phách của ông già người Irish gác ngọn hải đăng trên Martha Vineyard lúc ông “nhìn” đứa chắt mấy đời đang vui đùa cỡi con ngưa gỗ ông tự tay làm lúc còn ở cố quốc. Tôi nhớ tới mẹ của Aidan còn nằm trong bụng mẹ thời gian chúng tôi vừa vượt biển, còn ở trại tị nạn chờ ngày định cư. Tất cả đã phôi thai, bắt đầu từ lòng tin yêu hi vọng về tương lai của mỗi đời người. Điều còn lại là duyên phận. Và bao điều tương đối lắm khi chẳng mấy hiển nhiên.

Một lần tôi lái xe cả ngày dài từ rạng sớm đến đêm, xuống nhà mới “dọn ổ trốn tuyết” cho vợ. Bạn bè tới thăm nom, chuyện trò vui vẻ. Một anh bạn cho biết vừa sắm một condo nhỏ nghỉ Đông dưới Phố Mặt Trời (Sun City, Florida) để khi nào trên này lạnh quá thì chạy xuống dưới đó trốn. Tôi nhìn ra vườn sau, bầy chim hồng y, chim sẻ bay chuyền trong dãy hoa trà thấp thoáng những nụ hoa tím hường. Bầy chim thiên di từ miền Bắc xuống thì thảnh thơi trong nắng ấm, nhưng những con chim nhại-tiếng (mockingbird) biểu tượng của tiểu bang này thì chẳng buồn cất giọng hình như chúng cảm được hơi giá đang len lấn trong từng làn gió nhẹ lay đưa những nụ cúc vàng. Tôi thầm nghĩ, có lẽ mình đã ở lại một nơi quá lâu.

Trận tuyết cuối tuần rơi vào buổi chiều. Từ căn phòng nhỏ nơi tôi tạm trú, tuyết giăng rơi trắng bên ngoài khung cửa kính. Người bạn chủ nhà trong áo quần mùa đông dày ấm đang chậm rãi bước sau chiếc máy thổi tuyết. Tôi nhớ lại lúc chuyện trò trước khi anh khởi động chiếc máy xúc tuyết.

- Tuyết rơi đều như thế này chắc sau lần này tao phải chạy thêm một pass nữa trước khi đi ngủ, chứ không thì sáng mai tuyết lại phủ tới tai.

Tôi đùa với anh ta.

- Nếu mày cần giúp thì năn nỉ, chứ tao không tình nguyện đâu.

Người bạn nhìn tôi, cười lớn.

- I’m not ! Short timer!

Tôi pha ly trà gừng, khoác lên người chiếc áo mùa đông, mở cửa bước ra trao cho bạn ly nước ấm. Tôi ngẩng mặt nhìn trời, hít sâu vào lồng ngực làn không khí lạnh dòn quen thuộc.
Bạn trao lại cho tôi cái ly uống cạn.

- Mùa đông sang năm tao chắc mày sẽ nhớ nàng Bạch Tuyết như điên. Lúc đó mày muốn lên chơi thì năn nỉ chứ tao không mời đâu.
- Hay là, nếu vợ chồng mày chịu lạnh hết nỗi thì xuống tụi tao. Anytime, man!

Vợ người bạn đang lúi húi thay thức ăn cho chim trời, ngẩng đầu nhìn tôi tán đồng.

- Ý kiến đó không tệ đâu. Với cái đà lạnh và tuyết như thế này, có thể tôi sẽ bay xuống dưới đó sớm. Hai đứa tui trốn tuyết dưới đó, nhường trên này cho hai ông tướng tha hồ xúc tuyết.

Mùi bánh nướng từ bếp tỏa hương quế nồng nàn. Tôi bỗng thèm chi lạ miếng chả giò vàng ửng vừa lấy ra khỏi nồi chiên dòn tan, béo ngậy.

Buổi sáng thức dậy ngồi nhìn ra khoảnh vườn loáng thoáng trời xanh sau tàng lá rậm, tôi nhớ ra tháng ngày hưu trí của mình nơi căn nhà mới vừa sè sẹ kéo nhau qua mùa Đông đầu tiên không tuyết lạnh sắt se. Mỗi ngày chừng như qua đi rất vội lúc nào chẳng hay. Nhà tôi cười mỗi lần nghe chồng ca cẩm về những bận rộn không cần thiết, nhiều khi vô cớ cứ dồn tới.

Tôi ngước nhìn ánh nắng đầu ngày chiếu xiên qua rặng dương lá chắn xanh rì, lòng bồn chồn với ý niệm thời gian qua mau. Khóm hoa thục quỳ góc vườn nhả hoa vàng như nắng rớt. Hay chỉ là chút vàng phai của ngày sắp sửa đi qua?

Ngày sẽ hết tôi sẽ không ở lại.
Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu... (Bùi Giáng)

Mùa của đất trời trôi qua, và qua đi những người thân quen nối nhau chìm khuất mùa đời.

Ông thầy cũ dạy Toán thời trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng, cũng là thi sĩ Trần Hoan Trinh qua đời. Ông đã ngàn năm ở lại với phấn trắng bảng đen, với sân trường lá rụng.

Cho ta hóa đá sân trường
Để mai sau vẫn vui buồn bên em

Thôi đành mượn thơ thầy khóc bạn năm nào để tiễn biệt thầy về chốn bình an.

Ngươi đã đi, mai ta sẽ đi!
Trần gian này sinh ký tử qui

Bạn bè xưa ấy còn bao đứa !?
Thôi hẹn THIÊN ĐƯỜNG ngộ cố tri

Thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn qua hết đời mình ở Phan Thiết. Những dòng thơ khinh bạc của tháng ngày chinh chiến cũ vẫn còn đây mà hồn thơ đã theo về cát bụi. Vào những năm còn chiến tranh, ở Miền Nam có người đã ví von Bùi Giáng, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Đức Sơn là “Tứ trụ thi ca”. Với tôi Nguyễn Bắc Sơn nên được đưa vào, thêm chân cho phong phú vững chãi hơn nền thi ca đầy nhân chủ sáng tạo miền Nam.

Mai ta đụng trận ta còn sống
Về đến sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui…

Tháng Giêng ngồi quán quán thu phong
Gió Nhạn Môn Quan thổi chạnh lòng
Chuyện cũ nghe đau lòng tứ xứ
Thương Kiều Phong, nhớ tiếc Kiều Phong…

Mắt người như cánh hoa sen xanh
Mắt của rừng mai mắt của tình
Một sáng ta về ngây ngất nhớ
Âm thầm thu phát những âm thanh…

Ý nghĩ về thơ ca miền Nam như sóng kỷ niệm mang mang vang vọng tiếng triều dâng của dòng sông lưu lạc quê nhà. Dòng sông trôi cuốn trả cơn mơ bất tận kiếp người về lại với cảnh đời dâu bể

Giòng nước bạc giòng sông trôi theo dõi.
Cuối chân trời hình bóng một chân mây.
Đời xiêu đổ nguồn xưa anh trở lại.
Giữa hư vô em giữ nhé chừng này... (Bùi Giáng)

Giữ hư vô tịch mịch biết nơi đâu là nguồn xưa cội cũ. Con mắt chiêm bao của chàng thi sĩ đã bừng lên con nước bạc lênh đênh. Hồn thơ người tự bao giờ vẫn mãi là dòng sông chảy giữa hư vô. Và thế đó, những hồn thơ rợp bóng Đông Tây đã có lần gặp gỡ bên nguồn nước uyên nguyên. Chàng thanh niên Langston Hughes đứng bên bờ Mississipi nhìn thấy dòng nước ngập phù sa chợt rực vàng dưới ánh tà dương để rồi cảm thấy linh hồn mình cũng trở nên sâu thẳm như sông.

Chàng biết rõ những dòng sông. Những cánh đồng bông trắng, tiếng hát đen ru đời nô lệ, tiếng kèn nấc nghẹn bên bờ New Orleans, túp lều của chú Tom rệu rã cuối dòng.

I've known rivers
I've known rivers ancient as the world and older than the
 flow of human blood in human veins.
My soul has grown deep like the rivers...

I heard the singing of the Mississippi when Abe Lincoln
 went down to New Orleans, and I've seen its muddy
 bosom turn all golden in the sunset.

Đất trời quê mới Georgia đang chuyển mình qua Xuân ấm áp, thế mà ở Song Thành quê cũ người thân quen gọi than vãn tuyết vẫn còn rơi dồn trắng xóa. Trên “phố rùm” nhóm bạn HQ ơi ới hẹn nhau gặp mặt ở D.C. ngắm hoa đào nở.
Buổi sáng Starbuck, ngồi ngoài trời nhâm nhi cà phê với bạn bè tôi thường hồi tưởng những sớm Minnesota lạnh cóng vội vã thổi tuyết dọn lối lái xe chuẩn bị đi làm. Có lần dừng tay nghỉ mệt, đứng nhìn cây đào trơ cành khẳng khiu còn ngập trong tuyết mà vẩn vơ về nỗi vui mỗi mùa sang nhìn được nụ hoa đầu. Có lẽ chẳng khác chi nhau về nỗi vui rộn ràng lúc bạn bè ngắm nhìn cả rừng hoa đào rực rỡ đất trời kinh đô hay lúc tôi e dè săm soi chỉ vài nụ e ấp hiếm hoi trên cành còn tuyết đọng.

Có lần nhà thơ trưởng bối Cung Trầm Tưởng ghé nhà (cũ) chơi đã trầm trồ khen. Ở trên này mà cậu trồng được đào nở hoa thì hay quá! Câu chuyện theo chiều, chúng tôi nhắc tới những nhà văn, nhà thơ trưởng thượng khác đã như chim trốn tuyết bay hết về xứ ấm. Chỉ còn lại mình ông như hình ảnh của cánh hoa đào trên tuyết. Lẻ loi chăng? Hay chính là tấm lòng an nhiên tự tại của một hồn thơ...“Đêm qua sân trước một cành mai”, tiếng ếch bên tai, tiếng gọi đò bên sông, cô em mọi nhỏ, ga tàu đèn phố…hình ảnh tưởng hoang mang sương sớm, hoang dã nương rừng, mờ mịt đêm thâu lại là bờ giác bến ngộ mà người thơ như Mãn Giác Thiền Sư, Trần Tế Xương, Bùi Giáng, Cung Trầm Tưởng… đã nghe ra tiếng thầm của hữu thể xa xăm vô hình như “phận ta đang trôi im trên một dòng sông vô thường, liên miên tĩnh động” (CTT).

Đời người. Một hành trình thơ hơn sáu mươi năm. Bắt đầu từ Thượng du Bắc Việt 1948 với lời thơ lục bát kỷ hà nguyên vẹn.

Hồn tôi cái đĩa thầu thanh Tròn nguyên nét nhạc, trung thành ý ca. Đồ rề mi fa sol la…
Ngẫm từng âm điệu nghe ra chiều buồn

Lục bát thời “Sóng Đầu Dòng” của CTT đã miên man vỗ nhịp thường hằng mà theo như nhà thơ Viên Linh, nó đã vỗ cao tới đỉnh cô phong. “ Lục bát làm tới chỗ đó là tới chỗ Không Lộ hành Thiền tới đỉnh cô phong; giờ đây ta vẫn còn nghe một tiếng hú dài.” (VL)

Mưa rơi đêm lạnh Sài gòn
Mưa hay trời khóc đêm tròn tuổi tôi
Mưa hay trời cũng thế thôi
Đời nay biển lạnh mai bồi đất hoang
Hồn tu kín xứ đa mang
Chóng hao tâm thể, sớm vào lượng xuân
Niềm tin tay trắng cơ bần
Cuối hoàng hôn lịm bóng thần tượng xưa
Đêm nay trời khóc trời mưa
Gió lùa ẩm mục trời đưa thu về
Trời hay thu khóc ủ ê
Cổ cao áo kín đi về đường tôi

Hành trình thơ dừng lại trên vùng đất lưu cư Song Thành, xứ Vạn Hồ với lời “Kết từ” vươn dài thành dòng thơ tám chữ. …

Hồng cất cánh từ chon von đỉnh gió
Vỗ dạt dào một chuyến viễn du xanh
Về chốn lứa hương ngon và trái ngọt,
Những cơn mưa ấm nhú mộng đời lành.
Kể từ đó trên phong nhiêu Trái Đất
Những mùa vàng ủ đợi cuối đường hoa.
Không gian xanh gió lộng nắng chan hòa
Giục giã bước người đi làm lịch sử. (Saint Paul, 2008)

Giữa cuộc hành trình, có khoảng thời gian hơn hai mươi năm đất nước cắt chia, nhà thơ CTT làm thơ bằng tay phải hoặc có lúc làm thơ bằng tay trái. Sau tháng Tư bảy lăm là hơn 10 năm tù ngục lưu đày, hai tay bị còng thì có “Lời Viết Hai Tay”. Dòng thơ nối tiếp theo thành “Bài Ca Níu Quan Tài” viết về “thảm họa mà người cộng sản VN đã gây cho chính dân tộc của nó trong hơn nửa thế kỷ qua”.

Thời gian cải tạo lao khổ khiến thơ CTT quánh màu hiện thực.

Áo tù thẫm máu đôi vai
Bàn chân nứa chém, vành tai gió lùa
Ngó tay bỗng thấy già nua
Cứa êm thân xác mấy mùa thu qua

Môi cằn, má hóp thịt da
Ngô vơi miệng chén, canh pha nước bùn
Ðêm nằm ruột rỗng vai run
Ðầu kề tiếng suối, chân đùn bóng đêm

Tuy thế lục bát CTT vẫn ngất ngưởng một giấc mộng đầy.

Sớm đi đội gió đỉnh đầu
Tưởng như hồn chết giữa vầu nứa khô
Ðường lên dang nứa nhấp nhô
Ngả nghiêng mây núi, lệch xô đất trời

Tâm thức thi ca mới trong ông vẽ ra hình ảnh “ Người thơ tù "cải tạo" bây giờ, một nạn nhân kiêm chứng nhân, nói lên tâm thức cộng đồng của những người tù cải tạo. Cái tâm thức sâu thẳm, lên men từ khổ đau, thúc trướng bởi bản năng tập quần, xúc tác ra một nhân gian thuần nhất, nền cộng hòa của những người anh em đồng cảnh, những người tù cùng khổ."

…Thế nên dẫu phải chân kìm kẹp
Tôi vẫn đi bằng lòng bỗng bay.
Vẫn cất hồn lên tìm ánh sáng
Xa vùng cát lún, bãi lầy sâu
Ðêm đêm thơ giống như cờ tưởng,
Bầy chữ tung tăng múa ở đầu.
Ngữ điệu ngân nga, vần réo rắt,
Nàng Thơ gióng trống giục ran lòng.
Đau thương mồi bén lên tư tưởng,
Thép đã tôi rồi, đố bẻ cong!
Nếu giữa cơn đau tôi ngã xuống,
Vết thương bầm tím máu hình hài,
Lòng tôi vẫn đứng không lùi nhượng,
Gối chẳng quì hàng, miệng chẳng khai… (Lời viết hai tay)

Thơ tù CTT chính là để tôn vinh Sự Sống như nhà thơ đã nói. “Thơ trong tù, một dòng thơ trực tiếp; một tiếng hát cất từ trái tim đến thẳng trái tim; một hàm ca xoáy sát đáy đời; một kinh cầu cho hồn ngoại đạo; một mò mẩm Khải Huyền. Một thách đố Thần Chết và tôn vinh Sự Sống”.

Rất đông trong số chúng ta, những người đang lứa tuổi mười sáu, mười bảy, đôi mươi vào nửa sau của thập niên sáu mươi, có lẽ vẫn còn nhớ tới “hiện tượng” Phạm Công Thiện. Các tác phẩm “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học”, “Yên lặng hố thẳm”, “Hố thẳm của tư tưởng”, “Mặt trời không bao giờ có thực”, “Ngày sinh của rắn”, “Trời tháng Tư”…của Phạm Công Thiện đã được chúng ta đón đọc nồng nhiệt, dù không hiểu hay chẳng bao nhiêu như một thời thượng. Những cô cậu học trò tràn ứ mộng mơ lãng mạn đã bị cái triết lý “hố thẳm” của “Ý thức mới” chiếm lĩnh, ngơ ngáo say giữa “Trời tháng Tư” để từ tâm hồn thấy “Bay đi những cơn mưa phùn”. Đọc. Đọc như một người mù sờ soạng những tượng hình xa lạ mà cảm mà say nên cứ đọc mải mê.

Lớp tuổi chúng ta lớn lên, chai lì, góp máu vào những mùa hè lửa đỏ, ngất ngư qua mười hai tháng mỗi năm trên từng chiến trường đẫm máu rừng cao núi thẳm. Bầy thanh niên của một thời phố xá chẳng còn nhớ chi tới trời tháng Tư của những ngày mới lớn, vay mượn suy tư, chán chường, phẫn nộ tìm thấy qua từng trang sách. Thế rồi cả thế hệ đã phải sống, phải chết điêu linh dưới một trời tháng Tư tai ương do tay người ruồng tới, ròng ròng máu lệ của cả một dân tộc. Bầy người ra đi, ở lại, điêu linh.

Sau này, có lần đọc lại những câu thơ trong “Ngày sinh của rắn” hay đoạn viết trong “Ý thức mới…” (lúc đã hiểu phần nào vị trí và tầm vóc thực sự của Henry Miller trong văn học Hoa Kỳ) tôi đã không thể ngăn cười với ý nghĩ hiểu được chết liền!

“...tôi giao cấu mặt trời sinh ra mặt trăng
tôi thủ dâm thượng đế sinh ra loài người
cho quê hương nằm ở nhà thương điên của trí nhớ
mặt trời có thai!
mặt trời có thai!
sinh cho tôi một đứa con trai mù mắt (PCT - Ngày sinh của rắn)

“Hãy đốt hết. Chỉ chừa lại những quyển sách của Henry Miller. Đốt hết và chỉ chừa Henry Miller. Hãy đọc Henry Miller đi. Mở rộng đôi mắt ra mà đọc. Mở rộng trái tim ra mà đọc. Khi đọc xong rồi thì đốt luôn Henry Miller. Đốt hết. Không chừa gì cả, đốt luôn cả trái tim lạnh lẽo của ta. Đốt luôn cả cuộc đời chật hẹp của ta… Cả thế giới sẽ ngùn ngụt lửa khói. Tất cả thư viện đều bốc cháy đỏ rực, tất cả những quyển sách của nhân loại sẽ thành tro bụi. Hỡi loài người, hãy cười ngất lên, hãy thức tỉnh, hãy đứng dậy, hãy dang hai tay lên trời, ngọn lửa thiêng của thế giới sẽ lan tràn khắp nơi. Khi tất cả những quyển sách của trần gian đã biến thành tro bụi; lúc bấy giờ, hỡi loài người, ta hãy đứng im lặng, trang trọng ngắm nhìn mây trắng bay về ngút trời xanh và lắng tai nghe tiếng chim kêu vang ca trái đất”…

Ý thức mới trong văn nghệ và triết học đã bị thiêu cháy rồi. Còn lại đây mấy dòng thơ hay, dễ cảm thụ, giản đơn mà say đắm hồn người:

Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông (Ngày Sinh Của Rắn, III)
Ðã đi rồi đã đi chưa
Thượng phương lụa trắng đong đưa giữa trời
Ðã đi mất hẳn đi rồi
Hạ phương tịch mịch trùng khơi phong kiều (trích từ bài thơ “Đi”)

Mười năm qua gió thổi đồi tây
Tôi long đong theo bóng chim gầy
Một sớm em về ru giấc ngủ
Bông trời bay trắng cả rừng cây
Gió thổi đồi tây hay đồi đông
Hiu hắt quê hương bến cỏ hồng
Trong mơ em vẫn còn bên cửa
Tôi đứng trên đồi mây trổ bông (trích từ Khúc thứ 8 thi phẩm “Ngày sinh của rắn”)

Mộng ở đầu cây mơ lá cây
Dòng sông ngừng chảy đợi mây bay
Kêu nhau nhỏ nhẹ sầu năm ấy
Chim hải hồ bay trắng tháng ngày (trích từ bài thơ “Thiên Sương”)

Tháng Ba trôi qua với những buổi sáng thức dậy trong lòng không vui, ngoài trời thì vẫn bằng bặc cơn mưa chờ xuân. Tháng Ba giỗ mẹ, lao xao bóng tiếng gia đình và bài vị mẹ chập chờn trên màn ảnh vi tính lúc anh em gọi nhau qua hệ thống Skype. Kỷ thuật hiện đại đã giúp kéo tình thân lại gần và cả nỗi dằn vặt hối tiếc nặng lòng.

Tháng Ba rơi theo hoa anh đào xứ Phù Tang như lệ hồng rơi trên giỗ chạp của nạn nhân cơn sóng thần khủng khiếp Fukushima. Bao kiếp phần tức tưởi vật vờ như ngàn vạn mãnh vỡ trôi giạt suốt mấy năm qua trên Thái Bình Dương xa tắp bến bờ.

Tháng Ba, hoa đào Washington nở nụ chào Xuân. Đón mừng người nhạc sĩ bị cầm tù trong nước vừa được sống đời tự do, người Việt hải ngoại xử dụng quyền công dân trên quê hương thứ hai của mình gióng cao tiếng nói đòi lại nhân quyền và toàn vẹn lãnh thổ cho quê hương ruột thịt chẳng thể xóa mờ trong tâm khảm.

Đọc bài báo viết về gia đình một vị tướng VNCH đã hoàn thành di nguyện của cha của chồng mang tro cốt ông về Việt Nam rải trên đỉnh đèo Hải Vân. Cuối cùng rồi anh đã về được với quê hương, bài báo kết luận. Tôi nhắm mắt mường tượng tới vùng núi biển hùng vĩ của ngọn đèo được mệnh danh là Đệ Nhất Hùng Quan, nghĩ tới sự nghiệp lẫy lừng của vị tướng tài rồi lòng cứ mãi bâng khuâng… Quê hương. Đường về quê hương, về quê hương. Chẳng thấy quê hương, chỉ thấy đường (Quang Dũng) Biết bao thanh niên nam nữ, kẻ sĩ nguy nan trong vòng quản thúc giam cầm vì văn thơ, tiếng nhạc đòi hỏi dân chủ đa nguyên và nhân quyền cùng sự toàn vẹn của giang sơn gấm vóc do tiền nhân để lại mà đảng CSVN cầm quyền đang để mất dần vào tay nước lớn phương Bắc. Họ là những kẻ bị lưu đày trên chính quê hương mình. Và lớp người kia, đám cai trị chóp bu trong lớp áo choàng đỏ lấp lánh sao thật ra là những tên cặp rằng lai căng xa lạ chẳng có quê hương.

Trời đang bước vào tháng Tư. Kỷ niệm của những giờ khắc, ngày tháng đổi đời lại bật máu tươi trong lòng lớp người Việt lưu vong vào độ tuổi xế chiều. Hãy chúc lành cho giấc mơ của những người lính già HO ngồi đánh cờ tướng trong thương xá Phước Lộc Thọ vào buổi sáng bên li trà đá đã tan. “Chế độ nào thì rồi cũng phải qua đi, nhưng đất nước muôn đời vẫn là đất nước mình”, hình như bà quả phụ của vị tướng đã nói như thế.


Phan thái Yên

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2018