SỐ 79 - THÁNG 7 NĂM 2018

 

trái đất tròn phải không ông

Tùy bút
Lương Mỹ Trang

Ông Bạn đồng môn của em,

Cuối cùng thì ông cũng lần theo những viên sỏi thơ văn của em ở dọc đường, ở đâu đó trên các nẻo internet để tìm ra em, kể từ lúc đọc một bài thơ về giòng sông quê nội ở xa lắc chúng ta hơn nửa vòng trái đất, giòng sông nơi ông sinh ra, và là nơi tắm mát tuổi thơ của em bao kỳ nghỉ hè rực nắng inh ỏi tiếng ve.

Ông và em đều là đồng môn của hai ngôi trường lớn có tiếng tốt về giáo dục, nơi đã đào tạo không biết bao nhiêu thế hệ nam nữ ưu tú cho giải đất miền Nam an lành trước năm 1975. Ông đã ngồi trước em hơn mười năm trên những chiếc bàn học trò khắc chi chít ngang dọc vết mực Parker, và suốt ba năm học sau cùng của cấp III, em cũng đã tựa tay, tì ngực, gối đầu… lên những chiếc bàn ấy nay đã lấm lem nét mực nguyên tử bơm từ những cây viết Bic tái tạo. Em sẽ không hậm hực vì phải gọi là ông chỉ vì ông là người cùng “học cải tạo cùng lớp tù với Nội của em”, em chỉ gọi là Ông Bạn vì chúng ta là những đồng môn chưa hề gặp nhau nhưng có quá nhiều mẫu số chung của những phận đời nghiệt ngã sau đoạn đường ông - người lính ngã ngựa - và em, chia tay với ngôi trường Nữ Trung Học để chuyển sang học ở một ngôi trường cấp III mang cái tên khác đè trên tên vị anh hùng Võ Tánh!

Nha Trang của chúng ta từ ngày bị trận cuồng phong đỏ cuốn trôi bao cuộc đời tan tác, ông vào trại tù mang caí mỹ danh cải tạo, em cũng từ biệt ngôi trường con gái, chuyển sang một ngôi trường khác, - ngôi trường cũ của ông- đã thay tên, đổi Hiệu Trưởng, phải làm quen với những từ ngữ mới lạ khô khốc, rắn đanh: “kiểm điểm, bình bầu, phấn đấu, khắc phục, quán triệt”… Ông hỏi em về ngôi trường xưa mà ông từng leo qua cửa sổ trốn học ư? Tường vôi vẫn cũ, bảng phấn như xưa, chỉ có giòng chữ trên đó là mang đầy chủ nghĩa cực đoan của kẻ chiến thắng, viên phấn không còn trắng mà nhuốm màu u uẩn buồn tênh, thầy cô, học trò tan tác như chim trời, có người còn trên bục giảng âm thầm làm tròn một chức danh không còn nguyên vẹn, đêm đêm đạp xích lô, bỏ mối bánh trái, buôn bán lẻ, làm đủ mọi ngành nghề không tên, có người đã đi xa, có người không còn nghiệp dĩ cầm phấn …. Cuộc sống bên ngoài cũng không khác chi bên trong trại tù Đồng Găng, A 30 nơi giam ông và đồng đội, cũng bương chải, cũng quyết liệt đối nghịch thù địch, cũng đắng chát hơn thua, cũng lặng lẽ lụi dần những ước mơ tươi đẹp vì cơm áo nặng gánh trên vai, vì những gọng kềm vô hình chung quanh.

Ông cũng như em, thuở non trẻ hẳn đã từng có trái tim hừng hực niềm tin vào những điều tốt lành, tin vào lòng tử tế một cách trong sáng, em nghiệm ra rằng khi chúng ta già dặn hơn, thì lòng ta càng rắn đanh lại một thứ hoài nghi bởi những bát nháo của cuộc đời sau buổi tan đàn xẻ nghé. Cũng như ông chỉ thấy lòng dửng dưng khô lạnh sau lúc về nhà từ trại giam, em cũng tập quen dần với những năm “ăn như Sư, ở như Phạm” của trường SP ngày ấy, để trở thành một cô giáo miền quê. Em vẫn luôn luôn có cảm giác bất an, cảm giác bị rình rập, ngay cả những lúc một mình, những lúc cô đơn, mà cô đơn thì luôn luôn bám chặt em, ngay cả khi em ở nơi chốn đông người, nơi mà từ ngữ “tập thể” bị lạm dụng hơn lúc nào hết. Chúng ta phải tập quen với những mâu thuẫn của cuộc sống, để cho sư hoài nghi nắm tay dẫn dắt chúng ta đi cùng những hoang mang về những điều rất bình dị của Quốc Văn Giáo Khoa Thư mà ta được học từ bé. Cũng rất may, trong đoạn đời lao đao khổ nhọc ấy, chúng ta vẫn còn những lời dạy dỗ mà chúng ta được thấm nhuần từ cha mẹ, thầy cô… Trong cơn bão thời cuộc, chúng ta có thể hãnh diện là không hề làm mất hào khí truyền thống của trường Võ Tánh, Huyền Trân… phải không ông?

Có ai đó đã nói: “Life is a song, sing it, life is a game, play it…” Chúng ta chưa kịp hát về cuộc đời, chưa kịp chơi những cuộc chơi công bằng với đời… thì cơn cuồng phong đã đẩy văng, xô đập chúng ta - những cánh chim áo trắng - tan tác đi tám hướng. Súng đạn chiến trường chưa kịp làm chai sạn hồn nhiên của chàng tuổi trẻ xếp bút nghiên theo việc kiếm cung, thì súng đạn dí sau lưng của nhà tù đã làm cho ông mòn mỏi một tương lai ở quê nhà, và em, đứa trẻ hồn hậu thay vì được học yêu thương, đã sớm phải nuốt cạn những bài học lừa dối và căm thù, đã bị đòn roi của sự phản trắc, ngộ nhận, bứt rời khỏi chốn chôn nhau.

Như số phận của “dằng co chiếc lá níu trời, rơi về đâu giữa bão đời rộng rinh ( QD) , em và ông (và bao nhiêu người nữa) - những chiếc lá rơi trong bão đời - khi ngồi ngóng những ngày đã mất, hay trong lúc làm việc, hội nhập theo đời sống mới, vẫn nhớ nhớ quên quên, quá khứ như con nước ròng lên xuống vào những mùa trăng cũ, chắc hẳn, ông cũng không ngờ được khi trái đất tròn để lại gặp những mối giây thân tình đứt nối nơi xa.

Đừng trách em, bởi cũng như ông, đã không hề trở về cố hương kể từ khi … nhất khứ, chúng ta vẫn… phục hoàn bằng rất nhiều hoài niệm khắc trên hòn sỏi văn chương. Tình quê đâu chỉ như cái nút bật tắt trong trái tim người máy, để khi đạp chân trên mảnh đất quê nhà, là sẽ sáng lên hai chữ nhớ quê và làm người. Bởi em biết rằng trong trái tim chưa mệt nhoài vì biển dâu lận đận, vẫn cháy lên màu vàng kiêu hãnh của một niềm tin không hề phôi pha, và em vẫn giữ cho mình sự chờ đợi dai dẳng của môt ngày thanh bình thật sự, sẽ được đẫm mình trong sóng mặn Nha Trang,

Em có một cõi nhớ quên cũng như ông, dành cho thành phố ngày xưa, dành cho những con đường êm mát bóng cây xà cừ, dẫu nó không còn nữa, đó cũng là sự thăng bằng đưa em đi qua rất nhiều chao đảo của cuộc sống, và dẫu cho bây giờ tâm hồn có bị trầy trụa, thương tích, thì đâu đó ở một góc tâm linh vẫn có hy vọng vào một ngày tươi sáng cho quê hương.

Cho dẫu ông hồ nghi về quả đất tròn, vì ông đã mất đi, thất lạc nhiều thứ, nhiều người thân, em cũng vẫn tin có một ngày nào đó, em sẽ gặp ông. Ngày ấy, chắc chắn em sẽ véo von kể chuyện vớt lục bình, câu cá rô đồng tiền trên giòng sông cháy nắng, kể chuyện những đêm mưa dầm tháng mười nằm nghe một tiếng rao quà xa xa mà rét tận đáy lòng, em sẽ kể về ngôi nhà thơ ấu ở đường Nhị Hà – căn nhà ngày xưa của gia đình ông - hoặc những trưa hiu hiu gió, thoảng mùi muối mặn, ớt cay từ miếng cóc vệ đường Duy Tân ngày cũ…

Em cũng sẽ không còn nghi ngờ trái đất hình vuông, hình bầu dục, hình chữ nhật… khiến cho chúng ta đi hoài vẫn không gặp những ngày xưa, mà em sẽ tin trái đất rất tròn, để có ngày nào đó, ta gặp lại kỷ niệm đã mất, gặp lại chính ta, phải không ông?

Cầu cho trái đất mãi tròn như những vòng xe đạp ngày cũ, để qua bao nhiêu chìm nổi, khóc cười, những người muôn năm cũ sẽ có lúc “…tung cánh chim tìm về tổ ấm…

Cầu nguyện cho mệnh nước nổi trôi của ngày hôm nay, sẽ chỉ là cơn ác mộng thê thảm đã qua của lịch sử, để cho em bắt đầu lại câu chuyện của phố biển, bằng những lời ngọt ngào… Ngày Xưa Ấy…

Em,
Lương Mỹ Trang

 

 

 

 

 

 

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2018